Giáo điều Tập cận Bình

Trần Giao Thuỷ

Hôm thứ Ba, 24/10/ 2017, gần 2500 cánh tay giơ lên tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Hoa, kể cả tay của Tập Cận Bình, để biểu quyết chấp thuận đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa trong thời đại mới” vào bản Điều lệ của Đảng.

Màn trình diễn sau cùng cũng là để kết thúc Đại hội toàn quốc hôm thứ Tư, 25/10/2017 là phần Tập Cận Bình giới thiệu Ban thường vụ Bộ Chính trị do ông đứng đầu với Thủ tướng Lý Khắc Cường (62 tuổi) và 5 thành viên mới.

Nước Trung Hoa đã thực sự bước vào một “thời đại đại mới”, thời Nhà Tập; triều đại Tập Cận Bình có thể sẽ không chấm dứt vào năm 2022.

Các thành viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Hoa (từ trái sang) Han Zheng, Wang Huning, Li Zhanshu, Xi Jinping, Li Keqiang, Wang Yang và Zhao Leji ra mắt tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm thứ Tư 25/10/2017. Nguồn: Ng Han Guan/AP

Năm thành viên mới của Ban thường vụ Bộ Chính trị không có ai tên là Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner, 56 tuổi, Bí thư thành ủy Trùng Khánh), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua, 54 tuổi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông),  Thái Kỳ (Cai Qi, 61 tuổi, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), và đương nhiên là không thể có Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai, 54 tuổi, một đảng viên trẻ, quyền lực đã bị Tập Cân Bình loại ra khỏi ghế Bí thư thành ủy Trùng Khánh, và thay bằng Trần Mẫn Nhĩ hồi tháng Bẩy).

Những nhân vật đó, trước đây giới quan sát Trung Hoa tưởng là hoặc có thể là Thái tử, đều không có mặt trong nhóm cố vấn mới của Tập Cận Bình. Họ là Li Zhanshu (Lật Chiến Thư, 67 tuổi), Wang Yang (Uông Dương, 62 tuổi), Wang Huning (Vương Hộ Ninh, 62 tuổi), Zhao Leji (Triệu Lạc Tế, 60 tuổi) và Han Zheng (Hàn Chính, 63 tuổi), không ai dưới 60 tuổi và không ai được xem là người thừa kế trong tương lai.

Với bẩy người đàn ông (100%) của Ban Thường vụ và 24 đàn ông trong 25 (96%) thành viên Bộ Chính Trị, một lần nữa, ông Tập Cận Bình tái khẳng định là Trung Hoa không sao chép những kiểu dân chủ công bằng ở các nước tư bản, ví dụ, một nửa nội các chính phủ là phụ nữ . Có thể ông Tập coi đó là một loại ý tưởng lãng mạn, vớ vẩn tiểu tư sản.

Phải chọn lựa như vậy mới là hành động tương xứng với đảng chính trị lớn nhất thế giới, như lời tuyên bố của Tập Cận Bình tại Đại hội đảng lần thứ 19, “Là đảng chính trị lớn nhất thế giới, [Đảng Cộng sản Trung Hoa] phải hành xử tương xứng với vị thế này”? Đến đây thì “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã sa đà vào chỗ lãng nhách. Cái đảng của ông lớn đến mấy đi nữa thì cũng chỉ là đảng duy nhất ở xứ độc đảng thì có ai để so sánh độ tương xưng vị thế. Hơn nữa, “đảng chính trị lớn nhất thế giới” còn là một khái niệm cực kỳ mâu thuẫn, một oxymoron. Khái niệm mâu thuẫn đó kết hợp những phần tử không liên đới hay ảnh hưởng đến nhau: đảng chính tri và thế giới. Đảng chính trị, bất kỳ chính đảng nào, lớn hay nhỏ, cũng chỉ có tầm ảnh hưởng (chính trị) trong một khu vực địa lý giới hạn, lớn nhất là quốc gia; chúng không có vị thế nào – bất xứng hay tương xứng – trên chính trưởng quốc tế cả.

Và với gần 1.4 tỉ thần dân Hoa lục, ông Tập nói rằng, “Trong năm năm vừa qua, chính quyền đã đưa ra một chương trình nghị sự rộng lớn, và đã hoàn thành một số nhưng vẫn còn những việc khác phải làm tiếp.” Và đến 2021 chưa chắc đã xong. Nhân tiện ông cũng nhắc khéo với mọi người về “tư tưởng” Tập Cận Bình:

“Sau hàng chục năm làm việc chăm chỉ, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa đã đi vào một thời đại mới.”

“Tư tưởng” này đi vào điều lệ đảng chỉ sau 5 năm ông Tập nắm quyền lực, nhanh hơn hẳn “tư tưởng” Mao Trạch Đông, đã phải đợi đến 24 năm.

Cái “tư tưởng” Tập Cận Bình này còn là nền tảng cho một nền kinh tế đầu ngô mình sở, kinh tế lai giống hay nói chữ thì đó là một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Hoa ở thời đại mới”. Cái tên dài ngoằng này có thể gây bối rối cho nhiều người, nhưng giới đầu tư ở Hoa Lục từ bao nhiêu năm qua, dù đang bước vào “thời đại mới” đều hiểu rằng dù buôn bán với ai, đàm phán với chuyên gia kinh tế nào ở Trung Hoa thì họ vẫn phải “làm việc với đảng, hợp tác, và cộng tác”. Nói cho dễ hiểu, người nước ngoài là làm ăn ở Trung Hoa thì phải biết điều với đảng như Scott Kennedy, chuyên gia về Kinh tế Chính trị và Thương mại Trung Hoa của Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington D.C., đã nhận xét.

Dự án “Một vành đai, Một con đường” của Tập Cận Bình định chạy dài tử Trung Hoa đến Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgizstan, Iran, Turkey, Ukraine, Poland, Belgium, France, Italy rồi tiếp tục bằng đường thuỷ qua biển Adriatic, vào Địa Trung Hải, xuyên qua Hồng hải, vòng xuống biển Ả Rập, băng qua Ấn Độ Dương vào biển Andaman, bao quanh biển Đông, rồi trở lại biển phía Nam Trung Hoa. Liệu phong trào bài Hoa, chống Tàu, thoát Trung của một số các chuyên gia kinh tế trong chính phủ Mỹ hiện nay hay của một số người dân ở các nước láng giềng của Trung Hoa ở Nam Á và Đông Nam Á có làm thay đổi lịch trình những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở dùng sản phẩm và nguyên liệu của Trung Hoa hay hàng hoá Trung Hoa vận chuyển đi bán vòng quanh thế giới dọc theo con đương tơ lụa trên đất liền và trên biển của Tập Cận Bình không?

Một vành đai, Một Con đường. Nguồn: Beijingers

Tập Cận Bình ở “thời đại mới”, cho mình là hiện thân của sự trẻ hoá Trung Hoa, không những chỉ muốn hội nhập với thế giới mà còn muốn đưa Trung Hoa lên hàng cường quốc, lãnh đạo toàn cầu.

Một chương trình thành công rõ rệt trong năm năm cầm quyền của Tập Cận Bình là chiến dịch chống tham những hay triệt tiêu đối thủ chính trị, hoặc cả hai. Tuy vậy, Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa, nhân vật đứng đầu các vụ thanh lọc đảng đã không còn trong Ban Thường Vụ kỳ này. Tập Cận Bình có thể sẽ thay cánh tay diệt tham nhũng 69 tuổi bằng Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 60 tuổi. Trong ngày cuối của Đại hội đảng, Tập Cận Bình tuyên bố,

“Việc quản lý toàn vẹn và nghiêm ngặt đối với đảng là một cuộc hành trình không bao giờ kết thúc. Chúng ta phải tiếp tục loại bỏ lũ vi rút đang làm hư hại máu thịt của của đảng.”

Cũng như đã tuyên bố năm 2012, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục không nao núng khẳng định sự kiểm soát của đảng cộng sản đối với quân đội vì đó chính là công cụ phải có để bảo vệ chế độ độc tài.  Uu tiên của Tập Cận Bình sẽ thực hiện để đưa Trung Hoa lên hàng lãnh đạo thế giới trong kỷ nguyên mới là như thế.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


DCVOnline hiệu đính và minh hoạ

1 Comment on “Giáo điều Tập cận Bình

  1. CÁCH MẠNG Ở TRUNG HOA

    Thuở xưa cả nước Trung Hoa
    Chỉ toàn tranh bá đồ vương khác nào
    Có chi đâu chuyện tự hào
    Đề quyền toàn mãi tới triều nhà Thanh !

    Lần đầu bổng có Tôn Văn
    Cộng hòa Dân chủ trước tiên ra đời
    Tưởng đâu đất nước sáng ngời
    Ai dè rơi lại vào triều họ Mao !

    Quay về quân chủ trong ngoài
    Nhưng bình loại mới rượu trong cũ xì
    Bởi vì chủ nghĩa ngoại lai
    Còn trong quân chủ vẫn hoài như xưa !

    Trên đầu vẫn có ông Vua
    Dưới là triều chính có nào mới đâu
    Chẳng gì Dân chủ Tự do
    Lại thêm “ý hệ” ốp vào đầu dân !

    Quả là đau xót vạn phần
    Dân Tàu một cổ hai tròng quả ghê
    Dẫu cho trên tỷ ba người
    Chỉ như bầy vịt cần vài tay chăn !

    Dưới Vua là đám quần thần
    Tuyên truyền bạo lực lùa dân khép vào
    Suốt trăm năm quả nghẹn ngào
    Bao giờ Trung Quốc trở về ngày xưa !

    Tức nền Dân quốc Cộng hòa
    Tôn Văn sáng lập thiết tha thuở nào
    Dân quyền Dân chủ Dân sinh
    Hoàn toàn đơn giản do mình nghĩ ra !

    Còn Mao thảy chỉ ba hoa
    Treo dê bán chó có là về đâu
    Khiến cho hậu thế trò cười
    Dân Tàu thành chỉ vật nuôi trong nhà !

    Làm ăn quỉ quái tà ma
    Cũng nền kinh tế gọi là thứ hai
    Nhưng trong thực chất chỉ hài
    Thảy đều vá đụp vá đùm khắp nơi !

    Toàn anh dốt nát khen nhau
    Biết chi thực chất hi sinh quá nhiều
    Nhìn chung văn hóa não nề
    Thế thì kinh tế còn gì mà hay !

    Nhân đây ta viết chuyện này
    Để làm sáng tỏ điều hay cho đời
    Chỉ vì thuyết Mác trời ơi
    Hại bao nhiêu tỷ dân Tàu quả vui !

    TIẾU NGÀN
    (30/10/17)