Obama và tính ỷ lại của người Việt
Lâm Bình Duy Nhiên
Một dân tộc với hơn 90 triệu người lại không thể nào định đoạt tương lai của chính mình. Đáng buồn và xấu hổ thay!
Chuyến công du Việt Nam (23/5 – 25/5/2016) của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc. Không có 21 phát đại bác để chào đón ông như cách thức mà nhà nước CSVN đã long trọng dành cho Tập Cận Bình (5-6/11/2015). Dẫu chính quyền trong nước có cố tình hạ thấp tầm quan trọng của chuyến công du nhưng họ đã không thể nào kiểm soát được tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho vị Tổng thống Mỹ. Điều đó đã được thể hiện rõ qua hình ảnh hàng ngàn người dân chờ đợi chào đón ông tại Hà Nội và Sài Gòn. Những dư âm tốt đẹp về chuyến đi vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người dù ông đã rời Việt Nam được hơn 10 ngày.
Nhưng chính đằng sau sự nồng nhiệt cũng như những cảm xúc chờ đợi, hy vọng của người dân Việt Nam dành cho Tổng thống Obama lại là một thực trạng đáng buồn cho tương lai của đất nước.
Đáng buồn vì hình như nhiều người, thậm chí cả tầng lớp trí thức cũng đặt quá nhiều niềm tin vào chuyến công du này. Cứ như Obama sẽ là Đấng Cứu thế Messiah mang lại nhiều đổi thay cho đất nước Việt Nam.
Không khó để nhận thấy rằng chưa bao giờ tính chính danh của đảng CSVN lại bị lên án, chỉ trích một cách nặng nề như ngày nay. Cơn phẫn nộ của người dân ngày càng dâng cao khi cuộc sống mưu sinh hàng ngày vẫn còn quá nhiều vất vả. Không có gì trong xã hội được cho là chuẩn mực. Tất cả điều bị xuống cấp một cách nghiêm trọng từ đạo đức, văn hóa, giáo dục, y tế đến luật pháp. Môi trường bị ô nhiễm, phá hoại nặng nề trước sự bàng quan, im lặng của những người lãnh đạo. Nền độc lập, chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Nhà cầm quyền luôn nhu nhược trước sự bức hiếp của Trung cộng nhưng lại tỏ ra hung hăng khi sử dụng bộ máy an ninh để đàn áp một cách dã man những tiếng nói không cùng chính kiến.
Chính trong bối cảnh tăm tối ấy mà người dân đã trông chờ nhiều vào vị Tổng thống Mỹ. Trước khi ông đặt chân đến Việt Nam, cộng đồng mạng đã sôi sục sự chuẩn bị đón tiếp. Những lời chúc mừng, những biểu ngữ thể hiện mong mỏi đổi thay tại Việt Nam đã liên tiếp được nhiều tổ chức dân sự trong và ngoài nước kêu gọi. Sự bình dị của Obama tại Hà Nội ngay lập tức đã chinh phục người dân. Hàng ngàn người chen chúc bên đường để chờ đợi, để vẫy tay chào mừng ông.
Đỉnh điểm là hàng triệu người Việt đã cùng nhau xúc động trước bài diễn văn gởi nhân dân Việt Nam do ông đọc trước 2000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Hà Nội. Quả thật đây là một bài diễn văn hay và nó như được tiếp lửa thêm khi được một người có tài hùng biện như ông đọc. Nhưng những điều mà Tổng thống Mỹ nhắc đến không có gì mới đối với người Việt chúng ta. Tinh thần chống ngoại xâm bất khuất trước bao mưu toan nhằm thôn tính, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc chính là những trang sử hào hùng của dân tộc.
Văn hóa Đồng Sơn và chiều dài lịch sử bi thương chính là bản sắc của dân tộc Việt. Đó chính là cội nguồn và là điểm tựa cho sự phát triển của đất nước.
Có nhất thiết phải khiến cho trái tim của hàng triệu đồng bào rung động, ngập tràn cảm xúc khi chính những trang sử oai hùng, quá khứ huy hoàng ấy được một người nước ngoài, một vị Tổng thống của một cường quốc, phát biểu?
Người viết có cảm giác như là chúng ta đã quên bẵng đi chính quá khứ của người Việt và đã trở nên vô cảm trước thời cuộc, trước thảm trạng của quê nhà, để rồi được người ngoài đánh thức.
Sẽ có lập luận cho rằng chúng ta cảm động vì tính uyên bác, sâu sắc của bài diễn văn do những người xa lạ viết.
Đó là sự ngụy biện, cố tình không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào bản chất của vấn đề: nỗi sợ hãi bao trùm trong một xã hội độc tài. Bầu khí quyển nặng nề, khó thở đang tước dần sự sống của dân tộc. Chúng ta cố tình nhắm mắt, thờ ơ, và bấu víu vào một cơ thể bệnh hoạn để sống.
Những gì ông Obama nêu lên trong bài diễn văn chính là những điều mà những người bất đồng chính kiến, những tù nhân lương tâm, những blogger, những người viết báo độc lập và những người có lương tâm đến vận mệnh của đất nước đã không ngừng nhắc đến từ 41 năm qua.
Nhưng tiếng nói của họ luôn lạc lõng trước đa số chỉ biết nhắm mắt mưu sinh. Tinh thần yêu nước, tranh đấu cho sự tự do, dân chủ sẽ bị giễu cợt, cho là phản động. Có bao giờ những hình ảnh giam cầm, đánh đập, đàn áp những tiếng nói can đảm ấy lại có thể đánh động lương tâm của hàng triệu người Việt như bài diễn văn của Tổng thống Obama hay không? Chắc chắn là không! Vấn đề vi phạm nhân quyền và công cuộc đấu tranh cho một xã hội dân chủ, phồn thịnh có mấy ai quan tâm đến hay chỉ chờ đợi ông Obama lên tiếng giùm! Chỉ khi ông nhắc đến sự chủ quyền độc lập của Việt Nam và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người Việt thì ta mới dám khẳng định mình với Trung cộng hay sao?
Đó chính là nỗi buồn không vơi cho dân tộc. Tính ỷ lại, sính ngoại như đã thấm nhuần trong máu của người Việt.
Vấn đề Biển Đông, sự vi phạm chủ quyền hải đảo của Trung cộng cũng không làm cho toàn dân bất bình, phản kháng. Chỉ cần lướt qua các trang báo mạng trong và ngoài nước sẽ thấy chúng ta lại trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Những hành động, thái độ nhỏ, dẫu chỉ đơn giản là hình thức ngoại giao của Mỹ tại Biển Đông cũng lập tức được người Việt xem như là sự khiêu khích, dằn mặt Bắc Kinh. Cứ như là Mỹ sẵn sàng bảo vệ Việt Nam và sẽ tấn công phủ đầu Trung cộng. Tâm lý nhược tiểu do chế độ CSVN cố tình áp đặt vào trong tiềm thức người dân đã mang lại những hậu quả nghiêm trọng trong nhận thức căn bản của công dân. Sự phản kháng, phản biện bị rơi vào quên lãng. Bỏ mặc tương lai đất nước cho một thiểu số cầm quyền và chỉ biết trông chờ sự giải cứu của kẻ khác!
Một dân tộc với hơn 90 triệu người lại không thể nào định đoạt tương lai của chính mình. Đáng buồn và xấu hổ thay!
Trung Quốc luôn là đại địch đối với Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta trở nên một quốc gia dân chủ và tiến bộ, thật sự hội nhập vào thế giới văn minh thì khi ấy chúng ta mới ngẩng cao đầu trong mọi quan hệ bình đẳng với Trung Quốc.
Tương lai đất nước sẽ phải do chính chúng ta quyết định. Không thể trông chờ vào ai cả. Các cường quốc văn minh vẫn luôn tính toán đến những lợi ích cho chính họ, Mỹ sẽ không là một ngoại lệ. Không thể mơ Mỹ sẽ hết lòng giúp đỡ Việt Nam đánh đổ một chế độ độc tài, toàn trị và mang lại một nền dân chủ chân chính mà chúng ta đang hằng khát khao.
Có lẽ nhiều người đã quá ngây thơ kỳ vọng vào chuyến đi của Obama. Mong mỏi ông sẽ cất tiếng đòi nhà cầm quyền thay đổi. Như yêu cầu của Tổng thống Ronald Reagan dành cho Tổng bí thư Mikhail Gorbachev khi đứng trước Bức tường Berlin, “Mr. Gorbachev, open this gate. Mr Gorbachev, tear down this wall!” (Gorbachev, ông hãy mở cánh cổng này. Gorbachev, ông hãy phá đổ bức tường này!)
Việt Nam không thể so sánh với cả một khối XHCN trong những năm 80 để Mỹ tìm mọi cách giúp, đó chính là sự thật không thể chối cãi.
Dân trí là nền tảng của mọi tiến bộ, đổi thay. Một quốc gia chỉ thật sự tiến bộ và trưởng thành khi mỗi công dân nhận thức được vai trò quan trọng của mình. Không thể mơ mộng hão huyền rằng bài diễn văn của Tổng thống Obama sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào tư tưởng của những nhà lãnh đạo cộng sản và Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dân chủ. Nó có thể là một đòn bẩy để đánh thức nhận thức của người Việt nhưng thức tỉnh mà vẫn thụ động thì vô nghĩa!
Hơn bao giờ hết, chính mỗi chúng ta phải không sợ nhà cầm quyền cộng sản nữa để tranh đấu, xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng. Chỉ có chính những người Việt mới có thể quyết định được tương lai Việt Nam. (Không phải chờ Tổng thống Obama nhắn nhủ thì chúng ta mới đủ tự tin để nhận thức vấn đề.)
Nếu không, chúng ta sẽ mãi là một dân tộc vô cảm, phó mặc vận mệnh cho kẻ khác và Việt Nam dân chủ sẽ vẫn chỉ mãi là một giấc mơ xa xôi!
6/7/2016
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ.
PHÂN TÍCH THỰC CHẤT VỀ TỰ DO VÀ ĐỘC TÀI
Thời phong kiến quân chủ đương nhiên là độc tài. Khi đó sức mạnh quân sự lọt vào tay cá nhân nào thì cá nhân đó làm vua vậy thôi. Đó là ý niệm một nước không thể hai vua vốn ngày xưa rất phổ biến. Cũng có triều đại nhiều người cùng thế lực như nhau, cùng kết hợp hay cấu kết nhau làm vua, đó là mô thức nhị dầu chế, tam đầu chế, đa đầu chế thay vì nhất đầu chế thông thường, đó là kiểu vua tập thể, vua phe nhóm, vua cát cứ, như nước ta thời vua Lê chúa Trịnh. Kiểu vua theo phe phái này có khi cũng xảy ra trước kia dưới vương quyền La Mã. Thời tứ nhân bang hay Cách mạng văn hóa trước đây ở Trung Quốc cũng na ná như thế. Nói chung chế độ quyền lực duy nhất chỉ tập trung vào một cá nhân hay nhóm riêng nào đó, đều gọi chung là chế độ độc tài hay chế độ vua quan, dù cá nhân hay tập thể, và ngày nay gọi chung là chế độ vua cá nhân hay vua tập thể.
Thường chế độ vua chúa hay quan quyền hay đi đôi với một học thuyết nào đó về thần quyền, như kiểu thần quyền tôn giáo ở Châu Âu thời trung cổ, hay kiểu thần quyền mệnh trời, vua thay trời trị dân, như trong thời xa xưa của ta và Trung Quốc. Trong thời cận đại học thuyết mác xít cũng theo quan điểm thần quyền nhưng trong dạng cách tân cũng như thế. Mác tuy là người duy vật, không tin có trời đất, thánh thần gì, nhưng mê tín vào thuyết biện chứng luận duy tâm của Hegel một cách trái khoáy, cũng chủ trương độc tài hay chuyên chính vô sản, biến giai cấp vô sản thành giai cấp vua mới, tuy rằng trong thực tế họ không bao giờ có được điều đó. Nên vua không phải là thứ quyền lực lý thuyết nào hết, chỉ là thứ quyền lực thực tế thế thôi, ai nắm quyền được mà khống chế được mọi người khác phải thần phục thì được quyền làm vua chỉ là sự tự nhiên. Vua thì đi đôi với quan điểm độc tài, cho mình là nhất, hay làm bộ đóng kịch như mình là nhất, bằng mọi cách tuyên truyền để người khác tin là như vậy.
Thời Miền Nam cũ, ông Ngô ĐÌnh Diệm để đương đầu lại chế độ độc tài Miền Bắc, cũng tạm thời
chơi chế độ độc tài cá nhân kiểu như Lý Thừa Vãng, Lý Quang Diệu, Tưởng Kinh Quốc, Sukarno thời đó để chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhưng các người khác thành công còn ông Diệm thất bại vì hoàn cảnh mỗi nơi một khác. Miền Nam có các yếu tố khuỵnh tả do Miền Bắc đưa vào, có phong trào Phật giáo thân Cộng một thời của Thích Trí Quang tung hoành ở Huế mà các nước khác không có. Chính sự thất bại của ông Diệm là như vậy. Nhưng Mỹ là đồng minh khi ấy của Miền Nam, thấy ông Diệm thất bại trong quan điểm độc tài, bèn âm mưu đảo chánh lật ông Diệm, cuối cùng ông Dương Văn Minh là người Phật giáo được đắc lợi và mọi việc đã thành ngã ngũ. Mỹ mất cả chì lẫn chài cũng giống như Miền Nam vào nắm 1975 là như thế.
Nhưng thôi chuyện cũ qua rồi thì không tính. Vấn đề là ngay nay Việt Nam nên đi theo con đường dân chủ hay độc tài khi đất nước đã hòa bình và thống nhất, đó mới phải là điều cần tính. Bởi vì độc tài thực chất chỉ có lợi cho cá nhân hay thiểu số mà không có lợi cho đại cục hay số đông. Ông Diệm định chơi trò lấy độc trị độc tưởng là hay nhưng cuối cùng hóa dở. Nhưng độc tài cá nhân hay giai đoạn dù sao cũng chỉ là độc tài tạm thời, còn chính độc tài đảng trị hay độc tài ý hệ mới là kiểu độc tài không lối thoát và mút mùa lệ thủy. Lý do vì cái đơn lẻ không bao giờ tạo nên cơ chế còn cả hệ thống thì luôn tạo nên cơ chế, khiến trở nên quán tính chẳng khác gì cái mũ của Tề Thiên thì đố có con khỉ nào mà thoát ra được. Nên ông Mác chỉ cần một lần đưa ra lý thuyết vớ vẩn thì suốt đời xã hội phải lụy vào ông, đó chính là cái hay của ông Mác mà cũng là cái tội đồ của ông ta. Bởi trong xã hội độc tài kiểu ông ta đặt ra, đâu có khác gì đám gà bị mắc tóc, đâu có con nào mà bương ra riêng rẻ được.
Cho nên đối với loài người, cơ chế xã hội là cái quan trọng nhất. Trong xã hội tự do dân chủ không thể tạo nên sự độc đoán vì có quyền bầu cử, ứng cử tự do và ba quyền phân lập để chế ngự và kiểm soát lẫn nhau. Trong chế độ độc tài nói chung đều không có các quyền như thế. Độc tài quân chủ phong kiến, độc tài phát xít quốc xã, độc tài cộng sản mác xít đều không ngoài tính cách như thế. Nó chẳng khác gì vạt cây cột chum với nhau làm sao mà lớn lên được, bầy chim cột chùm với nhau làm sao mà bay lên được, cũng vậy loài người mà dính chùm với nhau làm sao mà độc lập tự do để nhằm phát huy được. Cho dù quy luật vật lý, quy luật sinh học, quy luật tâm lý cũng chỉ như thế thôi. Các Mác thực sự là nhà triết học đốt nát nhất trong chính lịch sử nhân loại là như thế. Ngày nay rõ ràng nó chẳng giúp ích kết quả mặt nào cho loài người mà thực chất nó chỉ gây tai hại nhiều mặt. Bởi vì trong xã hội độc tài mác xít, mọi cái tinh hoa trong xã hội đều biến mất để nhường chỗ cho mọi cái kém tinh hoa cai quản và phát triển, thế thì thử hỏi còn gì giải phóng hay vươn lên cách tự nhiên khách quan như trong mọi chế độ tự do dân chủ đúng đắn, đàng hoàng được.
Nên vấn đề ngày nay nếu Việt Nam vẫn còn bám hoài theo học thuyết chủ nghĩa Mác về phương diện nào đó thì trách ai bây giờ. Trách những người đã thực hiện chủ nghĩa Mác, trách những người còn theo đuổi chủ nghĩa Mác, hay trách toàn đất nước, toàn dân chỉ có thụ động về chủ nghĩa Mác ? Có lẽ trách cả ba thì đúng hơn. Bởi vì nếu không có đầu không có đuôi lẫn chẳng có cả khúc giữa thì còn có cái gì được nữa ? Nhưng nếu ngày nay thực chất đã bỏ chủ nghĩa Mác lạc hậu phi lý để tiến vào kinh tế thị trường, tiến vào hội nhập toàn cầu rồi, thì thử hỏi độc tài làm chi, vì con thỏ thì có cần gì cứ giữ mãi chiếc mai của con rùa ? Đó là điều chẳng ai lý giải ngày hôm nay, cả tập thể cầm quyền cũng như toàn dân cũng vậy. Đó phải chăng chỉ là do tính ù trệ của bản chất con người hay dân tộc Việt Nam, tức là tính thụ động, tính quán tính, tính thiếu năng động, tính ủy mị, tính, tính vô trách nhiệm và tính phi đề kháng mà rất it các dân tộc nào trong lịch sử cũng như trong thế giới cận và hiện đại có được như thế.
MAI NGÀN
(09/6/16)