Thạch Lam, Quà Hà Nội (Kết)
Thu Tứ
Thạch Lam bảo “bánh cuốn (có nhân) muốn ngon thì phải nhà làm lấy” và ông bày luôn cho chúng ta cách làm.
Còn quà Hà Nội
Thạch Lam bảo “bánh cuốn (có nhân) muốn ngon thì phải nhà làm lấy” và ông bày luôn cho chúng ta cách làm.
“… Rồi lấy bánh cuộn nhân vào; công việc này nên để tay mềm mại và khéo léo của các bà làm, để nâng niu cái màng bột mỏng cho khỏi rách”.
Ô, thế cái việc thái “thịt vai nửa nạc nửa mở”, nấm hương, mộc nhĩ, với việc bóc vỏ, thái miếng những con tôm tươi hồ Tây do “thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa”, rồi lại việc “thêm mấy nhát hành, chút nước mắm ngon, hồ tiêu bắc, xào qua với mỡ trên chảo nóng”, tất cả đều là “các ông” tự đảm trách à? Nước chấm vốn là thứ rất khó làm, thế mà “đầu bếp” Thạch Lam trường hợp này cũng cứ làm băng!
Bao nhiêu công phu lao động vì nghệ thuật, “một miếng ăn là một sự khoái lạc”, cảm ơn Trời.
Trong một bài trước, tôi đã nói đến thứ bánh cuốn Thanh Trì là thứ quà Hà Nội. Nhưng đây là thứ bánh không nhân, tuy cũng gọi là bánh cuốn, mà không cuốn gì hết. Hà Nội còn thứ bánh cuốn khác nữa, mấy lần bánh mỏng lấy nhiều vị làm nhân, mà gần đây được người hàng phố hoan nghênh đặc biệt.
Chắc nhiều người còn nhớ hương vị của những chiếc bánh cuốn “hai mươi bốn gian”. Thuở ấy, Hai Mươi Bốn Gian còn là một xóm thịnh vượng của cô đầu, mà sự hoạt động vui vẻ kéo dài mãi đến đêm khuya. Trước cửa những nhà hát ấy, về phía bên này đường xe điện, có một chiếc nhà lá bé con, ẩn núp dưới bóng cây xoan xanh tốt. Trong cái nhà nghèo nàn ấy, tự mười hai giờ đêm cho tới sáng, một bà già và hai cháu nhỏ cúi mình trên một cái nồi con bí mật làm ra những chiếc bánh cuốn nóng sốt và ngon lành. Khách chơi đêm khi lách nhìn qua cửa liếp bước vào, đã ngửi thấy mùi hành thơm phi mỡ, và trông thấy làn khói trắng bốc lên ở chiếc nồi.
Của đáng tội, bánh cuốn của bà cụ, cứ kể về giá trị riêng thì cũng không lấy gì làm ngon lắm. Nhưng người ta ăn thấy ngon vì phải tìm tòi đến mà ăn, phải chờ đợi từng chiếc một. Vì đêm khuya, sau những cuộc hành lạc còn để lại dư vị đắng trên đầu lưỡi, người ta thèm được nếm cái vị cay chua của nước chấm, quất mạnh như chiếc roi vào cái chán nản của sự chơi bời (…)
Bánh cuốn muốn ngon thì phải nhà làm lấy. Cách làm như thế này, và tôi trình bày ở đây cái phương pháp bí truyền làm bánh cuốn, đã nẩy ra trong óc tôi một ngày đáng ghi nhớ ở trên bờ hồ Tây. (Tại sao lại hồ Tây, xin xem qua xuống dưới sẽ biết).
Cái cốt bánh để bọc thì dùng bánh cuốn Thanh Trì, là thứ mà bột dẻo và thơm hơn hết. Như vậy, đã đỡ được công xay bột và tráng bánh, mà vị tất làm đã ngon bằng. Còn nhân thì một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ thật tốt, mấy cái nấm hương, vài lá mộc nhĩ, và một ít tôm tươi hồ Tây, bóc vỏ và thái miếng. Tôm hồ Tây, của những thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt vị.
Chừng ấy thứ, thêm mấy nhát hành, chút nước mắm ngon, hồ tiêu bắc, xào qua với mỡ trên chảo nóng. Rồi lấy bánh cuộn nhân vào; công việc này nên để tay mềm mại và khéo léo của các bà làm, để nâng niu cái màng bột mỏng cho khỏi rách. Xong, bỏ vào nồi hấp.
Lúc ăn chấm nước mắm Phú Quốc, chanh, ớt và cà cuống nguyên chất hồ Tây: một miếng ăn là một sự khoái lạc cho khứu quan và đầu lưỡi, và chúng ta cảm ơn Thượng Đế đã dành riêng cho loài người những thú vị ngon (…)
Quà ngọt Hà Nội (*)
“Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ: cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm”.
Chí phải. Nhưng dù sao “lúc ăn” vẫn quan trọng hơn “lúc trông ngắm“. Nếu vừa miệng mà không vừa mắt, chỉ tiếc. Nếu không vừa miệng, dù đẹp mấy chăng nữa, cũng không phải “miếng ngon“. Còn nếu đã ngon lại đẹp, ấy là.. văn vật.
“Tôi thì ưa thích thứ bánh đậu Hàng Gai hơn, vì (…) nguyên chất đậu (…) hương thơm (…) là hương thơm riêng của bột đậu xanh”
Hoàn toàn chia xẻ. Không phải hương hỗn hợp nào cũng hỏng, nhưng “hợp” hương va-ni vào với hương đậu xanh, kết quả quả đáng phàn nàn.
Bánh cốm Hàng Than… Một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu. Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những ngày mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới, và cái vui mừng của họ hàng. Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh, buộc lạt đỏ: cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân… Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm (…)
Bánh cốm thường đi đôi với bánh xu xê. Cái tên kỳ khôi này ở đâu ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước – để mà thèm thuồng – những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ: cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm.
Hai thứ bánh cốm và bánh xu xê của Hàng Than Hà Nội, có thể nói là đã là nổi tiếng khắp Bắc kỳ, từ Kẻ Chợ cho đến thôn quê. Ở Hàng Than, chỉ có hai nhà là chính hiệu (…) Nhà bánh cốm “Nguyên Ninh” tôi tưởng là một nhà làm bánh cốm cũng đã lâu đời, cùng với nhiều nhà khác. Họ biết giữ cho bánh được ngon đều (…)
(Một nồi cốm thắng đường lúc lấy ra, thế nào cũng còn lại ít nhiều cháy. Cái thứ cháy cốm ấy, ngọt sắc và dẻo cũng như “mè xửng”, người ta bán năm xu một miếng cho những người ít tiền dùng, nhất là những người nghèo mà lại đánh bạn với ả Phù Dung, là những người tìm được cái ngon bất cứ ở thứ quà gì) (…)
Ở Hà Nội, người ta làm (…) bánh đậu ướt (…) có mỡ. Một thứ bánh để ăn trong khi uống chè tàu, cái vị béo ngọt của bánh rất ăn với cái vị đắng của nước chè (…)
Bánh đậu ướt ngon nhất là bánh đậu của Hàng Bạc và Hàng Gai. Bây giờ hai phố ấy vẫn cạnh tranh nhau để lấy tiếng, và thêm vào cuộc tranh giành, còn có phố Hàng Đào và phố Hàng Đường nữa (…) Ai chiếm giải quán quân bánh đậu? Thật là khó giải quyết. Tôi đã lần lượt dùng hết chừng ấy thứ, đã ngẫm nghĩ và suy xét nhiều về cái vị ngon trước một chén chè tầu bốc khói. Tôi không có cái kiêu vọng bắt buộc người khác phải theo cái quyết định của mình. Nhưng tôi không khỏi có cái sở thích riêng trong việc đó.
Bánh đậu của Ích Nguyên thì thẳng thắn và thực thà, mịn vì đậu ngon nguyên chất. Bánh của Thanh Quang nhiều hương thơm va-ni, nhưng đường dùng hay lạo xạo; của Giu Nguyên thì ướt vì nhiều mỡ quá; của Cự Hương thì nhạt vị; của Việt Hương thì dẻo quá, tựa như đậu trắng; của Ngọc Anh thì hơi khô khan; của Thanh Hiên thì hơi cứng mình… Kể về vị ngon, thì mô i thứ của một hiệu đều có một đặc sắc riêng, đủ để cho người ta chuộng. Nhưng tôi thì ưa thích thứ bánh đậu Hàng Gai hơn, vì giản dị và mộc mạc. Đậu thì nguyên chất đậu, và hương thơm cũng chỉ là hương thơm riêng của bột đậu xanh. Cho nên bỏ vào mồm thì tan đều, ăn ngẫm nghĩ rồi mới thấy béo, suy xét rồi mới thấy thơm. Cái ông cụ già làm bánh ở hiệu đó có nói chuyện rằng: trước kia, vì theo thời, ông cũng cho thêm hương va-ni vào bánh. Nhưng các khách hàng quen, trong số đó có vài ông khách hàng già ở ngoại ô, đều yêu cầu nên giữ nguyên hương vị đậu xanh như xưa, và nhà hàng từ đó cứ theo như thế. Đấy thật là một ý kiến hay.
Một thứ quà của lúa non: cốm
“Cốm là (…) thức dâng của (…) lúa (…) mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê (…) Việt Nam”.
Cốm là quê. Mà quê thì đang vừa bé lại vừa hóa tỉnh.
“Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ“.
Thong thả là phong cách của “một thời” đã “vang bóng”.
Cho nên, “Thật đáng tiếc (…) những thức quý của đất (nước) mình (đang bị) thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước người ngoài”.
Nhưng Thạch Lam phát biểu như trên lâu lắm rồi cơ mà. Thì bây giờ phát biểu của Thạch Lam càng đúng chứ sao. Mùa cốm năm 2010, lăng quăng “Hà Nội 36 phố phường”, ngắm những gánh cốm ngồi lạc lõng trên vỉa hè đỗ đầy xe máy, ngồi trong “hương” khói mịt mờ của cơ man động cơ nổ, mà buồn quá.
“Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước“. Ngày thứ quà ấy thôi, cũng là ngày cái đất nước riêng biệt ấy coi như cũng đã thôi…
Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.
Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được, người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, cái cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy. Tất nhiên là nhiều nơi cũng biết cách thức làm cốm, nhưng không có đâu làm được hạt cốm dẻo, thơm và ngon được bằng ở làng Vòng, gần Hà Nội. Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người của Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…
Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết? Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền. (Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần, và những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước người ngoài: những kẻ mới giàu vô học có biết đâu mà thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?)
*
Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen. Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chắt chiu mà vuốt ve… Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm (…)
Bà cụ bán xôi
Đọc bài văn sau đây của Thạch Lam, thích nhất cái hình ảnh bà hàng “lúc vắng khách (…) cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả nhắm những thức ăn tự tay mình làm ra (…) mắt bà lâu dần mờ say đi, tay bà dính thêm nhiều mỡ, và bên thúng thêm một đống xương con…”
“Cái ngon (…) dễ lây“. Bà hàng ngắm khách thưởng thức, bèn cũng thưởng thức. Nhưng không phải ai có mặt cũng “bị” lây. Thạch Lam chẳng hạn. Ông không dùng bao nhiêu thức ăn thức uống đâu, mà ngồi đó chỉ cốt để kín đáo quan sát cái ăn uống của người khác…
Muốn thức quà no, thì lại hàng xôi, cơm của bà cụ phố hàng Khoai. Bà dọn hàng trước cửa chợ (Đồng Xuân) đã từ lâu lắm, không biết đã mấy năm rồi, và chỉ dọn từ lúc chín, mười giờ tối trở đi cho đến sáng. Bà bán đủ các thức xôi: xôi vò, ăn bùi và béo, xôi đỗ ăn đậm vị, xôi lạc ăn vui miệng, đôi khi cả xôi gấc đỏ tươi, lúc xới ra, khói bốc thơm phức… Aên với những miếng đậu thái vuông to, rán phồng (tuy rất ít mỡ) và mắm muối sẵn sàng; hay những miếng chả trâu không ngon lành lắm – người nghèo có kỳ quản đâu! Đã lâu, bà có làm một thứ giò sỏ, mỡ ròn và mộc nhĩ, ăn cũng thú vị (…)
Ở đây, không có gì đáng quyến rũ một người sành thưởng thức, quả vậy. Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bực nào!
Nhắp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may còn dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ có cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức áng văn hay, ( có lẽ họ là những nghệ sĩ mà không biết). Mà nếu hôm ấy buổi xe lại có lãi, thừa được vài hào, thì cái thú của họ thực là vô cùng vô tận (…)
Cái ngon ấy cũng dễ lây lắm. Cả đến chính bà hàng cũng theo được cái nên thưởng thức. Những lúc vắng khách, bà cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả nhắm những thức ăn tự tay mình làm ra. Có lẽ bà tự lấy làm bằng lòng: vì mắt bà lâu dần mờ say đi, tay bà dính thêm nhiều mỡ, và bên thúng thêm một đống xương con… Ít ra ở đâu mà được người bán cùng với người mua cùng là tri kỷ, hiểu các vị một cách thấu đáo như thế, và cùng bàn luận về xôi, giò chả với cái dễ dàng thân mật của những người kính phục lẫn nhau. – Ở đâu, nếu không ở chốn Hà Nội 36 phố phường?
Giờ ăn đã no rồi, rượu đã làm cháy khô cuống họng. Còn gì bằng một chén nước chè nóng, một lá trầu tươi, một điếu thuốc lào ở cái điếu rõ kêu? Vậy xin mời các ông sang bên “Hàng nước cô Dần”…
Hàng nước cô Dần
Không khỏi nhớ lời ca khúc Cô Hàng Nước của Vũ Minh:
“… Đầu làng Ngũ Xá có nàng
Một nàng bán nước chè xanh
Người đâu trông mà duyên dáng
Và cô em chừng đôi támMiệng cô như là hoa
Đóa hoa thật tươi
Trông càng say đắm
Mắt cô đưa tình
Khiến bao chàng trai
Ngất ngây vì cô
Mỗi khi qua hàngHò ơi! Hò ơi!
Đôi mắt nhung huyền
Ơi! hỡi nàng hàng xinh xinh ơi!
Má lúm đồng tiền trông duyên ghê
Làm ta say đắm bao tháng ngàyChiếc áo nhuộm màu nâu non a
Với dáng người nàng thon thon a
Làm ta say đắm bao ngày tháng
Vì em xinh quá xinh là xinh…”
Cô Dần trong bài ký của Thạch Lam bán nước chè trước chợ Đồng Xuân chứ không phải “đầu làng Ngũ Xá”, mà cô tính “còn trẻ con lắm”, mắt chưa biết “đưa tình“… Nhưng cô Dần trẻ và xinh và tươi, và thế là đã đủ để “hàng cô (…) đông khách lắm“…
Không phải cô hàng nước hay hàng xén nào cũng xinh, nhưng tất cả các cô đều là hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt. Họ đang dùng hết sức mình để lo cho mẹ cho em, có khi cả cho chồng đấy!
Cô Dần là một thiếu nữ hãy còn trẻ, cứ nghe tên cô thì đủ biết (cái lối đặt tên của cổ nhân ta nghĩ cũng thẳng thắn và thực thà: mang cái tuổi trong tên mình, không cần giấu giếm). Tuy vậy cô là một thiếu nữ đảm đang lắm. Một mình cô trông nom cái cửa hàng nước ở trước chợ Đồng Xuân, bên cạnh bà cụ bán hàng xôi, và cũng như bà, cô bán hàng từ chín mười giờ tối, suốt đêm cho tới sáng…
Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước (…) đặt úp xuống mặt chõng. Nhưng hàng cô Dần có một chút đặt biệt hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè (…) một thứ chè cũng dễ uống (…) bao giờ cũng nóng sôi dù trời rét hay trời nóng, mùa đông hay mùa hạ. ấm chè bọc một cái áo gài rất cẩn thận, để bên một hỏa lò than lúc nào cũng hồng, trên đặt một ấm nước lúc nào cũng đang reo sôi.
(…) hàng cô Dần đông khách lắm, có khi cô trở tay không kịp. Kẻ đứng, người ngồi xúm vòng quanh – nhưng ngồi xổm mà thôi, vì hàng nước ấy lại còn có cái đặc biệt khác nữa là không có ghế ngồi. Những bác phu xe đặt nón, lần túi lấy thuốc lào, vài thầy đội xếp uống chè từng ngụm nhỏ trên xe đạp gác ở hè, với vài khách hàng áo ngắn, còn trẻ tuổi, hay điểm thêm vào vị nước một vài câu bông đùa nhè nhẹ đối với cô hàng. Thỉnh thỏang, một bác phu già, rụt rè thầm khẽ bên tai cô hàng nước, hoặc trả tạm một vài xu ở món nợ còn lại, hoặc nằn nì xin chịu nữa. Cô hàng nhíu đôi lông mày nhỏ lại một chút, nhưng cô dễ tính, rồi cũng bằng lòng.
*
Một hàng nước đắt hàng vì các thức quà bán đã đành, nhưng đôi khi cũng đắt khách vì cả cô hàng. Cô hàng nước (…) dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên trong thành phố, ở đâu cũng vậy, miệng tươi của cô là dây liên lạc khắp cả mọi người (…)
ồ, nhưng mà chúng ta hãy trở lại cô hàng nước của ba mươi sáu phố phường. Cô nhũn nhặn lắm: mặc giản dị một cái áo tứ thân nâu cũ (…) Trong mấy ngày Tết, người ta mới thấy cô khoác cái áo mới hơn một chút, vấn vành khăn tròn trặn và chặt chẽ hơn. Và dưới mái tóc đen, lúc đó mới lấp lánh mặt đá của đôi hoa vàng, bà cụ đánh cho cô năm vàng còn rẻ, làm cái vốn riêng, chắc thế.
Cô không đẹp, chỉ xinh thôi, và tính (…) còn trẻ con lắm. Thấy khách hàng nói một câu bông đùa, cô đã tưởng người ta chòng ghẹo, nên nhíu đôi lông mày lại, ngoe nguẩy cái mình. Khách trông thấy chỉ cười. Nhưng cô cũng không giận ai lâu: chỉ một lát cô lại vui ngay.
Một hai năm nữa, lớn lên đi lấy chồng, ai là người thay cô trông nom ngôi hàng nước của “Hà Nội là động tiên sa”?
– Cô bé em cô, hẳn vậy, sẽ ngồi bán hàng thay chị, lại que diêm, điếu thuốc, miếng trầu – để kéo dài mãi mãi cái phong vị bình dân và mộc mạc của các cô hàng nước cùng với các cô hàng xén kĩu kịt đi chợ Đông, chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần túy của người Việt Nam từ xửa xưa đến giờ.
Nguồn: Thạch Lam, Quà Hà Nội. Thu Tứ, Chim Việt Cành Nam. Chú thích của tác giả. DCVOnline minh họa.
(1) Theo Hoàng Quốc Hải trong Ký sự ven hồ, nxb. Hà Nội, VN, 2004, tr. 169-176.
(2) Trong bài Vài Thứ Chuyên Môn Nữa, Hà Nội băm sáu phố phường.
(3) Trong bài Một Thứ Quà Của Lúa Non: Cốm., sđd.
(4) Xem bài Thôi Một Nước Quê.
(5) Xem bài Cái Hay Của Tỉnh.
(6) Xem bài Người Việt Viết Về Ăn.
(*) Đây là tên tạm đặt cho văn trích từ hai bài Những Thứ “Chuyên Môn” và Bánh Đậu.
Cốm, thơm, màu xanh non tươi mát như màu lúa mới trên cánh đồng, khi di cư vô miền Nam, như hầu hết nhiều món khác của miền Nam, được trang điểm thêm với màu trắng của những sợi dừa nhỏ nhai vừa dòn lại mềm, béo, trở thành một kết hợp tuyệt vời nhất. Rất tiếc có lẽ nhà văn Thạch Lam không được biết đến bước chế biến thêm tuyệt hảo này.
Món “quà” dân dã cốm dừa của miền Nam trên gói lá chuối thật đơn giản trong lành và như ẩn hiện những hình ảnh thơ mộng đặc thù VN nhất: bụi chuối sau vườn, đồng lúa xanh mơn và hàng dừa ven sông lả lướt …