Trump, Clinton ai nói dối?

Trà Mi

debateCuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng tống của đảng Dân chủ và Cộng hoà, tại Hofstra University, N.Y., do nhà báo Lester Holt của NBC điều hợp đã chấm dứt tối hôm tứ Hai 26 tháng 9, 2016.

Clinton và Trump sau cuộc tranh luận. Nguồn:  Timothy A. Clary/AFP/Getty Images
Clinton và Trump sau cuộc tranh luận. Nguồn: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images

Ngay sau đó Trump đã khen ký giả Holt điều hợp tốt nhưng sang hôm thứ Ba ông Trump đã than phiền ong Holt đã “làm khó” ông hơn so với bà Clinton. Trump cũng than phiền cường độ máy vi âm của ông thấp hơn của Clinton; riêng người viết bài này không nhận thấy diểm khác biệt và nghe rất rõ những gì hai ứng cử viên phát biểu kể tiếng khịt mũi của Donald trong suốt 90 phút tranh luận.

Báo giới Hoa Kỳ có những nhận xét khác nhau về cuộc tranh luân Trump-Clinton.

  • Tờ New York Times, mà ban biên tập đã có bài nghị luận hôm 27 tháng 9, một ngày trước cuộc tranh luận, ủng hộ bà Clinton trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, cho rằng cuộc tranh luận mất hết ý nghĩa khi chỉ có một bên nghiêm túc còn một bên thì khoác lác, ngớ ngẩn.
  • Tất cả ký giả của tờ Washington Post thống nhất quan điểm, cho rằng bà Clinton đã thắng, và nói rằng ông Trump đã “hoàn toàn thất bại trong chương trình đời thực [reality show] quan trọng nhất xưa nay” và “đã tỏ ra không sẵn sàng để trở thành tổng thống”.
  • Fox News – giới bình luận của cơ quan thông tấn Fox nói rằng ông Trump đã phải “vật lộn”, “không bao giờ nắm được phần chủ động” và “không khai thác” đúng mức các vấn đề xung quanh vụ email của bà Clinton trong cuộc tranh luận. Một nhà báo đã nói với Trump, “Sắp sẵn bao giờ cũng có lợi.”
  • Ba bỉnh bút của LA Times đã kết luận bà Clinton đã thắng ở cả 6 vòng. “Chính trị khó hơn người ta tưởng, và tối nay, Trump đã nhận ra điều đó.” Một người khác bình luận, “Clinton đã không ba hoa … và có lẽ dễ thương đủ rồi.”
  • Ký giả của trang Breitbart, một trang tin cánh phải cho biết Trump đã “đập vỡ đầu” Clinton về vấn đề thương mại và tố cáo rằng người điều hợp, Lester Holt, đã làm “cò mồi” Clinton. Khoảng 75% độc giả của trang Breibart cho rằng ông Trump đã thắng.
  • The Hill – giới phê bình mà những trang web chính trị ở Washington tham khảo cho biết bà Clinton đã thắng, nhưng trong một cuộc thăm dò, độc giả của The Hill cho rằng ông Trump thắng.
  • New York Daily News kết luận: “Một kẻ thua cuộc cọc cằn, Trump quấy rầy, ngắt lời Hillary suốt cuộc tranh luận – nhưng Clinton là kẻ được cười sau cùng.”

Tuyên bố và Sự thật

1. Biến chuyển khí hậu . Clinton nói rằng Trump “nghĩ vấn đề biến chuyển khí hậu là trò lừa bịp của Trung Quốc bịa ra”, và Trump khăng khăng cho rằng mình không hề nói như thế.

Sự thực cho thấy Trump đã twit hồi 2012 cho rằng “…biến chuyển khí hậu là trò lừa bịp của Trung Quốc bịa ra để làm lợi cho Trung Quốc…”

trump2012

Và dù Trump coi chuyện biến đổi khí hậu là trò bịp của Trung Quốc nhưng theo một bản tin của Politico, Trump International Golf Links đã nộp đơn xin giấy phép để xây một bức tường biển quanh sân golf của Trump ở Ireland hòng tránh được “ảnh hưởng vì nhiệt độ toàn cầu tăng lên”.

2. Clinton cho rằng chương trình kinh tế của bà sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm cho người Mỹ trong lúc chương trình của Trump sẽ làm mất 3,5 triệu việc làm.

Bà Clinton nói như thế vì đã dựa vào một báo cáo của Mark Zandi cho Moody’s Analytics đăng mùa hè 2016. Nhưng những con số đó đã gây hiểu lầm vì theo Zandy thì ngay cả khi Clinton không làm gì hết thì kinh tế Mỹ cũng sẽ có thêm 7,2 triệu việc làm. Do đó, chương trình của Clinton có thể tạo thêm 3 triệu việc làm nữa mà thôi. Zandy cho CNN biết không thể so sánh 3,5 triệu việc làm biến mất vì chương trình của Trump với 10 triệu việc làm mới của Clinton vì nó không ở cùng khung thời gian. Chính xác hơn, Zandi nói có 10 triệu việc làm mới bằng chính sách của Clinton thì con số việc làm mất đi với chính sách của Trump sẽ là 400,000 thay vì 3,5 triệu.

3. Ohio và Michigan mất việc làm, “Chúng ta không thể để nó tiếp tục như thế nữa.” Trump nói như vậy khi cho rằng đó là kết quả của những hiệp định thương mại bất lợi cho Mỹ.

Thực tế cả hai tiểu bang Ohio và Michigan đã tăng việc làm trong những năm gần đây.

Ohio, sau cuộc khủng hoảng 2008, 2009 chỉ còn 5 triệu việc làm, nay đã tăng lên 5,5 triệu việc làm không thuộc khu vực nông nghiệp – con số lớn nhất tính từ 2001.

Tháng Tám vừa qua, Michigan có 4,3 triệu việc làm ngang với kỷ lục năm 2006. Mức thấp nhất trong gia đoạn này là 3,8 triệu việc làm hồi 2009.

4. Việc làm của Mỹ chạy qua Mễ Tây Cơ. Trump nhận xét đúng. Ví dụ điển hình là công ty Carrier tuyên bố hồi đầu năm là họ sẽ chuyển 1.400 việc làm từ Indianapolis sang Mexico. Nhưng Trump sai khi cho rằng hãng xe Ford đem việc làm sang Mễ Tây Cơ. Ford nhấn mạnh là Michigan không mất bất kỳ công việc nào cho Mexico hết.

Việc làm qua biên giới là những con số mà giới kinh tế không đồng ý với nhau. Theo Robert Scott, kinh tế gia của Viện Chính sách Kinh tế, thì Mỹ mất khoảng 800,000 việc làm cho Mexico trong khoảng 1997-2003 phần lớn vì Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, NAFTA. Một số kinh tế gia khác cho rằng Scott tính sai vì chỉ dựa vào mực thâm thủng thương mại giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ. Một số công ty Mỹ đã xuất cảng hàng sang Mễ đã sống được là nhờ NAFTA. Hiệp định thương mại nào cũng giúp một số công ty và gây bất lợi cho một số khác trong cùng quốc gia.

Hơn nữa nền kinh tế Mỹ đã chuyển ra khỏi khu vực sản xuất, trong khi đó sản xuất lại tăng trưởng lớn mạnh ở Mễ Tây Cơ. Từ năm 2000 đến any Mỹ đã mất đi khoảng 5 triệu việc làm vì mực lao động rẻ ở nước ngoài và sự tiến bộ của kỹ thuật.

5. “Chồng tôi đã làm tốt trong những năm 1990.” “Lương tăng cho mọi người, việc làm sản xuất cũng tăng lên trong thập niên 90.” Đúng như bà Clinton nói, thời Tổng thống Bill Clinton, số việc làm trong khu vực sản xuất năm 2001 tăng lên 17,1 triệu, tăng 313.000 việc tính từ tháng Giêng năm 1993. Lợi tức trung bình ở Mỹ tăng từ 50.487 USD lên 56.631 USD trong hai nhiệm kỳ tổng tống của Bill Clinton (1993-2001)

6. TPP. Trump cho rằng Clinton sẽ phê chuẩn TPP sau khi đắc cử Tổng thống. “Bà muốn chấp thuận TPP. Bà đã hoàn toàn ủng hộ nó. Nhưng sau khi nghe tôi nói nó tệ như thế nào thì bà lại nói, tôi không thể thắng cuộc tranh luận đó. Bà gọi TPP là tiêu chuẩn vàng.”

Clinton trả lời, nói rằng bà hy vọng “nó có thể là là một hiệp định tốt, nhưng khi TPP đã được đàm phán xong – ngoài trách nhiệm của tôi – thì tôi kết luận là nó không [có lợi].”

Tháng 10 2015 bà Clinton tuyên bố không ủng hộ TPP và hứa sẽ không phê chuẩn nó nếu đắc cử. Tháng Tám 2016, Clinton nói, “Tôi chống TPP ngay lúc này, tôi sẽ chống nó sau cuộc bầu cử, và tôi sẽ chống nó khi là Tổng thống.”

Đây là một điểm Clinton ở thế yếu trong cuộc tranh luận.

7. Trump bắt đầu sự nghiệp thế nào? Clinton tấn công Trump cho rằng ông không phải là người tự tạo dựng sự nghiệp của mình, “Quý vị biết đó, Donald rất may mắn trong đời; ông ấy xây dựng sự nghiệp bằng 14 triệu đồng mà bố ông cho mượn.”

Mặt khác, Trump luôn luôn khoe mình xây dựng sự nghiệp bằng một món nợ nhỏ (1 triệu USD). The The Wall Street Journal thì Trump đã mượn 14 triệu USD của bố là ông Fred Trump trong những năm 1970 và 1980, để xây một khu đánh bạc vào năm 1985. Ngoài ra Trump bố còn làm rất nhiều việc khác để nâng đỡ và mở đường sự nghiệp cho các con của ông.

Nợ của quốc gia. Clinton nói Trump đã tuyên bố sẽ thương lượng để trả ít nợ quốc gia và Trump phủ nhận điều này. Nhưng hồi tháng Năm, Trump tuyên bố trên MNBC rằng ông sẽ tiếp tục vay nợ, và nếu nền kinh tế sụp thì ông sẽ thương lượng (“make a deal”). Vài tuần sau đó Trump phủ nhận lời tuyên bố đó và nói với CNN là ông bị trích dẫn sai, “Trước tiên, mình không bao giờ phải trốn nợ vì mình in ra tiền mà.” Đó là tuyên bố của Trump trong chương trình Ngày mới của CNN.

8. Trump mong thị trương địa ốc Mỹ sụp đổ năm 2006. Dựa và cuốn sách  “Làm thế nào để dựng một cơ đồ” do Trump University phát hành năm 2006, Clinton nói Trump đã mong thị trường địa ốc Mỹ sụp đổ. Trong cuốn sách vừa nêu, Trump nói,

“Tôi hy vọng điều đó xảy ra bởi vì sau đó những người như tôi sẽ mua lại. Nếu có một vụ bong bóng nổ, như họ gọi nó, bạn biết đó bạn có thể kiếm được nhiều tiền … Nếu bạn đang có nhiều tiền mặt, mà như vị trí của tôi hôm nay, thì những người như tôi sẽ đi mua lại (bất động sản) như điên thôi.”

Clinton nói, “Và nó đã sụp đổ.” Trump trả lời, “Đó là cách kinh doanh.”

9. Chận xét. Trump nói chính sách cho cảnh sát chận dân và khám xét không vi hiến. Nhưng sự thật thì nó vi hiến theo quyết đinh của một Thẩm phán Liên bang vào tháng Tám, 2013 về chính sách “chận xét” dưới thời Thị trưởng Bloomberg.

10. Tội ác ở New York. Trump cho rằng tỉ số tội ác ở New York đang tăng khi Clinton đang nói “dưới quyền Thị trưởng hiện nay [Bill de Blasio] thì tội ác ở New York đang giảm, kể cả tội sát nhân.” Trump nói, “Bà sai rồi.” Theo thống kê hàng tuần của Cảnh sát New York thì tỉ số tội ác đang giảm 4,3%. Theo một phát ngôn nhân của Cơ quan Cảnh sát New York, thì thành phố này đang trên đường đạt kỷ lục là một năm an toàn nhất xưa nay. Suốt 25 năm qua tỉ lệ tội ác ở New York giảm dần, số những vụ sát nhân năm 206 giảm 80% so với năm 1990.

11. Phong trào đòi coi giấy khai sinh. Trump cho rằng cuộc vận dộng của Clinton năm 2008 là nơi khai sinh ra vấn đề nghi ngờ Obama không sinh ra ở Mỹ.

Sự thật thì chính Trump là người đòi Obama phải cho coi giấy khai sinh. Tuy TT Obama đã đưa giấy khai sinh, mẫu chi tiết, ra trước công luận từ 2011, Trump vẫn đeo đẳng vấn đề cho đến 2016.

12. Nga xâm nhập hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ. Clinton cho rằng Putin đã để cho nhóm tin tặc tấn công vào bộ chỉ huy của Đảng Dân chủ. Trump không tin như thế, và cho rằng có thể là Nga, có thể là Trung Quốc, hay một ai đó nặng 400 cân ngồi trên giường; Nga không nhận trách nhiệm về những vụ tấn công.

13. Thuế. Trump nói Clinton sẽ tăng thuế cao nhât lịch sử Mỹ và ông sẽ cắt thuế. Trong khi vận động Clinton đã cho biết sẽ tăng thuế nhà giầu để lấy quỹ giúp người nghèo: trợ cấp nghỉ nuôi con, giúp sinh viên đại học không mắc nợ. Triệu phú sẽ phải đóng thuế ít nhất 30% thu nhập và thêm 4% cho nhưng người có thu nhập hơn 5 triệu cũng nhưng nâng thuế lợi tức đâu tư cho giới đâu tư giàu có. Trung tâm Chính sách Thuế cho hay 1% giàu nhất Mỹ, những người có thu nhập ít nhất 730.000 USD sẽ phải đóng thuế trung bình hơn 78.000 USD mỗi năm. Tuy vậy, Trump sai khi nói Clinton sẽ mức tăng thuếcao nhât lịch sử Mỹ vì thuế hồi Đệ II Thế chiến và Chiến tranh Đại Hàn cao hơn nhiều. Và mức thuế năm 1968, dưới thời Lyndon B. Johnson cũng cao hơn đề nghị của Clinton hiện nay.

14. Trump sẽ giảm thuế nhiều nhất kể từ thời TT Reagan (1981). Theo Viện Thuế khoá và Ủy ban cho một Ngân sách Liên bang Hữu trách thù đề nghị cắt giảm thuế của Trump sẽ làm ngân quỹ quốc gia hụt mất 6 ngàn tỉ USD. Đáng chú ý là những năm 1982, 83 và 84 TT Reagan đã phải tăng thuế để trang trải thâm thủng ngân sách quốc gia ở nhiệm kỳ đầu.

15. Trump không cho công luận thấy hồ sơ khai thuế cá nhân. Lý do ông dẫn là vì đang bị điều tra và hứa sẽ trưng hồ sơ thuế sau cuộc điều tra của sở thuế vụ. Tuy nhiên, Trump đã sai vì theo luật pháp hiện hành không ai không được trưng hồ sơ thuế ngay cả khi đang bị điều tra. Và theo Trump thì ông luôn luôn bị sở thuế điều tra. Clinton tấn công khi bà nói,

“Tất cả moi người đang theo dõi truyền hình hôm nay nên biết rằng ông ta không đóng thuế liên bang vì một vài năm người ta thấy được hồ sơ thuế của Trump là những năm ông ta xin giấy phép mở sòng bạc, và những hồ sơ đó cho thây ông ta không đóng thuế liên bang.”

Trump phản pháo, “Nghĩa là tôi khôn.”

Phil Mattingly của CNN truy cập được 5 hồ sơ thuế ở Ủy ban phụ trách về cờ bạc của New Jersey, cho những năm 1978, 1979, 1984, 1991 và 1993 và chúng xác định Trump không đóng một xu thuế liên bang. Không thể có kết luận Trump có đóng thuế liên bang những năm sau đó đến nay hay không khi chưa có hồ sơ liên hệ.

Trump quay mũi dùi lại phía Clinton nói rằng ông sẽ đưa hồ sơ thuế ra trước ông luận, trái với lời khuyên của luật sư, sau khi bà Clinton công bố 30000 điện thư đã bị xoá từ máy chủ khi Clinton là Ngoại trưởng Mỹ.

16. Chính sách thuế của Clinton. Dựa trên báo cáo của Ủy ban (lưỡng đảng) cho một Ngân sách Liên bang Hữu trách, CRFB, Clinton nói chính trách thuế của bà sẽ không làm tăng nợ quốc gia thêm một xu trong khi chính sách của Trump sẽ làm nợ quốc gia lớn thêm 5 ngàn tỉ USD trong mười năm đầu

Theo CRFB, chính sách của Trump sẽ đưa tỉ số nợ trên tổng sản lượng nội địa năm 2026 lên 105%. từ tỉ số 86% hiện nay. Trong khi đó chính sách của Clinton sẽ nâng số nợ quốc gia lên 200 tỉ USD. Tuy lớn hơn 1 xu, nhưng tính ngân sách liên bang (Mỹ) suốt 10 năm tới thì con số đó sẽ không làm thay đổi dự phóng hiện tại của tỉ số nợ quốc gia trên GDP năm 2026 vẫn ở mức 86%.

17. Trump được Công đoàn Nhân viên Biên phòng US Immigration and Customs Enforcement, ICE là một cơ quan chính phủ thường không xen vào cuộc tranh cử toàn quốc. Tuy nhiên, đúng vậy Trump là ứng cử viên đầu tiên được ICE ủng hộ. ICE có hơn 20000 nhân viên trên toàn cầu.

18. Trump cáo buộc Ngân hàng Quốc gia bị ảnh hưởng chính tri.  Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Mỹ, Janet Yellen phủ nhận cáo buộc này, “Chúng tôi không bàn chuyện chính trị trên bàn họp. Chính trị đảng phái không có vai trò nào trong quyết định của chúng tôi.”

Ngân hàng Quốc gia là một tổ chức chính trị độc lập do Quốc Hội đề ra. Tuy vậy không ai ở quốc hội hay ngay cả Tổng thống Mỹ có thể nói Ngân hàng Quốc gia tăng hay giảm lãi xuất. Đây là quyết định của 12 nhân vật trong uỷ ban của Ngân hàng Quốc gia.

19. Trump khai phá sản 6 lần. Đúng như Clinton nói về lịch sử kinh doanh của Trump, ông đã khai phá sản 6 lần. Phần lớn là ở các sòng bạc khi kỹ nghệ cờ bạc xuống dốc: 4 lần trong những năm 1990 và hai lần năm 2004 và 2009.

20. Trump ủng hộ can thiệp vao Iraq và Lybia. Clinton nói, “Donald ủng hộ cuộc xâm lược Iraq. Điều này đã được xác minh nhiều lần. Ông ấy thực sự ủng hộ cho các hành động của chúng ta tại Libya và kêu gọi loại Gadhafi khỏi ghế quyền lực.” Trump phủ nhận tức thì.

Sau đó người điều hợp Lester Holt nói rằng Trump đã ủng hộ việc Mỹ can thiệp ở Iraq và Trump cho rằng đó là sản phẩm tưởng tượng của giới truyền thông dòng chính.

Sự thật thì Trump đã nói với Howard Stern (2002) là ông ta ủng hộ cuộc chiến ở Iraq và sau khi chiến tranh bùng nổ, Trump đã nói với Neil Cavuto (Fox News, 2003) là đó là một thành công vĩ đại.

Trong một video clip năm 2011 đăng trên blog riêng của mình trước khi có sự can thiệp ở Libya, Trump nói,

“Gadhafi ở Libya đã giết chết hàng ngàn người, không ai biết tình hình xấu cỡ nào, và chúng ta thì đang ngồi quanh không làm gì. Chúng ta có quân đội ở khắp Trung Đông, và chúng ta không đưa quân vào để ngăn chặn cuộc tàn sát khủng khiếp này và đó là một cuộc tàn sát.” Trump nói thêm, “Trên cơ sở nhân đạo, ngay lập tức hãy vào Libya, loại tên này thât nhanh chóng, thật chính xác, thậtt hiệu quả và cứu lấy nhiều nhân mạng.”

Đến tháng 3 năm 2011, sau khi bắt đầu có sự can thiệp của NATO, Trump đã bày tỏ mối quan tâm về sự trung thành của quân nổi dậy chống Gadhafi, nói với CNN, “Tôi nghe thấy chúng liên kết với Iran. Tôi nghe thấy họ có thể liên kết cả với al-Qaeda.”

Nhưng Trump vẫn còn nói thêm, “Tại thời điểm này, nếu chúng ta không dứt điểm Gadhafi, thì đó là một điều nhục nhã cho đất nước này.”

Trump đã ủng hộ nỗ lực để loại bỏ lãnh tụ Libya Gadhafi ngay trên trang web riêng của ông.


Trích đoạn của cuộc tranh luận hôm 26/9/2016 và nhận định

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Tham khảo:

Presidential debate: Trump criticises moderator Lester Holt, The BBC. September 27, 2016
Clinton, Trump clash in first debate: CNN’s Reality Check Team vets the claims. CNN’s Reality Check Team, Tue September 27, 2016
Clinton, Trump clash over taxes, race and terror in 1st presidential debate
‘There’s something he’s hiding,’ Clinton insists of Trump’s refusal to release tax returns
The Associated Press. Sep 26, 2016.

1 Comment on “Trump, Clinton ai nói dối?

  1. TỪ TRANH LUẬN TIỀN BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ ĐẾN CHÍNH TRỊ MỸ

    Trong cuộc tranh luận tay đôi hiện nay giữa ứng cử viên đảng cộng hòa Mỹ và ứng cử viên đảng dân chủ Mỹ cho cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ cho mọi người thấy ai điều rất thú vị : đó là tranh luận công khai không ai che giấu được điều gì trước mọi người cả. Thứ hai quan điểm của mỗi người nếu được bầu vào chức vụ Tổng thống sẽ thực hiện sau này cũng giúp cho công chúng cử tri lựa chọn được mình sẽ thích bầu cho ai.

    Ông D. Trump vốn xuất thân là nhà tư bản địa ốc, bà B. Clinton khởi đầu là sinh viên ra trường theo đuổi chính trị và leo dần đến địa vị hiện nay. Có nghĩa ở Mỹ ai không muốn làm chính trị thì thôi, có hàng vạn lãnh vực để thỏa chí ham thích hay bó buộc phải theo tùy theo hoàn cảnh riêng của mình, còn nếu muốn theo sự nghiệp chính trị, có thể gia nhập một đảng chính trị kiểu nhằm chí hướng tranh cử nào đó, như đảng cộng hòa và đảng dân chủ chẳng hạn, và nếu nổi vượt vẫn có thể ra tranh cử về sau và nếu được dân bầu, tức trúng cử, cũng được trở thành Tổng thống Mỹ để danh tiếng còn mãi sau này cũng chẳng khó khăn gì.

    Ý nghĩa xã hội chính trị của nước Mỹ cơ bản là như thế. Tức chính trị không phải là cái gì ghê gớm lắm mà bó buộc mọi người phải dòm ngó. Người ta tức mọi người dân có thể tham gia bất kỳ lãnh vực nào tùy thích theo điều kiện của mình mà chẳng cần gì quan tâm hay tham vọng về chính trị. Chẳng hạn hoạt động nghề nghiệp thuần túy, hoạt động kinh doanh đầu tư trong kinh tế, hoạt động tôn giáo, hoạt động khoa học kỹ thuật, hoạt động văn hóa nghệ thuật v.v… chẳng hạn.

    Các đảng chính trị cũng là những đảng có sẳn, vai trò và ý nghĩa của nó chỉ nhằm chuẩn bị cho ứng cử và tranh cử tự do dân chủ cho những người nào có năng lực hoặc sở thích hay mục đích chính trị thế thôi. Khi nào có người của mình ra tranh cử và được trúng cử trong các nhiệm vụ dân cử khác nhau thì đảng đó có được tiếng nói, uy tín, tác động tích cực và quan trọng vì có đa số trong lưỡng viện quốc hội, hoặc nếu nếu có người ra ứng cử mà trúng cử được chức Tổng thống thì thành ra đảng có thân thế trong nhiệm kỳ Tổng thống đó. Khái niệm đảng cầm quyền mang tính trịch thượng hay quyền bính không hề có trong chính trị Mỹ. Tổng thống chỉ là người đại diện toàn dân và đất nước mà không phải đại diện cho đảng phái hay phe nhóm nào duy nhất. Nguyên tắc này cũng đúng cho mọi nước theo chế độ tự do dân chủ đúng nghĩa khác, không riêng gì Mỹ.

    Điều đó hoàn toàn khác với các nước chuyên chính độc đoán, chỉ có đảng duy nhất cầm quyền thường xuyên, liên tục, chẳng cần gì bầu cử cả hay chỉ bầu cử theo tính hình thức để hợp thức hóa mặt chính trị và pháp lý cho các nhân sự tự họ đưa ra và buộc dân phải bầu. Do vậy thậm chí người dân cũng không biết thực chất bản thân hay tiểu sự đích thực của những người ra tranh cử như thế nào, vì không có tranh luận kiểu tự do dân chủ đàng hoàng thoải mái, mà chỉ biết đó là những người đã có chức vụ cao hoặc thấp sẳn từ đâu đó được đảng cầm quyền đưa ra và người dân chỉ theo đó mà bầu cử thôi và chắc chắn thế nào họ cũng trúng cử cho dầu có theo cách đánh loto cũng khó trật đi đâu được. Tức chính trị ở trong các nước đó đều là chính trị kiểu chuyên nghiệp, chuyên nghiệp không phải những người dóc tâm bỏ suốt cuộc đời mình để theo đuổi nghề nghiệp chính trị, mà chuyên nghiệp do vì họ ở sẳn trong hệ thống quyền lực từ bước đầu gia nhập và cứ thế lâu năm leo lên theo kiểu lão làng chẳng khác gì kiểu lên cấp tự động trong quân đội thế thôi, tức cũng giống như kiểu xoay bài trong một cổ bài sắp sẳn vì mọi quân tướng đều nằm sẳn trong đó mà không vượt ra đâu được.

    Ngược lại cũng trong cơ chế như thế, nhưng nếu có người có mục đích chính trị tốt đẹp, có tài năng chính trị nào đó chẳng hạn, nhưng nếu không thuộc khuynh hướng hay mục tiêu của đảng cầm quyền, tức không muốn tham dự vào đó thì luôn cũng chỉ ở ngoài rìa xã hội. Chính sự bất công chính trị là như thế. Tức không thể có sự bình đẳng và cơ hội cho mọi người như nhau để thể hiện năng lực hay thiện chí của mình cho xã hội mà điều đó chỉ luôn là độc quyền dành sẳn cho những người nào ngay từ đầu đã có khuynh hướng đầu cơ chính trị theo cách một chiều mà chẳng cần gì có hay không có lập trường mục đích chính đáng của riêng họ cả.

    Mặt khác, trước kia mà ngay cả hiện nay cũng thế, có những người có tâm lý vết mòn hoặc khuynh tả kiểu mù quáng, cứ nói đến chính trị Mỹ thì luôn cho là do giới tư bản tài phiệt chi phối tất cả. Điều đó nếu có đúng thì cũng chỉ một phần nhỏ nào đó, nhưng không phải luôn là nguyên tắc chung duy nhất. Bởi vì nói vậy thì còn đâu là quyền chính trị của mọi người, còn đâu là ý nghĩa dân chủ tự do khách quan trong toàn xã hội, nên cách nói mù quáng hay tiên kiến mù quáng như vậy thực chất chẳng có ý nghĩa hoặc giá trị gì nghiêm túc hoặc khách quan cả thảy. Như đơn cử hiện nay ông D. Trump là một nhà đại tư bản địa ốc lớn nhưng vẫn phải bắt buộc tranh luận công khai với người đẹp chính trị gia nữ B. Clinton bình thường mà không thể lấn lướt hay dấu nhẹm điều gì cả. Kết quả tất yếu cuối cùng là đa số phiếu của cử tri bầu chọn mà chẳng phải ảnh hường gì của tài phiệt hay tư bản kếch sù quyết định cả.

    Cho nên những người nào có thiên kiến coi các nước tự do dân chủ kiểu tư bản cũng đều là dân chủ tự do kiểu hình thức cả, cùng đều do tư bản chi phối cả, thì chỉ còn chọn cách dân chủ một chiều theo kiểu cách mạng vô sản tháng mười Nga mà Liên Xô thực hiện nhưng cuối cùng cũng rã đám mà không còn tồn tại nữa. Cho nên không phải ai cũng ngây thơ trên cõi đời này, nhưng thật sự không phải những người khách quan vô tư hay ngay thẳng đều luôn luôn có mặt trên thế giới này. Bi kịch thường xuyên của nhân loại chính là như thế, và cuối cùng cũng chỉ có khoa học và đạo đức xã hội là lực lượng duy nhất có khả năng chiến thắng và làm tốt được lịch sử nhân loại thế thôi. Ngược lại mọi ý thức hệ phi khoa học hay không mang tính khoa học thực tế đều chỉ ngăn cản hay làm chậm lại mọi tiến trình phát triển tự nhiên và khách quan của nhân loại mà từ trước tới nay qua lịch sử thực triển phần lớn mọi người đều nhìn thấy ra được.

    Vì đời chính là cuộc đấu tranh luôn có như thế, đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, giữa cái tốt và cái xấu, giữa người lương thiện và người không lương thiện, giữa người hiểu biết và người kém hiểu biết, giữa ngưởi thiện chí và những người tà ý, ở đâu cũng vậy và lúc nào thời nào cũng thế thôi, không phải chỉ có đấu tranh giai cấp kiểu tưởng tượng mang cách mê tín mà Mác từng nêu lên và theo đuổi trong mục đích thực hiện một thế giới hoàn toàn giả tạo cũng như ảo tưởng. Nên nói chung lại thể chế tự do dân chủ là thể chế chính đáng, trong lành và hiệu lực nhất trong xã hội loài người. Bởi vì nó tránh được mọi sự gian xảo ít ra là về mặt công khai nơi cá thể cũng như tập thể trong xã hội loài người, và tính cách khách quan, tính cách khoa học, tính cách chính đáng ít ra là trong mức tương đối nào đó mà con người cần theo đuôi vì không còn cách nào khác, bởi vì chỉ cách đó mới không thể đi ngược lại mọi yêu cầu tự do dân chủ khách quan của thế giới loài người về mặt kinh tế xã hội chính trị cũng như văn hóa theo ý nghĩa nhân văn và nhân cách, cũng như đôi khi kể cả nhân tính tự nhiên nói chung.

    NGÀN KHƠI
    (29/9/16)