Việt Nam: Đàng Trong, Đàng Ngoài (5b)

Nguyễn Văn Lục

Tổng tấn Lê Văn Duyệt (1763 hay 1764–3 July 1832). Nguồn: OntheNetCó thể nói, nhà vua đã làm trái ngược với nước láng giềng Xiêm La. Sự trái ngược ấy thể hiện rõ rệt trong chính sách ưu tiên cho an ninh và ổn đinh như một sứ mệnh lịch sử: Thống nhất đất nước về mặt chính trị mà không quan tâm đến nhu cầu phát triển.

Sử Việt nhìn lại

Việt Nam: Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc giao thương buôn bán với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan

Đây là giai đoạn tương đối thuận lợi cho cả đôi bên mà chuyện thương mại là chính yếu.

Trước khi đề cập đến triều đình nhà Nguyễn, xin được trình bày sơ lược đến mối bang giao giữa Việt-Bồ (Portugal) trong thế kỷ XVIII.

Đây là những bước mở đầu cho việc giao thiệp giữa các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhưng nội bộ chính trị Việt Nam trong giai đoạn này phải nói là sự bất ổn. Nước đã phân đôi, luôn luôn dòm ngó nhau tạo ra sự chia cắt giữa Đàng Trong-Đàng Ngoài.

Lòng người ly tán. Có vua mà như thể không có vua vì không có thực quyền. Quyền hành ở trong nhà Chúa tất cả. Ngôi thứ đã không được sắp xếp phân minh mỗi khi cần giao thiệp với các người Bồ, người Tây Ban Nha.

Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ (NKN, đã qua đời) đã sưu tập được nhiều tài liệu trong giai đoạn này và được trình bày trong hai tập sách in mỏng. Đó là tập nhan đề Liên Lạc Việt Pháp – 1775-1820 Ghi chú rõ thêm là Nguyễn Vương và Giám Mục Adran; và tập Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII).

Theo tác giả NKN, nhờ sống ở một khu vực có nhiều di dân người Bồ cư ngụ tại thành phố Montreal mà ông đã thu tập được nhiều nguồn tư liệu đầu nguồn của Bồ Đào Nha tại các Văn khố ở Lisbon như sau:

  • Arquivo Historico Ultamarino. Lisbon
  • Arquivo Nacional da Tore do Tombo. Lisbon
  • Biblioteca da Ajuada Lisbon
  • Biblioteca National de Líbooa

Nhờ liên lạc được với bốn văn khố trên, tác giả NKN đã thu tập được khá nhiều tài liệu đầu nguồn bằng tiếng Bồ và cả tiếng Pháp. Chẳng hạn: Lesserteur E.C. Les premiers prêtres indigènes de l’église Tonkinoise. Lyon 1883 hoặc Louvet, L.C La Cochinchine religieuse, 2 tập, và nhiều tài liệu ghi năm cũng cho thấy cách làm việc nghiêm chỉnh của tác giả.

Và dĩ nhiên còn nhiều tập tài liệu khác nữa. Sau này, ai muốn tìm hiểu đầy đủ về giai đoạn này hẳn không thể không tra cứu tài liệu của NKN. Rất tiếc, công trinh nghiên cứu của ông bị bỏ dở dang khi tuổi đời của ông còn rất trẻ!

Hy vọng những tài liệu sử này được trao lại cho những người biết xử dụng hoặc được số hóa cho mọi người truy cập!

Nhưng điều quan trọng là nhờ tìm hiểu kỹ càng giai đoạn khởi đầu tiếp xúc giữa Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan cho thấy việc người Pháp sau này sang cai trị Việt Nam chỉ là một sự kiện lịch sử không tránh được và không nằm trong những toan tính chính trị của các thừa sai người Pháp.

Có nghĩa là giữa chính sách đi chiếm thuộc địa và chính sách truyền đạo không phải là hai xu hướng cộng hưởng – có cái này thì phải có cái kia.

Giả dụ nếu không có thừa sai – không có việc cấm đạo – thì không phải vì thế mà chính sách thuộc địa không được thi hành nếu nhìn ở bình diện quốc tế.

Trong suốt ba thế kỷ giao dịch quốc tế như thế – nhất là ở thế kỷ XVIII với các nước Phương Tây, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã học được bài học gì, đã lợi dụng được hiểu biết của họ về khoa học để phát triên đất nước như thế nào?

Nhiều câu chuyện truyền tích để lại trong giai đoạn này thật là đẹp. Người ta chẳng ai ngờ một Chúa Nguyễn Hoàng – người mở đầu cho cuộc Nam tiến – sau này cũng vào đạo Thiên Chúa giáo.

Câu chuyện tình giữa công Chúa Mai Hoa và một giáo sĩ Tây Ban Nha, Pedro Ordóñez de Cevallos vào cuối thế kỷ 16, được ghi lại trong cuốn “Viaje del Mundo”, do chính Pedro Ordonez De Ceballos viết năm 1614. Ở Quyển II, từ trang 7-24, ông thuật lại việc đến Việt Nam vào tháng 12, 1590 và việc chị của Hoàng đế Lê Anh Tông đã yêu và ngỏ lời cầu hôn; ông không thể nhận lời cầu hôn vì là giáo sĩ, nhưng đã rửa tội cho công chúa và đặt tên thánh cho bà là Maria — Maria Flora (Mai Hoa). Bà trở thanh một người theo Thiên Chúa giáo đầu tiên và đã trở thành nữ tu dòng kín đồng thời thành lập một tu viện. Giáo sĩ Pedro bị trục xuất khỏi Việt Nam để tránh hệ lụy ái tình của công chúa nhà Hậu Lê.

Pedro_Ordóñez_de_Cevallos. Nguoofn:  http://arbor.revistas.csic.es/index.php/arbor/article/viewFile/460/461
Lm. Pedro Ordonez de Cevallos. Nguồn: http://arbor.revistas.csic.es/index.php/arbor/article/viewFile/460/461

“II, 7-24: Momento cumbre del Viaje del mundo: llegada a Cochinchina (diciembre de 1590) y contacto directo con la reina y el tunquín, su hermano. Trato familiar con la reina, la cual se enamora de Ordóñez y le propone matrimonio. Él, como clérigo que es, no puede aceptarlo, pero la acaba convirtiendo al cristianismo y bautizándola con el nombre de María. Esta conversión es la primera de muchas otras que irán sucediéndose en cadena, hasta el punto de que la reina María funda un convento y se hace monja de clausura. Una antigua ley le obliga a Ordóñez a salir desterrado de la Cochinchina, por haber rechazado la mano de la reina (20 de enero de 1592, día de S. Sebastián).”(14)

Ngoài ra, còn nhiều giáo sĩ đã làm quan giúp các Chúa trong mọi công việc, từ việc thiên văn, địa lý, dạy toán học đến làm ngự y cho các Chúa. Giáo sĩ Joao Baptista Sanna giảng đạo ở Đàng Trong giúp Chúa Nguyễn Phúc Chu coi việc thiên văn, rồi nhiều giáo sĩ khác như các linh mục Koffler, Jean Siebert, Francois de Lima, Joseph Neugebauer, Slamenski, Savier de Monteiro, Jean de Loureiro, v.v.(15)

Tuy nhiên, các giáo sĩ vẫn không được tin dùng và đôi khi vẫn xảy ra việc bắt đạo như dưới thời Chúa Trịnh Tạc.

Trong đó có thầy Andrê là người tử đạo đầu tiên trên đất Việt Nam. Việc tử vì đạo hầu hết do sự hiểu lầm về việc thờ cúng tổ tiên giữa các giáo sĩ và chính quyền.

Theo tôi thật ra, có thể trong giai đoạn này, ngôn ngữ tiếng Pháp chưa được thông dụng nên có nhiều sự hiểu lầm không tránh được. Tiếng pháp có hai từ phân biệt rất chính xác là “adorer” và “vénérer”. Chữ “adorer” có nghĩa là sự tôn thờ. Thờ kính chỉ một Chúa Trời mà thôi. Còn chữ “vénérer” có nghĩa là tôn kính thì được dùng một cách rộng rãi hơn, áp dụng cho bậc vua chúa, cha mẹ hay người đã chết.

Như thế, việc quỳ hay vái trước bàn thờ tổ tiên – trên nguyên tắc – đều không có trở ngại gì. Như hiện nay, trong các nghi lễ tang ma, người theo đạo thường cũng bày tỏ sự tôn kinh bằng cách vái lạy, cúi đầu, ngay cả quỳ gối và không có gì là đi trái với lề luật đạo.

Trong khi nghĩa tiếng Việt dùng là làm con phải thờ kính cha mẹ thì nghĩa chữ thờ ở đây không hẳn bao hàm nghĩa của tôn giáo.

Người Nhật tôn thờ bái lậy trước thần linh thì nội dung ấy khác với việc cung kính bái lậy trước vua chúa hay trước bậc trưởng thượng.

Nhưng dù sao đi nữa thì sự việc cũng đã xảy ra và sự ngộ nhận không dễ gì tránh khỏi.

Và nếu hiểu sâu xa giáo lý Thiên Chúa giáo thì các giáo sĩ đi rao giảng thường không có một tham vọng trần thế nào.

Họ muốn đi cứu các linh hồn hơn là cái gì khác. Vì thế, họ chẳng những rao giảng tin mừng cho người dân Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các giáo sĩ còn can đảm hy sinh đi rao giảng cho các dân thiểu số mà nay sách vở của họ còn để lại.

Chẳng hạn, các cuốn La Mision des grands Plateaux do Michel de Saint-Pierre phát hành, tác giả là P. Dourisboure và C. Simonet. (M.E.P). Một cuốn khác theo nguyên tác nhan đề Les sauvages Bahnars, tác giả L.M Piere Dourisboure, Paris 1929. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Dân Làng Hồ – Bước đầu truyền giáo và khai phá miền Cao Nguyên Kon Tum, xuất bản Saigon 1972. Một cuốn nữa do nhà truyền giáo Jacques Dournes, Populations montagnards du Sud-Indochinois-, 1950, sau này được Nguyên Ngọc dịch ra tiếng Việt nhan đề Miền đất huyền ảo.

Đọc những tác phẩm này sẽ giải tỏa được những nghi ngờ về những âm mưu chính trị giữa việc truyền giáo và chế độ thực dân của Pháp.

Riêng năm 1665, có 43 tín đồ tử đạo.

Ba thế kỷ giao thương buôn bán với người Tây Phương hầu như không để lại một dấu ấn tích cực nào. Các Chúa Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài lo kèn cựa nhau và không một người nào trong số đó nghĩ đến việc dùng các vị truyền giáo để canh tân xứ sở.

Cái đáng tiếc nhất vẫn là ta thiếu những nhà lãnh đạo có hiểu biết và có cái nhìn xa về tương lai đất nước.

Trong suốt 300 năm Tây Phương giao thiệp buôn bán với nước ta, mưu toan xâm chiếm nước ta làm thuộc địa không mấy rõ ràng.

Hầu hết giới thương buôn chỉ nhằm mục đích bán được hàng rồi lại tiêp tục ra đi..Chỉ có một số giáo sĩ ở lại và đây cũng chính là cơ hội tốt để học hỏi ở nơi họ kiến thức khoa học đủ loại.

Chúng ta cùng nhau đọc một lá thư của Thượng Viện Ma Cao đã viết cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đọc thư này, người ta hiểu được tham vọng thuộc địa thật sự như thế nào? Nội dung lá thư như sau:

“Sự trung thành và giao hảo mà Quốc Gia Bồ luôn luôn chứng tỏ với Ngài, minh chứng rõ ràng lòng mong mỏi lớn lao là giữ được hòa bình chân thực và vĩnh cửu.

Vì lẽ đó, mỗi khi có dịp, chúng tôi đã cố làm lợi cho các bậc tiên vương.

Để cổ động cho những tiến bộ, võ cũng như văn, phương cách tốt nhất để giữ gìn an ninh cho quý quốc, chúng tôi dã nhiều lần dâng quý quốc những bậc tôn sư giỏi nhất của chúng tôi, ông thì dạy về toán học, ông thì chữa bệnh đã giúp ích nhiều cho quý quốc và được mọi người công nhận. Những vị này đã mất ở quý quốc, xa tổ quốc, để phục vụ cho sự tốt lành của quốc gia hải ngoại mà ngày nay quý quốc vẫn còn nhớ.

Chúng tôi cũng gửi sang một người biết nghệ thuật đúc đại bác, ông này đã đúc cho quý quốc những khẩu đại bác hoàn hảo, những võ khí, sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại bất cứ kẻ thù nào.

Với tất cả những việc trên, chúng tôi hãnh diện với các cha đang ở quý quốc, với lòng khoan dung của Ngài.

Về phần chúng tôi, chúng tôi không bao giờ chống đối hay lừa dối Quốc gia vĩ đại của Ngài vì chúng tôi luôn được dạy dỗ rằng phải rất mực trung thành và xa lánh sự vô ơn.

Nhưng chúng tôi được biết rằng các cha mới bị trục xuất khỏi quý quốc đã bị đối xử nghiêm khắc và bị coi như những kẻ lưu manh. Những tin này đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi xin Ngài bày tỏ lòng độ lượng, hòa giải sự lầm lẫn huyễn hoặc và lấy lại lòng khoan dung cũ đối với các cha này, cho phép họ lại quý quốc một lần nữa để đánh dấu mối giao hảo mà chúng tôi muốn giữ với Ngài. Sự trao đổi tốt đẹp này xứng đáng với lòng trung thành và biết ơn của chúng tôi. Cũng vì lý do trên, chúng tôi vẫn giao hảo với Hoàng đế Trung Hoa. Hoàng đế không ngớt ban chúng tôi những ân huệ.”(16)

Tôi đọc kỹ lá thư trên cho thấy từ lời lẽ đến nội dung, cách trình bày cho thấy sự hòa nhã, khiêm tốn của Người Bồ Đào Nha.

Vấn đề là chúng ta hoàn toàn không biết khai thác tài năng và sự hiểu biết của họ. Thật là quá uổng phí.

Nguyễn Ánh Gia Long: một triển vọng và một chính sách thực dụng trong việc giao tế với các nước phương Tây?

Giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, công bằng mà nói, sự kỳ vọng vào Nguyễn Ánh là điều hợp lý hơn cả. Triều đại Tây Sơn anh em chia rẽ nhau lại quá ngăn ngủi để có thể kết luận về một điều gì. Vì ít ra Nguyễn Ánh-Gia Long có tầm nhìn xa, trông rộng, biết dùng người, biết kiên nhẫn chịu đựng, có chí lớn.

Triều đại Tây Sơn, sau một số chiến công hiển hách cho thấy có sự ruỗng nát từ bên trong. Anh em tranh dành ngôi vị, cắt đất dành đật nhau.

Họ có thể giỏi về việc binh đao, nhưng về mặt khác thì chắc cần xét lại.

Chỉ cần đọc những trích dẫn các thư từ do các thừa sai viết trong giai đoạn này cho thấy dân chúng khốn khổ là dường nào: Hạn hán, mất mùa, đói kém, sưu cao thuế nặng, nạn cướp bóc khắp nơi, vua quan hà hiếp, tham nhũng bóc lột dân chúng.

Tây Sơn đã làm được gì? Phần Nguyễn Ánh sau khi đã thống nhất đất nước, ông đã làm được gì để đỡ nỗi khốn đốn cho dân chúng?

Nguyến Ánh hội đủ các điều kiện khách quan để thống nhất đất nước mà không ai khác có được.

Nhưng kể từ khi Nguyễn Ánh-Gia Long lên ngôi, sự trông chờ những thay đổi lớn về chính sách ngoại giao xem ra làm nhiều người thất vọng.

Người thất vọng lớn nhất là công thần Lê Văn Duyệt.

Có thể nói, nhà vua đã làm trái ngược với nước láng giềng Xiêm La. Sự trái ngược ấy thể hiện rõ rệt trong chính sách ưu tiên cho an ninh và ổn đinh như một sứ mệnh lịch sử: Thống nhất đất nước về mặt chính trị mà không quan tâm đến nhu cầu phát triển.

Các vua kế tiếp cũng tiếp nối đi theo con đường đó.

Mặc dầu cho đến đời Tự Đức mới thật sự mất nước, nhưng sự chọn lựa chính sách ngay từ ban đầu đã là khởi điểm cho sự mất nước sau này.

Sau đây, xin được trich thư của các thừa sai Ba Lê gửi về cho gia đình hoặc cho bạn bè cho thấy vua quan ít quan tâm đến đời sống người dân cũng như việc canh tân xứ sở:

“Dân chúng ở trong tình trạng thật lầm than. Vua quan làm mất lòng dân một cách làm cho dân rất bất mãn, chống đối. Công lý được mua chuộc bằng tiền bạc, người giàu có tha hồ tấn công người nghèo, vì họ biết trước có tiền là có công lý cho họ, đến nỗi tôi nhìn Nam Kỳ như một người bệnh đang lên cơn, một cơn có thể làm người bệnh chết hoặc đưa đến một thay đổi trong con bệnh.”(17)

Một lá thư khác được viết vào năm 1818- nghĩa là 16 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi- vào lúc cuối đời Gia Long của thừa sai Eyot đã ghi lại:

“Tôi sẽ nói gì về xứ sở đáng buồn này? Nó ở trong một tình trạng thê thảm. Cảnh lầm than lớn lao đến nỗi người nghèo và kẻ khó chỗ nào cũng có. Trộm cướp thì đầy rẫy. Chúng đốt phá, chúng quá mạnh nên các làng không thể kháng cự được..Nếu chúng không tấn công vào các đồn Các quan chống lại chúng thường bị thua nên không dám kháng cự. Nếu chúng không tấn công vào đồn do lính vua canh giữ thì các quan cứ để chúng qua lại tự do vì sợ chúng… Chính quyền gì lạ? Mọi sự vì đồng tiền: Kẻ nào cho nhiều tiền hơn cả là kẻ đó có lý, còn luật pháp công chính thì bị gác bỏ sang một bên. Hình như dân càng lầm than thì các quan càng tìm cách lợi dụng làm giàu. Vua thì chôn vàng bạc. còn các quan thì gửi về quê nhà những gì họ vơ vét được và họ có đủ mánh khóe để đạt tới mục tiêu trên: Chỉ họ giầu có, còn dân thì chết đói, nhưng điều đó có quan hệ gi đối với họ.”(18)

Nếu không nhờ những lá thư trên cho biết tình trạng khốn khổ của dân chúng, sử sách Việt liệu cho biết được gi? Ngoài sự ca tụng và che dấu sự thật?

Triều đình Nguyễn Ánh Gia Long còn theo đuổi chính sách vừa đóng vừa mở với các nước Phương Tây vì dù sao Nguyễn Ánh Gia Long không thể nào quên công của Bá Đa Lộc đã giúp nhà vua dành được chiến thắng cuối cùng.

Việc trình bày sắp xếp từng chi tiết, từng sự việc có liên quan đến Lê văn Duyệt-Minh Mạng giúp người đọc nắm được những vấn đề chinh trị trong triều đình, cái hay cái dở của họ.

Nhưng sang đến Minh Mạng thì tình trạng có thay đổi và mối liên hệ với người Pháp thêm tồi tệ.

Nhất là từ khi Lê Văn Duyệt qua đời, Minh Mạng rảnh tay.

Ông tính cả đến việc hài tội Lê Văn Duyệt cấu kết với địch.

Việc làm của Minh Mạng thật đáng trách. Thứ nhất là bất tuân lời di huấn của vua cha để lại không cấm đạo. Người ta còn nhớ rằng trước khi chết, trước mặt các đại thần như Phạm Đăng Hưng, cha của Từ Dũ Thái Hậu – tức ông ngoại của Tự Đức – và hoàng tộc, Gia Long đã nói rõ và dặn dò Minh Mạng là ba đạo Phật, Nho và Thiên Chúa giáo đều không được cấm.

Thứ hai việc kế vị Gia Long sau này trở thành một nghi án lịch sử.

Lúc bấy giờ có hai phe. Một phe ủng hộ Hoàng tử Đàm, con thứ của Nguyễn Ánh. Phe thứ hai, ủng hộ Hoàng tôn An Hòa, con trai trưởng của Đông Cung Cảnh.

Lê Văn Duyệt đứng về phe thứ hai. Sở dĩ như vậy vì trong việc Đức Thầy Vê Rô qua nước Lang Sa để cầu cứu nước Pháp có mang theo Hoàng Tử Cảnh – như vật làm con tin. Và để có người đi theo hầu Hoàng Tử Cảnh, Nguyễn Ánh có cắt cử Lê Văn Duyệt đi theo hầu.

Nói về Duyệt thì ông là một thái giám – 14 tuổi theo Nguyễn Ánh để hầu hạ. Ông có tật bẩm sinh, tật ẩn cung. Phải chăng đó là lý do ông được chỉ định làm thái giám?

Theo tờ báo Nam Kỳ Địa Phận, trong một bài viết của Pierre (An nam) nhan đề Tích Quan Tả Quân Lê Văn Duyệt có ghi nhận trong phái đoàn sang Pháp có thêm Lê Văn Duyệt.(19) Ông được chỉ định đi theo chăm sóc Hoàng Tử Cảnh, nhờ thế mà nảy sinh mối thân tình giữa Đông Cung và Duyệt như thể cha-con.

Ngày nay đọc lại lịch sử Việt Nam tôi nhận ra giai đoạn Minh Mạng-Lê Văn Duyệt, nó mở đầu cho một giai đoạn lịch sử đưa tới những ngã rẽ oan nghiệt cho những thế hệ sau này.

Trong “Hạnh Cha Minh và Lái Gẫm” đã kể lại việc cấm đạo thời Minh Mạng như sau:

“Thuở ấy là Minh Mạng thập tam niên, trước khi vua Gia Long băng hà, thì đã trối cùng thứ tử, ngày sau chớ khá cấm ba đạo trong cả nước là đạo Khổng Tử, đạo Phật và đạo Thiên Chúa, kẻo sinh bát loạn làm cho dân sự cùng vua quan phải gặp muôn đàng khốn khổ, lại e vua phải mất nước như mấy vua bắt đạo thời trước.

Xong Minh Mạng từ bé đã tích lòng hiềm khích với người Tây, mà khi đã tức vị, thì mơ ước một điều này mà thôi là noi theo các Hoàng Đế Nhật Bản, hầu phá cho tuyệt ‘Tà đạo Gia Tô’. Ít lâu trước khi lên ngôi thì vua ấy đã nói rằng: Mình ghét đạo Tây Dương lắm, mai sau tức vị thì sẽ cấm tuyệt đạo ấy, ai muốn giữ thì sang bên Tây mà giữ, mặc ý.”(20)

Bất đồng giữa Minh Mạng-Lê Văn Duyệt

Sự bất đồng giữa Lê Văn Duyệt-Lê Văn Khôi với Minh Mạng không chỉ giới hạn vào vấn đề kế vị ngôi vua mà còn mở ra hai đường lối chính sách ngoại giao: Một Lê Văn Duyệt, dù chỉ là một võ quan, ông lại có một chính sách ngoại giao thông thoáng, cởi mở, chấp nhận việc giao thương buôn bán với nước ngoài.

Vốn gốc nông dân, những việc làm của Duyệt cũng đậm nét dấu ấn ấy. Ngay sau khi lên ngôi năm 1802 thì Nguyễn

Ánh ra lệnh cho xây dựng thành quách kinh đô Huế.

Chỉ có mình Lê Văn Duyệt dám lên tiếng phản đối.

Trong tập Kỷ yếu kỷ niệm 200 năm Đức Tả quân có ghi lại như sau:

“Năm sau, Gia Long 2-1803, vua dạy phát động công việc kiến trúc kinh thành, bắt toàn thể ba quân khổ dịch. Thấy quân lính vừa buông giáo nghỉ tay thì bị bắt gánh đất khiêng cây, đào hào, đắp móng rất là cực nhọc, lại thường thiếu ăn, thiếu uông. Lê Công tấu thẳng với vua: Trước kia, tại Gia Định, bệ hạ hứa với tướng sĩ hễ khắc phục Phú Xuân thì lập tức cho giải ngũ, nghỉ ngơi. Nay kinh sư đã thâu hồi, Bắc Hà đã bình định mà binh sĩ thì hoặc phải đi thú trấn này ải nọ, hoặc phải gom về xây đắp kinh thành, tháng dập, năm dồn chẳng biết đến thế nào mới được về tụ hợp với gia đình. Như vậy thủ hỏi Tín lịnh của Triều Đình sẽ ra sao và lòng người Gia Định sẽ thế nào?”(21)

Thật sự mà nói, có thể Lê Văn Duyệt chủ trương mở cửa giao thương với nước ngoài chỉ là do kinh nghiệm bản thân. Ông từng sống một thời gian hơn hai năm ở Pondichéry, nhượng địa của Pháp, khi tháp tùng Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Ông hiểu sức mạnh của người Anh như thế nào. Nhưng kinh nghiệm ấy có đủ để một người ít học như ông đủ tầm nhìn bao quát về chính sách ngoại giao mở cửa?

Kinh nghiệm nước Nhật cho thấy họ cũng áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng, cũng cấm đạo và chỉ thực sự mở cửa từ năm 1854.

Nếu hạm đội Pháp bắn chìm Tầu của Thiệu Trị năm 1847 thì hạm đội Mỹ do đô đốc Perry chỉ huy tiến vào vịnh Tokyo, trao quốc thư của tổng thống Mỹ, đòi Nhật mở cửa biển buôn bán với nước ngoài. (Không đòi hỏi bỏ cấm đạo như Pháp, vì ở Nhật lúc ấy không còn một giáo sĩ thừa sai nào).

Nước Nhật chia làm hai phe. Phe chủ hòa bằng lòng với các đòi hỏi của Mỹ do Chúa Đức Xuyên ký thỏa ước mở cửa biển buôn bán với phương Tây. Năm sau Chúa Đức Xuyên cũng ký với Nga, Anh, Hòa Lan rồi Pháp các thỏa ước thương mại.

Quyền lợi thương mại được bảo đảm, các cường quốc để yên cho Nhật, nhờ thế Nhật được yên. Nhưng nếu Thiệu Trị biết xử trí như Chúa Đức Xuyên của Nhật thì liệu Việt Nam có mất nước vào tay người Pháp không?

Chắc là không.

Qua câu chuyện này, mất nước chủ yếu là do ta không biết lẽ cương nhu, không biết người, biết mình. Không dám đụng đến kẻ thù, lại xoay ra cấm đạo hoặc kết án mọi sự giao thiệp với nước ngoài như trường hợp Lê Văn Duyệt sau đây.

Phần Lê Văn Duyệt có xảy ra vụ một chiếc Tầu hàng Hồng Mao của Anh đến Cửa Cần Giờ và cũng có thể  là nguyên cớ cho Minh Mạng kết tội Lê Văn Duyệt bán nước?

Thật sự câu chuyện này xảy ra như sau.

Tầu Hồng Mao đem theo một thư của toàn quyền Anh ở Ấn Độ là “Lord Hasting Pierre-Médard Diard, Tổng trấn ở Ấn Độ”. Lê Văn Duyệt sau khi gặp thuyền trưởng tầu Hồng Mao đã làm tờ trình đày đủ chi tiết gửi Minh Mạng.

Tờ trình này đã được đăng trong cuốn sách của Lưu Thần nhan đề  Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832).(22)

Tổng tấn Lê Văn Duyệt (1763 hay 1764–3 July 1832). Nguồn: OntheNet
Tổng tấn Lê Văn Duyệt (1763 hay 1764–3 July 1832). Nguồn: OntheNet

“Khâm Sai Gia Định thành Tổng Trấn, Thần Lê Văn Duyệt và phó Tổng trấn thần là Trương Tiến Bảo [Tấn Bửu], cúi đầu, rập đầu, trăm lạy, kính cẩn tâu rằng:

Nguyên trước đây, ngày 8 tháng này, có một chiếc Tầu hạng lớn của nước Hồng Mao cặp bến Cần Giờ.

Viên quan coi giữ bến ấy đã xét hỏi và dẫn viên thuyền trưởng Crawford vào thành để trình một phong thư bằng tiếng Hồng Mao của Lord Hasting Pierre-Médard Diard, Tổng trấn nước ấy.

Hạ thần đã sức viên thông ngôn tiếng Tây là Lê Văn Minh và một viên thày thuốc người Pháp là Di-a-dê cùng với Trần Thái là người Tầu cùng đi Tầu ấy theo nguyên thủy mà dịch ra để trình bày ngự lãm.

Hạ thần xét theo những bổn dịch, thấy lối nói tuy hơi khác với ta, nhưng nhận kỹ ra thì ý trong thư chỉ là muốn tìm chút phương tiện để lo tính làm ăn mà thôi chứ không đả động đến việc ngoại giao với nhân thân là điều đáng kiêng ran hơn hết.

Hạ thần nghĩ là hạng người ngoài vòng giáo hóa nên chỉ lấy lời lẽ dịu dàng mà bảo họ đi, chớ không cự tuyệt gì cho lắm.

Bọn họ còn tặng cho hạ thần 1 tấm nhung hồng, 1 tấm nhung xanh, 1 tấm nhung kẻ, một tấm vải in mắt voi, 1 tấm vải in cánh sâu xa, một tấm vải sô, một cái kính thiên lý, 10 thùng đá tiêu (dùng để làm thuốc súng) và một đôi súng tay.”

Tờ trình viết tiếp:

“Đến ngày 13 tháng này, bọn họ cáo từ, xin ra Cửa Biển Cần Giờ để đáp Tầu cũ vượt ra biển tới kính dâng thơ lên trình.

Hạ thần thiết tưởng tụi nhãi ấy rất là giảo quyệt, nên đã mật sai cai đội Nguyễn Công Cẩn trong đội nhất quân Võ Tín ở trong thành đi đến nơi canh gác ở Cần Giờ, điều bát lấy một chiếc thuyền bể nhanh nhẹn để theo hút Tầu ấy. Hạ thần lại dặn Nguyễn Công Cẩn nếu Tầu này quả cứ một đường tới kinh để chiêm bái thì thôi, ví bằng thấy xáp vào địa phương nào thì phải đến trình quan sở tại biết rõ mà phòng ngừa, đừng để tụi nhãi ấy giở trò ma mãnh ra mới được. Mới đây thấy cai đội Nguyễn Lộc Thái ở đội thứ tư, vệ nhất, quân tả bảo trong thành là người đã đi hộ tống về trình rằng hồi giờ mùi (1 đến 3 giờ chiều) ngày 19 tháng này, chiếc Tầu Hồng Mao đã xuôi gió dương buồm vượt bể đi rồi.

Vậy xin kính trình bày là thế, nép xin nhà vua sáng tỏ như đuốc soi xét rõ cho: Hạ thần biết bao canh cánh, nơm nớp thật sự, thật hãi.

Cẩn tấu,

Ngày 20 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 (5-9-1822)

Thần: Lê Văn Duyệt

Thần: Trương Tiến Bảo.”

Một trong những trò giải trí đoàn sứ giả được Tổng trấn Gia Định mời xem là trận hỗ đâu (12) voi, thịnh hành thời nhà Nguyễn. Trận đâu không công bằng vì hổ bị buộc dây ở bụng, bị rút hết móng và miệng bị khâu lại. 1830 Minh Mạng cho xây đấu trường Hổ Quyền oqr thanh nội Huế. Nguồn: OntheNet
Một trong những trò giải trí đoàn sứ giả được Tổng trấn Gia Định mời xem là trận hỗ đấu với (12) voi; mộ giải trí thịnh hành thời nhà Nguyễn. Trận đấu không công bằng vì hổ bị buộc dây ở bụng, bị rút hết móng và miệng bị khâu lại. 1830 Minh Mạng cho xây đấu trường Hổ Quyền oqr thanh nội Huế. Nguồn: OntheNet

Đọc xong tờ sớ trên, người ta thấy có những điểm không chuẩn (không rõ sai từ bản dịch của Lưu Thần hay nguyên văn tiếng Hán của Lê Văn Duyệt và Trưởng Tấn Bửu) sau đây:

    1. “toàn quyền Anh ở Ấn Độ Lord Hasting Pierre-Médard Diard”. Toàn quyền Anh ở Ấn Độ lúc đó (1913-23) đúng là Marquess Hastings nhưng tên là Francis Edward Rawdon-Hastings. Còn Piere-Médard Diard là một nhà nghiên cứu sinh vật học (zoologist) và cũng là một bác sĩ người Pháp có mặt ở Saigon 3 tháng trước khi đến gặp phái đoàn của người Anh (Hồng Mao) tại Saigon(23) mà trong phần sau của sớ Lê Văn Duyệt gọi là “một viên thày thuốc người Pháp là Di-a-dê”
    2. “viên thuyền trưởng Crawford” phải là “Crawfurd”, John Crawfurd, một bác sĩ, nhà hành chính và ngoại giao thuộc địa người Anh tác giả cuốn History of the Indian Archipelago (Lịch Sử Quần Đảo Ấn Độ, 1920). Tháng 9, năm 1821, vì kiến thức chuyên môn, ông đã được Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ, Marquess Hastings, cử vào một sứ đoàn với tư cách chánh sứ sang viếng các triều đình Xiêm La và Đại Nam  (nguyên văn Cochinchina, chỉ Nam Kỳ). Bác sĩ Crawfurd là sứ giả chứ không phải là “thuyền trưởng”. Thuyền trưởng đi cùng là Captain Dangerfield làm phó sứ cho John Crawfurd. Sứ đoàn Crawfurd đem theo thư của Toàn quyền Hastings gởi vua Xiêm và vua Việt Nam. Thuyền của người Anh nhổ neo rời Calcutta ngày 21 tháng 11, 1821. Ngày 24 tháng 8, 1822 thuyền đến mũi Cần Giờ(24).
    3. Khác với sớ của Lê Văn Duyệt và Trương Tấn Bảo, Sứ giả John Crawfurd ghi lại việc Tổng trấn Gia Định khước tù quà tặng của Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ vì việc đàm phán đang bị trì hoãn và hy vọng tàu bè Anh sẽ trở lại Saigon sau này, lúc đó trao đổi tặng vật vẫn chưa muộn.(25) Tuy nhiên khi tiễn đoàn sứ giả Anh ra khỏi dinh Tổng trấn, một viên quan dưới quyền của Lê Văn Duyệt cho John Crawfurd biết Tổng trấn Gia Định tuy không thể nhận quà một cách công khai nhưng ông muốn kín đáo nhận hai khẩu súng tay và cái kính thiên lý phái đoàn đã hứa tặng. Ngoài ra Lê Văn Duyệt cũng muốn phái đoàn John Crawfurd gởi lại một số thuốc súng và trao tặng đoàn người Anh 1 con trâu sống, 1 con heo sống, một số gà vịt, gạo và trái cây.
    4. “20 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2” là ngày 7 tháng 9, năm 1822 không phải là “5-9-1822”

“Ngày 8 tháng này, có một chiếc Tầu hạng lớn của nước Hồng Mao cặp bến Cần Giờ” ghi trong sớ là ngày 8 tháng Bảy năm Nhâm Ngọ (1822) cũng là ngày dương lịch như nhật ký của Crawfurd ghi, 24 tháng 8, 1822.

Thuyền của Việt Nam. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang 349.
Thuyền của Việt Nam. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang 349.

Ngày 1 tháng 9, phái đoàn John Crawfurd bằng thuyền của Việt Nam vào thăm Saigon. Ngày 2 tháng 9, 1822 phái đoàn người Anh vào hội kiến Lê Văn Duyệt ở dinh Tổng trấn trong thành Gia Định. Sáng ngày 3 tháng 9, 1822 đoàn thuyền Việt Nam đưa phái bộ người Anh ra cửa Cần Giờ. Sáng hôm sau, 4 tháng 9, 1822 thuyền Anh căng buồm ra biển về hướng Vũng Tàu.(26)

Jojn Crawfurd. Nguồn: http://www.npg.org.uk/collections/search/portrait/mw253138/John-Crawfurd
John Crawfurd. Nguồn: http://www.npg.org.uk/collections/search/portrait/mw253138/John-Crawfurd

Nếu chỉ đọc sớ của Lê Văn Duyệt và Trương Tấn Trương Tấn Bửu gởi Minh Mạng, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Crawfurd không ghé Huế đệ trình thư mà dong buồm đi thẳng ra biển? Tuy nhiên cuốn Nhật ký của John Crawfurd đã có câu trả lời rất rõ ràng. Phái bộ người Anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin yết kiến Minh Mạng; thư của Toàn quyền Hastings đã phải dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hán, mỗi thứ hai bản. Văn dịch đã được quan lại Việt Nam ở Gia Định bắt sửa chữa nhiều lần. Ngoài ra khi gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt sứ đoàn Crawfurd đã phải đem cả bản chính vào Dinh Tổng trấn nhưng Lê Văn Duyệt chỉ liếc nhìn phong thư và không mở ra xem.

Ngày 15 tháng 9, 1822 thuyền của Crawfurd thả neo ở phía Nam vịnh Đà Nẵng; Chiều cùng ngày quan Án Sát Phú Yên lên tàu gặp phái bộ và cho biết ông và quan Lãnh Binh chỉ là phụ tá của quan Bố chánh sứ (Tổng trấn) Phú Yên. Một lần nữa phái bộ Anh phải liệt kê danh sách nhân sự trong đoàn và trả lời câu hỏi đoàn sứ giả này của Toàn quyền Anh (ở Ấn Độ) hay của vua nước Anh gởi sang. 19 tháng 9 John Crawfurd đi thăm Đà Nẵng. 23 tháng 9 quan Án Sát Phú Yên cho Crawfurd biết số người được cho phép vào triều không thể quá 12 và không ai có thể cãi lệnh triều đình. Và điều này đã được một vị quan từ Huế đến tái xác định lại với người thông ngôn của phái bộ Crawfurd ngày 24 tháng 9, 1822. Nhưng sau đó Án Sát Phú Yên và quan lớn từ Huế đến đã thuận tăng số người lên 15. 24 tháng 9, 1882 Phái bộ giới hạn của Crawfurd đi Huế bằng thuyền của Việt Nam dọc theo bờ biển. Chiều hôm sau, 25 tháng 9, đoàn Crawfurd đến cửa Thuận An (sông Hương)(27).

Từ 26 tháng 9 đến 17 tháng 10,1822 phái bộ Crawfurd đã gặp lại những trở ngại cũ về nghi lễ, văn thư, dịch thuật, như khi đến Saigon và còn bị quản thúc khi đến Thuận An dù sau đó đã được gặp và đàm luận với đại thần đứng đầu nội các kiêm cả việc ngoại giao của triều Minh Mạng cũng như đã đi thăm kinh thành – trừ nội điện, lăng tẩm Huế và làng xã vùng lân cận, gặp gỡ hai vị quan người Pháp triều Nguyễn là Chaigneau and Vanier. Nhưng sau cùng Crawfurd vẫn không được gặp Minh Mạng với lý do đây chỉ là một phái bộ thương mại nên Minh Mạng không cần phải cho vào triều kiến hơn nữa Sứ đoàn không có thư của quốc vương nước Anh.(28)

Nguồn: John Crawfurd, Ibid., giữa 2 trang 404-405
Nguồn: John Crawfurd, Ibid., giữa 2 trang 404-405

Bất chấp yêu cầu và dẫn chứng của Crawfurd là họ đã được Vua Xiêm tiếp đón, triều Minh Mạng một mực từ chối không gặp cũng như không nhận tặng vật của phái đoàn người Anh. Phái bộ Crawfurd, cuối cùng, cũng đã không nhận tặng phẩm tượng trưng của Minh Mạng gởi Toàn quyền Hastings từ Thượng thư Bộ Lễ. Minh Mạng trả đũa bằng cách cho quan triều đình nói với phái bộ Crawfurd là ông không hồi đáp thư của Toàn quyền Hastings và Crawfurd chỉ có tập hồ sơ về thương mại đã nhận được từ phía Việt Nam, kể cả một văn thư của Thượng Thư triều Nguyễn cho biết Minh Mạng chấp thuận cho thuyền thương mại của nước Anh được vào buôn bán ở cảng của Việt Nam (Saigon, Faifo – Hội An, Touran – Đà Nẵng, và Huế). Việc trao đổi tặng vật và hồi đáp thư của Toàn quyền Hasting từ phía triều đình Minh Mạng là một vấn đề phức tạp không cần thiết vì phong cách ứng xử đầy tự ái và không thân thiện của Minh Mạng với người phương Tây.

Trong “China Pictorial, Descriptive, and Historical: With Some Account of Ava and The Burmese, Siam and Anam”, NXB H. G. Bohn, 1853, của Julia Corner, tác giả nhắc lại một điểm quan trọng trong quyết định của Triều Minh Mạng: Anh quốc có thể buôn bán ở những cảng nêu trên trừ bến cảng ở Bắc Việt dù sứ đoàn Crawfurd đã có yêu cầu.(29) Quan đại thần của Minh Mạng nêu lý do lòng sông ở Bắc Việt không đủ sâu để thuyền bè nước Anh dễ dàng đi lại! Và Bắc Kỳ là đất mới bình định là một lý do khác khiến Minh Mạng không cho phép có thương mại với người phương Tây.

Một sự kiện khác cũng đáng lưu ý là ngày 12 tháng 10, 1822, quan Đại thần triều Minh Mạng đã hỏi sứ thần Crawfurd về việc đưa lá thư của Toàn quyền Hastings gởi vua Việt Nam ở Saigon: tự nguyện đưa hay bị buộc phải đưa cho quan Tổng Trấn. Crawfurd trả lời là phái bộ của ông bị bắt buộc phải đưa nguyên bản lá thư (ngòai sáu bản dịch bằng Anh, Pháp và Hoa ngữ). Vị quan đầu triều Minh Mạnh cho biết “Theo tục lệ, không ai có quyền xem thư gởi cho Hoàng đế Việt Nam trước khi đến tay ngài; một bản dịch hoặc một phó bản là đủ cho quan Tổng Trấn Gia Định.”

Ảnh vẽ Huế của báo London 29/12/1883. Từ trái sang, từ trên xuống:  Cừa vào kinh thành Huế; cảnh gần Huế; tư gia quan thượng thư; phố Huế; lính triều đình Đại Nam.
Ảnh vẽ Huế của báo London 29/12/1883. Từ trái sang, từ trên xuống: Cừa vào kinh thành Huế; cảnh gần Huế; tư gia quan thượng thư; phố Huế; lính triều đình Đại Nam.

Theo Crawfurd, điều này cho thấy có sự ghen tị giữa triều đình và của chính Minh Mạng với Tổng Trấn Gia Định vì tài đức cùng ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt đối với quần chúng. Dựa trên tham khảo với tất cả mọi người mà Crawfurd đã tiếp xúc thì Lê Văn Duyệt không những chỉ là một vị quan hàng đầu của triều Nguyễn về thứ bậc và quyền lực mà còn là người nổi tiếng thanh liêm, nghiêm nghị, tài ba, đạo đức. Đối với dân chúng, việc Lê Văn Duyệt không có mặt ở triều đình Huế là một điều vô phúc vì bọn tham quan đã trở nên thối nát, tham những vô biên vì thiếu sự kiểm soát và nghiêm trị của Lê Văn Duyệt.(30)

Ngày 17 tháng 10, phái bộ Crawfurd rời Huế, lên thuyền đi thăm Đà Nẵng và Hội An như đã được phép của triều đình Việt Nam. 31 tháng 10, 1822 thuyền của phái bộ Crawfurd rời vịnh Đà Đẵng trực chỉ hướng Nam chấp dứt sứ mạng thương thuyết với Việt Nam.

Mối bất hòa giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt, như Crawfurd nhận xét, có lẽ đã có từ trước khi có câu chuyện Tầu Hồng Mao đến Việt Nam.

Thủ đô Bangkok. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang
Bangkok. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang 121

(Còn tiếp)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(14) Miguel Zugasti, “El “Viaje del mundo” (1614) de Pedro Ordóñez de Ceballos o cómo modelar una autobiografía épica”, Universidad de Navarra.
(15) Nguyễn Khắc Ngữ, “Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII)”, trang 75-76.
(16) Nguyễn Khắc Ngữ, Ibid., trang 73-74.
(17) Nouvelles lettres edifiantes, Tome VIII, trang 327-328
(18) Nouvelles Lettres edifiantes, std, trang 185
(19) Pỉerre (Annnam), Tích quan Tả quân Lê Văn Duyệt trên tờ Nam Kỳ Địa Phận số 154, ngày 7-12-1911
(20) Nguyễn Văn Trung, “Đạo Chúa ở Việt Nam” , tài liệu Photocopy, chưa in, trang 72.
(21) Kỷ yếu kỷ niệm 200 năm Đức Tả quân, trang 32
(22) Lưu Thần, Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), nhà xuất bản Văn Hóa, năm 1955, Saigon. Trích lại trong Nguyễn Văn Trung, “Đạo Chúa ở Việt Nam”, bản phocopy, chưa in, trang 38.
(23) John Crawfurd, “Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China: exhibiting a view of the actual state of those kingdoms”, Volume 1, NXB H. Colburn and R. Bentley, 1830. Google số hóa ngày 10 Oct 2007, trang 322.
(24) John Crawfurd, Ibid., trang 1-2, 310-311
(25) John Crawfurd, Ibid., trang 334
(26) John Crawfurd, Ibid., trang 349
(27) John Crawfurd, Ibid., Chương IX
(28) John Crawfurd, Ibid., trang 381
(29) Julia Corner, “China Pictorial, Descriptive, and Historical: With Some Account of Ava and The Burmese, Siam and Anam”, NXB H. G. Bohn, 1853, trang 303. John Crawfurd, Ibid., trang 418.
(30) John Crawfurd, Ibid., trang 414