Henry A. Prunier, người dạy Võ Nguyên Giáp ném lựu đạn

DOUGLAS MARTIN – DCVOnline lược dịch

Giap-Ho“Ông Hồ thấy không thấy mâu thuẫn giữa việc vừa là một người cộng sản và vừa hy vọng đem lại đời sống dân chủ cho người dân của mình. Về nhiều mặt, ông ấy ngây thơ.” – Henry A. Prunier.

Thành viên của Toán Con Nai của Cơ quan Tình báo Trung ương của Mỹ thời Đệ nhị Thế chiến (O.S.S. - Office of Strategic Services) với Hồ Chí Minh, (đứng thứ ba từ trái sang) “ông Văn” (đeo cà vạt) và một số cán bộ Việt Minh khi được tình báo huấn luyện quân sự hồi 1945. Henry Prunier là người thứ tư từ phải (sau lưng V.N. Giáp). Nguồn: TNYT.
Thành viên Toán Con Nai của Cơ quan Tình báo Trung ương của Mỹ thời Đệ nhị Thế chiến (O.S.S. – Office of Strategic Services) với Hồ Chí Minh (đứng thứ ba từ trái sang), “ông Văn” (đeo cà vạt) và một số cán bộ Việt Minh khi được tình báo Mỹ huấn luyện quân sự hồi 1945. Henry Prunier là người thứ tư từ phải (sau lưng “ông Văn”). Nguồn: TNYT.

Henry A. Prunier dạy Võ Nguyên Giáp, vị tướng Việt Nam đã chống trả với quân đội Pháp và Mỹ, cách ném lựu đạn.

Ông Giáp học bài ném lựu đạn vào tháng 7 năm 1945, sau khi ông Prunier và sáu người lính Mỹ khác đã nhảy dù xuống một ngôi làng 75 dặm về phía tây bắc của Hà Nội trong một công tác mật để huấn luyện một lực lượng khoảng 200 quân du kích Việt Minh cách sử dụng vũ khí hiện đại của Mỹ tại căn cứ của Việt Minh trong rừng núi.

Toán Con Nai của Mỹ, nhân viên của cơ quan tình báo Mỹ trong chiến tranh thế giới II, muốn quân du kích Việt Minh hỗ trợ trong cuộc chiến chống Nhật, lúc đó đang chiếm đóng ở Đông Dương. Việt Minh hoan nghênh vũ khí của Mỹ trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam.

Hơn nữa, khi mời người Mỹ đến căn cứ của mình, Hồ Chí Minh, người lãnh đạo Việt Minh, đã được Toán Con Nai chữa bệnh sốt rét, viêm gan và những bệnh khác. Người Mỹ ở đó hai tháng, và sự chăm sóc của họ có thể đã cứu mạng Hồ Chí Minh.

Ông Prunier đã qua đời vào tháng Ba, 2013 lúc 91 tuổi, là một binh nhì 23 tuổi tin vào thời điểm đó (1945), được tuyển dụng làm thông dịch viên vì biết tiếng Pháp và tiếng Việt. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là hướng dẫn một người đàn ông nhỏ thó, mà người Mỹ gọi là ông Văn, cách sử dụng súng trường, súng máy, bazooka và các loại vũ khí khác.

Ông Văn, (trong hình) là người mặc một bộ đồ vải lanh trắng, đi giày đen và đội mũ phớt đen, chính là ông Giáp, người, chín năm sau đó, sẽ dẫn quân Bắc Việt đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp từ bỏ Việt Nam, và sau đó chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ và dồn Mỹ vào vũng lầy đắt giá.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Worcester Telegram & Gazette ở Massachusetts vào năm 2011, Prunier cho biết, “Giáp muốn biết lý do tại sao chúng tôi phải ném lựu đạn qua đầu và bắn súng cối như thế nào. Có lần Giáp ghé mắt nhìn vào nòng súng cối. Tôi bị sốc. Ông ta có thể đã bị bắn bay đầu.”

Ông Prunier, khi qua đời ngày 17 tháng Ba không được thông báo rộng rãi, phần lớn đã sống ở Worcester, quản lý kinh doanh (về xây cất) của gia đình. Gloria Prunier, con dâu của ông cho hay ông qua đời vì bệnh sung huyết tim ở Beverly, Massachusetts. Ông là thành viên cuối cùng còn sống của Toán Con Nai đã công tác mật ở Đông Dương.

Mặc dù chỉ là một chú thích trong lịch sử nước Mỹ, công tác của Toán Con Nai đã được ca ngợi ở Việt Nam như một thời điểm hoàng kim của sự hợp tác với Hoa Kỳ. Bộ quân phục của ông Prunier được triển lãm ở Bảo tàng quân sự Việt Nam tại Hà Nội, và một toán chuyên viên điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị làm một phim tài liệu về ông: “Từ Ký ức của Henry Prunier”.

“Quái lạ, tôi lại là một anh hùng ở đó.”

Henry Arthur Prunier sinh tại Worcester ngày 10 tháng 9 năm 1921. Ông đã theo học ở Assumption College, cũng tại Worcester, MA; tại đây hầu hết các lớp học đã được giảng dạy bằng tiếng Pháp, nhưng sau ba năm học ở đây ông Prunier đã gia nhập quân đội. Biết khả năng ngôn ngữ của Prunier, quân đội đã gửi ông tới Đại học Berkeley ở California để học tiếng Việt. Ở đây, O.S.S. đã tiếp xúc với Prunier và hai người khác mời tham dự “một công tác tự nguyện vào Đông Dương” với xác suất 50 phần trăm sống sót trở về; cả ba đều từ chối.

Sau khi được huân luyện tại Berkeley, ông Prunier đã được gửi đến một trường học mật mã và dự đinh sẽ gia nhập vào một sư đoàn bộ binh sang Pháp. Tuy nhiên, đêm trước khi lên đường, ông được lệnh phải đi Washington để gia nhập một toán đặc nhiệm của O.S.S. có tên mã là Deer Team (Toán Con nai).

Toán Con Nai đáng lẽ đã đi bộ 300 km từ Trung Quốc đến căn cứ của quân du kích, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo đi như thế họ sẽ có thể bị Nhật Bản phục kích. Vì vậy, Toán Con Nai đã nhảy dù vào căn cứ của quân VM. Đây là lần đầu tiên ông Prunier nhảy dù. Ông đáp xuống một cánh đồng lúa, một số đồng đội khác thì dù vướng trên cây.

Gặp nhóm du kích, toán người Mỹ được đưa đến đến một túp lều tre, tại đây họ thấy Hồ Chí Minh nằm trên chiếu trong một góc tối, đang run cầm cập vì bị sốt rét. Ông tự giới thiệu mình là “ C.M. Hoo”. Y tá của toán Con Nai đã điều trị cho Hồ Chí Minh.

Khi đã bình phục, ông Hồ thảo luận hàng ngày với toán tình báo người Mỹ. Việt Minh đã đồng ý đi lấy thông tin tình báo, phá hoại tuyến đường sắt và giải cứu những phi công Mỹ bị bắn rơi. Khi biết ông Prunier là dân Massachusetts, ông Hồ đã kể lại cho Prunier nghe những câu chuyện cũ khi ông ghé đến Boston.

Ông Prunier ảnh chụp năm 2011 với “Bằng Ghi nhận” của Việt Nam. Nguồn ảnh/ TNYT/John Ferrarone
Ông Prunier – ảnh chụp năm 2011 – với “Bằng Ghi nhận” của Việt Nam. Nguồn ảnh/ TNYT/John Ferrarone

Khi Toán Con Nai đang huấn luyện quân sự cho Việt Minh thì Nhật Bản đầu hàng và Việt Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, bằng ngôn từ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Việt Minh gởi một tin nhắn qua những người bạn Mỹ nhờ chuyển cho Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu ông hỗ trợ cho Việt Minh chống Pháp. Pháp đã để một số thuộc địa rơi vào tay Nhật Bản trong thời gian chiến tranh thế giới và đang đấu tranh lấy lại những thuộc địa đã mất. Ông Truman không trả lời yêu cầu của Hồ Chí Minh. Mỹ ủng hộ Pháp.

Một số nhà sử học đã nói rằng bằng cách từ chối đề nghị của Hồ Chí Minh, chính phủ Mỹ đã bỏ lỡ hí một cơ hội để xây dựng mối quan hệ với Bắc Việt và có thể đã giữ được người Mỹ không phải tham dự vào cuộc chiến hai mươi năm sau đó. Những quan điểm ngược lại cho rằng là ý thức hệ Cộng sản của Hồ Chí Minh, theo định nghĩa, đã xác định Bắc Việt là kẻ thù của Mỹ.

Ông Prunier nhận xét Hồ Chí Minh, “Ông Hồ thấy không thấy mâu thuẫn giữa việc vừa là một người cộng sản và vừa hy vọng đem lại đời sống dân chủ cho người dân của mình. Về nhiều mặt, ông ấy ngây thơ.”

Prunier nói vì kỷ luật, nhân viên tình báo Toán Con Nai, tiếc, khi phải từ chối gái đẹp và thuốc (rừng) kích dục mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho họ. Nhưng ông Prunier đã nhận một tấm thảm từ ông Hồ và sau đó treo trong nhà như một kỷ vật.

Ông Prunier để lại người bạn đời đã sống với ông 62 năm, bà Lague Mariette và hai người con gái của ông, Joanne M. Green và Dianne M. Behnke, với hai con trai của ông là Raymond và Donald, cùng người 12 cháu và 4 chắt.

Năm 2011, Henry Arthur Prunier được trao huy chương Sao Đồng vì công tác mật của ông thời trước. Cùng năm đó, Assumption College đã trao cho ông bằng cử nhân mà ông đã bỏ dở. (Ông Prunier cũng đã tốt nghiệp tại Đại học Massachusetts sau chiến tranh.)

Năm 1995, ông Prunier trở lại Hà Nội gặp lại một số bộ đội Việt Minh mà ông đã giúp. Nhận ra ông, Tướng Giáp đã cầm một quả cam và biểu diễn kỹ thuật ném lựu đạn mà Prunier đã dạy cho ông.

Vị tướng kêu lên, “Vâng, vâng, vâng!”

© 2013 DCVOnline


Nguồn: Henry A. Prunier, 91, U.S. Soldier Who Trained Vietnamese Troops, Dies. By DOUGLAS MARTIN. The New York Times. Published: April 17, 2013.

2 Comments on “Henry A. Prunier, người dạy Võ Nguyên Giáp ném lựu đạn

  1. Trích: “Ông Hồ thấy không thấy mâu thuẫn giữa việc vừa là một người cộng sản và vừa hy vọng đem lại đời sống dân chủ cho người dân của mình. Về nhiều mặt, ông ấy ngây thơ.”

    Người Cộng Sản không bao giờ nói mình không có dân chủ, trái lại họ cho là họ dân chủ hơn dân chủ Tây phương hàng triệu lần. Ông Hồ hy vọng đem lại đời sống dân chủ cho người dân là ông ta nói thế. Nhưng ông ta sẽ làm theo kiểu Stalin, nghĩa là tiêu diệt tất cả ai không theo mình. Người nào nghe ông Hồ nói dân chủ mà tưởng là ông Hồ thực sự hy vọng đem lại dân chủ thì mới là người ngây thơ.

  2. Trích: “Một số nhà sử học đã nói rằng bằng cách từ chối đề nghị của Hồ Chí Minh, chính phủ Mỹ đã bỏ lỡ hí một cơ hội để xây dựng mối quan hệ với Bắc Việt”

    Vào thời điểm bức hình trên chụp với đội OSS thì ông Hồ Chí Minh đã bỏ ra nhiều năm xây dựng được đảng Cộng Sản với nhiều chi bộ từ Bắc đến Nam rồi. Nếu Mỹ giúp ông Hồ chống Pháp thì liệu ông Hồ có giải tán đảng CS và vĩnh viễn từ giã chủ nghĩa Mác Lê hay không?

    Người CS chủ trương có thể tạm thời hợp tác và nhận sự giúp đỡ của các phe không không cộng sản để rồi sau đó khi không cần đến họ nữa thì cũng vẫn tiếp tục tiến đến mục tiêu mà chủ nghĩa CS vạch ra.