Tìm sự mở đầu bằng hai kết thúc (Kết)

Sơn Diệu Mai

ngusacLá cờ Ngũ sắc sẽ được sử dụng như biểu tượng của một chính phủ lâm thời trong khi chờ đợi một lá cờ hoàn toàn mới xuất hiện. Lá cờ của một nước Việt đã sang trang.

Tiếp theo phần I.

[…]

Đó là trường hợp riêng của nhà văn Dương thu Hương.

Những trường hợp khác tôi không biết rõ, nhưng nhìn vào sự tan rã của khối 8406 tôi thấy hai nguyên nhân. Thứ nhất, đó là sản phẩm của riêng các anh, những người ở ngoài biên giới. Nó không được người Việt Nam sống trên đất Việt Nam chấp nhận. Ấy là xét trên phương diện đường lối. Thứ hai, về tư cách cá nhân, một số đảng viên của đảng Việt Tân đã phạm những sai lầm không thể cứu vãn. Họ đã hăm doạ trả thù những sinh viên Việt Nam. Năm 2007, sinh viên Việt Nam tự động tổ chức biểu tình chống Tầu tại quảng trường Tropécardo. Nhân buổi uống cà-phê sau đó, một số sinh viên có nói với tôi rằng các anh doạ trả thù họ.

“Họ doạ trả thù chúng cháu. Nhưng chúng cháu có phải bọn con ông cháu cha đâu? Nếu con ông cháu cha đã không ra đây để biểu tình, mà cũng chẳng cần phải lao động tối ngày để kiếm thêm tiền sinh sống. Đám người đe doạ trả thù chúng cháu tự xưng là bác sĩ, kỹ sư, tức là trí thức, là người có chữ. Hành động của họ tố cáo một sự thật trái ngược. Họ căm thù chế độ cộng sản, điều đó có thể hiểu được. Nhưng chúng cháu không phải tác giả của chế độ ấy. Mà ngay người cầm quyền cộng sản bây giờ cũng đã phải thức tỉnh, không dám công khai trả thù con cái những người bất đồng chính kiến nữa. Họ vẫn quấy rối, ngăn cản con cái những người đối lập một cách lén lút, vòng vo, nhưng không dám trắng trợn đuổi khỏi trường học hay tống lên miền núi như trước kia…”

Tôi biết rõ những sinh viên ấy. Họ phải lao động cật lực. Con trai đi chạy bàn, giao sushi cho hệ thống làm đồ ăn của người Do Thái. Con gái đi giữ trẻ hoặc lau dọn cửa nhà, tức là thứ việc mà đa phần người da đen ở ngoại ô đảm nhiệm. Cha mẹ họ là những giáo viên và viên chức bình thường, phải tằn tiện, dành dụm, thậm chí bán một phần nhà đất cho con cái ra đi. Ai cũng mong cho hậu duệ được đổi đời. Tôi không hiểu vì lý do nào mà các anh có thể hăm doạ trả thù những đứa trẻ như vậy?

Đến đấy, Quang đưa tay ra làm cử chỉ ngắt lời tôi:

– Tôi không làm điều ấy. Tôi không chịu trách nhiệm về hành vi của kẻ khác.

– Những kẻ khác ấy lại chính là các đồng đội của anh; tôi đáp: Và dù chối bỏ hay không thì anh cũng đã đứng chung với họ trong một chính đảng. Bây giờ anh hiểu vì sao nhiều đồng chí của anh giấu mặt và anh hiểu vì sao người trong nước tuyên bố: “Không đánh đổ một đám hủi để đưa lên một đám cùi”. Để cung cấp cho anh thêm một ví dụ nữa, tôi muốn nhắc đến cuộc tranh chấp, cãi cọ vì tiền bạc giữa một gia đình theo đảng Việt Tân, gồm một cặp vợ chồng và cô con gái với vợ chồng cô Lê thị Công Nhân, được đưa lên YouTube khoảng cuối năm 2012 với tựa đề: “Vợ chồng Lê Thị Công Nhân đồng ca quỵt nợ vì dân chủ”

Quang lại cắt lời tôi, nhưng giọng không còn gay gắt.

– Tôi biết vụ này, nhưng không ai có thể giáo dục hay chịu trách nhiệm về hàng ngàn người khác. Tôi không phải đảng trưởng đảng Việt Tân. Mà cho dù là đảng trưởng, tôi cũng không thể kiểm soát hành động của mọi người cho được.
Tôi nói:

– Nhưng các anh có tham vọng thay đổi nước Việt thành Việt Tân cơ mà? Nói cách khác, các anh có tham vọng làm một cuộc cách mạng, một sự nghiệp lớn lao, nếu tôi không nhầm.

– Cậu muốn móc máy tôi chăng? Quang nổi sùng, quặc lại tôi.
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt anh ta, vẫn thứ lửa hừng hực của kiểu người cuồng nộ bẩm sinh, nhưng hai màng mắt đã mờ, đầy tia máu và ánh mắt đã bắt đầu run rẩy. Tôi nhớ lại gương mặt tím bầm vết thương của gã trai ba mươi năm trước như để làm một bảng so sánh, như để kiểm chứng sức mạnh của thời gian. Và tôi nghĩ: “Non sông dễ thay, tính người khó đổi. Nhưng anh ta thôi là chàng Tác-Zăng năm trước. Nếu bây giờ anh ta muốn gây sự đánh kẻ khác, ắt người đo ván là chính anh ta”. Chừng như cảm thấy sự lố bịch của mình, Quang đưa mắt nhìn ra phía cửa quán ăn. Tôi nói:

– Tôi đã giao hẹn với anh rồi, phải bình tĩnh thì mới có thể đối thoại được. Tôi biết rõ rằng nếu muốn anh vui lòng, chúng ta gặp nhau tại đây, chỉ bàn chuyện “Bọn cộng sản ngửi rắm Tầu” thôi còn lờ các chuyện khác đi. Sau đó, chúng ta sẽ chia tay vui vẻ. Nhưng tôi không thể làm điều đó vì như thế đồng nghĩa với sự dối trá. Và cũng có nghĩa là tôi đứng chung hàng ngũ với các anh. Tôi chống cộng sản, để xây dựng một nước Việt Nam mới. Tôi không đứng với các anh, những người muốn là “Việt Tân” , muốn có Việt Tân nhưng thực sự chỉ là đám nô lệ của quá khứ, có nghĩa là đám tù binh của một nước Việt đau khổ và nhục nhã trong cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt kéo dài suốt hai mươi năm. Toàn bộ hoạt động của các anh núp dưới chiêu bài dân chủ nhưng thực chất là để giải phóng những ẩn ức của kẻ thua cuộc, mà cái hành vi không thể che chắn, cũng không thể biện minh là vụ hăm doạ trả thù đám sinh viên Việt Nam ở châu Âu và ở nước Úc. Tôi không biết hiện tượng này có xảy ra ở Mỹ hay không. Nhưng với những gì các anh đã làm, cái gọi là uy tín hay tăm tiếng của các anh, nếu có đôi chút, đã hoàn toàn đổ nát. Các anh nghĩ rằng những người dân ở Việt Nam có thể đi chung đường với các anh sau khi biết các anh đe doạ trả thù con cháu họ? Tôi ngờ rằng các anh không suy nghĩ hoặc không muốn suy nghĩ nên không đặt mình vào địa vị người khác để kiểm chứng các hành vi. Cái xung năng thù hận và bạo hành trong các anh quá lớn, nó làm chủ các anh chứ không phải ngược lại, khi đã bị xung năng điều khiển thì lý trí về zê-rô. Thế nên, sau những hành vi như vậy dầu các anh có uốn lưỡi kiểu gì người ta cũng không tin nữa.

Người dân Việt Nam đã chứng kiến cuộc đấu tố của đám bần cố nông trong cải cách ruộng đất, họ không bao giờ muốn thấy một lần nữa cái xung năng thù hận của kẻ bị tước đoạt, một thứ mặc cảm frustré đòi giải phóng. Mặc cảm frustré về mặt vật chất, điều mà cộng sản đã từng sử dụng, hay mặc cảm frustré về mặt tinh thần như các anh giờ đây, hoàn toàn giống nhau về bản chất, nó chỉ được dùng để nghiền nát cuộc sống và để lại trên mặt đất những xác chết cùng rác rưởi. Nó đơn thuần là sức mạnh phá hoại, nó không thể xây dựng được bất cứ thứ gì.

Tóm lại, về mặt này các anh giống bọn cộng sản như hai giọt nước. Vì giống bọn cộng sản như thế, các anh không thể thắng họ. Người dân Việt Nam muốn có một tương lai, muốn có một nhà nước dân chủ thực sự. Muốn có một nhà nước dân chủ, họ phải loại bỏ chế độ cộng sản, và đồng thời phải loại bỏ cả các anh. Bởi cộng sản với các anh là một cặp bài trùng, hai sản phẩm của cùng một quá khứ, có thể ví nếu các anh là một thây ma sau ngày 30 tháng 4 thì bây giờ chính quyền cộng sản là một con bệnh si-đa sang giai đoạn hấp hối. Không ai muốn đổi một cái thân xác thối ươn lấy một thây ma. Người Việt đấu tranh cho một tương lai, cho cuộc sống mới. Người Việt không đấu tranh để moi những cái xác dưới mồ lên ngửi. Họ không mắc chứng loạn dâm tử thi (nécrophilie). Họ không muốn giam mình trong một nấm mồ. Đó là điều tôi biết chắc chắn. Nếu trong tương lai có một sự thay đổi ở Việt Nam, cuộc cách mạng đó chỉ có thể do những người trong nước thực hiện. Muốn tập hợp dân chúng, những người khởi xướng phải đưa ra một hình thái tiến bộ, chưa có gì khác hơn lúc này là thể chế dân chủ của Mỹ và phương Tây, do đó điều đầu tiên họ phải làm, là hạ bệ cả hai lá cờ đỏ và cờ vàng cùng một lúc.

Cờ vàng ba sọc đỏ Nguồn: Wikipedia.org
Cờ vàng ba sọc đỏ Nguồn: Wikipedia.org

– Lá cờ vàng ba sọc là cờ của chúng tôi; Quang đưa mắt nhìn tôi và dằn giọng: không kẻ nào có thể hạ bệ được nó hết.

– Anh nói đúng; tôi gật đầu: nó vĩnh viễn thuộc các anh, những người sống ngoài biên giới. Từ hạ bệ tôi dùng không chính xác, lá cờ vàng có cái bệ nào ở Việt Nam vào lúc này đâu? Nó là của riêng những người di tản. Lẽ ra, tôi phải nói như thế này: Phải hạ bệ lá cờ đỏ sao vàng, và tuyên bố cấm du nhập lá cờ vàng ba sọc. Sau khi hạ bệ lá cờ đỏ họ phải quay mũi súng để tiêu diệt bất cứ lá cờ vàng nào ngo ngoe xuất hiện ở biên giới, tiêu diệt một cách triệt để bất cứ âm mưu nào muốn làm sống lại màn kịch đã khép lại của lịch sử. Họ phải chôn đi những xác chết để lật trang mới cho dân tộc. Các anh vẫn có thể xài lá cờ cũ, nếu các anh thích, nhưng chỉ ở các thành phố Mỹ và châu Âu, nơi người Việt di cư sinh sống, và chỉ một khi chính quyền sở tại cho phép mà thôi.

– Tại sao lại là một khi chính quyền sở tại cho phép? Quang giật giọng.

– Đó là điều đương nhiên; tôi đáp: chúng ta đang ở châu Âu mà, chúng ta không phải chủ nhân chính thức ở vùng đất này. Cho dù đã vào quốc tịch Pháp, Đức hay Thuỵ sĩ thì chúng ta cũng vẫn là những người ở gá. Tôi lấy ví dụ: trong hội chợ ở thị trấn của chúng tôi, một nhóm người Việt treo cờ vàng ba sọc, nhóm dân khác kiện: “Chúng tôi có treo cờ đỏ đâu mà ông cho phép họ treo cờ vàng?” Thị trưởng tức khắc ra lệnh dẹp: “Ở đất Pháp chỉ treo cờ Pháp thôi”. Và nhóm người kia phải ngoan ngoãn thu mấy ngọn cờ vàng cho vào hòm. Tình hình ở Mỹ có thể dễ dãi hơn, bởi người Việt ở đó đông hơn và nhà cầm quyền đôi khi cũng muốn kiếm phiếu. Tuy nhiên, một khi đón tiếp các chính khách Việt Nam thì nhà nước Mỹ vẫn phải trưng cờ đỏ, cho dù Việt kiều có vẫy cờ vàng, hò hét khan cổ.

Tôi ngừng lại vì thấy trán anh dăn dúm, co rút, vẻ như đang dằn một nỗi uất ức trong lòng. Sau khi nuốt nước bọt khan, anh đưa mắt nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Cậu cũng như tôi, đều lớn lên ở miền Nam. Cậu cũng như tôi, sáng thứ hai đến trường đứng chào lá cờ vàng ba sọc. Vì cớ gì mà cậu đòi huỷ bỏ lá cờ ấy? Tôi không hiểu?

– Cũng như tôi vậy; tôi đáp: tôi cũng không hiểu vì sao khi tôi hỏi Đại Việt và Quốc Dân đảng có ngửi rắm Tầu hay không thì anh nổi sung lên. May mà chúng ta đều đã già, nếu ba mươi năm trước tôi hỏi thế chắc chắn tôi đã xơi cú đấm. Sau rốt, anh cũng phải công nhận cả ba đảng đều mắc chung căn bệnh học mót phương bắc bởi đấy là sự thực hiển nhiên, sự thực không thể chối cãi. Tuy nhiên, tôi biết lòng anh hậm hực dù cố nuốt cơn hậm hực đó đi. Điều ấy nói rằng anh chỉ muốn nghe những điều lọt lỗ tai anh, bất kể điều đó sai hay đúng. Và muốn thế, anh buộc phải gian lận với chính anh, rồi anh áp đặt sự gian lận đó lên người khác bằng sức mạnh của cú đấm, của quyền uy, một khi anh có thể. Tôi cho rằng người Việt khó đoàn kết, khó hoà giải với nhau vì nguyên nhân này. Một khi còn tâm lý gian lận thì không thể đi đến chân lý, lại càng khó hoà hợp dân tộc.

Cờ hoa cạnh cờ đỏ sao vàng. Nguồn: www.theguardian.com
Cờ hoa cạnh cờ đỏ sao vàng. Nguồn: www.theguardian.com

Còn về lá cờ vàng, tôi thú thực là phải qua một quá trình lâu dài, học hỏi, suy ngẫm về quá khứ đất nước, tôi mới đi đến quyết định ấy. Điều này, hoàn toàn ngược với lá cờ đỏ. Với lá cờ cộng sản, chỉ cần lý trí làm việc. Với lá cờ vàng, không những lý trí mà phải động tới cả con tim. Anh nói đúng, lá cờ ấy đã gắn bó với tuổi thơ của chúng ta, cả thời trai trẻ nữa. Mà những kỷ niệm của tuổi thơ bao giờ cũng là những viên đá tảng xây ngôi nhà tâm hồn con người, nhiều khi, chúng đi theo ta cho đến cửa mồ. Để bứt một hình ảnh thân thuộc khỏi con tim mình là một cuộc đầy ải tinh thần “travailler le deuil” nếu nói theo ngôn ngữ Pháp. Nhưng tôi nghĩ, trong cuộc đời, ta phải chấp nhận những cuộc “travailler le deuil” khi cần thiết. Cuộc đời cá nhân của chúng ta là đáng quý, là vưu vật tối cao của riêng ta. Nhưng nó chẳng có nghĩa gì so với số phận cả dân tộc. Một dân tộc khi vận động, có thể ví như một cỗ xe lao về phía trước, nó có thể nghiền nát những số phận bên lề, lẻ loi. Trong nửa thế kỷ vừa qua, nước Việt Nam trải qua một hành trình đầy bão tố, những cuộc xáo lộn khủng khiếp mà ít có dân tộc nào phải chịu đựng, trong cuộc vật lộn ấy, lá cờ đỏ luôn là cờ của người chiến thắng, lá cờ vàng thuộc phần những kẻ chiến bại.

Tôi nghĩ mỗi lá cờ cũng như mỗi thể chế chính trị đều có số phận riêng. Sự mở đầu và kết thúc của chúng do các vận động xã hội quyết định chứ không do một cá nhân nào định đoạt. Lá cờ đỏ, mọi người đều biết, cờ cộng sản. Lá cờ vàng, mà tác giả là ông Trần Trọng Kim, được sáng tác năm 1945 vào dịp lập chính phủ bảo hộ. Ông Trần Trọng Kim là người có nhân cách, một người yêu nước thật sự, chỉ cần đọc những gì ông viết là đủ thấy. Nhưng điều đó không buộc chúng ta phải mãi mãi trung thành với tác phẩm của ông. Trước hết, cái chính phủ dựng lên lá cờ này là một chính phủ tạm bợ, chết non. Đó là sự thất bại nhỡn tiền. Tôi có đọc những lời biện bạch của ông trong cuốn “Một cơn gió bụi” , đọc đi đọc lại nhiều lần, nên nhớ khá rõ các ý chính. Đại thể ông nói rằng lá cờ vàng từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: Đầu voi phất ngọn cờ vàng. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ-quốc. Còn quẻ Ly là vì trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, bốn phương chính lẫn bốn phương bàng. Ly chủ phương Nam trong kinh dịch, ông thấy quẻ ấy hợp với vị trí địa lý của nước mình nên lấy quẻ Ly. Hơn nữa, chữ Ly còn có nghĩa là lửa là văn minh là ánh sáng phóng ra bốn phương. Khi chính phủ Trần Trọng Kim đổ, có người đã nói: “Cờ quẻ Ly là điềm xấu nên thất bại, vì Ly là lìa”.

Ông Trần Trọng Kim có biện minh rằng sự thất bại là vì tình thế chứ không phải vì lá cờ. Giả sử dùng lá cờ khác mà trong hoàn cảnh lúc ấy thì kết quả cũng không thay đổi. Tôi không hiểu vì sao ông Trần Trọng Kim lại nói là quẻ Ly ở trong lối chữ tối cổ của ta? Quẻ Ly là một trong tám quẻ của Kinh dịch. Nếu không có bằng chứng rõ ràng mà nói là lối chữ tối cổ của ta thì đó là sự ăn gian, hàm hồ. Phải chăng vì đại đa số dân ta thời ấy mù chữ nên mấy ông nhà nho muốn nói hươu nói vượn gì cũng được? Phải chăng vì thấy mình kém cỏi, hèn yếu nên xấu hổ nhận vơ nhằng? Bởi Kinh dịch không phải sáng tạo của người Việt mà của người Tàu. Nguồn gốc xa xưa của nó phải lội ngược lên từ những ông vua Huyền thoại như Phục Hy (4477-4363 trước công nguyên), tiếp đến vua Hạ Vũ (2205-2167 trước công nguyên).

Song le, người có công to nhất là Văn Vương đời nhà Chu khi bị giam ở ngục Dữu lý (1144-1142 trước công nguyên) đã dùng thời gian của một tù nhân để diễn lại các quẻ dịch của các ông vua thời trước. Sau ông ta khá lâu, Khổng tử (551-479 trước công nguyên) mới viết thêm mười chuyện để giải thích và bàn rộng ý nghĩa các quẻ dịch. Muốn nói gì chăng nữa, lấy quẻ Ly làm hình tượng cho lá cờ dân tộc tức là thú nhận óc nô lệ, trí tưởng tượng nghèo nàn thậm chí tê liệt, một chân trời bị che chắn bởi các hình tượng xa xưa trong nền văn hoá Trung Hoa. Tóm lại, lá cờ này là một minh chứng vô cùng rõ rệt về thân phận chư hầu, tù nhân tinh thần và văn hoá của người Việt. Hãy nhìn xem các nước, Canada chẳng hạn, lá cờ của họ chỉ đơn giản là một lá phong, sao đẹp đẽ và thanh bình đến thế? Các nước phương Tây khác, đặc biệt là bắc Âu, có nước nào cần biết đến thứ Kinh dịch của Trung Hoa đâu, tại sao đời sống của họ lại cao nhất thế giới? Lấy quẻ Ly làm cờ là bằng chứng không chối cãi được của căn bệnh Ngửi rắm Tàu. Sự thất bại quá sớm của lá cờ quẻ Ly chứng tỏ rằng ý kiến của những người chỉ trích đã thắng những biện minh của ông Trần Trọng Kim. Không lời lẽ hoa gấm nào che phủ hoặc thay thế được sự thật. Chẳng sự biện minh nào, dù siêu tuyệt đến đâu, có thể đổi thất bại ra thành công. Sự biến hoá từ đồng xu ra con chim bồ câu chỉ tồn tại trên sân khấu ảo thuật mà thôi. Thất bại là thất bại.

Chọn màu vàng của cuộc khởi nghĩa Triệu Ẩu cũng là sự vụng tính bởi cuộc khởi nghĩa ấy thất bại. Nó không đưa đến thắng lợi như các cuộc khởi nghĩa của nhà Lý, nhà Lê. Lá cờ quẻ Ly của ông Trần Trọng Kim thất bại đến ba lần. Sau chính phủ đẻ non và chết non của chính ông, lá cờ đó được chính phủ Bảo đại dùng, với sự trở lại của thực dân Pháp. Từ năm 1946, kháng chiến bùng nổ, lá cờ ấy bay trên đầu những đoàn quân mà dân kháng chiến gọi là lũ Việt gian bán nước, bởi họ ăn lương Pháp, mặc quần áo Pháp, cùng chiến đấu với thực dân Pháp để áp đặt lại chế độ thuộc địa trên đất Việt Nam. Trong đoàn quân ấy, có những người như ông tướng Nguyễn Chánh Thi và đám sĩ quan sau này trở thành các tướng lĩnh của chính quyền VNCH. Tôi đọc hồi kí của ông Nguyễn Chánh Thi, thấy ông ta đầy vẻ dương dương tự đắc với thành tích của một sĩ quan dù xuất sắc, sát cánh chiến đấu với các sĩ quan Pháp nhằm tiêu diệt bọn Việt Minh trên chiến khu Việt bắc. Đối với chúng tôi, cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến tranh thần thánh của người Việt Nam. Đó là cái mốc chấm dứt sự nô lệ, là cái bản lề để cánh cửa lịch sử mở sang trang. Không có chiến thắng Điện biên Phủ, người Việt Nam chỉ là lũ mọi trước mắt người Pháp. Nếu máu của chiến sĩ không đổ xuống thung lũng Điện biên, không bao giờ gương mặt Việt Nam rửa được bùn nhơ của kiếp tôi đòi. Vì lẽ ấy, khi những người Angérie đứng lên chiến đấu đòi độc lập, họ hô lên khẩu hiệu: “Điện biên Phủ!” , “Giáp! Hồ!”. Đừng ai mơ màng về lòng tốt của thực dân. Không bao giờ người Pháp ưng thuận trả lại độc lập cho dân Việt Nam nếu họ không bại trận ở Điện biên. Cũng chớ nên quên sự quay quắt của De Gaulle và tất thảy những gì đã diễn ra sau Hiệp nghị sơ bộ. De Gaulle là vị anh hùng của người Pháp, ông ta chiến đấu chống phát xít Đức thật, nhưng không đến nỗi ghê gớm như ông ta tự thổi phồng và báo chí Pháp lại thổi phồng lên lần thứ hai. Không có Mỹ và đồng minh, nước Pháp không làm gì nổi quân Đức.

Vấn đề này, gần đây giáo sư Michel Onfray cũng đã xác nhận trong các buổi nói chuyện của ông ấy tại trường đại học. Tôi nghĩ rằng ông Michel Onfray là một trí thức chính trực, tôn trọng danh dự và sự thật. Vậy thì, tôi nhắc lại, vị anh hùng De Gaulle của nước Pháp cũng là một ông tướng huyênh hoang và ông ta nhất định coi nước Việt Nam là thuộc địa, dân Annam mít là dân nô lệ. Chính ông ta chứ không phải ai khác đã quyết định tái chiếm Việt Nam. Mọi người đều biết nước Pháp là tổ quốc của Quyền con người, với khẩu hiệu vô cùng cao thượng: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” . Nhưng từ khẩu hiệu đến hiện thực có một vực thẳm khá sâu. Giữa những người Pháp với đám An nam mít, nô lệ của họ lại còn một vực sâu mênh mông nữa. Lời lẽ hoa gấm là để trưng bầy lên mặt báo, còn khi hành động thì chính phủ De Gaulle chỉ nghĩ đến quyền lợi của một đế quốc Pháp mà thôi. Vì quyền lợi ấy, chiến tranh phải xảy ra. Các ông chủ nô không muốn bị mất vị trí. Ngược lại, người dân Việt cũng không muốn tiếp tục thân phận nô lệ. Cuộc kháng chiến này khẳng định ý chí tự do của họ. Cho nên, trong hàng ngũ những người kháng chiến không chỉ có đám bần cố nông hay cộng sản, mà còn có vô số các địa chủ, thương gia, văn nghệ sĩ và trí thức, mà trong số ấy, có thể kể tên một gia đình “phú gia địch quốc” là ông bà Trịnh văn Bô. Anh sống khá lâu ở châu Âu, chớ nên quên rằng sau chiến dịch Điện biên Phủ, gương mặt người Việt đổi khác, có thể họ bị ghét hơn nhưng ít nhất, người Pháp không còn dám khinh bỉ họ như trước. Đừng quá mơ hồ về một thứ “lòng nhân đạo chung chung”. Khoảng cách giữa các dân tộc văn minh và các dân tộc chậm tiến là điều không che đậy được. Dù người ta nói ra lời hay người ta im lặng thì cũng phải hiểu cái chân lý vĩnh cửu này: “Chacun pour soi ”, ai lo phận nấy. Tôi cho anh một bằng chứng: ông Jean Daniel là một trong các nhà báo cánh tả lừng lẫy, một trong số mấy người khai sinh tờ Nouvel Observateur. Ai cũng biết cánh tả Pháp đã từng ủng hộ FNL, tức mặt trận giải phóng thuộc địa Angérie. Thế nhưng, lần nào đó, do tình cờ tôi đọc một bài báo của Jean Daniel, bắt gặp câu: “Từ sau sự kiện ấy (Điện biên phủ) mọi sự thay đổi hoàn toàn, không còn như trước nữa”. Phía sau dòng chữ ấy vọng lên một tiếng thở dài, lời than vãn cho một quá khứ huy hoàng đã mất, một đế quốc hùng cường sụp đổ. Quả thật là sau cuộc đấu tranh đòi độc lập của những người Angérie, đến lượt dân da đen miền trung và nam Phi nổi dậy, phong trào giải phóng thuộc địa lan theo phản ứng dây chuyền, và đế quốc Pháp oai hùng tàn lụi.

Quang đưa tay lên lần nữa, để cắt ngang lời tôi:

– Nhưng cuộc kháng chiến này cũng đưa bọn cộng sản lên đài vinh quang. Và rồi, họ đã dẫn dân chúng đi thẳng xuống địa ngục.

Tôi hỏi:

– Vậy tại sao các ông Quốc Dân đảng không cố mà chiến thắng năm 1945? Tại sao lại để dân chúng lọt vào tay bọn cộng sản? Lỗi ở ai? Ở dân chúng ngu dốt chỉ tin bọn cộng sản và chỉ đi theo chúng hay chăng? Hay lỗi ở những gương mặt Quốc Dân đảng không đủ sức tập hợp họ? Muốn nói kiểu gì thì sự thật cũng là sự thật, người cộng sản chiến thắng vì lúc ấy họ xuất sắc hơn các anh. Dân chúng đi theo họ vì họ đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng. Tôi xin hỏi, cụ thân sinh ra anh có bao giờ nói chuyện với các anh về nạn đói năm Ất dậu không?

Quang im lặng, vẻ lúng túng. Sau rốt, anh ta đáp:

– Tôi cũng không rõ nữa, ông cụ mất cũng quá lâu rồi.

Tôi lắc đầu:

– Không cần chống chế, gia đình anh cũng như gia đình tôi đều thuộc loại khá giả. Cái đói không bóp dạ dầy chúng ta. Và kí ức của chúng ta cũng không hằn sâu nỗi thống khổ của dân tộc. Từ nhỏ đến lớn, tôi không biết đói rét là gì. Vậy mà, khi đọc lại sách báo tôi mới biết năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam có hơn hai triệu người Việt Nam chết đói. Sách báo tôi đọc không phải do những người cộng sản viết, mà do ông Tăng xuân An, một trong số những người như bố mẹ anh hoặc bố mẹ tôi, không mảy may liên quan đến lá cờ đỏ sao vàng. Tôi đọc bài báo này năm 1970, lúc đó tôi tròn mười bảy tuổi. Chưa thật sự trưởng thành, nhưng những cảnh chết đói khiến tôi bị ám ảnh, bởi những kẻ chết đói đều là dân sông Hồng, sông Đuống, quê hương tôi. Tôi hỏi bố tôi, ông cụ bảo đó là sự thực. Cũng sự thực là nhiều nhà giầu lúc đó nấu cháo, nắm cơm phát chẩn nhưng không xuể. Điều khiến tôi kinh hoàng nhất là hơn hai triệu người Việt đã bị bỏ đói một cách cố tình. Bố tôi bảo dân đói là vì phát xít Nhật bắt họ nhổ lúa trồng đay, quê tôi ở Hải Dương nên ông cụ không thể không chứng kiến cảnh tượng thê thảm đó. Nhưng lý do chính của nạn đói là bởi thống chế Pháp Chauvet muốn nông dân Việt Nam phải đói rách đến cùng kiệt để họ bỏ quê đi làm phu trồng cao su cho các chủ đồn điền Pháp với số lương thật rẻ mạt. Vì thế, khi người ta đề nghị tìm cách chở lúa ở nam kỳ ra cứu đói, Chauvet thản nhiên đáp: “Dân An nam bao giờ chẳng đói? Nạn đói hiện nay như cơn sốt rét. Tự nó sẽ lui dần”. Tôi nghĩ, trong tình cảnh ấy, người cộng sản đã kêu gọi “Phá kho thóc cứu đói !” Chỉ riêng một khẩu hiệu ấy thôi, nông dân đi theo họ. Họ thắng các anh là đúng bởi ít nhất họ hiểu và thông cảm với nỗi thống khổ của nhân dân.

– Tôi biết rồi, Quang cắt ngang: Cậu còn gì để ca tụng bọn đỏ nữa hay không?

Tôi bắt đầu cảm thấy tiếc thời gian vì phải kéo dài cuộc đối thoại này nên dằn giọng:

– Tôi không ăn lương của chính quyền Hà Nội, và lúc này chúng tôi đang đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước. Chúng tôi, kêu gọi huỷ bỏ lá cờ đỏ sao vàng có nghĩa là chúng tôi muốn lật đổ chế độ cộng sản. Nhưng chúng tôi không đứng cùng đội ngũ với các anh. Đó là điều chắc chắn. Nếu vì mấy bài báo của Khương anh đến tìm tôi để rủ tôi cùng chiến đấu thì mất công toi. Khương đã viết ba bài báo liền để giật lá cờ đỏ sao vàng xuống. Tôi chỉ cần viết một bài thôi để hạ huyệt chôn lá cờ vàng. Đó cũng là chính kiến của những người thực sự muốn đấu tranh cho tương lai của đất nước, thực sự đấu tranh cho dân chủ chứ không phải bọn mạo xưng là “đấu tranh cho dân chủ” nhưng ngửa tay nhận vài đô-la của các anh rồi chửi cho sướng miệng và vô tình, phá hoại phong trào. Lá cờ của các anh có một quá khứ dầy đặc thất bại, trường kì thất bại. Và tội ác nữa, đương nhiên. Lá cờ đó đã từng bay trên đầu lũ lính cưỡi máy bay, thả bom xuống giết những người dân kháng chiến chống thực dân Pháp, có thể nêu tên ông tướng Nguyễn Chánh Thi làm ví dụ. Kể từ ngày thực dân Pháp chiếm nước ta, người Việt yêu nước không ngừng khởi nghĩa. Các cuộc khởi nghĩa ấy đều bị dìm trong bể máu.

Lehoan
Khâm sai Lê Hoan con nuôi kinh lược Hoàng Cao Khải. Nguồn: vovinamthainguyen.vn

Bọn đao phủ không chỉ là thực dân Pháp mà còn phải kể đến lũ Việt gian bán nước, ôm chân thực dân kiếm cơm như Hoàng Cao Khải và Lê Hoan. Pháp không thể giết Hoàng hoa Thám nếu không có tên phản gián Trung Hoa Lương Tam Kỳ. Pháp không thể giết Phan Đình Phùng nếu không có những tên chó má như Nguyễn Thân. Tên Nguyễn Thân, sau khi Phan đình Phùng đã chết, còn tìm bằng được mộ ông, đào thây lên, đốt ra tro, trộn với thuốc súng bắn xuống sông La Giang. Hành vi ấy đã được ghi vào sử sách để người dân hiểu rằng, kẻ tàn độc không chỉ mắt xanh, mũi lõ mà nhiều khi cũng da vàng, mũi tẹt như họ. Tên Nguyễn Thân, trong cuộc đời bán nước của y, giết được bao nhiêu người Việt? Không ai rõ. Ông tướng Nguyễn Chánh Thi mặc quân phục Pháp, đội mũ nồi đỏ, cưỡi máy bay hẳn bắn giết được vô số người. Không riêng lính mà cả những đoàn nông dân từ Nghệ An, Thanh Hoá, và các tỉnh khác thồ gạo lên rừng. Những người dân quê chết trước tiên, và chết nhiều hơn cả dưới những loạt đạn của đám lính Mũ nồi đỏ. Vậy mà, khi đọc hồi ký của viên tướng này, tôi thấy ông ta ra rả chửi lũ đồng nghiệp như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh… là tay sai, bọn điếu đóm hèn hạ ôm chân đế quốc Mỹ. Chắc hẳn ông ta mắc chứng tâm thần phân lập. Trong khi cao giọng chửi đồng nghiệp ông ta quên biến mình là ai. Ông ta quên rằng ông ta nhận lương của thống chế Chauvet và những kẻ kế vị y để giết hại đồng bào mình. Thống chế Chauvet giết hơn hai triệu người Việt Nam bằng chính sách thâm độc và tàn ác của y. Những kẻ nhận lương của Chauvet như ông Nguyễn Chánh Thi và đồng bọn giết được bao nhiêu người dân Việt, chỉ có họ biết được mà thôi.

Kinh lược Hoàng Cao Khải. Nguồn: tranthanhnhan1963c.blogspot.com
Kinh lược Hoàng Cao Khải. Nguồn: tranthanhnhan1963c.blogspot.com

Tôi ngừng lại. Quang ném mấy cục ruột bánh mì xuống mặt bàn rồi đột nhiên cao giọng:

– Nguyễn Chánh Thi là một thằng ba hoa. Chúng tôi không liên quan gì đến gã. Quân đội của chúng tôi chiến đấu vì mục đích quốc gia, trong khi bọn cộng sản làm nhiệm vụ quốc tế.

– Không liên quan? Tôi hỏi lại, gần như không tin ở tai mình: Cái gã ba hoa đó đã từng là một viên tướng oanh liệt trong quân đội cộng hoà mà?

– Đó là thằng tù trưởng của dân miền Trung; Quang dằn giọng: gã là tướng riêng của dân Huế và Đà nẵng, gã không thể đại diện cho toàn thể quân đội.

Tôi nói:

– Thôi được. Cứ cho rằng ông ta là con bệnh tâm thần, là tù trưởng riêng của dân miền Trung. Chúng ta bàn đến quân đội cộng hoà mà anh vừa nói là chiến đấu cho tinh thần quốc gia, trong khi bọn cộng sản làm nhiệm vụ quốc tế. Tinh thần quốc gia có thể xem như là ước mộng, hoặc ý định tốt đẹp của các anh. Nhưng ai cũng biết câu: “Les bonnes intentions pavent l’enfer”. Những ý tưởng tốt đẹp dẫn con người xuống địa ngục. Vì thế, không thể dùng ý đồ tốt đẹp để biện minh cho một hiện thực tồi tệ được. Nếu người cộng sản không thể dùng lý thuyết thuần tuý ảo tưởng của họ để biện minh cho hiện thực xã hội mà họ đã tạo ra, các anh cũng không thể dùng Giấc mộng quốc gia của các anh để biện minh cho sự xuất hiện của lính Mỹ và Nam hàn. Chính sự xuất hiện của lính Mỹ và lính Nam hàn đã kích thích tinh thần dân tộc của người Việt Nam khiến họ quên mình lao vào cuộc chiến đấu. Anh có dám chối bỏ sự tham gia của những người nông dân đồng bằng Nam bộ trong cuộc chiến tranh Việt- Mỹ hay không?

Quang im lặng và tôi nói tiếp:

– Để cho anh thêm một chứng cớ, tôi đề nghị anh tìm nghe lại một buổi phát sóng trên đài La France Culture. Buổi phát thanh này có tên: Les mauvais gens (Những kẻ tồi tệ) vào lúc 22 giờ ngày thứ bẩy hàng tuần. Tháng 6 năm nay (2013), tôi nghe cuộc phỏng vấn một nhà văn và điện ảnh Mỹ tên là Thomas Peterson. Ông ta đã từng là một giáo sư trẻ trước khi trở thành sĩ quan trong quân đội Mỹ, đã từng có thời gian giết người như say rượu, bắn giết một cách hứng thú như kẻ lao vào bàn nhậu, rồi đến lúc nào đó chợt ghê tởm hành động của mình. Trong buổi phát thanh này ông ta nói: “Tôi ở đó với 43 mercenaires (lính đánh thuê)…tôi ở đấy với khoảng 100 mercenaires, người phiên dịch của tôi là Nguyễn…”

– Đ…; Quang bật lên một nửa câu chửi rồi kịp thời gìm lại, miệng mím chặt, hai nắm tay cũng đột nhiên nắm chặt lại.
Tôi bật cười:

– Sao anh không chửi to lên cho hả? Giá không phải là cái ông Thomas Peterson kia mà là tôi nói, hẳn anh đã nhào qua bàn mà đấm tôi rồi, đúng không? Thật đáng buồn, tôi nhận thấy chẳng những đám cực hữu như anh mà mấy ông cực tả cũng có thái độ y như vậy. Có nghĩa là họ cực hèn, họ chỉ gây sự giữa những người Việt với nhau thôi, họ không dám đối mặt với người ngoại quốc. Ví dụ cụ thể là mới gần đây, đạo diễn Lâm Lê làm cuốn phim Công binh, để nói về thân phận những người lính thợ Việt Nam, những người bị bắt sang Pháp năm 1939 để lao động trong các nhà máy, thay thế đám công nhân Pháp bị huy động ra chiến trường. Chính phủ Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam như đối với súc vật, thậm chí còn tồi tệ hơn súc vật, vậy mà họ cứ cúi đầu nghiến răng nhẫn nhục chịu đựng. Trong khi đó, các ông Đệ Tam tìm giết các ông Đệ Tứ và ngược lại. Liệu anh có thấy trong các sự kiện này điều gì đáng suy ngẫm hay không?

Quang không đáp, mà cúi xuống bàn ăn, vơ một khúc bánh mì khác, mặt trắng bệch. Đám râu qua một ngày không cạo đâm lún phún cũng bạc hơn một nửa, hai túi mắt chảy xuống khiến gương mặt anh ta có vẻ não nề. Sự xâm lấn cùng một lần của tuổi tác và nỗi thất vọng.
Tôi nói tiếp:

– Anh không phải người đầu tiên chửi Mỹ. Tôi đã gặp khá nhiều người như vậy, kể cả đám anh em con chú con bác với tôi. Tôi có nói với họ thế này: Các anh cần phải mở mắt cho to để nhìn vào sự thực: Người Mỹ không cho ai không bao giờ hết, họ giúp ai cũng chỉ để giúp chính họ mà thôi. Họ viện trợ cho các anh để các anh làm một đội quân chống cộng. Các anh chống không nổi thì họ phải rút về. Có quyền gì mà trách móc người ta? Xưa đến nay, bản chất chính trị vẫn là một cuộc chơi cờ (nói cách khác là quá trình thực thi các ý tưởng, sự hoạch định, những mưu chước dài và ngắn). Theo ngôn ngữ hiện đại, đó là quá trình hiện thực hoá các chiến lược và chiến thuật đã chọn. Quá trình này không thể kéo dài vô thời hạn. Một ván cờ cũng thế thôi. Thua ván cờ này người ta phải bày ván cờ khác. Có lý do gì để buộc họ phải tù chung thân với các anh?
Quang im lặng.

Tôi nói thêm lời cuối:

– Vả chăng, sự phẫn uất của anh cũng chỉ là một thứ quả trái mùa. Tổng thống nước cộng hoà Nguyễn văn Thiệu đã chẳng tuyên bố: Cho chúng tôi ngần ấy tiền thì chúng tôi chỉ đánh được như thế thôi. Lời tuyên bố ấy có nghĩa gì nếu không là sự thú nhận hiển nhiên của một tên lính đánh thuê?

Quang không nói và tôi thấy da anh ngả sang mầu xanh tái. Những ngón tay duỗi trên tấm khăn trải bàn có những cái móng đã ngả vàng. Tôi liếc những ngón tay mình để thầm lén so sánh. May quá, những chiếc móng tay tôi chưa ngả vàng như thế. Phải chăng vì tôi không tập karaté, cũng không đánh đấm ai nên những ngón tay lâu già hơn? Một hồi, tôi nhận ra căn bệnh đỏm dáng mãn tính và cái thói narcissique của mình nên tự riễu thầm.
Quang chợt ngẩng lên:

– Tôi lấy một cà-phê nữa.

Tôi gọi người bồi bàn để lấy thêm hai ly cà-phê, một cho anh và một cho tôi. Chúng tôi đợi cà-phê, không ai nói thêm lời nào, lắng nghe tiếng lao xao ngoài đường phố vọng vào. Quán lúc này đã có thêm dăm nhóm khách nữa, nhưng cũng chỉ lấp kín già nửa số bàn. Khi cà-phê được đem ra, tôi nói tiếp:

– Bây giờ, anh hiểu vì sao chúng tôi chủ trương huỷ bỏ lá cờ vàng. Trước kia, lá cờ ấy núp dưới bóng những tên đao phủ của dân tộc như thống chế Chauvet. Sau đó, nó bay trên đầu những người lính cộng hoà như Louis Khôi và Philippe Thành, những người anh ruột của anh và vô số anh em họ của tôi. Muốn hay không, lá cờ ấy cũng đã gắn bó với từ Mercenaire mà ông Thomas Peterson gọi đích danh. Người Mỹ thật thà, họ không quanh co, họ gọi sự việc đúng tên của nó. Dù cái sự thật ấy đắng cay hay chua chát thì chúng ta cũng phải nuốt cho trôi bởi không có cách nào hơn. Một khi đã chấp nhận sự thật ta mới quên nó đi được. Nếu còn sống trong bóng tối của các ảo tưởng hoặc sự gian lận, con người không thể tự giải phóng, nói cách khác là không thể đoạn tuyệt với quá khứ.

Quang lặng lẽ uống cà-phê. Tôi thấy những đường nét trên khuôn mặt anh ta càng chảy xuống thêm. Tôi đoán rằng anh đã gậm nhấm sự thất bại trong cuộc đời riêng từ mấy chục năm nay, chỉ còn lại niềm vui duy nhất, sự ham hố duy nhất là “chống cộng sản”. Cuộc nói chuyện với tôi hẳn đã đem lại một thất vọng não nề.
Tôi bèn nói:

– Tôi rất tiếc là không thể hành động theo cách khác. Tôi nhắc lại là lá cờ vàng của các anh….

– Của chúng tôi? Quang cắt lời: Nó chẳng phải là của tất cả những ai đã sinh ra hoặc lớn lên ở miền Nam, trong số đó có cậu?

– Đúng; tôi xác nhận: Nó đã từng là lá cờ mà tôi đứng chào khi tôi còn ở tuổi ấu thơ. Tôi cũng tiếp tục nhìn nó một cách vui vẻ khi tôi trở thành một gã trai mười tám. Nhưng sau khi tìm hiểu sự thật, tôi không còn coi nó là lá cờ của tôi nữa. Cái gì mà số phận áp đặt lên đầu tôi, tôi ném xuống hố sâu. Đó là do sự chuyển biến nhận thức, sự lột xác, hiện tượng mà các triết gia gọi là “Sự sinh đẻ lần thứ hai”. Sự sinh đẻ lần này, theo tôi mới là quan trọng vì nó đánh dấu sự trưởng thành thực sự của con người. Bố mẹ sinh ra chúng ta lần thứ nhất để cho chúng ta hình hài và cuộc sống, chúng ta tự sinh ra mình lần thứ hai để định vị nhân cách và như thế, ta tự vạch con đường cho số phận của chính mình.

Quang im lặng, chăm chăm nhìn tách cà-phê rỗng. Tôi cũng kết thúc cốc cà-phê thứ hai một cách mau lẹ rồi nói tiếp:

– Hiện tượng này đâu có gì mới lạ. Anh không thấy rằng tất cả những người tham gia phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đều lớn lên hoặc sinh ra dưới lá cờ đỏ sao vàng hay sao?

Quang ngẩng lên nhìn tôi với cặp mắt nửa như trống rỗng, nửa ngơ ngác. Đó là cặp mắt kẻ mộng du. Tôi thầm nghĩ:

“Trời đất ơi, những con người như thế này mà muốn làm cách mạng? Thật khôi hài. Họ hô hào, họ tập hợp lại, rồi họ đun đẩy bước theo nhau, mắt người nọ nhìn vào gáy kẻ kia, hoàn toàn như đám lính chì hoặc lính gỗ. Họ không suy nghĩ, cũng chẳng phân tích hiện thực. Một đám zombi bị điều khiển bởi một xung lực: Hận thù„.

Tôi cố tình cao giọng để lôi anh ta ra khỏi tâm trạng mộng mị đó:

– Hình như các anh không bao giờ suy ngẫm đến những người đang thực tâm đấu tranh cho dân chủ trong nước. Hoặc các anh có nghĩ nhưng những ý nghĩ ấy hoàn toàn là sản phẩm của sự suy tưởng hoặc một thứ chủ nghĩa duy ý chí. Vì vậy thế giới của các anh và thế giới của họ cách biệt nhau. Họ là những người đủ can đảm lẫn trí khôn để nhận thức lại, để vứt bỏ hệ thống giáo điều như ném đi mớ áo rách. Trong số họ, có những người cao tuổi, sinh vào những năm 40 thậm chí sớm hơn nữa như nhóm Bô-xít, do nhà sử học Nguyễn Huệ Chi lãnh đạo. Rồi tới lớp trẻ hơn hai thập kỷ như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Bắc Truyển… Sau đó là những người trẻ hơn nữa như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Tiến Nam… Tất cả những người đó hoặc gắn bó vài thập kỷ với lá cờ đỏ như nhóm Bô-xít, hoặc lớn lên dưới bóng của nó như những ai sinh vào những năm 50-60. Và sau cùng, những thanh niên sinh ra trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa, kể từ trường tiểu học, sáng thứ hai mỗi tuần đều đứng chào cờ. Bây giờ, vì tương lai dân tộc, tất cả những người đó, dù khác biệt về tuổi tác, về kinh nghiệm cũng như điều kiện sinh tồn, đều đứng lên tranh đấu, đòi thiêu huỷ lá cờ cộng sản. Trước khi đi đến quyết định ấy, chắc chắn họ phải trải qua quá trình tranh đấu, phải tự sinh ra mình lần thứ hai, khẳng định tương lai cá nhân trong tương lai dân tộc, vứt bỏ tất thảy những áp đặt của số phận lẫn quyền lực thế tục vào hố rác. Và các anh, những tù nhân của quá khứ, các anh tự nghĩ rằng có thể thuyết phục được họ, có thể kéo họ đứng với các anh, dưới bóng lá cờ thảm bại màu vàng?

Quang không nói gì. Tôi gọi người tính tiền, nghĩ rằng ngần ấy thời gian đã là quá đủ. Giữa chúng tôi không có tình thân, còn phép lịch sự nào cũng có giới hạn của nó. Khi người bồi bàn mang hoá đơn ra, tôi hỏi anh cho phải phép:

– Anh ở chơi Paris mấy ngày?

Quang lắc đầu:

– Không, tôi đi Bordeaux ngay tối nay.

– Thế a? Tôi đáp bâng quơ, chợt hiểu rằng Quang đến đây là chỉ nhằm gặp tôi, sau đó anh ta đi Bordeaux vì người thân duy nhất của anh ta, một bà cô già còn ở đó. Đại bộ phận gia đình Quang sống ở Californie.
Khi chúng tôi cùng đứng lên, Quang bảo:

– Bao giờ vợ chồng Khương về, cậu nhớ xin số điện thoại cho tôi.

– Đồng ý; tôi đáp.

– Chớ quên, anh ta nhắc lại.

– Anh yên tâm, tôi đã nói là làm. Nhưng Khương và tôi đã bàn bạc với nhau khá kỹ trước khi viết. Nếu anh ấy có chấp nhận gặp anh thì nội dung trao đổi cũng chẳng có gì hơn, tôi tin như vậy.

– Chấp nhận? Quang hỏi.

– Đương nhiên; tôi đáp, cố dằn sự khó chịu: Cậu ấy có toàn quyền hoặc chấp nhận hoặc từ chối gặp anh.

– A! Quang cất tiếng kêu với vẻ sững sờ.

Tôi thầm nghĩ, “Gã này kỳ cục thật. Hẳn gã nghĩ rằng bất cứ lời đề nghị nào của gã thiên hạ cũng phải gật đầu.”

Tôi cho rằng đến chín mươi phần trăm khả năng là Khương sẽ từ chối gặp Quang. Anh ấy hiền lành nhưng, giống như đa phần những người sinh ra dưới ngôi sao Saturne và mang biểu tượng Capricorne, thù khá dai. Anh ấy khó quên đi cái thái độ kẻ cả, anh hùng lục lâm mà Quang đã áp đặt lên chúng tôi thuở còn là sinh viên. Nghĩ đến đó, tôi mỉm cười:

– Có lẽ anh nên nghĩ lại. Gặp Khương chưa chắc anh đã vui. Chúng tôi không phải chính khách, vì thế, không có nhu cầu tuyên truyền. Chúng tôi cũng chẳng phải các nhà truyền giáo nên không có đức kiên nhẫn của họ. Khương cũng như tôi, chỉ hành động theo đúng lương tâm của một người Việt, muốn tham dự vào cuộc cải cách, muốn đất nước lật trang.

Hai chúng tôi ra khỏi cửa, tôi định chào Quang rồi rẽ sang lối khác nhưng thấy anh xách lủng củng những bốn thứ cả cặp lẫn túi nên đành cầm giúp một nửa:
– Tôi đưa anh ra métro.
– Cảm ơn.
Phải đi một đoạn khá xa mới đến cửa métro. Chúng tôi bước song song nhưng cùng giữ im lặng. Sự im lặng nặng nề. Thế nên, vừa đến nơi tôi lập tức đưa trả đồ cho anh, định bụng chào lời cuối rồi rút lui, nhưng đúng lúc ấy, Quang dừng lại, đặt mớ hành lý xuống vỉa hè, gặng hỏi:

– Cậu có tin điều cậu làm là hợp lý không?

Tôi nhìn Quang và thực sự thấy thương hại. Gương mặt anh ở trong một trạng thái rất khó gọi tên, nửa như sự ngớ ngẩn, nửa như sự vắng mặt (absence). Tôi đành trả lời một cách chậm rãi, gần như lẩy từng tiếng:

– Nếu không tin, chúng tôi đã không làm. Bất cứ ai muốn tập hợp dân chúng lúc này đều phải giải quyết những gánh nặng do lịch sử để lại. Họ phải đào mồ chôn những thây ma của quá khứ, lá cờ đỏ cũng như lá cờ vàng phải được thiêu huỷ cùng một lần để nước Việt có một lá cờ mới, mầu sắc mới, hình tượng mới. Còn như hiện tại, trong khi chờ đợi sự xuất hiện của lá cờ ấy, người Việt sống ngoài biên giới có thể sử dụng lá cờ ngũ sắc, lá cờ làng để tập hợp nhau. Nếu anh không cố tình nhắm mắt, thì hãy công nhận rằng trong các cuộc biểu tình chống Tầu của người Việt ở Đông Âu vào mấy năm gần đây, cờ vàng buộc phải xuất hiện bên cờ đỏ, những kẻ thù cũ buộc phải đứng chung một sân, với tâm trạng gượng gùng. Thật đáng tiếc! Họ là nô lệ cho một quá khứ gần. Họ lại quên đi một quá khứ xa. Họ là nô lệ cho nửa thế kỷ nội chiến.

Họ lại quên đi mấy nghìn năm Đinh, Lý, Trần Lê. Tổ tiên họ đều là những người nông dân Việt hàng ngàn năm nay sống nơi làng quê nơi những lá cờ ngũ sắc tung bay trong ngày hội. Để quên đi nửa thế kỷ chiến tranh nồi da xáo thịt, lẽ ra họ nên lội ngược dòng thời gian để tìm lại lá cờ miền thôn dã, khi tổ tiên những người cầm cờ đỏ và cờ vàng đều ngồi chung quanh một mâm cơm.

Cờ ngũ sắc (nào?). NGuồn DCVOnline tổng hợp.
Cờ ngũ sắc (nào?). Nguồn DCVOnline tổng hợp.

Lá cờ Ngũ sắc sẽ được sử dụng như biểu tượng của một chính phủ lâm thời trong khi chờ đợi một lá cờ hoàn toàn mới xuất hiện. Lá cờ của một nước Việt đã sang trang.

Ngày 27 tháng 8 năm 2013

© 2013 DCVOnline