Hiệu ứng Dunning-Kruger

The Decision Lab | DCVOnline

Tại sao chúng ta tưởng rằng mình giỏi về một lĩnh vực nào đó trong khi chúng ta thực sự không giỏi?

Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?

Hiệu ứng Dunning-Kruger mô tả những người thực sự kém trong một phương diện nào đó nhưng lại đánh giá quá cao khả năng và kiến ​​thức của họ trong lĩnh vực đó.

Biểu đồ này thể hiện mối quan hệ hình chữ U giữa sự tự tin và năng lực đặc trưng cho hiệu ứng Dunning-Kruger. The Decision Lab

Hãy nhớ lại thời ở tiểu học. Tất cả chúng ta đều biết một người bạn cùng lớp nghĩ rằng họ thông minh hơn họ thực sự thông minh. Hãy gọi người này là ‘Kiêu.’ Mặc dù Kiêu thường được điểm thấp hơn nhiều so với điểm trung bình của lớp trong các bài kiểm ở trường, anh ấy cũng hay giơ tay phát biểu nhiều hơn mức trung bình trong lớp. Kiêu luôn tự tin vào kiến ​​thức của mình về lịch sử, khoa học và văn chương, khẳng định với bạn bè rằng anh bị điểm kém vì phương pháp kiểm tra tồi và sự “bất cần” của anh ấy. Tuy nhiên, thầy cô và các bạn cùng lớp của Kiêu thấy rất rõ ràng anh không biết anh đang nói gì. Kiêu trước sau như một quyết định giơ tay phát biểu về những vấn đề mà anh ấy không biết. Kiêu không thể nhận ra sự kém cỏi của mình và dẫn đến sự tự tin thái quá; Kiêu hành động như vậy là do là hiệu ứng Dunning-Kruger.

Hiệu ứng cá nhân

Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể khiến chúng ta có những quyết định sai lầm trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình. Không có gì bí ẩn khi khả năng trong một lĩnh vực nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy quyết định trong lĩnh vực đó. Khi sự hiểu biết của chúng ta về một chủ đề hoặc kinh nghiệm với một công tác, tăng lên, chúng ta trở nên khá hơn trong việc xác định quyết định nào là tốt, quyết định nào là không tốt trong các lĩnh vực đó. Thành công trong quá khứ khiến chúng ta trở nên tự tin vào khả năng của mình bởi vì chúng ta thấy trước sự có thể thành công trong tương lai rất cao. Đây thường không phải là một vấn đề vì khả năng thực tế và nhận thức của chúng ta tương đối ngang nhau, điều này làm cho sự dự tính của chúng ta  về những điều có thể xảy ra khá hợp lý.

Tuy nhiên, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta giỏi hơn ở một phương diện nào đó so với thực tế thì sẽ có một khoảng cách giữa khả năng chúng ta nghĩ rằng mình có và khả năng thực tế. Khoảng cách này – hoặc sự đánh giá quá mức khả năng thực tế của chúng ta – là một vấn đề vì nó khiến chúng ta tin rằng có thể các quyết định của chúng ta sẽ là những quyết định tốt hơn là thực tế. Điều này có thể giải thích tại sao các thí sinh của những chương trình tuyển chọn tài năng phải đối diện với những sự thật phũ phàng, phải xấu hổ trước công chúng. Họ không biết mình không biết hát, do đó vẫn họ tự tin vào khả năng hát của mình – cho đến khi bị ban giám khảo loại.[1]

Những người bị ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger cũng ít có khả năng rút kinh nghiệm từ những sai lầm của họ. Sự quá tự tin của họ khiến họ sai lầm trong lúc đánh giá bản thân, và do đó, họ khó có thể biết những quyết định tồi tệ của mình là tồi tệ. Đây là một vấn đề, vì chúng ta chỉ học được cách quyết định tốt hơn bằng cách nhìn lại những sai lầm và thành công của những người đi trước.

Hiệu ứng hệ thống

Các quyết định do hiệu ứng Dunning-Kruger thúc đẩy có thể nhân lên để tạo ra các vấn đề mang tính hệ thống. Thách thức chính là nó có thể ngăn cản người có khả năng chuyên môn tiến đến giai đoạn quyết định. Nói cách khác, nó có thể ngăn cản những người thực sự thành thạo trong một công việc hoặc chủ đề đi đến quyết định trong lĩnh vực chuyên môn liên hệ.

Thường thì người ồn ào nhất trong phòng sẽ được chú ý nhiều nhất và làm chủ cuộc thảo luận. Trở lại ví dụ trước, khuynh hướng bày tỏ quan điểm thiếu hiểu biết của Kiêu có thể ngăn cản những học sinh sinh khác, thực sự giỏi hơn, tham gia thảo luận. Hiện tượng này cũng có thể ảnh hưởng đến các tổ chức lớn hơn, trong đó những người có khả năng nhất không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định; thay vào đó, những người tưởng là họ có khả năng lớn nhất được ưu tiên hơn. Khi loại người sau thay thế cho loại người trước, rõ ràng là đưa đến kết quả không tối ưu.

Tại sao nó xảy ra

Như đã nói trước đó, hiệu ứng Dunning-Kruger phát sinh từ khoảng cách giữa khả năng nhận thức và khả năng thực tế. Nhưng tại sao khoảng cách này lại xuất hiện?

Vấn đề kép

Khi chúng ta thiếu chuyên môn và khả năng trong một lĩnh vực, kết quả là chúng ta thường làm việc  kém hiệu quả. Phần thứ hai của vấn đề là những khiếm khuyết dẫn đến hiệu quả kém cũng khiến chúng ta không thể nhận ra chúng (những khiếm khuyết). Làm thế nào bạn có thể biết rằng bạn yếu kém ở một lĩnh vực nào đó nếu bạn không có dụng cụ để nhận ra sự kém cỏi của mình? Hãy tưởng tượng cố gắng chọn ra một cuốn sách viết thật hay nếu bản thân chúng ta không đủ kiến thức về ngữ pháp.

Do đó, những khả năng và kiến ​​thức cần có để giỏi một thứ gì đó chính là nhưng yếu tố người ta  cần sử dụng để nhận ra rằng họ không giỏi về một vấn đề nào khác. Điều này có nghĩa là nếu một người không có những khả năng đó, họ không chỉ kém cỏi mà còn không nhận thức được sự bất lực của chính mình.[2] Dunning và Kruger gọi đây là “gánh nặng kép”. Do gánh nặng kép, nhiều người trong chúng ta không thể đánh giá chính xác khả năng của bản thân trong một số lĩnh vực.

“Việc đánh giá quá mức xảy ra một phần là do những người không có kinh nghiệm trong những lĩnh vực này phải chịu gánh nặng kép: Những người này không chỉ đưa ra kết luận sai lầm và đưa ra lựa chọn không đúng, mà sự kém cỏi của họ còn cướp đi khả năng siêu nhận thức để nhận ra điều đó.”

Dunning và Kruger

Chúng ta không thể nhìn mình từ bên ngoài

Nhiều người đấu tranh với “siêu nhận thức” (metacognition, hậu thiết nhận tri), sự mô tả nhận thức của ai đó về suy nghĩ và hành vi của chính họ. Vì mục đích của chúng ta, chúng ta có khả năng (hoặc thiếu khả năng đó) để lùi lại và xem xét bản thân từ góc độ bên ngoài (hay một cách khách quan). Thực hiện được điều này thường rất khó, vì hầu hết chúng ta đã quen với việc nhìn thế giới và bản thân bằng đôi mắt của chính mình. Tuy nhiên, theo đánh giá ‘chủ quan’ này, chúng ta thường tự cho mình là người có khả năng và kiến ​​thức cao. Do đó, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc chấp nhận một cách nhìn thực tế hơn về khả năng của bản thân.[3] Điều này có ý nghĩa: khi chúng ta gắt gỏng hoặc thiếu cân nhắc, bạn bè hoặc người trong gia đình thường phải lên tiếng yêu cầu chúng bình tĩnh lại. Rất nhiều lúc, chúng ta thiếu ý thức về bản thân để nhận ra khiếm khuyết bản thân nhưng lại rất dễ nhận thấy chúng ở những người khác.

Việc thiếu ‘siêu nhận thức’ này cũng có thể liên quan đến việc bộ não của chúng ta sử dụng ‘phương pháp khám phá’ (giải quyết vấn đề bằng cách đánh giá kinh nghiệm, và tìm giải pháp qua thí nghiệm và rút tỉa khuyết điểm). Đây là những ngõ tắt tinh thần mà chúng ta sử dụng để đi đến quyết định một cách hiệu quả. Suy nghĩ và tự vấn bản thân cần nhiều thời gian và năng lượng. Vì vậy, những giả định về khả năng của chúng ta trong một số hoàn cảnh nhất định có thể là con đường tắt để giải quyết chúng một cách nhanh chóng.

Chúng ta muốn cảm thấy hài lòng về bản thân

Một lý do khác khiến chúng ta đôi khi gặp phải hiệu ứng Dunning-Kruger vì nó bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta. Không ai thích cảm thấy bản thân mình tồi tệ – và việc nhận ra rằng chúng ta kém cỏi ở một lĩnh vực nào đó có thể gây ra hậu quả này bởi vì nó có thể cho thấy rằng chúng ta thiếu thông minh. Do đó, chúng ta thường không muốn nhận lỗi là mình không biết (ngu dốt) với người khác hoặc với chính mình.

Phản ứng này có thể có ý thức hoặc ở tiềm thức. Có ý kiến ​​cho rằng tâm trí của chúng ta tạo ra một lớp bảo vệ tự nhiên để phản ứng theo cách này đối với những  hoàn cảnh mà chúng ta có thể không nhận thức được.[4] Đây có thể là lý do tại sao chúng ta có khuynh hướng đánh giá quá cao khả năng và kiến ​​thức của mình về các chủ đề khác nhau.

“Những người kém cỏi – và tất cả chúng ta đều là những người kém cỏi ở một số công việc hay phương diện nào đó – không nhìn thấy những sai sót trong suy nghĩ của họ hoặc những câu trả lời mà họ thiếu. Khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang ở mức tốt nhất của mình đôi khi là chúng ta ở mức tồi tệ nhất của mình một cách khách quan.”  

Dunning và Kruger

Tại sao nó quan trọng

Tuy vậy, chúng ta nên nhận thức được hiệu ứng Dunning-Kruger vì ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với việc chúng đi đến quyết định. Khi ai đó không có các dụng cụ (tức là kinh nghiệm hoặc khả năng nhận thức) để đi đến những quyết định sáng suốt, họ thường không đi đến quyết định đó vì rất có thể nó sẽ gây ra hậu quả bất lợi. Nhưng nếu ai đó không nhận thức được những thiếu sót của họ, họ sẽ đi đến những quyết định như vậy bất kể những tác động tiêu cực mà họ có thể sẽ gặp phải. Hơn nữa, bởi vì những người bị ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger tự tin vào khả năng của họ, có thể đầu tư một số tài nguyên và năng lượng đáng kể vào quyết định thiếu sáng suốt mà họ tin rằng sẽ  mang lại thành công. Điều này ở mức tốt nhất là điều không lý tưởng và ở mức tồi tệ nhất thì là hành động nguy hiểm.

Hãy xét hoàn cảnh một người lái xe trẻ tuổi tự tin vào khả năng lái xe của mình đến mức quyết định lái xe trên xa lộ giữa cơn bão tuyết nguy hiểm. Hoặc, trong một môi trường chuyên nghiệp, hãy nghĩ đến một giám đốc điều hành mạnh dạn đầu tư vào việc quảng cáo một sản phẩm mà họ không hiểu.

Cũng cần lưu ý rằng sự tự tin quá mức thường không mang lại điều lành cho người khác – đặc biệt nếu nó đặt sai chỗ. ‘Kiêu ngạo’ là một nhãn hiệu đáng tránh.

Làm thế nào để tránh

Dunning và Kruger cho rằng việc đánh giá quá cao khả năng của chúng ta là cao nhất khi chúng ta có hiểu biết hẹp về một chủ đề. Sự tự tin của chúng ta đạt đến điểm thấp nhất khi chúng ta không có hiểu biết, nhưng đi xuống từ đỉnh cao sai lầm của nó khi chúng ta có được sự hiểu biết đầy đủ hơn để phát giác ra những lỗ hổng trong kiến ​​thức của chúng ta. Ở đây, chúng ta thể hiện mức độ tự tin thấp hơn, nhưng thực tế hơn với khả năng của mình. Khi chúng ta có được kiến ​​thức chuyên môn khá, chúng ta cũng sẽ có được sự tự tin – nhưng bây giờ nó đã được đặt đúng mức, đúng chỗ. Thật vậy, các chuyên gia nên thể hiện sự tự tin cao vào khả năng của họ vì họ thường thực sự có khả năng. Biểu đồ ở đầu bài cho thấy mối quan hệ hình chữ U giữa sự tự tin và năng lực đặc trưng cho hiệu ứng Dunning-Kruger.

Nhưng điều này có liên quan gì đến việc tránh những tác hại có thể xảy ra của hiệu ứng Dunning-Kruger?

À, nếu khả năng nhận thức của chúng ta về một chủ đề phù hợp với khả năng thực tế của chúng ta bằng việc gia tăng kiến thức, thì một chiến lược có thể là thu thập kiến thức cho hiểu biết của chúng ta sâu rộng hơn. Thay vì cho rằng mình đã biết tất cả những gì cần biết về một chủ đề, hãy đi khám phá thêm về nó. Khi bạn hiểu rõ hơn về một chủ đề, bạn có thể sẽ nhận ra rằng vẫn còn nhiều điều để học. Điều này có thể giúp chống lại thói quen lầm tưởng chúng ta là chuyên gia khi thực sự chúng ta  không phải là chuyên gia.

Một chiến lược khác là yêu cầu người khác đánh giá kết quả việc làm của bạn. Hãy nhớ rằng, không dễ để chúng ta xem xét và đánh giá bản thân một cách khách quan.

Hiệu ứng Dunning-Kruger: sự va chạm giữa việc tự đánh giá bản thân và thực tế .
Minh họa: Kenneth Lim

___

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: The Dunning–Kruger Effect, explained | The Decision Lab

[1] Samson, A. (2017). The Behavioral Economics Guide 2017. Behavioral Science Solutions.

[2] Cherry, K. (2019, June 14). Dunning-Kruger Effect: Why Incompetent People Think They Are Superior. Retrieved June 26, 2020, from https://www.verywellmind.com/an-overview-of-the-dunning-kruger-effect-4160740

[3] Ehrlinger, J., Johnson, K., Banner, M., Dunning, D., & Kruger, J. (2008). Why the unskilled are unaware: Further explorations of (absent) self-insight among the incompetent. Organizational Behavior and Human Decision Processes,105(1), 98-121. doi:10.1016/j.obhdp.2007.05.002

[4] Duignan, B. (2019, July 26). Dunning-Kruger effect. Retrieved June 26, 2020, from https://www.britannica.com/science/Dunning-Kruger-effect

[5] Crew, D. (2019, February 14). Start-and-Up: Dunning-Kruger effect on startups. Retrieved June 26, 2020, from https://medium.com/swlh/start-and-up-dunning-kruger-effect-on-startups-19c0aa921688

[6] Why Startups Fail: Top 20 Reasons. (2020, February 03). Retrieved June 26, 2020, from https://www.cbinsights.com/research/startup-failure-reasons-top/