Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 13
Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
Trong bài diễn văn từ nhiệm, tuy ông Thiệu đã tuyên bố sẽ ở lại đến giây phút cuối cùng với binh sĩ để chiến đấu chống những người cộng sản nhưng chỉ 4 ngày sau, vào đêm 25/4/1975, ông đã cùng cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình họ di tản khỏi Việt Nam đến Đài Loan lánh nạn. Áp lực từ chức
Người giữ chức Tổng Thống của VNCH trong thời gian 7 năm rưỡi là ông Nguyễn Văn Thiệu lúc thiếu thời rất yêu thích môn bóng bàn. Trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, ông chưa hề thua một trận đấu bóng bàn nào nhờ vào chiến pháp đặc biệt là không bao giờ mạo hiểm tấn công đối thủ khi biết rằng có nhiều rủi ro bị phản công và ông luôn kiên nhẫn bám sát từng tình huống, chờ đợi thời cơ lúc đối phương để lộ sơ hở mới ra tay tấn công một cách triệt để.
Nếu nói về những giai thoại trong quãng đời tuổi trẻ của ông Thiệu, có lẽ chỉ có chừng ấy câu chuyện và đây quả là một điều thật lạ lùng đối với một nhân vật nổi tiếng như ông. Đồng thời, điều này được cho là phần nào đã phản ảnh đúng với cá tính sâu sắc, thận trọng, điềm tĩnh, tuân giữ kỷ luật và không thích những hình thức phá cách vượt ra khuôn khổ quy định của ông Thiệu.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh trưởng trong một gia đình nông gia tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận ở ven biển miền Trung. Ông xuất thân từ trường Tây ở Huế và có thời gian từng được bổ làm quan lại địa phương. Sau đó, ông gia nhập quân đội miền Nam trong giai đoạn cuối thời kỳ Pháp thuộc và có những bước thăng tiến thuận lợi. Kế đến, khi người Pháp rời khỏi VN, ông Thiệu còn được huấn luyện quân sự tại Hoa Kỳ. Ông kết hôn với một phụ nữ thuộc gia đình giàu có ở miền Nam và do ảnh hưởng từ người vợ, ông trở thành một tín đồ Công Giáo.
Vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Thiệu với cấp bậc đại tá đang giữ chức Sư đoàn trưởng sư đoàn 5 bộ binh trấn đóng tại khu vực phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Nhờ vào những hoạt động của sư đoàn 5 này đóng góp phần quyết định cho sự thành công của cuộc đảo chính nên ông Thiệu rất được chính quyền mới sau đó trọng dụng. Hơn nữa, nơi cục diện phức tạp của chính trường miền Nam với những cuộc đấu đá “quyền mưu thuật sách” trong giới tướng lãnh quân đội tại thủ đô Sài Gòn, những phán đoán tinh tế và cẩn trọng của ông Thiệu đã giúp ông tránh né được nhiều sự xung đột va chạm với đối phương và cuối cùng đến năm 1965, ông chính thức được giao phó chức vụ nguyên thủ quốc gia.
Hai năm sau, qua một cuộc tuyển cử dân chủ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đạt được kết quả đắc cử.
Từ đó, ông Thiệu được cho là đã được sự trợ giúp của phía Hoa Kỳ để loại bỏ những đối thủ cạnh tranh trên chính trường và đặt nền tảng cho một triều đại vững chắc nên đến 1971 ông lại tái đắc cử chức vụ Tổng Thống VNCH.
Tôi đã có cơ hội được nói chuyện một cách tự do, thân mật với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 5/3/1975. Đó là dịp ông Thiệu đồng ý tiếp xúc riêng với một nhóm ký giả Nhật Bản tại Dinh Độc Lập. Lúc này, trong nhóm phóng viên đồng nghiệp người Nhật, do tôi là người có thời gian làm việc lâu nhất tại Sài Gòn nên được cử làm trưởng nhóm và được ngồi gần ông Thiệu trong vai trò điều hợp nhóm ký giả Nhật Bản. Từ buổi tiếp kiến Tổng Thống này cho đến chưa đầy hai tháng sau thì chính quyền của ông Thiệu bị diệt vong quả là điều mà có nằm mơ chúng tôi cũng không thể nào ngờ được.
Lồng trong những luồng gió mát mẻ thổi nhẹ vào căn phòng rộng rãi ở tầng ba Dinh Độc Lập là nơi Tổng Thống Thiệu đón tiếp nhóm ký giả Nhật Bản, chúng tôi đã nhìn thấy ông bước vào phòng cùng một vài cận vệ đi theo bên cạnh. Tuy ông Thiệu có thân hình nhỏ nhắn nhưng phong thái rất uy nghi và nghiêm chỉnh trong bộ Âu phục màu xám đậm vừa vặn bó sát người ông cùng với những bước chân vững chắc đầy nội lực. Đương thời, tuy ông Thiệu chỉ mới 52 tuổi nhưng hầu như phân nửa mái đầu của ông đã phủ tóc bạc trắng. Trong thời gian ba năm làm việc tại Sài Gòn, tôi đã nhiều lần nhìn thấy ông Thiệu nhưng lần này tôi có cảm tưởng như tóc ông đã bạc đi nhiều lắm. Tổng Thống Thiệu nở nụ cười thân thiện nhìn về hướng chúng tôi và đến bắt tay từng người một.
Có thể nói rằng theo dư luận quốc tế lúc đó ông Thiệu là một trong những vị nguyên thủ quốc gia ít được thiện cảm từ thế giới vì bị chỉ trích là một nhà độc tài thường bắt bớ bỏ tù những người có chủ trương đối lập với chính quyền Sài Gòn cũng như để mặc cho tình trạng tham nhũng hoành hành trong nội bộ guồng máy hành chính. Thế nhưng, ở mặt khác ông cũng được coi là một nhà lãnh đạo phi thường khi giữ vững được sự đoàn kết dân tộc trong công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam trước sự xâm lăng của quân CSBV bằng những cuộc tấn công bằng quân sự do khối cộng sản quốc tế yểm trợ. Đồng thời, ông còn lèo lái đất nước một cách khéo léo trong tình thế phức tạp của mối quan hệ đồng minh với phía Hoa Kỳ.
Và trong cuộc gặp gỡ nhóm phóng viên Nhật Bản chúng tôi nói trên tại Dinh Độc Lập, ông Thiệu cũng đã lên tiếng phê phán Hoa Kỳ một cách kịch liệt như sau:
“Trong thời điểm ký kết hiệp định Ba Lê, cả Tổng Thống Nixon lẫn tiến sĩ Kissinger đều hứa chắc là sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho miền Nam trong giới hạn của nhu cầu chiến trường. Thế nhưng, cho đến nay họ vẫn cứ mặc cả với chính sách cắt giảm viện trợ chẳng khác gì việc trả giá mua bán rau cải ở ngoài chợ”.
Với trình độ Anh ngữ lưu loát, Tổng Thống Thiệu giải thích rằng đối với sự vi phạm trắng trợn hiệp định Ba Lê của quân CSBV, miền Nam cần thiết được viện trợ 1 tỷ 600 triệu mỹ kim trong năm 1975 nhưng Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 700 triệu và thậm chí cắt bớt chỉ còn 300 triệu.
Trong lúc bày tỏ sự bất mãn đối với sự thất hứa của chính phủ Hoa Kỳ, điệu bộ của ông Thiệu cũng rất linh hoạt với các động tác khoa tay nhịp nhàng và sắc mặt ông trở nên màu đỏ nhạt cho thấy sự bộc lộ chân thành và sức thu hút nơi lối trình bày của ông.
Từ lần đó, tôi lại có dịp nghe ông Thiệu lên tiếng chỉ trích lối hành xử vô trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ vào bốn mươi mấy ngày sau, tức vào ngày 21/4/1975. Chỉ trong bốn mươi mấy ngày này, vận mệnh của miền Nam đã thay đổi quá nhanh chóng khi đột nhiên ông Thiệu phạm vào sai lầm chiến lược bỏ ngỏ vùng chiến thuật xung yếu ở miền Trung với lệnh triệt thoái cao nguyên, rút hết quân đội phòng thủ, được ban hành từ ngày 10/3/1975. Điều này càng tạo cơ hội cho quân CSBV có điều kiện thực hiện cuộc tổng công kích đánh chiếm toàn bộ miền Nam qua những lộ quân ào ạt tiến vào từ cửa ngõ miền Bắc, miền Trung truy kích đường tháo lui của quân đội VNCH như thế sóng tràn không gì cản nổi. Cùng lúc, BV còn tiếp tục đưa ra những tuyên bố bịp bợm là nếu ông Thiệu từ chức thì họ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để thương thảo về việc đình chiến trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc.
Tuy chiến thuật của ông Thiệu là tập trung toàn bộ quân lực tại miền Nam để hình thành một lực lượng phòng thủ triệt để trong tình thế quyết tử một mất một còn, nhưng ông lại bị dư luận quốc nội quy trách nhiệm trong việc để mất miền Trung, cũng như bị phía Hoa Kỳ và Pháp chỉ trích ông không chịu đối thoại với quân CSBV. Từ đó, đã tạo thành những áp lực trực tiếp buộc ông phải từ chức. Trong suốt gần một tháng trời, những áp lực từ chức này đã khiến ông Thiệu vất vả chống đỡ nhưng cuối cùng vẫn không thể chịu đựng nổi nên vào buổi tối 21/4/1975, ông đã xuất hiện trên truyền hình để đọc bài diễn văn từ nhiệm. So với bài diễn văn nhậm chức cách đó 7 năm rưỡi, lần này ông Thiệu diễn thuyết qua hình thức ứng khẩu với thời gian dài hơn rất nhiều. Ông nói:
“Cuối năm 1972, chính quyền Hoa Kỳ đã tạo nhiều áp lực ép tôi phải ký kết vào một bản hiệp ước mới. Khi tôi bày tỏ ý kiến là tuyệt đối không thể có chuyện ký kết một thỏa hiệp nào với những người cộng sản thì Hoa Kỳ đe dọa sẽ cắt đứt viện trợ. Sau đó, Tổng Thống Nixon phải đích thân đưa ra lời hứa rằng ông ta bảo đảm Hoa Kỳ sẽ viện trợ ở mức độ cần thiết sau khi hiệp định được ký kết trong trường hợp quân CSBV vi phạm hiệp định và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ can thiệp nếu CSBV tiếp tục tấn công miền Nam.”
Nhưng người mà ông Thiệu đề cập đến là Tổng Thống Nixon đã từ chức vào năm trước đó vì vụ tai tiếng “Watergate”.
Ông Thiệu còn tiếp lời:
“Tuy hiệp định Ba Lê đã hình thành nhưng Hoa Kỳ lại cắt giảm viện trợ. Trong khi phía cộng sản BV vẫn tiếp tục nhận được viện trợ dồi dào từ Trung cộng, Liên Xô thì những tổn thất của chúng ta như mất chiến xa, mất đại pháo đã không được Hoa Kỳ bù đắp.”
Đây quả là những lời trần tình bi thống của ông Thiệu cho thấy rõ ràng những thỏa thuận giữa chính quyền của ông và chính phủ Hoa Kỳ đã không được đối phương tôn trọng với kết quả là ông nhận trách nhiệm phải từ chức vì phía Hoa Kỳ không thực hiện lời cam kết tiếp tục viện trợ cho miền Nam.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng những chủ trương của phía CSBV như: “Nguyễn Văn Thiệu chỉ là một thứ cản trở tiến trình lập lại hòa bình ở VN” chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền nhằm đánh lừa dư luận Hoa Kỳ và thế giới.
***
Quả nhiên, những gì mà Bắc Việt tuyên bố việc thương thảo đình chiến nếu ông Thiệu từ chức chỉ hoàn toàn là giả tạo nhưng lúc đó cả thế giới đều ngây thơ tin rằng sau khi ông Thiệu từ chức thì hòa bình sẽ được tái lập ở Việt Nam theo quy định của hiệp định Ba Lê.
Trong bài diễn văn từ nhiệm, tuy ông Thiệu đã tuyên bố sẽ ở lại đến giây phút cuối cùng với binh sĩ để chiến đấu chống những người cộng sản nhưng chỉ 4 ngày sau, vào đêm 25/4/1975, ông đã cùng cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình họ di tản khỏi Việt Nam đến Đài Loan lánh nạn.
©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
(Kỳ tới: Kỳ 14: Vị Tổng Thống cuối cùng)
Nguồn Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 13. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR.