Về buổi ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia

Trịnh Bình An

tqhNgày 24/3/2013, Nhà Việt Nam vùng Maryland–Virginia–Washington, D.C. và Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã tổ chức một buổi ra mắt sách tại Virginia với sự hiện diện của một vị khách từ phương xa và cũng là người đồng điều hành Tủ Sách, ông Trần Phong Vũ.

Chiều Chủ Nhật cuối Đông, tiết trời đang ấm dần lên đột nhiên trở lạnh, thế nhưng bà con đồng hương vẫn vui vẻ đến tham dự đông đảo. Có khoảng 150 người, nhưng có thể hơn nữa vì nhiều người đứng đàng sau; nếu tất cả cùng ngồi xuống thì sẽ không còn ghế trống. Ban Tổ Chức đã khéo chọn một nơi thích hợp – Providence REcenter, một nhà sinh hoạt cộng đồng có vị trí thuận tiện gần lối rẽ từ xa lộ 495 (Capital Beltway). Buổi ra mắt sách được tổ chức trong hội trường PC. Trần nhà cao với những khuôn cửa sổ lớn tạo một không gian sáng mát và thoáng đãng nhưng vẫn hết sức ấm cúng, thích hợp cho một sinh hoạt văn học trang nhã.

Ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia, 2013. Nguồn ảnh: TBA
Ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia, 2013. Nguồn ảnh: TBA

Có thể nói đây là một buổi ra mắt sách có nhiều người bệnh!”

Đó là lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Khanh. MC này đã phải đáp một chuyến bay vội từ Texas về cho kịp buổi ra mắt sách của người bạn quý. Người thứ nhất ngã bệnh là ông Nguyễn Cao Quyền – ông đã chuẩn bị một bài giới thiệu “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” công phu. Thật không may, ông Quyền đã phải vào bệnh viện vì bị stroke nhẹ. Bài của ông Quyền đã được ông Hoàng Song Liêm – một người gắn bó lâu năm với Tủ Sách – đọc.

Người thứ hai cũng đột nhiên bị bệnh là ông Lê Thiệp. Cả hội trường im lặng khi ông Thiệp cho biết đang phải điều trị bệnh ung thư gan thời kỳ chót. Ông Thiệp thú nhận đã từng phản đối ông Uyên Thao chuyện xuất bản sách vì lượng độc giả ngày càng thưa thớt đi. Nhận định của ông Thiệp không sai nhưng không sao lay chuyển được ý chí của một người nổi tiếng cứng đầu là Uyên Thao. Cuối cùng ông Thiệp đã thua, không những không cản được sự hình thành Tủ Sách mà chính ông đã phải trở lại với giấy bút để cho ra đời ba tác phẩm. Giờ đây, với căn bệnh ngặt nghèo, ông Thiệp vẫn đang miệt mài với cuốn thứ tư. Giọng ông Thiệp khao khao yếu, nhưng mọi người nghe rất rõ những lời nói từ tận đáy tim.

Diễn giả thứ hai, khá bất ngờ, là ông Hoàng Khởi Phong. Trong hai năm qua ông Phong đã vắng bóng vì ông về nước sống. Ông Phong kể về lúc ông lập nhà xuất bản Bố Cái (1977). Lúc đó sinh hoạt văn học của người Việt tại Mỹ hãy còn thưa thớt, sách in ra không có nơi riêng để bán. Một hôm ông Phong thấy sách mình bày trong một tiệm tạp hóa, cạnh mấy hũ dưa cà, mắm muối; thế là ông nổi sung, bỏ không in sách nữa. Vả lại, công việc nặng nhọc của một người thợ tiện không cho phép ông dành nhiều thời gian cho chữ nghĩa. So với Tủ Sách, ông Uyên Thao tuy sức khỏe kém nhưng có thể dành toàn thời gian cho việc đọc, sửa và trình bày, nên dù khó khăn, Tủ Sách vẫn sống. Tính tới ngày hôm Tủ Sách đã xuất bản được 63 tác phẩm.

Sau hai tin dữ, mọi người nghe được một tin vui, đó là khi ông Phong cho biết tình hình Việt Nam hiện tại đang rất đáng hy vọng. “Trước kia là con đường dài 10 kilômét, nay chỉ còn dài độ trăm thước”, ông Phong nói, và những tác phẩm văn chương từ hải ngoại hơn bao giờ hết trở nên hết sức cần thiết. Chúng là vũ khí tiếp sức cho đồng bào đứng lên dành lại quyền làm chủ vận mệnh chính mình.

Phát biểu của ông Hoàng Khởi Phong như ngọn gió thổi bùng mối ưu tư của những người Việt xa xứ nhưng hằng quan tâm tới hiện tình đất nước. Chính mối ưu tư ấy đã đưa họ tới buổi ra mắt sách này, nơi cùng lúc giới thiệu 4 tác phẩm văn học mang đậm màu sắc đấu tranh: “Dạ Tiệc Quỷ” của Võ Thị Hảo, “Phiên Bản Tình Yêu” của Vũ Biện Điền, bản dịch“Thú Người” của Dương Hoàng Dung [nguyên tác “Herztier” của Herta Müller], và “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” của Trần Phong Vũ.

Không sợ quá lời khi bảo những tác phẩm ấy sẽ không ra đời nếu không có sự lèo lái khéo léo về mặt tài chính của ông Trần Phong Vũ. Thế nhưng ông Vũ không đến đây để kể lể những khó khăn của Tủ Sách. Ông cũng chỉ nói về cuốn sách của mình một lời ngắn gọn: “Cuốn sách ấy chỉ nhằm nhắn gởi những người lớn chúng ta một điều: rằng mình cần làm gì trong lúc này”. Ông Vũ dành nhiều thời giờ nói về hai tác giả trong nước là Võ Thị Hảo và Vũ Biện Điền, những người cầm bút dũng cảm, vì một khi họ đồng ý giao tác phẩm vào tay Tủ Sách tức là họ đã bất chấp mọi sự trả thù của nhà cầm quyền cộng sản.

Ông Vũ còn chia sẻ một sự hân hoan của ông và những người bạn ông là niềm vui khi được sự cộng tác của Dương Hoàng Dung – một người được đào tạo hoàn toàn dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam. Thế nhưng sau khi vô tình đọc được những sách của TS Tiếng Quê Hương, Hoàng Dung đã bừng thấy sự thật để rồi quyết tâm ủng hộ Tủ Sách với bản dịch tác phẩm Nobel Văn Chương 2009 “Herztier”.

Với những ai từng nghe Trần Phong Vũ trên các đài phát thanh hay diễn đàn Paltalk sẽ ngạc nhiên khi thấy ông cụ 80 này vẫn còn quá khỏe. Ông Nguyễn Văn Khanh kể rằng mỗi khi gặp ông Vũ, cả hai đều tranh luận rất sôi nổi, và người bị thua thường là ông Khanh. Với giọng nói sang sảng, dằn giọng ở những chữ cần nhấn mạnh, ông Vũ phát biểu dứt khoát và hùng hồn như một giáo sư trong giảng đường. Ông Khanh nói rất có lý vì tuy là một thông tín viên giọng tốt hơn người, ông Khanh vẫn còn phải thua ông Vũ vài decibel!

Ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia, 2013
Ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia, 2013

Một “giọng nam trầm” khác làm không khí thêm sâu lắng là của Uyên Thao. Do không nghĩ mình “bị” lên phát biểu nên ông đã không chuẩn bị. Hên cho ông, trong túi đâu có sẵn bài thơ, bèn lôi ra đọc. Bài thơ của một thi sĩ chết trẻ mà Tủ Sách dự định sẽ in lại những bài thơ của ông nay mai, đó là nhà thơ Quách Thoại.

Buổi ra mắt sách được điểm xuyết với bốn giọng ca du dương của Đèo Văn Sách, Sĩ Tuấn, Loan Phượng và Hoàng Cung Fa cùng tiếng nhạc do Chí Thành và Hùng DJ đảm trách. Ngoài ra, mọi người còn được thưởng thức những món ăn ngon miệng. Đây là một đóng góp thân thương của những thành viên Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn. Những phụ nữ trong tà áo dài, bận rộn bếp núc mà vẫn duyên dáng, không tiếng động mà đầy tận tụy ân cần.

Giọng nữ duy nhất cất lên trong buổi ra mắt sách là của bà Lê Thị Nhị. Thay mặt Tủ Sách Tiếng Quê Hương, bà cám ơn mọi người đến tham dự. Bà Nhị cũng kêu gọi sự tiếp tay bằng cách ghi danh làm bạn đọc dài hạn của Tủ Sách.

Buổi ra mắt sách lần này đáng gọi là một thành công.

Thành công ở đây là do được sự quan tâm ủng hộ của nhiều người: người tham dự, người mua sách, và người góp sức tổ chức. Tất cả đã đến không nhằm ăn ngon miệng, nghe bùi tai, mà đến vì trong lòng ít nhiều thôi thúc bởi một băn khoăn trăn trở về vận mệnh dân tộc.

Những người mua sách chiều hôm ấy vẫn biết mình rồi sẽ mang về nhà một thứ văn chương khó tiêu hóa – sách của Tủ Sách vẫn nổi tiếng “khó đọc”, thế nhưng, vẫn mua. Họ mang những cuốn sách ấy về nhà, nghĩa là, mang luôn theo tiếng kêu thống thiết của đồng bào ruột thịt, đó là một chia xẻ đáng quý.

Vì đáng quý nên được cảm kích. Võ Thị Hảo, trong bức tâm thư “Đôi Lời Cùng Bạn Đọc”, đã mở lời tâm sự:

Kính thưa quý bạn đọc,

Khi ngồi trước trang viết, tôi cứ nghĩ rằng, nghề viết, nói cho cùng, là đi nhặt nhạnh những mảnh tan tác của loài người và gắn chúng lại bằng việc cổ vũ con người nỗ lực cho nhân tính, công lý và tự do. Nghề viết có cao thượng chăng? Nếu có là ở chỗ người viết không man trá về những điều mình biết. (…) Có quá nhiều điều đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà riêng việc lãng quên hoặc cố tình không nói đến nó cũng đã là tội ác (…)

Xin trân trọng cám ơn Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã đón nhận “Dạ Tiệc Quỷ” và đưa tác phẩm mà tôi dành nhiều tâm huyết này đến với công chúng. Xin cảm tạ các bạn đọc của tôi – những tri âm lặng lẽ mà tôi luôn hàm ơn.”

Và Nguyễn Đắc Kiên – nhà báo trẻ tuổi đã dám công khai chỉ trích phát biểu của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng – trong “Vài Lời Gửi Bạn Đọc” cũng có những giãi bày hết sức chân thành:

Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi đọc tạp bút “Giấy Bút Lầm Than” của bác Uyên Thao. Tôi như thấy chúng tôi, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, hiện thân trong bác Uyên Thao, trong những phóng viên, biên tập viên của báo Sóng Thần ngày đó. Đó là một thứ mạch ngầm của tinh thần dân tộc, tinh thần tự do, gắn kết tất cả chúng ta, mà chẳng có sức mạnh khủng bố dã man nào có thể tiêu diệt nổi.

Đọc những áng thơ, văn của người Anh, người Pháp, người Đức … tôi thầm thán phục khi phát hiện ra những nội hàm triết học sâu xa trong ngôn ngữ của họ. Tôi khát khao một ngày nào đó, ngôn ngữ Việt mình cũng giàu mạnh như thế. Tôi cũng ấn tượng với những tủ sách đồ sộ trong nhà họ, trong thư viện của họ, và tôi ước một ngày nào đó mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một tủ sách, một thư viện như thế.

Vào cái ngày đó, chúng ta chẳng cần có một “lãnh tụ thiên tài”, “lãnh tụ vĩ đại” nào, dân tộc ta vẫn cứ hùng mạnh, vẫn cứ hiên ngang giữa năm châu mà chẳng một thế lực nào dám lăm le xâm chiếm. Vì lẽ đó, đôi khi tôi nghĩ rằng, hàng tỷ đôla kiều hối mỗi năm gởi về Việt Nam, nếu chuyển bớt thành sách vở, tri thức thì có lẽ sẽ tốt hơn.”

Sắp tới đây Tủ Sách sẽ cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Hãy Ngẩng Mặt” của Nguyễn Đắc Kiên. Nó có thể không là một tác phẩm văn chương – theo nghĩa văn chương thuần túy, nhưng chắc chắn, nó sẽ góp phần tạo nên cái tủ sách, cái thư viện ấy, để khẳng định rằng người Việt Nam không khuất phục, người Việt Nam đã từng sống, và, đã từng là Con Người Tự Do.

© 2013 DCVOnline


Ghi chú:

Nguyễn Văn Khanh – Giám đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA).

Nguyễn Cao Quyền – Cựu thẩm phán ngành Quân Pháp QLVNCH. Tác giả “Việt Nam trong chiến tranh tư hữu”, “Việt Nam trong viễn tượng dân chủ toàn cầu”.

Lê Thiệp – Cựu phóng viên báo Sóng Thần (Sài Gòn 1971-1974). Tác giả “Hồi ký Đỗ Lệnh Dũng”, “Chân ướt, chân ráo”, “Lững thững giữa đời”.

Hoàng Khởi Phong – Cựu sỹ quan QLVNCH. Tác giả: “Mặt trời lên”, “Thư không người nhận”, “Người trăm năm cũ”.

Trần Phong Vũ – Cựu giáo sư môn Quốc Văn Đệ Nhị Cấp tại các trường Lasan Taberd, Nguyễn Bá Tòng. Nguyên chủ bút nguyệt san “Diễn Đàn Giáo Dân” California. Tác giả “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II -Vĩ Nhân Thời Đại”, “Tuyển Tập Trần Phong Vũ”.

Uyên Thao – Cựu tổng thư ký báo Sóng Thần. (Sài Gòn 1971-1974). Tác giả “Trong ánh lửa thù”, “Gươm thiêng trấn quốc”, “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960”, “Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970”.

Lê Thị Nhị – Phó chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn (VLAC). Tác giả “Đôi mắt hoàng hôn”, “Sóng thời gian”.

Xem thêm:  Tủ sách Tiếng Quê Hương với 3 tác phẩm mới”, Đinh Quang Anh Thái phỏng vấn Trần Phong Vũ, nguoi-viet.com

16 Comments on “Về buổi ra mắt sách Trần Phong Vũ tại Virginia

  1. Cám ơn tg TBA đã tường thuật về một buồi ra mắt sách rất thú vị, không chỉ về buổi RMS mà cả những tâm tình của các diễn giả và tác giả …

    Trong thời đại internet, khi mà tràn đầy sách vở, tin tức để đọc trên net, việc mở và duy trì một nhà xuất bản của bác Uyên Thao thật đáng cảm phục và cũng không khỏi … ngậm ngùi, như tên đặt “Tiếng Quê Hương”

    Nghĩ sâu, “Tiếng Quê Hương” tên thật hay: “Một Sứ Mệnh.”

  2. Lần đầu tiên post còm bằng Disqus. Thấy có vẻ dễ dàng hơn mấy hôm trước, nhất là không phải gõ CAPTCHA mỏi mắt quá. Xin cám ơn BBT.

    Về bài chủ: Như tác giả TBA viết “buổi ra mắt sách lần này đáng gọi là một thành công”, tôi thấy bài viết này cũng đáng gọi là một thành công, vì vừa nói lên được tinh thần dấn thân của nhóm chủ trương Tủ sách TQH, lại vừa ghi nhận và gói ghém được các điểm chính của chương trình, giúp cho những người dù không có mặt ở đó vẫn biết được một buổi sinh hoạt rất “lạ” trong sinh hoạt sách báo hải ngoại.

    Tại sao “lạ” ? Thì riêng chuyện tác giả Trần Phong Vũ “chỉ nói về cuốn sách của mình một lời ngắn gọn” bộ không phải đã là sự kiện chưa từng xảy ra (so với cả ngàn buổi “ra mắt sách” ở hải ngoại mấy chục năm qua) hay sao? Sự khiêm nhượng và khả năng tự chế của ông này thật đáng ngưỡng mộ.

    Trở lại với Tủ sách TQH, cuốn sách sắp tới (Hãy Ngẩng Mặt, tập thơ Nguyễn Đắc Kiên) chắc chắn sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Chỉ cần đọc 7 bài thơ của nhà báo trè tuổi này trên Đài RFA là có thể đoán trước điều đó.

    <a
    href=http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nguyendackiens-poems-ml-03022013151638.html?searchterm=th%C6%A1+Nguy%E1%BB%85n+%C4%90%E1%BA%AFc+Ki%C3%AAn
    target=Thơ Nguyễn Đắc Kiên

    • Ở cuối cái còm trên đây tôi đã thử post đường dẫn (link) “thơ Nguyễn Đắc Kiên” – trong chương trình phát thanh của Đài RFA ngày 02 tháng 3 – theo kiểu tôi vẫn dùng lúc trước để viết còm trên DCVOnline, nhưng bây giờ link không hiện ra. Xin BBT hướng dẫn cách post link trên Disqus, vì nếu dẫn được link sẽ rất tiện lợi cho các diễn đàn viên khi muốn tham khảo thêm. Đa tạ.

      • Chào bạn đọc Nham Thạch Quân:

        Trích Diễn đàn DCVOnline – Điều lệ sinh hoạt (Posted on March 29, 2013)

        “Được giữ lại ở diễn đàn là những bài viết, ý kiến:

        – Viết gẫy gọn súc tích
        – Thích đáng và nằm trong đề tài của bài chủ
        – Bài dùng Unicode, có đánh dấu
        – Nếu là bài của tác giả khác, cần có giới thiệu rất ngắn và nguồn rõ rệt, nhưng không dùng URL.
        – Đóng góp với cuộc thảo luận/tranh luận/đối thoại không lập lại những điểm đã được đề cập đến.”

        Tóm lại, Diễn đàn DCVOnline nay không dùng link (URL) nữa.
        DCVMods

  3. Bài viết hay nhưng đọc tự nhiên thấy buồn. Còn vài trăm thước thôi… mong các bác nán lại để uống vài chai bia với nhau nơi bến sông Sài Gòn hay bờ hồ Tây Hà Nội, các bác ơi!

  4. cứ lung tung xòe, nick nguoivehuu của lão biến bố nó đâu rồi?

    • Đại danh ta cũng uy chấn giang hồ mà họ cũng cho biến đâu mất . Thôi, cái mạng già còn chưa chắc đã giữ nổi, ních niếc thì sá gì, Lão khọm ạ

      • “Le style, c’est l’homme”, ông tây Buffon đã phán câu nói để đời này phải không thưa quý bác ? Nếu quả như thế thì, thưa bác nguoivehuu và bác Fox, dù cho các bác ký “guest” để viết còm hay là xài nick gì gì đi nữa thì bàn dân thiên hạ chỉ đọc vài chữ đã nhận ra ngay, cũng như cao thủ uy chấn giang hồ xuất hiện chẳng cần xưng danh, chỉ phóng nhẹ một chiêu đã lập tức được cung kính chào hỏi đấy mà 🙂

        Tuy nói vậy chứ kẻ hậu sinh này vẫn ngày ngày trông ngóng tứ hải anh hùng tề tựu trở về để không khí Hoa Sơn lại vui vầy tấp nập như xưa. Hôm nay đã thấy có thêm mấy test entries rồi, hy vọng ngày mai sẽ được đọc một loạt còm mới của quý bác. Kính.

  5. Nước non vốn nước non nhà,
    Hơn ba triệu vẫn chung là anh em
    Ai cầm bầu rượu nắm nem
    Mảng chơi quơn hớt lời em 7-Hiền
    Đi đâu thì nhớ chớ quên
    Bạn Đời ơi hỡi, Trung kiên à ời…
    Mau mau ta nhắn đôi nhời…
    Thôi thôi chín bỏ làm mười ấy a
    Lê Văn còn đứng kia, mà.
    Milite Xăng đá cũng là ăn nem…

  6. Bao lâu nay, mình là trừ bị Thủ Đức 4100. Nay xin sang hiện dịch 4027,
    mang bảng tên cũ mèm là Ý Thiêng.
    Hy vọng sẽ là lực sĩ Marathon đường trường xa về Sàigòn báo tin mùa
    Cộng Hòa lại nở dưới ánh chiêu dương.
    Mềnh chờ mong các người thù ngựa hoang Trung Kiên, Bạn Đời mỏi cả mắt .
    Quân sư Lei Vann bị mềnh truy kích, giận lẫy hổng thèm đá banh nữa zồi !