Tháng mười, chiếc lá cuối cùng & cây hồ đào

Đặng Ngữ

hanginthere2Nếu có thể, tôi muốn trồng hồ đào trên khắp đất nước này, những cây hồ đào của tự do trong tâm trí tất cả mọi người.

Nguyên một tuần, trời làm mưa suốt. Hôm trước, mưa như trút nước. Hôm nay, mưa như rây bột. Tháng Mười, ở miền Nam đã cuối mùa mưa nhưng trời rất lạ, lúc nào cũng âm âm u u. Thời tiết thay đổi, con người thay đổi.

Ở Cần Thơ, có người đàn bà không tiền nuôi con đành chôn sống núm ruột của mình khi vừa mới sanh em bé ra trên cõi đời này. Thiên đường nào cho em? Hội nghị Trung ương 8 họp từ đầu tháng, đến hôm qua thì kết thúc. Không ai rõ họ thảo luận những gì. Tướng Giáp, ngôi sao đỏ lẻ loi vừa tắt. Diễn đàn kinh tế mùa Thu tranh cãi rất căng đã vãn trò từ lâu. Không giải pháp. Kinh tế vĩ mô ổn định trong thoi thóp. Khép màn. Quốc tang.

Tháng Mười, ngài Alan Phan quay trở lại Sài Gòn từ một nơi nào đó không rõ. Sài Gòn không mùa cây rụng lá nhưng ông viết trên blog của mình:

“Một bệnh nhân vào thời kỳ cuối của bệnh sưng phổi. Cô ta hay nhìn ra cây sồi bên cửa sổ và thích đếm những chiếc lá bắt đầu rơi rụng, mỗi đêm khi cơn gió rét buốt của mùa đông thổi qua. Cô tâm sự với người bạn cùng phòng: ‘Mấy đêm trước cây còn cả ngàn, rồi trăm lá. Hôm nay chỉ còn đúng 6 lá. Tôi nghĩ khi chiếc lá cuối cùng rơi vào đêm nay, tôi cũng sẽ lìa đời như chiếc lá…’ Sáng hôm sau, cô thức dậy và ngạc nhiên vì một phép mầu nào đó, chiếc lá cuối cùng vẫn còn níu kéo vào cành cây khẳng khiu. Cô cho đó là một dấu hiệu của Thượng Đế về định mệnh của cô. Cô hồi phục nhanh chóng và xuất viện sau đó. Khi rời bệnh viện, cô nghe chuyện một người hoạ sĩ già ở phòng kế bên chết vì rét lạnh trong đêm bão tuyết, khi ông bắc thang trèo lên cửa sổ để vẽ lại ‘chiếc lá cuối cùng’ của cô. Ông đã nghe lời tâm sự của cô với bạn và muốn tặng lại cho cô một tuyệt phẩm về ‘niềm tin và đời sống’. Tôi thầm nghĩ không biết trong nhóm lãnh đạo kinh tế của Việt Nam, có nhà hoạ sĩ đại tài nào vẽ được ‘chiếc lá cuối cùng’ cho người dân khốn khổ? Có ai dám rời bỏ chăn êm nệm ấm để bước vào tuyết giá của đêm đông mà hành động vì tha nhân?”

Chiế lá cuối cùng. Nguồn ảnh TGT
Chiếc lá cuối cùng. Nguồn ảnh TGT

Sài Gòn không mùa đông, không chăn êm nệm ấm. Ngài Alan Phan không phải chiếc lá cuối cùng, cũng không phải người họa sĩ già. Vị tướng già được kính trọng, “người hùng đỏ”, chiếc lá cuối cùng của một thế hệ già lão chẳng thể nào tặng đất nước “niềm tin và cuộc sống”.

Tháng Mười. Tôi tìm đọc “Nhật ký Anne Frank” và “Thấy Phật” của Gs Cao Huy Thuần.

“Nhật ký Anne Frank” được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne đã sống hai năm cuối của đời mình. Một tác phẩm kinh điển của thế giới, một lời nhắc mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố hùng hồn về tinh thần của loài người. Câu chuyện về Anne Frank và cây hồ đào (1) trước nhà. Cây hồ đào lực lưỡng ấy vẫn còn ngự trị cho đến nay trước nhà cũ của cô gái.

Cây dẻ “Anne Frank”  (Amsterdam, Netherlands)
Cây hạt dẻ “Anne Frank” (Amsterdam, Netherlands)

Trong nhật ký đề ngày 23/2/1944, Anne Frank viết:

“Chúng tôi cùng ngắm màu xanh tuyệt diệu của bầu trời, ngắm cây hồ đào rụng hết lá, từng giọt nhỏ nước long lanh ánh nắng trên cành, ngắm mấy con hải âu và chim chóc cánh trắng như bạc liệng trong nắng, tất cả làm chúng tôi xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời.”

Nhật ký ngày 18/4/1944, Anne Frank viết: “Tháng tư đến thật rạng rỡ, không nóng lắm cũng không lạnh lắm, thỉnh thoảng mưa nhẹ như sương trắng. Cây hồ đào của chúng tôi bắt đầu trổ lá xanh, loáng thoáng từng chùm chớm nở.”

Một tháng sau, hoa nở rộ trong nhật ký ngày 13/5/1944: “Cây hồ đào của chúng tôi nở hoa rực rỡ, từ gốc đến ngọn lá chen nhau trổ xanh, đẹp hơn cả năm qua.”

Đó là lần cuối cùng cây hồ đào nở hoa cho cô gái tù ngục.

Hai tháng rưỡi sau, ngày 4/8/1944, Anne Frank bị Đức Quốc Xã bắt. Anne vẫn bám chắc vào tin tưởng để sống. Cô không nói với ai, chỉ thổ lộ với cây: “Chừng nào tôi còn thấy, chừng nào tôi còn hưởng được những tia nắng kia với bầu trời không gợn mây ấy, chừng đó tôi không thể buồn được.”

Dường như cây hồ đào ngoài kia lao xao dòng chữ của cô mỗi khi gió thoảng qua.

Gió thoảng qua, cây lao xao dòng chữ khác: “Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng giữa bao nhiêu bất hạnh, thiên nhiên vẫn còn có thể xóa đi rất nhiều đau khổ.”

Cây đã khóc vì cây có linh hồn, cây hiểu hết buồn vui của bất cứ ai biết nói chuyện với cây.

Tháng Mười, cây hồ đào đã khô qủa. Cây ấy, cây hồ đào của Anne Frank đã trở thành biểu tượng của hy vọng, của tự do, người làm chứng khiêm tốn mà hùng biện chống lại chủ nghĩa phi nhân, vô đạo. Tôi muốn tìm đường đến Amsterdam, chiết cây ấy ra và ghép thành nhiều cây nhỏ, trồng bất cứ nơi nào tự do bị nhốt vào tù ngục, nhất là tự do của những vầng trán thơ ngây.

Tôi muốn trồng một cây cho em, em bé Cần Thơ. Tôi muốn trồng một cây nơi trại tù đang giam giữ anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi muốn trồng thêm một cây nữa nơi trại tù đang giam giữ bạn Nguyễn Tiến Trung. Có lẽ nên trồng những hàng dài hồ đào hai bên bờ dòng sông Bến Hải. Nếu có thể, tôi muốn trồng hồ đào trên khắp đất nước này, những cây hồ đào của tự do trong tâm trí tất cả mọi người. Một ngày nào đó, cây hồ đào của chúng ta sẽ nở hoa rực rỡ, từ gốc đến ngọn lá chen nhau trổ xanh, đẹp hơn mấy chục năm qua.

Sài Gòn, 10/10/2013


NguồnTháng mười, chiếc lá cuối cùng & cây hồ đào. Đặng Ngữ. Facebook 10/10/2013. DCVOnline minh họa & chú thích

(1) Cây “Anne Frank” mà Anne Frank đã mô tả ở phần phụ lục của “Anne Frank’s The Diary of a Young Girl” là một cây hạt dẻ thuộc họ bồ hòn [Aesculus hippocastanum, horse chestnut] trước một tòa nhà ở trung tâm thành phố Amsterdam nơi cô Anne và gia đình trốn quân Đức quốc xã trong thời Đệ nhị Thế chiến.

Hồ đào (hay cây óc chó) phiên âm từ 胡 桃 thuộc họ dẻ (walnut, Juglans regia) [Nguồn Wikipedia]