Vietnamplify: Hội thảo Nhân quyền và biểu tình vì Dân chủ cho Việt Nam

DCVOnline

MONTREAL – 20 tháng 8, 2017. Một buổi hội thảo về nhân quyền cho Việt Nam đã được Vietnamplify (tên viết tắt của nhóm “Ampplify the Truthc About Vietnam”, Nói lớn lên về Sự thật ở Việt Nam) thực hiện ở giảng đường Cựu sinh viên Đại học Concordia.

Điều hợp sinh hoạt Vietnamplify: Cynthia Machado, Christian, Valerie Phan. Nguồn: DCVOnline.net

Vietnamplify là một tổ chức không đảng phái gồm những người trẻ trên dưới 30 tuổi, thuộc nhiều sắc tộc, với mục đích chính là trình bày cho dân chúng Canada và người Việt Nam trong nước biết rõ về những vi phạm nhân quyền của chính phủ ở đó. Vietnamplify – Nói lớn về sự thật ở Việt Nam muốn có thay đổi ở Việt Nam, để người dân Việt Nam có thể tự lấy quyết định về chính phủ hiện tại. Quan trọng tối thượng của tổ chức này là Nhân Quyền; họ coi quyền con người trên tất cả mọi hệ thống chính trị và là nền tảng của luật pháp.

Chương trình ngày 20 tháng 8, 2017 của Vietnamplify được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội Facebook.

Chương trình ngày 20 tháng 8, 2017 của Vietnamplify. Nguồn: DCVOnline.net

Sinh hoạt này gồm hai phần: hội thảo từ 12 giờ trưa đến 3 giờ 45, sau đó là cuộc biểu tình vì Dân chủ cho Việt Nam từ nơi hội thảo đến công trường Philllips, đi qua con phố chính của thành phố Montreal.

Người tham dự hội thảo. Nguồn: Van Nguyen Facebook

Tham dự thuyết trình trao đổi trong buổi hội thảo bằng Anh và Pháp ngữ qua sự điều hợp của hai người hoạt động nhân quyền Valerie Phan và Cynthia Machado thuộc Vienamplify là Irwin Cotler (cựu dân biểu Canada, cựu bộ trưởng bộ Tư pháp và Tổng Chưởng lý Canada, Người sáng lập và Chủ tịch Quốc tế của Trung tâm Nhân Quyền Raoul Wallenberg, Anne Minh-Thu Quach, dân biểu Canada (đảng Tân dân Chủ, NDP), Frederic Vo Van, Ylang Ta (những người hoạt động nhân quyền), Dang Chi Hung (cựu tù nhân lương tâm Việt Nam), Tran Nha Uyen (người hoạt động nhân quyền), Nguyen Duy Vinh (người hoạt động Nhân quyền và Môi trường thuộc JFFV.org – Tổ chức Công lý cho Nạn nhân Formosa), Đặng Hữu Nam (Linh mục giáo phận Vinh, qua video, phụ đề Anh ngữ), Michael Simkin (luật sư hoạt động nhân quyền), Kristina Bergeron (người hoạt động nhân quyền với tổ chức Amnesty International ở Montreal), Michael Machado, Sara Demelo Zare.

Một số ý kiến

– Vận động với dân biểu của mình đưa ra quốc hội về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam (Dân biểu Anne Minh-Thu Quach).
– Chấm dứt khen thưởng chính quyền Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền của họ, thí dụ như bầu Việt Nam làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc, [2013-2016]; vận động cho nhân quyền không phải là mỗi năm hội thảo, đi biểu tình một lần mà là kiên trì tranh đấu tại nơi xẩy ra những bất công, và họ cần biết là họ được yểm trợ và không đơn độc (Irwin Cotler).
– Kêu gọi giúp đỡ nạn nhân của Formosa về mặt tài chánh và pháp luật (Nguyen Duy Vinh , Lm Đặng Hữu Nam).
– Tranh đấu cho Nhân quyền không phải ở salon hay những phòng khánh tiết mà phải là ở ngay địa đầu chiến tuyến (Michael Simkin).

Một trang trong bài thuyết trình của Nguyen Duy Vinh. Nguồn: DCVOnline.net

Hỏi Đáp

Có ba câu hỏi và một nhận xét từ số khoảng 300 người đến tham dự:

– Chính quyền phương Tây có xét đến hồ sơ Nhân quyền của chính phủ địa phương khi quyết định viện trợ kinh tế cho Việt Nam hay không?

Canada có viện trợ cho Viêt Nam nhưng dân chúng ở đây cần đặt câu hỏi ở nghị viện yêu cầu chính phủ làm áp lực buộc Việt Nam phải trong sáng và rõ ràng hơn trong việc sử dụng viện trợ. (Irwin Cotler)

– Tại sao Greenpeace không lên tiếng về thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra? Cá Viêt Nam xuất cảng có an toàn hay không?

Greenpeace không có văn phòng ở Việt Nam và chưa hề lên tiếng về vấn đề Formosa Hà Tĩnh (Valerie Phan). Thực phẩm nhập cảng để tiêu thụ tại Canada phải hội đủ kiều kiện theo luật của tình bang và Canada (Irwin Cotler).

Thực ra Greenpeace đã từng lên tiếng về những vụ gây ô nhiễm môi trường ở vùng Đông Nam Á kể cả việc tập đoàn Formosa Plastics đổ 2.700 tấn tro lò đốt rác có thuỷ ngân tại Cambodia vào năm 1999. Greenpeace cũng đã thúc đẩy khối ASEAN thông qua bản tu chính Công ước Basel (1989). Mục tiêu bao trùm của Công ước Basel là bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường chống lại những tác động bất lợi của chất thải nguy hại. Tính đến năm 2004, chỉ có hai nước Malaysia và Brunei trong khối ASEAN đã thông qua bản tu chính của Công ước Basel. Việt Nam đã là quốc gia thành viên tham dự ký kết Công ước Basel từ năm 1995 (DCVOnline/Greenpeace/Basel Convention).

– Có phong trào đòi đưa công ty thép Formosa ra trước công lý. Câu hỏi là có một cơ chế nào để người dân Việt Nam có thể đưa Formosa ra toà quốc tế hay không, hay những vận động đòi đưa Formosa ra toà chỉ là những hoạt động để tự vui lòng và quảng cáo giựt tim mà không thay đổi được gì?

Tôi biết có một phong trào đòi đưa chính phủ Việt Nam ra toà án quốc tế nhưng không thể tiết lộ thêm vì có thể gây phương hại cho phong trào. (Nguyen Duy Vinh)

Tôi đã liên lạc với Toà án Quốc tế để đưa tội đồ Hồ Chí Minh, chính phủ Việt Nam và Formosa ra toà. Tôi hy vọng sang năm sẽ thực hiện được. (Dang Chi Hung).

Không. Việt Nam không phải là quốc gia thành viên đã ký và thông qua Quy ước La Mã của Pháp viện Hình sự Quốc tế nên không có cơ chế nào đưa tội phạm xẩy ra tại Việt Nam ra toà án quốc tế. Một cách khác, dù Việt Nam không ký Quy ước La Mã, là qua đề nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Toà án Quốc tế nhưng rất khó nếu không nói là không thể xẩy ra vì đề nghị ngày sẽ bị Trung Quốc và Nga phủ quyết tức thì. (Irwin Cotler)

Biên nhận và cảm ơn của Lm Đặng Hữu Nam. Nguồn: OntheNet

Biểu tình tuần hành trên phố Sainte-Catherine

Cuộc biểu tình do Vietnampify tổ chức đã được chuẩn bị chu đáo với nhiều bảng biểu ngữ, hình ảnh, và tập dợt cho người tham dự những khẩu hiệu đơn giản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp: “Có gì thum thủm ở Việt Nam? Formosa”, “Dân chủ cho: Việt Nam”, “Nước sạch cho: Việt Nam”, “Tư do ngôn luận cho: Việt Nam” “Nhân quyền cho: Việt Nam”, “Việt Nam: Không bán”, “Việt Nam: đồng hành”, “Chấm dứt bạo hành cho: Việt Nam”, v.v..

Buổi sinh hoạt vận động và truyền thông nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam do Vietnamplify thục hiện chấm dứt vào khoảng 5 giờ 30 cùng ngày tại công trường Phillips sau khi một số người tham dự tụ họp hát chung một bản nhạc Việt Nam, “Trả Lại Cho Dân”.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net. Hình ảnh của DCVOnline.net trừ ảnh có chú thích khác.

1 Comment on “Vietnamplify: Hội thảo Nhân quyền và biểu tình vì Dân chủ cho Việt Nam

  1. CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

    Con người cái gốc trên đời
    Hợp thành xã hội mọi thời tự nhiên
    Nên cần dân chủ tự do
    Nhân văn khoa học khách quan mọi phần

    Đâu cần thể chế ngàn lần
    Kiểu như khung lớn khiến dân bị niềng
    Đâu cần chủ nghĩa dựng hình
    Đâu cần ý hệ vạn phần tào lao

    Mà cần tình nghĩa đồng bào
    Mà toàn bình đẳng sát sao ở đời
    Mà cần tôn trọng con người
    Và tình nhân ái làm đời văn minh

    Đâu cần kiểu nói linh tinh
    Thảy danh từ hão thực tình có chi
    Cốt nhằm che giấu độc tài
    Mỵ dân để trị chỉ hài trước sau

    Vậy nên chân lý cuộc đời
    Không ngoài ngay thẳng giữa người với nhau
    Còn như bán chó treo dê
    Ngàn lần giả dối dễ chi nhân quyền

    Cái gian cái xảo nhãn tiền
    Chỉ làm khô héo cuộc đời hoài thôi
    Luôn đều chà đạp con người
    Nhân quyền không có khiến người hèn theo

    TIẾNG NGÀN
    (23/8/17)