Ngôi sao Việt Nam đang mờ dần
William Pesek – DCVOnline lược dịch
Như những nền kinh tế có-thể-là con hổ, Việt Nam đang phải đương đầu với những quả đấm liên hoàn: một châu Âu tê liệt vì khủng hoảng, một nước Mỹ sút kém, và một Nhật Bản bắt đầu hoang phí. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của Việt Nam có thể là nỗi luyến tiếc cũ.
Đã được 27 năm kể từ khi Hà Nội áp dụng chính sách “Đổi mới”, cho phép các công ty tư nhân tham gia vào nền kinh tế và mở cửa lĩnh vực then chốt như nông nghiệp. Sự tăng trưởng nhanh chóng ngay sau đó đã đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình, chuyển vùng đất một thời chiến tranh tràn ngập thành một thí dụ tiêu biểu về phát triển và xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, mô hình mẫu của Việt Nam từ năm 1986 để xây dựng một “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã trở nên lỗi thời.
Dữ liệu gần đây cho thấy chiến lược, kiểu Trung Quốc – mà Việt Nam áp dụng cho đến nay phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nhà nước và lập kế hoạch từ trên xuống – hiện đang giữ cho Việt Nam dậm chân tại chỗ. Việt Nam đang tụt dốc trên bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh toàn cầu trong khi mức tăng trưởng giảm lại còn khoảng 5 phần trăm, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Để phục hồi, Việt Nam cần phải làm những gì Việt Nam đã tránh không làm từ đó đến nay: xây dựng một khu vực tư nhân thực sự năng động và sáng tạo có thể đa dạng hóa sự tăng trưởng và tạo nên sự thịnh vượng.
Không bảo có gì bảo đảm
“Một sự hiệu chuẩn lại hoàn toàn nền kinh tế là điều kiện cần thiết để đạt được sự tăng trưởng mạnh một lần nữa,” Vaninder Singh, chuyên viên kinh tế Singapore của Royal Bank of Scotland Group Plc nói. “Điều này không được bảo đảm vì nó đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu doanh nghiệp và cải thiện năng suất.”
Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý chí chính trị để hiện đại hóa nền kinh tế trị giá 124 tỉ đô-la của Việt Nam hay không? Quỹ Tiền tệ quốc tế dường như đã nghi ngờ về khả năng này. IMF gần đây cắt giảm dự báo năm 2014 cho Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, giảm xuống 5,2 phần trăm. Đây có thể là con số lớn trong một thế giới mà nhóm bảy cường quốc hầu như không phát triển. Nhưng đối với một nền kinh tế 90 triệu người ở giai đoạn phát triển của Việt Nam, thì con số đó là không khác gì một cuộc khủng hoảng.
Khi họ đưa ra chính sách đổi mới, giới nhà lãnh đạo tại Hà Nội tin rằng họ đã theo mô hình của Trung Quốc đã thành công kỳ diệu. Cách đi của Việt Nam tiệm tiến hơn, và thận trọng hơn cách của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, sức đẩy lớn không khác nhau và bây giờ đã bắt đầu sinh sản cùng những vấn đề.
Trung Quốc con
Như Trung Quốc, Việt Nam đang bị một hệ thống phân bổ tín dụng méo mó, bị các công ty nhà nước chi phối. Quyết định cho vay thiếu thận trọng của họ đã làm bong bóng bất động sản bùng lên nột cách nguy hiểm và các khoản nợ xấu đã vùi dập nhiều ngân hàng. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn hơn, kết quả là những xung đột căng thẳng giữa công nhân đòi tăng lương và các ngành công nghiệp được xây dựng trên lao động giá rẻ. Tóm thâu ruộng đất và tư nhân hóa để làm giầu cho phe cánh chính trị khiến quần chúng thêm phẫn nộ. Tham nhũng tràn lan đang xói mòn tính chính đáng của đảng cầm quyền.
Việt Nam không thể tiến bộ nếu không tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khu vực sản xuất gần 40 phần trăm tổng sản phẩm trong nước. Các chuyên viên kinh tế của McKinsey & Co. ước tính rằng Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động hơn 50 phần trăm để duy trì mức tăng trưởng lành mạnh. Không cần có một giải thưởng Nobel về Khoa học Kinh tế người ta cũng hiểu rằng chỉ có một khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ mới có thể làm điều đó.
Lý do để lo ngại
Vào tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung đã hứa rằng chính phủ sẽ công bố một kế hoạch thay đổi lớn 52 tập đoàn nhà nước vào tháng Sáu. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quá khứ, có nhiều lý do để tin rằng những cải cách sẽ thiếu chi tiết cụ thể hoặc không có hiệu lực. Chính phủ này đã bỏ lỡ một điểm mốc để lập một công ty quản lý tài sản nhằm giải quyết nợ xấu của ngân hàng. Những cam kết kiềm chế đầu tư hoang phí bằng công quỹ, giới hạn cho vay, kiểm soát doanh nghiệp nhà nước không chỉ là những luận điệu quen thuộc – những lời nói suông đó đang trở nên hết sức đơn điệu.
Câu hỏi đặt ra là liệu đội ngũ của ông Dũng có thể thực hiện một cách đáng tin bất kỳ cam kết cải tiến rất cần thiết nào hay không, khoan nói hết cả ba. Ở đây, người ta không nên đánh giá thấp vai trò của tham nhũng. Cũng như Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Dũng phải đối đầu với một vấn đề không-cộng sản duy nhất. Đó là có quá nhiều đảng viên cao cấp àm giàu từ mô hình hiện tại của Việt Nam. Những chiến lợi phẩm này của đảng viên đảng CSVN làm giảm động lực đua đến sự thay đổi.
Hối lộ đã tăng tỷ lệ nghịch với múc tăng trưởng của nền kinh tế. Trên bảng Chỉ số Tham năm 2012 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đã tụt hạng từ 112 (2011) xuống thứ 123 trên 176 quốc gia, tệ hơn cả Sierra Leone và Belarus. Trong khi đó, trên cùng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã giảm 10 bậc xuống vị trí thứ 75, tụt hậu so với Uruguay và Ukraine.
Nhìn về phía trước
Thách thức của Việt Nam tương đối dễ giải quyết hơn so với thách thức của Trung Quốc: những công ty nhà nước của Việt Nam nhỏ hơn, quyền lợi của chúng ít phổ biến và mạnh mẽ. Nhưng hành động từ từ không còn là một lựa chọn. Đây là thời gian để Việt Nam phát triển mô hình riêng cho mình, một mô hình loại bỏ hẳn những nguồn gốc tham nhũng, đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt như công nghệ sản xuất, giáo dục và, và cho quyền các doanh nghiệp leo thang giá trị gia tăng.
Trong nhiều năm qua, các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á, như Myanmar và Cambodia, đã nhìn vào Việt Nam để lấy ý cách nền kinh tế của mình. Việt Nam có thể là một mô hình kiểu mẫu một lần nữa. Việt Nam cần nhìn về phía trước, không ngoái đầu trở lại.
© 2013 DCVOnline
Nguồn: Vietnam’s Star Is Dimming. William Pesek. Bloomberg, May 9, 2013.
Nếu nhìn rộng sang các nước Cộng Sản khác như Nga, Trung Quốc thì có thể thấy tại các nước này những kẻ đã đã cầm quyền từ thời kinh tế tập trung ngày nay vẫn tiếp tục cầm quyền. Ngày nay, họ phải “đổi mới”, theo kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng cho nhà nước. Tại Nga, tuy đã có cuộc cách mạng dân chủ nhưng Putin, kẻ theo CS từ thời trước khi lên cầm quyền cũng dựng lại vai trò quan trọng của nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân không được tạo điều kiện để phát triển mạnh.
Đó là những kẻ nắm được chính quyền bằng sức mạnh, bằng vũ lực. Họ muốn dùng kinh tế để phục vụ cho quyền lực của họ nên dành ưu tiên cho kinh tế nhà nước. Tại các nước dân chủ, tổng thống không lên cầm quyền bằng cách cướp chính quyền hay dùng mật vụ để bảo vệ địa vị mình. Và họ cũng bị chính sách phân quyền, các sự giám sát để ngăn cản họ vạch ra chính sách chỉ phục vụ cho riêng phe nhóm của họ.
Trích: “Như Trung Quốc, Việt Nam đang bị một hệ thống phân bổ tín dụng méo mó, bị các công ty nhà nước chi phối. Quyết định cho vay thiếu thận trọng của họ đã làm bong bóng bất động sản bùng lên nột cách nguy hiểm và các khoản nợ xấu đã vùi dập nhiều ngân hàng.”
Chính sách đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị của Trung Quốc lúc đầu có vẻ rất đẹp đẽ, rất hấp dẫn với các đảng viên CS vì họ vừa có thể giữ được quyền lực, vừa có thể làm cho kinh tế phát triển, ngày nay đã lộ ra các nhược điểm của nó.