Karaoke
Khôi Nguyên, HVR
Karaoke đã trở thành phổ cập trong nhu cầu giao lưu giữa một cá nhân với một nhóm người và giữa những con người thuộc các nền văn hoá khác nhau.
Phù Tang ký sự: Karaoke
Một nét văn hóa đặc biệt của Nhật Bản là người Nhật thích hát Karaoke.
Nếu có dịp du lịch đến xứ Phù Tang vào mùa Xuân từ tháng 3 là lúc thời tiết ấm dịu cũng là thời điểm loài hoa Anh Đào nở rực khắp nơi với đủ màu sắc trắng hồng đỏ nhạt thì chúng ta sẽ có dịp chứng kiến cảnh người Nhật vui hưởng thanh bình qua hình thức ngồi tụ tập ăn uống dưới những cội anh đào được trồng đầy dẫy tại các công viên, trường học và dọc theo các bờ sông nối dài. Khi đó, người Nhật cũng thường hát karaoke bên cạnh những chiếc máy nhỏ gọn trong bầu không khí vui tươi thân mật không khác gì những ngày lễ hội truyền thống.
Mặt khác, dù đã trải hơn 4 thập niên kể từ khi ra đời nhưng ngày nay các tiệm Karaoke vẫn có mặt ở khắp các khu phố sầm uất, đông người qua lại cũng như gần các nhà ga xe điện, đủ cho thấy người Nhật rất yêu thích môn giải trí này. Theo đà tiến bộ của kỹ thuật và đời sống được nâng cao, các tiệm Karaoke ngày này ngày càng thu hút dân Nhật với nhiều tiện nghi sẵn có như phục vụ đầy đủ các loại ẩm thực với giá rẽ, máy móc tối tân với dàn máy âm thanh tuyệt hảo, màn ảnh lớn rõ nét, ba chiều và nhất là trong danh mục bài hát còn bao gồm tất cả những ca khúc nổi tiếng quốc tế của Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đại Hàn, Đài Loan v.v.
Thú hát karaoke được cho là bắt nguồn từ niềm yêu thích ca hát của người Nhật được phổ biến rộng rãi qua các chương trình tuyển chọn giọng hát trên đài truyền hình sau thời kỳ chiến tranh. Đặc biệt, từ năm 1945 cho đến nay đài truyền hình NHK vẫn còn tổ chức và phát sóng những cuộc thi hát dành cho mọi lứa tuổi. Qua đó, đa số các vị cao niên vẫn tích cực tham gia với phần trình diễn những ca khúc thuộc loại nhạc truyền thống quê hương Nhật Bản gọi là Enka, tức Diễn Ca, hoặc các em nhỏ cố gắng cất cao những nốt nhạc dù bị lạc âm khiến người xem lẫn ban giám khảo xúc động. Cuộc thi hát Karaoke này được gọi là “Nodo No Jiman”, tạm dịch là cuộc thi “Tự Tin Vào Giọng Hát” và luôn thu hút số lượng khán giả theo dõi đông đảo vì mục đích cuộc thi không phải là tuyển chọn những giọng hát hay vượt tiêu chuẩn để làm ca sĩ mà ở đây chỉ chú trọng vào tinh thần của người tham dự và cách diễn đạt bài hát.
Có những học sinh, những công nhân, những cụ già lom khom vẫn lên hát để gửi tặng gia đình người thân. Có lần, một cụ già 85 tuổi vẫn có thể trình bày trọn vẹn bài hát theo điệu nhạc truyền thống Enka, và không ngờ cụ lại được ban giám khảo cho số điểm cao nhất. Sau đó, với đôi mắt vương ngấn lệ tay run rẫy đón nhận món quà tượng trưng và trò chuyện cùng ban giám khảo khuôn mặt cụ như chợt sáng ngời niềm hạnh phúc. Đây chính là mục đích của chương trình ca nhạc giúp cho mọi người có được sự tự tin trong cuộc sống và chính sự khích lệ nơi tình người là món quà vô giá đầy ý nghĩa giúp cho các vị cao niêm có được niềm vui sống những ngày còn lại của cuộc đời.
So với các quốc gia khác, dường như việc hát karaoke chỉ thu hút giới trẻ qua những ca khúc thịnh hành, nhưng đối với người Nhật thì đây lại là thú giải trí của mọi giới. Họ có thể hát ở trong nhà, ngoài đường, trên các đoàn xe du lịch với ý nghĩa hòa mình vào âm điệu bài hát để chia sẻ cùng những người tham dự. Đương nhiên, không phải ai cũng hát hay nhưng họ hát được những bài hát mà họ yêu thích và không ngại phần trình diễn trước đám đông.
Hơn nữa, trong việc giao tiếp của giới doanh nhân hoặc trong hãng xưởng, việc hát karaoke còn là một hình thức hoà đồng giúp cho mọi người có cơ hội quen biết, chuyện trò và thắt chặt tình thân hữu hơn.
Thời nay, chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một nhóm bạn hoặc các đồng nghiệp trong hãng sở hay cả gia đình vào quán karaoke để vui chơi ca hát như là một hình thức giải trí rất được ưa chuộng và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng có lẽ ít người để ý đến nguồn gốc và những ưu điểm của hình thức giải trí này.
Karaoke là cách gọi kết hợp của chữ Kara, có nghĩa là không và từ Oke được viết tắt từ chữ orchestra có nghĩa là dàn nhạc hòa tấu mà có nhiều VN thường dí dõm giải thích Karaoke là vừa ca vừa la cũng OK.
Người phát minh ra chiếc máy hát karaoke đầu tiên là tay nhạc công người Nhật tên Inoue Daisuke khi ông 31 tuổi. Vốn là người chơi đàn keyboard trong một câu lạc bộ nhưng lại không biết đọc nhạc phổ, ông Inoue đã gây ra một cơn sốt lan tràn khắp thế giới qua hình thức ca hát tiện lợi này. Nguyên do khiến ông Inoue đi đến quyết định sáng chế máy hát Karoke là vì ông cảm thấy lười và tốn thời gian phải đàn cho khách hàng câu lạc bộ hết bài này sang bài khác, trong khi ông không biết đọc nốt nhạc.
Ông từng nói rắng: “Chơi đàn cho khách hàng chẳng có gì khó. Nhưng khổ nhất là tháng nào cũng phải học thuộc lòng nhiều bài hát mới trong khi tôi không đọc nhạc được.” Do đó, ý tưởng làm ra một chiếc máy hát karaoke nảy sinh vào năm 1971, khi một khách hàng mời Inoue đi theo đàn cho ông ta hát trong một cuộc du ngọan cuối tuần của công ty. Inoue không thể bỏ việc tại câu lạc bộ đang chơi nhạc hàng ngày nên đã thu một đọan băng có nhạc nền sẵn cho vị khách này. Cuối năm 1971, ông Inoue làm ra chiếc máy hát karaoke đầu tiên.
Nhưng Inoue chỉ kiếm được tiền ba năm sau, nhờ bán các máy karaoke hát bằng băng video qua các thiết bị của những công ty như Daiichikosho, nay là công ty karaoke hàng đầu thế giới. Doanh thu của Inoue đã giảm đi 12 năm sau, khi các máy hát bằng dĩa laser xuất hiện, và cuối cùng Inoue phải biến công ty từ sản xuất máy karaoke thành một công ty thương mại. Inoue được trao giải IgNobel năm 2004 với nhận định là ông “đã tạo ra một thiết bị giúp con người biết chịu đựng lẫn nhau”. IgNobel là giải thưởng trao các phát mình hay thành tựu dựa trên tiêu chuẩn:
“đầu tiên làm nhân loại cười, sau đó làm họ suy nghĩ”.
Như vậy trên thực tế nguồn gốc của karaoke ở Nhật Bản không thể tách rời khỏi các quán bar chơi piano và guitar truyền thống vốn là địa điểm giải trí thường xuyên của các doanh nhân Nhật từ nhiều năm về trước. Trong các quán bar đó, khán giả có thể được mời hay tình nguyện hát với nhạc đệm của piano hay guitar. Và hình thức hát karaoke đã bắt đầu tại thành phố Kobe của Nhật vào đầu thập niên 1970. Kobe là thành phố cảng rất thịnh vượng vùng Kansai, tức miền Tây vốn đã mở cửa giao thương với thế giới vào năm 1868 dưới thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng. Như một cánh cổng mở cho Nhật Bản, Kobe nổi tiếng và vinh dự là thành phố đứng đầu về thời trang cùng sự kiến tạo rất nhiều lĩnh vực kinh doanh và các sản phẩm như mì ăn liền, siêu thị, các nhà tắm hơi, các cửa bán vé tự động… Có một câu châm ngôn của người Nhật là: “Những khuynh hướng mới thì đến từ vùng Kansai còn thời trang thì đến từ Kobe”.
Bên cạnh đó, từ tình trạng môi trường thiên nhiên bị hạn chế và việc đô thị hoá ngày càng gia tăng làm hạn chế không gian cần thiết cho những hoạt động nghỉ ngơi ngoài trời, và đương nhiên, lý do đó đã khuyến khích cho việc phát triển việc kinh doanh giải trí trong nhà như các quán bar, saun và karaoke. Kế đến, sự hạn chế không gian cũng như nhu cầu cách âm đã dẫn đến hình thức tạo ra các “hộp” karaoke, một phương tiện bên lề đường có các phòng cách âm đóng kín cửa. Hộp karaoke đầu tiên xuất hiện vào năm 1984 trên những cánh đồng lúa tại miền quê tỉnh Okayama ở miền Tây Nhật Bản. Nó được làm từ những toa xe chở hàng đã được cải tiến lại. Từ đó, các hộp karaoke được xây dựng trên những vùng đất trống khắp nơi trên đất nước Nhật, và trong khu vực thành thị, những phòng karaoke chia ngăn và cách âm cũng được giới thiệu và lần lượt mọc lên.
Karaoke không chỉ đơn thuần là một ý tưởng lỗi lạc và sáng tạo bỗng xuất hiện tron dòng phát minh vì sự phổ biến của nó tại Nhật Bản đã gắn bó chặt chẽ, sâu sắc với nền văn hoá Nhật vốn đặt nặng tinh thần tập thể.. Tinh thần cộng đồng có nguồn gốc sâu xa từ những hệ tư tưởng phương Đông cơ bản được hình thành đầu tiên từ nền triết học tiêu biểu của Nhật Bản là Thần đạo. Việc nhấn mạnh nhu cầu hoà hợp là sự quan tâm hàng đầu của nền triết học này. Thần đạo cho rằng nhân cách con người chỉ có thể có được trong mối quan hệ với những người khác của xã hội loài người. Các mối quan hệ xã hội là một phần không thể tách biệt của đời sống con người.
Do đó, theo người Nhật mục tiêu của việc giải trí trước tiên không phải chỉ là giải trí cho riêng mình, mà là một cách để hoà mình vào tập thể và tạo tác động qua lại lẫn nhau. Vì vậy, có thể nói rằng karaoke không chỉ được ưa chuộng vì có vai trò giải trí mà nó còn có thể hiện một đặc tính xã hội quan trọng. Không ai đi hát karaoke một mình, và như thế có nghĩa là cần phải đi cùng bạn bè , hoặc là đồng nghiệp hay các thành viên trong gia đình.
Xã hội Nhật Bản là một xã hội đoàn thể và cuộc sống con người xoay quanh đoàn thể như một phần của những cỗ máy sản xuất. Sự ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân là một lý do khác nữa cho việc phát triển của karaoke. Karaoke cho cá nhân một cơ hội tương đối để có thể bộc lộ về bản thân mình trước những người khác với chính giọng hát của mình mà không bị gán cho là tự kiêu tự đại hay tự coi mình là trung tâm. Nó đáp ứng lòng mong muốn hay sự thôi thúc ngấm ngầm được công nhận như một cá nhân. Đối với những người Nhật Bản sống trong xã hội đầy áp lực, thì có thể nói không có một hình thức giải trí nào khác có thể làm họ khỏe khoắn, tỉnh táo và bớt căng thẳng như karaoke.
Karaoke là một phần thiết yếu trong văn hoá Nhật. Với sự khuyến khích thích đáng, trẻ em và người lớn có thể học để có được sự tự tin khi đứng trước đám đông. Một số công ty Nhật còn đặt ra nội quy bắt buộc việc tham gia hát karaoke trong những buổi tiệc của họ. Tất cả các nhân viên của hãng xưởng kể cả giám đốc sẽ ngồi cùng nhau và xem từng người lần lượt biểu diễn. Đây là một hình thức giải trí vui vẻ sau những giờ lao động mệt mỏi, căng thẳng, giúp làm tăng thêm sự tự tin của mỗi nhân viên, là cơ hội giao lưu với đồng nghiệp, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó.
Ngoài ra, một số xe taxi cũng được trang bị dàn karaoke để khách có thể hát trong khi ngồi xe trên đường dài. Karaoke còn rất có lợi cho sức khoẻ. Một số bác sĩ chuyên khoa trị liệu bằng âm nhạc ở Nhật đã dùng phương pháp karaoke với các bệnh nhân luống tuổi và trẻ em có nhu cầu đặc biệt bởi họ có thể dùng những bài hát quen thuộc như biện pháp trị liệu cho bệnh nhân của mình.
Đây là một cách hữu hiệu để giữ cho trí óc người già được minh mẫn, và karaoke đã giúp họ bằng cách khi âm nhạc nổi lên, người già có thể nhận diện được các từ xuất hiện trên màn ảnh. Trẻ nhỏ thì có thể nhìn thấy chữ viết của những bài hát mẫu giáo yêu thích của chúng và đối với chúng, được học cách đọc những bài hát đó chắc chắn sẽ rất thú vị.
Người Nhật không chỉ hát những bài hát tiếng Nhật, mà còn yêu thích những ca khúc ngoại quốc. Họ học những bài hát tiếng nước ngoài của Hoa Kỳ Anh, Pháp, Trung Hoa, Đại Hàn. Những bài hát ngoại quốc phổ biến là những bài do Elvis Presley và The Beatles trình bày mặc dù có rất nhiều ca khúc thịnh hành khác. Hình thức này không chỉ đơn thuần là ca hát giải trí, mà chính là họ đã thực tập phát âm tiếng Anh mặc dù không nhận ra điều đó. Và vấn đề cũng tương tự với những người nước ngoài học tiếng Nhật, họ có thể hát những bài hát karaoke bằng tiếng Nhật.
Sự phổ biến của karaoke, bắt đầu tại Nhật Bản hơn 30 năm qua và gắn chặt với nền văn hoá dân tộc độc đáo, đã phổ biến rộng rãi sang nước ngoài và được hưởng ứng nhiệt liệt, rộng rãi. Đặc biệt nhất qua việc hát Karaoke, chúng ta sẽ đến gần với âm nhạc hơn và có thể nhận ra được giọng hát thực sự của mình. Nhưng quan trọng nhất là giúp tránh được tình trạng mù chữ. Đây có lẽ một trong những thành công bất ngờ của karaoke.
Tóm lại Karaoke đã trở thành phổ cập trong nhu cầu giao lưu giữa một cá nhân với một nhóm người và giữa những con người thuộc các nền văn hoá khác nhau. Thuật ngữ karaoke đã được thừa nhận là ngôn ngữ chung. Nó không chỉ được ghi vào từ điển của người Nhật, mà còn có trong từ điển tiếng Anh Oxford uy tín nhất của nước Anh và của thế giới.
Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.