Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc đáng lẽ không chết

Nguyễn Văn Lục

Không biết nói, cũng phải nói. Và nói mạnh. Hãy nhìn ra xã hội dân sự của những người trẻ đã can đảm đứng lên. Chấp nhận ngay cả tù đầy.

Đức ông Paul Bui Van Doc đã gặp GH François ngày 5 tháng 3, 2018 tại Rome (Vatican Media)

Tin buồn cho Giáo hội Công giáo địa phận TPp HCM, một thành phố với 7 triệu dân, khi hay tin TGM Bùi Văn Đọc qua đời ngày 7-3 (giờ Việt Nam) vì đột quỵ khi tham dự Ad Limina tại Vatican. Và nay Giám Mục Đỗ mạnh Hùng được thay thế làm Giám quản tông tòa.

Linh cữu của vị TGM đã được đưa về thành phố HCM và được mai táng ngày 17-3 bên cạnh mộ của cố TGM Nguyễn Văn Bình.

Nhân dịp này, người viết cũng xin trình bày một số nét về hiện trạng Giáo Hội Việt Nam dưới chế độ XHCN.

Nhưng trước hết xin nói sơ qua về bệnh đột quỵ của ngài và nếu được chẩn đoán kịp thời và gửi đi cấp cứu có thể ngài đã được cứu sống?

Theo sự tiết lộ của Lm Hồ Văn Xuân, linh mục Tổng quản của giáo phận, cánh tay mặt của vị TGM, cùng với Lm Đào Minh Vũ trong một cuộc phỏng vấn của sơ Minh Sang cho TGP Sài gòn thì sức khỏe của vị TGM ngay khi đến phi trường Charles De Gaulle ở Paris đã có triệu chứng không tốt. Cũng theo chính lời của Lm Hồ Văn Xuân nhận xét: “Ngài “đi rất chậm” “ đi không nổi”.” Thế thì còn chần chờ gì nữa mà không nhờ gọi 911 ở một thành phố tân tiến như Paris? Và tình trạng ấy càng suy thoái hơn khi ông đến Rome. Các vị giám mục khác đều nhìn thấy ông đi đứng không nổi. Nhưng cũng không một ai nghĩ đến đưa ông đi cấp cứu. Chỉ cần một ai đó như Lm Xuân hay một Lm phụ tá có chút hiểu biết tối thiểu về y học, chỉ cần mời một bác sĩ đến khám tổng quát, đo tim mạch, thì vị bác sĩ ấy chắc chắn phải gọi cấp cứu đưa ngài đi bệnh viện ngay lập tức ngay lúc còn ở Paris.

Và như thế, nhiều phần TGM Bùi Văn Đọc nay có thể còn sống. Sự sơ xót ấy phần trách nhiệm về phần Lm Đào Minh Vũ và nhất là Lm Hồ Văn Xuân phải chịu trách nhiệm một phần ví sự thiếu hiểu biết tối thiểu y học.

Nay có khóc thương bao nhiêu thì cũng đã quá trễ. Càng nói ra, người ta càng cười cho, chỉ cho thấy sự yếu kém về y học thường thức của mình. Cố TGM Bùi Văn Đọc có ít nhất gần một tuần lễ để kịp chữa trị đúng lúc mà đã không được chữa trị.

Sau này, có làm đám ma càng rình rang bao nhiêu, tốn kém tiền của và sức người bao nhiêu càng cho thấy có những vấn đề rất đơn giản ở Việt Nam lại không đơn giản tý nào.

Xin đi lại một chút về dĩ vãng.

Kể từ sau 1975, đây là lần thứ hai một vị Tổng Giám Mục thuộc địa phận Sai Gòn qua đời. Trước đó có TGM Nguyễn Văn Bình qua đời lúc 5 giờ 45 phút sáng ngày 1-7-1995 tại tòa Tổng Giám Mục, hưởng thọ 85 tuổi.

TGM Nguyễn Văn Bình tiêu biểu cho một vị chủ chăn sống dưới hai chế độ: Chế độ VNCH trong suốt 20 năm(1955-1975) và 20 năm từ sau (1975-1995) dưới chế độ XHCN. Ôngi có đủ kinh nghiệm thử thách gian khổ cũng những âu lo cũng như nỗi chán nản khi sống dưới chế độ cộng sản.

Hai mươi năm kia và hai mươi năm này hẳn đủ cho một người tín hữu công giáo đánh giá đúng mức một cách công bằng và nhìn ra được con đường mà giáo hội công giáo phải đi! Hy vọng là như vậy và để đừng ngụp lặn một cách vô tình vào vũng lầy của chủ nghĩa cộng sản!

Bài học của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận để lại còn đó. Tòa Thánh bổ nhiệm ông làm Tổng Giám Mục phó với quyền kế vị ký ngày 25 tháng tư 1975. Nhưng mãi đến ngày 7-5 mới liên lạc được với ông ở Nha Trang. Vì thế, khi về Saigon trình diện thì chính quyền cộng sản lấy cớ chưa được chính quyền mới ưng thuận. Kết cục sau này, ngài phải đi tù 11 năm mới được thả.

Sau đó đến trường hợp Gm Huỳnh Văn Nghi, chỉ là giám mục phụ tá, giám quản Tông tòa, không thể lên chức Phó Tổng Giám Mục được. Sau này chính quyền cũng không nhìn nhận giám mục Huỳnh Văn Nghi về Saigon.

Mãi đến tháng ba, năm 1998, tân Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn mới chính thức về làm Tổng Giám Mục Saigon, căn phòng của Đức TGM Nguyễn Văn Bình nay mới có người đến ở.

Ở đây, người viết chỉ xin giới hạn vào hai đám tang của hai vị TGM để rút ra được những nhận xét lý thú cho các tu sĩ và các sơ trẻ thế hệ sau 1975.

Đừng để đám táng các ngài bị chính trị hóa

Ngay khi TGM Nguyễn Văn Bình vừa qua đời thì tờ Sài Gòn Giải Phóng, số ngày 4-7- 1995 cho biết rõ tên tuổi một số cơ quan nhân vật phúng điếu như sau:

  • Đặt vòng hoa
    Ô. Đỗ Mười, TBT đảng Cộng sản Việt Nam
    Ô.Lê Đức Anh, chủ tịch nước CHXHCNVN
    Ô. Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc Hội
  • Đến viếng
    Ô. Nguyễn Văn Linh, cố vấn BCH Trung Ương
    Ô. Nguyễn Khánh, đoàn đại biểu chính phủ
    Ô. Võ Trần Chí, đoàn đại biểu Thành Ủy.

Nay, tôi muốn hỏi riêng các linh mục, các sơ trẻ tham dự đông đảo đám tang TGM Bùi Văn Đọc, đến cả ngàn người, một nỗi vui mừng và hãnh diện cho tương lai Giáo Hội VN, liệu Đức TGM Nguyễn Văn Bình vào thời đó có muốn nhận những vòng hoa phúng điếu và những lời ai điếu đó không?

Tôi xin trả lời dứt khoát thay cho người chết là Ngài không muốn, dứt khoát nhìn mặt cũng không.

Tôi nói như vậy là có bằng chứng.

Khi cố TGM Nguyễn Văn Bình còn là đại chủng sinh, ngài kể lúc đó tân giám mục Nguyễn Bá Tòng có đến thăm chủng viện. Có một chủng sinh nịnh nọt dăng một biểu ngữ viết bằng tiếng La Tinh như sau:

“Tu gloria Jerusalem, tu letitia Israel” (Người là vinh hiển của Giêrusalem, người là niềm vui của Ixraen.)

Thày Bình có đưa ra nhận xét. Thày đó không đáng chịu chức và chỉ có dại đột dăng một biểu ngữ thế thôi mà sau này quả thực không được chịu chức.TGM Nguyễn văn Binh là người đạo đức, hiền lành, khiêm tốn, không thích những lời ca tụng hão.

Chứng cớ thứ hai là trong đám tang ngài, Gm Nguyễn Văn Mầu, giám mục Vĩnh Long, được coi là người bạn thân tín nhất của ông Tổng nên đại diện ngỏ lời cám ơn. Bạn Tổng Giám mục nghĩ thế nào thì Tổng Giám mục cũng chia xẻ tâm tư với bạn mình, nhất là lúc chết. Các linh mục, các sơ trẻ nhớ đọc thật kỹ từng chữ nhé.

“Kính thưa Đức Hồng Y, Đức Khâm sứ, các đức cha đã muốn cho tôi là một người thân nói vài lời trước khi đưa Đức Tổng đến phần mộ cuối cùng.

Kính thưa chính quyền.

Xin cho phép tôi là một người thân được nói vài lời với người thân đã quá cố.”

Trong những cấp lãnh đạo chính quyền đến phúng điếu Đức cố TGM Bùi Văn Đọc lần này tôi thấy có một sự lạ lắm không có thời TGM Nguyễn Văn Bình. Ngoài một vài vị đại diện chính quyền, còn hầu hết là đại diện Bộ an ninh, nội vụ và công an đủ các cấp như:

  • Bộ Nội Vụ, ông Lê Vĩnh Tôn, bộ trưởng bộ nội vụ.
  • Bộ công an. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thượng tướng Phạm Dũng, thứ trưởng Bộ Công An.
  • Ban Tôn giáo chính phủ, Ông Vũ Chiến Thắng.
  • Ban Công An thành phố, trung tướng Lê Đông Phong.
  • Công An tỉnh Khánh Hòa và Ban tôn giáo tỉnh. Đại tá Nguyễn Viết Định

Thật sự mà nói, tôi không hiểu lý do gì lại có đông đảo các vị tướng công an đến chia buồn như thế? Xin nhờ các linh mục, các sơ trẻ gần gũi với Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc liệu xem ngài có bằng lòng nhận những vòng hoa phúng điếu trên không? Có giống trường hợp Đức TGM Nguyễn Văn Bình hay không? Thật, tôi không hiểu được.

Và nếu tôi là người được phép đặt câu hỏi cho một vị tân linh mục như quý cha, quý thầy, quý sơ thì tôi chỉ xin hỏi một câu thôi: Tồng Giam mục Đọc là một tấm gương “tốt đời đẹp đạo”. Tiêu chuẩn nào được gọi là tốt đời và đẹp đạo? Thế nào là tốt đời, thế nào là đẹp đạo. Nếu trả lời xuôi thì xin cởi áo, thà là một linh mục chui còn hơn?

Nơi an táng TGM Bùi Văn Đọc, cạnh mộ phần TGM Nguyễn Văn Bình. Nguồn: http://denthanhbactrach.org/

Nhiều khi tôi đã bắt đầu lẩm cẩm rồi. Tôi đánh giá cái đạo đức chính trị của các vị giám mục qua đám ma. Càng rùm beng, càng bị thế tục hóa, càng xa Chúa. Điển hình có hai đám ma, đám ma của Đức cố TGM đáng kính Nguyễn Kim Điền ở Huế nhìn thân xác TGM mà muốn chảy nước mắt. Và đám ma thứ hai hoành tráng của Giám Mục Nguyễn Văn Sang, địa phận Thái Bình (tác giả cuốn Bước đường Hành Hương hai tập 710 trang, được biết, một vài giám mục đọc xong chỉ lắc đầu, không nói gì.)

Đòi hỏi cho bằng được quyền được tuyển bổ nhân sự như linh mục, giám mục

Nhìn các linh mục trẻ xếp hàng đôi đi diễn hành trong đám tang Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc, tôi có thể tin tưởng rằng phần lớn các vị đã được tuyển chọn một cách đàng hoàng và được huấn luyện một cách chính thống. Quý vị không phải luồn cúi, đi cửa sau, đút lót để có được cái giấy chứng nhận của Quận huyện như trường hợp giáo phận Xuân Lộc trước đây.

Tuy nhiên, trường hợp các giám mục là còn rất khó khăn, mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và Giáo hội từ 1975 đến giờ. Dĩ nhiên, Việt Nam không rơi vào tình trạng Hai Giáo hội như ở Trung Hoa lục địa.

Trên nguyên tắc, chúng ta nên nhớ rằng, chỉ có Giáo Hoàng có quyền chọn lựa mỗi năm từ 200-300 cho Giáo hội toàn cầu. Giai đọan đầu tiên là thông qua các giám mục địa phương tuyển chọn, rồi chuyển về La Mã. Luật Giáo Hội ghi rõ những tiêu chuẩn để chọn một giám mục là: Niềm tin vững chắc, lòng bác ái, yêu mến các linh hồn, sự khôn ngoan, sự thận trọng và những đức tính tốt của một con người, có tiếng tốt. Ứng viên ít nhất phải 35 tuổi, làm linh mục được 5 năm trở lên, phải hiểu biết về thần học và ít nhất có cử nhân thần học. Từ năm 1972 có thêm có hiểu biết thời thế, vô tư khách quan..

Nếu cho phêp tôi ghi thêm: Giám mục không được tham lam tiền bạc. TGM Bình là gương mẫu trong việc tiền bạc như xin tiền, giữ tiền và tiêu tiền. Hồi sinh viên lên xin tiền TGM, ông nói, “Để xem hai cha quản lý có sẵn tiền cho hay không.” Vì TGM phải xin cha quản lý.

Nơi xứ người, việc quản lý tiền bạc rất chặt chẽ. Có ủy ban riêng lo việc này. Tuần báo Figaro, trong số 10-5-84 đăng một phóng sự điều tra Giám Mục Pháp, ÔNg là ai? Họ hỏi linh mục lương tháng bao nhiêu?

  • TGM Gouyon, TGM Rennes rút trong túi ra một sổ tay xem rồi trả lời: 4142 quan, trừ tiền nhà, tiền ăn, tiền đóng góp xã hội, tiền còn lại là 1035 đồng để may mặc, sửa xe, mua sách báo.
  • Hồng y Etchegaray từng sang Việt Nam, TGM Marseille lương chỉ là 3800 quan.

Nếu tôi mang điều này hỏi các linh mục, các giám mục, tôi sẽ nhận được bao nhiêu câu trả lời trung thực? Tôi có người bạn về Việt Nam than phiền, các cha nay chỉ lo tiệc tùng, sinh nhật, kỷ niệm rồi các đám cưới, đám hỏi cũng hết thời giờ. Vị nào cung muốn có xe để đi lại. Sân nhà thờ nay chắc phải phá trường học để có chỗ đạu xe cho các ngài.

Trong trường hợp chính quyền không chấp nhận việc tuyển bổ thì bản thân giám mục đó làm gì? Tôi đã từng thấy linh mục chui. Nhưng giám mục chui thì chỉ thấy ở ngoài Bắc. Đã có ít nhất gần 100 việc tuyển bổ? Tôi không có con số để xem đã có bao nhiêu người bị nhà nước từ chối?

Theo bài phỏng vấn của tuần báo Église d’Asie, phỏng vấn TGM Huế, Nguyễn Chí Linh về vụ Đan Viện, Dòng Biển Đức Nhà dòng có 105 mẫu đất; họ đã tịch thu khoảng 50 mẫu rồi. Nay họ muốn đòi nữa, cho 150 người đến đập phá Thánh Giá, v.v.. Đây không phải là lần đầu tiên mà kéo dài đến 10 năm rồi. (Ghi chú: TGM đã về thăm nhà dòng này cũng như thăm các Lm chui đã về hưu Phan Văn Lợi).

Hỏi: còn việc bổ nhiệm các giám mục từ trước đến nay có được tự do không?

Đáp: Không, không hề có. Nhà nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm. Trên thực tế, không có quá nhiều vấn đề liên quan đến các vụ bổ nhiệm ở các tỉnh. Nhưng có vấn đề với việc bổ nhiệm ở ba Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế và Sài gòn. (Viet catholic.org)

Đói với cá nhân người viết bài này, việc bổ nhiệm các giám mục còn bắt nguồn ngay trong nội bộ hàng giáo phẩm. Nhiều vị linh mục vốn là phụ tá, hay thư ký riêng của Giám Mục, hay trong quan hệ quen biết thường được đề cưu làm giám mục.

Trong cuốn sách của Gérard Leclerc có đề cập đến rất nhiều sự lạm dụng đủ loại trong việc đề cử. Hoặc sự tập trung vào Vatican mà phần đông gốc ý như thời Giáo Hoàng Gioan XXIII mà ông gọi là “Vaticanologues”.

Cho đến khi Gioan Phao lô Đệ nhị được đề cử. Khuynh hướng mở rộng này ngày nay còn được nhin ngó sang các châu lục như trường hợp TGM Nguyễn Văn Thuận mà tác giả cho là một ứng viên sáng giá cho chức vụ Giáo hoàng trong tương lai. Ông viết:” Hồng y Nguyễn Văn Thuận, 72 tuổi đã sống sót sau những năm tháng trong tù cộng sản đã có được một kiến văn kỳ diệu, một thứ văn hóa phổ quát.. Ông đã phối hợp hai nền văn hóa Đông Tây hợp lại. Người ta nhận thấy nơi ông là một con người của niềm tin, có chiều kích trí thức sâu rộng và kinh nghiệm trong Hội đồng Hồng y.

Và những người như Hồng y George, hồng y Norberto Rivera Carera hay hồng y Nguyễn văn Thuận.. Đó là những khuôn mặt của Giáo Hội, người thứ nhất gốc Mỹ Châu , người thứ hai gốc Mễ và người thứ ba gốc Á Châu thường xa lạ với thế giới Âu Châu nói chung và người Pháp nói riêng.” (Gérarld Leclerc. Les dossiers Brulantes de l’Eglise. Au soir de la vie de Jean Paul II. Trang 52. París 2002)

Rất tiếc cho sự ra đi quá sớm của Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

Thay lời kết luận

Nhân cái chết của vị TGM Bùi Văn Đọc, người viết mong muốn đây là một Turning point cho giáo phận tìm ra được một chủ chiên chẳng những có một kiến thức sâu rộng và một đức tin mạnh mẽ, biết đứng về phía người dân để đưa Giáo Hội đi lên. Một giáo hội có phẩm chất với hàng linh mục, giám mục có đạo đức và có lòng.

Giáo hội cũng là một cộng đồng xã hội con người sống trong một thời đại nhất định của lịch sử với những khó khăn và những vấn đề của thời đại ấy đặt ra. Giáo Hội ấy cần một sự can đảm thích ứng linh hoạt để trả lời cho thời đại mình.

Giáo hội Vatican đã có khuôn mặt của một thế hệ của Gíao Hoàng Phao lô Đệ Nhị và nay chuyển sang thế hệ Giáo Hòang Phan Xi Cô.

Đất nước chúng ta trong giai đoạn chuyển mình cũng đã có những vị lãnh đạo tầm cỡ như TGM Nguyễn Văn Bình và nhất là Hồng y Nguyễn văn Thuận.

Câu trả lời cho thế hệ ngày hôm nay, ai sẽ là người xứng đáng đi theo bước chân của tiền nhân? Chẳng lẽ các vị linh mục trẻ, các sơ trẻ cứ chấp nhận sự lùi sùi của những thành phần lãnh đạo dân Chúa chỉ biết nói: “ Lậy Chúa con không biết nói|’.

Không biết nói, cũng phải nói. Và nói mạnh. Hãy nhìn ra xã hội dân sự của những người trẻ đã can đảm đứng lên. Chấp nhận ngay cả tù đầy.

Chẳng lẽ, một linh mục lại thua một thanh niên ngoài đời mà cái ước mơ chỉ là một chiếc xe để chạy rông và lễ hội tiệc tùng?

Nếu thế thì hồi tục là hay hơn cả.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline hiệu đính và minh họa