Căng thẳng giữa ‘có thể giảm’ nhưng khủng hoảng ở biển Đông vẫn ‘có thể xảy ra’
Rachel Chang | DCVOnline lược dịch
BẮC KINH (The Straits Times / ANN) – Giới phân tích cho rằng thỏa thuận mong manh là dấu hiệu Hà Nội sẽ không đi kiện TQ về vụ tranh chấp trên biển.
Trung Quốc và Việt Nam đã đạt một thỏa thuận mong manh nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai bên leo thang từ tháng Năm khi TQ đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông và đã khiến Hà Nội phải nghĩ đến việc đưa những tranh chấp biển Đông ra trước tòa án quốc tế.
Nhưng một số trong giới phân tích cũng lưu ý rằng cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đặc sứ của Việt Nam Lê Hồng Anh tại Bắc Kinh hôm thứ Tư đã không mang lại bất kỳ bước đột phá cơ bản nào, mặc dù cả hai bên bày tỏ mong muốn “phục hồi” và “hàn gắn” bang giao.
Chuyên gia về Trung Quốc-ASEAN Li Jinming của Đại học Xiamen (Hạ Môn) tin rằng chuyến đi của Lê Hồng Anh và tuyên bố hòa giải sau cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Trung Quốc có nghia là Việt Nam nay đã xếp lại việc đi kiện trước tòa án quốc tế.
Giáo sư Li Jinming nói với tờ Straits Times “Hà Nội đã bình tĩnh suy nghĩ lại khi nhận thấy rằng sẽ có quá nhiều rủi ro về mặt kinh tế nếu đi kiện. Vì Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa, từ lâu đã có mối quan hệ bền vững và thân thiết.”
Anh, một thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được gửi đến Bắc Kinh như đặc sứ của Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Ông là nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam thăm Trung Quốc kể từ tháng Năm. Vị trí của giàn khoan của Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đã làm quan hệ Việt-Trung căng thẳng hai tháng với những cuộc đụng độ trên biển giữa hai bên và những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc khiến bốn công nhân chết.
Bắc Kinh đình chỉ một phần quan hệ song phương, trong khi Hà Nội công khai cứu xét việc theo bước chân của Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc trước Tòa án quốc tế về Luật biển.
Giới phân tích cho biết một loạt những nhượng bộ và đe dọa trong vài tháng qua đã mở đường cho một thỏa hiệp hòa hoãn cao cấp.
Trung Quốc đã dời giàn khoan khỏi Biển Đông hồi giữa tháng Bảy, một tháng trước thời hạn, nói rằng công việc đã hoàn tất, nhưng David Koh, một người quan sát Việt Nam từ lâu, lưu ý rằng việc rút giàn khoan cũng dẹp được trở ngại lớn nhất ngăn cản những cuộc đàm phán.
Theo tin của giới truyền thông thì đã Việt Nam bồi thường nạn nhân của các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc, và tại phiên họp các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN tại Myanmar hồi đầu tháng Tám, đã không ủng hộ đề nghị của Philippines đóng băng tất cả “những hoạt động khiêu khích” trong vùng biển đang có tranh chấp.
Đồng thời giới quan sát còn ghi nhận rằng cam kết của một số thượng nghị sĩ Mỹ sẽ vận động để chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương tại Việt Nam đã là một lo ngại cho Trung Quốc rằng nước láng giềng cộng sản sẽ xoay về phía Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nhưng trong khi tuyên bố chính thức cho biết cả hai bên “hứa sẽ tôn trọng các quy tắc đàm phán hàng hải và từ bỏ những hành động có thể làm phức tạp hoặc thổi phồng các tranh chấp,” tiến sĩ Koh cho rằng đây chỉ là “rượu cũ trong bình mới”.
“Không có gì mới đạt được sau chuyến viếng thăm này ngoại trừ việc nó cho thấy tất cả mọi bên sẵn sàng làm việc cho hòa bình. Nhưng vấn đề cơ bản về chủ quyền, giàn khoan đã thực sự ở trong vùng biển của Trung Quốc hay biển của Việt Nam, và hành động thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế hay không, không có biến chuyển nào về những điểm điều.”
Một số nhà quan sát phần lớn thấy hiện trạng là tình thế không bền vững. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết một phần của lý do để Lê Hồng Anh đi Trung Quốc là để yêu cầu và được sự đảm bảo của Trung Quốc rằng họ sẽ không gửi thêm một giàn khoan nào khác vào vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
“Tôi chắc chắn rằng không có một đảm bảo như vậy,” ông Storey nói.
“Trung Quốc dường như quyết tâm xác định chủ quyền lãnh thổ và Việt Nam cũng không kém phần quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình và chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Khi không bên nào thay đổi, những cuộc khủng hoảng trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.”
© 2014 DCVOnline
Nguồn: China-Vietnam tensions ‘likely to ease. Rachel Chang | Asia News Network (Hamburg, Germany). August 29, 2014.