Thi ca Nhật Bản
Khôi Nguyên, HVR
Từ một thể thơ được làm với mục đích hài hước, vui đùa rồi sau đó do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông, thơ Haiku lột xác chuyển thành loại thi ca diễn tả những cảm giác tinh tế về nét đẹp chân thiện mỹ khác nhau qua cái nhìn về thiên nhiên và con người.
Phù Tang ký sự: Thi ca Nhật Bản
Một trong các yếu tố hình thành nét đặc thù, đa dạng và có thể khẳng định là rất độc đáo của văn hóa Nhật Bản chính là nền văn học với nhiều đặc điểm như: cụ thể, riêng biệt, tự do tự tại, không bị ràng buộc trong những hệ thống qui ước và nhất là lối biểu hiện tình cảm bằng văn chương thi ca nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, sâu sắc. Từ đó, văn học Nhật Bản cũng dễ dàng phân biệt và so sánh với những nền văn hóa lớn trên thế giới như Âu Mỹ, Trung Đông, Trung Hoa. Đặc sắc và thú vị nhất là văn học Nhật Bản tuy có nhiều điểm tương đồng với Trung Hoa vì trên căn bản chữ viết, người Nhật vẫn vay mượn và sử dụng tiếng Hán nhưng họ lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng đặc tính lệ thuộc vào nền tảng hoặc hệ thống tư tưởng của Nho Giáo hay Khổng học vốn được tượng trưng bằng triết học Tống Nho hoặc Đường thi. Ngược lại, nhờ vào sự giao tiếp sớm với Tây phương so với các quốc gia trong vùng, văn học Nhật Bản đã du nhập và tiếp cận với trào lưu tân học nhưng cùng lúc người dân xứ Phù Tang vẫn giữ được bản sắc của mình.
Nói cách khác, người Nhật đón nhận những điều mới lạ từ thế giới bên ngoài và cũng không loại bỏ những gì họ sẵn có, tức không có hay chính xác hơn là rất hiếm khi xảy ra hiện tượng tương khắc, xung đột giữa cũ và mới mà điển hình là ngày nay văn hóa Nhật Bản vẫn tôn trọng tinh thần võ sĩ đạo, trà đạo, nghệ thuật xếp giấy Origami, nghệ thuật ca kịch truyền thống Kabuki, thơ cổ Waka, Haiku, cũng như những khái niệm về trường phái nghệ thuật thẩm mỹ Sabi, Wabi trong thi ca luôn được lưu truyền và trân quý như những tài sản tinh thần tiêu biểu của xứ Phù Tang.
Trong khi đó, văn học Nhật Bản cũng là hình thái tương phản với Châu Âu khi những yếu tố trừu tượng như tôn giáo, triết học, âm nhạc được coi là nền tảng văn hóa tinh thần của Tây phương thì thi ca, truyện kể, thủ công và nghệ thuật trình diễn tức những biểu hiện trong đời sống thực tế hàng ngày của người dân bình thường mới chính là hạt nhân của nền văn hóa Nhật Bản.
Dựa vào những tác phẩm thi ca cổ xưa, người ta có thể ước đoán thời kỳ ra đời của nền văn học Nhật Bản với danh tác nổi tiếng xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 trong thời kỳ Nara (710-794) được mệnh danh viên ngọc quý là tập thơ Manyo Shu, tức Vạn Diệp Tập, có nghĩa là quyển thi ca góp nhặt 10.000 chiếc lá tượng trưng cho khoảng 4500 bài thơ được ghi chép lại trong 20 quyển của 400 tác giả đủ mọi thành phần trong xã hội. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên của Nhật Bản với những vần thơ cổ xưa nhất được sáng tác từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 8. Trong đó, thể thơ Waka (Hòa Ca) tức lối thơ dùng câu ngắn gọn nhưng súc tích ý nghĩa của người Nhật được trải dài cùng hai dòng thơ phân loại là Trường Ca (Choka) và (Đoản Ca) kèm theo loại thơ ngắn nhất là Haiku (Bài Cú).
Haiku còn được diễn dịch là là Hài Cú do xuất nguồn từ những bài thơ ngắn mang tính cách châm biếm khôi hài gọi là Haikai (Bài Hài) và có cấu trúc theo thi luật cơ bản gồm 3 câu với 17 âm tiết chia thành 5-7-5, tức câu mở đề gồm 5 năm âm, câu giữa 7 âm và câu cuối có 5 năm. Ví dụ như bài thơ Haiku nổi tiếng bất hủ trong tập thơ Haru No Hi (Ngày Xuân) sáng tác từ năm 1687 vẫn gây nhiều tranh cãi đến nay của thi nhân kiêm thiền sư Matsuo Basho (Tùng Vỹ Ba Tiêu) là bài thơ Con Ếch hay còn gọi là Ao Cũ như sau:
Furui ike ya / Kawazu tobikomu/ Mizu no oto
Ao xưa, Ếch nhảy vào, tiếng nước lao xao
Chỉ với 17 âm tiết trong ba dòng thơ ngắn gọn, người đọc đã có thể hình dung ra một bức tranh sinh động vốn chìm đắm trong cỏi tỉnh mịch của thiên nhiên hay một tiểu vụ trụ là mặt ao cũ. Từ đó, cuộc đời bị khuấy động như tiếng nước vang lên khi chú ếch nhảy vào. Phải chăng nhà thơ muốn đưa ra thông điệp về luật nhân quả tuần hoàn khi chính con người luôn gieo cái nhân trong dòng đời để cuối cùng sau những âm thanh khua động, cuộc đời lại trở về cỏi yên lặng hư vô? Từ đó đến nay, đã có biết bao lời bình về ý nghĩa bí ẩn của bài thơ này và thường đặt dưới lăng kính của một công án Thiền vì tác giả vốn là một thiền sư. Ngoài ra cũng có cách nhìn ý nghĩa bài thơ Con Ếcy dựa vào tư tưởng “hòa hợp với vũ trụ” khi Basho từng nhận định về thi ca rằng: “Lời thơ chỉ sinh ra từ sự hòa hợp khi con người và vũ trụ hợp nhất”.
Chính vì mang đặc tính sử dùng ít chữ nhưng lại dồi dào âm điệu, cô động hình ảnh, ý nghĩa và giàu nét gợi ý tượng hình nên Haiku thường được ví như một bức tranh thủy mặc mà trong đó, tác giả chỉ phác họa vài nét đơn sơ để cho ngưòi thưởng thức tự mình thêm thắt và tưởng tượng, suy diễn. Cũng vì lẽ này thì hào người Ấn Độ là Rabindranath Tagore đã từng ví von rằng: “Thơ Haiku là thể loại thi ca mà thi nhân sáng tác chỉ làm công việc giới thiệu đề tài rồi tránh sang một bên vì độc giả Nhật Bản có trí tưởng tượng rất phong phú”.
Bài Mưa Rơi Đêm Trăng sau đây chính là một điển hình:
Tsuki hayashi ya/ Kozue ha ame/ Mochinagara
(Trăng trôi nhanh, Mưa trên lá, rơi tí tách)
Quả là một bức tranh tràn đầy âm thanh và màu sắc, chỉ có thể bật ra từ ngọn bút của tâm hồn thiền sư
Basho khi ông dừng chân tại một ngôi chùa trên bước đường lữ hành, ngao du sơn thủy khắp nước Nhật. Tương truyền có lần Basho đến trọ trong một lữ quán thì tình cờ gặp hai cô nàng kỹ nữ cũng ghé vào tá túc qua đêm. Khi thấy ông mặc áo hành giả, họ bèn đến đảnh lễ và bùi ngùi tâm sự, kể về thân phận nổi trôi của kiếp hồng nhan phong trần. Thời đó, giới kỹ nữ hay còn gọi là du nữ, thuộc giai cấp thấp hèn bị khinh chê trong cách nhìn phân biệt của xã hội, nhưng Basho vẫn hoan hỷ lắng nghe những câu chuyện buồn của hai nàng ca nữ rồi nâng họ đứng lên để đặt vào giữa những đóa hoa đinh hương và vầng trăng bên trời qua bài thơ “Du Nữ”:
Hitotsu ya ni/ Yujo mo netari/ Hagi to Tsuki
Một mái nhà/ Du nữ trọ/ Đinh Hương và ánh trăng
Dưới mắt của Basho hay đúng hơn là trong tâm cảm Haiku của thiền sư này tất cả mọi người đều bình đẳng, có tâm hồn trong sáng và đều có Phật tính để hòa nhập cùng vũ trụ với hoa đinh hương và ánh trăng
Nếu biết rằng tiếng Nhật là một loại ngôn ngữ đa âm mà thơ Haiku lại gói ghém trong 17 âm tiết thì ta sẽ thấy việc sáng tác thể thơ này bằng Nhật ngữ thật là một thử thách không nhỏ. Ví dụ như giống chim cuốc trong tiếng Nhật gọi là Hototogisu vốn đã chiếm mất năm âm tiết của dòng thơ đầu tiên, nhưng điều này cũng không thể trói buộc được hồn thơ lai láng của danh sư Basho qua bài “Chim Cuốc”
Hototogisu/ Naki naki tobu zo/ Isogawashi
Chim cuốc/ bay lượn hót vang/ bận rộn vội vàng
Dựa theo hình thức và thời kỳ xuất hiện, Haiku được coi là thể thơ phát sinh từ loại thơ Đoản Ca, tức Tanka là thể thơ tiêu biểu nhất của Waka tên gọi chung loại thơ viết bằng tiếng Nhật để phân biệt với thơ làm bằng tiếng Hán. Do đó, người Nhật cũng có tập quán gọi Tanka là Waka.
Một bài thơ tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 câu gồm 5-7-5-7-7. Từ khoảng giữa thế kỷ 15, thơ Tanka bắt đầu bước vào giai đoạn tàn lụi khi trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể loại Renga (liên ca). Renga cũng có nhịp phách 5-7-5-7-7 như tanka nhưng tách thành hai phần gồm 3 câu 5-7-5 và hai câu 7-7 và có số lượng câu không hạn chế.
Renga chính là một trò chơi theo kiểu nối lối, tức sáng tác thơ nối tiếp theo đề tài đưa ra của các nhà thơ Tanka. Đến đầu thế kỷ 16, dòng thơ Renga trở nên thịnh hành và phát triển khắp Nhật Bản nên dần biến dạng thành loại thơ trào phúng mang tích bình dân hơn rồi chuyển qua chủ đề hài hước, châm biến gọi là Haikai, tức tiền thân của thể thơ Haiku. Vì vậy, haiku có nguồn gốc từ Tanka, Renga.
Tuy khó có thể xác định được thời điểm xuất hiện chính xác, nhưng Haiku được người Nhật ưa chuộng vào thế kỉ XVII và trở thành một thể thơ riêng biệt trong thời kỳ Edo (1603 – 1867) rồi được lưu truyền cho đến nay. Lúc đó, Haiku không còn là những vần thơ đùa diễu mà thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm đầy ý tưỏng thâm trầm của Thiền tông và nhất là cách ngôn từ trở nên văn hoa bay bổng hơn. Haiku phiên âm theo Hán tự là Bài Cú, có nghĩa là câu nói để trình bày.
Về Nội dung và hình thức nghệ thuật thì một bài thơ haiku phải bộc lộ được cảm nhận về thời gian qua cách sử dụng Kigo (Quý ngữ) để miêu tả thời tiết và các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, sự việc mang tính đặc trưng của từng mùa theo chủ đề sáng tác. Việc dùng Kigo để diễn tả mùa còn thể hiện sự gắn bó sâu sắc nơi cảm tình của người Nhật với thiên nhiên. Người dân xứ Phù Tang xưa nay nổi tiếng rất yêu quý cảnh vật thiên nhiên nên có nhiều cảm quan tinh tế về thời tiết, nhất là sự thay đổi cảnh sắc bốn mùa. Tuy vậy, ý niệm thiên nhiên trong thơ Haiku thường được tượng trưng qua những hình ảnh bình dị, nhỏ bé, tầm thường như chú ếch, con quạ, chú khỉ nhỏ bé, chim đỗ quyên, tiếng ve sầu, đóa hoa dại nở bên bờ suối, hòn đá, dòng nước. Qua đó, hai đề tài sáng tác nổi bật nhất của Haiku là thiên nhiên và cuộc sống thường nhật.
Do một bài thơ chỉ gồm 17 âm tiết nên các nhà làm thơ Haiku thường bắt đầu từ những điểm rất giản dị rồi nhấn mạnh vào một khoảnh khắc nào đó gây chú ý nơi người đọc để hướng dẫn cảm xúc đưa ra ý niệm tương quan về hình ảnh của chủ đề. Trong một bài thơ haiku thường có một hình ảnh lớn là vũ trụ tương xứng với một hình ảnh nhỏ là đời thường. Vì lẽ này, Haiku cũng không diễn tả cảm xúc mà chỉ ghi lại sự việc xảy ra ngay trước mắt theo bút pháp hạn chế sử dùng tỉnh từ và trạng từ để dành sự tưởng tượng cho người đọc. Thơ Haiku rất giàu sức tưởng tượng, suy diễn cũng nhờ vào đặc điểm này.
Nói chung, qua thể loại thơ Haiku, người đọc dễ dàng liên tưởng đến nghệ thuật hội họa hơn âm nhạc khi nhìn ra đó là hình ảnh của những bức tranh thủy mặc, chú trọng về họa ý hơn là nét họa. Cuối cùng, câu kết lưng chừng của một bài thơ Haiku mới chính là đại ý chuyên chở những thông điệp của tinh thần Thiền tông.
Tuy thơ Haiku thông thường có cấu trúc âm tiết 5- 7 – 5 trong ba câu nhưng đôi khi ngay Matsuo Basho, người được tôn là bậc tổ sư của Haiku cũng phá lệ khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn 17 âm tiết chẳng hạn bài thơ sau đây có 19 âm tiết:
Kare eda ni (7 âm) / Cành khô
Karasu no tomarikeri (9 âm) / Quạ đậu
Aki no kure (7 âm) / Chiều tàn Thu
Thêm điểm quan trọng khác trong thơ Haiku là những cảm giác về nét đẹp thiên nhiên và tâm hồn. Từ một thể thơ được làm với mục đích hài hước, vui đùa rồi sau đó do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông, thơ Haiku lột xác chuyển thành loại thi ca diễn tả những cảm giác tinh tế về nét đẹp chân thiện mỹ khác nhau qua cái nhìn về thiên nhiên và con người. Đó là những cảm xúc như Yên lặng (sabi), Đơn sơ (wabi),
Buồn thương (aware), Nhẹ nhàng (karumi), U huyền (yugen), …
Sabi (tịch) là cảm xúc về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật, tự chúng bộc lộ những điều kỳ diệu, như trong một không gian vắng lặng, tiếng ve như thấm sâu vào đá qua bài thơ Tiếng Ve Sầu
Shizukasa ya/ Iwa Ni Shimiiru/ Semi No Koe
Sự yên tĩnh /thấm sâu vào đá/ tiếng ve sầu
Nếu cảm thức sabi là tâm điểm gắn với tư tưởng Thiền tông thì wabi lại gần gũi với các sự vật bình thường hơn. Đó là những cảm nhận lắng đọng về những thứ nhỏ nhoi, mong manh như con ốc nhỏ, một chiếc lá rơi, một giọt sương mai…Cảm thức aware là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp đ ư ợm m àu u buồn của sự vật. Tuy nhiên, đó không phải là cái bi lụy, bi tráng mà aware là một niềm bi cảm thâm trầm.
Còn Karumi bắt nguồn từ chữ karushi, nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát. Karumi thể hiện phong thái ung dung, tự tại của thi sĩ. Thi sĩ haiku thường cảm nhận và biểu đạt được vẻ đẹp của con người và sự vật bé nhỏ tưởng chừng như bị quên lãng. Phát hiện từ trong những vật bình thường, cái đẹp bình dị, đơn sơ là một cảm xúc mang tính karumi. Karumi thường mang đến cho người đọc những phút giây bình yên trước những cảm nhận về đời thường.
Tóm lại, từ cảm xúc về sự cô tịch (sabi) để nhận ra cái đẹp ở sự bình dị, thân thuộc (wabi) và sự nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung, tự tại (karumi) cho đến vẻ đẹp buồn (aware), thơ Haiku đã chuyên chở những tư tưởng mang dấu ấn Thiền tông và văn hóa đặc thù Nhật Bản.
Đồng thời, khi đề cập đến thơ Haiku cũng không thể không nhắc đến loại thơ tương đồng được gọi là thơ Senryu, tức Xuyên Liễu, xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Văn học Nhật Bản có truyền thống trào lộng từ lâu đời, từ những câu chuyện huyền thoại trong tác phẩm lớn đầu tiên là Kojiki (Cổ Sự Ký) vào thế kỷ thứ tám đến những hài kịch Kyogen (Cuồng Ngôn) vào thế kỷ 14 và phát triển đến đỉnh cao nhất của thơ ca trào lộng là thơ Senryu mà những tuyển tập đầu tiên ra đời từ năm 1765.
Senryu là thể thơ có hình thức giống như Haiku, nghĩa là cũng là bài thơ mười bảy âm tiết chia thành ba câu 5, 7, 5 nhưng khác nhau về nội dung và cảm quan. Senryu gần với thơ ca dân gian vì chuyên về đề tài hài hước và thường không có tên tác giả, nhất là thơ senryu cũ trước kia.
Thơ senryu có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 17 và lan truyền nhanh chóng trong xã hội vào thế kỷ mười tám đến nỗi số lượng vượt hẳn Haiku dù Haiku có từ hàng trăm năm trước. Thể thơ có tên là Senryu do phát xuất từ bút hiệu Senryu của nhà bình luận thi ca Karai Hachiemon (1718-1790), là người đầu tiên thực hiện các tuyển tập thơ trào lộng mới có mười bảy âm tiết. Thơ Senryu cũ khuyết danh có khoảng 120.000 bài. Các bài Senryu thời Minh Trị Thiên Hoàng trở đi được coi là dòng thơ Senryu hiện đại.
Đặc tính hài hước của loại thơ Senruy là châm biếm thói hư tật xấu và bản tính con người trong khi Haiku lại đưa nhãn quan nhìn sâu vào thiên nhiên và tâm hồn hướng Thiền.
Một bài thơ Senryu nổi tiếng sâu sắc vì lối châm biếm người đời thường hay chạy theo danh vọng, tiền tài vốn là những chỉ là những chiếc bóng của mình, như sau
Fukikeseba/waga mi ni modoru/kageboshi
Thổi tắt nến rồi/cái bóng của ta/Trở về trong ta
Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.