Xã hội đen Nhật Bản (1/2)
Khôi Nguyên, HVR
Xin giới thiệu đến quý vị về lịch sử hình thành và những hoạt động của giới xã hội đen Nhật Bản mà tiếng Nhật gọi là Yakuza hay Boryoku Dan tức Bạo Lực Đoàn.
Phù Tang ký sự: Yakuza (1/2)
Tùy theo đặc tính lịch sử, xã hội của từng quốc gia, tuy bối cảnh hình thành các tổ chức xã hội đen trên thế giới có nhiều khác biệt nhưng do tính cách cạnh tranh và sinh tồn ngoài vòng pháp luật nên vẫn có những điểm tương đồng như được tổ chức bằng một hệ thống phân quyền quy mô, chặt chẽ với một “ông trùm” đứng đầu điều khiển toàn bộ guồng máy hoạt động dựa trên những nguyên tắc hoặc kỷ luật quy định không khác gì một cơ chế hành chính. Vì vậy, trong chiều hướng toàn cầu hóa của thời đại hiện nay, các tổ chức xã hội đen càng có nhiều cơ hội hoạt động bằng những phương tiện truyền thông, giao thông, vận chuyển ngày càng tối tân tiện lợi hơn để bành trướng thế lực ở tầm mức xuyên qua lãnh thổ giữa các quốc gia.
So với bối cảnh hình thành mang tính cách thuần túy phát sinh từ những tệ nạn xã hội và chỉ chuyên về những hoạt động kinh doanh phi pháp của các tổ chức xã hội đen lừng danh trên thế giới như băng đảng “Mafia” gốc Ý ở Hoa Kỳ, tổ chức “Cosa Nostra” ở Ý Đại Lợi, hoặc nhóm “Tam Hợp Hội” (Sanhehui) bao trùm quyền lực ở Đài Loan, Hồng Kông và Macau, thì tổ chức xã hội đen quy mô nhất tại Nhật Bản là “Bạo Lực Đoàn” (Boryoku Dan) lại có một thêm đặc điểm là được phát triển trên căn bản của ý thức hệ tôn sùng chủ nghĩa quốc gia cực hữu. Đây chính là một đặc tính khác biệt quan trọng và thu hút rất nhiều thành viên tham gia tổ chức Bạo Lực Đoàn tại Nhật Bản vì họ xem đó hành vi chính nghĩa. Hơn nữa, cũng vì tận dụng được yếu tố “dân tộc tính” này nên các tổ chức Bạo Lực Đoàn ở Nhật Bản được coi là một tổ chức tội phạm có đặc tính truyền thống và có mối tương quan chính trị lâu đời với thành phần theo chủ nghĩa ái quốc cực hữu.
Có lẽ hình ảnh tiêu biểu của một thành viên “Yakuza”, tức tên gọi khác của Bạo Lực Đoàn, với mái tóc húi cua hoặc để đầu trọc, trên mình xâm đủ loại hình rồng phượng, hổ, hoa hòe, mây núi, sóng biển hay chân dung người Nhật thời xưa v.v…đã trở nên quen thuộc với mọi người qua những bộ phim hoặc tài liệu nói về giới xã hội đen Nhật Bản. Hơn nữa, các thành viên Yakuza còn có đặc điểm là thường không có những ngón tay nguyên vẹn, chẳng hạn như bị cụt hay bị mất ngón tay út và những ngón tay khác. Bởi vì theo luật của Bạo Lực Đoàn, mỗi khi vi phạm điều lệ các thành viên phải chịu hình phạt chặt đi một đốt ngón tay. Theo thống kê của cảnh sát, hiện nay có hơn 90% thành viên Yakuza xâm mình, trong đó có khoảng 45% thành viên bị chặt các ngón tay.
Qua cách nhìn của luật pháp Nhật Bản thì Bạo Lực Đoàn là một đoàn thể được hệ thống hóa về mặt tổ chức, chuyên sử dụng bạo lực để đạt lợi ích riêng tư như tiền bạc, thế lực qua các hình thức hoạt động có tính cách phản lại đạo đức xã hội. Tổ chức Bạo Lực Đoàn thường tự xưng là một hội đoàn chính nghĩa qua danh hiệu “Nhân Hiệp Đoàn Thể” (Ninkyo Dantai) và sinh tồn bằng cách lập ra những hình thức kinh doanh hợp pháp trá hình hoặc những hoạt động đoàn thể chính trị theo khuynh hướng cực hữu.
Trong thời hậu chiến, danh từ “Bạo Lực Đoàn” vốn chỉ mang tính cách truyền khẩu, do cảnh sát và giới truyền thông Nhật Bản đặt ra để ám chỉ những băng đảng xã hội đen, nhưng hiện nay danh xưng này đã chính thức trở thành đối tượng bị đặt ngoài vòng pháp luật. Qua đó, luật hình sự của Nhật Bản cũng quy định danh sách những băng đảng thuộc tổ chức Bạo Lực Đoàn là những đoàn thể tội phạm nguy hiểm nằm trong “sổ bìa đen” của cảnh sát. Tuy nhiên, các băng đảng thuộc tổ chức Bạo Lực Đoàn cũng lợi dụng kẽ hở này của pháp luật khi ẩn mình trong lớp vỏ bọc của các công ty, văn phòng thương nghiệp hợp pháp và các đoàn thể chính trị xã hội nên vẫn duy trì những hoạt động ngầm trong giới xã hội đen Nhật Bản.
Trong khi đó, danh từ “Yakuza” trong Nhật ngữ có nghĩa là những tên lưu manh, vô lại, bất lương, chuyên sống bằng nghề cờ bạc hoặc bán hàng rong sau khi hoàn lương. Trên thực tế, hầu hết các thành viên Bạo Lực Đoàn đều có chung đặc tính này nên giới bình dân Nhật Bản gọi họ là Yakuza. Tuy không rõ nguồn gốc xuất phát của danh từ “Yakuza” nhưng theo truyền thuyết thường được đề cập thì dụng ngữ này bắt nguồn từ một trò chơi cờ bạc cổ xưa, dùng 48 lá bài có vẽ hình hoa lá, phong cảnh, động vật, tượng trưng cho thời tiết bốn mùa gọi là “Bài Hoa” (Hanafuda). Các lá bài này cũng tiêu biểu cho số điểm và trường hợp có số điểm xấu nhất là khi rút cùng lúc ba lá bài mang số 8, số 9, số 3. Theo luật chơi “Bài Hoa”, tổng số 8+9+3 tuy là 20 nhưng được tính là số 0. Từ đó, theo cách đọc vắn tắt ba con số 8, 9, 3 của tiếng Nhật là Ya, Ku, Za nên dụng ngữ này được dùng để nói về những người không có lợi ích cho xã hội vì không có kế hoạch làm việc để định hướng tương lai, chỉ biết ăn chơi lêu lỏng nên kết quả chỉ là con số 0 trắng tay. Ngoài ra, còn có một vài dụng ngữ ám chỉ những thành viên của Bạo Lực Đoàn rất phổ biến như “Chimpira”, “Gokudo” cũng mang ý nghĩa tương tự như “Yakuza”.
Thông thường, các băng đảng xã hội đen của Nhật Bản lấy tên của người sáng lập hoặc địa danh nơi đặt căn cứ hoạt động để đặt tên cho tổ chức theo các đơn vị như Tổ (Kumi), Hội (Kai), Gia (Ka). Mặt khác, về phương diện xã hội thì họ lấy tên bình thường như các công ty thương mại, các đoàn thể, nhưng hiện nay các nhóm Bạo Lực Đoàn Nhật Bản cũng thường trá hình dưới danh nghĩa của các đoàn thể bất vụ lợi và đoàn thể phi chính phủ. Trong những năm gần đây, xuyên qua kết quả điều tra những hoạt động về dịch vụ giải trí của các công ty hoặc văn phòng trá hình này, cảnh sát Nhật Bản đã phát giác được mặt trái cách làm tiền bất chính của họ rất tinh vi như: lường gạt tống tiền bằng cách giả mạo các thông báo tính tiền sử dụng điện thoại di động, tiền sử dụng Intrenet, tiền thay thế các dụng cụ an toàn trong nhà, tiền bảo hiểm v.v. Hơn nữa, một số văn phòng hướng dẫn du lịch trong thành phố còn là địa điểm công khai mua bán ma túy, thuốc lắc, tuyển mộ nữ học sinh, nữ sinh viên làm nghề mãi dâm, cho vay tiền mặt. Song song với những hoạt động kinh doanh bề nổi, các tổ chức Bạo Lực Đoàn còn phân chia khu vực làm ăn với mạng lưới “bảo kê” được rải đều trên toàn quốc tại những địa điểm ăn chơi nổi tiếng.
Có nhiều giả thuyết cho rằng Bạo Lực Đoàn Nhật Bản bắt nguồn từ các thành viên của đội cứu hỏa tại các khu phố trong thời đại Edo (1603- 1867) gọi là “Machi Hikeshi”. Họ xuất thân từ giai cấp thấp hèn trong xã hội và sau đó đã kết thành từng nhóm với những người chuyên mở các gian hàng tạp hóa nhỏ bày bán vào dịp lễ hội, vốn cũng thuộc thành phần bị xã hội khinh thường vì chuyên sống bằng nghề cờ bạc. Từ đó, các nhóm này trở thành băng đảng du côn sống bằng nghề trộm cắp vặt trong khu vực và thu tiền bảo kê tại các phiên chợ. Tiếp đến, họ tập hợp lại thành những tổ chức lớn mạnh hơn vì thường được các lãnh chúa thuê mướn làm binh sĩ trong những cuộc chiến tranh chấp vùng cai trị. Những tổ chức này được lưu truyền mãi cho đến thời điểm ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến khi xã hội Nhật Bản còn đang hỗn loạn vì bại trận, thì họ lại kết hợp thành những thế lực xã hội đen cận đại, tức tiền thân của các tổ chức Bạo Lực Đoàn sau này. Trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản từ đầu thập niên 1970, các tổ chức Bạo Lực Đoàn cũng đi theo mô hình khuếch trương kinh doanh tập trung vào lĩnh vực kinh tế, giải trí bằng phương thức hợp pháp. Từ đó, Bạo Lực Đoàn Nhật Bản đã mở ra hàng loạt xí nghiệp, công ty được giới chuyên môn gọi là “Xí Nghiệp Trá Hình” (Kigyo Shatei).
Ngoài ra, cũng có một số giả thuyết chủ trương rằng Bạo Lực Đoàn xuất phát từ những kiếm khách Võ Sĩ Đạo (Samurai) trong thời kỳ Edo. Do vị tướng nắm chính quyền là Tokugawa Ieyasu (1543- 1616), sau khi thống nhất giang sơn đã không còn trọng dụng các tay kiếm sĩ nên họ bị thất nghiệp và chuyển thành một đội quân cướp của giết người rồi phát triển thành những tổ chức lớn mạnh cho đến ngày nay. Tuy nhiên, xét về đặc tính thường thấy của đa số thành viên Yakuza như thích cờ bạc, thái độ hống hách nghênh ngang, hay la hét lớn tiếng, lời lẽ thô tục v.v. thì giả thuyết này không đứng vững vì nguồn gốc xuất thân của các võ sĩ đạo xưa kia dù sao cũng đặt nặng lễ nghi phép tắc. Ngược lại, chính vì địa vị xuất thân thấp hèn và bị xem thường nên các băng nhóm tiền thân của Bạo Lực Đoàn đã kết hợp lại thành những thế lực đoàn kết chặt chẽ để chống lại sự phân biệt của xã hội. Điều này được phản ảnh rõ nét qua sự phân biệt ranh giới và mang thành kiến sâu đậm của xã hội Nhật Bản đối với các tổ chức Bạo Lực Đoàn hiện nay.
Trong bài ký sự “Yakuza Và Người Nhật” (Yakuza To Nihon Jin) của ký giả Ino kenji, một cây bút chuyên thực hiện các đề tài phóng sự về Yakuza và nhóm ái quốc cực hữu, đã nhận định rằng:
“Trong giai đoạn giữa thập niên 1970, những thảm kịch mà người xuất thân từ giai cấp Burakumin bị phân biệt đối xử ở vùng Kansai và phía Bắc Kyushu phải gánh chịu chính là những hiện trạng đau lòng của xã hội Nhật Bản. Do đó, giới trẻ tại đây buộc phải chọn một trong hai con đường: hoặc trở thành Yakuza hoặc chịu đựng sự phân biệt, khinh rẻ.”
Danh từ Burakumin (dân bộ lạc) mà ông Ino Kenji đề cập có nghĩa là những người thất học, chuyên làm các công việc chân tay nặng nhọc bẩn thỉu, hoặc từng có nhiều tiền án trộm cướp vì cuộc sống nghèo khổ, nói chung là thành phần thấp nhất trong xã hội Nhật Bản.
Mặt khác, theo quyển sách mang tựa đề “Yakuza: The Explosive Account Of Japan’s Criminal Underworld”, xuất bản năm 1986 của hai ký giả Hoa Kỳ là David Kaplan và Alec Dubro thì:
“Trong số 25.000 thành viên của tổ chức Bạo Lực Đoàn có địa bàn hoạt động rộng lớn nhất Nhật Bản là Tổ Yamaguchi thì có 70% xuất thân từ thành phần Burakumin và 10% là người Đại Hàn và những người ngoại quốc khác”. Hơn nữa, nhân vật quyền lực số 2 của Tổ Yamaguchi là ông Takayama Kiyoshi (65 tuổi) đã từng nhìn nhận vào năm 2007 rằng: “Trong tổ chức của chúng tôi có khoảng 60% thành viên xuất thân từ giới lao động, 30% là người Đại Hàn và Triều Tiên, còn lại 10% là các thanh thiếu niên Nhật Bản.”
Tình trạng này đã đưa đến hệ lụy chồng chéo của nguyên nhân và hậu quả: đó là một thành phần thiểu số thanh thiếu niên bị phân biệt đối xử hoặc vì lý do kinh tế nên không thể đến trường học, đành gia nhập tổ chức Bạo Lực Đoàn, nhưng sau khi trở thành Yakuza, họ còn bị xã hội phân biệt và lánh xa nhiều hơn. Đó là chưa kể những trường hợp họ bị các thành viên Yakuza khác hiếp đáp. Đáng kể hơn, những thanh thiếu niên này còn lôi kéo thêm nhiều bạn bè khác gia nhập các băng đảng đàn anh của họ.
Trong giới Bạo Lực Đoàn Nhật Bản, người đứng đầu tổ chức gọi là “Oyabun” (Thân Phân) được xem như địa vị người cha trong nhà nên tất các thành viên phải tuân theo mệnh lệnh của “Oyabun” một cách tuyệt đối. Chính vì sợi dây kỷ cương liên kết chặt chẽ này, nên các tổ chức Bạo Lực Đoàn có được sức mạnh đoàn kết của một tập thể đông đảo. Theo gia quy của các “ông trùm” Bạo Lực Đoàn, dưới trướng của họ chia làm hai thành phần là “Ototobun” (Đệ Phân) và “Kobun” (Tử Phân). Đúng như tên gọi, “Ototobun” thuộc hàng đàn em và “Kobun” là hàng con cháu trong gia đình. Thêm một đặc điểm khác biệt của Bạo Lực Đoàn Nhật Bản mà có lẽ các tổ chức xã hội đen khác trên thế giới không có được, đó là các thành viên trụ cột của họ luôn phát triển thế lực để thành lập các chi nhánh và trở thành “Oyabun” của chi nhánh này. Kết quả cho thấy hệ thống tổ chức của Bạo Lực Đoàn được xây dựng trên nền tảng vững mạnh theo mô hình “kim tự tháp”. Riêng trường hợp của Tổ Yamaguchi (Sơn Khẩu) là một tổ chức Bạo Lực Đoàn khét tiếng nhất ở Nhật Bản đã có 5 chi nhánh lớn được cảnh sát xác nhận.
Đồng thời, quyền lực của các “Oyabun” chi nhánh cũng không thua kém gì các “ông trùm” đứng đầu tổ chức do họ có công xây dựng và phát triển vùng ảnh hưởng cho tổ chức. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh tình trạng lộng quyền và tranh giành thế lực, đưa đến nhiều vụ thanh toán đẫm máu trong nội bộ. Trước đây, hầu như cảnh sát rất ít khi xen vào những vụ tranh chấp của Bạo Lực Đoàn. Nhưng kể từ đầu thập niên 1980 là thời điểm xã hội Nhật Bản tiếp cận nhanh chóng với văn hóa Âu Mỹ và trở thành trung tâm kinh tế Á Châu thì lực lượng an ninh của Nhật mới thực sự tăng cường hoạt động trong chiến dịch giải tán các băng đảng xã hội đen. Từ đó đến nay, các vụ bắn giết đâm chém lẫn nhau giữa những phe phái trong cùng tổ chức Bạo Lực Đoàn đã giảm thiểu hẳn.
Trong các giai tầng quyền lực của Bạo Lực Đoàn, các “Oyabun” chi nhánh thường có mối quan hệ thân mật với thành viên trực thuộc nhiều hơn “ông trùm” đứng đầu tổ chức vì họ cũng từng trải qua kinh nghiệm làm “đàn em”. Do đó, các thành viên trực thuộc rất trung thành và tôn sùng “Oyabun” chi nhánh. Điều này tương tự như hình ảnh của một công xưởng Nhật Bản, trong đó công nhân chỉ biết tuân lời trưởng xưởng và ít khi gặp mặt giám đốc.
Trường hợp “Oyabun” từ chức hoặc qua đời thì các thành viên sẽ họp lại để tuyển chọn người mới. Theo truyền thống, các tổ chức Bạo Lực Đoàn đều có khuynh hướng bầu chọn người trưởng nam của cựu thủ lĩnh, bởi vì hầu hết những trưởng nam của “ông trùm” tiền nhiệm đều nắm giữ vai trò lãnh đạo thành phần “Kobun”. Hình thức “cha truyền con nối” này vừa thuận ý các thành viên trụ cột của thành phần “Ototobun” vừa dễ dàng thu phục cảm tính của thành phần “Kobun”.
Không như nhiều người lầm tưởng, đa số các thành viên Bạo Lực Đoàn Nhật Bản đều có đời sống kinh tế rất bình thường nếu không muốn nói là bấp bênh vì họ không có nguồn thu nhập ổn định, hơn nữa lại tiêu xài rất phóng đãng. Ngoại trừ những “đại ca” trông coi các địa điểm kinh doanh hợp pháp trá hình hoặc những tay có “máu mặt” chuyên phụ trách các hoạt động gây tội ác là tương đối được hưởng nguồn lợi nhuận trực tiếp, còn lại hầu hết những thành viên Yakuza đều phải tự kiếm nghề sinh sống và đôi khi cũng được phân chia tiền bạc tùy theo công việc được “đàn anh” giao phó. Đặc điểm này cũng được giới chuyên gia tâm lý Nhật Bản nhận định rằng “Đa số thành viên Bạo Lực Đoàn gia nhập tổ chức cũng chỉ vì tâm lý muốn tìm đến với những người cùng tư tưởng cùng giai cấp vì hệ quả của sự cách biệt khá lớn giữa tầng lớp giàu sang và nghèo khổ ở Nhật Bản”. Do đó, việc gia nhập Bạo Lực Đoàn đã phản ảnh rất rõ nét về tâm lý và nhận thức của thành viên khi họ chỉ mong có được một hoàn cảnh thích hợp để cảm thấy mình có giá trị hơn là vì tiền tài danh vọng”. Từ đó, càng xô đẩy họ lún sâu vào vũng lầy của thế giới xã hội đen theo khuynh hướng sử dụng bạo lực bất chấp thủ đoạn qua những hành vi xem thường luật pháp, đối lập với xã hội. Đặc biệt là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay, các thành viên Bạo Lực Đoàn Nhật Bản thuộc hàng hạ tầng “tép riu” thường gây ra những vụ trộm cướp kể cả ăn cắp vặt.
Điển hình là vụ kiện xảy ra vào ngày 29/9/2009, một tên trưởng nhóm của Hội Nakajima, trực thuộc Tổ Yamaguchi, tên Konayashi Yoshiharu (52 tuổi) đã bị cảnh sát tỉnh Okayama bắt giữ vì tội ăn cắp một chai nước giải khát 2 lít trị giá chỉ 167 yen (khoảng 2 Úc kim).
Theo thống kê trước đó của cảnh sát phủ Osaka thì từ đầu thập niên 2000, các vụ trộm cắp vặt có liên quan đến Bạo Lực Đoàn thường xảy ra qua hình thức các thành viên Yakuza uy hiếp những em học sinh hoặc thanh thiếu niên vào tiệm lấy cắp đồ cho họ với thù lao là mỗi lần vài trăm yen. Từ năm 2003, các thành viên Yakuza lại có khuynh hướng xúi giục thân nhân của họ ăn cắp hoặc trực tiếp hăm dọa nhân viên của tiệm giữ im lặng cho họ ra tay trộm cắp v.v. Tuy nhiên, qua sự kiện một trưởng nhóm Bạo Lực Đoàn đi ăn cắp rồi bị bắt như trường hợp nêu trên thì quả là một chuyện lạ và hầu như là lần đầu tiên xảy ra trong giới giang hồ Nhật Bản.
Ngoài ra, về mặt cư xử trong đời sống xã hội, tình đồng đạo giữa các thành viên trong tổ chức Bạo Lực Đoàn cũng thể hiện được mức độ quan tâm gắn bó lẫn nhau rất mật thiết nhằm nêu cao giá trị nhận thức về “đạo nghĩa giang hồ”, được xem một yếu tố quan trọng gắn liền các thành viên và những băng đảng xã hội đen.
Trên nguyên tắc, các thành viên Bạo Lực Đoàn Nhật Bản đều phải đóng một khoản hội phí nhất định theo chu kỳ mỗi tháng hoặc mỗi tam cá nguyệt để tổ chức của họ dùng số tiền này duy trì những hoạt động kinh doanh bên ngoài. Trong khoảng 10 năm gần đây, hình thức kinh doanh về kinh tế và giải trí của các tổ chức Bạo Lực Đoàn đã bám sâu vào gốc rễ của những hội đoàn, công ty nên lợi nhuận thu được cũng tăng trưởng rất nhiều. Vì vậy, họ đã chuyển qua hình thức cổ đông để các thành viên có thể tham gia và phát triển hình thức làm ăn hợp pháp ngày càng quy mô hơn.
Đây cũng là lý do khiến giới chức trách Nhật Bản đau đầu vì khó lòng kiểm soát được tất cả những hoạt động gây tội ác vốn ngày càng tinh vi hơn . Bởi vì theo kết quả điều tra của cảnh sát, hầu hết những nhóm thượng tầng của Bạo Lực Đoàn hiện nay đều chuyển hướng sang các hoạt động kinh doanh hợp pháp không khác gì những công ty sản xuất bình thường, trong khi ở hạ tầng thì chỉ còn một số ít khuôn mặt lộ diện với tính cách cá nhân để duy trì những hình thức làm ăn phi pháp như buôn bán ma túy, mở tiệm mãi dâm, cho vay tiền mặt ngay tại chỗ, lường gạt, tống tiền v.v. Do đó, dù đã áp dụng luật hình sự điều 77 của pháp lệnh quy định đối với các tổ chức Bạo Lực Đoàn được gọi là luật “Liên Quan Đến Việc Phòng Chống Các Hành Vi Phạm Pháp Của Thành Viên Bạo Lực Đoàn” từ năm 1992, nhưng nhà chức trách Nhật Bản chỉ bắt được những tay “đàn anh” ở hạ tầng hoặc phá vỡ những hang ổ gây tội ác lẻ tẻ nên vẫn không sao ngăn chận được sự bành trướng của những thế lực đen này.
Trong bối cảnh phải đương đầu với các tổ chức Bạo Lực Đoàn ngày càng phát triển rộng lớn hơn, Ban An Ninh Các Tỉnh Thành Nhật Bản (Todofuken Koan Iinkai) đã lập ra danh sách của các tổ chức Bạo Lực Đoàn đang tồn tại ngoài vòng pháp luật để nhà chức trách có thể nhận diện chính xác. Tình đến thời điểm 2007, có tất cả 22 tổ chức Bạo Lực Đoàn tại Nhật Bản nằm trong danh sách “sổ bìa đen” và trong đó có 6 tổ chức do người gốc Đại Hàn, Triều Tiên nắm giữ.
Trong số 22 tổ chức Bạo Lực Đoàn do cảnh sát Nhật Bản nêu đích danh thì Tổ Yamaguchi là một thế lực hùng mạnh nhất nên thu thập được nhiều thành phần của các tổ chức đã giải tán và nổi tiếng qua những thành tích gây ra đủ loại tội ác cũng như các vụ thanh toán nội bộ đẫm máu hoặc bắn giết kẻ thù rất tàn độc. Tổ Yamaguchi đặt bản doanh tại thành phố cảng Kobe, tỉnh Hyogo, hiện do “ông trùm” đời thứ sáu là Tsukasa Shinobu (71 tuổi) lãnh đạo, gồm có 8 “Ototobun”, tức hạng đàn em dưới trướng và 79 “kobun” thuộc hàng con cháu. Theo thống kê cuối năm 2010, tổ Yamaguchi có khoảng 40.000 thành viên, chiếm 46.5% trong tổng số 82.400 thành viên Bạo Lực Đoàn trên toàn quốc. Vì vậy, phạm vì hoạt động của Tổ Yamaguchi được trải rộng tại 45 tỉnh, thành phố của Nhật Bản chỉ trừ hai tỉnh là Hiroshima và Okinawa.
(Còn tiếp phần 2)
Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.