Nếu không là cừu thì phải chọn…
V. Quốc Uy
Thưa các vị trí thức, lịch sử không khiến anh làm trọng tài, và không bên nào cho phép anh làm trọng tài cả, xin đừng ảo tưởng làm chi!
DCVOnline: Xin giới thiệu lại với bạn đọc bài viết đã đăng ở đây đầu năm 2012, trong mục OntheNet; bài viết không có ý kiến của bạn đọc và là bài đã có 13,555 lượt đọc, nhiều nhất trong tháng Giêng 2012.
Câu chuyện về sự phát ngôn và ứng xử của nhà Toán học trẻ Ngô Bảo Châu nếu chỉ là chuyện riêng của cá nhân thì cũng là chuyện nhỏ, nhưng đặt vai trò của một trí thức đã có danh phận trong “bàn cờ thế sự” như cách nhìn rất đúng của Vũ Đông Hà (1) thì quả thực cũng lắm chuyện để bàn, lắm góc nhìn để xét. Nên tôi xin có lời bàn thêm.
Trong xã hội Việt Nam hiện nay Đảng CSVN là yếu tố rất lớn, “phủ sóng” chi phối đến từng ngõ ngách của cuộc sống thì việc xem xét phẩm chất một trí thức cũng như đánh giá hành vi của họ là tốt hay xấu, không thể xem xét theo cảm tính hay theo sách vở thông thường, mà phải xem xét trong mối tương quan với nhân tố rất căn bản này. Một người hay một việc có thể bản chất là tốt nhưng nếu tạo điều kiện cho thế lực xấu của Đảng sử dụng và gây hiệu quả xấu thì trở thành yếu tố xấu, và ngược lại… Nghĩa là phải đặt quân cờ trong bàn cờ đang hồi sôi động.
– Dù chủ động hay chỉ do bị động thì nhà Toán học Ngô Bảo Châu cũng đang thành một quân cờ trên bàn cờ mà 2 đối thủ đang cầm quân là Đảng CSVN ở phía bên này, còn bên kia là phía Dân chủ Tự do (gồm nhân dân giác ngộ, trí thức giác ngộ và nhân loại văn minh).
– Thật vậy, Quyền và Tiền không phải nước lã. Trong chế độ Cộng sản, cho anh làm Viện trưởng một Viện lớn, cho nhận căn nhà tặng giá 3 triệu đô và cho kinh phí 667 triệu VNĐ thì người ta không ngu gì để anh khôn lỏi làm người đứng giữa; anh phải là một quân cờ của phía Quyền và Tiền, dù trong lòng anh có cao quý thế nào mặc kệ. Không chấp nhận thì anh phải khước từ! Dân chúng hoàn toàn có thể chấp nhận và tự hào về một Thiên tài chỉ biết làm Toán và không biết làm chính trị hay phản biện xã hội (dẫu biết như vậy là trí thức một bề, không hoàn thiện). Nhưng nếu thế, chỉ yêu Toán, khước từ chính trị, thì người thông minh đã không ứng xử như Ngô Bảo Châu.
Luật đời, sự lựa chọn bao giờ cũng phải “trọn gói” (như Phạm Thị Hoài đã nói), không thể nhặt vinh quang của “gói” này chắp vào lợi lộc của “gói” kia, giống như ĐCS đã chắp kinh tế thị trường vào định hướng XHCN và đã dùng sức mạnh áp đặt xã hội. Mấy chục điều tự bạch của Ngô Bảo Châu là để ông nói mà chơi chứ vào bàn cờ thì không có chuyện “quân cờ” được phép tự nhúc nhích theo “tuyên ngôn” của mình.
– Có điều cần nhớ là quân cờ (hay ngọn cờ) trí thức Ngô Bảo Châu ở đây không có nhiệm vụ “chặt chém, ăn quân” thô thiển mà có sứ mệnh “sang trọng” hơn. Nó phải di động sao cho đưa được cuộc cờ vào “thế” mà Quyền và Tiền mong muốn; đôi khi Ngô Bảo Châu cũng được phép nói thật lòng để làm cho đối phương tưởng bở, tưởng quân cờ này là quân cờ tự do chẳng ai điều khiển được, hoặc giả bộ đi nhầm một nước có lợi cho đối phương…
Nhưng quân cờ là quân cờ, dù được tiện bằng ngà voi hay bằng đá quý cũng vậy thôi.
– Sản phẩm của trí thức là kết tinh của trí tuệ và nhân cách, nó không hề bị giới hạn bởi ranh giới nào hết, kể cả ranh giới nghề nghiệp (điều này trước đây hai ông Hà Sĩ Phu và Phan đình Diệu đã nói rất rõ). Đối với trí thức thì nhu cầu Phản biện xã hội cần thiết nhiều hay ít là do thực tiễn xã hội ấy đòi hỏi nhiều hay ít. Trong một xã hội thanh bình, người trí thức có thể yên tâm làm nghề riêng của mình, coi sự phản biện xã hội là nhu cầu rất thứ yếu. Nhưng khi xã hội đang biến động, vận nước đang cơn hiểm nghèo, đạo đức đang lúc suy đồi… thì xã hội cần sự phản biện một cách tập trung và quyết liệt để cứu nước, cứu xã hội, người trí thức khi ấy phải đặt nhu cầu phản biện, phản tỉnh, phản kháng lên trên. Thử tưởng tượng ngôi nhà của Ngô Bảo Châu đang bén lửa mà mà có người đến vỗ vai rất thân ái, bảo “Châu ơi, hãy tập trung vào công việc chính là Toán học đi, chữa cháy là rất cần, vô cùng cần (không chữa cháy thì gia đình sẽ chết lâm sàng), nhưng chữa cháy là việc chung của nhiều người, ai làm chẳng được.” thì Ngô Bảo Châu sẽ nhìn anh bạn đó với con mắt thế nào, biết đâu hắn chẳng là tòng phạm với kẻ muốn đốt nhà Châu?
Sự phản biện tất nhiên không phải dành riêng cho trí thức, nhưng người trí thức luôn có vai trò đi đầu trong phản biện để nâng cao dân trí, vì trí thức là nguyên khí quốc gia, là đội ngũ tinh hoa (Tinh hoa của trí tuệ và nhân cách chứ không phải một đám chuyên viên kỹ thuật). Một khi dân trí được thức tỉnh thì dân sẽ “phản biện” bằng cách của họ, bằng hành động là chính (nói kiểu Lê nin thì trí thức thường dùng vũ khí phê phán, còn dân thì phê phán bằng các “vũ khí” khác).
Đã mấy ai thiên về “chuyên môn”, chăm chú về chuyên môn như GS Nguyễn Huệ Chi trước đây, nhưng hiện tình vận mệnh đất nước đã khiến ông phải gánh lấy trách nhiệm đầu tàu phản biện, mà tự hỏi “mình không phản biện thì chờ ai phản biện đây?” Không phải ông “xếp bút nghiên theo việc đao cung” mà chỉ dùng “bút nghiên” làm vũ khí, và chỉ cần thế thôi là đương nhiên chẳng có chức Viện trưởng, chẳng có nhà lầu hay kinh phí hàng trăm tỷ nào có thể trao vào tay ông, có chăng chỉ là sự lo âu, là những nguy cơ thường trực. Bởi sự lựa chọn luôn luôn là “trọn gói”.
Trong “bàn cờ Thế sự Việt nam thời…Thổ tả” chỉ có hai bên; dù muốn hay không người trí thức đã có danh phận cũng phải là một quân cờ, đứng “lề” nào do anh tự chọn! Mà buộc phải chọn, không thể là con cừu lơ ngơ hay siêu nhân đứng giữa. Có nhiều người thoạt nhìn tưởng như đứng giữa nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thực chất họ cũng thuộc về bên này hay bên kia. Sự đứng giữa chỉ là phương pháp hay vỏ bọc. Nếu không là cừu thì phải chọn một trong hai “lề” , phải hay trái, chính hay tà? Không thể đứng trên cao buông lời “Trung dung, khách quan, công bằng, hợp lý” như vẫn được dạy trong sách vở, vì đó là phẩm chất dành cho trọng tài.
Thưa các vị trí thức, lịch sử không khiến anh làm trọng tài, và không bên nào cho phép anh làm trọng tài cả, xin đừng ảo tưởng làm chi!
Một nhà trí thức đã có danh phận dù có im lặng để “làm chuyên môn”, dù không nói gì hết, thì sơ sơ cũng là một mức độ đầu hàng cái Ác, cũng là đứng im trong tay cái Ác cho cái Ác lợi dụng. Huống chi còn nói những lời lấp lửng làm mồi cho cái Ác?
Đóng vai Trọng tài của thời cuộc, đóng vai quân tử đứng giữa để tôn vinh những “chân lý vĩnh cửu” chỉ là tự lừa mình và giúp người ta trưng mình ra để chăn dắt dân chúng như chăn dắt “đàn cừu”!
Tôi viết những dòng này trong niềm tự hào rằng đất nước có những tài năng như GS Ngô Bảo Châu, và tin rằng anh còn có thể điều chỉnh. Tôi mong anh điều chỉnh thành công , tuy không dễ, để niềm tự hào của tôi và của những người yêu mến anh không bị phụ lòng.
27/1/2012
(1) trí thức trên bàn cờ thế sự động lung tung. Vũ Đông Hà.