Năm tôi 19 tuổi

Sơn Nam

SonnamTrích từ Hồi ký Sơn Nam gồm 4 tập, Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở Chiến Khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị,Bình An đã được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2005. Cuốn sách giúp người đọc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Nam (1926-2008).

Nguồn: NXB Trẻ
Nguồn: NXB Trẻ

1

Kiều Thu hề, trọng kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô

Đã làm việc từ mấy tháng qua, hôm nọ tan sở, anh tống thơ văn (tùy phái) thân mật nói đùa:

– Tôi làm ở tầng trệt nầy, buồn bực lắm, lắm khi ban đêm tôi phải vào trực, chỉ làm quen được với một người lạ mặt nầy.

Anh ta đưa tôi đến góc phòng, với mớ sách chữ Hán. Thoạt nhìn qua ngoài bìa, tôi biết là kinh Phật, nhưng phía sau dòng sách nhô lên một tượng bằng cây: đầu trọc, ngồi theo tư thế một căn một chái. Anh ta hỏi:

– Biết ai không?

Tôi mỉm cười:

– Làm sao biết được, chắc là một nhân vật, một pho tượng ở trong chùa.

– Đúng vậy. Ông hòa thượng Đồng, ở chùa Tam Bảo, một đệ tử hâm mộ tạc tượng ông lúc chưa bị bắt. Bây giờ thì bị đày ra Côn Đảo rồi. Chưa biết ra sao.

Hỏi qua nơi chôn cất của Nguyễn Trung Trực, anh tống thơ văn chỉ v ào mấy cây cổ thụ phía sau tòa nhà, nhưng chẳng ai đến gần được vì ở sát vài ngôi biệt thự của người Pháp. Tôi đoán chừng vào buổi xa xưa, cuối thế kỷ 19 (1868), Pháp muốn giấu xác ông, bảo vệ cẩn thận, đề phòng trường hợp nghĩa quân lén lấy xác, đem về chôn ở vùng Bảy Núi, An Giang hẻo lánh rồi bày lễ Tế cờ, tiếp tục khởi nghĩa.

Rời khỏi Tòa hành chính, trên đường về nhà, bỗng đâu anh bạn đã đưa tôi vào làm việc gọi to, anh ta ngồi trên xe kéo, chận ngang đường, chỉ vào cái quán ăn khá to bên lề. Chúng tôi vào, ăn uống khá sang trọng. Anh hỏi:

– Làm việc được không. Nếu làm thêm nữa, chẳng ai rầy rà hết vì chú mày là nhơn viên phụ của tao.

– Làm cũng cực nhưng lương ít quá, không dư để gởi về cha mẹ.

Anh bạn bảo là vừa bắt được mối làm ăn lớn. Quân đội Nhật thâu mua cá biển ở vịnh Xiêm La, nước Cam Bốt, thêm cá nước ngọt ở Biển Hồ, chở lên Sài Gòn, đem đi đâu mình không cần biết. Ngày mai tao đưa mày tới gặp ông bang Hoa kiều thầu vụ nầy. Phải có ghe lớn năm, bảy chiếc, có vốn lớn mới làm nổi. Mầy lo giấy tờ, giấy phép chở cá khô từ đây đi Chợ Lớn, đơn xin bản chữ Tàu thì tụi nó làm, bản chữ Tây thì mầy cứ dịch lại cho nó ký rồi gom lại trình với Đoan (hải quan) tỉnh là xong. Sắp xếp xong rồi, tiền bạc hối lộ hai bên đồng ý, ăn tiệc hồi trưa nầy.

Tiền bạc thì rất cần, nhưng tôi vui mừng vì được cơ hội thấy rõ việc Nhật Bổn và Pháp cấu kết nhau, Pháp tỏ ra ngoan ngoãn. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã biết phân tích chuyện của xã hội, đã biết chính trị, thấy chính trị là chuyện cần thiết để tạm giải tỏa những thắc mắc.

Công việc được giao phó riêng là làm giấy tờ bằng chữ Pháp để xin chuyển hàng hóa lên Sài Gòn. Trong số hàng hóa với khối lượng to, tôi thấy vài mặt hàng:

– Chankrasna, bó sẵn từng bành to, dường như là thứ vỏ cây nhẹ, màu trắng. Phu khuân vác bảo đó là cây dó. Cây dó để làm giấy chăng? Chắc không phải.

– Cá biển của vịnh Thái Lan, khai thác từ Cam-bốt là loại ghi tên trong hóa đơn là ‟plathou”, hỏi thì biết là cá gọi Ba-thú, cá nhỏ con, đã hấp chín, để trong từng vỉ, muốn ăn, phải hấp lại. Cá nước ngọt đáng giá: cá tra, lớn con, xẻ làm khô, gọi là ‟cá tra chai”, chai phải chăng là phương pháp muối, phơi gì đó.

– Lại có cá về xù, phơi khô, phải chăng là tiếng xù mà ngày nay ta gọi kiểu ‟cá chiên xù”? Chưa hết. Còn đưa về Sài Gòn loại dầu trong, ghi huile claire, dầu lấy từ cây dầu, chai bốt tán nhỏ để trét ghe, trét tàu. Lại còn thêm loại đuốc kết với vỏ cây tràm, tẩm dầu chai.

Buổi ấy, những loại nói trên được xem là quốc cấm, nếu dự trữ với khối lượng lớn. Tôi hiểu quân đội viễn chinh Nhật đang lâm nguy, khánh kiệt, chúng đốn cây sao để đóng loại tàu nhỏ, trét chai, dùng vào việc quân sự. Hỏi viên thơ ký đàn anh của tôi, được trả lời:

– Cỡ này tao làm tiền khá hơn hồi Nhật Bổn chưa tới. Nhưng rồi đây, ra sau? Từ bốn tháng nay, tao ghiền á phiện. Hút với mấy người Tàu ở chành lúa, tụi nó làm giàu, rồi xúm nhau hút. Đời là vậy.

Bỗng dưng tôi nhớ đến mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà ngậm ngùi. Thế nhân ai cũng có chuyện vui buồn nhưng với nhiều lý do không khó hiểu cho lắm.

Viên thơ ký đưa tôi vào Tòa Bố để làm trợ lý dường như được viên Phó Chủ tỉnh tin cậy. Thầy ta ra vào phòng của viên Phó như tự do. Ngoài tiền trợ cấp, thỉnh thoảng tôi được mấy ông Bang người Hoa thưởng đôi ba đồng, số tiền khá to. Một đồng bạc đổi ra 100 xu, với hai xu có thể mua cái bánh bao lớn, có nhân trứng vịt, hoặc với hai xu ta mua được ly nước đá bào, rưới thêm sữa đặc có đường.

Một buổi sáng, đầu giờ làm việc, bỗng các thơ ký loan tin, khá lớn tiếng:

– Có khách quí.

Rồi họ rỉ vào tai nhau, nghe rõ to:

– Ông Nguyễn Văn Tạo.

Nguyễn Văn Tạo (bên trái) cùng các đồng chí cộng sản Pháp năm 1927
Nguyễn Văn Tạo (bên trái) cùng các đồng chí cộng sản Pháp năm 1927. Nguồn: Wikipedia.org

Buổi ấy, nhờ phong trào Mặt trận Bình dân loan tin rầm rộ rồi im hẳn, người đọc báo đã loan truyền trong thời gian dài về sự tranh đấu đòi dân quyền, dân sinh chống thực dân Pháp. Thế là mặc nhiên tất cả các thơ ký đều đứng dậy, vì tò mò nhưng không phải thuần túy vì tò mò, động cơ lương tri dân tộc cần là chính. Không ai bảo ai, họ cúi đầu khẽ với nụ cười. Nguyễn Văn Tạo đến để trình diện, theo lịch của nhà cầm quyền Pháp. Ông bị giam quản thúc tại thị xã Rạch Giá, và ngày đầu tiên khi đến tỉnh, ông phải trình diện. Người tùy phái của Tòa Bố đứng cách xa ông vài bước. Ông trông yếu vì bị bịnh chăng? Tay chống cây gậy ngắn mà thiên hạ đồn đãi rằng hồi bị giam thực dân đã chích thuốc cho ông bị tê liệt để cảnh cáo (?) lúc ông tuyệt thực trong khám đường. Cây gậy của ông ngắn, ông là người bẩm sinh mập mạp. Ông cười tươi, nhìn cử tọa hai bên. Đằng kia, viên chánh chủ tỉnh bước ra khỏi phòng làm việc, bên cạnh là viên thơ ký riêng đặc trách an ninh. Khách và chủ vào phòng nói chuyện giây lát rồi khách trở ra, đi chậm rãi. Các thơ ký cũng đứng dậy, cúi đầu khẽ.

Bấy giờ, Nguyễn Văn Tạo với chút ít vốn mở ra một cửa hàng nhỏ bán sỉ nước mắm Phú Quốc và Sơn Rái, trước sân nhà chồng chất đôi ba đống tỉn có khách hàng trả lại, như bao bì, trắng xóa vì bằng đất nung, bên ngoài phết vôi cho hợp vệ sinh. Hôm đó, ông chủ tiệm mà tôi làm việc lại được đặc quyền về xà-bông, đường cát trắng do hiệu Phước Lai chành tân ký ở Chợ Lớn làm trung gian. Ai muốn mua đường cát trắng phải xin phiếu do Tòa Bố cấp. Một phụ nữ ăn mặc đứng đắn đến xin phiếu mua đường cát, thay mặt chủ tiệm, tôi ra tiếp khách thì mới hiểu đó là bà Nguyễn Văn Tạo. Lập tức tôi bảo nhân viên bán cho bà, tôi chịu trách nhiệm đem sự việc trình lại với viên thơ ký ở Tòa Bố. Từ đó về sau, bà được quyền mua đường, như những công chức và nhân sĩ của tỉnh. Bấy giờ, dầu lửa, dầu xăng đều bị quản lý chặt chẽ, dầu xăng chỉ là rượu cồn chế biến lại, có màu tím dợt. Xe ô-tô chở khách phải dùng ‟ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe, phía sau, trước khi cho xe khởi động thì quẹt lên cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi ‟Autogène”, theo mô hình của kỹ sư Trịnh Hưng Ngẫu sáng tạo ở Sài Gòn.

Tình hình thế giới như biến chuyển mạnh. Buổi nọ, máy bay Mỹ, sơn màu trắng bay đến chợ, bắn phá kho dự trữ gạo của quân đội Nhật gần nhà vựa nước mắm của ông Nguyễn Văn Tạo, bắn vài loạt, hú vía. Ông ngõ ý nhờ tôi dạy kèm chữ nghĩa cho hai đứa con bé bỏng, một trai một gái, đại khái theo chương trình lớp một (đồng ấu). Tôi hơi do dự. Ông bảo là dạy ở trước sân, trống trải để người hàng xóm và kẻ tò mò đừng nghi (…) . Bản nhạc Sina no yoru của Nhật khá hay được phổ biến mạnh. Tại chợ, có lệnh chính thức cấm bọn thợ nhuộm (nhuộm quần áo, thường thường là nhuộm màu đen cho dễ giặt) không được chào hàng với cái trống nhỏ, lúc lắc nghe lung tung, thiên hạ bảo đó là kiểu làm gián điệp, ra dấu hiệu cho máy bay đồng minh (?) Lại có chuyện bọn quân cảnh Nhật lập tòa án tại chỗ để chặt tay một kẻ ăn trộm áo quần của bọn Nhật (quần áo phơi ngoài sào, gần nơi chúng trú đóng). Nghe nói vậy chớ tôi không thấy nhưng tôi tin là có thật.

Ngày lại ngày, tôi cứ chờ đợi, buổi chiều nọ, vì quá thèm đặc sản quê hương, tôi vào sạp chợ ăn tô bánh hỏi, tôm càng luộc, giá khoảng 3 đồng bạc. Tôm tươi, mới luộc còn bốc khói, lại chang nước mắm Phú Quốc. Hai ba người Hoa làm công trong tiệm đi ngang qua, chào tôi. Họ đang áp tải năm bảy bao gì đó, đoán chừng là đường cát trắng, đoán chừng là đưa xuống các chợ ở quận bán chợ đen. Lại thêm hai ba xe khác, loại xe bò, bánh lớn, do người đẩy, phía trước có người lực lưỡng dang hai cánh tay nắm lấy hai càng xe, toàn là bao bố đựng món gì căng đầy. Đến mé rạch để hóng mát, tôi hơi ngạc nhiên thấy vài chú lính mã tà nai nịt gọn gàng, xếp hàng xuống chiếc tàu nhỏ, theo sau là vợ con đứng mếu máo, khóc trên bờ. Tàu chạy chậm rải. Lính được người Pháp đưa đến nơi nào, không rõ, nhưng theo lộ trình xuất phát từ phía khu vực nhà máy. Tôi đoán không lầm là phía Nam, vùng U Minh chăng?

Dân U Minh thưa thớt, thiếu tổ chức, cán bộ cách mạng xuống đó làm gì cho mệt, muốn vậy, phải xuất phát từ tỉnh Rạch Giá nầy mới có hiệu quả. Nghĩ vậy, tôi tự hào một mình rằng mình đã có trình độ, đúng hay sai thì chưa biết. Suốt ngày tôi cứ nghêu ngao ngoài quán cà-phê để trốn lánh công việc. Nhìn xéo về phía tiệm, bỗng nhiên thấy vài người lính Nhật mặt mày hung hãn đang tràn vào. Và đúng lúc đó, người chủ tiệm của tôi, đại lý phân phối đường cát, cà-phê ra ngoài, theo cửa bên hông, chiếc xe kéo đang chờ. Người Việt Nam mặc sắc phục quân đội Nhật, có mang gươm đứng trong tiệm, múa men tay chân, lát sau được mời lên lầu của tiệm. Tôi đã hiểu: Họ đang điều đình, đút lót cho bọn Nhật số tiền hoặc vàng không nhỏ cho xong chuyện.

Tối đến, tôi không về nhà, về tiệm tạp hóa gì cả, cứ rong chơi, nói theo danh từ ngày nay là ‟cảnh giác”. Rủi bị mật thám Pháp hay Nhật bắt lúc này, oan ức quá, hầu hết các tiệm quán lớn do người Hoa kiều làm chủ đều đóng cửa sớm, số người Việt Nam làm công chức cũng vậy, không thức khuya.

Rồi hừng sáng đến. Tiếng tàu thủy chạy xình xịch. Cầu bắc ngang rạch được quay lên cao, tàu chạy ngang qua. Tàu cỡ nhỏ, kiểu tàu đò ngụy trang lá dừa, không là lá dừa nước mọc ở mé rạch nhưng là tàu lá dừa ăn trái, chứng tỏ họ đã ngụy trang từ xa đến. ống khói tàu phun lên từng vầng khói đen đúa. Tôi đến xem, thấy rõ hai chữ LEE HUYÊN với chữ Hán Lợi Nguyên. Tàu đậu bên bờ đối diện, khu vực tòa tỉnh trưởng. Chưa chi khoảng mươi tên lính Nhật nhảy lên, hợp đồng với bọn Nhật đã phục kích tự bao giờ. Sau chừng mươi phút, bọn Nhật trở xuống tàu, dắt theo chừng hơn 20 người Pháp, sắp hai hàng. Đi đầu là viên chủ tỉnh Pháp và vợ, theo sau là bọn chỉ huy Sở Trước Bạ, Địa Chính, Kho bạc cùng vài viên chức to người da màu làm việc ở Toà án. Một người Pháp bị còng hai tay, không phải là chánh sở mật thám, ai nấy suy luận có lẽ họ đã chống cự bọn Nhật. Viên Chủ tỉnh mặc quần cụt, áo thun ngắn, đi đứng khoan thai, có vẻ tự trọng. Sau chót là những bà đầm và trẻ em Pháp. Mấy bà đầm mang theo nhiều gói to, có lẽ là quần áo.

Viên chủ tỉnh Rạch Giá lúc bấy giờ là M.V. thuộc vào hàng cấp bực cao, già dặn kinh nghiệm, dạo trước ở Sài Gòn đã lắm khi thay mặt Thống đốc Nam Kỳ ký tên một số công văn. Ông ta đi chẩm rải, thỉnh thoảng nhìn về phía bên kia rạch, nơi ông biết chắc còn một số người đang theo dõi. Nhưng lát sau, đoàn người đầu hàng nầy xuống chiếc tàu LEE HUYEN nhỏ bé mà quân đội Nhật đã xung công.

Cùng lúc ấy, với sự yểm trợ của vài tên lính Nhật, vài người Việt mặc thường phục đem dán những yết thị chữ to, nội dung đại khái là kêu gọi mọi người nên giữ sinh hoạt làm ăn bình thường, công chức người Việt phải trở lại nhiệm sở như cũ, nước Việt Nam được độc lập, người Pháp đã đầu hàng, vân vân và vân vân.

Nhưng một vài tên lính mã tà bị Pháp bắt lùa đi hôm trước xuống phía rừng U Minh đã lén trở về, có đứa dẫn đường cho quân đội Nhật xuống U Minh vây bắt bọn Pháp đang lập ‟chiến khu”. Với giọng mỉa mai các người lính mã tà nầy kể lại:

Lính mã tà ở Hải Phòng (Poste de matas dans la campagne d'haiphong). Nguồn: OntheNet
Lính mã tà ở Hải Phòng (Poste de matas dans la campagne d’haiphong). Nguồn: OntheNet

– Bọn Pháp ở chợ Rạch Giá, chợ Cần Thơ và lính mã tà kéo xuống rừng quá hấp tấp, ngơ ngác. Súng đem theo khá nhiều nhưng chúng chẳng dám giao cho dân địa phương. Trước khi vào ven rừng, chúng đành ném bỏ hàng trăm cây xuống sông. Lát sau, có người đoán chừng là trộm cướp nhảy xuống sông mà lặn hụp, tìm được một mớ. Vừa vào rừng, bọn Pháp vừa chạy, vừa mang theo lương thực, nào cà-phê, thuốc lá và đôi ba thùng cây, thêm bao bì kín đáo. Đó là những thùng giấy bạc mỗi tờ 500 đồng (tương đương với vài chục triệu ngày nay). Đó là loại bạc làm phát mà Pháp cho in hối hả với tranh vẽ mấy người nông phu đang tát nước với gàu dai, do Phạm Ngọc Khuê vẽ. Thấy suốt ngày mà người Pháp cứ di chuyển gần xa. Nhiều người trong xóm ven rừng nghĩ rằng Pháp không có hoàn cảnh nấu cơm, thiếu nồi niêu nên thử nấu cơm, đổ ra trong thúng, đội đầu mang đến, hiểu là thương tình mà tiếp tế, cứu giúp. Nhưng thấy người Việt chúng khoát tay. Đành đặt thúng cơm xuống đất rồi rút lui, nhưng bọn Pháp cho người đến, đổ bỏ cơm vào những lỗ khoét dưới đất rồi lấp lại. Họ sợ người Việt Nam đánh thuốc độc để trả thù sự cai trị của chúng. Xế chiều, chúng vào mấy đám rẫy trồng khóm (loại dứa ngon), hái từng trái mà ăn thử. Nhưng khốn nỗi dứa có lớp vỏ dày dính vào ruột. Không có cây dao gọt lớp vỏ, đành đưa lên miệng mà cắn. Khốn nỗi, vỏ của khóm gồm những mảng tròn, tua tủa những gai nhỏ, đói quá đành ăn, miệng rướm máu. Vài người trong rẫy đem cây dao tới, loại dao nhỏ thôi, nhưng bọn Pháp lại dè dặt, sợ bị giết, liền trợn mắt, huơi nòng súng. Rồi vài người dân khách thử lại gần, gọi là cứu giúp, thấy chúng quá đói, về nhà bảo vợ nấu cơm. Nồi cơm đem tới, chúng nhìn rồi khoát tay, phải chăng vì sợ bị đầu độc? Vài đứa bé trong xóm dạn dỉnh hơn, nhổ mấy gốc khoai mì (sắn), đem nướng trước mặt mấy ông Tây bà đầm, mời ăn. Các vị nhai ngốn nghiến, đem ra tờ giấy bạc màu xanh 50 ngàn, vẫy tay cho trẻ con lại gần rồi cong ngón tay trỏ mổ xuống liên tục, miệng nhại giọng gà kêu ‟cót, cót”. Gà đem đến, được trả cũng 50 ngàn. Chúng nó trao cho người Pháp đễ học pha chế, đại khái lột da, chặt hai chân, chặt đầu cổ đem bỏ, chỉ thích ăn đùi mà thôi.

Nhưng chưa chi máy bay Nhật đã đảo vòng tròn trên đầu, lại đến lượt vài ba tên lính mã tà đi giày bố, đội nón nỉ chạy đến, gương mặt như phấn khởi. Họ đã trốn về chợ, gặp bọn lính Nhật, báo cáo tình hình, rồi sẵn sàng chỉ đường cho lính Nhật vào đây, với lực lượng nhỏ bé cũng dư sức bắt sống cả bọn.

2

Tôi được may mắn chứng kiến cuộc đầu hàng có trật tự nọ, ở tại chợ Rạch Giá thân thương, nhỏ bé mà tràn ngập hào khí. Một chiếc tàu của Nhật chạy chậm chạp, như cố ý trình diễn cho dân ‟bổn phố” sự thắng trận này. Tàu cặp bến phía dinh Chủ tỉnh, khu vực hành chánh đâu chừng đôi ba chục người lên bờ, có vài đứa trẻ con. Đồng bào ta sửng sốt vì đa số ‟ông Tây” trông lem luốc, đặc biệt là râu của họ mọc quá nhanh, cái mặt đen thui, dưới cằm thì dài cỡ 10 xăng-ti-mét, vài người cố mang đôi giày dơ dáy hoặc đi chân đất, ‟cà nhót” như vừa bị thương, mấy bà đầm không trang điểm, bước đi hổn hển, quần áo lem lấm, xách giày dép. Họ như không còn muốn giữ thể diện với dân chúng. Và người lớn tuổi ở chợ đã nhận ra: này là ông Cò rất hách dịch, nọ là viên Chủ sự sở đoan (hải quan), kia là viên xếp khám đường.

Cái chốn U Minh quả thật là bí hiểm. Về sau, ta đến trú đóng, lập căn cứ Thành đồng tổ quốc, tổ chức trẻ con học chữ quốc ngữ, lập nhà bảo sanh, đêm đêm tổ chức ca hát diễn kịch chống Pháp.

Binh thơ Tôn Tử mà sách báo thường trích lại sáu chữ ‟Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa” là đúng. ở rừng U Minh, giặc Pháp đã thử lập một căn cứ chỉ thiếu hai chữ quan trọng nhất: Nhơn hòa. Chúng nó và dân ta quả là xung khắc tới giờ phút chót. Rồi người Nhật hung hăng đến, lật đổ, như dễ dàng. Đồng bào ở xóm Dầu Doi cho biết chúng đã thượng lá cờ của Nhật, bay phấp phới ở kho lúa gạo tồn trữ từ hơn năm qua để dùng vào chiến tranh, lính Nhật hơn mười đứa, bố trí súng đại liên chống máy bay đồng minh. Dân Rạch Giá đang xơ xác, ở miền quê, mặc áo quần với bao tải, với cà ròn, loại đệm đan với cỏ bàng. Nghe đâu ở ngoài Bắc, đồng bào ta chết đói khá nhiều, ở Sài Gòn đã tổ chức đưa gạo ra cứu trợ, gạo chở trên xe bò vì đường xe lửa đã hư, không an toàn.

(Còn tiếp)


DCVOnline minh họa.