Biển Đông: Pháp vào cuộc

Yo-Jung Chen | Trà Mi dịch

france-ChinaThái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến con đường thương mại quốc tế trong vùng này trở thành một trong những điểm bất ổn nhất trên thế giới.

Nguồn: France Marine Nationale
Nguồn: France Marine Nationale
Một nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông.

Nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ tự do hàng hải, được Công ước về Luật Biển của Liên Hiêp Quốc (UNCLOS) bảo đảm, do Mỹ dẫn đầu để giữ vùng biển phía Nam Trung Hoa không trở thành một hồ nước độc quyền của Trung Quốc, vừa được hà hơi bằng phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực ở Hague hôm 12 tháng 7 vừa qua. Phán quyết này khiến Trung Quốc rất bất bình vì hầu hết tất cả những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông đều bị Toà quốc tế phủ nhận.

Trước sự ngạc nhiên của nhiều nước, Pháp, một cường quốc châu Âu dường như không liên quan gì đến vấn đề “Biển Đông”, đã công bố ý định phối hợp các lực lượng hải quân của các nước trong khối Liên minh châu Âu để thực hiện Chiến dịch Tự do Hàng hải (Freedom of Navigation Operations, FONOPs) ở Biển Đông. Vào ngày 5 tháng 6, tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian, công bố sáng kiến tuần tra chung của EU trong “khu vực hàng hải của châu Á” và để “có mặt thường xuyên và rõ ràng ở đó.”

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ở Đối thoại Shangri-la, Singapore 2016. Nguồn: New China
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ở Đối thoại Shangri-la, Singapore 2016. Nguồn: New China

Mặc dù đã không nêu tên Trung Quốc (Trung Quốc không phải là nước duy nhất có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông) trong bài phát biểu, sáng kiến của Le Drian đã được coi là một bất lợi đối với Bắc Kinh; họ đang bực tức vì những gì mà họ coi là “sự can thiệp từ bên ngoài” của Hoa Kỳ và các đồng minh trong những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước ven vùng biển phía Nam Trung Hoa.

Về mặt chiến lược thì kế hoạch Pháp vừa công bố sẽ không có tác động quyết định về tình hình ở Biển Đông. Dù là một cường quốc có sức mạnh quân sự lớn trên toàn cầu, sự hiện diện quân sự của Pháp tại khu vực rất hạn chế. Cạnh đó, ngoài Pháp, còn có quốc gia nào khác trong khối EU có mặt thường trực bằng hải quân và không quân tại Thái Bình Dương?

Tuy tác động chiến lược này có thể nhỏ, sáng kiến ​​của Pháp hứa hẹn sẽ vào cuộc trên mặt trận ngoại giao, là một lực lượng đáng kể cho thấy sự cô lập hoàn toàn của Trung Quốc trong vấn đề này.

Tác động ngoại giao này cần được đánh giá trong bối cảnh của phán quyết ngày 12 tháng 7 của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc khi Trung Quốc đang cố gắng, nhưng không thành công, để tạo một “liên minh những nước sẵn sàng” ủng hộ thế đứng của TQ ở biển Đông.

Sáng kiến ​​của Pháp, do đó, có tiềm năng tiếp tục làm suy yếu vị trí của Trung Quốc vì nó đã đưa châu Âu vào cuộc, tạo thêm áp lực quốc tế buộc tất cả các bên [nhưng nhằm vào TQ] phải tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật, điển hình là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague.

Pháp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Trái với nhận thức chung, Pháp không xa lạ gì trong khu vực sôi động này ở vùng Viễn Đông. Sáng kiến ​​của Pháp công bố có thể không quá ngạc nhiên nếu người ta nhớ lại rằng Pháp cũng là một quốc gia với lợi ích sống còn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Pháp có lãnh thổ ở Nam Thái Bình Dương: French Polynesia, New Caledonia, và các đảo Wallis và Futuna. Kết hợp với lãnh thổ ở Ấn Độ Dương (La Reunion, Mayotte, Kerguelen, v.v.), Pháp cũng là một quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Lãnh thổ của Pháp ở nước ngoài. Nguồn: frankrijkvolgensanouk.webnode.nl
Lãnh thổ của Pháp ở nước ngoài. Nguồn: frankrijkvolgensanouk.webnode.nl

Những lãnh thổ ở nước ngoài kể cả những hòn đảo trong vùng Caribbean đã cho Pháp khu đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ hai trên thế giới (11 triệu cây số vuông), sau Hoa Kỳ, 62% nằm ở Thái Bình Dương và 24% ở Ấn Độ Dương. Pháp có 1.500.000 công dân sống tại các vùng lãnh thổ Ấn Độ-Thái Bình Dương (500.000 người ở Thái Bình Dương) chưa kể 130.000 công dân Pháp tại nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

Với những vùng lãnh thổ, khu đặc quyền kinh tế và dân số như thế Pháp cần phải bảo vệ và có chính sách phù hợp. Điều này giải thích sự hiện diện thường trực của 8.000 nhân viên quân sự Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (2800 ở Thái Bình Dương). Trong khu vực Thái Bình Dương, một mình Pháp có hai tàu khu trục giám sát, bốn tàu tuần tra, hai tàu đa nhiệm vụ, năm máy bay giám sát hàng hải, bốn máy bay vận tải chiến thuật, và bảy máy bay trực thăng đang hoạt động.

Dù Liên minh châu Âu không có một sự hiện diện chiến lược rõ ràng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Pháp, bằng các hiệp ước và hiệp định khác nhau, đã duy trì một mạng lưới các “quan hệ đối tác chiến lược” với các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Australia, Singapore và Việt Nam.

Pháp cũng đã phát triển mối quan hệ chiến lược với Malaysia và New Zealand. Và Pháp tham gia vào hầu hết các diễn đàn chiến lược lớn trong khu vực, tỉ dụ như Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Diễn đàn khu vực ASEAN, và Diễn đàn Tuần duyên Thái Bình Dương, v.v.. Pháp là nước đầu tiên của các quốc gia EU đã ký tên gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia, TAC.)

Hơn nữa, Pháp là nguồn cung cấp chính những thiết bị quốc phòng ở châu Á. Gần đây Pháp đã ký một hợp đồng cung cấp 12 tàu ngầm mới cho Úc. Và đang trong tiến trình bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ và đã giúp Malaysia thiết lập lực lượng tàu ngầm. Pháp cũng duy trì hợp tác nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng với Singapore. Rất ít người biết rằng các phi công chiến đấu cơ của Không quân Singapore luôn đi huấn luyện tại miền nam nước Pháp.

Về mặt lịch sử, Pháp không phải là nhân tố mới trong khu vực. Theo bài viết của Giáo sư Shawn McHale hồi tháng 5 năm 2016 cho “Sáng kiến ​​Cường quốc đang lên”, Pháp, nước cai trị thuộc địa Việt Nam vào năm 1931 đã khẳng định chủ quyền trên một phần ở Biển Đông. Chủ quyền của Pháp đã bị Nhật Bản thách đố trong suốt Thế chiến II và cả hai nước chỉ ngưng tuyên bố chủ quyền của họ ở thập niên 1950.

Tại sao Pháp và EU?

Với hậu cảnh như thế, một câu hỏi chưa được trả lời là tại sao nước Pháp, cùng với các nước châu Âu khác, đang có lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc, lại chọn vuốt mặt Trung Quốc vào thời điểm này bằng cách nhập cuộc vào những tranh chấp ở Biển Đông.

Trong thực tế, sáng kiến ​​của Pháp xuất phát từ một mối quan tâm đang gia tăng ở châu Âu rằng việc Trung Quốc bành trướng hung hăng ở Biển Đông và phủ nhận cả phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với việc quản trị toàn cầu và nguyên tắc pháp trị, sẽ gây hậu quả ra cả ngoài khu vực Đông Nam Á.

Tuyên bố ngày 11 tháng ba của Cao uỷ Ngoại giao EU bày tỏ mối quan tâm này,và được lặp đi lặp lại trong thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 tháng Sáu ở Nhật Bản và cũng được nhắc lại trong các báo cáo khác nhau trong giới chính quyền và học giả châu Âu.

Một trùng hợp [ngẫu nhiên?], phán quyết của Tòa án Trọng tài đã được công bố ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc năm 2016 ở Bắc Kinh. Điều này đã cho phép Chủ tịch khối EU Donald Tusk nhấn mạnh một cách ngoại giao với chủ nhà Trung Quốc là, về vấn đề Biển Đông, “trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc pháp trị là mối quan tâm chung của chúng ta và cả Trung Quốc và EU đều phải bảo vệ nó.” Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, cũng kêu gọi “tất cả các bên phải tôn trọng quyết định pháp lý và duy trì các công ước Biển UNCLOS kể cả tự do hàng hải.”

Thật vậy, như nội dung Le Drian nói trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, nếu các quy tắc pháp trị và tự do hàng hải không được tôn trọng ngay bây giờ và ở đây, trên Biển Đông, tronng tương lai chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu ở những nơi khác trên thế giới, kể cả trong nội địa và xung quanh châu Âu.

Vì vậy, Pháp thấy có nhu cầu cấp thiết để hỗ trợ mối quan tâm chung của EU bằng các hành động cụ thể như tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải trong khu vực này của thế giới, tốt nhất dưới màu cờ của châu Âu.

Điều đáng chú ý là, ngay cả trước khi tuyên bố quan tâm của EU hồi tháng Ba và phán quyết của tòa án quốc tế trong tháng Bảy, Hải quân Pháp đã và đang hoạt động trong vùng biển phía Nam Trung Quốc từ nhiều năm qua. Gần đây nhất, tàu hải quân Pháp đã tiến hành cuộc tập trận chung với tàu chiến của Australia (và nhân viên hải quân Việt Nam) ngoài khơi bờ biển của Việt Nam (vào tháng 11 năm 2015) cũng như với Hải quân Malaysia ngoài khơi bờ biển phía bắc của đảo Borneo (vào tháng Hai 2016). Bên cạnh đó, Lục lượng Hải quân Pháp “Nhóm Jeanne d’Arc”, một hạm đội có một tàu sân bay trực thăng hiện đại dẫn đầu, đã đến thăm vùng biển phía Nam Trung Quốc trong chuyến hải hành hàng năm từ Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương.

Trung lập một cách thận trọng

Có thể hiểu được rằng một số người vẫn có thể tự hỏi nỗ lực duy trì các nguyên tắc pháp trị và tự do hàng hải ở Biển Đông lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích thương mại của Pháp với Trung Quốc (và của EU), một nước khổng lồ về kinh tế với thành tích trừng phạt các đối tác thương mại của họ vì động cơ chính trị nhạy cảm. Ví dụ, trong năm 2008, nền kinh tế Pháp bị thiệt hại nặng nề khi Pháp kết án Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng. Trong một trường hợp khác, Na Uy đã bị TQ trừng phạt bằng thương mại sau khi trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho người tù bất đồng chính kiến ​​Lưu Hiểu Ba.

Tuy nhiên, bất chấp những gì có thể coi là một thách thức đối với Trung Quốc ở vùng biển phía Nam Trung Hoa, Pháp và EU đã cẩn thận duy trì tính trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ cụ thể. Sự trung lập này, được Mogherini nhắc lại vào ngày 13 tháng 7 tại Bắc Kinh, đều phù hợp với những gì Trung Quốc đã liên tục yêu cầu EU. Sự trung lập của Liên minh châu Âu nhằm bảo đảm Bắc Kinh sẽ không phản ứng vượt ra ngoài nhưng biểu thức như không hài lòng với một Chiến dịch Tự do Hàng của Pháp / EU, trong thuật ngữ chính thức, không nhằm vào riêng Trung Quốc.

Mục đích Vụ lợi hay Động cơ Nguyên lý?

Không thể phủ nhận rằng một số người hoài nghi về những động lực khác nhau trong sáng kiến ​​của Pháp. Dưới mắt họ, là nước lớn thứ năm về xuất khẩu vũ khí trên thế giới, Pháp có thể đã thấy một cơ hội khi nhu cầu cho các thiết bị quốc phòng mới tăng cao ở khu vực ngày càng lo lắng và bất ổn vì mối đe dọa do sự quyết đoán của Trung Quốc, nếu không phải do khua chiêng đánh trống của Bắc Triều Tiên. Sự quyết đoán của Trung Quốc trên biển đang đẩy các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vào một cuộc chạy đua để hiện đại hóa kho vũ khí của họ. Điều này có nghĩa là Pháp có nhu cầu để tăng sự hiện diện của mình trong khu vực này với một thị trường đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên,đối với Pháp, tôi nghĩ rằng động cơ phía sau sáng kiến ​​mới của Pháp ở Biển Đông là nguyên tắc. Pháp đã có thành tích đáng nể về việc duy trì công lý quốc tế, thậm chí phải hy sinh lợi ích kinh tế riêng của mình.

Đó là trường hợp trong cuộc va chạm với TQ năm 2008 vì Tây Tạng, đặt pháp vào thế Pháp mâu thuẫn với Trung Quốc. Cũng như vậy, trường hợp xảy ra vào năm 2003, Pháp đã bất chấp sự phẫn nộ của Hoa Kỳ, đồng minh lâu đời nhất và là đối tác thương mại lớn, đã dẫn đầu đầu phe đối lập trên toàn thế giới để chống lại cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq.

Lần này, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ cho Pháp một động lực mới để đứng lên một lần nữa bảo vệ công lý quốc tế ở vùng biển phía Nam Trung Hoa, vì làm như thế cũng có nghĩa là Pháp bảo vệ nền pháp trị ở những nơi khác.

Biết vậy, dù Hải quân Pháp tiếp tục có mặt ở vùng biển phía Nam Trung Quốc, với triển vọng có một đội tàu EU tuần tra các vùng biển này, người ta có thể vẫn còn đợi một thời gian dài vì nhiều cuộc khủng hoảng và chia rẽ trong khối châu Âu, đặc biệt là sau khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở nước Anh. Nhưng là một thành viên sáng lập EU tích cực nhất trong việc thúc đẩy để có một chính sách phòng thủ chung, Pháp là nước thích hợp nhất để phối hợp những hoạt động giữa các đối tác trong khối EU.

Có phải Pháp đang giữ vai trò hào hiệp bảo vệ nguyên tắc của luật pháp quốc tế, lần này ở Biển Đông? Hoặc, như giới phê bình Pháp nghi ngờ nó đang chiếm vị trí và dương cờ với hy vọng thu hoạch lợi ích thương mại trong tương lai khi kinh tế bùng phát châu Á-Thái Bình Dương?

Có thể là cả hai…

Yo-Jung Chen là một nhà ngoại giao Pháp đã nghỉ hưu. Sinh ra tại Đài Loan và đi học tại Nhật Bản trước khi trở thành một công dân và nhà ngoại giao của Pháp, ông đã được công tác ở Tokyo, Los Angeles, San Francisco, Singapore và Bắc Kinh.


Bloomberg: June 2016, Beijing’s Top Admiral Warns on South China Sea

© 2016 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: South China Sea: The French Are Coming. By Yo-Jung Chen. The Diplomat, Jul 14, 2016

1 Comment on “Biển Đông: Pháp vào cuộc

  1. THẾ GIỚI NGÀY NAY
    Thế giới ngày nay đã tiến rồi
    Toàn cầu như một xóm mà thôi
    Vài anh lạc hậu đua nhau cưỡng
    Nhưng hướng đường chung dễ khác đâu
    Nay toàn cầu hóa đã vô sâu
    Thế giới càng chung một nhịp cầu
    Qua trước qua sau đều vậy cả
    Cơ hồ tay bắt phải cùng nhau
    Như vậy cần chi nữa đại đồng
    Một thời Các Mác chỉ cuồng ngông
    Cứt gà sử dại bầy con trẻ
    Trăm triệu người từng phải chết ngang
    Vậy nay thế giới đã thành làng
    Cấm cản đường đi rõ ngang tàng
    Toàn cầu phải mở toàn nhân loại
    Cắt mẹ Lưỡi bò đâu có oan
    Nên Tòa Quốc tế quả đàng hoàng
    Phán quyết người khen thật rộn ràng
    Công lý khách quan cần bảo vệ
    Gạt tràn yêu sách kiểu mưu gian
    Cho dầu kẻ mạnh cố cậy quyền
    Hành vi ngang ngược chỉ đảo điên
    Bốn phương xúm lại hè nhau trị
    Cách làm duy nhất để bình yên
    NẮNG NGÀN
    (16/7/16)
    SÓNG NGÀN
    (16/7/16)