Tướng Giáp khó có thể là đạo diễn của chiến tranh Việt Nam

Lien-Hang Nguyen – Trà Mi lược dịch

general-vo-nguyen-giap-photo-vna1…sự im lặng của tướng Giáp đã làm cho ông không phải là một kẻ ác ôn được sùng kính, mà là một anh hùng bên rìa lịch sử.

Tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn ảnh VNA.
Tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn ảnh VNA.

Cái chết của Tướng Võ Nguyên Giáp đóng lại một chương bi thảm trong lịch sử chung của Hoa Kỳ và Việt Nam. Không thể phủ nhận Chiến tranh Việt Nam của Mỹ và cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam để Thống Nhất và Cứu quốc  là một trong những đoạn quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của cả hai nước. Nhưng người thường được xem là trung tâm của câu chuyện chiến tranh của hai quốc gia, Tướng Giáp, vẫn còn là bí ẩn. Mặc dù sống lâu hơn kẻ thù và đồng đội, Giáp đã không để lại lời cuối. Và bây giờ với cái chết của ông, chúng ta có thể sẽ không bao giờ có được đầy đủ hình ảnh của cuộc chiến hay vai trò của ông trong đó.

Là một người Mỹ gốc Việt lớn lên tại Hoa Kỳ sau chiến tranh tôi biết đến tướng Giáp như một kẻ ác ôn được sùng kính. Cộng đồng thua cuộc của người tị nạn Việt Nam rời Việt Nam từ năm 1975 và những năm sau đó coi tướng Giáp, và ông Hồ Chí Minh, là kiến trúc sư chính của cuộc chiến tranh cộng sản. Tương tự như vậy,người Mỹ sau chiến tranh Việt Nam xác định Giáp là chiến lược gia quân sự đằng sau chiến thắng của Hà Nội. Trong cả hai quan điểm, ông là viên tướng xảo quyệt trước nhất đã thắng Pháp, và sau đó là người Mỹ và các đồng minh Nam Việt Nam.

Danh tiếng quốc tế của ông ấn tượng không kém. Tác phẩm của ông Giáp đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác và đươc giới cách mạng trên toàn thế giới nghiên cứu trong thời kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Cùng với Mao Trạch Đông và Che Guevara, đóng góp của tướng Giáp về chiến lược du kích đã gây hứng khởi cho những đoàn quân giải phóng dân tộc tại các nước đang phát triển, trong đó có Palestine, Angola và Nicaragua. Những bài học của ông cho thấy bằng cách nào quân du kích có thể đánh bại những kẻ thù lớn và mạnh hơn. Chiến thuật chống du kích của Mỹ còn nhiều điểm yếu, và Giáp có thể vạch ra tất cả những thiếu sót đó.

Trong nước, tuy nhiên, câu chuyện lại khác. Bị nhóm cầm quyền – Lê Duẩn và Lê Đức Thọ – xem thường và không tin tưởng, Tướng Giáp chỉ có thể có được cái danh quốc tế, và không thể có được vị trí trong nội bộ. Các “đồng chí Lê” đã xem Giáp là một mối đe dọa quyền lực của họ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhưng họ đã phải chờ cho đến sau chiến tranh để loại bỏ ông khỏi chính trường. Năm 1980, tướng Giáp đã không còn bộ trưởng quốc phòng và  năm 1982, ông mất ghế trong Bộ Chính trị. Vào những năm 1990, Giáp không còn giữ bất cứ chức vụ chính trị nào. Bị tước hết trách nhiệm trong nhà nước và Ðảng lãnh đạo, tướng Giáp đã bị đưa xuống vai trò nghi lễ.

Lê Duuarn (t), Lê Đức Thọ (p). Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Lê Duẩn (t), Lê Đức Thọ (p). Nguồn: DCVOnline tổng hợp

Điều mà hầu hết mọi người không biết là việc ông Giáp đã bị đẩy ra rìa này đã bắt đầu sớm hơn nhiều, trước thời kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Bắt đầu từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh của Hà Nội trong những năm 1959-1960, Giáp đã bắt đầu bị hạ bệ qua bàn tay của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, những người mà tên tuổi nên được coi là đồng nghĩa với chiến tranh Việt Nam. Khi Duẩn trở lại Hà Nội, Giáp đã bị mất quyền soạn thảo quyết định chiến tranh của Hà Nội vào tay Duẩn. Trong những năm 1963-1964 khi Duẩn quyết định “đánh đến cùng” và đánh bại chính quyền Sài Gòn trước khi người Mỹ có thể can thiệp, Giáp đã bất lực không ngăn chặn được những gì ông nhìn thấy là một chiến lược liều lĩnh. Trong 1967-1968, sự phản đối của tướng Giáp với chiến lược Tổng Tấn công và Tổng khởi nghĩa liều lĩnh của Duẩn, sau này được biết đến là cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, khiến ông đã phả trả giá rất đắt. Duẩn và Thọ bắt giam đàn em của tướng Giáp vì tội phản quốc [Vụ án Xét lại Chống Đảng – TM], trong nỗ lực cáo buộc Giáp là một phần của âm mưu của phe xét lại để lật đổ chính phủ. Trong thời gian này, 1963-1967, Giáp đã nằm trong sự giám sát của lực lượng an ninh của Duẩn và người anh hùng nổi tiếng của Điện Biên Phủ thậm chí đã chạy trốn ra nước ngoài để thoát khỏi những áp lực chính trị tại Hà Nội. Năm 1972, sau khi lấy lại một số ảnh hưởng quân sự vì thành công của ông ở Lào, Giáp mới dám lên tiếng phản đối chiến thuật mà Duẩn và Thọ ưa chuộng là tấn công toàn diện qua vùng phi quân sự (DMZ) trong cuộc Tổng Tấn Công mùa hè 1972. Một lần nữa, sự phản đối của ông bị bỏ ngoài tai khi quân đội Bắc Việt trên xe tăng Liên Xô vượt qua vĩ tuyến 17. Nếu lời cảnh báo của Giáp đã được chấp nhận trong suốt cuộc chiến có thể vẫn đưa đến chiến thắng cho Hà Nội, nhưng sẽ không có những tổn thất kinh hoàng.

Cẩn thận tránh né thời kỳ chiến tranh Việt Nam vì sợ bị thủ hạ của của các “đồng chí Lê” trả thù, Giáp đã không viết hồi ký về giai đoạn quan trọng này. Thay vào đó, ông để cho người khác lên tiếng. Những gì chúng ta biết về cách Duẩn và và Thọ đối xử với Giáp đều dựa trên lời kể từ các đảng viên cấp thấp hơn trong Đảng, các cuộc phỏng vấn sau chiến tranh với những người bất đồng chính kiến, và ít nhiều tin đồn khắp Hà Nội đã tìm cách rò rỉ ra nước ngoài. Gần đây hơn, một tác phẩm của một nhà báo và blogger trong cuộc đã tiết lộ nhiều bí mật nhà nước và làm sáng tỏ hơn về cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ đang diễn ra tại Hà Nội.

Nhưng không có gì từ chính ông Giáp, mặc dù đã sống đến 102 tuổi. Nay, là một học giả về chiến tranh Việt Nam, đã viết về chính trị nội bộ Hà Nội, tôi chỉ có thể hy vọng tìm thấy một bản thảo, của Giáp, chưa được xuất bản, hoặc ít nhất một bản thảo, được Giáp phê chuẩn, để giải quyết được những thiếu sót về sự hiểu biết của chúng ta trong cuộc chiến của Hà Nội và vai trò của Giáp trong đó. Cho đến lúc ấy, sự im lặng của tướng Giáp đã làm cho ông không phải là một kẻ ác ôn được sùng kính, mà là một anh hùng bên rìa lịch sử.

lhnguyen1Liên-Hằng Nguyễn là phó giáo sư sử học tại Đại học Kentucky và là tác giả cuốn Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam. [“Chiến tranh của Hà Nội: Một lịch sử quốc tế về chiến tranh vì hòa bình ở Việt Nam”].

© 2013 DCVOnline


Nguồn: General Giap was Hardly the Mastermind of the Vietnam War. Lien-Hang Nguyen. George Mason University, History News Network, 10-16-13

2 Comments on “Tướng Giáp khó có thể là đạo diễn của chiến tranh Việt Nam

  1. Bài này thì bà này viết tương đối có mạch lạc và chính xác hơn các bài khác.

  2. Bài viết này xem xét ông Võ Nguyên Giáp có ảnh hưởng gì trong cuộc chiến tại Việt Nam. Xem những gì do ông Võ Nguyên Giáp đóng góp và những gì ông ta không làm là căn bản để xét xem thiên tài quân sự của ông Giáp đến mức nào.

    Đây là lối viết phân tích lịch sử dự trên dữ kiện thu thập được, khác với lối viết tán tụng của chế độ CSVN. Viết theo lối tán tụng thì chỉ chọn những gì tốt cho ông Giáp để nêu lên, còn cái gì không có lợi cho việc tán tụng thì dấu đi. Chẳng hạn thời kỳ ông Giáp bị mất quyền hồi 1968 thì guồng máy tuyên truyền dấu đi. Tuyên truyền thì cần giản dị cho quần chúng dễ hiểu, phải kỳ cọ đánh bóng lịch sử, dấu đi những cái chi tiết làm cho quần chúng mất hứng khi đọc bài khen ngợi.