Bắn Chim…
Thằng Sáu San Jose
Không thể dùng súng ống, bạo lực và bạo luật, để đối đáp với chữ nghĩa, vì đó là vô văn hóa. Giang hồ cũng phải có văn hóa.
Lời cảm tạ: Ba bài trước: Dũng Hương Rừng Ca Mau, Bác Hồ… Của Tôi, Việt Kiều Ơi.., bạn đọc cho ý kiến hăng quá cứ như là đăng “võ đài”! Mùa Thu đến mang theo một không khí hiền hòa như “người ơi, một chiều nào có nắng vàng hiền hòa, chảy khắp nơi nơi…” Hương Xưa, Cung Tiến. Cho không khí nhẹ nhàng như mùa thu, lần này Thằng Sáu xin đổi đề tài bình dân hơn Bắn Chim…
Lúc này đất nước không còn chiến tranh, nhưng còn biết bao nhiêu chuyện để làm như, chống tội phạm ma túy xì ke, buôn lậu, tham nhũng, v.v.. Vậy mà, buồn tình vì rảnh rổi, nên một số công an đi đánh dân chơi cho vui; Công an nhậu say rượt bắn dân; Công an đánh bài chưa đã đánh luôn dân; Công an vác súng vào trường học bắn học sinh; nữ sĩ quan công an sờ chim linh mục, v.v..
Gần đây nhất là vụ công an tỉnh Phú Yên lấy súng hơi bắn bể đầu sứt trán em Nguyễn Minh Cảnh, 11 tuổi, học lớp 6. Cái vụ kê súng BB gun, súng hơi (tôi gọi là súng bắn chim – sẽ nói tại sao ở đoạn sau) vào đầu một đứa trẻ 11 tuổi mà bóp cò, nếu ở các nước tự do đó là hot news – tin nóng hổi, và đồng chí “công an nhân dân” này sẽ bị đưa ra tòa với ít nhất 3 tội danh: 1. attempted murder – cố sát; 2. assault with deadly weapon – hành hung với vũ khí chết người; 3. abuse of power – lạm dụng chức quyền. Nội 3 tội này, tôi nghĩ, nhẹ nhẹ cũng lãnh 5 đến 10 cuốn lịch (không phải luật sư, nên không biết chính xác – nhờ ai đó chỉ dạy dùm). Ngoài ra còn phải bồi thường thương tích chắc cũng đến cả trăm nghìn đô la.
Ở nước CHXHCNVN “đồng chí” này chỉ bị đình chỉ công tác 15 ngày, nghĩa là cho đi vacation – nghỉ mát 15 ngày. Đúng là làm quan nước Việt có sướng. Và Mỗi lần công an bắn người thì lý do được đưa ra là bị “lỡ cò”. Tôi quen một chị mới qua Mỹ – ở Việt Nam chị bán cá ngoài chợ – tôi thường đến nhà chị chơi dạy cho mấy đứa con của chị đọc báo trên mạng. Mỗi lần tôi đọc tin ở Việt Nam có cháy nhà, cháy chợ, cháy kho… chị nhảy vô nói liền “em khỏi đọc đoạn cuối, chị biết rồi lý do “chạm điện”. Và đúng như chị nói, tôi khen chị giỏi quá. Chị nói ở Việt Nam 10 vụ cháy là hết 9 vụ báo nó đăng là “chạm điện”. À thì ra cái vụ “chạm điện”, “lỡ cò” cũng giông giống nhau.
Tôi có một ông anh họ, mỗi lần Mỹ làm được chuyện gì lớn lao là ổng khen lấy khen để “tao nể Mỹ quá, tao nể Mỹ quá!” Bây giờ thì tôi không tin ổng nữa, bây giờ tôi nể mấy ông nhà báo ở Việt Nam hơn!
Súng bắn chim!
Hồi học trung học tôi thường la cà với mấy thằng Mỹ con học cùng trường, ở cùng xóm. Trong nhóm có một thằng có cây BB gun – súng hơi. Tụi tôi thường ra khu rừng gần nhà, lúc đầu bắn lon Coca Cola, chai bia, rồi bắn mấy con sóc, nhưng mấy con sóc rất nhanh và tinh, nên thường tụi nó bắn trật. Tôi chỉ bắn lon có vài lần. Một hôm thấy tụi nó bắn ẹ quá tôi nóng máu nói “you guys shoot like bird shit – tụi bây bắn dở như cứt chim”. Tụi nó nổi nóng nói “đưa cho thằng Bruce Le bắn”.
Tụi nó gọi tôi là “Bruce Lee”, vì tôi họ Lê tiếng Mỹ không có dấu nên thường viết lộn là Lee (Lý), cộng thêm cái tướng ốm ốm, đầu để tóc như cái gáo dừa, nhất là đôi mắt hí một mí giông giống Bruce Lee – Lý Tiểu Long, nhưng nhỏ con hơn. Hơn nữa, trong trường sau giờ thể dục ở phòng tắm (để tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị cho tiết học mới) tôi thường giỡn với tụi nó bằng cách cầm cái khăn tắm vừa quất quất vào tụi nó, vừa nhúng nhẩy, miệng la “ố yá ố yá” giống như kiểu Lý Tiểu Long, nên tụi nó tưởng tôi có karate – võ. mấy thằng Mỹ con rất “ngán” mấy thằng Á đông có võ. Thật ra tôi chẳng có võ gì hết. Thế là tụi nó cá với tôi nếu tôi bắn trúng con sóc với chỉ một phát đầu tụi nó sẽ gọi tôi bằng master – sư phụ; Nếu không tôi sẽ mua cho chúng mỗi đứa một cái cà rem.
Tôi nói với tụi nó tôi chỉ khoái bắn chim, ảnh hưởng ở VN, không khoái bắn sóc. Tụi nó nói chim nhỏ hơn khó bắn hơn. Tôi nói “that is ok – không sao”. Cuối cùng chúng tôi đồng ý với nhau. Tôi bảo tụi nó rải một mớ popcorn – bắp/ngô rang ra sân cỏ, cả nhóm ngồi đợi… Một con chim se sẻ đáp xuống, tôi đưa sung lên ngắm, nín thở bóp cò “bịp”. Con chim lật ngang bất động. Cả nhóm la lên “Lee the master – Lê là sư phụ”, “Lee the killer – Lê là sát thủ”.
Giữa tiếng hò reo ca tụng của tụi Mỹ con, tôi nhìn ra bãi sân nơi con chim đang nằm bất động một con chim khác bay quanh cái xác của bạn đời nó kêu gào thất thanh. Nó nghiêng nghiêng cái đầu kề sát mặt bạn nó như nói “dậy đi dậy đi”. Tim tôi chùng lại. Tụi Mỹ con reo hò “there is another one – còn một con kìa”. Tôi quát “leave him alone – để cho nó yên”. Tụi Mỹ chưng hửng, vì tự nhiên tôi nổi cáu làm mất bầu không khí đang phấn khởi. Để đánh lạc hướng chúng nó, tôi bảo tụi nó đi về tôi sẽ đãi tụi nó ăn cà rem. Tụi Mỹ con đâu biết rằng: “chim xa cành thương cây nhớ tổ… người xa người tội lắm người ơi…”
Và từ đó tôi không bao giờ cầm đến cây súng BB gun nữa.
Ná cũng bắn chim!
Vào đại học, thấy tôi thích viết lách phá quách, nên mấy tên bạn rủ tôi vào ban báo chí của hội sinh viên của trường cho vui. Tụi nó nói với tôi là trường tôi “âm thịnh dương suy”; tụi nam sinh rụt rụt rè rè chẳng biết viết lách gì hết, bọn nữ thì tranh nhau viết ào ào trong khí thế của “nông thôn vùng dậy”. Tỉ lệ là 1/5 nghĩa là có 5 nàng viết thì chỉ có 1 thằng biết chữ nghĩa thôi. Tụi nó mong tôi gia nhập để dương mạnh hơn một chút. Tôi ừ ừ cho tụi nó khoái chí. Thật ra tôi vô ban báo chí không phải vì ủng hộ cái đám “rụt rụt rè rè” mà vì trong ban báo chí toàn những “em” vừa đẹp mà lại còn thông minh. Thường người ta nói người đẹp ít thông minh – nhưng ban báo chí trường tôi ngoại lệ. Ông bà có nói chổ nào có gái đẹp là “tụi nó” bu như ruồi, tôi cũng không ngoại lệ.
Rồi một chiều thu mưa phùn và sương mù chen nhau, lành lạnh, lãng mạn, đang ngồi trong lớp âm nhạc, mơ mơ, màng màng, nhìn ra khung kính, có một nữ sinh (hình như là Việt Nam) mặc chiếc củng hoa thật đẹp, tay ôm sách trước ngực, dáng thanh tao, bình thản bước nhè nhẹ dưới mưa. Cảm quá, hứng chí tôi chơi luôn một bài thơ con cóc. Bài thơ rất dài… đại khái xin trích vài đoạn
Em có nghe không tiếng mùa thu
Rừng bướm len qua cảnh sương mù
Một chiếc, hai chiếc, rồi ba chiếc
Đời lá qua đi một kiếp phù…
Em có nghe không trời đổ mưa
Đếm mãi hoa bông vẫn thiếu thừa – (hoa trên củng nàng)
Bập bềnh trôi nổi theo mây nước
ướt đẫm môi xinh, áo váy thưa…
Em có nghe không tiếng đàn thu
Mười ngón hôn lên những phiếm mù
Một phiếm, hai phiếm, rồi ba phiếm
Phiếm nào theo kịp bước chân em…
(gởi người con gái mang chiếc củng hoa)
Tôi gởi đăng bài thơ này trên tờ bản tin hàng tháng của hội sinh viên. Bài thơ không có vấn đề gì. Nhưng cái câu cuối cùng tôi đề “gởi người con gái mang chiếc củng hoa” có vấn đề. Số là trong ban báo chí có một thằng “thi sĩ” tôi gọi hắn là “thi sĩ cà chớn” vì hắn luôn tự cho mình làm thơ nhất trường. Có lần tôi viết một bài “tiếu luận” ý nói xa nói gần là thơ của hắn nịnh đầm quá. Thật ra thì có thằng thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ nào mà không nịnh đầm… Anh đạp xích lô còn nịnh đầm nữa là. Không nịnh đầm thì làm sao có được vợ; tóm lại đó là basic instint – bản năng tự nhiên của mấy thằng đàn ông. Nhưng tại hắn hóng hách và lộ liễu quá nên tôi mới ra tay. Thế là gieo gió gặp bão. Đúng ngay cơ hội, hắn gọi điện thoại cho “em Mận” nói tôi viết bài thơ này cho “em Ổi”, gọi cho “em Ổi” nói tôi viết bài thơ này cho “em Xoài”, gọi “em Xoài” nói tôi viết bài thơ này cho “em Cam”, gọi cho “em Cam” nói tôi viết bài thơ này cho “em Bưởi”… (Cam đã là quá rồi đằng này nó chơi tới bưởi luôn!)
Bạn cũng biết con gái, em nào chả muốn có người làm thơ tặng mình, vì đó là tấm bằng khen, khẳng định nhung nhan của nàng, dù đôi khi nhung nhan đó dưới cái nhìn của thằng khác thì “xa xa giống như Thanh Nga, gần gần giống con thằng lằng!) Tin đồn vòng vòng trong đám “gái” trường tôi. Con gái mà “nói” một thành hai, nói hai thành… một ngàn! Nghĩa là nếu 2 cô biết thì trước sau rồi sẽ có 1000 cô biết…
Rồi việc gì đến sẽ đến, que sera sera.
Một buổi tối đang ở nhà (nhà tôi toàn nam sinh – mướn ở chung) thì điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng nữ hỏi “Anh Sáu hả?” Tôi “Sáu đây, xin hỏi mỹ nhân nào đó?” Bên kia “Em là Mận.” (à cô trưởng ban báo chí). “Có chuyện gì đó người đẹp?” Bên kia “Anh làm như vậy không được,” “Anh làm gì mà không được?” Bên kia “Anh tặng thơ cho ai phải ghi rõ, nếu ngại thì anh viết tắt cũng được như tặng NTV, TTV, LTL, v.v.. Viết tặng cho cô gái mang chiếc váy hoa là rất mù mờ, vì có nhiều cô mang váy hoa…”
Tôi chưa kịp phản ứng gì, vì tôi dị ứng với cái chữ “váy”, tôi là Nam kờ nên hay nói lộn chữ V thành D nên tránh nói chữ “váy” sợ bị hiểu lầm, vả lại tôi hay viết sai chính tả, nên viết chữ củng cho chắc ăn. Lúc đi học mấy bà giáo người Mỹ khi chấm bài của tôi thường phê một câu “Mr. Le, I only grade your content, not your spellings and grammar. It is terrible!” – “Trò Le, tôi chỉ chấm ý tưởng bài của trò, không chấm chính tả và văn phạm, nó sai bét!” Và họ luôn cho tôi điểm “B” (A là xuất sắc, B là tốt, C là trung bình, D với F là rớt). Bên kia tiếp “Làm như vậy là một ná bắn nhiều chim!” Tôi bật cười “Trời đất ná của anh bắn trúng một chim cũng đủ happy – hạnh phúc rồi, nói chi nhiều, em quá khen.” Bên kia hơi ngập ngừng. Chúng tôi nói chuyện phải quấy một hồi. Cuối cùng em nói “Từ nay tụi em phải kiểm duyệt anh!” Tôi nói “Vậy là không cho đăng bài của anh?” Bên kia “Cho đăng nhưng không được đề gởi cô gái mang củng hoa, củng dài, củng ngắn, quần jean, áo… áo…” Tôi đâm ngang “áo gì? Em làm anh hồi hộp”. Bên kia “áo… áo bà ba, chứ áo gì cha nội… vô duyên!” Cúp phone.
Từ đó bài tôi viết bị mấy nàng trong ban báo chí kiểm duyệt rất chặt chẽ, đoạn nào có “Rated R – Cấm trẻ em dưới 18” là các nàng cắt thẳng tay. Xui hơn nữa là trong suốt mấy năm đại học của tôi, trưởng ban báo chí đều là nữ, không biết mấy thằng ông nội “sĩ phu Bắc Hà” – tôi gọi mấy thằng bạn Bắc kờ của tôi như vậy – trốn đâu mất hết, và phần đông ban biên tập cũng là nữ. Tin xấu đồn xa, tin tôi “một ná bắn nhiều chim” bị đồn đi đồn lại. Tôi bị mấy nàng ém tài dài dài suốt thời đại học. Tôi đem tâm sự thố lộ với một thằng bạn “Bắc Kờ Nhà Quê”, tôi gọi hắn như vậy là vì hắn ngây thơ và hiền như cục bột, hắn trầm tỉnh nói một câu xanh như tàu lá chuối làm tôi nhớ đời “ở đời nhớ đừng nên chơi nổi quá!”
Thấm thoát những năm đại học qua nhanh, những ngày cuối, nhìn lại, tôi thấy tất cả đều có đôi có cặp, mà thằng cuỗm được em đầu tiên cũng là em đẹp nhất trong hội sinh viên lại là thằng “Bắc Kờ nhà quê”. Kể cả những tên già hơn tôi nhiều, đầu hói không còn cọng tóc cũng có một nàng. Riêng chỉ có tôi và thằng “thi sĩ cà chớn” là xách cái “ná khô” ra trường… Ôi “chữ tài đi với chữ tai hoài hoài!”
California Nov. 2006
Tái Bút: Từ đó Thằng Sáu gác kiếm rút khỏi giang hồ. Đến nay đã hơn 10 năm. Nhân dịp gần đây thấy phong trào sinh viên và những ngời vận động dân chủ bắt đầu lên tiếng giành lại “quyền làm người” cho người Việt Nam, Thằng Sáu vốn ham chơi nên chạy ra “giang hồ” trong và ngoài nước đều phải tuân theo luật chơi chung. Chữ nghĩa phải đối bằng chữ nghĩa. Không thể dùng súng ống, bạo lực và bạo luật, để đối đáp với chữ nghĩa, vì đó là vô văn hóa. Giang hồ cũng phải có văn hóa.giúp “vui” giang hồ. Hôm nay Việt Nam vô WTO, ở đây chơi luật chơi quốc tế, hy vọng các phe nhóm hy vọng các phe nhóm “giang hồ” trong và ngoài nước đều phải tuân theo luật chơi chung. Chữ nghĩa phải đối bằng chữ nghĩa. Không thể dùng súng ống, bạo lực và bạo luật, để đối đáp với chữ nghĩa, vì đó là vô văn hóa. Giang hồ cũng phải có văn hóa.
© 2006-2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net