Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 11

Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

satcong1Trong thời gian sống tại miền Nam Việt Nam, một vùng đất chiến tranh lửa đạn triền miên, tôi đã cố gắng tìm hiểu xem những thường dân tại đây họ nghĩ gì về cuộc chiến dai dẳng này.

Cảm nghĩ của người dân về chính quyền Sài Gòn và MTGPMN

Vì lý do đó, nên trong thời gian hoàn toàn chưa hiểu rõ vấn đề tôi đã học tiếng Việt và làm quen với những phong tục tập quán nơi này hầu tạo thêm điều kiện để tìm hiểu cho cặn kẽ. Và cứ mỗi lần hiểu biết thêm một vấn đề tôi lại càng thêm ngạc nhiên truớc những sự thật đang diễn ra hàng ngày tại đây.

***

Hầu hết những người tôi đã tiếp xúc và hỏi thăm thì họ đều cho rằng không ưa thích chính quyền của ông Thiệu nhưng đối với cộng sản thì sự chán ghét của họ còn tăng gấp bội. Đặc biệt là ít thấy ai bày tỏ sự căm ghét hay sợ hãi quân đội Hoa Kỳ và có thể nói ngược lại là đa số dân chúng đều có thiện cảm đối với Hoa Kỳ. Như vậy, rõ ràng là những điều tôi nhận thức được tại Nhật Bản đã hoàn toàn không đúng với sự thật ở đây. Tại sao báo chí Nhật Bản lại nhận định vấn đề sai lệch như vậy? Đương nhiên là một câu hỏi quay cuồng trong đầu tôi bắt đầu từ đó.

Thật ra thì lần đầu tiên nghe được những người dân miền Nam trình bày ý kiến như trên, tôi đã nghĩ rằng họ nói dối vì đối với luật pháp của Việt NamCH, MTGPMN là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật cho nên nếu họ tỏ vẻ ủng hộ thì sẽ bị quy tội phạm pháp và muốn tỏ bày cho người ngoại quốc vốn đã không hiểu rõ vấn đề thì lại càng thêm phần nguy hiểm.

Hơn nữa, tôi lại nghĩ rằng những người thực sự không có thiện cảm với phe MTGPMN chỉ là thuộc tầng lớp giàu có. Vì thế, tôi lại càng muốn tìm hiểu thật kỹ lưỡng chuyện này. Nhưng càng tiếp xúc với nhiều giai tầng trong xã hội cũng như càng nhớ tiếng Việt bao nhiêu thì tôi càng thấy được sự chán ghét, sợ hãi, kinh khiếp của họ đối với lực lượng tự xưng là cách mạng, tức MTGPMN bấy nhiêu.

Lúc này, tôi đã hiểu rõ đó là những tiếng nói và sự suy nghĩ chân thật của họ.

Chẳng hạn như trường hợp của một cô gái khoảng 20 tuổi, tên Mai, đang làm việc tại một tiệm bán đồ trang trí Tây phương ở Sài Gòn và là bạn của một nữ nhân viên người Việt Nam đang làm việc trong văn phòng tòa soạn của tôi.

Mai đã thuật lại kinh nghiệm bản thân thời thơ ấu với phe cách mạng như sau:

“Năm tôi 10 tuổi thì đã những người du kích của MTGPMN vì họ biết cha mẹ tôi có một tiệm buôn lớn ở Mỹ Tho nên đòi gia đình tôi phải trả tiền chuộc. Lúc bấy giờ những vụ bắt cóc như vậy xảy ra rất là nhiều. Trong 5, 6 ngày liền tôi đã bị họ trói chặt tay chân, bịt mặt lại rồi nhốt tại một đảo nhỏ ở miền Tây. Cùng bị giam giữ với tôi tại nơi này có một người đàn ông đã bị họ sát hại. Và có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được tiếng kêu la kinh hãi của ông ta khi bị những người của MTGPMN giết chết. Người đàn ông nói trên, có lẽ vì phản bội lại những đồng chí của mình nên bị hành quyết và ông ta bị đâm bằng một vật gì đó rồi thét lên những tiếng kêu thất thanh trước khi tắt thở. Sau đó, nhờ cha mẹ cô Mai trả tiền chuộc nên cô được phóng thích nhưng những tiếng kêu la của người đàn ông nọ lúc nào cũng như văng vẳng bên tai và Mai không thể nào quên được những âm thanh khủng bố sợ hãi đó.”

Cô Mai đã cho tôi biết như vậy.

Dĩ nhiên là trên thực tế phía chính quyền miền Nam cũng đã từng giết hại kẻ địch và phía quân đội Hoa Kỳ cũng tổ chức những cuộc truy sát quân du kích của MTGPMN qua các chiến dịch quân sự, bởi vì chiến tranh vốn là một cuộc tàn sát lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra một mặt của vấn đề nói về những gì gọi là chính nghĩa nhân từ của phe cách mạng rồi vội vàng kết luận dân chúng ủng hộ cách mạng thì quả là một điều không công bằng và không trung thực.

Mặt khác, nếu nhìn thấy trên những cánh tay của một số chiến sĩ trẻ thuộc quân đội Việt NamCH có xâm hàng chữ “sát cộng” thi ta sẽ cảm nhận được lòng hận thù sâu sắc được hình thành theo ngày tháng kéo dài của cuộc chiến này. Bởi vì họ là những người có thân nhân, bạn bè đã hy sinh trong cuộc chiến.

“Sát Cộng”. Nguồn: OntheNet
“Sát Cộng”. Nguồn: OntheNet

Một điều quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam là sự sát hại lẫn nhau đã không phân biệt riêng nơi chiến trường mà còn lan rộng đến người thường dân nên nó đã trở thành một hình thái rất phức tạp. Nếu ta nhận định được trên qian niệm rộng rãi như vậy về cuộc chiến này, ta sẽ càng hiểu rõ tại sao đa số dân chúng miền Nam tuy không mấy hài lòng với chính quyền ông Thiệu nhưng lại càng chán ghét và sợ hãi phe cách mạng cộng sản nhiều hơn.

Thế nhưng, có thể nói một cách chắc chắn rằng những nguyên nhân đưa đến sự sợ hãi căm ghét này xuất phát từ sự cảm nhận trực tiếp của người dân chứ không phải họ bị ảnh hưởng tuyên truyền hoặc tự nhận thức trên một phương diện lý luận nào cả. Ngoài ra, đối với đa số thị dân Sài Gòn, việc họ trình bày những nhận thức chính trị của mình về đặc tính của thể chế cộng sản như quyền tự do và quyền tư hữu cá nhân bị hạn chế, bị tước đoạt, hoặc các phần tử đối lập với cộng sản sẽ bị tiêu diệt v.v. rất là ít ỏi.

Vì vậy, giới quan sát ngoại quốc và dư luận quốc tế đều có cảm nhận rằng sự căm ghét phe cách mạng cộng sản của người dân là do ảnh hưởng từ những chính sách tuyên truyền của chính quyền ông Thiệu hoặc Hoa Kỳ. Nhưng thực sự, người dân cũng nghe rất nhiều sự tuyên truyền của phe MTGP và những người cộng sản.

***

Nếu trở ngược lại thời gian xuất phát những tư tưởng và hành động biểu lộ việc chống cộng thì phải nói đến biến cố năm 1954 khi hiệp định Genève được ký kết, chia cắt Việt Nam làm hai miền Nam Bắc, tạo nên một cuộc di cư ào ạt của người dân miền Bắc.

Di cư. Tàu US Montague hạ thang xuống tàu LSM của Pháp để những người tị nạn cộng sản lên tàu. Hải Phòng, tháng Tám năm 1954. Nguồn: PH1 H.S. Hemphill. (Hải quân Mỹ).
Di cư. Tàu US Montague hạ thang xuống tàu LSM của Pháp để những người tị nạn cộng sản lên tàu. Hải Phòng, tháng Tám năm 1954. Nguồn: PH1 H.S. Hemphill. (Hải quân Mỹ).

Lúc đó có khoảng 1 triệu người, đa số là giáo dân Công Giáo, ở miền Bắc vì chán ghét sự cai trị độc tài của một đảng phái theo chủ nghĩa cộng sản nên họ đã chọn lựa con đường di cư vào Nam để sống dưới một chế độ tự do hơn. Nói cách khác, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân miền Bắc.

Đương nhiên là họ đã có nhiều kinh nghiệm dưới chế độ cộng sản mặc dù chỉ trong một thời gian tương đối ngắn sống dưới ách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam do HCM thành lập. Một trong những lý do chính khiến họ di cư vào Nam là dưới chế độ cộng sản vô thần, tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị đàn áp dữ dội. Những giáo dân miền Bắc này có tự tin là họ hiểu rất rõ về bản chất của chế độ cộng sản.

Cách Sài Gòn khoảng 30km về hướng Đông Bắc là nơi tập trung sinh sống của hầu hết giáo dân miền Bắc di cư vào Nam. Nơi đây được gọi là thị xã Hố Nai, một vùng đất chống cộng nổi tiếng nằm trong khu vực khá hẹp dọc theo quốc lộ 1 và có vài ngôi nhà thờ lớn nên khi dùng xe hơi để đến đây, người ta rất dễ dàng tìm thấy. Trong thị xã có nhiều nơi chế tạo và sản xuất gia cụ cũng như các cửa hàng đủ loại nên đã cho thấy sự sinh hoạt sầm uất tại nơi này.

Hố Nai có khoảng 70.000 dân cư với tất cả đều là giáo dân Công Giáo và được chia làm 7 địa phận, mỗi địa phận đều có một nhà thờ đặt dưới sự quản hạt của một vị linh mục, tựa như đơn vị hành chánh cá biệt. Có rất nhiều linh mục đã từng là những chiến sĩ chống cộng, cầm súng trực tiếp chiến đấu với quân Việt Minh trước đó. Nhưng những người giáo dân Công Giáo này cũng đã phản đối mạnh mẽ và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh biểu tình chống chính quyền ông Thiệu. Điểm này cũng là một điều phức tạp đối với nhận thức về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nhà thờ Sài Quất - Hố Nai / Biên Hòa 1967. Photo by William Harrell
Nhà thờ Sài Quất – Hố Nai / Biên Hòa 1967. Photo by William Harrell

Vào tháng Giêng 1973 sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết thì linh mục Chân Tín đứng ra thành lập và lãnh đạo một tổ chức đối lập chống chính phủ gọi là Ủy Ban Yêu Cầu Cải Thiện Chế Độ Lao Tù Miền Nam Việt Nam nhằm mục đích đòi hỏi ông Thiệu phải phóng thích những tù nhân chính trị và cải thiện chế độ đối xử với tù nhân. Trong khi đó, linh mục Trần Hữu Thanh cũng đã lãnh đạo “Phong trào chống tham nhũng” với những hoạt động chống lại chính quyền ông Thiệu.

Từ năm 1974, những tổ chức nói trên đã thực hiện các cuộc biểu tình quy mô để kêu gọi bài trừ tham nhũng và đòi ông Thiệu phải từ chức. Hơn nữa, vào mùa Xuân 1975, trong khi chính quyền ông Thiệu đang bị lung lay do cuộc tổng công kích của quân Bắc Việt thì linh mục Trần Hữu Thanh lại thành lập thêm “Uỷ Ban Hành Động Cứu Quốc” với những lời kêu gọi dân chúng đảo đảo chính quyền ông Thiệu và đưa ra chủ trương là nếu Sài Gòn thành lập được một chính quyền mới để thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc thì quân cộng sản Bắc Việt sẽ ngưng tấn công và chịu đàm phán. Đương nhiên là phe cách mạng lúc nào cũng hỗ trợ cho các tổ chức, phong trào chống chính phủ thuộc nhóm Công Giáo này.

Linh Mục Trần Hữu Thanh,1975. Nguồn: AP Wire
Linh Mục Trần Hữu Thanh quet lửa châm thuốc lá bên cạnh cựu Phó TT NGuyễn Cao Kỳ trong buổi họp báo, Mar 27,1975, yêu cầu TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức trong khi quân CSVN đang tiến về miền Nam. Nguồn: AP Wirephoto

Tuy nhiên, sau khi chiếm trọn miền Nam thì các tổ chức Công Giáo nói trên đã bị chính quyền mới đàn áp và tiêu diệt một cách không thương tiếc.

Khoảng hai tháng, sau khi Sài Gòn thất thủ tôi có viếng thăm linh mục Trần Hữu Thanh tại một ngôi nhà thờ trong thành phố thì thấy ông đang ngồi im lặng trong căn phòng tối của thánh đường này. Lúc đó ông ta trở nên hoàn toàn khác biệt với linh mục Thanh trước đây đã từng hô hào kịch liệt đả đảo chính quyền ông Thiệu.

“Tóm lại thì mọi việc cũng đã qua rồi”, linh mục Thanh thốt lên những lời nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng cũng không kém phần bi thương, thống cảm.

©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR

(Kỳ tới: Kỳ 12: Rời bỏ thủ đô)


Nguồn: Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 11. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR.