Chia chác cuối cùng của Trung Cộng (1)
Hạ Minh | Hồ Như Ý dịch
Điều cần phải nói ra là, Mao và Đặng thực ra đều thực thi chế độ quyền lực suốt đời, chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu như Tập Cân Bình có tâm tư muốn tranh cao thấp với Mao và Đặng, chiêu thức âm hiểm của ông ta sẽ là học tập Putin, định vị cho mình chế độ nắm quyền suốt đời.
Đế quốc mặt trời đỏ
Mổ xẻ Tập Cận Bình
“Con ngựa đen” ngoài dự đoán
(2012.11.25)
Vào tháng 10 của 5 năm trước (2007), Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 tổ chức ở Bắc Kinh, xoay quanh vấn đề Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình có thể hay không tiến vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, một phóng viên “Đài Á Châu Tự Do” của Hoa Kỳ đã phóng vấn tôi. Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình đã sớm thiết lập mối quan hệ ở Trung ương Đoàn, vào lúc đó nhận được sự ủng hộ của Hồ, do đó được nhận định phổ biến trở thành “thái tử” và “người kế vị”. Sau khi dự đoán Lý và Tập Cận Bình đều sẽ được bầu vào Ban thường vụ Bộ chính trị, tôi cho rằng Tập càng có khả năng trở thành “con ngựa ô” giành giải nhất. Hai ngày sau, danh sách uỷ viên Ban thường vụ Bộ chính trị ra mắt, Tập Cận Bình đứng đầu bảng, trở thành người kế tục sự nghiệp ở khoá tiếp theo. Hôm nay, Đại hội 18 đã bế mạc được hơn mười ngày, Tập Cận Bình thuận lợi lên ngôi trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người lãnh đạo tối cao của quân đội Trung Quốc. Mùa xuân sang năm, tiếp nhận chức Chủ tịch nước cũng là điều không có gì bất ngờ. Quá trình chuyển giao quyền lực tối cao của đảng, chính quyền và quân đội sẽ được đặt một dấu chấm.
Nhìn từ những phân tích bình luận trên mạng xã hội, sự nổi lên của Tập Cận Bình là điều không thể tránh khỏi. Trong hệ thống lựa chọn người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là đoàn thể tuyển chọn. Cục diện quyền lực được hình thành do những mảnh ghép quyền lực quyết định nên nền tảng quyền lực của người kế tục. Khi những cường nhân chính trị của Trung Quốc quá độ dần sang thời đại quả đầu chính trị, một người chiếm giữ một lĩnh vực, mô hình quyền lực dạng kim tự tháp và quyết sách “nhất ngôn cửu đỉnh” chuyển sang mô hình hạch tâm quyền lực với kết cấu mạng lưới hoá và quyết sách thương thảo thoả hiệp. Chính là bối cảnh như vậy, Tập Cận Bình dưới mạng lưới quyền lực được tạo nên từ rất nhiều tiểu đoàn thể (hay hệ phái) đã tìm được chỗ đứng, không những trở thành nhân vật dạng cầu nối cho các phe phái đoàn thể (cũng chính là dạng “kết cấu cầu nối”), mà còn ngưng tụ được tính trung tâm cao nhất, trở thành nhân vật được đoàn thể chọn lựa xem trọng nhất.
Cụ thể mà nói, Tập Cận Bình có được một số ưu thế bẩm sinh. Ví dụ, ông ta là người nổi bật trong số những “thái tử đảng”; cũng là dạng được nhờ phúc của cha anh, ông ta có được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp đối với những người thuộc phe Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương. Bản thân là sinh viên tốt nghiệp và sau này được học vị tiến sĩ ở Đại học Thanh Hoa, dễ dàng được thế lực “Thanh Hoa bang” với hạt nhân quản trị quốc gia là những kỹ sư quản lý tiếp nhận. Ông ta cũng hưởng thụ nhiều quyền lợi, ví dụ, những tỉnh lớn ở vùng duyên hải (từ Quảng Đông Phúc Kiến đến Chiết Giang, Thượng Hải cho đến Hà Bắc) hoặc là do mối quan hệ trong những năm đầu cha ông ta xây dựng đặc khu kinh tế, hoặc kinh nghiệm công việc cá nhân, tất cả đều xem ông ta là con cưng. Sự tiếp nhận của “Thượng Hải bang” đối với Tập hết sức quan trọng. Cuối cùng, bản thân là thành viên duy nhất trong Ban thường vụ Bộ chính trị thật sự mặc qua áo lính, hơn nữa còn có được người vợ đáng tự hào mang quân hàm “hát bài ca cách mạng” (có một quãng thời gian dài, Tập Cận Bình bị người ta nhớ đến với cái tên “chồng của Bành Lệ Viện”), phía quân đội tự nhiên đem Tập Cận Bình xem là người nhà mình.
Xem xét một lượt những mảnh ghép có trọng lượng trong Uỷ ban Trung ương đảng: “thái tử đảng”, “Thượng Hải bang”, quân đội, “tập đoàn lợi ích cấp tỉnh”, thế lực chính trị được bồi dưỡng trong thời đại Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và “Thanh Hoa bang”, Tập Cận Bình độc chiếm ưu thế chính là điều thuận theo tự nhiên rồi.
Mô hình Dân chủ ước đoán
Nếu chỉ đơn thuần đem việc kế tục ngôi cao của Tập Cận Bình quy về quan hệ cá nhân cũng là quá đơn giản hoá vấn đề. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc mặc dù là phi bầu cử dân chủ, thường xuyên không để ý tới những ý kiến của dư luận công công, thậm chí là dẫm đạp lên dư luận, nhưng sự vận hành của nó cũng hoàn toàn không phải là không suy tính tới tiến bộ trong tương lai của Trung Quốc cũng như sự mong chờ phổ biến của người dân Trung Quốc. Do đó, có người đem nó khoa trương trở thành “Trung Quốc dân chủ”, càng là có người tiến thêm một bước xưng là “dân chủ theo mô hình ước đoán”, cũng có nghĩa là, chính phủ Trung Quốc có đầy đủ tính nhìn xa trông rộng và tính dẫn dắt. Trong tương lai có sự ràng buộc nhất định đối với nó.
Sự vươn lên của Tập Cận Bình đã phản ánh thực tiễn của “mô hình dân chủ ước đoán”. Nghe nói, trước khi đề xuất danh sách Ban thường vụ Bộ chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho thực hiện một cuộc điều tra ở cao tầng. Trong hạng mục điều tra “ý kiến quan chức” này, Tập Cận Bình được xếp hạng trước. Bản thân Hồ Cẩm Đào vốn là ở thế yếu, không có ý đồ, cũng sợ là không có thực lực để bỏ qua hiện thực này, do đó không hề sống chết ủng hộ Lý Khắc Cường.
Trong số cái gọi là “Tứ đại thiên vương” trong cuộc cạnh tranh chạy đua nhằm tiến vào Ban thường vụ Bộ chính trị tại Đại hội 18 (Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, Lý Nguyên Triều và Bạc Hy Lai), đường lối chính sách của Tập Cận Bình có mức độ phản ánh lớn nhất đối với tương lai kinh tế chính trị Trung Quốc. Bản thân là một quan chức có học vị thạc sỹ về quản lý công thương nghiệp và học vị tiến sĩ, có quá trình công tác lâu năm ở khu vực duyên hải, quen thuộc với khu vực có sức sống mạnh nhất trên toàn Trung Quốc cũng như tiếp xúc với những khu vực kinh tế có khả năng trưởng thành nhất. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Bí thư ở Triết Giang, ông ta chủ trương đem “mô hình Triết Giang” nâng cấp lên đến tầng lớp quyết sách tối cao. Chúng ta đã biết, cái gọi là “mô hình Triết Giang” chính là đem kinh tế dân doanh làm chủ thể, là phiên bản nâng cấp của “mô hình Ôn Châu”. Thứ mà nó thể hiện là việc chính phủ tôn trọng, hỗ trợ và quản lý thị trường, mà không phải là làm rối loạn, chèn ép và tước đoạt thị trường. Điều làm người ta chú ý nhất là, sau khi được điều chuyển làm Bí thư thành uỷ Thượng Hải, ông ta còn dẫn đầu đoàn đại biểu chính quyền và đảng bộ Thuượng Hải đi Triết Giang tham quan học thập “mô hình Triết Giang”.
Nếu chúng ta nhận ra rằng, “mô hình Trùng Khánh” mà Bạc Hy Lai cao giọng đưa ra vào 5 năm trước tại Trùng Khánh với ý đồ phục hưng chủ nghĩa Mao và nhiều cách làm thời “Đại Cách Mạng Văn Hoá”, hơn nữa đem lại cho Trùng Khánh một phong cách “Quốc tiến dân lùi” phổ biến, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn Tập Cận Bình là một tiến bộ của lịch sử. Cuối cùng việc ngã ngựa của Bạc Hy Lai cũng đã nói lên rằng lịch sử Trung Quốc vẫn đang gian khổ nỗ lực bước về phía trước. Quan điểm phổ biến của dư luận Trung Quốc vẫn là nguyện ý lựa chọn tiếp tục cải cách mở cửa, mà không phải là thể chế kinh tế xã hội đóng kín trong đó chế độ công hữu chiếm chủ đạo. Nhìn từ ý nghĩa này, nền móng quyền lực của Tập Cận Bình lại được dựa trên những thành tích của “mô hình Triết Giang” mà ông ta thúc đẩy trong quá khứ.
Đấu tranh phe phái và sự im lặng của đa số
Hiển nhiên, cơ chế động lực của chính trị Trung Quốc chủ yếu đến từ cạnh tranh và cân bằng giữa các phe phái, đồng thời cũng có sự ảnh hưởng từ dư luận quần chúng. Hình thức phổ biến nhất được sản sinh bởi chính trị phe phái là “cân bằng quyền lực”, ví dụ như ân ân oán oán giữa các phe “Đoàn phái”, “Thái tử đảng”, “Thượng Hải bang” và “Tân Tả phái” mà người ta từng thảo luận nhiệt tình. Vậy nhưng, một khi quyền lực hạch tâm được xác lập rõ ràng, cân bằng quyền lực rất nhanh sẽ bị “bám gió theo số đông” thay thế. Những người vốn chân đạp lên mấy chiếc thuyền khác nhau, hiện tại cũng sẽ nhảy lên chiếc xe hoa của người thắng.
Có thể nói, sau khi Tập Cận Bình được bầu làm thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Phó chủ tịch nước, chiến thắng đã được xác định. Nhưng điểm đánh dấu bước ngoặt chuyển biến từ cân bằng quyền lực sang “bám gió” là ở 1 năm trước đó ông ta được bầu làm Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Việc này khi so sánh với Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng bí thư hay là Phó chủ tịch quân uỷ thì đây là một đột phá rất lớn. Nhất là Tập Cận Bình thực sự đã khoác qua chiếc áo lính, trong đầu thập niên 1980 đã từng công tác 3 năm ở Quân uỷ Trung ương, điều này có thể bịt được quy định cũ “dắt lên ngựa, đưa đi một đoạn đường”, trải đường cho việc tiếp quản chức vụ một cách toàn diện, đầy đủ cho Tập Cận Bình. Hồ Cẩm Đào “thoái vị triệt để” toàn diện một mặt phản ánh tàn dư của quan niệm phục vụ đại cục được bồi dưỡng trong thời gian dài bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc bên trong con người Hồ Cẩm Đào, đồng thời cũng là kết quả của áp lực được sản sinh bởi thời cuộc đang thay đổi một cách nhanh chóng ở Trung Quốc.
Đối với Bạc Hy Lai mà nói, dưới tình cảnh thất bại trong đấu tranh phe phái ở Đại hội 17 đã được xác định, cơ hội cuối cùng để ông ta có khả năng đánh bạc đến từ cuộc cạnh tranh hơn thua giữa các mô hình. Bạc Hy Lai ước tính, “Tân Tả phái” mà ông ta khai mở dẫn đường cộng thêm tác phong chủ nghĩa dân tuý có thể nhờ cậy dư luận đem bản thân lên kế nhiệm ngôi cao. Nhưng ở Trung Quốc trên thực tế những người chạy theo Bạc đều là một nhóm hò hét thì to, số lượng thì ít. Việc ngã ngựa của ông ta ứng với một câu nói: Người làm việc, trời đang nhìn; nhìn lên trên đầu ba xích có thần linh. Đương nhiên, tuy đa số người Trung Quốc im lặng và mặc dù không thể tham gia bỏ phiếu nhưng ý kiến của dư luận vẫn lan truyền trên mạng và trên Weibo tạo ra dư luận công cộng. Tính chính danh khi lên cầm quyền của Tập Cận Bình trong tương lai phụ thuộc vào sự tiếp tục ủng hộ của “đa số im lặng” này mặc dù hiện tại bọn họ vẫn tiếp tục bị bài trừ bên ngoài cục diện được lũng đoạn bởi quyền lực tinh anh. Làm thế nào để thông qua những phương thức như dùng quyền bỏ phiếu, bầu cử Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đem họ dung nạp vào chế độ, có lẽ là một thách thức lịch sử của chính quyền Tập Cận Bình. Đây cũng là cách duy nhất mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tìm được con đường thực thi dân chủ hoá có trật tự.
Ý chí quyết định hành động
Chính quyền mà Tập Cận Bình tiếp nhận là một cơ cấu chính quyền đã đi qua những ngày tháng tốt đẹp nhất. Tiền nhiệm của ông ta đã để lại một bàn cờ tàn rất khó để đi bước tiếp theo. Tiếp đó làm thế nào để hạ cờ cứu sống cả bản, hoàn toàn dựa vào ý chí chính trị của tầng lớp lãnh đạo mới cũng như của người dân. Trong cuộc họp báo gặp mặt với truyền thông của những thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị vừa đắc cử ngày 15 tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã có một đoạn phát biểu ngắn gọn. Trong đoạn phát biểu ngắn này Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “Chủ nghĩa tam dân mới”, “tương đồng ý hợp với nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, đoàn kết phấn đấu cùng nhân dân”. Hành trình phục hưng dân tộc vĩ đại, quốc gia phồn vinh giàu mạnh và cuộc sống tốt đẹp của nhân dân mà ông ta đã đề ra, tất cả đều là những mục tiêu chính sách tốt đẹp. Nhưng mà, nếu người dân Trung Quốc không chỉ là biết thoả mãn với cơm no áo ấm, mà họ mong muốn hướng về cuộc sống có tự do, có dân chủ, đời sống tinh thần được nâng cao và đạo đức thăng hoa; vậy thì Tập Cận Bình không nên bỏ sót lời hứa hẹn được ông ta đưa ta vào 2 năm trước là “quyền lực do người dân ban tặng, quyền lực được sử dụng cho người dân”. Những xem nhẹ đối với dân chủ, tự do, thoát khỏi nỗi sợ hãi, pháp trị, chủ nghĩa lập hiến và tôn nghiêm có phải hay không đang truyền đạt một tín hiệu rõ ràng rằng trong tương lai chính trị Trung Quốc có thể tiếp tục đi theo quỹ đạo cũ xoay quanh “chính trị no ấm”, “chính trị duy trì ổn định”. Với tất cả những dấu hiệu trên, chúng ta vẫn cần tiếp tục quan sát, đồng thời cần giữ sự cảnh giác cao độ.
Nếu như giới lãnh đạo Trung Quốc có thể lập chí để cho người dân có thêm một chút tự do và tôn nghiêm, ít đi một chút nô dịch và sợ hãi, để chính phủ nhiều thêm một chút hiệu suất và phục vụ, ít đi một chút tước đoạt và tham nhũng, người Trung Quốc mới thật sự có cơ hội thực hiện ý nghĩa của sinh mệnh, Trung Quốc cũng mới có thể giành được càng nhiều sự tôn trọng từ thế giới bên ngoài, giảm đi những hoài nghi và xa cách từ các quốc gia láng giềng. Đối với Tập Cận Bình mà nói, đây không phải là sự lựa chọn về lợi ích, mà là một lựa chọn về đạo đức. Nó không những đem lại phúc phận cho hàng trăm triệu người Trung Quốc, mà còn liên quan tới sinh mạng của chính bản thân Tập Cận bình trong tương lai: Sinh mạng kép cả về sinh lý lẫn chính trị.
Năm đầu tiên của triều đại Tập – Lý
(2013.01.06)
Nếu như lật tiếp lịch cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2012 là “năm Mao lịch thứ 63”. Nói một cách kỹ càng, nó vừa là “năm cuối cùng của triều đại Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo”, đồng thời là “năm bắt đầu của triều đại Tập Cận Bình Lý Khắc Cường”. Nhìn lại một năm vừa qua, tôi muốn dùng ngôn từ của Đài truyền hình Trung ương, hỏi một câu: “Anh có hạnh phúc không?”
Khủng hoảng dân sinh
Bởi vì đã xưng là “xem dân là gốc”, vậy thì bắt đầu nói từ những thường dân thứ dân của “nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Tục ngữ có câu, người dân xem sự ăn uống là điều quan trọng hàng đầu. Người dân được phổ biến rằng, những thứ đồ ăn mà họ sử dụng như thạch rau câu, sữa chua, kem, kẹo, xúc xích, thịt bò hầm tất cả đều chứa Gelatin. Nguồn gốc của nó hoặc là Gelatin công nghiệp, hoặc đến từ việc nấu giày da, thắt lưng da cũ. Tiếp đó, sự kiện rượu trắng trộn “chất hoá dẻo” lại bị đưa ra ánh sáng. Đối với người dân mà nói, một chai rượu trên bàn ăn, một đĩa lạc nhỏ vốn là một việc hưởng thụ có sức hấp dẫn còn hơn cả thần tiên sống, vậy mà giờ đây cũng biến thành một việc sợ hãi mất mật. Ngoại trừ an toàn thực phẩm, sự kiện “con nang nhộng tẩm độc” lại đem đến vấn đề về an toàn dược phẩm. Giới hạn chịu đựng tâm lý của người dân không ngừng được thách thức.
Đối với một lượng lớn những người chơi chứng khoán mà nói, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã một lần nữa gặp tổn thương. Sàn giao dịch Thượng Hải đạt mức thấp nhất trong năm, chỉ số tăng trưởng trong cả năm chỉ đạt 0.80%. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc được cho là “một mình độc diễn” trên toàn cầu, nhưng chỉ số chứng khoán lại rớt xuống mức ngang bằng với 10 năm trước. Công năng của thị trường chứng khoán đã biến thành “phong trào quây tiền” đối với những kẻ nắm quyền và các doanh nghiệp nhà nước. Những người chơi chứng khoán Trung Quốc vốn kiên trì không thay đổi, đại đa số đã mất hết mọi thứ, trở thành “dân đen” thật sự.
Vào tháng 11 tại Tất Tiết thuộc Dạ Lang Quốc (Quý Châu), có 5 đứa trẻ nhi đồng lang thang tuổi từ 9 đến 13 chui vào một thùng rác để ngủ qua đêm, chúng đốt lửa sưởi ấm, kết quả là toàn bộ bị trúng khí độc ngạt thở và tử vong. Sau đó chính quyền thành phố Tất Tiết áp dụng biện pháp quả đoán, ở trên các thùng rác tại địa phương có in dòng chữ: Nghiêm cấm người và súc vật vào trong, người vi phạm tự chịu hậu quả”. Tại kinh thành dưới chân thiên tử, năm nay Bắc Kinh gặp phải mưa lớn, ước tính có khoảng 1.9 triệu người chịu ảnh hưởng, chính quyền đưa tin, có ít nhất 79 người tử vong. Công cuộc xây dựng đô thị thông qua cải tạo toàn diện nhân dịp Thế Vận Hội đã bộc lộ ra sự hủ bại bên trong.
Lại nói tới Tây Tạng tuyết vực, năm nay đã có ít nhất 83 người tự thiêu (cho đến ngày 9 tháng 12. Nhưng một sự kiện lớn chấn động thế giới như vậy lại bị triệt để coi nhẹ. Uỷ ban Công tác Dân tộc Quốc gia khi công bố “10 sự kiện tin tức về các dân tộc thiểu số Trung Quốc năm 2012” gồm “Các hoạt động mà nhà nước tích cực thúc đẩy đoàn kết dân tộc tiến bộ đi vào khu vực cộng đồng dân cư, vào doanh nghiệp”, “Phần mềm dịch thuật phụ trợ ngôn ngữ dân tộc nhằm lấp các khoảng trống trong các lĩnh vực có liên quan”, “Quốc Vụ Viện đưa ra ý kiến nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội Quý Châu có thể phát triển vừa nhanh vừa tốt”v.v. nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc tới sự kiện tự thiêu. Tóm lại, từ những cư dân Bắc Kinh sống dưới bóng hoàng đế cho tới những đứa trẻ lang thang ở Dạ Lang Quốc, từ những người chơi cổ phiếu toàn quốc đến những người dân Tây Tạng nơi cao nguyên tuyết vực, tất cả đều là những nạn nhân bị ảnh hưởng trong năm qua.
Quan chức lầm than không còn đường làm giàu?
Người dân cố nhiên vẫn là đáng thương, nhưng thật sự thân bại danh liệt, ngã ngựa thê thảm nhất vẫn là cần nhắc tới Bạc Hy Lai. Bạc Hy Lai xuất thân Thái tử đảng, đã từng theo học ở Đại học Bắc Kinh và Hàn Lâm Viện Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, là một người có tài, phong lưu thảnh thơi, là con người có dã tâm và tầm nhìn dạng đạt được đất Ba Thục thì hướng mục tiêu về Bắc Kinh, có chí của loài hồng hộc dẫn dắt Trung Hoa, nhưng cuối cùng lại rơi vào cảnh tù đày. Các đối thủ chính trị của ông ta không những muốn chặt đứt sự nghiệp chính trị của Bạc, mà còn muốn huỷ hoại luôn cả hình tượng đạo đức của Bạc. Theo như tin đã đưa, vào trung tuần tháng 11, bởi vì thân não xuất huyết, ông ta được cấp cứu đưa vào Bệnh viện Quân giải phóng 301. Phu nhân Cốc Khai Lai được phê chuẩn đặc biệt, dưới sự áp giải của 6 cảnh sát vũ trang, từ trong nhà tù đang thi hành án đến phòng cấp cứu thăm bệnh, Cốc Khai Lai che mặt khóc nức nở. Càng thêm thảm là con trai Bạc Qua Qua được bố mẹ yêu thương nhất vẫn còn ở nơi chân trời. Bạc ngã ngựa làm một nhà ba người rơi vào tình cảnh mỗi người một chân trời, người duy nhất dám công khai đứng ra nói tốt về Bạc lại là vợ trước của ông ta.
Người mà một hình một bóng, đồng bệnh tương hận với Bạc Hy Lai đương nhiên là Vương Lập Quân. Khi nhìn thấy ông ta uy phong như một tổng thống, đứng trên đài cao, bên cạnh máy bay trực thăng hưởng thụ khoái cảm thủ dâm quyền lực, thật sự là không dám tưởng tượng anh ta cũng có được sự đoạ lạc của hôm nay, từ một con chó sói nơi thảo nguyên Mông Cổ trở thành một con chó bị ngược đãi hành hạ. Giống như vậy, Lưu Chí Quân, Lý Xuân Thành và một loạt quan chức cấp cao khác khi qua năm mới có lẽ hâm mộ nhất chính là những người mà năm xưa bọn họ coi khinh là “dân đen” rồi. Chí ít bọn họ còn có thể hưởng thụ vợ con, đốt bếp lò sưởi dưới giường nằm, ăn cháo nhà nấu, uống rượu Nhị Oa Đầu cùng đĩa lạc rang.
Nhưng những quan chức giữ được quyền lực, cho tới hôm nay vẫn cao cao tại thượng thì nhất định hạnh phúc. Lệnh Kế Hoạch chính là đã gặp phải một năm thảm hoạ. Mặc dù đứa con trai phong lưu của Lệnh đã làm quỷ phong lưu, nhưng cũng không tính là thiệt thòi, lại kéo thêm một đôi thiếu nữ trăng tròn, làm cho một người chết một người tàn phế, món nợ lương tâm này vẫn là để bản thân tự mình trả. Lệnh Kế Hoạch vì theo đuổi chức nghiệp quan lộ, ừ bỏ đi các nghi thức danh cho con trai sau khi chết, nhưng cuối cùng lại bị xem như là một con người ngay cả nhân tính cũng không có, mất chức càng nhanh. Những tin tức bê bối của ông ta càng là làm cho những sắp xếp quyền lực của ông chủ Hồ Cẩm Đào trong thời điểm hoàng hôn của nhiệm kỳ lạc nhịp toàn bộ và thua cả bàn. Được biết, vào lúc khai mạc Đại hội 18, vẻ mặt ở thời khắc cuối cùng của Hồ Cẩm Đào trên vị trí ngồi một mặt đầy tang thương hải điền, vẻ mặt thê lương, thậm chí có thể nhìn thấy nước mắt chảy quanh hốc mắt. Những người xung quanh đều đã đi hết, nhưng ông ta vẫn cứ ngồi nguyên vị trí không động đậy. Có người nói ông ta đang ngồi đợi một người, nhưng người này không xuất hiện (nhà bình luận người Nhật Bản nói, theo lẽ thường thì người này là Tập Cận Bình). Hồ Cẩm Đào do vậy nhận được giải thưởng cuối cùng “người đàn ông khóc của năm 2012”.
Nhưng nhà lãnh đạo biết cách nhỏ nước mắt nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Ôn Gia Bảo. Nếu giống như có người nói rằng trước đây những màn khóc lóc đều là “biểu diễn của ảnh đế”, năm 2012 nhất định làm cho Ôn thủ tướng thật sự thương tâm, thật sự khóc lóc lệ rơi đầy mặt. Tờ báo tin tức hàng đầu thế giới là The New York Times đã liên tục đăng ba bài với tin ngay trang đầu, dài ba trang đào móc đầy đủ chuyện nhà họ Ôn thông qua Công ty bảo hiểm Bình An kiếm được hơn 2 tỉ USD, không những đập nát hình tượng một thủ tướng bình dân liêm khiết mà Ôn Gia Bảo dày công xây dựng, cũng để cho vị hiếu tử này không cách nào ngăn chặn danh tiếng của người mẹ được ông ta xem như người thầy suốt đời bị vấy bẩn.
Vị trí cao không tránh nổi phong hàn lạnh lẽo
Hệ thống quốc gia đơn đảng vững chãi như rèn từ thép, quan chức như dòng nước chảy đến nhanh đi nhanh. Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo ảm đạm rút lui khỏi chính trường. Tập Cận Bình Lý Khắc Cường chói sáng lên chính trường, hai vị Tập Lý là những người hạnh phúc nhất Trung Quốc hiện tại. Nếu như bạn nghĩ như vậy, thì bạn đã nghĩ sai rồi, cũng sẽ càng không hành phúc. Khi còn chưa nắm giữ quyền lực, Tập Cận Bình chính là gặp phải sự thách thức từ Bạc Hy Lai. Bạc vừa im tiếng, hãng thông tấn Bloomberg lại đưa ra ánh sáng thông tin gây sốc gia tập Tập Cận Bình đang tích luỹ tài phú. Lý Khắc Cường vốn im lặng khiêm tốn cũng bị truyền thông nước ngoài nắm lấy sai lầm, có quỹ nghiên cứu đem em trai ông ta chọn làm đối tượng, ám chỉ Phó Tổng cục trưởng Cục độc quyền thuốc lá Trung Quốc Lý Khắc Minh lợi dụng quan hệ gia đình trị. Thật sự là trong chốn quan trường nếu không có chỗ dựa thì đừng làm quan; nếu có chỗ dựa thì không muốn làm quan cũng khó. Thảo nào trong mùa hè năm nay Tập Cận Bình có hơn 10 ngày đã ẩn mình tránh khỏi con mắt của dư luận, nghe nói là Tập ngại gánh nặng trách nhiệm nên không muốn làm nữa.
“Mạc Ngôn lão sư ngài hạnh phúc không?” Đây là câu hỏi của một người nghe đã đặt ra cho Mạc Ngôn ở Thuỵ Điển sau khi giành được giải Nobel Văn học. Khi nghe câu hỏi này, Mạc Ngôn hỏi ngược lại anh ta “Có phải là người của Đài truyền hình Trung ương CCTV không?” Ông ta đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này là, “Ít nhất hôm nay rất hạnh phúc.” Chúng ta có thể hiểu được, hạnh phúc của Mạc Ngôn là ngắn ngủi và có hạn đến như vậy; bởi vì giải thưởng Nobel đem đếm cho ông ta là những phê phán dồn dập mang tính bùng nổ mà ông ta chưa bao giờ gặp phải trước đây. Khi một người đàn ông cao 7 xích, một nghệ sĩ khác đang trần truồng trong trời tuyết trắng chạy về hướng ông ta, miệng hô cao kháng nghị, ngay cả khi Mạc Ngôn cho rằng sáng tạo của bản thân “là một trạng thái trần truồng thân thể”, cũng nhất định không thoải mái.
Tại sao Trung Quốc ngày nay khi được xưng tụng là “thịnh thế nghìn năm”, từ tiền triều nguyên lão cho tới đương kim thánh thượng, từ những quan chức giàu có tới người dân bình thường, từ “Man Di” nơi biên cương tới “hoàng thành con dân”, từ những đứa trẻ lang thang cho tới những nhà văn quốc doanh bưng bô, dường như tất cả đều sống trong uất ức trầm cảm? Tại sao nhiều nhân vật tinh anh ở các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế cuối cùng rơi vào cảnh ngã ngựa thân bại danh liệt? Sử gia Hoàng Nhân Vũ trong cuốn “Vạn Lịch thập ngũ niên” đã thử đi giải đáp thắc mắc đó. Đối mặt với một “Tổng kết đại thất bại” trong nửa sau của triều đại nhà Minh, câu trả lời của Hoàng Nhân Vũ là, “Chế độ đã đi tới mức sơn cùng thuỷ tận, cao quý như thiên tử, xuống thấp như dân đen, không ai không phải là vật hy sinh mà gặp tai hoạ.”
Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường học được những bài học từ lịch sử, lập chí muốn tránh khỏi trở thành vật hy sinh của chế độ đương thời. Nếu không, tiếp tục lật tiếp những “trang sử hồng kiểu cũ của nhà họ Mao”, thi hành chế độ vương quyền phong kiến, cuối cùng cũng sẽ khó thoát khỏi kết cục lịch sử: Tập tục mãi rồi cùng thành thói quen, mận chết thay đào; chết còn lưu lại tội trạng, chỉ còn dư lại hai tấm da vương quyền. Tới lúc đó, người ta lại muốn hỏi: Các anh có hạnh phúc không?
Cuộc đảo chính Hiến pháp của Tập Cận Bình
(2013.12.09)
“Quyết định cải cách sâu rộng toàn diện” được công bố tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba Khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc là một quảng cáo chính trị không cần người nghe phải tin tưởng của hệ thống chính trị độc đảng, là một nghệ thuật bán hàng không cần phải quảng cáo sản phẩm, là một góc nhìn từ góc độ của những đầu sỏ chính trị trong hệ thống đơn đảng, là thứ “thiết kế thượng tầng” hoàn toàn bỏ qua sự tham dự dân chủ. Là một chính đảng căn bản không cho phép sự tham dự của người dân thông qua bầu cử, Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không thể có trách nhiệm chính trị đối với người dân cả về mặt thể chế lẫn trình tự thủ tục. Vậy thì, cái gọi là “Bản tuyên ngôn mang ý nghĩa cột mốc”, “Bản vẽ thiết kế chi tiết mang ý nghĩa vượt thời đại” này, trong tình trạng không hề có bất cứ cơ chế chịu trách nhiệm nào, thì nó chỉ có thể là một cái cổng chào đạo đức chính trị được chính phủ độc tài hủ bại xây lên cho chính bản thân mình. Nói cách khác nó chỉ là sự nguỵ biện trước làn sóng dân chủ đang ngày càng dâng cao của một đám đầu sỏ độc tài với giấc mộng đẹp về đế chế nghìn năm, hay là hành động tự khích lệ lẫn nhau giữa những kẻ độc tài với nội tâm đang khủng hoảng cực độ, lúc nào cũng lo lắng chính quyền sụp đổ.
Trước khi Liên Xô sụp đổ, các nhà chính trị học Phương Tây đã khái quát thực chất nền dân chủ lập hiến của các quốc gia Âu Mỹ như sau: Ở Hoa Kỳ, tự do của người dân là toàn bộ những thứ mà Hiến pháp không cấm đoán một cách rõ ràng; ở Pháp, tự do của người dân là tất cả những thứ được Hiến pháp quy định rõ ràng; ở Liên Xô, ngay cả tự do được ghi trên Hiến pháp cũng chỉ là để làm cảnh mà thôi, hoàn toàn không phải là để cho người dân được phép sử dụng; ở Italy, tự do của người dân chính là muốn làm những thứ mà pháp luật cấm; bởi vì tất cả những thứ mà pháp luật cấm đều không được thực thi, lại có lợi ích có thể lấy được, bởi vậy mới có “Mafia”. Vậy thì ở Trung Quốc thái bình thịnh thế, thực chất của chính quyền thượng tôn pháp luật là: Tất cả những đặc quyền dành cho chính quyền đương cục đều sẽ được phát huy hết mọi khả năng, trong khi đó những hứa hẹn dành cho người dân chỉ là củ cà rốt được treo lên trước đầu con lừa, vĩnh viễn luôn là thứ để dụ dỗ bạn cống hiến hết sức mình cho giấc mộng giữa ban ngày.
“Quyết Định” toàn diện lật đổ “Hiến pháp 1982”
Chính vì những bối cảnh chính trị như trên, càng ngày càng ít người Trung Quốc cho rằng “Quyết Định” là một bài thuốc đại bổ “Thập toàn đại bổ thang” để hoan hô cổ vũ; trái lại ngày càng nhiều người lo lắng ưu tư về việc Tập Cận Bình thâu tóm ôm hết quyền lực vào tay. Hành động thiết lập “Uỷ ban An ninh Quốc gia” tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba Khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất luận nhìn từ góc độ mục đích hay phương thức thì đều là một cuộc “đảo chính Hiến pháp”, nó hoàn toàn lật đổ “Hiến pháp 1982” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tự mình lập ra.
Sau khi chịu đựng những khổ nạn của “Đại Cách Mạng Văn Hoá”, lại trải qua sự do dự của Hoa Quốc Phong khi không đủ sức mở đầu một cục diện mới, Trung Quốc miễn cưỡng bước lên con đường cải cách mở cửa. Dưới bối cảnh và điều kiện lịch sử như vậy, “Hiến pháp 1982” đóng vai trò tổng kết những thiếu sót trong quản lý quốc gia trước đó, có tác dụng là cầu nối mở ra cục diện mới về dân chủ và pháp trị. Cần phải nói là, trong số bốn bộ Hiến pháp được Đảng Cộng sản Trung Quốc soạn thảo, bộ Hiến pháp 1982 hiện đang còn sử dụng là một bộ Hiến pháp tương đối tốt. Nhưng nếu nhìn từ độ cao của thể chế dân chủ hiện đại, đối với bộ Hiến pháp đem “Bốn nguyên tắc cơ bản” viết vào phần mở đầu của nó, cũng không cần thiết đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó; ngược lại nó cũng cho thấy, nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc không cách nào tuân thủ những giới hạn thấp nhất được quy định trong Hiến pháp do chính bản thân đặt ra, có thể nhìn ra được ý thức pháp trị của đảng này ít ỏi đến thế nào.
Hình thức tổ chức chính trị tư tưởng của chủ nghĩa Max chịu ảnh hưởng từ Công xã Paris, bởi vậy từ đó về sau mọi chính quyền chủ nghĩa cộng sản đều dựa trên chế độ thiết lập chính thể cơ bản thông qua các uỷ bản. Ở Trung Quốc, chế độ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là “Cơ quan quyền lực tối cao của quốcgia”. Nó có được quyền lực “sửa đổi Hiến pháp”, “ban hành và sửa đổi những luật pháp cơ bản: luật hình sự, luật dân sự, cơ quan nhà nước và các luật cơ bản khác” (Điều 62). Quốc vụ viện tức Chính phủ Nhân dân Trung ương Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, là “cơ quan chấp hành của quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất”. Còn về Chủ tịch nước, Hiến pháp không xác định rõ ràng đó là “nguyên thủ quốc gia”, đó chỉ là chức vụ khi thi hành quyền lực tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, có tính nghi lễ. Nếu như chúng ta dùng so sánh với “chế độ đại nghị” và “chế độ tổng thống”, hình thức tổ chức chính trị Trung Quốc càng tiếp cận gần hơn cới chế độ đại nghị mà không phải là chế độ tổng thống.
Học tập Putin trượt về chế độ lãnh đạo suốt đời
Quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba Khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn đi vòng qua trình tự tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, dùng Đại hội Đảng bao biện thay đổi cách thiết lập các cơ quan quốc gia, tạo dựng nên những “Tiểu tổ lãnh đạo cải cách toàn diện sâu rộng” và “Uỷ ban an ninh quốc gia”. Hơn nữa, “Uỷ ban an ninh quốc gia” với vai trò là cơ cấu cốt lõi của “thể chế an ninh quốc gia và chiến lược an ninh quốc gia”, do chủ tịch nước giữ chức vụ chủ nhiệm của uỷ ban này, điều này không những làm trầm trọng thêm những tệ nạn khi không phân chia trách nhiệm giữa đảng và chính quyền khi hợp nhất hai chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước. Ngoài ra, cơ chế tiểu tổ còn tiến thêm một bước làm suy yếu địa vị quyền lực của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và thủ tướng chính phủ, đem quyền lực đối nội ngoại giao, văn hoá kinh tế đều tập trung vào tay chủ tịch nước. Như chúng ta đều biết, cái gọi là khái niệm “an ninh” đã bao hàm an ninh quốc gia, an ninh nhân loại và an ninh kinh tế cùng một loạt lĩnh vực “an ninh mới”. Giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng, “bao quát toàn cục, điều phối giúp đỡ các bên”, cũng chính là Tập Cận Bình thâu tóm mọi quyền lực chức vụ vào trong tay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban an ninh quốc gia; ngược lại thì Chính phủ, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chính Hiệp, các tổ chức công đoàn, nông dân và phụ nữ cùng các đoàn thể xã hội tất cả đều trở thành lực lượng hiệp trợ phối hợp. Những thay đổi về cơ cấu tổ chức như vậy, vượt xa hơn rất nhiều so với những động tác đùa bỡn thao túng của Putin đối với chế độ Đại nghị và chế độ Tổng thống, không thể không nói đây là một cuộc “Đảo chính Hiến pháp”.
Nếu như chúng ta quan sát thể chế nhất quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc 60 năm qua, kỳ thực chỉ có ba thế hệ là Mao, Đặng và Tập, cũng chỉ có ba người này đem vương miện tự đội lên đầu mình, còn lại những lãnh đạo khác, ví dụ Hoa Quốc Phong thì chỉ là hoàng đế bù nhìn được chỉ định bởi Mao Trạch Đông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng chỉ là một đôi song bào thai chính trị được Đặng Tiểu Bình để lại, kiềm chế lẫn nhau để thực thi vai trò “tổng công trình sư” hai nhiệm kỳ được thiết kế bởi “kiến trúc sư trưởng” Đặng Tiểu Bình. Điều càng làm cho người ta ngạc nhiên là, quyền lực thể chế của Tập Cận Bình vượt xa so với Mao và Đặng. Mao Trạch Đông vốn bị lên án là “độc đoán chuyên quyền cá nhân” chỉ bất quá là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, ở bên trong nội bộ đảng, còn có Tổng bí thư (Đặng Tiểu Bình) chủ trì công tác thường nhật; công tác chính phủ do Tổng lý tức Thủ tướng Chu Ân Lai đảm nhiệm. Về tầm quan trọng của chức vụ thủ tướng, có thể nhìn một chút những tư liệu lịch sử để chứng minh: Vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc từng tính đến việc để Tống Khánh Linh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, còn chức vụ Thủ tướng thì để Mao Trạch Đông đảm nhiệm. Vào thập niên 1980, quyền lực của Thủ tướng Triệu Tử Dương không hề thua kém với Tổng bí thứ Hồ Diệu Bang, đến mức là Triệu không hề nguyện ý rời khỏi chức vụ Thủ tướng để đảm nhiệm vị trí Tổng bí thư. Trong khi đó Đặng Tiểu Bình kể từ khi quay lại nắm quyền nă 1978 đã chưa từng giữ chức Chủ tịch Đảng, Tổng bí thư, cũng không đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước cùng một loạt các chức vụ như Uỷ viên trưởng mà chỉ đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Điều cần phải chỉ ra là, Mao và Đặng thực ra đều thực thi chế độ quyền lực suốt đời, chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu như Tập Cân Bình có tâm tư muốn tranh cao thấp với Mao và Đặng, chiêu thức âm hiểm của ông ta sẽ là học tập Putin, định vị cho mình chế độ nắm quyền suốt đời.
(Còn tiếp phần kết)
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Hongtaiyang DiGuo (Đế quốc Mặt trời hồng), By Xia, Ming (Hạ Minh). Published in 2015 by Mirror Books (Nhà xuất bản Minh Kính 2015). Copyright by Mirror Books. DCVOnline biên tập và minh họa.