Đọc “Hồi ký của những người trong cuộc” (I)
Trần Giao Thủy
Bản dịch tập Hồi ký của những người trong cuộc “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” (Hồi ký) do nhà xuất bản Lịch sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc phát hành năm 2002 tại Bắc Kinh đã lưu hành qua mạng internet từ đầu năm 2009 – 280 trang, khổ A4, dạng PDF. Người dịch là Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy.
Dương Danh Dy, người dịch và hiệu đính tập Hồi ký, một cán bộ ngoại giao lâu năm của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, từng giữ vai trò Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu và là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu trước khi nghỉ hưu năm 1996.
Tập Hồi ký gồm mười bài viết của sáu tác giả, với bản đại sử ký, và lời cuối sách. Ngoài La Quý Ba, Trưởng đoàn Cố vấn Chính trị sau này là Đại sứ đầu tiên của Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc tại Hà Nội, năm tác giả khác đều là các sĩ quan trong Đoàn Cố vấn Quân sự (ĐCVQS) do tướng Vi Quốc Khanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm dẫn đầu và hoạt động tại Việt Nam từ 11 tháng 8, 1950 đến trung tuần tháng 3, 1956.
Tập Hồi ký này cung cấp một số dữ kiện và quan điểm chưa được biết đến. Những thông tin đáng chú ý về hoạt động, suy nghĩ của những cán bộ cộng sản Trung Quốc trong hơn 5 năm giúp Đảng Cộng sản Việt Nam chống Pháp sẽ ít nhiều giúp những nhà quan sát, nghiên cứu, người cầm bút và bạn đọc có thêm tài liệu phân tích quan hệ giữa hai nhà nước cộng sản Việt-Trung trong lịch sử cận đại.
Sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc chiến chống Pháp ở Việt Nam là một đề tài có tầm quan trọng nhất định nhưng ít được nghiên cứu tường tận để hiểu giai đoạn này của lịch sử bang giao Việt–Trung. Vì sự khó khăn tiếp cận với tài liệu gốc từ Trung Quốc và Việt Nam, ngay đến những khảo cứu bằng Anh ngữ cũng khó đào sâu hoặc đã bỏ quên hay hạ giá chủ đề này(1).
Cho đến nay, riêng với những nghiên cứu cùng đề tài của Việt Nam, vì lợi ích dân tộc và để hoàn thiện “lịch sử quốc gia”, vai trò của Trung Quốc thường bị gạt bỏ ra ngoài. Đây là một khuynh hướng và lựa chọn rõ rệt của Đảng Cộng sản Việt Nam(2).
Tập “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” là một tài liệu mới? Không hẳn như thế. Tuy bản dịch sang tiếng Việt mới được phát tán trong thời gian gần đây nhưng bản chính bằng Hoa ngữ đã xuất bản từ năm 2002, cách đây 7 năm.
Tài liệu gốc
Từ giữa thập niên 1980 đầu thập niên 1990, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra một số nguồn tài liệu cho giới nghiên cứu tham khảo về hoạt động và sự can thiệp của Trung Quốc trong chiến tranh chống Pháp tại Việt Nam(3). Giá trị quan trọng, thích ứng với giai đoạn 1950-1955, và đáng kể nhất trong số những tài liệu này phải kể đến
‒ Mười ba tập sách “Bản thảo của Mao Trạch Đông từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc”(4) do nhà xuất bản Tài liệu Lịch sử Trung ương ấn hành từ 1987 đến 1991 tại Bắc Kinh.
‒ Kế đến là “Ghi chép thực về việc tham dự của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc trong cuộc viện trợ Việt Nam Chiến đấu chống Pháp”(5) của Nhóm biên tập về Lịch sử của Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân ấn hành năm 1990 tại Bắc Kinh (ĐCVQS).
‒ Sau đó là bài viết “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ gởi tôi sang Việt Nam”(6) của La Quý Ba trong cuốn “Để tưởng niệm Lưu Thiếu Kỳ” của He Jinxiu biên soạn, do nhà xuất bản Tài liệu Lịch sử Trung ương ấn hành từ 1988 tại Bắc Kinh.
‒ “Hồi ký Trần Canh”(7) Quyển 2 do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân ấn hành năm 1984 tại Bắc Kinh.
‒ Sau cùng là “Quân sự Vụ của Quân đội Trung Quốc đương đại”(8) của nhóm biên tập Han Huanzhi and Tan Jinjiao et al. do nhà xuất bản Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc in năm 1988.
Như thế “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” là một ấn bản do nhà xuất bản Lịch sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc lựa chọn in lại, chỉ là một phần của nguyên bản đã do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân phát hành năm 1990, 12 năm trước đó.
Tóm lại, bản dịch một phần gạn lọc từ “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” sang tiếng Việt đến với người đọc sau nguyên bản Hoa ngữ 19 năm.
Trong tình hình bang giao còn rất căng thẳng, không lâu sau cuộc Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa Hồi ký của Đại tướng Trần Canh ra khỏi vùng “bí mật quốc gia”; vài năm sau đó Trung Quốc lại tiếp tục giải mật thêm một số tài liệu khác liên hệ trực tiếp đến sự kiện ĐCVQS. Tất nhiên, đây là quyết định có tính toán. Mặt khác, cho rằng những tài liệu của Việt Nam ít nhiều đều là những tuyên truyền chính thức hơn là nghiên cứu hàn lâm nên các nhà nghiên cứu phương tây thường bác bỏ những tài liệu phát xuất từ phía Việt Nam(9).
Dù biết thế nhưng một số nhà nghiên cứu tây phương đã không muốn bỏ lỡ cơ hội sử dụng những nguồn thông tin mới từ sau bức màn tre về Cuộc Chiến Đông Dương lần thứ nhất. Những người viết sử nghiêm túc cố gắng giữ để không bị khối sử liệu mới ra vùng ánh sáng ảnh hưởng đến độ nhạy bén và thái độ phê bình công chính, tối cần thiết trong công việc biên khảo. Dĩ nhiên, họ cũng chờ đợi được tiếp cận với những nguồn tài liệu có giá trị hàn lâm hơn là tính tuyên truyền từ phía Việt Nam để có thể quân bằng và nâng cao giá trị những nghiên cứu và biên khảo về sự có mặt tham dự của ĐCVQS trong cuộc chiến tranh chống Pháp tại Việt Nam(10).
Người trong cuộc
Bốn mươi năm sau Điện Biên Phủ, tướng Võ Nguyên Giáp viết,
“Tôi cảm thấy cần có một cuộc họp với các đồng chí trưởng đoàn cố vấn quân sự(11) thân mến đã có mặt (tại Điện Biên Phủ). Nói chung, mối quan hệ giữa chúng tôi và các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc từ sau Chiến dịch Biên giới đã là xuất sắc. Những người bạn đó đã giúp chúng tôi bằng những kinh nghiệm của họ đã có từ cuộc chíến tranh cách mạng tại Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên”(12).
Một điều đáng để ý, có lẽ nhiều người đọc sách của tướng Giáp cũng đã nhận thấy, trong cuốn sách viết về trận Điện Biên Phủ (Nxb Thế giới, 1994), Võ Nguyên Giáp không hề nhắc đến khối vũ khí, đạn dược, lương thực, nhiên liệu khổng lồ của Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam hay những cố vấn chiến thuật, hỗ trợ kế hoạch trong trận chiến quyết định sau cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp. Ngay cả đến Vi Quốc Thanh, Tổng Cố vấn quân sự có mặt cùng với Võ Nguyên Giáp trong Đại bản doanh hỗn hợp ở Điện Biên Phủ cũng không được ông Tướng Tổng tư lệnh Mặt trận nhắc đến, khoan nói đến ghi nhận đóng góp tất nhiên của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc từ năm 1950(13). Khi viết lại với Đại tá Hữu Mai cuốn Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2001, tướng Giáp có đề cập, nhưng rất ít, đến ĐCVQS và Vi Quốc Thanh(14).
Người khảo cứu phương tây đã nhận định cách viết sử của (Đảng Cộng sản) Việt Nam là “vì lợi ích dân tộc và để hoàn thiện ‘lịch sử quốc gia’, vai trò của Trung Quốc thường bị gạt bỏ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứng minh điều này là đúng.
Sau đây là vài điểm nổi cộm thường được lập lại trong tập Hồi ký.
– Quyền lãnh đạo tối cao của Mao Trạch Đông trong cuộc viện trợ Việt Nam chống Pháp (“…trước hoặc sau những vấn đề quan trọng phải thỉnh thị báo cáo Mao Chủ tịch, Trung ương.” – Lưu Thiếu Kỳ dặn dò La Quý Ba.)
– Dù tác giả là La Quý Ba, Trương Quảng Hoa, hay Độc Kim Ba, bài viết trong tập Hồi ký đều viết về Mao Trạch Đông như:
Một lãnh tụ nhân hoà, sòng phẳng:
“Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí phải nói với họ, tổ tông xưa chúng tôi ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các đồng chí và một lòng một dạ giúp đỡ các đồng chí đánh bại bọn thực dân Pháp.”(15) (Mao Trạch Đông kể chuyện Mã Viện đánh Giao Chỉ trong buổi họp ra chỉ thị với đoàn cố vân quân sự vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh)
Một con người khiêm cung, đơn giản, chân thành:
“Tham mưu tức là đề xuất ý kiến, nghĩ ra biện pháp hỗ trợ lãnh đạo, không được bao biện làm thay, càng không thể làm thái thượng hoàng, ra mệnh lệnh.”(16)
(Mao Trạch Đông ra chỉ thị với đoàn cố vân quân sự vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh).
“Yêu mến từng gốc cây ngọn cỏ của nhân dân Việt Nam, tôn trọng độc lập dân tộc Việt Nam và phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam…”(17)
(Mao Trạch Đông đích thân duyệt và bổ sung “Qui tắc công tác” của cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam).
Người anh em hết lòng giúp các đồng chí Việt Nam. Mao Trạch Đông lấy Lý Đức và Henry Norman Bethune làm thí dụ xấu-tốt để chỉ đạo cán bộ cách gìn giữ Mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản:
“Đồng chí công tác ở Việt Nam, nhất thiết phải tránh bài học của Lý Đức ở Trung Quốc…
Phải có thái độ thật thà, thận trọng, ít nói chúng ta đã ‘qua năm cửa ải chém sáu tướng’ …
“Bethune là người Canada, chẳng nề đường xa vạn dặm đến Trung Quốc, giúp Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật, không tơ hào tư lợi, không tiếc hy sinh tất cả, đó chính là tinh thần quốc tế chủ nghĩa.”(18)
Tuy nhiên, thực chất và mục đích tối hậu của viện trợ Việt Nam chống Pháp có thể tóm gọn trong lời Mao Trạch Đông rao giảng khi La Quý Ba 2 lần quay về Bắc Kinh Báo cáo công tác:
“Dù là chống Mỹ viện Triều hay là viện Việt chống Pháp đều là chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa yêu nước,…
“Còn Việt Nam đánh bại bọn xâm lược thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải tỏa khỏi mối đe doạ của bọn xâm lược thực dân Pháp,…”(19)
Dùng Việt Nam làm biên cương che phía Nam và Triều Tiên làm vành đai phương Bắc chống đế quốc, bảo vệ an ninh quốc gia chính là một phần của sách lược cốt lõi, là chủ nghĩa yêu nước Đại Hán.
Cọ sát
ĐCVQS và phía lãnh đạo quân đội Việt Nam cũng không tránh được những cọ sát trong những năm tháng cùng chiến đấu chống Pháp.
“Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ có bất đồng với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của quân đội Việt Nam trên vấn đề phương hướng phát triển chiến lược cũng có những quan điểm không giống nhau lắm trên vấn đề phát động quần chúng, trên vấn đề công tác chính trị bộ đội.”(20)
Trong chiến dịch Biên giới, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 Nguyễn Hữu An và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 Trần Dũng Thái đã tỏ ý không thuận với chiến thuật đánh Đông Khê trước Cao Bằng như Trần Canh đề nghị. Sau hai ngày đêm (16-18/09) bộ đội Việt Minh chiến đấu và thắng ở Đông Khê, với thiệt hại nặng.
Hơn nửa tháng sau đó, thiếu lương thực, phân nửa bộ đội của đại đoàn 308 phải đi vác gạo từ Thuỷ Khẩu về, phần còn lại chờ đợi phục kích và tấn công đoàn quân tiếp viện của Lepage ở núi Cốc Xá. Số thương vong của quân đội Việt Nam trong cuộc tấn công ngày 05/10 khá lớn(21). Cán bộ Việt Nam kêu khổ, Võ Nguyên Giáp đề nghị cho quân nghỉ ngơi, chỉnh đốn nhưng Trần Canh cho rằng “chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi” và doạ bỏ về Trung Quốc(22).
Một tài liệu nhóm biên tập đã không chọn đưa vào Hồi ký là hồi ký của chính Trần Canh. Trong hồi ký(23), Trần Canh ghi lại những nhận xét khuyết điểm về tổ chức của bộ đội Việt Minh: khả năng truyền thông, kỷ luật, cán bộ chính trị chưa giỏi, tham nhũng, thiếu can đảm, và không huy động phụ nữ đúng theo học thuyết “chiến tranh nhân dân”(24).
Tranh cãi
Một chi tiết đến nay, 55 năm sau ngày chấm dứt chiến dịch Điện Biên Phủ, hai bên Trung Quốc và Việt Nam chưa đạt được đồng thuận. Ai là người đề xuất thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” tại mặt trận Điện Biên Phủ?
Đúng ngày 07 tháng 05 năm 2009, kỷ niệm 55 năm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ảnh chụp bài tham luận 13 trang của cựu Đại tá Hoàng Minh Phương – nguyên trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là người thông dịch cho Võ Nguyên Giáp và Vi Quốc Thanh – xuất hiện trên mạng Internet(25). Đây là bài tham luận đọc tại hội thảo quốc tế Kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ và hội nghị Geneva trong hai ngày19-20 tháng 4, 2004 tại Bắc Kinh.
Trong bài tham luận này, Hoàng Minh Phương kể, suốt đêm 25/01 Giáp không ngủ. Sáng 26, đầu đắp đầy lá ngải cứu(26), gọi Phương sang để mời Vi Quốc Thanh đến bàn chiến thuật:
“Gặp đại tướng, Vi đoàn trưởng ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên đầu, ân cần hỏi thăm sức khoẻ rồi nói, lại quyết định của Võ Nguyên Giáp ngày 26 tháng 1, 1954,
‘Trận đánh sắp bắt đầu, đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình mới nhất ra sao?’
‘Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí…
Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công chiều hôm nay; kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết. Chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc tiến chắc.’”
Ngay sau đó Vi Quốc Thanh đồng ý với thay đổi chiến thuật của Võ Nguyên Giáp.
Trong tập Hồi ký của những người trong cuộc, các tác giả Trung Quốc ghi nhận sự việc khác với lời kể của Hoàng Minh Phương. Vu Hoá Thầm (bài 3), Vương Nghiên Tuyền (bài 6) Và Trương Quảng Hoa (bài 8) đều ghi lại sự thay đổi chiến thuật là phát kiến của Vi Quốc Thanh được Võ Nguyên Giáp đồng ý.
Vi Quốc Thanh tưởng tượng ra một tình huống phức tạp về cơ sở phòng ngự của địch… Vì vậy, cần thay đổi phương châm tác chiến.
Biến “đánh nhanh thắng nhanh” thành “đánh chắc thắng chắc”, từ ngoại vi vào trung tâm, tiêu diệt địch từng cứ điểm một.(27)
Các nhà nghiên cứu và biên khảo phương tây ghi nhận sự kiện này ra sao?
(Còn tiếp)
© DCVOnline 2017
Nguồn: © TruyềnThông ‒ Communications, trang 3-16, No. 32-33 Hạ-Thu 2009, Montreal, Quebec, Canada.
(1) David G. Marr, Vietnam 1945, American Council of Learned Societies, University of California Press, 1997, trang 6.
(2) Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, trang 1.
(3) Chen Jian, China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly (1993), 133:85-110 Cambridge University Press, trang 85.
(4) Mao Zedong, Jianguo yilai Mao Zedong wengao (Mao Zedong Manuscript’s since the founding of the People’s Republic) Vol. 1-13 (Beijing Central Historical Document Press, 1987-1998)
(5) Nhóm biên tập, Zhongguo junshi guwentuan yuanyue kangfa douzheng shishi(Trung Quốc quân sự cố vấn đoàn viện trợ Việt Nam kháng Pháp đấu tranh ký sự) – The Editorial Group for the History of Chinese Military Advisors in Vietnam (ed.), A factual Account of the Participation of Chinese Military Advisors Group in the Struggle of Assisting Vietnam and Resisting France, gọi tắt là CMAG tại Việt Nam) (Beijing: People’s Liberation Army Press, 1990).
(6) Luo Guibo, Shaoqi tongzhi paiwo chushi yuenan (Comrade Liu Shaoqi sent me to Vietnam) in “Mianhuai Li Shaoqi” (In Commemoration of Liu Shaoqi) (Beijing Central Historical Document Press, 1988).
(7) Chen Geng, Chen Geng riji, (Chen Geng’s Diaries), Vol. 2 (Beijing: People’s Liberation Army Press, 1984).
(8) Han Huanzhi and Tan Jinjiao et al., Dangdai Zhongguo jundui de junshi guongzuo(The Military Affairs of the Contemporary Chinese Army) (Beijing: Chinese Academy of Social Sciences Press, 1988).
(9) Lien-Hang T. Nguyen, Vietnamese Historians and the First Indochina War, trong cuốn The First Vietnam War: Colonial Conflict and Cold War Crisis, do Mark Atwood Lawrence và Fredrik Logevall biên tập, Havard University Press, 2007, trang 41.
(10) Qiang Zhai, trang 9; Chen Jian, trang 86.
(11) Vi Quốc Khanh chết năm 1989.
(12) General Vo Nguyen Giap, Dien Bien Phu, (Hanoi, Vietnam, The Gioi Publishers, 1994), trang 23.
(13) Bob Seals, Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, MilitaryHistoryOnline.com, Published online: 09/23/2008
(14) Général Vo Nguyên Giap; rédigé avec la participation de Huu Mai, Mémoires, 1946-1954; (traduit du vietnamien par Nguyên Van Su). Fontenay-sous-Bois, France: Anako Éditions, [2003-2004]. Hồi ký 1946-1954 gồm 3 tập, Chiến đấu trong vòng vây (I), Đường tới Điện Biên Phủ (II), Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử (III).
(15) Trương Quảng Hoa, Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp trong “Viêm Hoàng xuân thu” số 5 năm 1999.
(16) Độc Kim Ba, Ghi lại chặng đường tham gia Đoàn Cố vấn Quân sự sang Việt Nam.
(17) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản, trong “Tưởng nhớ Mao Trạch Đông”, Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương năm 1993.
(18) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời
(19) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời
(20) Vương Nghiên Tuyền, Vấn đề phương hướng chiến lược và chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến tranh Việt Nam chống Pháp.
(21) Trương Quảng Hoa, Đồng chí Trần Canh trong Viện trợ Việt Nam chống Phápđăng trên “Xuân Thu Viêm Hoàng” số 9 năm 1999, với tiêu đề “Đại tướng Trần Canh trong viện trợ Việt Nam chống Pháp”.
(22) Vu Hóa Thầm, Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt nam đấu tranh chống Pháp đăng trong “Thượng tướng phong vân lục” nhà xuất bản Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000.
(23) Chen Geng
(24) Qiang Zhai, trang 28
(25) Hoàng Minh Phương, Hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, đọc tại Bắc kinh ngày 19/04/2004, Diễn đàn Forum, Truy cập ngày 07/05/2009. Dương Danh Dy, người dịch và hiệu đính tập Hồi Ký cũng là người gởi bài tham luận ra hải ngoại.
(26) Lá cây ngải cứu (Folium Artemisiae) phơi khô gọi là ngải điệp. Cây ngải cứu có tên khoa học: Artemesia vulgaris L., họ Cúc (Asterraceae). Tên thông dụng: Armoise commune (Pháp) – Argy Worm wood leaf (Anh). Nguồn: Bộ Y tế VN
(27) Vu Hoá Thầm, Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp.
GIẢI MÃ LỊCH SỬ
Chuyện đã qua được gọi là lịch sử
Nó đi rồi đâu trở lại như xưa
Dẫu cái mới có hệt y cái cũ
Vẫn khác nhau mặt bản chất mới hài
Dân một nước biết sử mình cho đúng
Nếu biết sai thì nào có ra gì
Cái tuyên truyền mãi là trò chính trị
Còn hàn lâm phải biết sử sát sao
Như Việt Nam non thế kỷ lẽ nào
Dân dốt sử thì có làm sao được
Nên giải mã hóa ra thành cái chính
Mọi lờ mờ cần thật sự khui ra
Bởi vì thời cần đại cũng chưa xa
Mọi che giấu cũng lần lần ra hết
Cốt lõi nhất hai chiến tranh liên tiếp
Từng kéo dài đến suốt 30 năm
Chỉ giản đơn hay cả việc đèo bòng
Những cái đó dân nay cần biết rõ
Dẫu ai thắng hay là ai thất bại
Nghĩa làm sao phải che mắt thế gian
Thế hỏi ai mới thật sự khôn ngoan
Nếu tếu táo miệng đời cười sao thấu
Lịch sử vốn giống như dòng sông chảy
Có lấy gì giấu kín được trời cao
Nếu vì dân mọi nghĩa lý không sao
Còn ai đó vì mình thành nhảm nhí
Vì dân phải giúp dân nhìn sự thật
Chỉ lợi riêng mới che giấu phần mình
Nên cuộc đời sẽ hóa chỉ linh tinh
Không chân chính cũng còn đâu nghĩa lý
Từ đánh Pháp rồi chuyển sang đánh Mỹ
Cả hai lần tiêu tốn biết bao nhiêu
Kể sơ sơ nhân mạng mười triệu người
Bởi chinh chiến chỉ luôn toàn chết chóc
Mặt đau khổ cũng nói làm sao hết
Bởi hi sinh chịu đựng biết là bao
Không những trong quá khứ đã qua rồi
Mà hiện tại tương lai còn di lụy
Không những mặt con người mà thực chất
Cả mọi điều không đo nỗi thế gian
Bởi vì đây không đơn giản đôi bên
Mà gút mắc bởi nhiều phe liên hệ
Đâu phải Pháp và Việt Minh chiến đấu
Mà Trung Hoa và cả Mỹ chen vào
Nó trở thành một thực tế tào lao
Nhưng ai dám bảo tầm phào kia chứ
Bởi thực chất cũng đâu ngoài ý hệ
Và dầu sao cũng thành đã cái đinh
Nó khiến cho ngoài Bắc Hồ Chí Minh
Cùng đối lại trong Nam Ngô Đình Diệm
Đó chưa nói đầu tiên là Bảo Đại
Chỉ trò chơi lá mặt trái một thời
Ông ta như nhân vật kiểu chuột dơi
Vừa ghét Pháp vừa đồng thời thân Pháp
Toàn khác hẳn ông Hồ và ông Diệm
Quyết thi gan nhằm bảo vệ lập trường
Đúng hay sai cũng quả quyết do mình
Tùy phán xét sẽ dành cho lịch sử
Ai chiến thắng dân ngu đều xấu hết
Chuyện ngày xưa một chí sĩ nói rồi
Đó Tây Hồ tên thật Phan Chu Trinh
Người yêu nước thật tình lòng son sắt
Bởi ông Hồ thật ra người Cộng sản
Còn về phần ông Diệm Chúa trên cao
Vậy thì ra phải giải mã thế nào
Cho cuộc chiến Việt Nam điều chẳng dễ
Bốn trong một hay là ba trong một
Vẫn là điều khó rõ giữa nhân gian
Trong chiến tranh chỉ dân chúng chết oan
Còn ai lợi phải chăng điều ý hệ
Như ông Hồ lúc đầu là Nga giúp
Đến về sau thì Trung Quốc nhảy vào
Ở Miền Nam ông Diệm cũng khác đâu
Không có Mỹ sau lưng sao lên được
Thành chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc
Mà thật ra là chiến giữa hai phe
Chuyện này từng đã xảy ở bên Hàn
Lý Thừa Vãng Kim Nhật Thành đều thế
Sông Bến Hải khác nào sông Áp Lục
Chỉ dân ngu mới thần thánh cuộc đời
Ca Bác Mao cũng nào khác Bác Hồ
Bác Kim nữa Cộng sản luôn là thế
Chuyện tuyên truyền ngu dân luôn thành lệ
Nó xưa rồi từ thuở Stalin
Nó Qua Mao và vào tới Việt Nam
Và Tố Hữu là đỉnh cao chói lọi
Sự tột đỉnh nịnh thần là quả thế
Chiếc lá khô thành trí tuệ loài người
Nay dù sao mọi chuyện cũng qua rồi
Tùy phận mệnh mỗi nơi thành mỗi khác
Như nước Đức Việt Nam đâu nào giống
Hay cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên
Một thời qua dầu mọi việc đảo điên
Cũng vẫn chỉ giều lục bình trôi tới
Đấy lịch sử khách quan là như vậy
Nó trôi đi nào ai sẽ cản nào
Nhưng trôi rồi cũng sẽ tấp vào đâu
Đời là vậy biết bao nhiêu chướng ngại
Liên Xô đổ nay trở thành hội nhập
Toàn cầu chung dầu Brexit rút ra
Thật là hài dân ta mãi ngợi ca
Đâu có biết thực chất gì lịch sử
Tuyên truyền dối quả thành nên cái tội
Tội ngu dân và tội dối gạt dân
Nên ngày nay việc giải mã rất cần
Kho tư liệu vẫn luôn nằm đâu đó
Nơi đất Pháp hay là nơi đất Mỹ
Hay Trung Hoa người trong cuộc nắm hầu
Nhưng Việt Nam liệu có dễ tìm đâu
Bởi chính trị trở nên điều chính yếu
Khiến lịch sử coi pha ai chẳng biết
Chỉ cần sao nhằm có lợi phe ta
Đó dĩ nhiên điều thật sự xót xa
Bởi dẫm đạp lên cả toàn lịch sử
Chuyện vẽ rắn thêm chân nào có cũ
Thành cuối cùng rồng rắn cũng ra chi
Mọi việc này hiện tại phải nên truy
Ai trách nhiệm ngay từ đầu chăng chớ
Là Lãnh tụ hay là ông Đại tướng
Hay cả hai cũng đều thảy nạn nhân
Cũng trôi theo dòng lịch sử muôn phần
Mà nguồn cội núi Lê hay suối Mác
Vậy giải mã chuyện đời thường đâu khác
Nó mãi hoài lặp lại cả ngàn năm
Như ngày xưa Mã Viện cột đồng
Ai vào đó lại chẳng người ném đá
Thành ra lại cũng còn đâu trụ cả
Nhưng ngày xưa chuyện khác với ngày nay
Bởi ngày nay mạng quốc tế có rồi
Đâu ai dễ gì che hoài sự thật
Cần giải mã thì dân ta mới tiến
Mới nguồn cơn để nước lại đi lên
Để quốc dân từ bóng tối đi ra
Như con phượng từ tro tàn đứng dậy
Cuộc giải mã giờ thiêng liêng là vậy
Vì núi sông khắp chốn bắt tay vào
Không thể hoài lịch sử phải xanh xao
Mà nhất thiết phải tươi hồng trở lại
Bởi chân lý chỉ là luôn sự thật
Và đời người luôn ý nghĩa nhân văn
Chỉ vì đây mới giá trị thường hằng
Đâu phải kiểu mưa xong thì vuốt mặt
Hết đêm tối luôn hoài trời lại sáng
Qua xong truông lại thấy ánh mặt trời
NGÀN KHƠI
(04/8/17)
GIẢI MÃ LỊCH SỬ
Chuyện đã qua được gọi là lịch sử
Nó đi rồi đâu trở lại như xưa
Dẫu cái mới có hệt y cái cũ
Vẫn khác nhau mặt bản chất mới hài
Dân một nước biết sử mình cho đúng
Nếu biết sai thì nào có ra gì
Cái tuyên truyền mãi là trò chính trị
Còn hàn lâm phải biết sử sát sao
Như Việt Nam non thế kỷ lẽ nào
Dân dốt sử thì có làm sao được
Nên giải mã hóa ra thành cái chính
Mọi lờ mờ cần thật sự khui ra
Bởi vì thời cần đại cũng chưa xa
Mọi che giấu cũng lần lần ra hết
Cốt lõi nhất hai chiến tranh liên tiếp
Từng kéo dài đến suốt 30 năm
Chỉ giản đơn hay cả việc đèo bòng
Những cái đó dân nay cần biết rõ
Dẫu ai thắng hay là ai thất bại
Nghĩa làm sao phải che mắt thế gian
Thế hỏi ai mới thật sự khôn ngoan
Nếu tếu táo miệng đời cười sao thấu
Lịch sử vốn giống như dòng sông chảy
Có lấy gì giấu kín được trời cao
Nếu vì dân mọi nghĩa lý không sao
Còn ai đó vì mình thành nhảm nhí
Vì dân phải giúp dân nhìn sự thật
Chỉ lợi riêng mới che giấu phần mình
Nên cuộc đời sẽ hóa chỉ linh tinh
Không chân chính cũng còn đâu nghĩa lý
Từ đánh Pháp rồi chuyển sang đánh Mỹ
Cả hai lần tiêu tốn biết bao nhiêu
Kể sơ sơ nhân mạng mười triệu người
Bởi chinh chiến chỉ luôn toàn chết chóc
Mặt đau khổ cũng nói làm sao hết
Bởi hi sinh chịu đựng biết là bao
Không những trong quá khứ đã qua rồi
Mà hiện tại tương lai còn di lụy
Không những mặt con người mà thực chất
Cả mọi điều không đo nỗi thế gian
Bởi vì đây không đơn giản đôi bên
Mà gút mắc bởi nhiều phe liên hệ
Đâu phải Pháp và Việt Minh chiến đấu
Mà Trung Hoa và cả Mỹ chen vào
Nó trở thành một thực tế tào lao
Nhưng ai dám bảo tầm phào kia chứ
Bởi thực chất cũng đâu ngoài ý hệ
Và dầu sao cũng thành đã cái đinh
Nó khiến cho ngoài Bắc Hồ Chí Minh
Cùng đối lại trong Nam Ngô Đình Diệm
Đó chưa nói đầu tiên là Bảo Đại
Chỉ trò chơi lá mặt trái một thời
Ông ta như nhân vật kiểu chuột dơi
Vừa ghét Pháp vừa đồng thời thân Pháp
Toàn khác hẳn ông Hồ và ông Diệm
Quyết thi gan nhằm bảo vệ lập trường
Đúng hay sai cũng quả quyết do mình
Tùy phán xét sẽ dành cho lịch sử
Ai chiến thắng dân ngu đều xấu hết
Chuyện ngày xưa một chí sĩ nói rồi
Đó Tây Hồ tên thật Phan Chu Trinh
Người yêu nước thật tình lòng son sắt
Bởi ông Hồ thật ra người Cộng sản
Còn về phần ông Diệm Chúa trên cao
Vậy thì ra phải giải mã thế nào
Cho cuộc chiến Việt Nam điều chẳng dễ
Bốn trong một hay là ba trong một
Vẫn là điều khó rõ giữa nhân gian
Trong chiến tranh chỉ dân chúng chết oan
Còn ai lợi phải chăng điều ý hệ
Như ông Hồ lúc đầu là Nga giúp
Đến về sau thì Trung Quốc nhảy vào
Ở Miền Nam ông Diệm cũng khác đâu
Không có Mỹ sau lưng sao lên được
Thành chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc
Mà thật ra là chiến giữa hai phe
Chuyện này từng đã xảy ở bên Hàn
Lý Thừa Vãng Kim Nhật Thành đều thế
Sông Bến Hải khác nào sông Áp Lục
Chỉ dân ngu mới thần thánh cuộc đời
Ca Bác Mao cũng nào khác Bác Hồ
Bác Kim nữa Cộng sản luôn là thế
Chuyện tuyên truyền ngu dân luôn thành lệ
Nó xưa rồi từ thuở Stalin
Nó Qua Mao và vào tới Việt Nam
Và Tố Hữu là đỉnh cao chói lọi
Sự tột đỉnh nịnh thần là quả thế
Chiếc lá khô thành trí tuệ loài người
Nay dù sao mọi chuyện cũng qua rồi
Tùy phận mệnh mỗi nơi thành mỗi khác
Như nước Đức Việt Nam đâu nào giống
Hay cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên
Một thời qua dầu mọi việc đảo điên
Cũng vẫn chỉ giều lục bình trôi tới
Đấy lịch sử khách quan là như vậy
Nó trôi đi nào ai sẽ cản nào
Nhưng trôi rồi cũng sẽ tấp vào đâu
Đời là vậy biết bao nhiêu chướng ngại
Liên Xô đổ nay trở thành hội nhập
Toàn cầu chung dầu Brexit rút ra
Thật là hài dân ta mãi ngợi ca
Đâu có biết thực chất gì lịch sử
Tuyên truyền dối quả thành nên cái tội
Tội ngu dân và tội dối gạt dân
Nên ngày nay việc giải mã rất cần
Kho tư liệu vẫn luôn nằm đâu đó
Nơi đất Pháp hay là nơi đất Mỹ
Hay Trung Hoa người trong cuộc nắm hầu
Nhưng Việt Nam liệu có dễ tìm đâu
Bởi chính trị trở nên điều chính yếu
Khiến lịch sử coi pha ai chẳng biết
Chỉ cần sao nhằm có lợi phe ta
Đó dĩ nhiên điều thật sự xót xa
Bởi dẫm đạp lên cả toàn lịch sử
Chuyện vẽ rắn thêm chân nào có cũ
Thành cuối cùng rồng rắn cũng ra chi
Mọi việc này hiện tại phải nên truy
Ai trách nhiệm ngay từ đầu chăng chớ
Là Lãnh tụ hay là ông Đại tướng
Hay cả hai cũng đều thảy nạn nhân
Cũng trôi theo dòng lịch sử muôn phần
Mà nguồn cội núi Lê hay suối Mác
Vậy giải mã chuyện đời thường đâu khác
Nó mãi hoài lặp lại cả ngàn năm
Như ngày xưa Mã Viện cột đồng
Ai vào đó lại chẳng người ném đá
Thành ra lại cũng còn đâu trụ cả
Nhưng ngày xưa chuyện khác với ngày nay
Bởi ngày nay mạng quốc tế có rồi
Đâu ai dễ gì che hoài sự thật
Cần giải mã thì dân ta mới tiến
Mới nguồn cơn để nước lại đi lên
Để quốc dân từ bóng tối đi ra
Như con phượng từ tro tàn đứng dậy
Cuộc giải mã giờ thiêng liêng là vậy
Vì núi sông khắp chốn bắt tay vào
Không thể hoài lịch sử phải xanh xao
Mà nhất thiết phải tươi hồng trở lại
Bởi chân lý chỉ là luôn sự thật
Và đời người luôn ý nghĩa nhân văn
Chỉ vì đây mới giá trị thường hằng
Đâu phải kiểu mưa xong thì vuốt mặt
Hết đêm tối luôn hoài trời lại sáng
Qua xong truông lại thấy ánh mặt trời
NGÀN KHƠI
(04/8/17)