Nói với cô Tư về hai chữ “thương hồ”
Đặng Ngữ
Riêng về phần tui, tui sẽ lựa lời mà nói lại với má thằng Điền dù tui thật lòng cũng rất thương cô Hai nó. Chuyện thế nào thì tui sẽ thư về cho cô Tư hay.
Trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư kể lại rằng:
“Má tôi hay mang xoong chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ, săn đón ghe hàng bông mua ít rau cải tươi và bán lại những quày chuối chín bói trong vườn. Dần dần, buổi chiều, đám thương hồ hay lại neo ghe chỗ mấy cây mắm trước nhà. Một người bảo không sao xa được người đàn bà có cái cười làm lấp lánh cả khúc sông.
Má tôi nguýt dài:
– Dóc…
Người đàn ông cười hề hề, thề “Tôi nói láo cô Hai cho xe đụng chết ngắt.”
Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu ít tóc…nhưng với những chiếc ghe chỡ đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ điều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hớt bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm họ đau đầu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái. Bồ lúa nhà tôi đã cạn từ sau Tết. Điều làm cho má tôi hơi buồn, nhưng người bán vải xăng xái bảo, “Cô Hai cứ coi đi, không mua cũng được-rồi ông ta sửng sốt thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực rỡ lên người-Chèn ơi, coi nó bình thường vậy mà khoác lên mình cô Hai lại thấy sang quá trời.”
Má bỗng nhiên thắc thỏm:
– Dóc
Tôi chưa bao giờ thấy cái màu đỏ lạ lùng ấy. Đỏ hơn bông bụp ngoài sân, đỏ hơn máu. Má ngó chúng tôi, hỏi: “Gì mà nhìn trân trân vậy hai đứa?”. Tôi nói, “Má lạ quá hà, nhìn không ra”. Má mừng quýnh, “Thiệt hả?”. Tôi muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau mà sao lại mừng?
…
Ừa. Chuyện chỉ nhiêu đó mà cô Hai bỏ hai chị em thằng Điền đi mất tiêu. Mà cô Hai đi theo ai vậy cà? Thì ra cô Hai bỏ chị em thằng Điền đi theo dân thương hồ. Tôi lại thắc mắc, “dậy cô Hai bỏ miệt đất Mũi rồi dìa đâu?” Dĩ nhiên, tía thằng Điền thật bụng không biết cô Hai dìa đâu hoặc giả tìm được cô Hai cũng như không. Tía sắp nhỏ biết lòng dạ cô Hai đã rạo rực khi ướm những khúc vải rực rỡ lên người rồi, cô Hai đâu muốn dìa dới tía con nó nữa. Tui nghĩ dậy nhưng không biết có phải dậy hôn cô Tư (Nguyễn Ngọc Tư)? Ở trường hợp tui – thằng gốc nẫu – tui sẽ đưa chị em thằng Điền ngược vùng đất thấp Cà Mau theo mấy con rạch nhỏ, rạch lớn mà tuôn ra sông Cái. Rồi từ sông Cái theo con nước lớn mà tìm đến miệt vườn miệt giồng tìm má thằng Điền. Ấy là nói tui vẫn còn lòng dạ thương má nó rót dại mà lậm cái màu đỏ bông bụp. Má nó không ở một nơi cố định thì tui tìm nơi chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Cái Răng, lên tận xứ Mỹ Tho, lên tận Sài Gòn tìm cho ra má sắp nhỏ. Cớ đâu tui chịu để cho gã thương hồ quyến rũ má thằng Điền như dậy? Tui nói dậy, cô Tư nghe đặng không nà?
Đương nhiên, chuyện của cô Tư thì cô Tư muốn nhân vật của mình ra sao cũng được chứ tui đâu có quyền xen vô. Nhưng nói thật cô Tư điều này, hổng biết Tư có thù ghét gì dân thương hồ tụi tui không mà Tư miêu tả tui nghe ác đạn vậy cà. Gì mà cô Tư nói, “người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu ít tóc…” Mới nghe thôi đã ác cảm, thấy nó hổng giống dân thương hồ chút teo nào. Nói cô Tư hay, trong lịch sử văn hóa nước mình, ở đất Bắc vô đến tận miền Trung không có cái nghề nào bị khinh rẻ và sỉ nhục như nghề đi buôn. Thường nghe người Đàng Ngoài mắng: đồ con buôn, đồ gian thương, thật thà cũng thể lái trâu… cũng tại bởi thói bã Nho “sĩ nông công thương” mà ra đó cô Tư.
Dưng mà Miền Tây mình thì khác à nha, bà con mình gọi cái nghề đi buôn bằng cái tên nghe dễ thương lắm: thương hồ. Cái tên này cô Tư cất công tra từ điển ngoài Bắc, ngoài Trung đều không có đâu. Chỉ có người Miền Tây mới gọi tụi tui như vầy. Dân thương hồ miền Tây thường ngẩng cao đầu mà ca “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”, cô Tư thấy hay hôn, đạo đi buôn đó nha. Bọn tui không phải phường gian thương như ở đất Bắc. Cái nghề thương hồ không những tự hào về mình mà tụi tui còn thương cho những nghề khác, sẵn sàng giúp đỡ bà con khi cần thiết “Thảm thương thay ghe lườn mui ống/Phải chi ở gần đậu vốn buôn chung.” Vậy mà cô Tư coi tui không bằng chén nước đổ đi. Ở miền này, dân làm ruộng lúc nào cũng trọng tụi tui “Em ơi giã gạo làm chi/Em quẳng chày đi cho rảnh/Theo anh về Cao Lãnh đi buôn.”
Chỉ vì cô Hai má thằng Điền động lòng cái màu bông bụp mà theo tui đi buôn chứ tui không cố ý phá hoại hạnh phúc gia cang nhà người ta. Tụi tui lênh đênh theo con nước mà lang bạt khắp nơi, nay neo Cần Thơ, mai đến An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sài Gòn… Nhờ dân thương hồ mà ba trăm năm nay Nam Kỳ Lục Tỉnh được thông thương phát triển không ngừng thành một vùng trù phú nhất nước đó cô Tư ơi. Bà con mình ai có yêu cầu gì chỉ cần nói với thương hồ bọn tui một tiếng thì chuyến hàng tới tụi tui sẽ mua và mang về tận nơi. Không nề hà gì cây kim sợi chỉ cho đến những thứ to chà bá. Dân thương hồ miền Tây đối với bà con mình ra sao, chắc cô Tư rõ hơn ai hết. Một thứ quan hệ tin cậy, chất phác, gắn bó với nhau bằng nghĩa, bằng tình chứ không phải thứ quan hệ tiền trao cháo múc vô tình vô cảm đâu cô Tư ơi.
…
Nhân đây, tui cũng trích đoạn một người khác viết về thương hồ để cô Tư nghe chơi.
“Chủ nhà nghe tiếng máy, đon đả ra đón và đưa khách thẳng vào nhà lớn. Mâm cơm đặc sản miệt vườn đã dọn sẵn. Khách mua, người bán hàng vừa ăn vừa rôm rả trò chuyện như họ hàng lâu ngày gặp nhau. Xong xuôi, chủ khách mới lôi mấy trăm dừa khô ra cân và gánh xuống ghe, trả tiền song phẳng rồi lưu luyến chia tay, hẹn lần lấy hàng tháng sau.”
Cô Tư thương, đính chính dùm thương hồ tụi tui mấy chữ nha cô Tư.
Riêng về phần tui, tui sẽ lựa lời mà nói lại với má thằng Điền dù tui thật lòng cũng rất thương cô Hai nó. Chuyện thế nào thì tui sẽ thư về cho cô Tư hay.
Nguồn: Nói với cô Tư về hai chữ “thương hồ”/a> Đặng Ngữ. Facebook, 30/9/2013