Xã hội đen Nhật Bản (2/2)

Khôi Nguyên, HVR

yamaguchi-gumi-emblemLịch sử hình thành tổ chức xã hội đen Yakuza tức Bạo Lực Đoàn khét tiếng hàng đầu Nhật Bản là Yamaguchi Gumi và Hắc Long Hội.

Phù Tang ký sự: Yakuza (2/2)

Yamguchi Gumi, tức Tổ Yamaguchi do một công nhân làm việc tại cảng Kobe, tỉnh Hyogo tên Yamaguchi Harukichi (Sơn Khẩu Xuân Kiết) sáng lập vào năm 1915 qua hình thức một công đoàn chuyên cung cấp nhân công khuân vác tại bến tàu. Tuy nhiên, Tổ Yamaguchi nhanh chóng nới rộng hoạt động qua các dịch vụ giải trí và thương mại với nhiều thủ đoạn dùng bạo lực nên đã thu được nhiều nguồn lợi nhuận và chỉ vài năm sau đã trở thành một tổ chức xã hội đen chuyên nghiệp. Yamaguchi Harukichi xuất thân làm nghề đánh cá ở đảo Awaji Shima cùng tỉnh Hyogo, nhưng sau đó đã chuyển đến thành phố Kobe sinh sống và làm nghề vận chuyển hàng hóa tại bến cảng. Do khoẻ mạnh, tháo vác, có đầu óc tổ chức nên Harukichi trở một trong những “cai bến tàu” của công đoàn Kurabashi. Năm 1912, nhận thấy thế lực của công đoàn Oshima chuyên cung cấp nhân công ngành đóng tàu đang lớn mạnh nên Harukichi đã gia nhập tổ chức này và cũng trở thành một khuôn mặt nổi bật.

Yamaguchi Harukichi (1881 – 1938 ), người sáng lập  Hội Yamaguchi. Nguồn: ONtheNet
Yamaguchi Harukichi (1881 – 1938 ), người sáng lập Hội Yamaguchi. Nguồn: ONtheNet

Đến năm 1915, được sự hậu thuẫn của đa số nhân công bến tàu, Harukichi đã tập hợp 50 người và thành lập công đoàn Yamaguchi, tiền thân của tổ chức Bạo Lực Đoàn khét tiếng Yamaguchi sau này. Sau 10 năm xây dựng quyền lực và ổn định tổ chức, Harukichi thoái vị rồi truyền chức bố già “Oyabun” cho con trai trưởng là Yamaguchi Noboru (Sơn Khẩu Đăng) vào năm 1925 rồi mất năm 1938. Tuy nhiên, Noboru cũng vắn số hơn cha mình khi bị nhóm Yakuza đối lập “Godai Ikka” (Hợp Điền Nhất Gia) phục kích bất ngờ vào mùa Xuân 1940 vì vụ tranh ảnh hưởng đối với công ty giải trí Yoshimoto, nên bị trọng thương và qua đời năm 1942 ở lứa tuổi 41.

Từ đời “ông trùm” thứ ba là Taoka Kazuo (Điền Cương Nhất Hùng), Tổ Yamaguchi đã đặt ra 5 điều “cương lĩnh” cho tất cả thành viên đọc mỗi khi nhóm họp với những quy định như tôn trọng tinh thần tương thân tương ái để xây dựng sự đoàn kết nội bộ vững mạnh, tôn trọng quy ước tín nghĩa giang hồ đối với các tổ chức khác, tôn trọng trật tự đối với người trên kẻ dưới, giữ gìn bản thân khi hoạt động trong xã hội, lắng nghe ý kiến xây dựng của các bậc trưởng thượng để trau dồi nhân cách. Vì lẽ này, về mặt tổ chức Tổ Yamaguchi được xem là một tập hợp có kỷ cương chặt chẽ và hùng mạnh nhất tại Nhật Bản. Kế đến, từ năm 2005 đến nay, tức kể đời “ông trùm” thứ sáu Tsukasa Shinobu (Tư Nhẫn), thì Tổ Yamaguchi còn đặt thêm ba điều “tâm niệm” đối lập với cảnh sát dành cho các thành viên là: “không tiếp xúc với cảnh sát”, “không giao người, đồ vật cho cảnh sát”, “không cho cảnh sát vào văn phòng của tổ chức”.

Noboru (1902 – 1942), ông trùm đời thứ 2. Nguồn: OntheNet
Noboru (1902 – 1942), ông trùm đời thứ 2. Nguồn: OntheNet

Trường hợp của “ông trùm” đời thứ ba Taoka Kazuo cũng là một tiền lệ đặc biệt trong giới Yakuza Nhật Bản vì không thuộc huyết thống của thủ lĩnh đời trước nhưng được các “trưởng lão” tín nhiệm và đề cử. Sự kiện này cũng đủ cho thấy Kazuo là một tay “chọc trời khuấy nước” có sức ảnh hưởng mạnh mẻ trong lớp thượng tầng lãnh đạo của Tổ Yamaguchi.

Vốn xuất thân trong một gia đình làm nghề nông ở tỉnh Tokushima, Kazuo đã sớm trở thành đứa trẻ mồ côi cha mẹ và được người chú đem về thành phố Kobe nuôi dưỡng. Sau khi tốt nghiệp Trung Học, Kazuo làm công nhân cho một xưởng tiện chuyên sản xuất phụ tùng cho ngành đóng tàu. Do tính khí hung bạo, Kazuo đã đánh cấp trên của mình rồi nghỉ việc và sau đó gia nhập một băng đảng thanh thiếu niên bất lương tại địa phương. Đương thời, Kazuo khét tiếng là một hung thần liều mạng với biệt hiệu “Kuma” (Gấu). Danh tiếng của Kazuo vang đến tai Noboru thì “ông trùm” đời thứ 2 này nảy sinh ý định muốn kết nạp Kazuo làm thành viên của Tổ Yamaguchi để huấn luyện thay vì để hắn ở bên ngoài quậy phá vô tích sự. Vì vậy, vào năm 1936 Kazuo chính thức đón nhận chén rượu lập thệ từ tay Noboru và chính thức gia nhập giới Bạo Lực Đoàn. Thế nhưng, chỉ một năm sau Kazuo đã dùng thanh kiếm Nhật chém chết một thành viên trẻ của Tổ Yamaguchi là Onaga Yachiro nên lãnh án tù 8 năm.

Nguyên nhân xảy ra vụ án thanh toán đẫm máu này khởi nguồn từ nhân vật Onaga Masakichi, tức anh ruột của Yachiro và là một thành viên đã ly khai Tổ Yamaguchi vì bất mãn. Trong một lần say rượu, Masakichi dẫn người đến văn phòng kinh doanh của Tổ Yamaguchi thuộc chi nhánh Shinkaichi, hành hung nhân viên quản lý và cướp hết số tiền mặt trong tủ sắt. Sau đó, Kazuo dẫn theo một đàn em tìm đến chỗ ăn chơi của Masakichi rồi ra tay đánh Masakichi bị thương rất nặng. Thấy anh mình bị trọng thương đến nỗi thân tàn ma dại, Yachiro lập tức kéo vây cánh đến văn phòng trụ sở của Tổ Yamaguchi để trả thù nhưng đã bị Kazuo xuất thủ chớp nhoáng dùng kiếm chém chết tại chỗ.

Taoka Kazuo. Trùm đời thứ 3. Nguồn OntheNet
Taoka Kazuo. Ông trùm đời thứ 3. Nguồn OntheNet

Trong thời gian Kazuo thụ hình, “ông trùm” đời thứ hai là Noboru qua đời năm 1942 để lại một khoảng trống quyền lực to lớn vì Noboru không có con nối dòng. Đến năm 1940, nhân dịp Nhật Bản kỷ niệm vị Thiên Hoàng đầu tiên là vua Thần Vũ (Shinmu) lên ngôi được ngôi được 2600 năm, tính theo lịch của xứ Phù Tang, nên Kazuo được giảm án 2 năm. Tháng 7/1942 Kazuo được phóng thích từ trại tù ở tỉnh Kochi và sau đó hai năm Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. Ngay sau thời hậu chiến, Kazuo lợi dụng tình hình đất nước đang hỗn loạn và các lực lượng cảnh sát còn yếu kém, nên đã thành lập một băng đảng lưu manh lấy tên là Tổ Taoka. Từ đó, Kazuo còn lập thêm “Đoàn Cảnh Bị” (Keibi Dan) chuyên bảo kê cho thị trường “chợ đen” ở vùng Shinkaichi. Trong những hoạt động của giới “chợ đen”, Kazuo lần lượt diệt trừ được các thế lực của người Triều Tiên, Đài Loan nên tạo nhiều tiếng vang và được nhóm “trưởng lão” của Tổ Yamaguchi đề cử chức vụ “Oyabun” vào tháng 10/1946. Điều đáng kể là ngay trước thời điểm trở thành “ông trùm”, Kazuo đã lọt bẫy phục kích của một băng đảng ngoại quốc vốn là tàn dư của thế lực Triều Tiên và Đài Loan trước đây đã bị Kazuo tiêu diệt. Trong cơn “cửu tử nhất sinh”, Kazuo may mắn được một đàn em thân tín là Sugatani Masao trợ giúp nên cả hai liều mạng đột phá vòng vây và thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc.

Masahisa Takenaka, ông trùm đời thứ 4. Nguồn: Kyodo News.
Masahisa Takenaka, ông trùm đời thứ 4. Nguồn: Kyodo News.

Riêng về bản thân “bố già” đời thứ sáu hiện nay là Tsukasa Shinobu, tên thật là Shinoda Kenichi (Tiểu Điền Kiến Thị) cũng từng có thời gian “nghĩ mát” trong nhà tù ở phủ Osaka vì vụ phạm luật “mang giữ các loại vụ khí súng, dao, kiếm” xảy ra vào năm 1997. Lúc đó, Shinobu là một thành viên hạng trung của tổ chức Yamaguchi và được giao nhiệm vụ làm xếp một nhóm. Trong khi thực hiện kế hoạch trả thù cho một “kobun” bị thế lực kẻ thù ám sát, Shinobu đã “trang bị” đầy đủ súng ống cho đàn em nên bị cảnh sát truy nã. Tháng 6/1998, Shinobu ra đầu thú nên bị bắt và bị truy tố nhưng đến tháng 7/1999 thì được tại ngoại hầu tòa sau khi đóng số tiền thế chân lên đến 1 tỷ yen (khoảng 10 triệu mỹ kim). Tuy Shinobu được Tòa Án Địa Phương Osaka phán quyết vô tội nhưng bị phía công tố viên kháng cáo và vào ngày 24/2/2005 bị Tòa Phúc Thẩm Osaka kết án 6 năm tù. Sau khi nhận phán quyết, Shinobu lại đóng số tiền thế chân 1 tỷ yen nên được tại ngoại hầu tòa để kháng án đến Tòa Thượng Thẩm. Tháng 7/2005, Shinobu lên chức “bố già” của Tổ Yamaguchi và cuối năm đó Tòa Thượng Thẩm Tokyo đã bác bỏ đơn kháng án nên Shinobu bị đi tù cho đến ngày 9/4/2011 thì mãn án sau 5 năm 4 tháng thụ hình.

Yoshinori Watanabe (November 2002.) Nguồn: Kyodo / Landov
Ông trùm Yoshinori Watanabe, đời thứ 5 (November 2002.) Nguồn: Kyodo / Landov

Một trong những yếu tố khách quan có tác động mạnh mẽ đến bối cảnh hình thành các tổ chức Bạo Lực Đoàn cận đại thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội Nhật Bản đề cập đến chính là phong trào cổ xúy tinh thần ái quốc cực hữu của các hội đoàn theo chủ nghĩa quốc gia, xuất hiện từ đầu thập niên 1900 tại xứ Phù Tang. Qua đó, một hội đoàn rất nổi tiếng là “Hắc Long Hội” (Kokuryu Kai) với thế lực hùng hậu, đã gây ảnh hưởng lên toàn bộ cục diện lịch sử đương thời của Nhật Bản và lôi cuốn quốc gia này đứng về phe phát xít của trục Đức- Ý- Nhật đối đầu với phe đồng minh trong thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939- 1945).

Kenichi Shinoda (篠田 建市) ông trùm đời thứ 6. Nguồn: OntheNet
Kenichi Shinoda (篠田 建市) ông trùm đời thứ 6. Nguồn: OntheNet

“Hắc Long Hội” thường được chuyển dịch sang Việt ngữ là “Hắc Long Đảng” vì tổ chức này có cả một hệ thống quy mô với nhiều hoạt động gián điệp ở hải ngoại và được xem là bộ phận tình báo của một đoàn thể chính trị tên là “Huyền Dương Xã” (Genyo Sha). “Hắc Long Hội” do nhà hoạt động chính trị thuộc dòng ý thức hệ “chủ nghĩa Á Châu” tên Uchida Ryohei (Nội Điền Lương Bình) sáng lập vào tháng 1/1901 với tính cách là một hội đoàn chủ trương đề cao tinh thần quốc gia cực hữu. Sau khi ra đời, “Hắc Long Hội” phát triển rất nhanh chóng và gây nhiều tiếng vang khi thế lực của họ được hải ngoại đánh giá là “một đội ngũ tráng sĩ Nhật Bản” đông đảo, qua danh xưng quốc tế “Black Dragon Society”.

Uchida Ryohei . Nguồn: Wikipedia.org
Uchida Ryohei . Nguồn: Wikipedia.org

“Huyền Dương Xã” là một tổ chức chính trị có tầm ảnh hưởng rất lớn tại chính trường Nhật Bản từ thời vua Minh Trị Thiên Hoàng cho đến năm 1945, do nhà chính trị chuyên hoạt động về tự do dân quyền tên Hiraoka Kotaro (Bình Cương Hạo Thái Lang) thành lập vào năm 1881 dưới sự cố vấn của Thống Soái Toyama Mitsuru (Đầu Sơn Mãn). Do khuynh hướng đối kháng với thế lực của các quốc gia Âu Mỹ đang bành trướng chủ nghĩa thực dân lúc đương thời, ông Toyama Mitsuru đã đưa ra ý thức hệ “chủ nghĩa Á Châu” với chủ trương bảo vệ lãnh thổ các quốc gia nhược tiểu trong khu vực. Tuy nhiên, sau đó chính quyền quân phiệt Nhật Bản lại lợi dụng chủ thuyết này với khẩu hiệu “Châu Á của người Á Châu” để đem quân xâm chiếm các quốc gia lân cận.

Vào năm 1885, sau khi cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và nhà Thanh (chiến tranh Giáp Ngọ) chấm dứt, hai quốc gia đã ký kết “Hiệp Ước Shimonoseki” hay còn gọi là “Hiệp Ước Cầu Hòa Nhật- Thanh”, quy định nhà Thanh công nhận chủ quyền độc lập của quốc gia Triều Tiên và phế bỏ vĩnh viễn các chế độ triều cống, nghi lễ của Triều Tiên đối với nhà Thanh. Đồng thời, cũng theo hiệp ước này, nhà Thanh còn phải nhường chủ quyền lãnh thổ cho Nhật Bản tại quần đảo Bành Hồ (Penghu) cách eo biển Đài Loan 50km về phía Tây và chủ quyền lãnh thổ bán đảo Liêu Đông , kèm theo tiền bồi thường chiến phí 200 triệu lượng (khoảng 300 triệu yen). Do đó đã phát sinh sự kiện lịch sử gọi là “ba quốc gia can thiệp” (Tripple Intervention) khi Pháp, Đức, Nga cùng lên tiếng cảnh cáo và gây áp lực với Nhật Bản về những quy định trong bản hiệp ước. Bởi vì cả Pháp- Đức- Nga đều cho rằng chẳng những Nhật Bản muốn uy hiếp Bắc Kinh mà còn ôm mộng thôn tính Triều Tiên vốn chỉ có danh nghĩa độc lập trên giấy tờ, đồng thời đe dọa trầm trọng nền hòa bình tại khu vực Viễn Đông . Sự kiện này cũng là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến tranh Nga- Nhật (1904- 1905) với kết quả quân đội Nhật Bản toàn thắng và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đánh thắng phương Tây trong một cuộc chiến quy ước.

Trước sự kiện Pháp- Đức- Nga can thiệp vào nội tình Nhật Bản, người cháu trai gọi nhân vật sáng lập Huyền Dương Xã Hiraoka Kotaro bằng chú là Uchida Ryohei đã đứng ra thành lập “Hắc Long Hội” để duy trì những hoạt động bí mật của “Huyền Dương Xã” tại lục địa Trung Hoa. Uchida Ryohei là một người có tinh thần ái quốc cực hữu và nhìn ra được cục diện không thể tránh khỏi của một cuộc chiến tranh xảy ra giữa Nhật Bản và Nga nên trên thực tế, việc ông thành lập “Hắc Long Hội” còn có mục đích ủng hộ chủ trương đánh Nga trong lúc Nhật Bản đang do dự vì đa số thành phần chính phủ lúc bấy giờ đều có ý chủ hòa. Ngoài ra, do cha của Ryohei là ông Ryogoro, một trong những sáng lập viên nòng cốt của “Huyền Dương Xã”, đồng thời còn là chủ mỏ than “Chikuho” ở tỉnh Fukuoka nên Ryohei có được nguồn tài chính dồi dào để thúc đẩy các hoạt chính trị như: vận động chủ quyền độc lập cho các quốc gia Đông Nam Á, mở các lớp đào tạo thanh thiếu niên về ý thức quốc gia dân tộc, trợ giúp tiền bạc vật chất và ủng hộ cuộc cách mạng “Tân Hợi” do Tôn Dật Tiên (Son Yat Sen, 1866- 1925) chủ xướng tại Trung Hoa. Vào năm 1905, đích thân Ryohei mở cuộc họp tại nhà riêng và cũng là trụ sở của “Hắc Long Hội” ở Akasa, Tokyo để thành lập tổ chức “Trung Hoa Cách Mạng Đồng Minh Hội” quy tụ các đại diện đảng phái thuộc thành phần quốc gia của Trung Hoa.

Từ những ý nghĩa thuần túy quốc gia đậm nét dân tộc tính của thời kỳ sáng lập, tổ chức “Hắc Long Hội” đã bị các nhóm băng đảng xã hội đen Nhật Bản lũng đoạn và khuynh loát nên đã rời xa nguyên điểm ban đầu. Đó là bối cảnh vào đầu thế kỷ 20, khi phong trào thành lập các công đoàn có khuynh hướng thiên tả mang tư tưởng chủ nghĩa xã hội lan tràn tại các hãng xưởng Nhật Bản, thì các thế lực xã hội đen núp sau bình phong của những nghiệp đoàn cung cấp nhân công và thu lợi nhuận từ các thị trường thương mại “đen” bắt đầu nao núng lo sợ vì họ không còn đất hoạt động. Đúng vào thời điểm này, tổ chức “Hắc Long Hội” ra đời với chủ trương đề cao tinh thần ái quốc cực hữu nên hầu hết các “Oyabun” của Yakuza đã cùng đàn em gia nhập đội ngũ “Hắc Long Hội” khiến cho thế lực của tổ chức này lớn mạnh nhanh chóng. Từ đó, ngẫu nhiên các “ông trùm” Bạo Lực Đoàn có được cơ hội tồn tại và phát triển hệ thống làm ăn hợp pháp, đặc biệt còn tham gia các hoạt động chính trị của “Hắc Long Hội”.

Sau khi tạo được ảnh hưởng lớn mạnh trong “Hắc Long Hội”, các “ông trùm” Bạo Lực Đoàn càng thu thập thêm nhiều thành viên với con số khoảng 185.000 người ở thời điểm ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, tức đông hơn quân số của quân đội Nhật Bản lúc đó. Mức độ ảnh hưởng của các tổ chức Bạo Lực Đoàn trong “Hắc Long Hội” còn cho thấy tham vọng to lớn muốn lấn sang lĩnh vực chính trị của các “ông trùm” khi họ cho hàng chục ngàn đàn em tham gia các tổ chức ngoại vi của “Hắc Long Hội” như “Đại Nhật Bản Quốc Túy Hội” (Dai Nippon Kokusui Kai) để phô trương thanh thế cũng như nhúng tay trực tiếp vào các biến cố xảy ra trên chính trường Nhật Bản như ám sát các nhân vật lãnh đạo, các quan chức cao cấp, vận động những cuộc biểu tình áp lực lên chính quyền v.v…trong suốt giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1944. Qua tinh thần tuyệt đối tôn sùng Thiên Hoàng, tinh thần ái quốc cực đoan và cổ xúy lòng tự hào dân tộc, tôn chỉ của “Hắc Long Hội” đã bị các thành phần Bạo Lực Đoàn lợi dụng danh nghĩa trong cục diện tương quan chiến lực giữa Nhật Bản và các quốc gia nhược tiểu trong cùng khu vực để thúc đẩy chính quyền quân phiệt Nhật Bản nhảy vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, đưa đến thảm họa đất nước này bị Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử tại Nagasaki và Hiroshima.

Theo bản “Tuyên Ngôn Postdam” năm 1945, tức một văn kiện thỏa thuận sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Đại Đế Quốc Nhật Bản sau khi bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, “Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Liên Hiệp Quốc” trở thành cơ quan tối cao tạm thời giám sát và điều hành chính quyền tại Nhật. Vì vậy, vào năm 1946, cơ chế này ban hành lệnh giải tán “Hắc Long Hội” với lý do đây là một tổ chức có những ảnh hưởng nguy hiểm gây kích động tinh thần ái quốc cực đoan. Từ đó, các băng nhóm Bạo Lực Đoàn đã trở lại hình thức hoạt động qua danh xưng các “Tổ”, “Hội”, “Gia” và tái phối trí hệ thống tổ chức qua các mạng lưới phân chia ra nhiều giai tầng để kinh doanh hợp pháp trá hình, hoặc công khai kiểm soát thị trường phân phối nhân công, thị trường thương mại, giải trí v.v.

Tuy ngày nay “Hắc Long Hội” đã bị xóa tên, nhưng vẫn còn gây ảnh hưởng khá nhiều nơi các thành phần đảng phái và hội đoàn theo khuynh hướng cực hữu. Điển hình là tại các thành phố ở Nhật Bản, người ta thường thấy xuất hiện những chiếc xe “van” màu đen có vẽ hình cờ nền trắng chính giữa là mặt trời đỏ tỏa chiếu những tia nắng chung quanh là biểu tượng cho thời kỳ “Đại Đế Quốc” và những khẩu hiệu “vạn tuế”, cũng như trên mui gắn loa phát thanh những bài ca kích động tinh thần ái quốc từ thời chiến tranh. Đó chính là hình thức tuyên truyền và vận động của “Hắc Long Hội” xưa kia.

Vào ngày 26/7/2008, hai học giả chuyên nghiên cứu “chủ nghĩa quốc gia” thuộc hàng tôn thất của Hiraoka Kotaro và Toyama Mitsuru là Tanaka Takeyuki và Toyama Rikkoku đã khởi xướng phong trào tái hưng thịnh “Hắc Long Hội” với mục đích gầy dựng lại những tư tưởng trong sáng của tiền nhân. Trong cuộc vận động này, Takeyuki và Rikkoku còn nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn thể ngoại quốc như các phong trào “Vận Động Dân Chủ Cho Trung Hoa”, “Vận Động Độc Lập Cho Tây Tạng”, “Vận Động Độc Lập Cho Đài Loan”, Vận Động Độc Lập Cho Tân Cương” v.v… do trước đây “Hắc Long Hội” từng hỗ trợ và giúp đỡ các tổ chức tiền thân của những phong trào này.

Từ giữa thập niên 1980 là thời điểm nền kinh tế Nhật Bản phát triển với tốc độ nhảy vọt đưa đến tình trạng khan hiếm nhân công, các tổ chức Bạo Lực Đoàn đã trở thành đối tượng bị truy lùng gắt gao của “Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh” vì họ thường là những tay “đầu nậu” chuyên dẫn mối cho những người nhập cảnh bất hợp pháp đến từ các quốc gia chậm phát triển mà trong đó người Trung Hoa luôn chiếm tỷ lệ hơn 50%. Phổ biến nhất là dịch vụ làm giấy tờ giả cho những sinh viên du học và người phối ngẫu với công dân Nhật, hoặc bí mật đem người lên các tàu hàng để đưa vào Nhật. Ngoài ra, các tổ chức Bạo Lực Đoàn còn đứng sau danh nghĩa thuê mướn những cô gái từ vùng Đông Âu hoặc Đông Nam Á qua dịch vụ chiêu đãi hay nhảy múa biểu diễn văn nghệ dân tộc tại các hộp đêm, nhưng thực chất chỉ là hình thức mãi dâm trá hình. Trong khi đó, từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến thập niên 1980, tuy giới Bạo Lực Đoàn Nhật Bản chủ trương không “đụng” vào các vụ buôn lậu ma túy, nhưng từ đầu niên 1990 đến nay cảnh sát đã phát hiện nhiều vụ án cho thấy có bàn tay nối dài từ trong bóng tối của các thành viên Yakuza.

Theo thống kê của cảnh sát Nhật Bản mức độ phạm tội về ma túy của Bạo Lực Đoàn đang có khuynh hướng tăng dần mặc dù nhà chức trách Nhật Bản đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát rất khắt khe. Theo giới phân tích Nhật Bản, tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các tổ chức Bạo Lực Đoàn gia tăng mức độ phạm pháp liên quan đến ma túy vì dễ vận chuyển và giao hàng mà lại có nguồn thu nhập cao. Dựa vào đa số lời khai của những con nghiện, cảnh sát biết được rằng một trong các địa điểm thông dụng để mua bán ma túy là tại phòng vệ sinh trong các tiệm “Pachinko”, tức nơi cờ bạc bằng các trò chơi điện tử luôn thu hút khách đến chơi đông đảo từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm.

Tại Nhật, các cửa tiệm “Pachinko” có đầy dẫy ở khắp nơi , nhất là tại các khu phố sầm uất và đặc biệt là gần các nhà ga xe điện. Đây là cũng là một hệ thống kinh doanh hợp pháp do các “ông trùm” hoặc các tay tài phiệt gốc Đài Loan, Đại Hàn làm chủ, được Bạo Lực Đoàn bảo kê chặt chẽ vì lợi nhuận thu nhập từ hình thức cờ bạc này rất cao. Hơn nữa, Nhật Bản là một xứ chuyên chế tạo những loại máy kỹ thuật số rất tinh vi nên hầu như hàng tháng ngành kinh doanh “Pachinko” đều cho ra máy mới khiến giới ham mê cờ bạc càng bị thu hút mãnh liệt.

Hiện nay, tại các sở cảnh sát khu vực, tỉnh, thành trên toàn quốc Nhật Bản đều thành lập “Ban Đối Sách Với Bạo Lực Đoàn” trong mục đích hướng dẫn người dân đối ứng với các thủ đoạn lường gạt, uy hiếp của thành viên Yakuza cũng như kêu gọi và giáo dục giới trẻ không nên gia nhập tổ chức Bạo Lực Đoàn. Đồng thời, các đoàn thể xã hội ở cấp địa phương như “Hội Tự Trị” (Jijikai) hoặc trường học và những cơ quan chính quyền ở mỗi khu vực cũng thường phát động chiến dịch bài trừ Bạo Lực Đoàn.

Tóm lại, so với các băng đảng xã hội đen khác trên thế giới, Bạo Lực Đoàn Nhật Bản có khá nhiều sắc thái riêng biệt như hệ thống tổ chức chặt chẽ, hoạt động nửa bí mật nửa công khai và tạo nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Nhật Bản qua đặc tính quan hệ chính trị từ lâu đời với thành phần theo chủ nghĩa ái quốc cực hữu.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.