Khi sát thủ biến thành đại hiệp
Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch
Ngày 1 tháng 7 năm 2008, kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thanh niên Bắc Kinh tên là Dương Giai chuyên môn chọn đúng ngày 1 tháng 7 này xông vào Cục cảnh sát Áp Bắc ở Thượng Hải, vung dao giết cảnh sát, chết 6 người, bị thương 5 người.
Sự thảm liệt của vụ án này đã đưa tới sự chú ý ở trong và ngoài nước, đồng thời đưa tới cảm khái đối với Dương Giai to gan làm liều, dám một mình xông vào Cục cảnh sát nơi mà người người đều sợ hãi; Sự việc cũng cho thấy sự vô dụng của Cục cảnh sát Thượng Hải khi mà ở ngay trong địa bàn của mình, lại bị một mao đầu tiểu tử dùng sức một người chống lại cả bầy cảnh sát.
Cho đến nay, phía chính quyền không hề đưa ra được bằng chứng liên quan đến động cơ vụ án giết cảnh sát của Dương Giai, đầy đủ cho câu chuyện của họ; ngược lại phiên bản câu chuyện của dư luận bị chính quyền đứng ra phủ định thì lại được lưu truyền rộng rãi.
Vào tháng 10 năm ngoái Dương Giai tới Thượng Hải đi du lịch, thuê xe đạp thay vì đi bộ, cảnh sát phân cục Áp Bắc nghi ngờ anh ta ăn cắp xe đạp, bắt giải về Cục cảnh sát thẩm vấn; về sau sự việc được làm sáng tỏ, vô tội, Dương được cảnh sát phóng thích. Nhưng trong thời gian bị cảnh sát câu lưu, anh ta đã bị cảnh sát thẩm vấn bức cung và đánh đập ngược đãi, cơ quan sinh dục bị tổn thương, từ nay về sau không cách nào có con cái. Thế là, Dương Giai khởi kiện cảnh sát phân cục Áp Bắc, yêu cầu bồi thường 30 nghìn tệ; nhưng phía cảnh sát chỉ đồng ý bồi thường 15 nghìn tệ. Dương từ chối không nhận, nhiều lần đi tới phân cục cảnh sát Áp Bắc phân biện lý lẽ; phía cảnh sát mất kiên nhẫn, đơn giản là không để ý đến anh ta.
Phiên bản dân gian về động cơ gây án của Dương Giai vừa xuất hiện, dư luận trên mạng internet liền xuất hiện phân hóa, trong tâm trí của rất nhiều dân cư mạng, thủ phạm giết người Dương Giai biến thành “đại hiệp” thay trời hành đạo hoặc là “anh hùng thảo căn” có gốc gác bình dân phản kháng nền tư pháp bạo ngược. Thậm chí có dân cư mạng đưa lên những tweet có tiêu đề “Nguyện ý chăm sóc mẹ già Dương mẫu hãy giơ tay!” với nội dung như sau: “Mẫu thân của anh hùng xin đừng bi thương, từ nay về sau chúng con chính là con của mẹ, có khó khăn gì, chúng con giúp đỡ!”
“Sát thủ” tàn nhẫn biến thành “đại hiệp” hay “anh hùng thảo căn” được người người khâm phục, những gì mà dân ý trên mạng internet cho thấy ở đây, tuyệt đối không phải là vì người dân máu lạnh, mà vì tính bạo ngược và bất công tư pháp của chế độ hiện hành; nó càng cho thấy sự đối lập nghiêm trọng giữa người dân và chính quyền cùng sự yêu hận rõ ràng của dư luận. Đằng sau sự đồng tình và kính phục Dương Giai, là sự căm ghét, ghê tởm đối với chế độ độc tài cũng như công cụ chuyên chính của nó, là sự oán hận đối với nền tư pháp bất công cũng như lực lượng chấp pháp.
Đầu tiên, cải cách què quặt được chủ đạo bởi quyền lực độc tài dẫn tới những nứt vỡ xã hội khó có thể phục hồi. Sau khi Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo lên cầm quyền, cao giọng truyền bá “Xã hội hài hòa”, thể hiện rõ một cách chính xác xã hội Trung Quốc hiện nay không hề hài hoà. Tiếp theo, phàm là quốc gia độc tài, nhất định là nhà nước cảnh sát. Cảnh sát là công cụ chuyên chính; nó nắm trong tay quyền lực được chế độ cho phép lạm dụng bạo lực, vừa là để duy trì ý chí độc tài và trở thành tiên phong chà đạp lên nhân quyền của người dân trong nước, đồng thời nó cũng nhất định đưa tới mối quan hệ hết sức căng thẳng giữa cảnh sát và người dân. Cuối cùng, nền tư pháp trong tay Đảng thì không thể có công bằng tư pháp. Luật pháp Trung Quốc không phải là chế độ bảo vệ công bằng công chính xã hội, mà là công cụ để quyền lực độc tài thực hiện ý chí thống trị của nó. Khi nền tư pháp đảng trị thôn phệ pháp trị thật sự, thì cảnh sát lạm dụng quyền lực chấp pháp và có luật nhưng không tuân theo sẽ trở thành điều bình thường, quyền lợi của công dân bị tổn hại nhưng không nhận được công bằng từ phía tư pháp, người dân cũng sẽ mất đi sự tín nhiệm đối với luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật. Cụ thể đối với vụ án tấn công bạo lực đối với cảnh sát của Dương Giai, chính là vì môi trường tư pháp quá mức tồi tệ khắc nghiệp, dẫn tới kéo dài sự việc của Dương Giai và đẩy anh này vào tình thế nguy hiểm, dẫn tới việc giết cảnh sát kêu oan. Với ý nghĩa như vậy, nền tư pháp Đảng chủ dưới chế độ độc tài cần phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong vụ án tấn công cảnh sát này.
Đồng cảm với kẻ yếu, kính phục kẻ yếu dám đứng lên thách thức kẻ mạnh là cảm xúc thường tình của con người. Dưới chế độ hiện hành ở Trung Quốc, người dân tuyệt đối luôn ở thế yếu so với cảnh sát, cá nhân người dân đơn lẻ lại càng là kẻ yếu đuối trong những kẻ yếu khi đối mặt với cơ quan cảnh sát. Hành động liều mạng đấu tranh của Dương Giai, không những là hành động kẻ yếu thách thức kẻ mạnh, mà còn là kẻ yếu nhất dám thách thức kẻ mạnh nhất; đây tuyệt không phải là dũng cảm bình thường, mà là đại dũng. Chính vì việc anh ta với thân phận của kẻ yếu nhất đã thách thức cơ quan có sức mạnh lớn nhất, dùng tính mạng bản thân thách thức quan quyền hùng mạnh nhất, nên anh ta mới nhận được danh hiệu “Dương đại hiệp” từ phía dư luận.
Kẻ giết người biến thành Dương đại hiệp, nó giống như sự kiện quần chúng phẫn nộ bao vây và đốt trụ sở huyện Ứng An, một lần nữa đưa ra lời cảnh cáo đối với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc: nếu chính quyền đương cục không từ bỏ bạo lực và dối trá độc tài trị quốc, không khởi động thực thi cải cách chính trị với tự do báo chí và độc lập tư pháp thì oán hận của tầng lớp dân chúng yếu thế sẽ chỉ có thể tích lũy ngày càng nhiều, đối kháng giữa người dân và chính quyền ngày càng mãnh liệt; phương thức đấu tranh của người dân sẽ càng ngày càng khốc liệt, không những không thể có được “hài hòa”, mà ngược lại sẽ đưa tới những cuộc bạo động quy mô lớn không thể kiểm soát, đem Trung Quốc một lần nữa mắc kẹt vào vòng luẩn quẩn bạo lực.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Đăng trên BBC ngày 14 tháng 7 năm 2008. Giờ GMT 12.46. Giờ Bắc Kinh 20.46. Vụ án Dương Giai