Về một cuộc tìm kiếm vô vọng
Trần Minh Khôi
Bàn về Hùng Vương không phải là bàn về lịch sử. Tôi nhận ra điều này nhiều năm trước khi đang toan tính viết một cuốn sách về đề tài này. Cuốn sách có cái tựa đề khá dại dột, “Đi tìm Lộc Tục”. Cuộc đời là một chuỗi của những chuyện đi tìm. Tìm đủ mọi thứ trên trời dưới đất. Ai cũng có cái để tìm. Tôi bao giờ cũng cố tìm cho mình cái gì đó để tìm. Rồi một ngày xấu trời nào đó tôi có ý định tìm Lộc Tục.
Cái cố gắng thơ ngây đó được bắt đầu với sự bực mình với cái di sản văn hóa chính trị mà mình đang thừa hưởng. Ý thức hệ dân tộc là nền tảng của mọi thành quả và của mọi cố gắng, ngay cả những cố gắng vô thức. Mục đích của “Đi tìm Lộc Tục” là xác định lại một ý thức hệ dân tộc khác, một ý thức hệ dân tộc có thể làm mình cảm thấy dễ chịu hơn. Trong tiến trình thu thập tài liệu cho cuốn sách này, tôi khám phá ra một điều lý thú, nếu không muốn nói là bi kịch: cái ý thức hệ dân tộc mà chúng ta đang có là sản phẩm của một hệ thống tư duy ngoại nhập có tên gọi là chủ nghĩa dân tộc. Tôi nhận ngay ra rằng cái cố gắng “đi tìm” một ý thức hệ dân tộc khác của tôi vẫn chưa thoát khỏi cái vòng kim cô đó. Tôi bỏ.
Gần mười năm sau nhìn lại, tôi thấy vui vui vì đã không mất thêm thời giờ nữa cho chuyện này. Cuộc tìm kiếm “cội nguồn dân tộc” là một cuộc tìm kiếm vô vọng. Nó không phục vụ mục đích nào ngoài mục đích phụng sự một thứ quyền lực nào đó để khỏa lấp cái thấp thỏm không nguôi của những tâm thức đã bị làm ươn hèn đi vì chính cái ý thức hệ do do quyền lực đó đặt để. Bàn về Hùng Vương, hay Lộc Tục, là bàn về một ý thức hệ chính trị. Chúng ta càng sớm hiểu ra điều này thì càng đỡ mất thời gian.
Nhưng xôn xao trong mấy ngày qua về Lễ hội Đền Hùng cho thấy rằng chúng ta vẫn cứ phải mất rất nhiều thời gian nữa cho đề tài này. Chịu thôi. Chừng nào quyền lực vẫn được duy trì trên những thứ bung xung này, và với chúng còn có nhiều người được hưởng lợi, thì chừng đó chúng ta vẫn phải cứ mất thời giờ. Mỗi khi nghe ai đó nói đến “cội nguồn”, tôi vẫn cứ giật mình: lại thêm một cuộc tìm kiếm vô vọng nữa.
Tôi đăng lại cái Lời Tựa của cuốn sách bỏ dở đó dưới đây. Cũng chẳng để làm gì cả, ngoài sự nhắc nhở rằng mình đang sống trong một không gian mà ở đó thời gian bị tiêu hoang vào những chuyện không đâu…
Lời tựa một cuốn sách không viết (2008)
“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục.”
Và như thế, Huyền Thoại Hồng Bàng, từ khi xuất hiện trong Lĩnh Nam Chích Quái và bước vào chính sử với Kỷ Hồng Bàng Thị của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đi vào vô thức của người Việt Nam như một căn cước mới về cội nguồn. Lộc Tục, Kinh Dương Vương của nước Xích Quỷ, được coi vị vua đầu tiên và là thủy tổ của người Lạc Việt. Năm trăm năm kế tiếp, các thế hệ Lạc Việt tiếp tục cuộc hành trình của mình trong sự yên ổn của căn cước mới đó.
Những thập niên cuối của thế kỷ 15 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của người Lạc Việt. Sau hơn một ngàn năm tự chuyển mình để tách rời khỏi quỹ đạo của người Hán bằng một căn cước quốc gia mới, và gần bốn trăm năm kế tiếp đấu tranh duy trì và phát triển căn cước đó dưới triều đại Lý-Trần, người Lạc Việt tự nguyện trở lại trong quỹ đạo của người Hán dưới Triều Lê. Căn cước Hồng Bàng xuất hiện cùng lúc với sự thiết lập thế thượng phong của Nho Giáo trong chính trường nhà nước Đại Việt. Triều đại Vua Lê Thánh Tông được các sử gia đời sau đánh giá là một giai đoạn cực thịnh của nền phong kiến Đại Việt. Sự cường thịnh này được xây dựng trên ba yếu tố (Chương 5): sự tự tin từ một căn cước quốc gia mới, kỷ cương của chính trị Nho Giáo, và kỹ nghệ thuốc súng. Lực lượng quân sự hùng mạnh của Đại Việt thiêu rụi kinh đô Vijaya (Trà Bàn) và kết thúc cuộc xung đột năm trăm năm với Chăm Pa. (Cuộc xung đột này, ở mực độ thấp hơn, kéo dài thêm bốn trăm năm nữa trước khi Chăm Pa hoàn toàn bị xóa tên năm 1835 dưới thời Minh Mạng, như sẽ nói về sau). Các đoàn quân viễn chinh của Đại Việt tây tiến chinh phạt Ai-Lao, Lan Sang, đặt chân lên vùng đất xa xôi bên dòng sông Irrawaddy của Vương Quốc Ava (Miến Điện). Sự bành trướng của Đại Việt trở thành một mối lo không nguôi của người phương Bắc.
Rồi như một ánh sao băng qua bầu trời, thời đại được coi là hoàng kim đó của nền chính trị phong kiến của người Lạc Việt suy tàn rất nhanh. Thế kỷ 16 là điểm bắt đầu của những tranh chấp quyền lực khốc liệt trong chính trường Đại Việt. Nội chiến triền miên từ đó và kéo dài suốt mấy trăm năm kế tiếp; chiến tranh Trịnh – Mạc, Trịnh – Nguyễn, Nguyễn – Tây Sơn. Tiến trình Hán hóa được áp dụng triệt để hơn từ khi Gia Long thống nhất đất nước (Chương 5). Khi tàu chiến Pháp xuất hiện ngoài khơi Đà Nẵng thì, bên trong cái vỏ bọc Hán Nho cằn cỗi, nguyên khí Lạc Việt đã cạn kiệt.
Lịch sử quốc gia nào cũng đầy rẫy những cuộc chiến tranh; chiến tranh chống nhau và chống ngoại xâm. Chống nhau là để giải quyết vấn đề căn cước “ta là ai”. Chống ngoại xâm là để bảo tồn căn cước đó, là để khẳng định “ta muốn ta đang là”, hoặc chí ít, nói theo Trần Bình Trọng, “ta thà làm ma nước Nam…”.
Từ khi Huyền thoại Hồng Bàng xuất hiện, người Lạc Việt ngủ quên trong sự yên ổn giả tạo về một căn cước của huyền sử được vay mượn (Chương 5). Trong năm trăm năm kế tiếp, vấn đề căn cước quốc gia không còn được đặt ra nữa. Từ đó đến nay, các sử gia Việt chỉ quan tâm đến loại chiến tranh thứ nhất. Và sử Việt, cho đến bây giờ, vẫn chỉ được hiểu là lịch sử của những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.
Thực tế cho chúng ta một bức tranh hoàn toàn khác.
Nếu phải thống kê tất cả cố gắng, sinh mạng, tài nguyên, nghị lực, và thời gian của người Việt Nam đã đổ ra vì chiến tranh kể từ khi giành lại được độc lập từ người Hán, thì chiến tranh chống Hán chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Phần rất lớn còn lại họ dành cho những cuộc chiến tranh chống nhau, nghĩa là chiến tranh để tiếp tục giải quyết vấn đề “ta là ai”.
Một ngàn năm vừa qua, người Việt Nam có chiến tranh với người Hán mười lần: Nhà Ngô đánh Tống, Nhà Tiền Lê đánh Tống, Nhà Lý đánh Tống, Nhà Trần ba lần đánh quân Nguyên, Chăm Pa đánh quân Nguyên, Nhà Hậu Lê đánh quân Minh, Quang Trung đánh Thanh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh Trung Quốc. Tổng cộng chưa đầy năm mươi năm. Chín trăm năm mươi năm còn lại, người Lạc Việt, và người Việt Nam sau này, đánh nhau và đánh nhau liên tục (Chương 6). Cuộc chiến tranh cuối cùng chỉ mới chấm dứt cách đây hơn ba mươi năm.
Thời đại của chính trị Nho giáo và sự vượt trội của kỹ thuật thuốc súng đã ra đi từ rất lâu. Nhưng Huyền Thoại Hồng Bàng ở lại (cùng với di sản xơ cứng của Nho giáo). Người Việt Nam ở thế kỷ 21 vẫn tin rằng cái căn cước quốc gia huyền thoại đó đã đem lại cho họ sức mạnh và ý chí để đánh bại tất cả những âm mưu thôn tính của người Hán trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử và sẽ tiếp tục giúp họ chống lại mối hiểm họa đó. Đây là một niềm tin mang màu sắc tôn giáo, không được lịch sử minh chứng, của người Việt Nam thời hiện đại.
Trên thực tế, ngoài hai cuộc chiến chống Hán rất ngắn sau cùng, Nguyễn Huệ đánh bại Tôn Sĩ Nghị và Quân đội Nhân dân Việt Nam chặn đứng quân Trung Quốc ở biên giới phía bắc năm 1979, những chiến thắng hào hùng nhất của người Lạc Việt chống lại người Hán đều xảy ra trước khi Huyền Thoại Hồng Bàng xuất hiện. Huyền Thoại Hồng Bàng hoàn toàn vắng bóng trong những áng hùng ca oanh liệt nhất của người Lạc Việt; Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt (hoặc của ai đó thời Lê Hoàn), Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Những người con kiệt xuất này của người Lạc Việt có biết mình là con cháu của dòng dõi Hồng Bàng?
Tôi không phải là một người nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp. Tôi đi tìm sử một cách tình cờ khi đang đi tìm một điều gì đó khác. Trong cuộc đời mỗi người ai cũng có những lúc nhìn lại mình và không yên lòng với cái mình đang có. Tôi không yên lòng với cái “ta là ai” mà mình đang thừa hưởng. Lịch sử như những chuỗi sự kiện tồn tại khách quan khác với cái lịch sử đã được tiêu hóa và trở thành một thứ ký ức cội nguồn tồn tại trong vô thức. Chính cái ký ức cội nguồn này, ở mỗi cá nhân và ký ức tập thể, là động lực và sự thôi thúc đằng sau mỗi hành xử, mỗi lựa chọn trong cuộc hành trình về tương lai. Tương lai, do đó, không thể vượt qua sự giới hạn của ký ức lịch sử. Và bất cứ một sự kiện nào cũng đã từng là tương lai, và đã chịu tác động của ký ức cội nguồn, của một thời điểm trước đó.
Vậy ký ức nào đã thôi thúc Vua Lê Thánh Tông và quần thần, khi đang ở tột đỉnh vinh quang của kẻ chiến thắng, ra lệnh tàn sát hàng chục ngàn sinh linh Chăm Pa đã chiến bại dưới vó ngựa của mình (và bắt vài chục ngàn người khác đưa về đất bắc)?
Hoặc, năm trăm năm sau, ký ức nào đã thôi thúc những người cộng sản miền bắc, sau khi đã chiến thắng, đã kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước, đày đọa hàng trăm ngàn người anh em không cộng sản miền nam của mình trong lao tù?
Có phải từ sự ngộ nhận “ta là ai” nào đó, rồi nhân danh một điều gì đó khác, để hành xử như thế? Khi chị em Trưng Vương đứng lên lãnh đạo các Lạc tướng đánh đuổi Tô Định về đất Hán, chiếm lĩnh sáu mươi lăm thành của đất Lĩnh Nam và lập đô ở Phong Châu, thì ở miền cực nam của đất nước, vương quốc Phù Nam, vương quốc đầu tiên của Đông Nam Á, ra đời. Phù Nam là điểm giao lưu của các nền văn minh cổ Trung Quốc, Ấn Độ, và La Mã. Lãnh thổ Phù Nam kéo dài đến bán đảo Mã Lai (Chương 3). Nhà nước Phù Nam ngày nay đã biến mất trong dòng lịch sử nhưng người Phù Nam xưa đi đâu?
Khi người Lạc Việt đang quằn quại dưới ách đô hộ của người Hán ở đất bắc thì ở miền trung những người anh em Lâm Ấp, Chăm Pa đã lập quốc và dựng nên những nền văn minh đặc sắc (Chương 3). Lâm Ấp, Chăm Pa cũng đã biến mất với thời gian nhưng người Lâm Ấp, Chăm Pa xưa đi đâu? Họ không đi đâu cả. Người Phù Nam, người Lâm Ấp, người Chăm Pa xưa vẫn sống trên quê hương của họ (ngoài số người Chăm chạy trốn sự tàn sát của Đại Việt đã di dân sang Hải Nam, Campuchia, và Mã Lai). Con cháu của họ, các tộc dân thiểu số hiện nay ở Tây Nguyên và nhiều nơi khác ở miền Nam, đã trở thành một phần máu thịt của quốc gia Việt Nam hiện đại (Chương 7).
Có những sự kiện thoáng nhìn có vẻ tình cờ nhưng thực chất vẫn nằm trong dòng chảy vĩ mô của quá khứ và hiện tại. Sự kiện Việt Nam trở lại với Cộng đồng Đông Nam Á cuối thế kỷ 20 là một sự kiện như thế. Sau hơn hai ngàn năm làm phên giậu để bảo vệ Đông Nam Á khỏi sự xâm lăng và đồng hóa của người Hán, có lúc phải nhìn vào kẻ thống trị để xác định mình, và cũng đã có lúc tự nhận mình là người từ phương Bắc, chúng ta đã trở về với cội nguồn đích thực của mình. Và chúng ta cần một căn cước quốc gia mới (Chương 7).
Tôi không viết sử, hiểu theo nghĩa hàn lâm của nó. Tôi chỉ lượm lặt lại những sự kiện lịch sử đã có sẵn, lấy trực giác của mình mà xét, rồi dựng lên một lăng kính nhìn về tương lai cho chính mình. Viết là tiếp tục tư duy chứ không là kết luận. Cuộc hành trình của tôi chỉ mới bắt đầu. Tôi tin rằng mình không cô đơn. Tôi ghi lại ở đây cuộc tìm kiếm đó như những chia sẻ cho những người bạn đồng hành không cô đơn khác ở đâu đó như tôi.
Trước khi biết mình là ai, tôi chọn khước từ cái mình không là. Tôi chọn sự dằn vặt không yên về những khoảng trống lịch sử chứ không chọn sự yên ổn có được từ sự khỏa lấp của huyền thoại, và của huyền thoại vay mượn.
Sự thiếu vắng quan tâm đến sử là một trong những trở ngại lớn nhất trong cố gắng tìm về, và cũng là mất mát lớn nhất, của người Lạc Việt. Người Lạc Việt có sử rất muộn, muộn hơn cả người anh em Chăm Pa cả ngàn năm. Ký ức tập thể của chúng ta là một mớ bung xung của sự lắng đọng vô thức của cái mình có, của cái mình tưởng mình có, và của cái mình đã vay mượn quá lâu rồi tưởng của mình. Và chúng ta không có sự đồng thuận về quá khứ. Mà sự đồng thuận về quá khứ là điều kiện cần cho bất cứ một sự toan tính nào về một tương lai chung. Sự đồng nhất của ký ức lịch sử tập thể là điều kiện cần cho mọi cố gắng xây dựng một tương lai chung như thế.
Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đối với những tác giả của các tài liệu trong thư mục tham khảo tôi dùng, và trích dẫn rất nhiều, trong cuộc tìm kiếm này. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn bày tỏ sự biết ơn với những sử gia và những người nghiên cứu không chuyên khác, tác giả của hàng chục những bài báo khác liên quan đến sử Việt Nam trên Internet mà tôi có dịp được đọc qua đâu đó nhưng không giữ lại nguồn. Sự đam mê của họ nuôi dưỡng sự đam mê của chính tôi. Như đã nói, tôi chỉ làm công việc của một người biên tập, nếu có sự trùng hợp nào giữa ý kiến của tôi với những ý kiến khác ở đâu đó mà không được chú dẫn thì những ý kiến đó là của trước tác. Tôi ghi ân tác giả.
Tôi dùng các khái niệm “dân tộc”, “nhà nước”, “quốc gia”, “căn cước quốc gia”, … trong khuôn khổ của sự đồng thuận tương đối về định nghĩa của các khái niệm này trong khoa học chính trị. “Nước”, nếu được dùng trong một vài trường hợp nào đó, có nghĩa của “đất nước” nhưng không có nghĩa “nhà nước”. Từ đó, có thể nói đến “nước” Văn Lang của Vua Hùng nhưng khó có thể nói đến “nhà nước” Văn Lang. Có thể nói đến “nước” Âu Lạc của An Dương Vương nhưng khó có thể nói đến “nhà nước” Âu Lạc. Càng không có “dân tộc” Văn Lang hay “dân tộc” Âu Lạc.
Hai khái niệm “quốc gia” và “dân tộc” có một liên hệ tương quan nhưng không đồng nhất. Cả hai chứa đựng những ý niệm về sự chia sẻ một “quê hương”, chia sẻ những đặc điểm văn hóa, chia sẻ ký ức lịch sử và huyền thoại. Khái niệm “dân tộc” nhấn mạnh đến những huyền thoại về một nguồn gốc chung (A. Smith). Trong khi đó, khái niệm “quốc gia” chuyển tải các ý niệm về sự tồn tại của một nền văn hóa đại chúng, một nền kinh tế chung, những ý thức bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ – những phát minh mới của thời hiện đại. (“Dân tộc” không chuyển tải bất cứ một ý niệm nào về sự liên hệ chủng tộc hay dòng tộc. Dù chữ “tộc”, 族trong Hán-Việt gợi ý những liên hệ này).
Trong ngôn ngữ của tôi, có “dân tộc Chăm”, “dân tộc Kinh” nhưng không có “dân tộc Việt Nam”. (Các khái niệm “Việt tộc”, “dân tộc Việt” trong khuôn khổ “Bách Việt” càng không có cơ sở). Tôi dùng “quốc gia Việt Nam” thay cho “dân tộc Việt Nam”, một cụm từ mà nội hàm của nó không chứa điều tôi muốn chuyển tải.
Sự hình thành của các nhà nước hậu thuộc địa thời hiện đại không dựa trên sự hình thành của cộng đồng quốc gia mà dựa trên những di sản có tính dân tộc của một dân tộc chiếm ưu thế (A. Smith). Căn cước của dân tộc chiếm ưu thế này được mặc nhận là căn cước quốc gia, trong trường hợp của Việt Nam là dân tộc Kinh. Mô hình nhà nước này vẫn là sự tiếp tục của mô hình “nhà nước-dân tộc” (ethnic-state) của thời phong kiến tiền thuộc địa, thay vì mô hình “nhà nước-quốc gia” (nation-state) hiện đại. Việt Nam không đi ra ngoài thông lệ này. Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “dân tộc Việt Nam” vẫn giữ vị trí thượng tôn trong ngôn ngữ chính trị của chúng ta. Việc tiếp tục sử dụng một cách lẫn lộn nội hàm của khái niệm “dân tộc Kinh” cho “dân tộc Việt Nam”, “tự hào dân tộc” thay vì “tự hào quốc gia”, vô tình trở nên một áp đặt đầy tính dân tộc lớn, cản trở tiến trình tìm kiếm và xây dựng một căn cước quốc gia mới cho tất cả người Việt Nam sống trên lãnh thổ Việt nam. Cuộc vận động chính trị xã hội hiện nay trên thực tế là sự vận động để thay thế mô hình nhà nước-dân tộc bằng mô hình nhà nước-quốc gia.
Tôi chia sẻ quan điểm của một số nhà xã hội học (Weber, Barth) cho rằng “dân tộc” (ethnicity) là một định chế mang tính xã hội, là sản phẩm của các mối tương quan của một cộng đồng dân với thế giới bên ngoài. Nội hàm của khái niệm “dân tộc” thay đổi trong từng giai đoạn của lịch sử. Người Việt Nam cổ (người Lạc Việt, người Chăm Pa, người Phù Nam) không có khái niệm “dân tộc”, nhưng nếu có thì các khái niệm đó hoàn toàn khác với cái chúng ta có trong “dân tộc Việt Nam”.
Tôi cũng muốn phân biệt rõ các khái niệm “Việt”, “Lạc Việt”, và “Việt Nam”. Tôi cố gắng không dùng từ “Việt”, một từ người Hán đặt ra để chỉ các tộc dân phương Nam mà chúng ta đã nhận làm quốc danh của mình, đứng độc lập để tránh sự nhầm lẫn giữa “Bách Việt” và “Lạc Việt” hay “Việt Nam”. Tôi cố gắng nhấn mạnh một quan điểm đã được minh chứng bằng khảo cổ, văn hóa, và ngôn ngữ là không thể có kết luận về một căn cước văn hóa hay “dân tộc” nào chung cho các cộng đồng dân phương nam mà người Hán gọi là “Việt” hay “Bách Việt” này (Chương 2). Các khái niệm “người Lạc Việt” và “người Việt Nam” cũng khác nhau. “Người Lạc Việt” là để chỉ cộng đồng dân sống ở miền bắc Việt Nam, Quảng Tây, và Quảng Đông trước sự ra đời của nhà nước Đại Việt ở thế kỷ thứ 10. “Người Việt Nam” bao gồm tất cả những người coi lãnh thổ nước Việt Nam hiện đại là quê hương mình, bao gồm hậu duệ của người Phù Nam, người Lạc Việt, người Chăm Pa, người Lâm Ấp, và các tộc dân khác.
Một điểm quan trọng khác, và bạn đọc cũng sẽ dễ dàng nhận ra, là tôi không đề cập đến những vấn đề của chủng tộc khi truy tìm căn cước quốc gia. Tôi quan niệm rằng tất cả những ý tưởng xây dựng căn cước quốc gia dựa trên yếu tố đặc thù chủng tộc nào đó đều mang màu sắc phát-xít. Hơn thế, tôi không tìm thấy dấu vết của khái niệm “chủng tộc” trong việc hình thành nhà nước trong lịch sử chính trị Việt Nam. Triệu Đà là người phương bắc nhưng vẫn được coi là hoàng đế đầu tiên của các triều đại phong kiến Đại Việt. Sĩ Nhiếp là thái thú người Hán cai trị Giao Chỉ vẫn được Đại Việt Sử Ký dành cho Kỷ Sĩ Vương. Chan-tan là người Ấn làm vua Phù Nam. “Chủng tộc” chưa bao giờ là một yếu tố kết thành của căn cước người Lạc Việt, người Chăm Pa, hay người Phù Nam xưa.
Gần đây, với công trình nghiên cứu quan trọng về di truyền học của Giáo sư J.Y. Chu và đồng nghiệp, và đặc biệt là sự ra đời của tác phẩm nổi tiếng Địa Đàng Phương Đông (Eden in the East) của Stephen Oppenheimer, cuộc tranh luận “Bắc xuống Nam hay Nam lên Bắc” lại trỗi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi tin rằng nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, từ trước thời đại băng hà, là cái nôi của các nền văn minh Á châu khác. Tuy nhiên tôi không chia sẻ sự nồng nhiệt mang tính chủ nghĩa dân tộc trong cố gắng cổ xúy những căn cước văn hóa vượt trội nào đó của người Việt trong mối tương quan với người Hoa Hạ. Những cuộc thiên di của nhân loại trong hơn một trăm năm mươi ngàn năm qua, trong đó có cuộc bắc di của người Đông Nam Á cổ, chủng Austroloid, là đối tượng của những nghiên cứu khoa học, cần thiết cho kho tàng kiến thức chung. Nó không thể là cơ sở nền tảng của việc hình thành căn cước quốc gia. Cuộc tìm kiếm của tôi dừng lại ở cuối thời đại đồ đá mới (neolithic), thời điểm có thể nhận diện được của những di sản văn hóa mà chúng ta đang thừa hưởng.
…
Đền Hùng thất thủ | Dân Luận Film
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Về một cuộc tìm kiếm vô vọng. Trần Minh Khôi | Facebook, April 17, 2016.
ĐI TÌM DẤU XƯA
Đi tìm dấu xưa cũng là sự tò mò như bao sự
tò mò khác của con người trong cuộc sống. Đặc biệt đi tìm về nguồn gốc của dân
tộc mình là một yêu cầu rất cần thiết và chính đáng. Bởi có biết về quá khứ mới
vững vàng trong hiện tại và mạnh dạn tiến tới tương lai.
Thế nhưng tìm về các dấu vết quá khứ không
phải bao giờ cũng dễ dàng và thuận lợi. Bởi vì có những dấu vết xưa nay đã hoàn
toàn mất dấu. Đó là sự tàn phá của thời gian nếu hoàn cảnh khách quan đã không
cho bằng cách nào đó để giữ lại.
Thường quá khứ của một dân tộc thì do sử
sách để lại. Nhưng không phải sử sách bao giờ cũng đầy đủ hoặc có những trường
hợp nào đó mà một phần không biến mất. Như khi nhà Minh sang đô hộ nước ta,
phần lớn sách vở bị thu đem về Tàu cùng những di sản khác của ta, đó là sự tàn
ác và sự mất mát không thể nào cho phép quên được.
Thế nhưng nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch
sử dân tộc từ cội nguồn xa xưa thiết yếu phải cần những sử liệu chính xác, đầy
đủ hoặc phong phú. Có thể đây là điều mà xưa nay nhiều nhà nghiên cứu về cội
nguồn dân tộc ta từ xa xưa cảm thấy bối rối, hụt hẫng hay chưa thỏa mãn. Đó là
cái khó của sử học như một môn khoa học cụ thể và chính xác thật sự.
Tuy vậy không phải chỉ có một con đường dẫn
tới La Mã mà có thể nhiều con đường khác nhau. Không tìm được sử liệu chính
thức, có thể đi tìm những sử liệu phụ hay gián tiếp nào đó. Lịch sử tuy không
thể suy đoán một cách mơ hồ, nhưng vẫn có thể suy đoán một cách có phương pháp
khoa học với ý nghĩa bổ sung và hữu lý. Đó là những tài liệu ngoại sử hay kể cả
sử liệu nước ngoài có quan thiết hoặc liên can.
Nhất là lịch sử về cội nguồn dân tộc có thể
liên quan đến dân tộc học hay lịch sử của khu vực hoặc của vùng địa lý rộng lớn
hơn. Khoa học nhân chủng, khoa lịch sử học tổng quát của vùng miền rộng lớn như
châu lục cũng là những tài liệu phong phú, sâu xa, bao quát hoặc thú vị.
Cuối cùng, nếu nguồn cội vẫn còn những điểm
nào đó khiếm khuyết hoặc mơ hồ hay ngay cả khuyết nghi, chỉ còn cách mong đợi
vào thời gian hoặc những yếu tố tình cờ nào đó sẽ tự nhiên bổ sung làm cho sáng
tỏ. Có điều nếu tất cả các hướng đó vẫn còn chưa xác định, vẫn còn cách nghiên
cứu dân tộc tính để minh định về ý nghĩa, giá trị của mình.
Như dân tộc tính của người mình và người
Trung Quốc là phần lớn khác nhau. Dù có mẫu số chung là chủng loại người, hay
người châu Á, nhưng đặc điểm của người Việt khác người Tàu về nhiều mặt là thế
nào, đó cũng là chìa khóa quan trọng trong các suy nghiệm về khoa học hay khoa
lịch sử học. Biết người biết mình, đó là cách để tìm ra cái của ta hiệu quả và
đặc sắc nhất.
Cho nên nghiên cứu lịch sử chính là nghiên
cứu khoa học khách quan không thể không xem xét đến. Nên nghiên cứu lịch sử cần
phải có phương pháp luận phong phú và phù hợp nhất. Trong đó bao gồm không
những lịch sử quá khứ mà cả lịch sử cận hiện đại cũng như các dự phóng hay dự
báo về tương lai. Biết cội nguồn phong phú và sâu sắc của dân tộc mình, đó cũng
là nhu cầu thiết yếu để tồn tại và phát triển trong tương quan với những dân
tộc khác, nhất là những dân tộc hay đất nước lớn kề cận với mình. Ý nghĩa của lịch
sử và của khoa học bao giờ cũng hết sức hàng đầu và luôn luôn đặc biệt quan
trọng là như vậy.
Nên không thể để lẫn lộn hay hiểu lầm lộn
dân tộc Việt với dân tộc Trung hoa vào thời thượng cổ, như các đời Hùng Vương,
Hồng Bàng trở về trước hay kể cả Kinh Dương Vương và Lộc tục. Nếu còn có chỗ
nhập nhằng nào đó trong truyền thuyết với Hán tộc như kiểu Đế Minh cháu ba đời
của họ Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía nam đến núi
Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về sinh ra Lộc Tục. Tất cả mọi
điều đó cần phải lưu tâm làm sáng tỏ vả chẳng bao giờ đành chịu là một cuộc tìm
kiếm vô vọng cả.
ĐẠI NGÀN
(29/4/16)