Sách Hồng của Mao Trạch Đông
Justin McDonnell – DCVOnline lược dịch
The Diplomat nói chuyện với Alexander Cook, biên tập viên của tập tiểu luận về cuốn Sách Hồng của Mao Trạch Đông.
Gần 40 năm sau khi Mao Trạch Đông chết, dân Trung Quốc tiếp tục có mối quan hệ không thoải mái với lãnh tụ vĩ đại của họ; Những mâu thuẫn gần đây, khi TQ đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Mao, đã cho thấy điều này.
Để biết thêm quan điểm về quan hệ quá khứ và hiện tại của Trung Quốc (và thế giới) với Mao, Justin McDonnell của tờ Diplomat đã nói chuyện với Alexander Cook, biên tập viên của cuốn “Sách Hồng của Mao: Lịch sử toàn cầu, một bộ sưu tập các bài tiểu luận tìm hiểu Sách Hồng như một hiện tượng toàn cầu”.
Ngữ lục của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phản ảnh chủ nghĩa cấp tiến toàn cầu của những năm 1960 như thế nào?
Cuốn Sách Hồng đã đáp ứng cho những mối lo ngại sâu sắc nhất của thời kỳ hậu chiến: không hài lòng với những lời hứa chưa được thực hiện của chủ nghĩa tự do, vỡ mộng với thực tế thảm hại kiểu cộng sản Xô Viết, và sự tuyệt vọng với sự tiếp tục khuất phục của các quốc gia đang phát triển. Đây là một hiện tượng thời đại, nhưng nó cũng đã nói lên nỗi lo sợ hãi hiện hữu trước sự hủy diệt hạt nhân chung của cả thế giới. Cuốn Sách Hồng là bằng cớ phủ nhận một cuộc chiến tranh lạnh, và thậm chí nhiều hơn thế nữa, một phủ nhận sự nhân loại bi khuất phục bằng công nghệ trong thời đại sản xuất hàng loạt. Không cần nói lại, đã có nhiều trớ trêu cay đắng trong câu chuyện này.
Cuốn sách đó đã phổ biến ở Trung Quốc như thế nào và tại sao nó lại đi vào quên lãng?
Cuốn Sách Hồng nguyên thủy là một loại cẩm nang ý thức hệ dùng cho binh sĩ của Giải phóng Quân. Kích cỡ nhỏ với bìa bọc plastic không thấm nước của cuốn sách để cho vừa với túi áo của bộ đồng phục của Giải phóng Quân. Trước thời Cách mạng Văn hóa, Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu hết sức quảng bá sự tôn sùng Mao trong quân đội. Lâm Bưu nói tư tưởng của Mao Trạch Đông là một “quả bom nguyên tử tâm linh” và ra lệnh mỗi người lính phải có một cuốn Sách Hồng. Vì giới trẻ được khuyến khích trông vào quân đội để noi gương, thanh niên nam nữ cũng bắt chước có cuốn Sách Hồng. Ở đỉnh cao của cuộc Cách mạng Văn hóa, cuốn sách là cái phải có để chứng minh lòng trung thành với chế độ. Vì phải in sách cho gần một tỷ người, Trung Quốc đã lâm vào tình trạng thiếu giấy! Sau đó, thật khó tưởng tượng, Lâm Bưu đã chết trong một tai nạn máy bay trong lúc chạy trốn khỏi Trung Quốc sau khi âm mưu ám sát Mao bị bại lộ. Thế là cuốn Sách Hồng bị coi là đã nhiễm độc vì tội liên đới (với Lâm Bưu). Sau cái chết của Mao và khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc, hầu hết các ấn bản của Sách Hồng đã được hồi sinh thành bột giấy.
Trung Quốc vẫn đang luẩn quẩn về sự nghiệp chính trị và di sản của Mao Trạch Đông. Mặc dù ông đã thất bại, nhưng dân Trung Quốc vẫn còn sự tôn kính tuyệt vời dành cho lãnh tụ cũ của họ. Cánh tả mới ở Trung Quốc, những người ủng hộ một sự hồi sinh của chủ nghĩa Mao và phê phán nặng nề các chính sách kinh tế hiện nay của Đảng cộng sản TQ. Bạc Hy Lai lập lại chủ thuyết Mao để đạt được sự ủng hộ của quần chúng khi cai trị Trùng Khánh, và cuối cùng đã đi đến sụp đổ sự nghiệp chính trị. Ngoài ra, vào cuối năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến một ấn bản mới của cuốn Sách Hồng ở các hiệu sách trong cả nước. Có phải Mao đã trở sống lại? Nếu như vậy, Đảng cộng sản TQ có lo ngại gì chăng?
Mao quá quan trong trong lịch sử của đảng, nhà nước và quân đội để có thể hoàn toàn bị chôn vùi mà không làm tổn hại đến danh tiếng của những cơ chế đó. Xác ướp của ông vẫn còn nằm ở Thiên An Môn và bóng ma của ông vẫn ám ảnh sinh hoạt chính trị của Trung Quốc. Hiện nay, bóng ma Mao Trạch Đông dường như hiển hiện ít đi và ít thường xuyên hơn, nhưng Mao vẫn có thể gây tiếng động (trong quần chúng). Ngữ lục trong cuốn Sách Hồng của Mao cung cấp một số từ vựng dùng để thách thức giới quyền lực và cả giới tinh hoa hiện nay của Trung Quốc. Hiện nay, tuy nhiên, những nhóm tìm về Mao đê lấy cảm hứng là khối chính trị hoài cổ, những người nghèo, trí thức đại học, những người chỉ trích sự toàn cầu hóa – là những cá nhân khá yếu và dường như không chủ trương ngồi lại với nhau.
Thật thú vị, cuốn sách đó đã xuất hiện và phát tán trên khắp thế giới. Thậm chí tôi đã nhìn thấy nó được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ sử dụng… Từ Pháp đến Liên Xô cũ, từ Peru tới Đông Phi, Mao đã có thể gây ảnh hưởng trong nền văn hóa đa dạng và lịch sử ra sao? Tại sao họ lần lượt bị Mao chinh phục?
Đây là một câu hỏi khó trả lời ngắn gọn. Trong những bài tiểu luận, chúng tôi cố gắng trình bày, bằng nhiều cách khác nhau, cuốn Sách Hồng đã đi vào thế giới như thế nào. Nó nói một cách tổng quát về những lo âu của một kỷ nguyên đặc biệt, như tôi đã nói. Nhưng cũng có thể, vừa bằng hình thức (nhỏ gọn) và nội dung trí tuệ, cuốn Sách Hồng rất linh hoạt, dễ mang theo, và dẫn chứng được.
Cuốn sách này đã cung cấp một bối cảnh có ý nghĩa cho phong trào cực đoan Á-Phi tại Mỹ ra sao?
Đây là một câu hỏi phức tạp, và là vấn đề chúng ta phải bàn luận cặn kẽ. Về cơ bản, cuốn Sách Hồng đã cho cả một khuôn mẫu tổ chức xã hội và là sự liên kết biểu trưng cho phong trào cấp tiến ở những nơi khác trên thế giới. Mặc dù sự giống nhau giữa những cuộc đấu tranh này đôi khi rất phiến diện, chúng ta không nên đánh giá thấp cảm sức mạnh của sự liên kết đó.
Có ngữ lục cụ thể nào làm ông thấy rạo rực không?”
Không, tôi sinh năm 1975, một thế hệ đã ra khỏi thời hoàng kim của Sách Hồng. Có rất nhiều điều tôi thấy thú vị về cuốn Sách Hồng, nhưng tôi không thấy mình trông đó. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi có thể đọc nó với tính khách quan của một nhà sử học. Hy vọng rằng những người đã sống với cuốn Sách Hồng thấy nhận định của tôi đúng với kinh nghiệm của họ, và chúng còn cho thêm một lớp phản ảnh và thông cảm mới. Nếu được tôi, tôi muốn gởi câu hỏi này lại cho người đọc: “Ngữ lục nào trong đó làm bạn rộn ràng, và tại sao?”
© 2014 DCVOnline
Nguồn: Mao’s Little Red Book in China and Beyond. By Justin McDonnell. The Diplomat. Apr. 9, 2014.