Muốn thành nhà báo tử tế thì bỏ Facebook đi
Hải Sơn
Bây giờ bạn hỏi, nhân tiện tôi nhờ bạn nói với họ nhé. Rằng: muốn làm nhà báo tử tế thì bỏ facebook đi, bỏ nhuộm tóc xanh đỏ ánh tím, ánh kim đi. Bỏ tí toáy điện thoại, ipad đi… Phải bỏ nhiều thứ đam mê cỏn con lắm.
DCVOnline: Nhân “Ngày Nhà báo Việt Nam”, DCVOnline xin giới thiệu đến bạn đọc nguyên văn bài phóng viên phỏng vấn “nhà báo” sau đây.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Muốn thành nhà báo tử tế thì bỏ facebook đi
(Soha.vn) – “Tôi cứ đọc và tự dưng nảy nòi ra cái ao ước làm nhà báo, nhà văn,” nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.
PV: Xin chào nhà báo Đỗ Doãn Hoàng! Thưa Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, được biết anh là một cây bút viết phóng sự được khá nhiều bạn trẻ là sinh viên báo chí, phóng viên trẻ yêu mến. Anh có thể chia sẻ đôi chút về cơ duyên đến với “nghiệp báo”?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (ĐDH): Thật ra thì tôi không nghĩ là có cơ duyên gì huyền bí cả đâu. Đơn giản, cha truyền thì con nối. Bố tôi bảo, đứa con bất hiếu nhất là đứa con mà nó lại không đi theo nghề nghiệp lương thiện mà cha mẹ đã kỳ công đeo đẳng và lựa chọn cho nó. Bố tôi viết văn và yêu văn chương đến cuồng si. Nhà có tủ sách văn học, báo chí rất lớn.
Tôi cứ đọc và tự dưng nảy nòi ra cái ao ước làm nhà báo, nhà văn. Lớn lên tôi đi học Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Hán Nôm. Tôi học chữ vuông nên thỉnh thoảng tay cứ huơ huơ lên trời viết bằng trí tưởng tượng, kiểu như chữ Tâm gồm cái liềm cong cong đứng cạnh hai củ su hào còng queo…
Một hôm, bố tôi bảo: mày đi học cái chữ lỗi thời ấy, xin việc thế nào được, lấy gì mà sống hả con? Hôm ấy bố tôi nói câu ấy, đúng buổi tôi đạp xe tồng tộc từ trường Tổng hợp, vượt 45km về Đường Lâm xin tiền ăn và tiền phòng trọ.
Tôi bảo: con xin tiền tháng này bố ạ. Bố bảo: hết tiền rồi. Tôi bảo: con phải làm sao hả bố? Bố bảo: tao hết tiền rồi, bòn cả nhà cửa không còn xu nào, ba anh em mày học đại học một lúc, bố mẹ thì không nghề nghiệp. Bố phải làm sao hả con?
Tôi cay đắng đạp xe về Hà Nội và bỏ sang Phân viện báo chí tuyên truyền học (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) . Thế là thành nhà báo.
PV: Anh có thể chia sẻ kỹ năng một sinh viên báo chí cần phải có bây giờ để có thể trở thành nhà báo giỏi?
ĐDH: Tôi nói với họ cái điều này trên nhiều bục giảng các trường báo chí rồi. Có vài người nghe, hầu hết là nghe rồi cười mỉa rồi lại tung tăng đi chơi, đi “phượt” (tôi đoán thế). Bây giờ bạn hỏi, nhân tiện tôi nhờ bạn nói với họ nhé. Rằng: muốn làm nhà báo tử tế thì bỏ facebook đi, bỏ nhuộm tóc xanh đỏ ánh tím, ánh kim đi. Bỏ tí toáy điện thoại, ipad đi… Phải bỏ nhiều thứ đam mê cỏn con lắm.
Hãy nghĩ lớn một tí và đừng có ngụy biện rằng ta cần làm cái nọ cái kia (kể trên) để ta có thể trở thành nhà báo nhưng thực chất là luồi thuồi trôi theo những cảm hứng ích kỷ, những sở thích cá nhân bầy đàn. Họ thích tự tạo ra cái gương ảo và soi mình trong đó. Rồi hững điều kể trên nuốt chửng họ đi.
Nói cách khác, nhiều bạn trẻ đang quá bằng lòng với cuộc sống được chăng hay chớ, quá tự tin và quá ngạo mạn với việc mình đã bằng mọi giá thỏa mãn được những thú vui vật chất cỏn con, dớ dẩn kia.
Tôi không vơ đũa cả nắm. Nhưng đúng là thế hệ sinh năm 1975-1976 chúng tôi bây giờ xa xôi với các bạn trẻ quá rồi, cũ kỹ quá rồi. Tốt nhất tôi không nên nói gì, nếu như tôi không còn đau đáu với việc cần làm một cái gì đó cho làng báo mai đây.
Nói thì bảo hồ đồ, nhưng đó là suy nghĩ thật của tôi, vì thế mà tôi thỉnh thoảng vẫn dành thời gian đi giảng bài ở nhiều nơi với chút hy vọng nho nhỏ…
Cũng như báo chí nói: chỉ có thời buổi này mới sinh ra được những loại như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện thôi. Xưa làm gì có! Vì sao thế nhỉ?
Giá mà bạn trẻ nào cũng thấy những điều tôi nói trên là chướng tai gai mắt để rồi lên mạng xã hội “chửi lại cho sướng miệng” (cười). Chửi xong rồi ngẫm ngợi một tí xem sao. Xin hỏi lại, tôi nói điều đó ra để làm gì nhỉ?
PV: Vui buồn và ấn tượng nhất của anh khi đi vùng sâu vùng xa, các miền đất lạ?
ĐDH: Ấy là phong cảnh Tổ quốc Việt Nam. Tôi cũng đi nhiều nước trên thế giới, mới càng thấy phong cảnh thiên nhiên nước ta tuyệt sắc, mỗi mùa có nghìn vạn cái màu sắc khác nhau. Chỉ tiếc, sự hoang sơ quyến rũ ấy đang bị tàn phá quá khủng khiếp, bởi nạn phá rừng, bởi quy hoạch lôm nhôm, đặc biệt đáng sợ là hệ thống thủy điện lớn nhỏ làm thay đổi cảnh quan sinh thái, tàn sát sông hồ, làm nhiều tộc người đứng trước nguy cơ thất truyền toàn bộ văn hóa phong tục.
Đau lắm! Ý thức bảo vệ môi trường của dân kém thì đã đành, nhưng anh cán bộ, anh quy hoạch, anh cầm cân nảy mực với các dự án môi trường ngày càng… thê thảm quá. Chưa bao giờ những từ như “tàn sát” sông ngòi, chọc tiết rừng già… lại vang lên trong dư luận nhiều như bây giờ.
PV: Theo anh, điều đáng sợ nhất của nhà báo là gì?
ĐDH: Tôi sợ nhất sự ngã lòng của ngòi bút. Khi bạn thật sự xông pha và muốn cống hiến sức mạnh ngòi bút chính nghĩa của mình cho xã hội, mà lại có chút năng lực nào đó nữa, thì cũng có nghĩa là bạn sẽ bị/được nhiều đối tượng nể sợ, khóc lóc, quỵ lụy, luồn lọt, dọa dẫm, thậm chí tấn công dữ dội. Điều ấy dễ làm bạn ngã lòng.
Ngã vì của đút lót, của áp phe vật chất, ngã vì sự đớn hèn “đám ăn tìm đến đám đòn tìm đi” của bản thân mình. Tôi luôn ước mơ có một thế hệ nhà báo không chấp nhận có mặt ở những chỗ liên hoan, mừng công, lễ lạt xã giao, phong bì nặng nhẹ…
PV: Thưa anh có nhiều độc giả đặt ra câu hỏi rằng, điều hổ thẹn nhất của nhà báo là gì? Trên quan điểm cá nhân anh, anh thấy điều này thế nào?
ĐDH: Tôi không dám nói về điều hổ thẹn khác của đồng nghiệp. Tôi hổ thẹn nhất khi thấy ai đó nói xấu một cách rất đúng anh/chị, đồng nghiệp nào đó của mình. Càng hổ thẹn hơn khi tôi là người trong cuộc chứng kiến điều đáng hổ thẹn đó.
Tôi luôn tự hỏi: nhà báo phanh phui bao nhiêu ung nhọt của xã hội, sao không có một lớp nhà báo sẵn sàng dũng cảm phanh phui cái xấu của làng báo chúng mình, để vàng thau không lẫn lộn, để ai ai cũng tự hào khi nghĩ đến hai chữ Nhà Báo.
Gần đây có một số phóng viên phía Nam, rất đáng nể, họ thường xuyên làm những vụ tố cáo tiêu cực của nhà báo rồi đăng báo. Tôi nghĩ, thái độ sòng phẳng đó thật khả kính. Việc diệt trừ “sâu đục thân, sâu cuốn lá” trong “ngôi làng” của mình, luôn là một ứng xử văn minh.
Tôi luôn áy náy, tuyệt vọng, hổ thẹn khi bà con quá tin tưởng vào tôi, đặc biệt là sau khi tôi thành công với những vụ điều tra lớn, “kinh động” lên tận Chính phủ; hoặc khi ai đó viết chân dung tôi với những lời ca tụng “thành quả” có thật nào đó.
Có khi bà con ôm đơn đến tòa soạn nằm chờ, có khi tra tấn tôi qua điện thoại liền tù tì để giải tỏa bức xúc. Tôi tin họ bị oan, bị bất công, nhưng sức tôi không thể “đạp bằng” mọi chuyện được. Tôi ngậm ngùi tự nhủ: ông, bà cho cháu nợ nhé…
PV: Xin cảm ơn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng!
Nguồn: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Muốn thành nhà báo tử tế thì bỏ facebook đi. Hải Sơn – theo Trí Thức Trẻ | 21/06/2013.
Đỗ doãn Hoàng nói lên một sự thật, một sự thật sẽ làm nhiều người điên tiết lại tròng cái nón cối lên đầu ông Đỗ, ủa mà quên ông tác giả vẫn đội nón cối mà. Nhưng nói đúng ra thì cái sự thật này cũng sai ở chỗ là các ông bà ấy không phải là nhà báo mà là các nhà dân chủ. Không ai là nhà báo đúng nghĩa mà có “facebook nặng ký” cả, các nhà báo tử tế của nước ngoài họ cũng không fan facebook lắm vì đúng như ông Đỗ nói, họ không có thì giờ cho ba cái trò con nít này, họ chỉ “tuýt” thôi.
Cháu nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ( hơn các con tôi vài ba tuổi, lại họ Đỗ ) muốn làm Thánh Sống chắc ? Lương nhà báo được bao nhiêu mà cháu mơ toàn chuyện thánh thiện ở Thiên Đàng như: không phong bì, không lễ lạc, không liên hoan.v.v. Lại còn biết “hổ thẹn” nữa, như vậy thì cháu là loại người không giống ai trong xã hội mà cháu đang sống,nơi có rất nhiều nhóm lợi ích chỉ nghĩ tới TÚI TIỀN và cái MẶTcủa họ . Này bác cũng họ Đỗ, lại cũng không giống ai (hơi điên) vì những điều cháu suy tư,ở Mỹ bác chẳng bao giờ nghĩ tới (cứ luật mà quất,càng có lợi càng tốt ), khi nào qua Mỹ nhờ BBT mail cho bác, bác mời cháu tô phở bò Filet Mignon còn ngon hơn thịt Cô Bê Hà Nội nhiều.Thân. Ấy quên, muốn thành THÁNH cũng phải chờ tới sau khi chết cháu ạ. Đừng làm Thánh Sống.
Chỉ là một cách tự sướng thôi, chưa đến thánh sống đâu. Một người học trường báo chí Việt cộng nói được như thế là khá lắm, ít ra họ cũng đã biết suy nghĩ ngoài luồng, có vẽ tiến bộ.
Anh chàng này nói biết xấu hổ, mong sao đây là lần duy nhất anh ta không nói láo.
Bác Zulu có lẽ cũng hơi ” tưng tửng ” như em rồi. Em cũng quên cho bác biết quê chính gốc của em cũng cách HN khoảng 40km như cháu Hoàng này, nên em coi nó như cháu(biết đâu có chút họ hàng). Sở dĩ em nói bác thế vì ở VN nếu không có ô dù made in USA hay CHINA, hoặc chỗ dựa lưng vững như thành nhà HỒ thì ông cố Nội cháu có sống lại cũng chả dám viết vậy. Ngoại trừ cháu có máu điên như em, hay một ông dòng họ thơ văn nổi tiếng.Kính.
Facebook tại VN, theo thống kê thì 90% số lượng người sử dụng là trong độ tuổi 18-35 và đa số là làm những gì như nhà báo Đỗ đã nói, tức là “… không phải người viết blog, người chơi facebook nào cũng là nhà báo – dĩ nhiên, nếu không phải thế thì có mà loạn; nhưng không nhất thiết nhà báo thì cứ phải chơi những trò đôi khi nhảm nhí và vô bổ đó, lướt qua đó để phục vụ công việc thì được, nhưng tôi tin rằng, ai cũng ngụy biện cho việc “lướt qua” và “công việc” của mình rồi họ nghiễm nhiên cho phép mình thành “con nghiện”. Họ coi cái cá nhân của mình quá lớn, để rồi quên mất việc làm báo thật sự, họ dành thời gian post ảnh rồi ngắm mình, post món ăn của mình lên cho nó ngon thêm, thậm chí khoe nhà khoe của, khoe “nọ kia” của mình lên cho nó oách. Điều gì xảy ra khi xã hội có quá nhiều người chỉ mải tự ngắm nhau, bắt nhau phải “ngắm này nọ” rồi ít chịu làm việc? …
Còn ở Mỹ hay các nước khác thì khoảng 5% số lượng người sử dụng là trong độ tuổi 40-60, tuổi các ông dân chủ hải ngoại, cho nên facebook không bao giờ là mối đe dọa cho chính quyền VN mà chính là nơi cho giới trẻ VN giao lưu về học hành và … thời trang.
“Rằng: muốn làm nhà báo tử tế thì bỏ facebook đi, bỏ …”
Thúi quá, mậy!
Đỗ Mậu, ngó cái dáng ngố của chú em ôm con chó, vì sợ bố đớp mất con chó…”Bố tôi bảo, đứa con bất hiếu nhất là đứa con mà nó…. [chả đớp thịt chó mắm tôm!] “
Họ Đỗ của ông nhà báo tử tế này cũng có lai lịch lâu đời lắm đấy. Theo gia phả thì có lẽ bắt đầu từ cụ Tổ Họ là Đỗ Thích làm quan to thời nhà Đinh, vì vụ nghi án giết vua nên họ Đỗ phân tán mỏng, lưu lạc khắp chốn giang hồ. Một chi hệ vượt Trường Sơn vào xứ Đàng Trong lập nghiệp, sau này có vài người nổi tiếng trong quân đội SG như Đỗ Mậu, Đỗ cao Trí hay trong lãnh vực âm nhạc như Đỗ Lễ. Các chi hệ khác rải rác ở Đàng Ngoài, sống chủ yếu về nghề nông, tránh chốn quan trường cho đến khi Cách Mạng thành công, chế độ phong kiến bị dẹp bỏ thì nổi lên được cụ Đỗ Mười, con cụ Đỗ Chín nổi tiếng với đàn heo vạn tấn, nuôi bộ đội thời chống thực dân Pháp, cháu đích tôn cụ Tổ Đỗ Tám chi hệ Đông Mỹ. Còn về chi hệ của Đỗ nhà báo thì có cụ Tổ ba đời là cụ Đỗ Tương, người tìm ra bí quyết làm tương Bần nổi tiếng. Ngoài ra, nghe nói còn có một chi hệ được gởi ra nước ngoài làm công tác phân hóa nội bộ xã hội nước Mỹ, lãnh đạo bởi Đỗ ton Nỳ.
Đang điên tiết,định quật lại ông Trùm một quả (long trời lở đất như trong cài cách ruộng đất) ngặt, đọc tới đoạn Đỗ Tương Bần thì lại xìu xuống liền. Dưa la,ca Láng,nem Báng,tương Bần,nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét,ôi quê tôi sao nó đẹp thế, nên quên cha nó cả thù với hận. Về nhạc, họ mình còn có Đỗ Nhuận nổi tiếng với bài VN quê hương tôi. Tuy nhìên ông Trùm khỏi lo cái chi hệ họ Đỗ nước ngoài,bởi vì Đỗ ton Nỷ đã gần bẩy bó,ba cháu ngoại của hai cô con gái, còn cậu con trai thì ham làm tiền đóng thuế cho chú Sam,kể như dòng họ Đỗ cũng xong.Nước Mỹ khỏi lo.Thế gian này có lửa mới có khói. Người ta có lừa lọc,cả tinh thần lẫn vật chất, người ta có chứi nhau như ở chợ cá Tân Định, thì họ Đỗ mới phân hoá chia rẽ được chứ.Đã muốn tự sướng thì im cái mồn lại cho bà con nhờ.Kính.
Tôi thì cho là anh nhà báo họ Đỗ nói thực. Tuy là có xực mùi thuốc “nổ”, nhưng đó là cái mùi chung cho cả nước ta sau này. Đến nỗi ngay cả những người đã ra nước ngoài trên 20 năm vẫn còn cái mùi thuộc nổ đó!
Còn “phong bì” lại là chuyện khác. “Phong bì” các cụ ngày xưa gọi là “lộc”, khác với “bổng” (sau này ta gọi là “lương”, túc “salary”). Gộp chung gọi là “bổng lộc”. Thì du, các cụ đồ ngày xưa dạy học trò không có lương (bổng), mà thường chỉ có “lộc”. Thường là túi gạo, sang hơn là con gà… Nói thế là để hiểu nó ở đâu ra, nhưng không nhất thiết là phải chấp nhận nó. Vấn đề chủ yếu là: “lộc” ngày xưa là tự nguyện và tùy theo hoàn cảnh, con nhà nhà giàu thì sẽ đem “lộc” to đến cho thầy, nhà nghèo thì có thể chỉ là con cá bắt được ngoài đìa… có khi chẳng có gì thì học trò đến giặt dũ, quét nhà dùm “cô”. Nhưng dù “lộc” nhiều hay “ít” đối với “thầy” mọi học trò như nhau, chỉ khác ỡ chỗ học giỏi hay dốt thôi (*)
Còn “phong bì” ngày nay là hệ thống (tham nhũng), từ trên xuống dưới, lợi dụng quyền chức để ép dân cho đến tận cùng. Cần phải dẹp bỏ…
(*) Đến thời Tây đô hộ nước ta, chuyển qua Tây học, trường ốc rất hiếm, nhưng học trò vẫn được “bình đẳng”, nhà nghèo mà học giỏi – như anh em nhà Nguyễn Tường (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam…) – vẫn được học đến nới đến chốn. Hay câu chuyện của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (trước cả thời Phạm Quỳnh), nhà nghèo phải xin vào kéo quạt – giống như quạt trần ngày nay, nhưng chạy bằng sức người – cho lớp học, nhưng đưọc học ké… cuối cùng vẫn thành tài…
Xưa Vĩnh Bảo cũng thuộc Hải Dương sau đổi ra Hải Phòng, như vậy Khái Hưng, Nhất linh,HĐ,TL đã từng cùng quê với chúng mình (cả đ/c Đỗ Mười nữa). Kể ra cũng dữ dội đấy chứ bác. Tham nhũng,nhóm lợi ích thì ngay VN cũng công nhận là có và họ cũng đã và đang làm nhiều cách để chống, kết quả tới đâu chắc phải chờ xem. Con số 3400 tỷ đồng thất thoát đền bù ở Đà Nẵng đang là vấn đề tranh cãi giữa đ/c Nguyễn Bá Thanh và phái đoàn kiểm tra của đ/c X. Lâu lắm rồi có lần tạt vào HD ăn bánh đậu xanh cho đỡ nhớ,nhân tiện thăm ông anh họ. gọi thằng cháu con ảnh ở SG để hỏi đường, nó cho biết là 10 năm nay chưa có tiền về thăm Bố,Mẹ. Nó hiện là Thượng Tá không quân (lo về kỹ thuật) ở TSN,SG. Không phải ai cũng được hưởng lộc các cụ cả đâu bác.Kính.
Tôi quen với cách gọi “làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương” nên không thích Vĩnh Bảo bị nhập vào Hải Phòng. Cũng như không thích chuyện Sơn Tây thành ra một phần của Hà Nội, hay Bình Dương, Thủ Dầu Một… thành ra Sài Gòn! Làm như vậy là vô tình (hay cố tình đây, dám lắm?!) làm mất đi những dấu tích của lịch sử…
Thật vậy, “lộ” Hải Dương đã có từ thời Hùng Vương, riêng làng Cổ Am muộn nhất là thời Hai Bà Trưng… Còn Hải Phòng có từ bao giờ?
Hà Nội “mới” có 1000 năm nay, còn thành Cổ Loa đã có tự 2300 năm trước, thuộc Phong Khê, sau này đổi tên là Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nay Bắc Ninh thành ra Hà Nội tuốt!
Sau này trẻ con có thể tưởng nhầm là thành Cổ Loa là một phần của thành Thăng Long không biết chừng! Người Mỹ cũng đâu đến nỗi đổi tiểu bang (Commonwealth of) Virginia thành ra một “quận hạt” của Washington DC…
Trước đây, bạn bè tôi về thăm VN qua lại thường mua bánh đậu xanh “Bảo Hiên Rồng Vàng” tặng tôi. Nhưng tôi thấy hết ngon, nên lần về “quê” vừa qua, tôi chẳng buồn thử bánh đậu xanh nữa… tiếc là không về qua Ninh Giang thử bánh gai (nhưng có lẽ thế lại tốt – vì đã thử bánh gai ở Bắc Ninh thấy còn thua xa bánh gai nhà làm!). Nhưng trà Thái Nguyên thì tôi mua cả ký, nhưng uống vèo cái hết ngay… Cũng như nhãn, vải, lựu, bưởi… thì chẳng nơi nào trên thế giới ngon như ở “Bắc ta”…