Cát Tiên: thánh địa ở cực nam Champa
Ja Karo
Quần thể Cát Tiên nằm trên lãnh thổ của huyện Cát Tiên, phía tây bắc tỉnh Lâm Đồng, giữa Biên Hòa và phố Bảo Lộc. Đây là đất đai của Panduranga, tiểu vương quốc ở miền nam Champa.
Từ ngã ba thị trấn Madagui vào khu vực Đạ Tẻ, theo tỉnh lộ 721 đi khoảng 40km vượt qua dốc Khỉ là tới thánh địa Cát Tiên. Thánh địa nằm trong một bồn địa nhỏ, các dãy đồi bát úp vây quanh thành một vòng cung gần như khép kín, nối với bồn địa lớn Cát Tiên bằng một hành lang hẹp. Dòng sông Đạ Đờng quanh co tạo thành một vòng cung lớn quanh Cát Tiên.
Cát Tiên được biết đến qua “Vườn quốc gia Cát Tiên” đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Cát Tiên còn có một di tích nổi tiếng, đó là “Thánh địa Cát Tiên”, được công nhận di tích lịch sử quốc gia Viêt Nam năm 1997, và gần đây được Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Ai là chủ nhân của thánh địa Cát Tiên?
Cho đến nay các nhà khoa Việt Nam đang tranh luận để xác định ai là chủ nhân của thánh địa này.
Nếu như hầu hết các di tích đền tháp Champa được các chuyên gia người Pháp tìm thấy vào đầu thế kỷ 20, thì thánh địa Cát tiên ở tỉnh Lâm Đồng được xem là một thành tựu lớn của khảo cổ Việt Nam, tìm thấy rất muộn vào năm 1985, với 8 lần đầu tư khai quật, tìm thấy 12 gò đất có kiến trúc gạch cổ, 4 khu phế tích kiến trúc tháp thờ và 1 đền mộ xây chủ yếu bằng gạch.
Thánh địa Cát Tiên là trung tâm tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Giáo, thờ ngẫu tượng Linga-Yoni với nhiều đền tháp, mộ tháp, đài thờ, máng dẫn nước, v.v. Quần thể Cát Tiên xây phần lớn bằng gạch, qua thời gian đã đổ nát, chỉ còn lại một phần dấu tích xưa. Nơi đây có hơn 1.100 hiện vật được tìm thấy qua các cuộc khai quật. Chúng được chế tạo bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, thiếc, đồng, sắt, đá quý, gốm sứ, gạch ngói và đá.
Các hội thảo khoa học tại Việt Nam đã được tổ chức để tìm hiểu, nghiên cứu và khẳng định giá trị văn hóa lịch sử của khu thánh địa này. Nhưng ai là chủ nhân của khu thánh địa Cát Tiên vẫn còn là một câu hỏi chưa có sự trả lời thống nhất trong giới khoa học Việt Nam hôm nay.
Theo hội thảo khoa học về khu di tích Cát Tiên đã được tổ chức tại huyện Cát Tiên vào tháng 3 năm 2000, các nhà khoa học cho rằng Cát Tiên là thánh địa của một tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Về loại hình kiến trúc, Cát Tiên gần gũi với các kiến trúc Chămpa và Chân Lạp, đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng với hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam Bộ. Nhưng về vấn đề chủ nhân của khu di tích Cát Tiên, có nhiều ý kiến trái chiều.
Đến nay nhiều người chỉ biết đến Cát Tiên là quần thể kiến trúc của Bà La Môn Giáo có niên đại khá sớm còn tồn tại cho đến nay ở khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Ts. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng: “Giá trị của các di sản ở đây không chỉ bó hẹp trong một vùng địa phương hay quốc gia mà còn phản ánh mối quan hệ trao đổi, tiếp nhận và cải biến văn hóa rộng rãi cả về không gian và thời gian với các nền văn hóa và văn minh láng giềng và trong khu vực…”
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, thánh địa Cát Tiên nằm trong không gian văn hóa xã hội Mạ có nghĩa là nó thuộc “vương quốc Mạ”. Cùng ý kiến với Gs. Trần Quốc Vượng, Gs. Lương Ninh thì cho rằng “chủ nhân Cát Tiên là dân bản địa vẫn tồn tại sinh sống từ xưa đến nay ở thượng lưu sông Đồng Nai, một bộ phận nói ngôn ngữ Nam Á, bộ phận mà ngày nay được gọi là người Mạ, họ không thể là Khmer, Chăm hay Phù Nam. Họ không có yếu tố Nam Đảo, yếu tố biển.”
Theo Ts. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam): “Di tích này thuộc nền văn hóa riêng biệt, có nét tương đồng với các nền văn hóa xung quanh nhưng nét riêng vẫn mang tính nổi trội.” Di tích này có niên đại khoảng từ thế kỷ V-IX; một bộ phận nhóm người Môn-Khmer, chủ nhân vùng đất Nam Bộ-Tây Nam Bộ, những người làm nên nền văn hóa Óc Eo cũng là chủ nhân khu di tích Cát Tiên.
Theo Ts. Đông, “Thánh địa tồn tại vào khoảng thế kỷ 8- 10, chủ nhân của nó là ai xin để chúng tôi bàn cãi và tranh luận. Nhưng theo tôi đây là nơi cư trú của một cộng đồng rộng lớn, tôi chưa dám nói là của người Mạ, Stiêng hay không.” Ngược lại, Ts. Đào Linh Côn (Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ, Viện KHXH vùng Nam Bộ) có quan điểm khác biệt hơn: “Vấn đề chủ nhân của Cát Tiên, hiện nay và trong nhiều thời gian tới nữa vẫn không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Bởi cho đến nay, tuy các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều lần ở rất nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực này, vẫn chưa có thông tin nào về cốt sọ người cổ để xác định chủ nhân của di tích. Và sẽ là quá sớm để nói chủ nhân của di tích là người Mạ với chỉ một yếu tố vì nó nằm trong địa bàn cư trú của dân tộc Mạ”. Và cho đến nay vẫn chưa tìm thấy những bằng chứng mang tính mắt xích để có thể liên hệ Cát Tiên với các di tích được cho là của các tộc người hiện đang sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng.
Cùng có nhận định với Ts. Đào Linh Côn, Gs. Phan Huy Lê (Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) kết luận: “Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích, vấn đề này không hề đơn giản.”
Thánh địa Cát Tiên nhìn qua sử liệu Champa
Cát Tiện có vị trí địa dư nằm trên lãnh thổ của Panduranga, tiểu vương quốc miền nam Champa có thủ đô ở Virapura (Phan Rang) đã từng có mặt trên bia ký kể từ thế kỷ thứ VIII. Lãnh Thổ của tiểu vương quốc Panduranga chạy dài từ Aia Ru (Phú Yên) cho đến Biên Hòa nơi có bia đá Champa cuối cùng ở cực nam bao gồm cả cao nguyên ở phía tây mà người Chăm hôm nay gọi là Ndong Nai Ngaok, tức là Đồng Nai Thượng, nơi tập trung nhiều bộ tộc nói tiếng Mon-Khmer (Mạ, Stieng, Chik, Kaho, v.v.) được gọi chung là Kaho, tức là thần dân Champa đã từng đóng nhiều vai trò quan trọng trong triều đình Champa mà tư liệu hoàng gia Champa (1702-1810) thường lập đi lập lại nhiều lần.
Cát Tiên nằm trên lãnh thổ Panduranga-Champa là một dữ kiện lịch sử không thể chối cãi. Tiếc rằng các nhà sử học Việt Nam không bao giờ nhắc đến biên giới chính trị của vương quốc Champa để xác định ai là chủ nhân của thánh địa Cát Tiên. Kể từ đó, những nhận định của các nhà sử học Việt Nam trở thành văn chương chính trị hầu xóa bỏ đi di sản Champa trên khu vực Lâm Đồng một trung tâm đã từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành lịch sử Panduranga, một tiểu vương quốc ở miền nam Champa.
YouTube clip: Thánh địa Cát Tiên
Nguồn: Cát Tiên: thánh địa ở cực nam Champa. Ja Karo. Champaka.info. Monday, 22 April 2013
Tham khảo
1. Sakaya, “Ai là chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên – Lâm Đồng”, Trung tâm Unesco nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm.
http://chamunesco.com/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=43&Itemid=130
2. Đào Linh Côn, “Thử tìm hiểu mối quan hệ của Cát Tiên với Óc Eo – Phù Nam và Chawmpa”, Trung Tâm Khảo Cổ – Viện KHXH vùng Nam Bộ.
http://thanhdiacattien.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1942:hi-tho-v-di-tich-cat-tien-thang-12-nm-2008&catid=59:nghien-cu-trao-i&Itemid=1163
3. Lê Đình Phụng, “Di tích Cát Tiên – Lịch sử và văn hóa”, Viện Khảo cổ học.
http://dinhphungkhaoco.blogspot.com/2013/02/tich-cat-tien-lam-ong-lich-su-va-van.html
4. Lê Đình Phụng, “Khu di tích Cát Tiên – Lâm Đồng”, Viện Khảo cổ học.
http://dinhphungkhaoco.blogspot.com/2013/02/cuon-sach-khu-di-tich-cat-tien-lam-ong.html
5. Nguyễn Oanh, “Thánh địa Cát Tiên”, Báo ảnh Việt Nam.
http://vietnam.vnanet.vn/vnp/vi-vn/13/5/5/44151/default.aspx
Nhắn bạn đọc otchithieng:
Xin bạn đừng post ý kiến mất thời gian của chung vì bạn dùng email không hoạt động. Ý kiến từ những email loại đó sẽ không khi nào có mặt ở diễn đàn.
DCVMods
Delivery to the following recipient failed permanently:
…[email protected]
Technical details of permanent failure:
The email account that you tried to reach does not exist.