Đêm Giữa Ban Ngày
Nguyễn Văn Lục
Sau 1975, tôi có thói quen ngược chiều với nhiều bạn đoc miền Nam. Tôi đi tìm lại những tác phẩm thời tiền chiến ít phổ biến ở miền Nam trước đây để đọc như các tác phẳm của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển v.v.
Đọc Vũ Thư Hiên
Từ “Miền thơ ấu”
Sau 1975, tôi có thói quen ngược chiều với nhiều bạn đoc miền Nam. Tôi đi tìm lại những tác phẩm thời tiền chiến ít phổ biến ở miền Nam trước đây để đọc như các tác phẳm của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển v.v.
Đây là những tác phẩm nổi tiếng thời tiền chiến. Đọc họ, tôi hiểu được nỗi lầm than, cái khốn khổ, cái đói nghèo, cái đê tiện, cái độc ác giữa con người của xã hội thời bấy giờ. Đặc biệt, các nhà văn nêu trên đã xử dụng một số từ, một thứ ngôn ngữ đặc sản miền Bắc mà tôi quen thuộc. Đọc họ, cả dĩ vãng như sống lại.
Trong số những nhà văn ấy chỉ có Nam Cao dạy cho tôi thấy rằng, một cách nào đó thế giới con người cùng khổ trong tối tăm vẫn lóe sáng lên cái tình người. Sau đó đến lượt Bùi Tấn một cách nào đó cũng đi theo con đường của Nam Cao.
Sau đó, tôi đặc biệt thích thú về những từ mà họ đã dùng mà có một thời di vãng tôi đã từng sống sống ở đó. Tôi nghĩ đến việc làm sống lại những từ ngữ đó và tôi đã viết “Cuộc di cư của chữ nghĩa” để nhận ra chữ nào đã đi vào miền Nam, chữ nào ở lại, chữ nào còn, chữ nào đã đi vào quên lãng.
Chính trong thời gian viết bài này mà tôi có duyên được đọc một nhà văn trẻ hơn, lúc đó chưa nổi tiếng lắm với tác phẩm “Miền thơ ấu”, Vũ Thư Hiên. Trong đó tác giả mô tả lại, lúc 7 tuổi được một bà cô tên Gái đem về nuôi dậy trong thời gian ông Vũ Đình Huỳnh, bố của ông bị Pháp bắt. Bà cô là người có đạo thuần thành nên muốn uốn nắn để Vũ Thư Hiên không giống điều mà bà cô thường nói, “Bố mày bỏ đạo.” Ba năm ấy, dù ngắn ngủi đã để lại những dấu ấn không phai mờ nơi trí óc trẻ thơ của tác giả. Những câu chuyện kể về nếp sống đạo nhà quê, đời sống thôn dã, tâm tình người có đạo mà đến nay cũng ít có tác giả Thiên chúa giáo nào viết hơn được. Nó vừa thơ dại, vừa hóm hỉnh, vừa nhận xét thông minh, và vừa tinh nghịch của tuổi trẻ.
Câu chuyện kể của tác giả mà tôi thích nhất là có lần bà cô đưa ảnh Đức Mẹ Maria hỏi tác giả, “Con có biết ai đây không.” Cậu bé Vũ Thư Hiên vội mau mắn trả lời, “Biết, con mẹ đầm.” Chúng ta thừa hiểu câu chuyện gì sau đó đã xảy ra. Bà cô khóc lóc vật vã vì có tháng cháu vô đạo, thứ quỷ dữ.
Cuốn sách “Miền thơ ấu” được thai nghén trong những năm tháng tù đầy của tác giả tại Hỏa Lò Hà Nội, từ những năm 1969 rồi tại trại Bất Bạt v.v. Năm 1976 ra tù, sau 9 năm tù tội nhờ các em là Vũ Chí Dũng, Vũ Thu Hương và Vũ Thu Hòa chép lại từ những mảnh giấy rời rồi đánh máy lại.
Cho mãi đến năm 1987, nhờ Hà Mậu Nhai, nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh quyết định cho in. Sách thành nổi tiếng và được giải thưởng loại A của Hội Nhà Văn.
Cuốn sách đã gây một ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi và tôi đã viết một bài đăng báo nhưng cũng không còn nhớ. Tôi sẽ cố gắng tìm lại. Ngoài những từ dùng rất nhà đạo mà tác giả học được trong thời gian ba năm ở với bà cô trong thời gian bố của ông bị Pháp bắt tù. Như quân Luy-xi-phe, Giê-su ma lạy chúa tôi, hoặc Kinh: “Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi, xin Chúa hãy thẩm nhận lời tôi kêu van.” v.v.
Trong những từ nhà đạo ông dùng, tôi thích nhất chữ dùng để nói về kẻ chết: Ông ấy vừa sinh thì, thay vì chữ thường dùng như chữ hấp hối, vừa qua đời hay vừa quá vãng. Hay sau này văn chương bóng bảy hơn, về miền cực lạc v.v.
Những năm tháng ngắn ngủi ấy, sau này khi về lại Hà Nội, khiến tác giả thèm lại cái không khí nhà quê, quen đi chân đất thay vì đi giầy và tác giả kết cuốn truyện: “Nhớ một cái gì đó lớn hơn!”
Đến “Đêm Giữa Ban Ngày”
Cuốn “Miền thơ ấu” là một nhắc nhớ quá đẹp về một thời thơ ấu của tác giả. Có thể nói nó làm nên tác giả, là con người thật của tác giả. Nhưng một mặt khác, nó hoàn toàn phi chính trị, không một chữ xa gần, không một lời ám chỉ đến cái chế độ mà tác giả đang ngồi chịu cái án oan khiên, “vụ xét lại chống đảng” không có ngày về.
Phải chăng đó là một sự cố tình của tác giả? Tôi vẫn lưu ý và tự hỏi xem giữa cuốn “Miền thơ ấu” và “Đêm Giữa Ban Ngày” có một điểm chung nào không? Vũ Thư Hiên đã gửi gắm gì trong hai tác phẩm của ông?
Người đọc như tôi tham lam, thích cả hai tác phẩm mặc dầu từ nội dung đến hình thức, đến văn phong đều như trái cựa. Cái hay của “Miền thơ ấu” là sự trong sáng, là tuổi trẻ, là sự quê mùa nơi thôn dã, là nếp sống đạo đơn sơ, là những tâm tình người có đạo, là những con người thật thà tạo thành một nếp sống đạo đáng quý của cả một thời đã qua.
Ngược lại, “Đêm Giữa Ban Ngày” là một thế giới đầy quỷ quyệt, manh động, toan tính tìm cách ám hại nhau. Tác giả trở thành nạn nhân của những cuộc tranh giành chính trị, phải trả giá bằng những năm tháng tù đầy.
Tác giả chứng tỏ, dù còn trẻ, nhưng đã từng giáp mặt với chế độ tàn bạo ấy ngay từ lúc 7-8 tuổi, nên đã có những bài học mà không phải bất cứ ai cũng có được từ các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất. Một cách gián tiếp, qua những nhận xét, ông nhận ra chân diện những người như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và nhiều người khác.
Không mấy ai có thể đánh giá trung thực hơn từng ấy bộ mặt ấy được.
Tôi cũng nhận ra sự kiên nhẫn và sự chịu đựng của tác giả để tạm thời không viết về những năm tháng tù đầy trong một thứ nhân cách hơn người. Cái nhân cách ấy vẫn còn nhận ra được sau này, ra đến hải ngoại khi có dịp so sánh lối viết, lối tranh đấu giữa Vũ Thư Hiên và Bùi Tín.
Chỉ có những người từng sống trong lòng chế độ cộng sản, đã “ăn nằm với họ”, mới hiểu hết và mới làm được như vậy. Một cái đảng mà tách ra từng người họ có thể là con người mà gộp họ lại thì đó là những con quái vật.
Theo tôi, tác giả có phần hơn cả Nguyễn Chí Thiện và Phùng Cung một bậc về cách đối phó với bạo lực. Vì thế, sau này, dù quý mến Nguyễn Chí Thiện, nhưng khi ở hải ngoại thấy Nguyễn Chí Thiện chống cộng xả láng, có lẽ chỉ có mình Vũ Thư Hiên lấy làm buồn.
Ta phải tìm hiểu cái buồn ấy là gì? Và tại sao buồn?
Và tôi hiểu tại sao Vũ Thư Hiên buồn người bạn tù bất khuất của mình. Tôi cũng hiểu trong đám bạn tù thân thiết của anh, cái phong thái thong dong tự tại của người tù Kiều Duy Vĩnh có lẽ hợp với con người Vũ Thư Hiên hơn.
Hầu như anh không để sự hận thù che lấp nhiều cái phần mà nơi đó lý trí phải can thiệp và có mặt.
Trước bạo lực không nhất thiết phải trả lời trực tiếp bằng bạo lực, dù là bạo lực chỉ bằng lời nói. Sự cao cả nằm ở chỗ kiên trì. Ở chỗ đó, anh là người tù bất khuất.
Ra tù, tác giả còn lăn lộn làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cho mãi đến năm 1991-1993, làm việc cho công ty xuất nhập cảng Vũng Tàu – Côn Đảo VIECO; 1993 được cử đi Nga với tư cách phiên dịch và trở thành đại diện cho công ty này ở Moskva, ông mới âm thầm ngồi viết “Đêm Giữa Ban Ngày”.
Cuối năm 1996, cuốn sách “Đêm Giữa Ban Ngày” mới hoàn thành tại Paris năm 1997. Tháng 4 cùng năm, hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày được xuất bản tại Hoa Kỳ.
Vũ Thư Hiên viết xong “Đêm Giữa Ban Ngày” tại Paris trong thời gian tỵ nạn tại Pháp. Số phận cuốn sách thật long đong. Mùa thu năm 1994, ông bị mật vụ giả dạng cướp đột nhập vào nhà lấy đi bản thảo. “Đêm Giữa Ban Ngày” mới viết được phân nửa. Vì thế, ông phải bỏ Moskva chạy qua Warszawa vào cuối năm 1995. Năm 1996, sang Paris, rồi quay trở lại Warszawa, thấy tình hình nguy hiểm, ông quyết định quay trở lại Pháp xin tỵ nận chính trị.
Trong cuốn sách này, nó bàng bạc phong cách người tù phải đối đầu với bạo lực, với bọn chấp pháp, trước kia coi nhau như đồng chí. Cái thất vọng đối với những người trước kia cùng với cụ Vũ Đình Huỳnh chia xẻ tình đồng chí nay đã tránh xa. Bà mẹ Vũ Thư Hiên đúng là người can trường, hiểu chuyện và không muốn nhờ vả ai. Vào tù mà có phong cách người tù không phải là chuyện dễ. Rồi phong cách ứng xử với bạn tù cũng là một nép đẹp. Nhưng có thể đẹp hơn cả là cái phong cách khi ra tù, khi đã được tự do ăn nói.
Đây là nét đẹp nhất của cuốn sách.
Mặc dầu nội dung phần lớn nói về những ngày tháng trong tù, nói về những người lãnh đạo mà ông quen biết. Nó có quá nhiều chi tiết, mỗi trường hợp qua mỗi hoàn cảnh, ông đánh giá từng con người một. Trong đó, ông kết luận:
“Trong chín năm tù, tôi chỉ làm được một việc có ích cho bản thân và cho những người mà tôi thương yêu là giã từ được ảo ảnh về một xã hội cộng sản được tô vẽ như một thiên đường dưới thế.”
(Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2008, Trang 16)
Trong cuốn sách, sở dĩ sau này nó nổi tiếng là ở chỗ nó nói lên được sự thật.
Vũ Thư Hiên đã từng viết kịch, viết truyện ngắn rồi dịch thuật. Sự thành công của ông nằm ở một số truyện ngắn, nhưng cái đạt nhất là “Đêm Giữa Ban Ngày”. Bảo nó là một tác phẩm văn chương thì gượng ép. Dĩ nhiên, khi mình có tư tưởng, mình có ấp ủ điều gì muốn nói ra thì một cách nào đó nó trở thành văn chương ngoài ý muốn. Chữ nghĩa chuyên chở tư tưởng, ý tại ngôn ngoại. Có tư tưởng thì chữ nghĩa ra lời một cách tự nhiên. Nhưng dù thế nào đi nữa văn chương chỉ là phụ. Và điều này cũng được Vũ Thư Hiên nhìn nhận như vậy.
Vì thế, nếu không chuyên chở được sự thật thì cuốn sách chẳng là gì cả.
Càng đọc, càng nghiền ngẫm, càng muốn đặt mình vào hoàn cảnh tác giả, tôi mới nhận ra được đây tất cả là nỗi lòng tác giả, qua bao nhiêu kinh nghiệm, qua bao nhiêu năm tháng tù đầy, tác giả chỉ muốn giãi bầy những điều mà ông mong muốn được mọi người chia xẻ.
Nó cũng chẳng phải một tác phẩm nhằm lên án một chế độ với tư cách một nạn nhân đóng vai quan tòa. Nó lên án một phân bộ, nó trình bày bộ mặt giả nhân nghĩa của một chế độ, nhưng nó không có nghĩa một xóa bỏ, san bằng, xếp chung những người cộng sản vào cùng một rọ. Nhiều người Việt ở hải ngoại đọc chớp nhoáng “Đêm Giữa Ban Ngày” vội xếp tác giả vào thành phần chống cộng, xếp tác giả vào phe ta và ca ngợi tác giả.
Sự vội vã ấy có phần phiến diện. Nó chỉ đúng một phần mà sai thì nhiều phần.
Chúng ta cần nhìn nhận rằng, dù muốn dù không, tác giả đã từ bé đến lớn suy nghĩ theo xã hội cộng sản. Ông là người sông trong xã hội cộng sản mà không có thẻ đảng. Nhưng ông đã gần gũi, gắn bó suốt cuộc đời tuổi trẻ với họ, từ lúc 7 tuổi, với người lãnh đạo cao nhất là Hồ Chí Minh. Ông biết rõ từng cá tính, từng cái mạnh, cái yếu của những người như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, như đi guốc trong bụng họ. Đòi hỏi một sự xóa sạch quá khứ, một phủ nhận của phủ nhận là một điều không tưởng.
Tác giả vẫn dành cho Hồ Chí Minh một chỗ ngồi trang trọng không phải trong đầu mà ở trong tim tác giả. Ông viết:
“Tôi từng là một trong những đứa cháu gần gụi của ông những năm đầu cách mạng. Những ngày ông phải lẩn trốn bọn Tàu Tưởng, luôn thay đổi chỗ ở, ông từng ngủ ở nhà tôi, hai Bác cháu chung giường. Mẹ tôi lo lắng cho sức khỏe của ông, bà thường làm các món tẩm bổ cho ông ăn khi ông mới từ chiến khu về Hà Nội, cha tôi phải xách cặp lồng vào Bắc bộ phủ hằng ngày cho ông, chẳng lẽ ông không nhớ?”
(Vũ Thư Hiên, ibid., trang 489)
Lại nữa cha ông hết lòng với Đảng. Đã bao nhiêu tâm sự đã truyền lại cho ông, biết bao nhiêu dặn dò, biết bao nhiêu kinh nghiệm và biết bao nhiêu điều được viết trong “Hồi ký: Tháng tám cờ bay”. Ông lại coi cha là người soi đường, là lý tưởng đời ông. Bảo làm sao ông nghĩ khác được? Quá khứ ấy làm nên ông và ông sống chết với quá khứ ấy với “cụ Hồ”, với cha và với cả mẹ.
Và nếu có một sự thù ghét nào những nhân vật lãnh đạo của Đảng thi cùng lắm có hai ba người: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh.
Cuốn sách có thể chia làm hai phần: Phần đầu nói về những ngày tháng bị cầm tù, bị tra vấn, lấy cung. Phần thứ hai, nhẹ nhõm hơn, vui hơn nói về những người, những nhân vật đủ loại người ở ngoài đời, sau ở trong tù. Có những bạn tù mà những tội của họ đọc nghe đến không tin nổi như một số tù nhân gốc người Tàu, những tù nhân người miền Nam. Rồi một số không nhỏ những người Nam Bộ tập kết.
Không ai thể ngờ một thế giới nhà tù nhỏ như thế mà có thể tập trung đầy đủ mọi thành phần xã hội và không thể nào tưởng rằng một ngày nào đó họ có thể vào tù. Mỗi nhân vật là một số phận với những mảnh đời khác nhau, cùng gặp nhau trong chốn lao tù cộng sản. Ông viết:
“Một cuộc đời tan nát bắt đầu từ một chuyện không đâu.”
(Vũ Thư Hiên, ibid., trang 700)
Họ khác nhau ở ngoài đời, nhưng họ là bạn gắn bó nhau ở trong tù.
Đây là những người bạn, người anh em kết nghĩa, là bố con đầy tình người. Và đây cũng những trang giấy thật cảm động. Nhất là cái chết của một người tù sắp ra đi như cái chết của tù nhân Nguyễn Thái Bát.
Chỉ một dòng thôi, Vũ Thư Hiên thâu tóm hết cả một kiếp người.
“Anh em tù ăn xong, vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không ai nói câu nào. Như thế gọi là viếng. […] Khi cửa các phòng giam đã khóa lại rồi, tôi cứ ngồi bên cửa sổ mà nhìn về phía trạm xá. Trời tối hẳn mới thấy nghe tiếng búa nện chan chát trên ván thiên. Dấu chấm hết cho một kiếp người. ”
(Vũ Thư Hiên, ibid., trang 772)
Tôi cũng muốn chấm dứt bài viết ở chỗ này để bạn đoc tự mình thong thả đi đến tác phẩm.
Và những câu chuyện bên lề
Trong một dịp họp mặt cách đây cũng khoảng 10 năm ở Canada, tại tầng hầm một căn nhà của một thành viên Đàn Chim Việt/DCVOnline, có khoảng 10 anh em. Vũ Thư Hiên từ Paris sang họp mặt, anh có kể một số chuyện vui liên quan đến “cụ Hồ”; nay xin phép tác giả “Đêm Giữa Ban Ngày” được tiết lộ cho bạn đọc cùng biết. Dù là chuyện vui, nhưng những câu chuyện kể sau đây đều là chuyện thật.
- Chuyện thứ nhất | Thời gian ở trên Pác Bó, các đồng chí lãnh đạo ở trong Nam như Mười Cúc, Sáu Dân muốn dâng một món quà, đặc sản miền Nam, để mang ra biếu Bác. Sau khi đã lên kế hoạch, chọn được món quà đúng tiêu chuẩn, bèn trao cho đồng chí Sáu Dân bảo quản chờ ngày giờ thuận tiện sẽ đưa ra Bắc. Mấy tháng sau có chuyến ra Bắc, có cả một tiểu đội đi theo để chăm nom, bảo đảm đến nơi quà còn nguyên vẹn, không tỳ vết, không sứt mẻ. Bác nhận món quà miền Nam kính dâng Bác một cách hoan hỉ. Nhưng chỉ được ít lâu sau, có dấu hiệu không lành. Bụng món quà cứ mỗi ngày phình to ra. Và một đứa bé đã chào đời. Không biết đứa bé con ai? Nhưng chắc chắn không phải con Bác. Con đồng chí VVK hay con một trong các đồng chí bảo vệ hộ tống trong khoảng thời gian nửa năm từ Nam ra Bắc? Thứ nữa, ai có cái may mắn thừa kế gia tài Bác để lại?
- Chuyện thứ hai | Trong một chuyến đi tham quan đơn vị, Bác được ưu tiên cỡi ngựa. Nhưng lúc qua một con suối, Bác nảy ra ý định thay vì cưỡi ngựa, Bác sắn quần lên tận đầu gối, một tay chống gậy, một tay giữ quần lội qua suối. Và nói Vũ Thư Hiên chụp bức ảnh này. Bức ảnh sau này trở thành bức ảnh tuyên truyền được in lại gửi đi khắp nơi. Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trèo đèo lặn suối cùng với các binh sĩ ra mặt trận. Thật ra cảnh đó chỉ là cảnh đóng kịch do chính Bác đạo diễn.
Chuyện thứ ba | Máy đánh chữ hiệu Remington trong một dịp triển lãm. Tại hang Pác Bó, chỗ Bác ngồi làm việc, nhiều người đã có dịp xem bức ảnh Bác ngồi gõ máy chữ trong một chiếc nhà tranh. Hình ảnh thật quen thuộc. Nhưng trước khi về Hà Nội, Bác đã cho Vũ Thư Hiên cái máy đánh chữ cũng như cái bút máy của Bác để làm kỷ niệm. Vậy mà trong một dịp triển lãm gì đó, họ lôi ra được một chiếc máy đánh chữ khác, chắc là mua ở chợ trời, nhưng lại ghi rõ ràng: Đây là chiếc máy đánh chữ mà Bác đã dùng lúc còn ở trên hang Pác Pó! Vụ bịp này chỉ mình Vũ Thư Hiên biết và giữ kín cho đến bây giờ.
- Chuyện thứ tư | Hai túi Bác hai loại thuốc lá. Bác mặc áo bốn túi cũng tiện. Một bên Bác để thuốc lá Bastos, thuốc đen và nặng. Túi kia Bác thủ sẵn thuốc lá thơm hiệu Philipp Morris. Trước đám đông, Bác rút thuốc lá Bastos ra hút, chứng tỏ Bác sống đơn giản, hà tiện. Khi không có ai thì Bác rút thuốc lá thơm ở túi bên kia ra hút. Bác giỏi đóng kịch lắm. Mấy chú bé tinh nghịch như Vũ Thư Hiên cứ bảo nhau ăn trộm thuốc lá thơm của Bác ra hút khi bao thuốc lá còn đầy. Cái tẫy sất của Bác bị trẻ con phá ngang.
- Chuyện thứ năm | Chuyện tai nạn xe hơi giết hại cô gái Nông Thị Xuân theo lời ông Vũ Đình Huỳnh trối lại cho con trai thì đó là chuyện có thật.
Tất cả những câu chuyện này trên dưới 10 anh em được nghe chính anh Vũ Thư Hiên kể. Nay xin phép tác giả bạch hóa.
© DCVOnline
DCVOnline | Được phép của tác giả Vũ Thư hiên, chúng tôi xin giới hiệu và gởi đến bạn đọc toàn cầu cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” của ông.
“Đêm Giữa Ban Ngày” là cuốn hồi ký do nhà văn Vũ Thư Hiên viết sau chín năm bị đảng Cộng sản Việt Nam cầm tù không xét xử trong vụ “Xét lại Chống Đảng”. Cuốn hồi ký là những lời tâm sự của tác giả về lý tưởng mà ông đã theo đuổi trước đó, và sự từ bỏ cái mà ông gọi là “ảo ảnh về một thiên đường dưới thế”.
Ngay đầu cuốn Hồi ký tác giả viết:
“Tôi xin tặng cuốn sách này cho:
- Những người con của nước Việt đã cống hiến đời mình cho một nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ.
- Hương hồn cha tôi, và những người cộng sản đã chết bởi tay các đồng chí của họ.
- Mẹ tôi, người dạy tôi sống không cúi đầu.
- Vợ tôi, người cùng tôi chia sẻ vô vàn khốn khó trong những năm tháng đen tối của đời tôi.
- Các bạn tù của tôi, cộng sản cũng như không cộng sản.
- Các thế hệ sau tôi, hy vọng họ sẽ không bao giờ phải sống như tôi đã sống, dưới bất cứ gông cùm chuyên chế nào.”
Cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên (2016) do Lê Thanh Minh biên tập, hiệu đính và tạo tất cả những dạng ebook (PDF, azw3, mobi, và epub). Bìa sách điện tử “Đêm Giữa Ban Ngày” 2016 do matthoigian2001@ trình bày. Copyright © Tác giả Bản quyền.
Độc giả có thể đọc ĐGBN (PDF) ngay trên máy tính hay in, hoặc đem (azw3, mobi) về máy đọc sách điện tử bản nhỏ như Kindle Fire , hoặc lấy (epub) đọc trên điện thoại cần tay và những máy đọc sách điện tử khác.
Đây là đường dẫn đến 4 bản (PDF, azw3, mobi, và epub) “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
CHUYỆN CON NGƯỜI
Trên đời nói chuyện con người
Có ai qua nỗi một mình Thư Hiên
Bởi con người đây toàn tiêu biểu
Cả thời kỳ đất nước khói bay
Mịt mù phủ tận ngàn khơi
Con chim yếu ớt lạc bầy Thư Hiên
Trước phải kể đến Miền Thơ Ấu
Kế là Đêm Ở Giữa Ban Ngày
Chín năm tuổi trẻ thơ ngây
Trải qua tù tội tháng ngày âm u
Đọc mới biết những gì đã trải
Để vẽ lên thân phận con người
Đời như một chiếc bùng rền
Biết bao lặn hụp để nên con người
Vũ Thư Hiên chuyện đời là thế
Người con trai của Vũ Đình Huỳnh
Bao năm thân cận Cụ Hồ
Để hầu tan tác như sao sương mờ
Cũng may được cõi trời đến cứu
Cuối cùng hai tác phẩm ra đời
Chua cay cũng một đời người
Được phen miêu tả con người thế gian
Thấy cuộc thế chỉ toàn rồng rắn
Tội nghiệp thay dân tộc một thời
Thôi thì cũng một cuộc đời
Cuối cùng kể chuyện con người làm vui
Đời là thế bùi ngùi cũng thế
Đã qua rồi mọi chuyện oái oăm
Đó miền thơ ấu Thư Hiên
Đó đêm ngay giữa ban ngày thế gian
Thời cách mạng cũng toàn chuyện tếu
Đâu thiên đường hạ giới mà mơ
Chẳng qua đời vẫn hồ đồ
Ngàn xưa đã vậy riêng nào thời nay
Bởi con người như cây cong quẹo
Thẳng làm sao giữa chốn dương gian
Có ai đâu được thập toàn
Thảy đều mặc áo ngôn từ vậy thôi
Đời để lại biết bao sự thật
Kẻ sưu tầm ai khác Thư Hiên
Ngàn đời quả thật không quên
Một lần tả thuật hẳn lưu ngàn đời
Đấy cái chí Thư Hiên là thế
Vì con trai của Vũ Đình Huỳnh
Đình Huỳnh thư ký Cụ Hồ
Việc đây tường tận dễ nào ai thay
Chuyện lịch sử một thời là vậy
Cũng ngàn xưa vốn chuyện con người
Có chi thần thánh ở đời
Con người như chiếc lá cây trong rừng
Mọc và rụng đời thường đều biết
Màu sắc chi cũng thế mà thôi
Có chi quan trọng chuyện đời
Nó thành quan trọng bởi người lụy theo
Vũ Thư Hiên một đời để lại
Dấu thời gian như vậy đủ rồi
Dẫu thời thơ ấu ngậm ngùi
Dẫu đêm ngay giữa ban ngày cũng qua
Thời gian mãi bao la nào khác
Thế gian luôn vẫn mãi ta bà
TRĂNG NGÀN
(23/12/16)