Can đảm chính trị

Jonathan London

Political-courage-requires-clarity.Nhiều người đồng ý rằng Việt Nam đang phải đối mặt với một tình trạng hết sức lo ngại. Đất nước có đầy đủ các tiềm năng mà không thể tiến lên được vì bộ máy bị hỏng một cách nghiêm trọng. Những nguyên nhân đã được phân tích rõ trong rất nhiều bài nghiên cứu.

Những thể chế xã hội chính trị của đất nước (tức là những ‘luật chơi chính thức và phi chính thức’) đã trở thành một ràng buộc không cho phép Việt Nam cất cánh, không cho phép toàn dân được tham gia vào đời sống xã hội chính trị kinh tế của đất nước mình một cách tự do. Khẳng định như vậy chẳng có liên quan đến âm mưu của ai cả mà là tình trạng khách quan của đất nước.

Nói “dũng cảm” [can đảm] là một yếu tố xã hội gắn liền với người Việt Nam, là đúng. Nhưng ta nên suy ngẫm về ý nghĩa của từ này. Ở Việt Nam, khi ta nói về khái niệm “dũng cảm” thì người ta rất hay nghĩ về những chuyện lịch sử, trong khi ít đề cập những vấn đề trước mặt của chúng ta hiện nay.

Dũng cảm có nhiều loại. Không cần phải là nhà tâm lý học hay nhà văn học đề khẳng định: dũng cảm không có nghĩa là không sợ mà là có thể khắc phục sự sợ hãi để làm một cái gì đó cần thiết trong một bối cảnh nhất định, bất chấp những đe dọa và trở ngại trước mặt. Như vậy dũng cảm là một cái chúng ta gặp thường xuyên, không chỉ liên quan đến chiến tranh hay một tai họa. Chẳng hạn, người nào cũng phải sống trong vòng những thể chế, những bối cảnh tổ chức, những tình trạng vật chất nhất định. Có khi chúng ta phải có đủ dũng cảm để đối phó với những hạn chế thường trực này.

Tôi có một người bạn hai mươi mấy tuổi, có con 9 tuổi, chồng mất do tai nạn giao thông khi cháu mới 4 tuổi. Trình độ học không cao. Chưa được đào tạo. Không có việc làm ổn định. Vẫn phải phục vụ nhà chồng. Mẹ ruột nghiện cờ bạc. Mất tiền của cả nhà mấy lần. Bố là cựu chiến binh, bán hàng trên vỉa hè. Người tốt lành nhưng sức kinh tế không có. Cách đây mấy tháng cô bạn này mới biết bị ung tư đoạn 3. Không có tiền để điều trị. Vẫn phải lo tiền con ăn học, nuôi con dù không thể chia sẻ với con thông tin về căn bệnh của mình. Cá nhân này có bao nhiêu rằng buộc thể chế mà vẫn cố gắng. Đó được gọi là dũng cảm, cho dù là một câu chuyện rất đỗi bình thường ở Việt Nam. Có thể gọi đó là dũng cảm hàng ngày và chắc chắn Việt Nam không thiếu cái đó!

Chọn lựa.
Chọn lựa.

Hãy nói về chính trị. Và tôi xin bắt đầu qua việc đề cập một tác phẩm quan trọng được viết cách đây hơn 40 năm, đó là cuốn sách ‘Thoát ra, trung thành, và tiếng nói” (‘Exit, Loyalty, and Voice’) do Albert Hirschman viết vào năm 1970. Theo Hirschman (người đã từng được giải thưởng Nobel về kinh tế học, ở bất cứ bổi cảnh tổ chức nào (và ở đây ‘tổ chức’ có nghĩa là xã hội), ta luôn luôn có ba phương án cơ bản đối với cách ứng xử của mình. Một là thoát ra, thức là tránh việc. Hai là trung thành, thức là im lặng và theo lệnh dù đồng ý hay không đồng ý với ‘cấp trên’. Và ba, con đường khó nhất, có nguy cơ nhất, và yêu cầu dũng cảm nhất, là lên tiếng.

Là một người Mỹ, đã từng lớn lên và được sống trong một xã hội mà thực sự có tự do về ngôn luận (dù có nhiều vấn đề khác) tôi không dám khuyên bảo cho ai sống ở Việt Nam hay các nước khác (mà có chế độ độc đoán) rằng là: khi nào thì nên thoát khỏi, khi nào thì nên im lặng và trung thành, và khi nào thì nên lên tiếng. Nhưng, là người quan sát xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thấy vấn đề mà Hirschman đã làm sáng tỏ rất liên quan đến chính trị của Việt Nam hiện nay.

Ngay trong ĐCSVN có rất nhiều người đang đối phó với cụm phương án này. Từ nhóm 72 đến Lê Hiếu Đằng , từ Dương Trung Quốc đến Lê Trấn Gia vừa qua. Tôi chẳng có ý gây chia rẽ mà chỉ quan sát tình hình mà thôi. Và ngoài bộ máy cũng thế thôi. Nhiều người Việt, từ mọi phía, mọi quan điểm, mọi hoàn cảnh xã hội (mà có quan tâm đến chính trị và tình trạng của đất nước) đều đang đối phó với ba phương án này.

Vâng, cũng có nhiều người vẫn chưa có tư duy độc lập. Đó là chuyện bình thường ở các nước mà từ lâu đã có những trở ngại. Như Miến Điện, chẳng hạn, vào ngày 23 tháng 10 trong một bài phát biều Bà Aung San Suu Kyi đã chia sẻ:

Dân của chúng tôi đang mới bắt đầu biết tự do tư duy có thể sống còn. Nhưng chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn quyền của họ để suy nghĩ một cách tự do và sống theo lương tri của họ được bảo toàn. Quyền này chưa được đảm bảo 100 phần trăm. Chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa trước khi luật cơ bản của lãnh thổ, là Hiến pháp, sẽ bảo đảm quyền để sống theo lương tri của chúng tôi.

Có lẽ, ở Việt Nam cũng vậy.


Nguồn: Dũng cảm Chính trị, Jonathan London | 11 November 2013