Chuyện Mỹ và Việt Nam

Lữ Giang

tpp_vs_democracy_rabbleQua các cuộc họp và bản tuyên bố chung được công bố, chúng ta thấy Hoa Kỳ đang áp dụng một chính sách mới để Việt Nam không đứng hẳn về phía Trung Quốc.

Trưa thứ 5 ngày 25-07-2013, lúc 11 giờ 30 chúng tôi nhận được bản “Tuyên bố chung” bằng tiếng Anh của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama do Tòa Bạch Ốc phổ biến, tôi định dịch một số đoạn chính ra tiếng Việt để tối lên nói chuyện trên truyền hình, nhưng lại nghĩ rằng thử vào website của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội xem có bản dịch bằng tiếng Việt chưa. Tôi vào và tìm thấy nó đã nằm sẵn ở đó rồi!

Đây là một bản tuyên bố dài 3.200 từ, đọc hơn 30 phút, nếu dịch nhanh thì cũng phải mất vài tiếng. Dùng Google có thể dịch nhanh nhưng thường sai nghĩa quá nhiều và quá xa, không thể dùng được. Tại sao họ dịch mau như vậy?

Tại vì “mọi sự đã được an bài”. Cuộc họp giữa Chủ Tịch Trương Tấn Sang và Tổng Thống Obama từ 24 đến 26-07-2013 chỉ là các nghi thức ngoại giao, mọi chuyện đã được hai bên thảo luận và quyết định trước rồi. Bản tiếng Việt của bản tuyên bố chung cũng đã được dịch sẵn.

Như vậy các kháng thư, thỉnh nguyện thư hay những tiếng kêu trên các đường phố…về “dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam” chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc họp thượng đỉnh này cả!

Hướng dẫn hay lái tin?

Mặc dầu “mọi sự đã được an bài”, trong những ngày trước cuộc họp và khi cuộc họp giữa hai bên đang diễn ra, đài Á Châu Tự Do (RFA), một cơ quan được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, lại mở chiến dịch kích động phong trào đòi Mỹ buộc Việt Nam phải thực thi dân chủ và dân quyền mới thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam. Một số còn yêu cầu Mỹ đừng cho Việt Nam gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)!

Ông Nguyễn Văn Khanh, giám đốc ban Việt ngữ của đài RFA, người luôn tuyên bố “mới từ Tòa Bạch Ốc trở về”, còn đi làm “phóng viên” cho nhiều đài truyền thanh và truyền hình Việt ngữ khác để cổ động cho chiến dịch đòi hỏi này.

Tuy nhiên, qua các cuộc họp, người ta thấy cả Ngoại Trưởng Kerry lẫn Tổng Thống Obama đều “thổi ống đu đủ” cho Trương Tấn Sang căng phồng lên và trong bản tuyên bố chung, người ta thấy Hoa Kỳ đã quyết định thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” (comprehensive partnership) với Việt Nam và thúc đẩy Việt Nam tham gia tích cực vào việc hoàn thành hiệp ước TPP vào cuối năm nay. Hoa Kỳ không hề đòi hỏi Việt Nam phải thực thi dân chủ và dân quyền. Thế là thế nào?

Như chúng tôi đã nói, sau cuộc gặp gỡ giữa Obama và Tập Cận Bình vào tháng 6 vừa qua, nhiều nước Á Châu nghi ngờ Mỹ đã giao Biển Đông cho Trung Quốc. Chủ Tịch Trương Tấn Sang đã vội qua Bắc Kinh ký một loạt 10 hiệp ước và tuyên bố hai nước quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trước tình thế này, Tổng Thống Obama một mặt mời Trương Tấn Sang qua thăm Mỹ bàn về quan hệ đối tác, mặt khác sai Phó Tổng Thống Joe Biden đi trấn an các nước Á Châu.

Dĩ nhiên, khi muốn dụ Việt Nam xa Trung Quốc ra, Mỹ phải “thổi ống đu đủ”. Ngoài ra, có lẽ do sự lèo lái của Mỹ, hôm 28-07-2013 Ấn Độ cho biết sẽ cấp tín dụng 100 triệu cho Việt Nam mua bốn tàu tuần tra của Ấn Độ. Ấn Độ cũng sẽ bán hỏa tiễn siêu âm BrahMos chống chiến hạm cho Việt Nam. Hỏa tiễn này có đầu đạn nặng 300kg, tầm bắn lên tới 290km.

Trước những diễn biến thuận lợi cho Việt Nam như vậy, đài RFA không còn loan tin theo hướng “ta thắng địch thua” của sách quốc văn giáo khoa thư chống cộng nữa, ngày 26-07-2013 đài này đã cho phổ biến một bài dưới đầu đề “Gặp gỡ Obama-Trương Tấn Sang: hai bên cùng thắng”, trích dẫn một số đoạn quan trọng trong tuyên bố chung biểu hiện sự thắng lợi đó, chẳng hạn như:

“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

“Hai nhà Lãnh đạo tuyên bố quan hệ Đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.”

Sau đó, dùng cô nhân viên Diễn Thi làm đặt câu hỏi, ông Nguyễn Văn Khanh tuyên bố:

“Trong cương vị của một nhà báo, tôi thấy tôi hài lòng với cuộc gặp gỡ và kết quả của cuộc gặp gỡ vừa mới kết thúc cách đây chỉ mấy giờ đồng hồ ở Nhà Trắng giữa chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ, ông Brack Obama. Trong cương vị của một người Mỹ gốc Việt, tôi cũng hài lòng về kết quả của cuộc gặp gỡ đó…”

Khi phát biểu như vậy, có lẽ ông Nguyễn Văn Khanh muốn xóa đi những chiến dịch mà đài RFA đã phát động trước đó vì nó không phù hợp với đường lối của Washington, nhưng những lời phát biểu đó lại không phù hợp với sứ mạng của một người làm truyền thông. Trên nguyên tắc, vai trò của ký giả là là cung cấp thông tin một cách chính xác, toàn diện, đúng lúc và có thể hiểu được (It is the role of journalists to provide the information in an accurate, comprehensive, timely and understandable manner). Vai trò của người ký giả không phải là lái tin. Đó là điều RFA phải xem lại.

Chuyện huyền thoại về TPP

TPP: Thành viên hiện tại và thành viên đang đàm phán. Nguồn: Wikipedia.org
TPP: Thành viên hiện tại và thành viên đang đàm phán. Nguồn: Wikipedia.org

Một chuyện khôi hài nữa là Hợp Định Đối Tác Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP). Hiệp định đó đang soạn thảo (tức chưa có) và Mỹ cũng chỉ là một thành viên của ban soạn thảo như Việt Nam, làm sao Mỹ không cho Việt Nam vào Hiệp Định TPP được? Trong thực tế, Mỹ sợ Việt Nam bỏ chạy nên thúc Việt Nam tham gia tích cực hơn. Để độc giả có thể nắm vững vấn đề, không bị các chánh khứa chạy rong xúi bậy, chúng tôi xin tóm lược tiến trình thành lập và nội dung của dự thảo hiệp định này.

1. Đi tìm một mô thức chung

Năm 2003, ba nước là Singapore, New Zealand và Chile họp bàn về một lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2005 có thêm Brunei tham gia vào. Đền ngày 22.9.2008 Mỹ mới chính thức tham gia thảo luận. Ngày 30.12.2008, Australia, Peru và Việt Nam vào theo, sau đó đến Canada và Mexico. Nhật tham gia sau cùng với tư cách là quan sát viên.

Cho đến nay, đã có 12 quốc gia tham gia soạn thảo quy chế của TPP, đó là Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Malaysia, Hoa Kỳ, Peru, Úc, Việt Nam, Mexico, Canada, và Nhật. Rất nhiều nước đang đứng ngoài như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Nam Hàn, Bangladesh, Pakistan, v.v.
Như vậy quy chế TPP soạn thảo chưa xong và Hoa Kỳ cũng chỉ là 1 trong 12 thành viên hiện nay như Việt Nam, nên Hoa Kỳ không có quyền không cho Việt Nam vào TPP.

2. Những khó khăn đang gặp phải

Mô thức hình thành TPP phần lớn mô phỏng theo các hiệp ước tự do mậu dịch (free trade agreements – FTA) hiện đang áp dụng, nhưng vì các nước trong vùng lớn nhỏ và giàu nghèo khác nhau, nên khó tiến tới các tiêu chuẩn chung. Một tiêu chuẩn có thể lợi cho các nước giàu lại bất lợi cho các nước nghèo và ngược lại.

Có khoảng 30 đề mục được đưa ra thảo luận, chẳng hạn như Cạnh tranh, Hải quan, Hợp tác và Nâng cao năng lực, Cung cấp dịch vụ qua biên giới, Thương mại điện tử, Môi trường, Dịch vụ tài chính, Mua sắm Chính phủ, Sở hữu trí tuệ, Đầu tư, Lao động, Các vấn đề pháp lý, Tiếp cận thị trường hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, v.v.

Trong phiên họp thứ 17 tại Lima, Peru, vào tháng 5 vừa qua có đến 700 chuyên viên và đại diện của 10 nước tham dự, trong đó Việt Nam có 35 người. Trong phiên họp thứ 18 tại Malaysia, mới chỉ có 5 đề mục chính được thông qua là tạo thuận lợi thương mại, thống nhất tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy làm sao từ nay đến cuối năm có thể thảo luận xong cả 30 đề mục như Mỹ muốn được?

Có hai vấn đề gay cấn sẽ được thảo luận là luật lao động và thuế quan.

Về luật lao động, các nước nghèo nhờ lao động rẽ nên giá sản phẩm thấp, vì thế có nhiều nước tới đầu tư. Nay nếu nâng tiêu chuẩn lao động lên như Mỹ hay Úc, giá sản phẩm sẽ tăng lên, ai tới đầu tư và làm sao cạnh tranh?

Về quan thuế, đây là nguồn thu chính của ngân sách nước nghèo và là hàng rào ngăn chận nhập cảng xa xỉ phẩm để tiết kiệm ngoại tệ. Nay bắt giảm thuế suất xuống còn 0% đối với 90% loại hàng hóa trao đổi, lấy nguồn thu ở đâu để thay thế và làm sao ngăn chận các xa xỉ phẩm?

Trên đây mới chỉ là chuyện soạn thảo hiệp ước. Sau khi có sự đồng thuận, còn nhiều chuyện nhiêu khê khác phải giải quyết. Trước mắt là vấn đề phê chuẩn. Chính phủ ký nhưng Quốc Hội thấy không lợi nên không phê chuẩn thì kể như thua. Một thí dụ cụ thể là Mỹ đã góp phần soạn thảo và ký Luật Biển năm 1982 và Luật thiết lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế năm 2000, nhưng Quốc Hội Mỹ không phê chuẩn thành ra Mỹ không bị ràng buộc bởi hai luật này.

Ngoài ra, hiện nay còn khoảng 30 hiệp ước song phương và đa phương đang tồn tại trong vùng, làm sao giải quyết để vào TPP?

Lợi và bất lợi của Việt Nam

VNCH ngày xưa chỉ biết có Mỹ và ôm cẳng Mỹ, nên Mỹ bỏ là mất nước. CSVN ngày nay ôm nhiều cẳng cùng một lúc như Trung Quốc, Nga, Mỹ… nên có thể chơi trò đu dây để tồn tại. Hiện nay CSVN đang đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng nếu phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc thì CSVN sẽ chọn Trung Quốc, vì nước (Biển Đông) coi như đã mất rồi, nên phải giữ lấy Đảng bằng mọi giá. Theo Mỹ sẽ mất cả hai.

Mỹ hiểu rõ chuyện đó, nên không bắt CSVN phải bỏ Trung Quốc mà chỉ muốn Việt Nam tách ra khỏi Trung Quốc một khoảng cách vừa phải để Mỹ còn có chỗ đứng ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng muốn như vậy để giảm bớt áp lực từ phía Trung Quốc. Nhưng kế hoạch này của Mỹ chỉ mới đi bước đầu, chưa biết nó sẽ như thế nào?

Hiệp định TPP khi hoàn tất có thể giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng chưa chắc đã có lợi cho các nước nhỏ và nghèo, trong đó có Việt Nam. Chấp nhận TPP Việt Nam còn phải cải tiến nhiều vấn đề như hủy bỏ chế độ quốc doanh, hàng rào quan thuế, quản lý thị trường; sửa đổi luật thương mại và đầu tư, sửa đổi chế độ lao động… Nếu làm như vậy đâu còn là “xã hội chủ nghĩa” nữa? Vả lại, không chắc theo mô thức thương mại tự do sẽ phát triển mạnh hơn. Trung Quốc có theo mô thức thương mại tự do đâu mà ngày nay đã tiến lên hàng cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới?

Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN (viết tắt là AFTA) được thành lập từ năm 1992, nhưng các nước Cambodia, Lào, Miến Điện và Việt Nam vẫn chưa tham gia vì gặp khó khăn trong việc thay đổi theo những điều kiện đã được đưa ra. Đầu năm 2010, Khu vực Tự Do Mậu Dịch Trung Quốc – ASEAN (ASEAN China Free Trade Area – CAFTA) lại được thành lập khiến Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN bị lu mờ. Một số nước trong vùng lại làm ăn lẽ với Trung Quốc vì có lợi hơn. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN đã tăng vọt lên trên 200 tỷ USD mỗi năm trong những năm gần đây.

Hoa Kỳ sợ Việt Nam rút lui hay trì hoãn áp dụng một số điều khoản trong hiệp định TPP như đã làm với hiệp ước Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN, nên yêu cầu Việt Nam “cam kết hoàn tất đàm phán” về TPP vào cuối năm nay.

Về vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ hiểu rỏ Đảng CSVN sẵn sàng từ bỏ các quyền lợi khác để bảo vệ quyền lực của Đảng, nên không làm theo yêu cầu của các tổ chức nhân quyền mà chỉ yêu cầu Việt Nam “thu hẹp khác biệt về quyền con người” giữa hai bên mà thôi.

Qua các cuộc họp và bản tuyên bố chung được công bố, chúng ta thấy Hoa Kỳ đang áp dụng một chính sách mới để Việt Nam không đứng hẳn về phía Trung Quốc. Có điều đáng buồn cười là đài RFA và các nhà đấu tranh không nắm vững đường lối của Washington nên thay vì lùa CSVN vào TPP để bắt phải thay đổi, nhất là chế độ quốc doanh, lại yêu cầu loại Việt Nam ra!

01-08-2013


Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và chú thích.

(1) Xem thêm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Wikipedia.org

(2) Trans-Pacific Strategic Economic Partnership. Wikipedia.org.

(3) Năm điểm chính Mỹ đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết trong Báo cáo thường niên (4/2013) về những rào cản thương mại thế giới trong các cuộc đàm phán TPP [với VN] hoàn tòan không liên hệ đến dân chủ, nhân quyền. Rào cản thứ năm mà Mỹ nêu ra cho Việt Nam là nạn tham nhũng và quan liêu/vô hiệu đang tràn lan trọng khắp mước. Nguồn: Obama Administration Takes Aim at TPP Countries’ Public Interest Policies in New Report. Posted by Ben Beachy, April 05, 2013. Public Citizen.

 

2 Comments on “Chuyện Mỹ và Việt Nam

  1. Trích: “Có điều đáng buồn cười là đài RFA và các nhà đấu tranh không nắm vững đường lối của Washington nên thay vì lùa CSVN vào TPP để bắt phải thay đổi, nhất là chế độ quốc doanh, lại yêu cầu loại Việt Nam ra!”

    Việc cho rằng CSVN vào TPP sẽ làm cho CSVN xa khỏi quĩ đạo Trung Quốc có thể là đúng. Trong một bài viết của tạp chí The Economist có đoạn nói rằng nếu Việt Nam vào TPP thì sẽ phải ngưng dùng nguyên liệu thô của Trung Quốc cho các sản phẩm xuất cảng sang Mỹ. Chẳng hạn, về quần áo thì không được mua vải của Trung Quốc để may quần áo mà phải mua của các nước có trong TPP. Như vậy TPP là một hội buôn bán. Các nước trong đó sẽ dành cho nhau một số sự dễ dãi về thuế biểu hay xuất nhập cảng, đồng thời các nước sẽ mua hàng của nhau, bán hàng cho nhau. Bằng cách này, các nước không gia nhập TPP sẽ bị gạt ra ngoài trong việc buôn bán. Nếu Việt Nam vào TPP thì Trung Quốc sẽ bị mất một số mối lợi về kinh tế .

    Nhưng thật ra cách hợp tác kinh tế này Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đang làm và gạt các nước Tây Phương ra ngoài, nghĩa là Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước bạn của Trung Quốc và Việt Nam như Nga, Iran, Cuba, Miến Điện, Lybia (thời Gaddafi), Syria… có những buôn bán với các điều kiện “hữu nghị” cho nhau.

  2. Trích: “VNCH ngày xưa chỉ biết có Mỹ và ôm cẳng Mỹ, nên Mỹ bỏ là mất nước.”

    Đây là một nhận xét phiến diện.

    Khi Mỹ ngưng viện trợ quân sự cho VNCH thì VNCH bị mất vì CSVN đánh chiếm. Mà CSVN thì lúc đó nhận rất nhiều viện trợ của Liên Xô. VNCH không thể nào có đủ ngân sách để chống lại một cường quốc như Liên Xô là một nước công nghiệp và có dân số đông gấp hơn 10 lần VNCH. CSVN chỉ làm công việc đánh nhau còn tiềm lực chiến tranh thì do khối Liên Xô và Trung Quốc cung cấp.

    Nếu CSVN không đánh miền Nam thì dù thiếu viện trợ VNCH chỉ nghèo thôi chức không bị mất. VNCH ngày xưa cũng buôn bán với nhiều nước chứ không phải chỉ có nhận viện trợ Mỹ. Vào năm 1975 thì VNCH có hạ tầng cơ sở, đường xá cầu cống hơn miền Bắc, có nhiều hãng xưởng sản xuất hơn miền Bắc vì không bị ném bom. Sau 1975, miền Nam cung cấp hơn 80% hàng hóa tiêu dùng cho cả nước thì nếu Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc bất thần cắt viện trợ cho cả hai miền vào năm 1975 thì VNCH vẫn ở trong tình trạng khả quan hơn miền Bắc.

    Sở dĩ VNCH phải “ôm chân Mỹ” vì CSVN đã ôm chân Trung Quốc và Liên Xô trước để xin viện trợ súng đạn đánh VNCH. Nếu CSVN không ôm chân Trung Quốc và Liên Xô thì không có phương tiện mà đánh miền Nam thì Mỹ sẽ thấy chẳng cần viện trợ cho VNCH mà VNCH cũng thấy chẳng cần viện trợ quân sự của Mỹ, ngoài viện trợ kinh tế để phát triển như ngày nay CSVN cũng đang nhận.