Giáo hoàng Francis đang đầu hàng đảng Cộng sản Trung Quốc
Bethany Allen-Ebrahimian | Trà Mi
Trong việc lập lại mối quan hệ với Vatican, chính quyền Trung Cộng chẳng mất gì, và Vatican lại có quá nhiều để mất và chẳng đạt được gì. Vatican có thể đánh mất vị trí thần quyền của Tòa Thánh và làm nản lòng giáo dân. Đó là cái giá mà Giáo hoàng không nên sẵn sàng chấp nhận.
Vatican dường như đang muốn nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc, gần 70 năm sau khi Bắc Kinh cắt mối giây liên hệ. Nhưng Giáo hội Thiên Chúa giáo được thì ít mà mất thì nhiều trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với quốc gia đang bị đảng Cộng sản cai trị. Và Giáo Hoàng Phanxicô (Francis) cũng không nên ảo tưởng: bất cứ thỏa thuận nào mà hai bên có thể đạt được sẽ hoàn toàn theo các điều kiện của Bắc Kinh mà thôi.
Tháng này, Vatican đã yêu cầu hai giám mục chui ở Trung Hoa phải từ chức để nhường chỗ cho những giám mục được Bắc Kinh chấp nhận, một trong hai giám mục đó đã bị Tòa Thánh rút phép thông công. Sau đó, ngày hôm qua, Vatican cho biết Tòa Thánh sẽ công nhận tính hợp pháp của bẩy giám mục được đảng Cộng sản chấp thuận. Những hành động này của Vatican tiếp theo nhiều tuyên bố từ nhiều năm qua và những dấu hiệu khác của Giáo hoàng Phanxicô cho thấy ông hy vọng sẽ hàn gắn được mối quan hệ với Trung Cộng. Vatican hiện đang duy trì quan hệ ngoại giao với đảo quốc tự trị Đài Loan.
Một lằn ranh rõ rệt đã từ lâu đã phân định hai bên giữa các giáo sĩ Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc: những giáo sĩ của giáo hội được nhà nước công nhận bổ nhiệm từ những năm 1950 và những tu sĩ trung thành với Giáo hoàng và được bí mật tấn phong như một phần của phong trào Thiên Chúa giáo chui. Vatican tin rằng sự sụt giảm giáo dân Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc, hiện nay có khoảng 10 triệu người (mặc dù có các ước tính khác nhau) sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2000, là do sự căng thẳng vì sự phân định đôi bên này. Giáo hoàng Phanxicô hy vọng cuộc hòa giải sẽ làm cho Giáo hội ở Trung quốc năng động trở lại.
Trong khi đó, Bắc Kinh lo ngại ảnh hưởng của nước ngoài đối với dân trong nước. Trong bất kỳ thỏa thuận nào sẽ có để khôi phục lại mối quan hệ với Vatican, đảng Cộng sản Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến việc họ phải có quyền phán quyết cuối cùng về việc bổ nhiệm các giám mục.
Sự đầu hàng của thần quyền như vậy sẽ gây thiệt hại cho Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc trong nhiều năm sắp tới. Làm sao chúng ta biết được như vậy? Bởi vì kịch bản này đã diễn ra trước đây ở nước Hungary cộng sản.
Sau khi Cộng sản chiếm được quyền cai trị Hungary vào cuối những năm 1940, chính phủ mới đã bắt giam vị Hồng y chống lại cộng sản là Hồng y Jozsef Mindszenty, người lãnh đạo giáo hội ở đó. Cuối cùng, vào năm 1971, Hồng y Mindszenty được phép rời Hungary theo chính sách Ostpolitik (Chính sách Đông phương) của Giáo hoàng Phaolô VI, đó là chính sách để Giáo Hội thỏa hiệp với các chính quyền cộng sản Đông Âu nhằm cải thiện cuộc sống của giáo dân Thiên Chúa giáo ở đó. Nhưng ngay cả trước khi Hồng y Jozsef Mindszenty ra đi, đảng Cộng sản đã bắt đầu chọn những giám mục mà họ thấy phù hợp với đảng Cộng sản, và sau đó Giáo hội không bao giờ gây ra bất kỳ trở ngại thực sự nào đối với việc đảng Cộng sản lựa chọn Giám mục.
Vị Hồng y bất đồng chính kiến, sống đến năm 1975, đã chỉ trích Giáo hội gắt gao vì Vatican đã đầu hàng chủ nghĩa cộng sản. Ông trở thành một biểu tượng của sự phản đối của Thiên Chúa giáo đối với chủ nghĩa cộng sản và là một người lớn tiếng phê bình về chính sách thỏa hiệp vô nguyên tắc của Vatican.
Nhưng về lâu dài, Chính sách Ostpolitik cũng đã không giúp được gì cho giáo hội ở Hungary; nó đã trên đường từ từ suy sụp.
Piotr Kosicki, một giáo sư sử về Châu Âu Hiện đại tại Đại học Maryland, nói:
“Bạn có thể thấy hậu quả của nó (Ostpolitik ) ở cứ cộng sản Hungary. Ngày càng có ít giáo dân Thiên Chúa giáo hơn. Ít sự năng động hơn trong những nhà thờ do đảng Cộng sản giật dây.”
Kosicki cũng nghĩ nó cũng sẽ xẩy ra như vậy ở Trung Quốc nếu Vatican cho phép Bắc Kinh bổ nhiệm giám mục. Ông nói,
“Thay vì có 9 triệu người Thiên Chúa giáo, ở Trung Quốc sẽ còn 3 triệu người. Hoặc có thể sẽ có 9 triệu người, nhưng đa số họ sẽ không bao giờ đi Lễ, đó là những gì đã xảy ra ở Đông Âu.”
Giáo hoàng Francis đã không quên bài học của Hungary – nhưng bài học làm ông quan tâm là là sự trỗi dậy của một người lớn tiếng phê bình trong Giáo hội. Gần đây, Giáo hoàng nói rằng ông hy vọng sẽ tránh dược “một trường hợp Mindszenty khác.”
Nhưng biểu tượng đó có thể đã có ở Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun của Hong Kong. Hồng Y Zen ngày càng lên tiếng nhiều hơn, cáo buộc Tòa Thánh Vatican đã “bán rẻ mình” cho Bắc Kinh.
Không khó để thấy tại sao sự phản đối Vatican lại đang phổ biến rộng rãi. Guo Xijin, một trong những giám mục chui bị mời đứng sang một bên là người đang phục vụ trong một khu vực ở miền nam Trung Hoa với khoảng 80.000 giáo dân Thiên Chúa giáo. Theo Xi Lian, giáo sư về Cơ đốc giáo Thế giới tại trường Duke Divinity School, 70.000 trên 80.000 giáo dân này là tín hữu của gaiso hội chui (không thuộc hay bị đảng cộng sản kiểm soát).
Theo giáo sư Lian, những giáo dân Thiên Chúa giáo chui đã đôi lúc phải đóng tiền phạt và ngay cả bị bỏ tù để giữ lòng trung thành với Giáo Hoàng, thì việc Vatican yêu cầu giám mục của họ phải nhường chỗ cho một giám mục của đảng Cộng sản đúng là “một cái tát vào mặt”.
Fenggang Yang, một học giả về tôn giáo Trung Quốc tại Đại học Purdue, nói rằng nó thậm chí có thể “khiến nhiều giáo dân Thiên Chúa giáo chui phủ nhận viếc hòa giải” (của Vatican với đảng Cộng sản TQ).
Đối với Bắc Kinh, khôi phục mối quan hệ với Tòa Thánh sẽ thực là một điều may không chờ đợi và không có một bất lợi nào. Vatican là nước duy nhất còn lại duy nhất ở châu Âu có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đảng Cộng sản từ lâu đã tìm cách cô lập đảo quốc dân chủ này trên trường quốc tế, và Trung Cộng đã tăng cường những nỗ lực này kể từ khi Đài Loan bầu một tổng thống hoài nghi về Bắc Kinh hai năm trước. Mất Vatican sẽ là một thất bại cho Đài Loan và đồng thời nó làm tăng uy tín cho Trung Cộng.
Ông Yang nói, Bắc Kinh không có vẻ gì đặc biệt quan tâm đến việc nhượng bộ bất cứ điều gì. Trung Cộng “đã cho rất ít hoặc không nhượng bộ gì hết để đến gần với Vatican, chẳng hạn như chấp nhận các giám mục chui làm giám mục hợp pháp” hoặc giải tán gíao hội quốc doanh.
Với một bộ luật về tôn giáo nghiêm ngặt mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2, khiến cho giáo hội Thiên Chúa giáo chui khó có thể tiếp tục hoạt động trong khu vực tranh tối tranh sáng mà chính giáo hội chui ở Trung Hoa đã gầy dưng từ vài chục năm qua. Trung Cộng đang đặt Giáo hội Thiên Chúa giáo vào gọng kềm của chế độ.
Giáo sư Lian nói, trong lúc khôi phục mối quan hệ với Vatican, “chính phủ Trung Cộng đã chẳng mất gì, và Vatican lại có quá nhiều để mất và chẳng đạt được gì. Vatican có nguy cơ mất đi vị trí thần quyền của nó và làm nản lòng giáo dân Thiên Chúa.”
Đó là cái giá mà Giáo hoàng không nên sẵn sàng chấp nhận.
Tác giả Bethany Allen-Ebrahimian là một nhà báo viết trong tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy).
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: – Pope Francis is giving in to the Chinese Communist Party By Bethany Allen-Ebrahimian. The Washington Post. February 2, 2018.