Nguyễn Ái Quốc và nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong

Trần Giao Thủy

Trong thời gian gần đây quần chúng trên mạng lại xôn xao bàn tán về câu chuyện Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong.

Năm 1931 Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở nhà tù Victoria Gaol. Từ ngày đó – gần 90 năm về trước – đã có một số tin đồn thú vị xung quanh câu chuyện nhà tù Hong Kong và Nguyễn Ái Quốc, kể cả chuyện ông ấy đã chết trong tù vì lao phổi, chuyện trốn khỏi nhà tù và đồng ý làm gián điệp cho người Anh để đổi lấy việc được chính phủ Hong Kong bí mật trả tự do vào ngày 22 tháng 1 năm 1933.

Một số cho rằng lời đồn Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù có thể đáng được quan tâm vì người đặt lại vấn đề cũng trích dẫn cả một mẩu tin đã đăng trên tờ l’Humanité, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Pháp. số thứ 12292, năm thứ 29, ra ngày thứ Ba, 9 tháng Tám, 1932 dưới tựa đề, “Hãy chiến đấu để giải phóng Đông Dương”

 

“Luttons pour libérer l’Indochine
Nguyen Ai Quoc, le vaillant fondateur du PC Indochinois est mort emprisonné Nguyen Ai Quoc, fondateur du Parti communiste indochinois emprisonné par l’impérialisme britannique, de complicité avec l’impérialisme français est mort de la tuberculose à l’infirmerie de la prison de Hong Kong…”

“…Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập can đảm của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã chết trong tù.
Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương bị chủ nghĩa đế quốc Anh, đồng lõa với chủ nghĩa đế quốc Pháp, giam cầm và đã chết vì bệnh lao tại bệnh xá của nhà tù ở Hong Kong…”

Trước đó hơn một năm, trong số báo thứ 11875, năm thứ 28 ra ngày thứ Sáu 19 tháng Sáu, năm 1931 tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Thượng Hải (Shanghai) và có đăng cả tấm hình người đảng viên Việt Cộng (communiste annamite) này.

“Les impérialismes solidaires
Les Anglais arrêtent à Shanghaï le révolutionnaire annamite N’Guyen Aï Quoc
Les dépêches annoncent que la police anglaise a arrêté à Shanghaï le communiste annamite Nguyen Ai Quoc, ainsi qu’un Français du nom de Serge Lefranc (?).”

“Chủ nghĩa đế quốc đoàn kết
Người Anh ở Thượng Hải đã bắt nhà cách mạng An Nam N’Guyễn Áï Quốc
Những bản công văn thông báo rằng cảnh sát Anh ở Thượng Hải đã bắt được người Cộng sản An Nam Nguyễn Ái Quốc, cũng như một người Pháp tên là Serge Lefranc (?).”

Dấu “(?)” sau tên “Serge Lefranc” trong bản tin của đảng Cộng sản là một điểm vờ vịt thật mỉa mai. Serge Lefranc – phái viên của Đệ tam Cộng sản tại Trung Quốc từ 1926 đến 1928 – bí danh của một đảng viên cộng sản người Pháp tên Joseph Ducroux đã ghi tên và địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc vào sổ tay và chưa kịp thủ tiêu nó khi bị cảnh sát đặc biệt của Anh bắt ở Singapore. Cuốn sổ tay của Joseph Ducroux là nguồn cơ đưa đến việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong.

Những tài liệu mới được Thư viện Quốc gia Pháp công bố ở gallica.bnf.fr là một phần chứng từ nhỏ về một nhân vật lịch sử với hành tung và tiểu sử vẫn còn rất mù mờ với 173 bút danh và rất nhiều bí danh, biệt danh đủ loại.

Hiện nay thư khố đảng Cộng sản Trung Hoa chỉ mới hé mở, và thư khố của đảng cộng sản Việt Nam vẫn kín như bưng. Vả lại ở cả hai quốc gia độc đảng chuyên quyền này vẫn không có tự do học thuật nên có thể tin rằng những câu chuyện và sự thực lịch sử về Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc (bút danh của nhiều người ở Pháp trước khi Nguyễn Tất Thành dùng riêng cho mình), Tống Văn Sơ, P.C. Lin, Hồ Quang, Hồ Chí Minh, và v.v. sẽ vẫn là những bí mật sau bức màn tre trong một thời gian dài trước mặt.

Có một số tin rằng Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai nhân vật khác nhau và khẳng định, theo Hồ Tuấn Hùng tác giả cuốn “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” (Taiwan, 2008), rằng Hồ Chí Minh là người Tầu tên là Hồ Tập Chương.

Năm 1932, đảng Cộng sản Pháp đã cho Nguyễn Ái Quốc chết theo tin của khối đế quốc tư sản Anh. Những người đang tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết từ năm 1932 liệu họ có đặt câu hỏi, “Tại sao Đảng Cộng sản Pháp lại đưa tin như thế, với mục đích gì?” hay không?

Mục đích của những người hiện nay, năm 2018, muốn tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù có lẽ đơn giản vì với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự thù ghét người Tầu, họ muốn tin rằng Hồ Chí Minh là người Tầu như lý sự của Hồ Tuấn Hùng. Nếu thật như thế thì cũng có ý kiến là họ đang rơi vào bẫy của cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng để “công chúng cứ cãi nhau về một chuyện vớ vẩn, vô bổ, một chuyện không có thật, làm mất thời gian và gây chia rẽ.”

Lại nữa, nếu đã tin vào một bản tin của Đảng Cộng sản Pháp năm 1932, liệu những người muốn Nguyễn Ái Quốc đã chết ở nhà tù Victoria Gaol có tin những lời tuyên truyền khác của đảng cộng sản Pháp, đảng cộng sản Tàu, đảng cộng sản Cuba, đảng Cộng sản Việt Nam (chẳng hạn như loại chuyện anh hùng Lê Văn Tám) hay không?

Mục đích của Đảng Cộng sản Pháp khi đăng tin Nguyễn Ái Quốc chết trong tù cũng có thể không phức tạp hoặc khó hiểu. Họ có thể giả ngây ngơ để cùng với luật sư của Nguyễn Ái Quốc đánh lạc hướng chính quyền thực dân Pháp về tử tội Nguyễn Ái Quốc mà Pháp muốn dẫn độ về Đông Dương để thi hành bản án tử hình. Tuy nhiên đến nay chưa thấy có văn bản nào của đảng Cộng sản Pháp đính chính về mẩu tin năm 1932 dù Nguyến Ái Quốc đã “sống lại” trở thành Hồ Chí Minh ký kết Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt với và cũng trở lại Paris. Trước đó, cuối thập niên 1930 Nguyễn Ái Quốc, quay lại Trung Hoa, với bí danh Hồ Quang là một sĩ quan cố vấn của Đệ Bát Lộ Quân của Cộng sản Trung Hoa. Đến năm đầu thập niên 1940 Nguyễn Ái Quốc mới bắt đầu dùng tên Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong

Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Tất Thành, là những tên mà Hồ Chí Minh dùng vào những năm 1920, lúc ở miền Nam Trung Hoa để thành lập “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” và tổ chức “Liên minh Cộng sản” làm thành phần cốt lõi cho hội này, và đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội cùng lúc phổ biến Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam. Hồ Chí Minh, trước đó đã bị Tòa án Vinh ở Đông Dương kết án tử hình khiếm diện ngày 10 tháng 10 năm 1929 vì hoạt động cách mạng và đang bị chính quyền Pháp truy nã.

Khi Nguyễn Ái Quốc đến Hong Kong, bị chính quyền Pháp phát giác ra nơi ẩn náu và đã chuyển thông tin này cho chính quyền Hong Kong để bắt họ Hồ và dẫn độ ông ta về Đông Dương.

Nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong. Nguồn: Purcell Miller Tritton LLP, “The old central police station and Victoria prison | Hong Kong | Conservation management plan”, trang bìa, June 2008.

Ngày 6 tháng Sáu năm 1931 Nguyễn Ái Quốc đã bị cảnh sát Hong Kong bắt tại nhà, ở Kowloon. Ông ta phủ nhận danh tính thật đang dùng lúc đó và một mực tuyên bố mình là người Trung Quốc, tên là Tống Văn Sơ. Vì không có đủ căn cứ để dẫn độ “Tống Văn Sơ” về Đông Dương, chính phủ Hong Kong đưa Nguyễn Ái Quốc vào bệnh xá trong nhà giam Victoria Gaol (Vực Đa Lợi) từ ngày 12 tháng 6 năm 1931 cho đến ngày 12 tháng 8 năm 1931 khi ông được giao cho Tổng Thanh tra Cảnh sát để trục xuất về Đông Dương bằng một con tàu của Pháp. Nếu kế hoạch này đã được thực hiện thì nhất định Nguyễn Ái Quốc đã không thoát khỏi cái chết dưới tay thực dân Pháp.

Trước tòa, luật sư Francis Loseby của Nguyễn Ái Quốc đã thành công trong việc áp dụng lệnh bảo vệ nhân thân (habeas corpus) vì thế ông đã có thể trì hoãn việc trục xuất thân chủ của mình; tuy nhiên Nguyễn Ái Quốc đã phải ra tòa án nhiều lần để thách thức chính phủ Hong Kong chứng minh được tính hợp pháp khi bắt, giam cũng như việc giới hữu trách của Bộ Trung Hoa Vụ thẩm vấn ông ta. Trong suốt thời gian tố tụng ở tòa án, Nguyễn Ái Quốc ở dưới quyền giám sát của Tổng Thanh tra Cảnh Hong Kong.

Lần thứ tám ra trước vành móng ngựa tại Tòa án Tối cao trong vụ kiện Tống Văn Sơ và Giám đốc nhà tù Vực Đa Lợi ngày 11 tháng 9 năm 1931, Tòa án phán quyết giữ nguyên lệnh trục xuất và Nguyễn Ái Quốc sẽ bị dẫn độ về Đông Dương. Ngay lập tức, luật sư Francis Loseby tuyên bố ông sẽ kháng cáo lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia ở London. Đơn kháng cáo đã được chấp thuận và luật sư có ba tháng để nộp hồ sơ kháng cáo. Vì Nguyễn Ái Quốc đang bị bệnh lỵ và bệnh lao phổi, nên đã được đưa vào bệnh xá của nhà tù kể từ tháng 11 năm 1931.

Bệnh xá nhà tù Victoria Gaol. Nguồn: Purcell Miller Tritton LLP, “The old central police station and Victoria prison | Hong Kong | Conservation management plan”, trang 42, June 2008

Vào tháng 6 năm 1932, luật sư của Nguyễn Ái Quốc ở Luân Đôn và các luật sư của Văn phòng Thuộc địa Anh đã dàn xếp với nhau về vụ kiện, không còn phải đưa ra tòa xét xử, và được Hội đồng Cơ mật tán thành quyết định đó vào ngày 21 tháng 7 năm 1932. Việc hòa giải đưa đến kết quả là tòa giữ nguyên lệnh của chính phủ Hong Kong, đưa lên tàu trục xuất,  nhưng Nguyễn Ái Quốc sẽ không bị đưa lên bất cứ chiếc tàu nào của Pháp hoặc bị trục xuất về Đông Dương hoặc bất kỳ lãnh thổ nào thuộc Pháp. Nguyễn Ái Quốc còn có thể chọn bất cứ nơi nào ông muốn đi với sự hỗ trợ của chính phủ Hong Kong, và được trả chi phí 250 Bảng Anh.

Luật sư của ông đã chuẩn bị kế hoạch đánh lạc hướng chính phủ Pháp đang muốn Nguyễn Ái Quốc bị dẫn độ về Đông Dương để lãnh án tử hình. Trước khi được thả, luật sư của ông đã mở một chiến dịch đồn tin giả, không đúng sự thật, tại Hong Kong bằng cách loan báo là Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì bệnh. Lời đồn giả dối này không những chỉ được đăng tải trên báo chí địa phương mà còn lan truyền khắp nơi trong những tờ báo khác trên thế giới như tờ “The Daily Worker” xuất bản ở London số ra ngày 11 tháng Tám, năm 1932 cũng đăng tin Nguyễn Ái Quốc chết trong tù. Sinh viên Việt Nam ở trưởng Stalin ở Moscow đã tổ chức cả tang lễ tiễn đưa Nguyễn Ái Quốc về thiên đàng Cộng sản

Ngày 28 tháng 12 năm 1932, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật được thả ra khỏi bệnh xá của nhà giam và thoát sự quản thúc của cảnh sát. Như đã được được sắp xếp trước, một sinh viên sĩ quan thuộc Ban Thư ký Trung Quốc Vụ đã đem xe đến đưa Hồ Chí Minh ra khỏi bệnh xá của nhà tù và thả ông ở dọc đường. Trong khi chờ đợi lên tàu đi Singapore vào ngày 12 tháng Một, năm 1933, Nguyễn Ái Quốc được luật sư thu xếp cho tạm trú tại một YMCA Trung Quốc bằng cách giả vờ là một học giả thỉnh giảng. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc đã không được phép nhập cảnh Singapore, phải lên tàu trở lại Hong Kong và đã bi cảnh sát ở đây bắt giữ vào ngày 19 tháng Một, đúng một tuần sau khi trốn khỏi Hong Kong. Cuối cùng viên Toàn quyền Hong Kong, Sir William Peel, tên Tàu là Bối Lộ, đã thu xếp để Nguyễn Ái Quốc cùng với một nhân viên người Trung Quốc của công ty luật Loseby, ra khỏi thuộc địa của đế quốc Anh, bằng một chuyến đi phi chính phủ, lên tàu “An Huy” như những hành khách đi trễ trên đường đến đảo Hạ Môn (Amoy), phía nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Họ rời Hong Kong vào ngày 22 tháng 1 năm 1933. Đêm 25 tháng 1, 1933 đúng giao thừa Nhâm Thân sang Quý Dậu, Nguyễn Ái Quốc bước xuống tàu An Huy đặt chân đến Hạ Môn. Sau một thời gian sống như một doanh nhân sang cả ở Shanghai từ tháng bẩy 1933 cho đến khi tết tiền được Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Dật Tiên, cứu giúp rồi sau đó Nguyễn Ái Quốc đến Vladivostok ở Liên bang Sô Viết vào mùa xuân 1934

Sau này, Hồ Chí Minh đã viết lại một đoạn ngắn thuật lại cuộc sống trong nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong.

Nhà tù Victoria Gaol năm 1958. Nguồn: Purcell Miller Tritton LLP, “The old central police station and Victoria prison | Hong Kong | Conservation management plan”, trang 22, 2008

“Khám lớn Hương Cảng rất to rộng, gọi là ngục Vích-tô-ri-a. Vích-tô-ria là một vị vua đàn bà Anh nổi tiếng trị vì 64 năm, thọ 82 tuổi (1819-1901).

Nhà giam Bác có ba tầng, mỗi tầng hai dãy xà lim. Cách xây dựng xà lim không xứng kích thước phổ thông chút nào! Bề cao 3 thước tây, mà bề ngang chỉ hơn một thước, bề dọc không đầy hai thước, bề rộng chỉ vừa một người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một cái cửa sổ nhỏ hình nửa mặt trăng lờ mờ, bị song sắt và lưới sắt bưng bít. Ban ngày từ cửa sổ ấy ánh sáng lọt vào xà lim một cách rụt rè, bỡ ngỡ. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ một gang tay và bọc sắt; ở chỗ cao ngang đầu người có một lỗ tròn, phía trong rộng, phía ngoài hẹp, như một cái loa. Chốc chốc tên lính gác ngục (người Ấn Độ, người Xíc và người Anh) ghé mắt vào lỗ xem xét tình hình người tù trong xà lim.

Mỗi ngày, tù được ra ngoài xà lim 15 phút, đi dạo quanh một cái sân hẹp. Bốn phía sân đều là nhà giam cao ngất nghểu với những bức tường kín mít, âm u, người ta cảm thấy như đi dạo đáy một cái giếng. Ngửng đầu lên thì chỉ trông thấy trời rộng bằng một chiếc khăn tay. Ở trong xà lim ngột ngạt, ra ngoài xà lim cũng vẫn ngột ngạt.

Mỗi ngày ăn hai bữa cơm gạo xay, một phần tư là thóc. Hôm nay, thức ăn bữa sáng có rau muống, bữa chiều có mắm thối hoặc cá ươn. Hôm sau, để thay đổi “khẩu vị”, bữa sáng có mắm thối hoặc cá ươn, bữa chiều có rau muống. Mỗi tuần được ăn một bữa tiệc: một phần cơm trắng cùng vài miếng thịt bò.”

Đoạn trên trích từ cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mô tả đời sống trong tù của Nguyến Ái Quốc tại Hong Kong. Hồ Chí Minh viết tự truyện “Vừa đi đường vừa kể chuyện” vào năm 1961 nhưng đã dùng bút danh T. Lan, một trong 173 bút danh của Hồ Chí Minh, một người còn có rất nhiều tên khác nhau.

Tài liệu lịch sử và nghiên cứu về nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong – thành lập từ 1841, 90 năm trước khi giam người tù (sau trở nên nổi tiếng) vào đầu thập niên 1930 cũng là thời kỳ bắt đầu cải cách chính sách lao tù ở Hong Kong trước thế chiến thứ hai – viết về những bữa ăn hàng này của tù nhân như sau:

Phòng giam ở nhà tù Victoria Gaol ở Hong Kong. Nguồn: Chan Tin Kuen/Hong Kong Memory 

“Ngày xưa, các tù nhân chỉ được cho ăn 2 bữa mỗi ngày – bốn con cá muối nhỏ với cơm mỗi bữa, và mỗi 10 ngày mới có một lần ăn rau. Thịt chỉ được ăn mỗi năm một lần. Về sau, bữa ăn của tù nhân đã khá hơn, được ăn 4 bữa – bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và đồ ăn nhẹ vào khoảng 9 giờ tối. Tù nhân có thể chọn 4 loại thức ăn khác nhau, món ăn Tàu, Ấn Độ, Tây hoặc món Chay; những người bị bệnh hoặc có tôn giáo khác được đối xử đặc biệt.”

“Người tù khổ sai ở Victoria Gaol được cho ăn ngon hơn, mặc quần áo sạch hơn và tốt hơn, nhà giam tốt hơn và làm việc ít hơn (tù nhân còn được nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát [ngày nghỉ của người theo Do Thái giáo, từ chiều thứ Sáu đến chiều thứ Bảy] những người lao động làm tiểu công nghệ nên nhà tù Victoria Gaol khó có thể coi như một cơ sở phòng chống tội phạm.”

Hướng dẫn và thành phần thức ăn hàng ngày của tù khổ sai ở trại giam Victoria Gaol bắt đầu từ 1930. Nguồn: Hong Kong Memory
Thức ăn hàng ngày của tù khổ sai ở trại giam Victoria Gaol bắt đầu từ 1930. Nguồn: Hong Kong Memory

Thế hệ sau Brocheux, Quinn-Judge, Duiker, Lacouture, Thụy Khuê, Minh Võ – nhất là những người làm việc khoa học lịch sử thông thạo cả Trung văn – hẳn còn rất nhiều nghiên cứu cần thực hiện để đem nhân vật cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, không thật, và gây nhiều tranh cãi này ra ánh sáng.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh họa.

Đọc thêm

  • Trang web về nhà tù Victoria ở Hong Kong
    http://www.hkmemory.org/central-police/text/index-eng.php
  • Tài liệu và nghiên cứu về nhà tù Victoria
    • Samson Chan, “Colonial Penality: A Case Study of Hong Kong’s Penal Policy and Programmes under British Administration (1945-1997)”, a Thesis submitted for the Degree of Ph.D. in Criminology in the University of Hull, April 2012.
    • “The old central police station and Victoria prison | Hong Kong | Conservation management plan”, Purcell Miller Tritton LLP, 3 Colegate, Norwich, Norfolk NR3 1BN, June 2008 | [email protected], www.pmt.co.uk
  • Một số báo đã đăng về vấn đề này
    • South China Morning Post, 8 August 1932.
    • l’Humanité, organe central du parti communiste (S.F.I.C.), mardi 9 août 1932 (29e année, n° 12292).
    • The Daily Worker, London, số ra ngày 11 tháng Tám, 1932.
    • l’Humanité, organe central du parti communiste (S.F.I.C.), vendredi 19 juin 1931 (28e année, n° 11875).
  • Một số bài viết trên mạng về vấn đề gay tranh cãi này
    • Lâm Bình Duy Nhiên, “Nguyễn Ái Quốc có phải là Hồ Chí Minh?” danchimviet.info, 28/08/2018.
    • Nguyễn Thị Cỏ May, “Cũng nên nói thêm một lần nữa: Năm 1932, Hồ Chí Minh chưa chết đâu!” danlambaovn.blogspot.com, 07/09/2018.
    • Lê Anh Hùng, “‘HCM Sinh Bình Khảo’ là ‘ý đồ xấu’ của Trung Quốc, VOA và YouTube, 16/08/2017.
    • Samson Chan , “Ho Chi Minh in Victoria Gaol”, Hong Kong Memmory, 2011.
    • Nguyễn Duy Chính, “Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo”, BBCVietnamese.com, 31/12/2008.
    • Trần Bình Nam, “Một nghi án lịch sử: Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?” geocities.ws/xoathantuong/, Feb. 26, 2013.
    • Nguyễn Văn Huy, “Những chứng-cớ lịch-sử bịp bợm của ‘Hồ Chí Minh sinh bình khảo’” hochiminhsinhbinhkhao.blogspot.com, từ 14/08/2015 đến 22/052016 – 7 kỳ cùng một chủ đề.
  • Một số sách về Hồ Chí Minh
    • Thụy Khuê, “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc”, Tiếng Quê Hương, 2012.
    • L. Borton, “Ho Chi Minh – A Journey”, Vietnam: Gioi. 2007.
    • Pierre Brocheux, “Ho Chi Minh, A Biography”, Université de Paris VII (Denis Diderot); translated by Claire Duiker, Cambridge University Press, March 2007.
    • The Ho Chi Minh Museum, The Legal Case of Nguyen Ai Quoc (Ho Chi Minh) in Hong Kong 1931-1933, Vietnam: The National Political Publishers. 2006.
    • Minh Võ, “Hồ Chí Minh, Nhận Ðịnh Tổng Hợp”, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2003.
    • Sophie Quinn-Judge, “Ho Chi Minh: the missing years, 1919-1941”, London, Hurst & Co., 2003.
    • Pierre Brocheux, “Ho Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône”, Paris, Payot, Biographie Payot, 2003.
    • Pierre Brocheux, “Ho Chi Minh”, Paris, Presses de Sciences po, Références-facettes, 2000.
    • William J. Duiker, “Ho Chi Minh, a life”, New York, Hyperion, 2000.
    • Daniel Hémery, “Ho Chi Minh, de l’Indochine au Vietnam”, 1990, Paris, Gallimard, Découvertes Gallimard, 2013, ấn bản mới.
    • Marcel Bénichou et al, “Ho Chi Minh, l’homme et son héritage”, Paris, Đường Mới La Voie Nouvelle, 1990 và bản tiếng Việt, “Hồ Chí Minh. Sự thật về thân thế và sự nghiệp”, Paris, Nhà Sách Nam Á, 1990.
    • D. Duncanson, “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32”, China Quarterly, No. 57, pp. 84-100. 1974.
    • C. Fenn, “Ho Chi Minh: A Biographical Introduction”, New York: Seribner. 1973.
    • J. Sainteny, “Ho Chi Minh and His Vietnam: A Personal Memoir”, Chicago: Cowles Book Company. 1972.
    • W. Warbey, “Ho Chi Minh and the Struggle for an Independent Vietnam”, London: Merlin Press. 1972.
    • N. Huyen, “Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh”, New York: Collier Books. 1971.
    • J. Lacouture, “Ho Chi Minh: Political Leaders of the Twentieth Century”, Middlesex: Penguin Books. 1967.
  • Tài liệu chính thức của Văn phòng Thuộc địa [Hong Kong]
    • CO129/539/2