Coronavirus: Những người nằm ngoài con số thống kê (p1)

Phòng Cung Nhất Liễu, Lê Thi Vận, Lưu Dĩ Tần, Tín Na, thực tập sinh Mã Khả Hân (Tài Kinh) | Hồ Như Ý dịch

“Finance and Economics Magazine” phỏng vấn hơn 10 gia đình bị nhiễm bệnh, đa số các gia đình đều bị nhiễm bệnh cả nhà. Bọn họ vẫn đang phải dìu đưa người già, phụ nữ có thai tới bệnh viện, những người thân trong gia đình họ đang ở vào tình trạng hết sức bấp bênh.

Ảnh chụp ngày 31 tháng 1, bên trong bênh viện Vũ Xương thành phố Vũ Hán, những người bệnh bị sốt đang xếp hàng chờ truyền dịch.

Họ chết vì “bệnh viêm phổi thông thường”?

Ngày 26 tháng 1 năm 2020, gia đình Lưu Mai nhận được một tờ giấy xác nhận hỏa táng. Bà mẹ chồng của cô, đã tắt thở tại nhà, đưa tới bệnh viện nhưng không cứu chữa được và chết.

Lưu Mai nói với phóng viên Tài Kinh, mẹ chồng của cô vào ngày 21 tháng 1 đã có những triệu chứng nghi ngờ là bị viêm phổi cấp do coronavirus gây ra, kết quả chẩn đoán sau khi kiểm tra tại Bệnh viện số 4 thành phố Vũ Hán đã cho thấy vùng phổi bị nhiễm trùng nặng. Nhưng mẹ chồng cô sau khi chuyển đến nhiều bệnh viện vẫn không được tiếp nhận vào viện điều trị, chỉ có thể tự cách ly ở nhà, cho đến khi bệnh nặng hấp hối.

Sau khi mẹ chồng cô Lưu Mai lên xe cấp cứu, người nhà không còn được gặp bà. Cuối cùng thì họ nhận được một tờ giấy báo hỏa táng, trên đó ghi nguyên nhân tử vong của bà là: Viêm phổi do virus. Nhưng theo như người nhà nói, cái chết của bà không hề được đưa vào số thống kê tử vong được xác nhận do bệnh viêm phổi coronavirus mới, bởi vì cho tới tận lúc qua đời, bà không hề được nhập viện, cũng không hề được chẩn đoán mắc phải bênh viêm phổi do coronavirus, chỉ được tính là “viêm phổi thông thường” và không may qua đời.

Cái chết đột ngột của bà cụ, không có được sự thu xếp đàng hoàng, không có sự từ biệt của gia đình, cho tới nay thì tro cốt vẫn còn đang ở trong nhà tang lễ.

Cái chết của người thân trong gia đình Lưu Mai do không được cứu chữa y tế không phải là trường hợp đơn lẻ. Phóng viên của Tài Kinh sau khi tiến hành điều tra nhiều trường hợp khác nhau đã được biết, mặc dù hiện tại ở Vũ Hán số lượng người bị sốt đi tới các bệnh viện lớn được chỉ định để khám bệnh đã giảm xuống so với thời điểm thành phố này vừa được tuyên bố “phong tỏa thành phố” ngày 23 tháng 1, các bệnh viện được chỉ định điều trị dịch bệnh cũng đã được mở rộng thêm ba lần, nhưng tình trạng khó khăn trong việc tìm giường bệnh trống vẫn không giảm bớt. Đồng thời với con số các ca bệnh được xác nhận, nghi ngờ đang không ngừng tăng lên, thì vẫn còn rất nhiều các ca bệnh nằm ngoài con số thống kê đang gặp nguy hiểm tính mạng.

Một Bác sĩ chủ nhiệm khoa tại một bệnh viện chỉ định điều trị dịch bệnh nói với phóng viên Tài Kinh, rằng trong 2 ngày vừa qua thì bệnh viện mỗi ngày khám bệnh cho khoảng 120 bệnh nhân bị sốt, trong đó có khoảng 80 người là bị nhiễm trùng phổi, nhưng là cuối cùng chỉ có 5 bệnh nhận được tiếp nhận vào viện. Vị chủ nhiệm khoa này nói với phóng viên Tài Kinh,

“Chúng tôi chỉ có thể để 75 bệnh nhân không thể nhập viện còn lại quay về nhà. Các bệnh nhân không thể làm gì, chúng tôi cũng không thể làm gì.”

Vị chủ nhiệm này nói, thông thường, khi 2 lá phổi chụp CT cho thấy dấu hiệu tổn thương kính mờ (GroundGlass Opacity GGO) thì về cơ bản có thể nghi ngờ mắc bệnh, nhưng chỉ có bệnh nhân được nhận vào nằm viện thì mới được đưa vào con số thống kê nghi ngờ nhiễm bệnh, mới có đủ điều kiện để làm kiểm tra xét nghiệm Axit nucleic. Sau khi bệnh nhân làm xong xét nghiệm kiểm tra Axit nucleic thì ít nhất 80% có thể được chẩn đoán, sau đó được chuyển đi tới các bệnh viện được chỉ định khác.

Phóng viên của Tài Kinh tìm hiểu được, có ít nhất 5 trường hợp tử vong ở bệnh viện này với bệnh chứng chưa được chẩn đoán, vì vậy cũng không được đưa vào con số thống kê tử vong được xác nhận.

Điều này có nghĩa là, hiện tại thì con số các ca bệnh tử vong được xác nhận nhiễm bệnh, hoàn toàn không phản ảnh một cách đầy đủ tình hình dịch bệnh.

Hiện trạng tại các bệnh viện lớn được chỉ định điều trị dịch bệnh ở Vũ Hán, tin tức được các tình nguyên viên phóng viên Tài Kinh sàng lọc.

Với kết quả điều tra hiện tại, có hai con đường chính để người bệnh có thể nhập viện. Một là dựa vào xếp hàng chờ tại cộng đồng khu dân cư: Từ sau khi thực thi chính sách phân chia luồng và lưu lượng tại các khu dân cư ở Vũ Hán vào ngày 24 tháng 1, người bệnh cần giữ trên tay giấy nhập viện để vào viện. Người bệnh trước tiên cần đi tới trung tâm cộng đồng để nộp báo cáo CT, xét nghiệm máu bình thường, cộng đồng khu dân cư báo lên tới khu phố (tương đương cấp phường ở Việt Nam), rồi sau đó nữa căn cứ vào tình trạng bệnh nặng nhẹ để ưu tiên mở giường bệnh mới ở bệnh viện; hai là đi làm xét nghiệm kiểm tra Axit nucleic ở bệnh viện lớn được chỉ định, sau 48 giờ lấy kết quả, sau khi được chẩn đoán thì không thể bị bệnh viện từ chối tiếp nhận.

Muốn đi theo hai con đường này thì không dễ; mỗi một con đường đều có thể là sự chờ đợi không có điểm kết thúc. Nhưng đối với những người bệnh nặng mà nói, mỗi một phút đồng hồ đều là bước qua lại trên ranh giới sống chết.

Phóng viên Tài Kinh gần đây đã phỏng vấn người nhà của hơn 10 bệnh nhân, đa số các gia đình này đều bị nhiễm bệnh cả gia đình, họ còn phải dìu những người già, các phụ nữ mang thai đi tới các bệnh viện. Người nhà của nhiều người bệnh nói với phóng viên Tài Kinh, người thân thân của họ đang phải ở vào tình trạng đấu tranh giữa sự sống và cái chết.

“Bệnh viện nói với chúng tôi rằng chỉ có thể tự cứu lấy bản thân.”

Cho đến 24 giờ ngày 31 tháng 1 năm 2020, tỉnh Hồ Bắc báo cáo tổng số ca bệnh bị nhiễm coronavirus viêm phổi đạt tới 7153 ca, trong đó thành phố Vũ Hán là 3215 ca.

Trên Twitter của Tổ chức Y tế Thế giới WHO có một câu:

“Hãy nhớ rằng, đây không phải là những con số, mà là những con người thật. Điều không may là, còn có những người không may bị cuốn vào bên trong, câu chuyện về sự sống và cái chết của họ đều nằm ngoài con số được thống kê.”

WHO

Con đường  gian nan tìm sự sống

Tôn Thần nói với phóng viên của Tài Kinh

“Cha tôi không ngừng nói rằng, ‘bản thân ông không chết trên chiến trường 70 năm trước, nhưng bây giờ lại chết vì tình trạng mất kiểm soát đối với các nguồn lực y tế.’

Bác sĩ đã nói rõ rằng, cha tôi nhiễm phải chủng virus Corona mới, nhưng bởi vì không có hộp kiểm nghiệm không cách nào chẩn đoán xác nhận.”

Tôn Thần

Tôn Thần cho biết, ngày 26 tháng 1, cha anh ta người đang tự cách ly tại nhà đột nhiên ho ra máu. Tôn Thần hoang mang đưa cha anh ta tới Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung để kiểm tra, kết quả kiểm tra cho thấy: Phổi bị nhiễm trùng nặng. Nhưng bản kết quả chụp CT không thể khiến cho cha của anh ta được nhập viện điều trị, bởi vì không trải qua quy trình chẩn đoán xác nhận bệnh.

Bệnh viện yêu cầu cha của Tôn Thần tự cách ly, uống thuốc tại gia, nhưng Tôn Thần ý thức được, “Những ví dụ xung quanh tôi đều đã rất nghiêm trọng, tôi nhất định phải đưa cha tôi tới phòng bệnh cách ly.”

Giường bệnh có ý nghĩa gì? Bởi vì không có giường bệnh, gia đình Lý Khai Mông sinh sống ở Hán Dương nhìn cha mình thở một cách khó khăn trong suốt 1 đêm, cuối cùng cũng tắt thở. Cha anh khi còn sống từng là một cán bộ được chuyển ngành từ quân đội, là trụ cột trong gia đình. Sau khi ông không may mất đi, xe chở xác của nhà tang lễ sau 10 tiếng đồng hồ mới tới nơi, bọn họ cũng rất bận rộn, một chuyến xe là chở tới mấy người.

Bà Trần Lực, nhân viên nghành đường sắt, sống ở Vũ Hán, cũng vì không có được giường bệnh điều trị, ngồi ở sảnh khám Bệnh viện Hán Khẩu suốt 3 ngày, cuối cùng không chịu đựng nổi, cấp cứu không được và qua đời. Bà cũng là bệnh nhân không trải qua quá trình chẩn đoán xác nhận bệnh, cũng không được đưa vào con số thống kê.

Bác sĩ tại một bệnh viện chỉ định điều trị dịch nói với phóng viên, bệnh viêm phổi virus Corona mới không có thuốc đặc trị, đối với các ca bệnh ở mức độ vừa và nhẹ, thì phương điều trị ngoại trú và nằm viện về cơ bản là không có sự khác biệt nhiều. Nhưng đối với các ca bệnh nặng nguy cấp thì có sự khác biệt rất lớn. Đối với những người một mực tự cách ly tại gia đình, nhưng cơ thể họ lại đã khó có thể cầm cự được mà nói, thì việc nhập viện điều trị đối với họ chính là hy vọng cuối cùng.

Từ ngày 27 tháng 1, cha của Đỗ Hồng Lợi bắt đầu không thể tiếp tục ăn, không thể nói ra tiếng.

“Bác sĩ đề nghị cha tôi và tôi tìm biện pháp để nằm viện, đặc biệt là cha tôi không thể chậm trễ thêm nữa, tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.”

Đỗ Hồng Lợi

Kết quả kiểm tra của bện viện Liyuan Vũ Hán cho thấy, bố của Đỗ Hồng Lợi với hai lá phổi bị tổn thương kính mờ nghiêm trọng, các đốm ở phổi được hiển thị rõ ràng, độ bão hòa oxy trong máu chỉ có 90, cho thấy bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng thiếu oxy nghiêm trọng.

Đỗ Hồng Lợi đã áp dụng tất cả mọi phương cách có thể đối với cha mình. Ngày 27 tháng 1, anh đi tới ban quản lý cộng đồng dân cư để đăng ký, nhưng đều không có kết quả. Chính anh ta cũng đã bị nhiễm trùng phổi, bị sốt nhẹ. Anh ta mượn bạn bè một chiếc minivan, gắng gượng đem cha mình đi tới các bệnh viện để tìm nơi nhận điều trị.

Bệnh viện 672 ở Vũ Hán nơi có hơn 300 giường bệnh, không có giấy nằm viện thì không cho vào; phân viện Hán Dương thuộc Bệnh viện Wuhan Union Hospital mới tiếp nhận điều trị với hơn 700 giường bệnh thì cũng nói với anh ta: Cần phải chờ đợi.

Ngày 28 tháng 1, Đỗ Hồng Lợi đi tới văn phòng khiếu nại của quận, tin tức nhận được vẫn là không có giường bênh; đi tìm Ủy ban Y tế Quốc gia cấp quận thì cũng nhận được câu trả lời là không cách nào giúp giải quyết, chỉ có thể đợi. Bởi vì không cách nào vượt tuyến để điều phối chữa bệnh cho bệnh nhận, chỉ có thể đợi ở bệnh viện thuộc khu vực sinh sống thu nhận điều trị.

Cha của Đỗ Hồng Lợi tham gia quân đội vào năm 15 tuổi, đã kịp tham gia vào chiến trường cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã từng là cảnh vệ cho hai vị tướng lĩnh cấp cao. Đỗ Hồng Lợi nói với phóng viên Tài Kinh, rằng hiện tại cả gia đình anh ta đều bị nhiễm bệnh, triệu chứng chóng mặt và tức ngực của bản thân cũng ngày càng nặng, không biết là có thể đem cha anh ta chạy vạy khắp nơi được bao lâu nữa.

Cha của Đỗ Hồng Lợi từng nhập ngũ từ năm 15 tuổi và tham gia chiến trường Triều Tiên.

Cha anh ta không ngừng nói với anh, bản thân ông không chết trên chiến trường vào mấy mươi năm trước, nhưng lại có thể chết vào lúc này bởi việc điều phối y tế đã mất kiểm soát.

“Mỗi ngày tôi nhìn thấy ở cổng bệnh viện ngoài những chiếc xe cấp cứu có số hiệu 120, thì còn lại chính là xe của nhà tang lễ, chỉ có thể tuyệt vọng và bất lực.”

Đỗ Hồng Lợi

Vì cha anh ta gặp khó khăn khi di chuyển, Đỗ Hồng Lợi mỗi ngày đưa ông đi tiêm thuốc ở phân viện Hán Dương thuộc Bệnh viện Wuhan Union Hospital, ngủ ở bệnh viện bên cạnh nhà tang lễ. Hoặc là vào sáng sớm thì đi tới xếp hàng nhận que giấy thử phản ứng ở Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, bệnh viện Wuhan Union Hospital, nhưng là mỗi ngày bệnh viện Union Hospital chỉ phát 100 phần, vừa phát ra thì đã hết. Cho đến khi phóng viên đăng bài, cha của Đỗ Hồng Lợi cũng vẫn chưa được nằm viện, bởi vì vẫn là không có cơ hội được chẩn đoán xác nhận bệnh hoàn chỉnh.

Một người dân Vũ Hán là cô Vương nói với phóng viên Tài Kinh, mẹ của cô đã bị sốc tuần hoàn 2 lần tại nhà. Mẹ cô bắt đầu uống và tiêm thuốc tại trạm y tế khu phố từ trước cuối năm. Ngày 23 tháng 1 bà cảm thấy không được khỏe một cách bất thường, bèn cùng đạp xe với chồng đi tới Bệnh viện Hán Khẩu, xếp hàng 12 tiếng đồng hồ mới có thể chụp CT, kết quả cho thấy: Nhiễm trùng hai phổi.

Cô Vương nói, vào thời điểm đó bệnh viện không có giọt thuốc nào để tiêm, ngay cả những thứ để chống cảm cúm thông thường như Oseltamivir cũng không đủ dùng, họ chỉ có thể đưa cho mẹ cô một lượng thuốc với liều dành cho trẻ em. Sau đó mẹ cô chỉ có thể quay về nhà tự cách ly, dựa vào máy thở oxy ở nhà để qua ngày.

“Có một lần mẹ tôi bị sốc tuần hoàn, cha tôi đã ôm lấy mẹ tôi và khóc, còn tưởng là bà ấy không qua khỏi.”

Trước đây, cả hai người đều nghĩ “có thể tự giải quyết thì tuyệt đối sẽ không làm phiền người khác”, nhưng sau khi trải qua hai lần hôn mê, họ không thể không bốc điện thoại lên và gọi cho con gái.

Nhưng là trước thời điểm này, cô Vương và chồng cô đều đã bị nhiễm bệnh, cô phải chăm sóc chồng đang bị sốt cao không dứt, chính phổi của cô cũng xuất hiện triệu chứng tổn thương kính mờ. Trong khi đó thì cô cũng không thể đi tới nhà cha mẹ vì đường phố đã bị phong tỏa, cô Vương bèn gọi cấp cứu 120 cho cha mẹ cô, nhưng là trước họ thì có tới gần 500 lượt người đang xếp hàng chờ.

“Vào thời điểm đó tổng đài 120 nói rằng từ 2 ngày trước thì những người gọi điện đều không được đưa vào bệnh viện, không có hy vọng gì cả.”

Cầm cự cho tới 3, 4 giờ chiều ngày hôm đó, hai người già vốn toàn thân đã không còn bao nhiêu sức lực, nhưng vẫn phải gắng gượng đạp xe đi tới bệnh viện.

Cô Vương tiếp tục gọi điện tới đường dây nóng của thị trưởng. Tới ngày thứ hai, đường dây nóng của thị trưởng hồi đáp:

“Cô cần phải báo cáo lên khu dân phố nơi cô ở, khu dân phố báo lên phường, phường phản ánh lại cho trung tâm điều phối. Nếu như có giường bệnh trống, trung tâm điều phối sẽ thông báo cho bệnh viện sắp xếp, sau đó sẽ sắp xếp cho cô.”

Giáo sư Diêu Lam, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu y tế sức khỏe cơ bản Trung Quốc thuộc Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung nói với phóng viên Tài Kinh, phát huy vai trò của hệ thống phục vụ y tế cơ bản, thực hiện điều trị phân cấp chính là một biện pháp hiệu quả để nhằm ngăn ngừa đám đông bệnh nhân đổ dồn tới các bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo.

Nhưng đối với những trường hợp bệnh nặng mà nói, mỗi một phút đồng hồ đều là dằn vặt giữa sự sống và cái chết, bọn họ không biết được phải mất bao lâu để chính quyền khu vực báo cáo lên trên và chờ đợi. Cô Vương nói,

“Từ đầu đến cuối thì khu vực đều có báo lên trên, bọn họ đều nói rằng không có biện pháp nào cả, chỉ là nói đang phản ánh lên trên, nhưng vào lúc nào thì sẽ có kết quả?”

Trơng giai đoạn này, họ đã gọi điện đến tất cả những nơi có thể gọi, tìm hết mọi mối quan hệ, cô Vương thậm chí còn gọi tới 110, cuối cùng 110 đưa cho cô một số điện thoại cố định, khi gọi tới thì đối phương nói rằng cô cần phải liên hệ với chính quyền khu vực.

Ngày 29 tháng 1, cô Vương cảm thấy rằng mẹ cô đã không còn có thể chống đỡ tiếp, cô Vương không còn cách nào khác một lần nữa gọi cấp cứu 120. 120 nói rõ rằng, chỉ có thể liên hệ tốt với bệnh viện về vị trí giường trống, thì mới có thể đưa xe tới đón.

Cô Vương nhớ tới rằng ở trên mạng cô có nhìn thấy tin tức, bệnh viện Wuhan Union Hospital thuộc Đại học Khoa học kĩ thuật Hoa Trung đã tăng thêm 700 giường bệnh, bèn nói với 120 đưa cha mẹ cô đi tới Wuhan Union Hospital. Khi tới bệnh viện thì đã là 9 giờ tối, nhân viên cấp cứu 120 nói,

“Người (ở bệnh viện) rất nhiều; hơn nữa họ không có thiết bị cấp cứu sơ cứu, những người xếp hàng nhiều tới mức có thể không đến lượt của cô.”

Liên quan tới hơn 700 giường bệnh đó, nghe nói rằng bởi vì đồ bảo hộ của y bác sĩ không đủ, tạm thời không thể toàn bộ tiếp nhận bệnh nhân,

“Bởi vì một khu mở cửa tiếp nhận hết công suất, y bác sĩ không có đủ thiết bị khi điều trị cũng sẽ bị lây nhiễm.”

Nhân viên cấp cứu 120 nói với cô Vương nhanh chóng lựa chọn bệnh viện tiếp theo, cô khẩn cầu nhân viên y tế đưa cha mẹ tới Bệnh viện Vũ Xương. Cô cầm lấy chăn, quấn quanh người, khi tới bệnh viện, cô Vương gặp cha mẹ lần đầu tiên kể từ sau ngày 20 tháng 1.

Khuôn mặt của họ tái nhợt, cha cô sốt cao 39 độ, đứng không vững, mẹ cô nằm ở trong xe cấp cứu thở oxy. Không còn giường bệnh, bệnh viện không tiếp nhận điều trị. Nhân viên 120 ở bên cạnh thúc giục, bọn họ đã dành ra 3 giờ đồng hồ ở bên cạnh gia đình này.

Vào thời điểm này, mẹ cô đưa ra quyết định. Bà khoanh tay hình chữ thập nói với nhân viên y tế,

“Tôi có chết cũng sẽ chết ở nhà, tôi không ra khỏi nhà nữa, đã không còn hy vọng gì rồi, cầu xin các anh hãy đưa tôi về nhà.”

Nhân viên 120 để cho cô Vương ký tên xác nhận, sau đó lại đem mẹ cô lên xe, đóng cửa xe.

Nhìn xe cấp cứu rời khỏi, cô Vương không còn nhịn được nữa. Cô quỳ xuống chiếc chăn và khóc to.

Cập nhật (2/10/2020, 9:23 AM): JHU online dashboard for tracking the worldwide spread of the coronavirus outbreak #nCoV2019 | https://bit.ly/2uABS02
Cập nhật (2/10/2020, 8:13 PM): JHU online dashboard for tracking the worldwide spread of the coronavirus outbreak #nCoV2019 | https://bit.ly/2uABS02

(Còn tiếp)

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Finance and Economics Magazine | Ngày 1 tháng 2 năm 2020 | Tống Vỹ biên tập | DCVOnline minh họa bổ túc.