Kỷ niệm 50 năm thảm sát Tết Mậu Thân, bàn về nguồn gốc thật của hai chữ ‘Việt Cộng’
Brett Reilly | Trà Mi
Trái với một số sử sách đã ghi lại, thuật ngữ “Việt Cộng”, giống như cuộc chiến, không phải là sản phẩm phụ vì Mỹ có mặt ở Việt Nam.
Hồi tháng 2 năm 1968 Walter Cronkite đã hỏi và trả lời khán giả Mỹ,
“Ai đã thắng và ai đã thua trong trận Tổng Tấn công Tết Mậu Thân? Việt Cộng đã không thắng bằng một cú knock-out, nhưng chúng ta cũng vậy. Lịch sử có lẽ sẽ coi đây là một trận hoà.”
Hôm nay kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhưng người ta vẫn chưa đạt được một quyết định đồng thuận. Ngay cả ý nghĩa của chữ hai chữ “Việt Cộng” đã vượt qua sự hiểu biết của các trọng tài của lịch sử. Hầu hết vẫn bị kẹt lại một trong hai nhóm học giả Chính thống và Xét lại, quan niệm đối nghịch nhau. Những diễn giải trái ngược nhau của họ về thuật ngữ “Việt Cộng” tức thời là một dấu hiệu của cuộc chiến lớn hơn về ý nghĩa cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng chúng cũng là một phương tiện để vượt qua cuộc tranh luận sau cùng.
Chiến tranh vì lịch sử Việt Nam
Bất cứ ai đã theo học những khóa lịch sử ở đại học về về chiến tranh hoặc đọc những tác phẩm của các tác giả đoạt giải Pulitzer như Fire in the Lake của Frances FitzGerald hoặc A Bright Shining Lie của Neil Sheehan đều đều quen thuộc với các học giả Chính thống. Trong những năm sau trận Tổng Tấn công Tết Mậu Thân, phe học giả phản chiến tin rằng họ có thể huy động lịch sử để phản đối những gì họ coi là một cuộc chiến sai lầm nếu không phải là vô đạo đức. Họ cho rằng Tướng William Westmoreland không chiến đấu với Việt Cộng mà ông chống lại bước đi của lịch sử: một cuộc kháng chiến tự nhiên của người dân Việt Nam đối trước xự xâm chiếm của ngoại bang và một chủ nghĩa dân tộc bần nông mà Hồ Chí Minh là hiện thân. Việc Bắc Việt hay giới lãnh đạo ở đó là cộng sản, cũng như những tham vọng của họ bị nhiều người Việt Nam khác chống đối đã không được giới sử học Chính thống quan tâm nói đến trong những biện luận của họ.
Một thời gian sau, một cuộc phản biện của giới học giả Xét lại xuất hiện, dùng cách đọc lại lịch sử Việt Nam của họ để đánh giá lại cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Đối với nhiều người thuộc phía Xét lại, cuộc chiến của Hoa Kỳ là một mưu cầu cao quý và chắc chắn sẽ phải thắng, nếu không vì sự bất tài của William Westmoreland hoặc sự can thiệp của đoàn ký giả Mỹ ở Sài Gòn.
Giống như cuộc chiến tranh nói chung, nguồn gốc của hai chữ “Việt Cộng” đã bị cả hai phía bóp méo. Từ cuốn “A Bright Shining Lie” của Neil Sheehan đến cuốn “American Reckoning” mới đây của Christian Appy, thuật ngữ “Việt Cộng” được miêu tả như là kết quả của sự lừa dối và kiêu ngạo của Mỹ, xác định các thuộc tính mà họ cũng đã chẩn đoán trong cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân. Các tác giả này nói với độc giả rằng “Việt Cộng” – nghĩa là “Cộng sản Việt Nam” – là một từ ngữ xấu do các sĩ quan của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ phát minh ra. Các học giả Chính thống này cho rằng, Washington đã phạm tội biến đổi một cuộc xung đột thực dân địa phương thành một chiến trường Chiến tranh Lạnh. Đối với những người theo chủ nghĩa Xét lại, “Việt Cộng” là một thuật ngữ thích hợp để minh hoạ cho khối cộng sản Nga, Trung Quốc và Bắc Việt những thế lực đã kiểm soát cuộc nổi dậy.
Việt Cộng và nguồn gốc Trung Hoa của cuộc Nội chiến dai dẳng của Việt Nam
Nguồn gốc của hai chữ “Việt Cộng” giống như cuộc chiến ở Việt Nam, không thể tìm thấy trong Toà Đại sứ của Mỹ ở Sài Gòn. Thực ra chúng đã bắt từ những năm 1920 và 1930. Nguồn gốc thực sự của nó đã minh hoạ cho thấy cách người Việt Nam đã quốc tế hoá và bắt đầu cuộc nội chiến, trước khi quân đội Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam.
Các nhà cách mạng Việt Nam thường chạy trốn sang miền Nam Trung Hoa để trốn thực dân Pháp. Vào cuối những năm 1920, cả phe cộng sản Việt Nam lẫn phe quốc gia đã tìm nơi nương tựa và để được huấn luyện quân sự tại Học viện Sĩ quan Lục quân Trung Hoa Dân quốc Hoàng Phố. Hồ Chí Minh, vừa mới trở về từ Liên Xô, cũng đến đây cùng với những người lãnh đạo của các đảng phái quốc gia như Vũ Hồng Khanh. Trong thời gian đó, mỗi nhóm người Việt Nam đã hợp tác với nhau và với các đồng minh Trung Hoa theo ý thức hệ của họ trong thời kỳ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông và Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch.
Những người Việt Nam lúc đó đã học tập những lý thuyết chính trị châu Âu theo những văn bản đã được dịch sang Trung văn và áp dụng những tư tưởng mới từ những người láng giềng phương bắc. Thấm đậm với khái niệm về dân tộc trong những năm 1920, những nhà cách mạng Việt Nam cũng học được khái niệm “Hán gian” để chỉ “kẻ phản bội lại dân tộc Hán”. Họ cũng học được thuật ngữ “Trung Cộng”, được mọi người dùng như hai chữ viết tắt cho “Cộng sản Trung Hoa.”
Đến cuối thập niên 1920, sự liên kết mong manh giữa những người cộng sản Trung Hoa và Quốc dân đảng đã nhường chỗ cho cuộc Nội chiến Trung Quốc. Những đồng chí Việt Nam của họ cũng đã chọn đồng minh ở hai phía, từ đó gây ra cuộc nội chiến cấp thấp ở Việt Nam giữa đảng viên của Đảng Cộng sản Stalinist Việt Nam và Đảng phái Quốc gia Việt Nam, kéo dài suốt những năm 1930.
Những đảng phái Việt Nam đối địch này đã chiến đấu giành ảnh hưởng ở miền Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Hoa, nơi mà cả hai bên đều có gián điệp theo dõi lẫn nhau và thỉnh thoảng có những vụ chỉ định ám sát những kẻ xâm nhập bị tình nghi. Ngay cả nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu – ngày nay được xem như một anh hùng ở Việt Nam chỉ đứng sau Hồ Chí Minh – đã đứng về phía Đảng phái Quốc gia Việt Nam trong cuộc nội chiến này.
Phan Bội Châu tuyên bố trên Tràng An Báo vào năm 1938,
“Những người lợi dụng chủ nghĩa xã hội, làm như vậy để chia rẽ thành phần quốc gia, để tiêu diệt sự đoàn kết của chúng ta và để tiêu diệt tinh thần dân tộc của người dân.”
Để trả lời, vị tướng tương lai Võ Nguyên giáp và Trường Chinh Tổng Bí thư tương lai của Đảng cộng sản, trong tờ báo của họ Notre Voix, đã tố cáo Phan Bội Châu là một kẻ phản bội.
Trận chiến giữa Đảng Cộng sản Quốc tế và các đảng phái Quốc gia không phải đã diễn ra gay gắt nhất ở những bài báo, mà ở ngay là bên trong hệ thống nhà tù thuộc địa. Một bản sao của Chủ trương 12 điểm năm 1935 của đảng phái Quốc gia tìm thấy tại nhà tù Hà Nội, liệt kê hai mục đích đầu tiên của họ là nâng cao nhận thức về đất nước Việt Nam và xoá bỏ chế độ cộng sản. Tại nhà tù Côn Đảo, cuộc xung đột căng thẳng về ý thức hệ này đã dẫn đến những trận ấu đả chết người. Trần Huy Liệu nhớ lại lại, “Gió Côn Đảo không dập tắt được sự cháy ngầm âm ỉ bao quanh hòn đảo.”
1945: Cuộc nội chiến của Việt Nam trở lại
Khi cuộc cách mạng Việt Nam bắt đầu vào tháng 8 năm 1945, những căng thẳng này vẫn còn đó. Trong một thời gian, Nhà nước cách mạng Việt Minh của Hồ Chí Minh đã có một nội các thống nhất với các thành viên theo Stalin của đảng cộng sản và giới lãnh đạo các đảng phái quốc gia như Vũ Hồng Khanh. Chỉ trong vòng vài tháng, sự liên hiệp giữa hai phía đã sụp đổ. Cả hai bên đã dùng lại thuật ngữ “Hán gian” của Trung Hoa để gọi đối phương là “Việt gian” (kẻ phản bội dân tộc Việt Nam) và quay trở lại cuộc nội chiến đẫm máu, ngay trước khi bắt đầu chiến tranh Đông Dương bắt đầu vào tháng 12 năm 1946. Quân của Võ Nguyên Giáp và các nhóm cộng sản trong tập thể Việt Minh đã tấn công và đánh bại các đơn vị thuộc các đảng phái quốc gia Việt Nam, buộc họ phải trốn sang Trung Hoa.
Khi cuộc chiến nổ ra vào cuối năm đó giữa nhà nước Việt Minh của Hồ Chí Minh và Pháp, những nhóm quốc gia lưu vong đã cam kết sẽ mở cuộc đàm phán riêng với Pháp. Thống nhất dưới trướng của cựu hoàng Bảo Đại – người đã từng là cố vấn cho nhà nước Việt Minh trước khi trốn đi lưu vong – họ cam kết làm việc với Pháp để dần dần giành lại độc lập bằng hòa bình và hợp tác.
Các điều kiện hợp tác của họ gồm một chính phủ Việt Nam không hề chịu ơn nhóm lãnh đạo theo Stalin đã chiếm quyền kiểm soát nhà nước Việt Minh. Khi các cuộc đàm phán với Pháp vẫn chưa xong các đảng phái quốc gia này đã phải lo ngại về cuộc Nội chiến Trung Quốc. Lực lượng cộng sản Mao Trạch Đông đã đến gần biên giới Việt Nam và sẽ giúp đỡ nhà nước Việt Minh. Các đảng phái Quốc gia đã trở lại với hai chữ “zhonggong”, thuật ngữ Trung Hoa mà họ đã học được trong những năm 1920 và dịch theo nghĩa đen là “Trung Cộng” bằng tiếng Việt – “Trung” có nghĩa là “Trung Hoa” và Cộng” có nghĩa là cộng sản. Đến thập niên 1940, thuật ngữ “Trung Cộng” đã trở thành quen thuộc với độc giả Việt Nam.
Đến năm 1948, các tờ báo quốc gia như tờ Tiếng Gọi bắt đầu nói đến một thuật ngữ mới: Việt Cộng. Tờ Tiếng Gọi cảnh cáo:
“Nếu quân đội Việt Cộng đã có thể bắt tay với Trung Cộng ở biên giới Việt-Trung, thì còn gì nữa để có thể ngăn cản được sự cộng sản hoá Việt Nam?”
Bằng cách này, các đảng phái quốc gia đã liên kết, qua ngôn từ, cộng sản Trung Hoa, Trung Cộng với các đồng chí Việt Nam của họ là Việt Cộng. Nếu thuật ngữ này mang nghĩa xấu từ nguồn gốc thì nó chỉ có nghĩa là liên kết người Việt Nam với Trung Hoa. Về phần mình, những người quốc gia đã được biết đến theo cùng một quy ước là “Việt Quốc” – nghĩa đen là “những người Quốc gia Việt Nam.” [Việt Quốc còn là thuật ngữ để chỉ chỉ Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng viên của chính đảng quốc gia này.]
Một Nhà nước đối nghịch Không Cộng sản
Năm sau đó, cựu hoàng Bảo Đại và các đảng phái quốc gia đã đồng ý thành lập Quốc gia Việt Nam không Cộng sản dưới sự bảo hộ của Pháp. Trong phần cuối của chiến tranh Đông Dương, Quốc gia Việt Nam đã kiểm soát gần một nửa dân số và các trung tâm đô thị từ Hà Nội đến Sài Gòn. Nhiều người Việt Nam đã chết vì phục vụ cho quốc gia này hơn là số người Pháp đã chết vì đế quốc của họ. Khi những người theo chủ nghĩa Stalin nắm quyền lãnh đạo Việt Minh và bắt đầu tái tạo nó thành một đảng phái, thực hiện phong trào cải cách ruộng đất theo sách lược của Mao Trạch Đông, Quóc gia Việt Nam ngày càng sử dụng từ ngữ “Việt Cộng” nhiều hơn trong các bản tin chính thức để tố cáo giới lãnh đạo cộng sản của Việt Minh.
Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia đôi Việt Nam: miền nam do Quốc gia Việt Nam quản lý, sau đổi tên tên thành Việt Nam Cộng hoà hoặc gọi là miền Nam Việt Nam, và phía bắc do Việt Minh [tên chính thức sau 1945 là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà] cai trị, bấy giờ được gọi là Bắc Việt Nam. Vào cuối những năm 1950, các thành viên của Việt Minh và đảng Cộng sản bắt đầu tổ chức những cuộc nổi dậy ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam đã quyết định ủng hộ và lãnh đạo cuộc nổi dậy này ở miền Nam. Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, lên án, phản đối kịch liệt những người “Việt Cộng” đó. Lực lượng đặc biệt của Mỹ và báo giới Hoa Kỳ đến Sài Gòn sau đó cũng sử dụng thuật ngữ “Việt Cộng” này để mô tả những lực lượng nổi dậy ở vùng nông thôn miền Nam và những người ủng hộ Bắc Việt.
Trái ngược với một số sử sách, thuật ngữ “Việt Cộng,” giống như cuộc chiến Việt Nam, không phải là sản phẩm phụ ví sự có mặt của người Mỹ tại Việt Nam, mặc dù sự hiện diện của người Hoa Kỳ đã định hình rất nhiều sự kiện trong cuộc chiến. Thuật ngữ “Việt Cộng” bắt nguồn từ một cuộc nội chiến dai dẳng giữa các đảng phái chính trị đối nghịch nhau tranh giành sự kiểm soát và đặc tính của một nhà nước hậu thuộc địa ở Việt Nam. Chính người Việt Nam đã bắt đầu quốc tế hoá cuộc chiến của họ bằng cách kết hợp theo cả nghĩa đen và tu từ vào cuộc nội chiến của Trung Hoa và những giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh ở Châu Á.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: The True Origin of the Term ‘Viet Cong’. By Brett Reilly. The Diplomat. January 31, 2018.
Brett Reilly là ứng viên tiến sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison chuyên về lịch sử Đông Nam Á và Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Năm 2016, ông là một học viên Fulbright-Hays tại Pháp và năm 2015 là một học viên Boren ở Việt Nam.