Khoa Học Phương Tây và Triết Học Phương Đông (Lời Kết)

Kiều Tiến Dũng

consciousness“Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”
(Đạo Đức Kinh)

Người biết thì không nói, còn kẻ nói thì không biết tới nơi tới chốn. Đã vậy mà còn dám lạm bàn về một đề tài vô cùng rộng lớn, khó khăn gồm bao cả khoa học phương tây và triết lý phương đông! Tuy biết vậy, nhưng chúng tôi chỉ mong cố gắng trình bày cái hiểu biết nông cạn của mình để chia xẻ với mọi người, trong cùng một tâm tình như của cụ Sào Nam Phan Bội Châu:

“Nếm máu cũ của tiên nhân mà không dám quên
Phơi tấm lòng với anh em mà không dám dấu”

Lúc khởi đầu, tôi dự định loạt bài sẽ chỉ có 5 bài mà nay đã lên đến trên cả chục 12 rồi. Càng viết thì càng thấy thiếu xót, như mình càng già thì mới biết mình càng ít biết – chẳng bù với thời trai trẻ, cái gì mình cũng tưởng là biết! Nhưng có viết bao nhiêu đi nữa thì vẫn sẽ mãi còn thiếu xót. Và cũng để tránh nhàm tai người nghe, mõi mắt người đọc, nay tôi xin dừng ở bài cuối đây cho chủ đề khoa học và triết lý này.

Người xưa có câu:

“Thiên hạ thùy nhân tri kỷ?
Hận nhất dạ.
Thiên hạ vô nhân tri kỷ!
Hận thiên thu”

Còn hỏi được trong thiên hạ ai là người tri kỷ thì chỉ “hận” một đêm. Nhưng một khi đã biết dưới gầm trời này không còn người tri kỷ nữa thì có lẽ phải “hận” đến nghìn thu. Người viết xin chân thành cảm ơn người nghe và người đọc đã theo dõi, góp ý, và cũng đã lượng thứ cho sự thô thiển và kém hiểu biết của người viết. Như vậy là người viết không những khỏi phải “hận” thiên thu, mà cũng không cần “hận” dù chỉ một đêm!

**
Chuyện bên lề, nhắc đến hai chữ “tri kỷ” thì một bạn trẻ ở Việt Nam đã giải thích trên một trang mạng như sau, trích:

“Theo cách hiểu của mình … : 1 cặp vợ chồng mới cưới chỉ là tri kỷ ([vì chữ] kỷ [nghĩa] là giường) … mình nghĩ như trên [có] đúng ko?”
(http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20080911040729AAe9KWu)

Hết trích. Và cũng thật hết biết luôn! Nếu biết người đời sau cho “tri kỷ” là biết nhau qua cái giường, thì ôi thôi Bá Nha / Tử Kỳ có lồng lộn dưới đáy mồ không?

**
Ca dao ta có câu:

“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”

Khoa học phương tây và triết học đông phương tuy là hai nhưng lại là một trong việc cùng đi tìm cái gọi là sự thật tuyệt đối sau cùng; và tuy cùng chung một cứu cánh nhưng lại đi bằng hai con đường khác nhau.

Khổng Tử cũng cho rằng: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” – Thiên hạ tuy có thể đi bằng nhiều đường khác nhau, nhưng sẽ cùng quy về một mối; thiên hạ có thể suy nghĩ nhiều cách khác nhau nhưng sẽ cùng đi đến chỗ nhất trí.

Cũng thế, sách Trung Dung lại có câu: “Đạo tịnh hành, nhi nhất tương bội” — trên đường Đạo, tất cả đều đi mà chẳng chống nhau.

Trong khi đó ở phương tây, Neils Bohr lại cho rằng: “Đối nghịch với lời đúng là lời sai. Nhưng đối xứng với một sự thật sâu xa cũng lại là một sự thật thâm thúy khác” – “The opposite of a correct statement is a false statement. But the opposite of a profound truth may well be another profound truth.”

Thật vậy, mặc dù với những điểm khởi đầu xa cách, mặc dù với những phương pháp khác biệt giữa khoa học tây phương và triết học phương đông, chúng ta đã điểm qua trong loạt bài này không ít những tương đồng sâu sắc. Nhưng tại sao lại có sự tương đồng? Hệ quả của sự tương đồng này là gì? Phải chăng, chính các điểm tương đồng trong hai hướng đi vô cùng dị biệt này đã nói lên, đã ám chỉ sự hiện hữu của một, và chỉ một, sự thật tuyệt đối và sau cùng?

**
Không những thế, sự tương đồng có lẽ còn khẳng định cái thống nhất toàn thể, cái bất khả phân của mọi hiện tượng trong vũ trụ này, dù chúng có cách thời gian hay biệt không gian. Và vì mọi vật đều phụ thuộc vào nhau nên ta không thể định nghĩa một sự vật chỉ bằng những “thuộc tính” của nó mà còn bằng những gì không phải là nó. Đấy là vì bản chất của sự vật không phải tự có mà còn phải tùy thuộc vào sự tương quan với các vật thể khác; cũng như chính việc quan sát đo lường mới định nên được cái tính chất của vật được đo lường. Như cái được gọi là “ta” thật ra lại phải được định nghĩa bởi chính những mối quan hệ với “người”; vậy cái “ta” đâu phải là tự có, và cái “ta” cũng đã phải mang cái “người” trong đó rồi!

Ở đâu đó có một câu ví von rằng: Nếu phép chia cho zero trong toán học là vô nghĩa, thì trong cuộc sống, nếu không chia sẻ cho một ai cả thì cuộc sống ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

**
Thiền sư Khánh Hỷ, đức Tăng Thống của Phật giáo Đại Việt ta vào thế kỷ thứ 11 có câu:

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”

Tất cả trời đất có thể đặt gọn trên một sợi tóc, và cả mặt trời mặt trăng có thể nhét vào trong một hạt cải. Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ, và cái thiên thu nằm trong cái khoảnh khắc.

Thi sĩ và cũng là họa sĩ tài hoa người Anh tên là William Blake vào thế kỷ thứ 19 cũng có những vần thơ:

“To see a world in a grain of sand
And a heaven in a wild flower,
Hold infinity in the palm of your hand,
And eternity in an hour”
(William Blake)

blake-to-see-a-world-flower-phoolanjaya
Thơ – William Blake

Tạm dịch:

Nhận thấy một thế giới trong một hạt cát
Và một thiên đàng trong một đóa hoa dại
Nắm gọn cái vô cùng trong lòng bàn tay
Và cái vĩnh cửu trong một giờ đồng hồ

Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều liên đới; quá khứ và tương lai trong thời gian chẳng qua cũng chỉ nằm trong một khoảnh khắc.

**
Vì chỉ có một, và chỉ một, sự thật tuyệt đối nên có lẽ ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi mọi con đường đi tìm sự thật và bản chất của vạn hữu đều dẫn về cái tuyệt đối ấy. Nhưng chính sự hiện hữu của các con đường khác biệt này cũng là điều cần thiết để từ đó “nói” lên được (chữ nói trong ngoặc kép) cái tuyệt đối – vì cái tuyệt đối này không thể định được chỉ bằng một phương cách riêng lẻ, không thể gọi tên hay diễn tả được bằng ngôn từ loài người, kể luôn cả ngôn từ toán học: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo; Danh khả Danh phi thường Danh” (Đạo Đức Kinh).

Các con đường khác nhau, tương khắc mà cũng lại tương xung, dù đấy là khoa học hay triết lý, đều là cần thiết – như sự cần thiết của hạt và sóng, của âm và dương – để nói lên bản chất luôn động chuyển của sự vật.

Âm-Dương là nguyên lý, là động cơ, là nguồn năng lượng cho sự biến dịch của vạn vật: “Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa” – Trong vạn vật không có vật nào không cõng đèo Âm và bồng bế Dương, nhưng ở giữa là nguyên khí dung hòa (Đạo Đức Kinh).

Kinh Dịch cũng khẳng định: “Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo.” Trong sự biến dịch, giao dịch lại là cái bất dịch – như các định luật bảo toàn của vật lý, hay cái chân không lượng tử, hay cái Đạo của Đạo Đức Kinh, hay cái vô cực của Dịch, hay cái gọi là “không” trong trung đạo của nhà phật.

Cả khoa học hiện đại và triết học cổ xưa nay cùng hội tụ về quan điểm là bản chất của sự vật không phải là “đang là” (being) mà chỉ là “đang thành” (becoming). Vì là “đang thành” nên sự vật không cố định mà luôn biến đổi cùng với vũ trụ ngoài kia.

**
Một điểm hội tụ quan trọng khác giữa triết học phương đông và khoa học hiện đại là ở vị trí và vai trò của con người, hay đúng hơn là ở cái tâm thức (consciousness) của chúng ta.

Khoa học cơ bản nhìn ra bên ngoài để tìm hiểu cái vũ trụ vật lý “khách quan” ngoài kia. Nhưng cuối cùng cơ lượng tử lại đi đến kết luận là cái hiện hữu và cấu trúc của chúng lại tùy thuộc vào cái tâm thức nằm ngay trong chúng ta! Qua chính sự khảo sát chủ quan của mình, chúng ta đã góp phần tạo nên, cả về mặt không gian lẫn thời gian, của cái gọi là vũ trụ khách quan đó!

Eugene Wigner, nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963, đã cho rằng: “Càng nghiên cứu về thế giới bên ngoài, càng dẫn tới cái kết luận rằng chính tâm thức lại là thực tại tối hậu. Các hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng tâm thức phải là yếu tố cơ bản của thực tại” – “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality.”

Sir Arthur Eddington, người đầu tiên kiểm chứng thành công Thuyết Tương Đối Rộng của Albert Einstein, cũng đã đồng ý rằng: “Bộ môn vật lý là ngành nghiên cứu về cấu trúc của tâm thức. Mọi sự vật trong vũ trụ đều từ tâm thức mà ra” – “Physics is the study of the structure of consciousness. The stuff of the world is the mindstuff.”

**
Điều đấy lại càng kỳ lạ hơn nữa vì chính khoa học cũng lại cho rằng con người cùng với tâm thức của mình chỉ là sản phẩm ra đời sau khi vũ trụ vật lý này đã được hình thành. Có lẽ sau cái khởi đầu bằng một cái “Nổ Lớn” Big Bang từ một không gian vô cùng nhỏ bé thì vũ trụ đã giản nở rất nhanh chóng. Khi nhiệt độ nguội xuống thì vật chất từ từ tụ lại thành các thiên thể do sức hút của trọng lực. Một khi môi trường thích hợp được hình thành thì sự sống bắt đầu xuất hiện, và rồi phát triển và tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên của môi trường – cho đến khi, ở trái đất này hay trên nhiều hành tinh thích hợp khác trong vũ trụ, tâm thức được hình thành qua loài người hay các sinh vật nào khác.

Giờ đây với cái nhìn là vũ trụ chỉ hiện hữu trong tâm thức, phải chăng con người lại là cái nguyên nhân trong hiện tại của sự hình thành của một vũ trụ trong quá khứ? Phải chăng chúng ta ngày nay cũng lại một lần nữa đem đặt con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ — như Tòa Thánh La Mã đã làm khi xưa, để rồi dẫn đến việc họ xử tội Bruno và Galileo khi những người này dám cho rằng trái đất và con người chúng ta đâu phải là cái rốn của vũ trụ?

Cái khác biệt ở đây là khoa học hiện đại không nói đến, và cũng không cần đến, một thượng đế đầy quyền năng. Và loài người có lẽ không phải là sinh vật duy nhất trong vũ trụ có được cái gọi là tâm thức.

Tâm thức và sự sống có lẽ đã và sẽ xuất hiện rất nhiều nơi trong vũ trụ bao la ngoài kia. Nhưng, ngược lại, nếu không có một ai quan sát thì mặt trăng đó, vũ trụ này có thật sự hiện hữu hay không?

Cũng như, cũng như nếu không có em thì gương kia có đó hay không, để ai soi trang điểm cho đời thêm tươi? Hay là, hay là lại bắt:

“Anh làm chiếc gương soi
Để em điểm trang trước giờ đến sở
Em vô tình đứng trước gương thay áo
Anh bị bất ngờ tim đập nhịp lung tung”
(Quan Dương)

**
Đạo Đức Kinh cũng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của con người:

“Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật” – Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Có người giải nghĩa là khởi đầu từ Đạo rồi sinh ra cái nhất, là thái cực. Từ cái nhất thái cực này lại sinh ra cái nhị của lưỡng nghi. Và rồi hai lưỡng nghi lại sinh ra tam tài là trời, đất và con người. Cuối cùng tam tài sinh ra vạn vật.

Hay là ta cũng có thể diễn giải song song với lý thuyết vật lý rằng: Đạo là chân không lượng tử sinh ra trời ở dạng khí (với con số 1 cũng được Kinh Dịch dùng cho trời, thuần dương); sau đó các khí này tụ lại thành đất (với con số 2 cũng được Kinh Dịch dùng cho đất, thuần âm); rồi sau đó là loài người, được ám chỉ bằng con số 3, được sinh ra trong trời-đất. Với tâm thức của mình, loài người sau cùng đã góp phần “sinh ra” trong ngoặc kép tất cả những thực thể ngoài kia – như theo một lối diễn giải của cơ lượng tử.

Địa vị của con người cũng được đề cao trong Kinh Dịch, và đã được tượng trưng bằng hai vạch (hai hào) đứng giữa trong sáu vạch của mỗi quẻ, với hai vạch ở dưới tượng trưng cho đất, và hai vạch trên cùng tượng trưng cho trời. Tức là làm người thì đầu đội trời, chân đạp đất.

Riêng trong phật giáo thì mệnh kiếp con người cũng được coi là đặc biệt và vô cùng quý giá.

**
Tóm lại, những tương đồng quan điểm chính giữa Đông và Tây là ở chổ sự vật trong vũ trụ này tuy thể hiện khác nhau và luôn biến dịch, nhưng chúng lại liên hệ chặt chẻ với nhau và có cùng một bản chất thống nhất, “có” mà cũng “không có”. Trong đó vai trò trọng yếu, quyết định là con người hay đúng hơn là cái tâm thức (consciousness) của chúng ta.

Còn nói về sự khác biệt thì dĩ nhiên khoa học phương tây và triết lý đông phương còn rất nhiều điều xa cách nhau.

Nền móng của khoa học là nghi vấn và cái quyền được đặt nghi vấn, phương thức của khoa học là lý luận và toán học, và sức mạnh của khoa học là khả năng kiểm chứng những hệ quả của lý luận với hiện tượng được khảo sát. Mọi lý thuyết đều phải chịu sự kiểm chứng; một thuyết không nêu được một kết luận mà có thể kiểm chứng được thì đấy không phải là khoa học. Và vì ta không thể bao giờ kiểm chứng được với tất cả các hiện tượng có thể có nên các thuyết khoa học không thể bao giờ đúng tuyệt đối. Có đúng chăng chỉ là đúng trong phạm vi nào đó, trong giai đoạn nào đó. Vì thế mọi kết luận trong khoa học đều mang tính chất tương đối và tạm bợ. Lý thuyết khoa học luôn mang sẵn ngay trong chính nó mầm mống của sự nghi ngờ: ta có thể chứng minh được một thuyết khoa học là sai nếu khám phá ra một hiện tượng không phù hợp, nhưng không bao giờ ta có thể chứng minh được nó là đúng tuyệt đối. Cái đúng-sai trong khoa học không tùy thuộc vào ai là người, dù người đó quyền uy bao nhiêu, hay là bao nhiêu người, dù có đông đảo bao nhiêu, đã đưa ra một lý thuyết nào đó.

Trái ngược lại, triết học phương đông chỉ đưa ra những kết luận được cho là chân lý tuyệt đối, nhưng lại không trình bày một cách sáng tỏ các phương cách khảo cứu để đi đến những kết luận này.

Phật giáo, hơn thế nữa, không những là một triết lý mà còn được coi là một tôn giáo, mặc dù phật giáo đặt nặng sự suy luận, cảm nhận và kiểm chứng bằng kinh nghiệm và trực giác. Nhưng đã là một tôn giáo thì nó cũng đòi hỏi một niềm tin nào đó ở ta, dù nhiều hay ít.
Khác với nhiều tôn giáo khác là đức tin trong Phật giáo chỉ được coi là một phương tiện. Trí tuệ cũng chỉ là phương tiện, nhưng lại là phương tiện cốt yếu. Trong khi đó đức tin lại là một phương tiện thứ yếu, tạm thời. Mục đích tối hậu và duy nhất của Phật giáo là giải thoát, là giác ngộ.

**
Dù cho triết lý đông phương có hướng về bên trong nội tâm của ta, hay khoa học phương tây có nhìn ra thế giới bên ngoài, thì cả hai đều là đi tìm sự thật để giải thoát chúng ta ra khỏi sự tăm tối, vô minh. Vô minh có thể không có bắt đầu nhưng lại được kết thúc khi chúng ta có được ý thức về sự kiện. Và một khi ý thức đã thành hình rồi thì sẽ không mất đi được.

Cũng vì lo sợ cái ý thức sẽ tước đi ngôi vị độc tôn của mình, nên trong lịch sử loài người biết bao chủ nghĩa, đảng phái và triều đại đã tìm đủ mọi cách để ru ngủ con người, đã viện dẫn bao lý lẻ để ngăn chặn ý thức của con người, đã sử dụng bao thủ đoạn để không cho con người được quyền đặt nghi vấn. Nhưng chúng đã và sẽ thất bại vì bàn tay không che được mặt trời, giấy không gói được lửa, bóng đêm không thể bao trùm được sự thật. Thân xác có thể bị cầm tù, nhưng nào ai giam nhốt được tư tưởng và ý chí của con người?

“Everything that kills me
Makes me feel alive
Everything that drowns me
Makes me want to fly”
(OneRepublic – Counting Stars)

Tạm dịch lời của những câu hát này:

Những gì cố giết tôi
Lại càng làm tôi thêm sức sống
Những gì cố nhận chìm tôi
Lại càng làm tôi muốn bay bổng

Người ta có thể lừa gạt một người mọi lúc, cũng có thể lừa gạt nhiều người một lúc, nhưng không ai có thể lừa gạt tất cả mọi người trong mọi lúc. Do đó, rồi sẽ có một ngày:

rights“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng
Đội lại khăn tang
Đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan vào cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa
Kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trong mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ trên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!”
(Nguyễn Chí Thiện – 1971)

Bao giờ ngày ấy về với quê hương ta, sớm hay muộn là do ở nỗ lực của mỗi một người trong chúng ta.

Melbourne, Úc Châu
Tháng 9, 2013


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.

3 Comments on “Khoa Học Phương Tây và Triết Học Phương Đông (Lời Kết)

  1. Một loạt bài tham khảo tuyệt vời bởi tác giả. Tôi thật sự thích thú sự so sánh Triết Đông và Khoa học Tây của tác giả. Một sự kết hợp rất là ngộ nghĩnh nhưng sao lại quá tương đồng.

  2. Xin có một vài câu thơ tâm tưởng, nhớ
    một thời lính chiến VNCH.

    TIẾNG GỌI
    (Ý-Yên)

    Cho thấy mãi đồi nương trong gió hát
    Rủ nhau đi trốn khuất nẻo chân trời
    Và thông ngàn theo hút bóng mây xuôi
    Những-nốt-nhạc-chim hòa vang bốn hướng

    Cho tôi sống và không cần tưởng tượng
    Cảnh vô bờ không chướng ngại cách ngăn
    Đôi cánh buồm là mặt phẳng thủy ngân
    Trôi rất nhẹ, có gì trên khoang đó?

    Cho khi đến, rèm song còn bỏ ngỏ
    Đừng quên giờ mai thức giấc ra đi
    Đêm yên thanh, hoa úp mặt thầm thì
    Hơn một nửa trần gian còn say ngủ

    Cho tôi gặp trên đường ra viễn xứ
    Thuở nào chim chưa xa lánh loài người
    Khi yêu đương chưa mặc cả lãi lời
    Và triết lý chưa ghi lòng sách đá

    Muôn tiếng gọi êm đềm về gối lạ
    Đàn tâm tư ngân tiếng dội, reo buông
    Cho tôi đi ngược lại hướng sâm thương
    Tìm thấy mãi trời quê tôi rực sáng

    Và trăng mười ba, trăng mười ba tỏa rạng
    Ngời lên trong giếng mắt những người yêu
    Những vị tân khoa tôi mến thương nhiều
    Tình vẫn đẹp như giờ đây tưởng nhớ

    Cho tôi đi, từ cành gai bông hồng nở
    Và đời tôi mang ý nghĩa hiện sinh
    Nhìn qua đêm bao cảnh đẹp nguyên hình
    Chỉ sáng bởi tâm tình tôi ghi đó.

    Đài tim này hai-bốn giờ vẫn mở
    Nhận truyền đi làn thông điệp Tin Yêu.

    ( Thơ-Và-Thi-Nhân. Tự Do. 1963)