Thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng

Ngòi Bút Tự Do

vn-thPhải làm cho Trung Quốc từ bỏ dã tâm coi Việt Nam là phên dậu, coi biển Việt Nam là ao nhà thì trang sử mới của hai nước sẽ là hợp tác và tôn trọng… Phải có một lộ trình pháp chế xây dựng xã hội tổng hòa các lợi ích cá nhân dần hướng tới một xã hội hiền hòa và bền vững, đặt căn bản trên sự tin cậy và trách nhiệm.

Trong vấn đề sinh lý con người khác con vật ở nhiều điểm. Có một điểm dễ nhận thấy là con vật động dục khi bản năng duy trì nòi giống thôi thúc. Còn các cuộc làm tình của con người phần nhiều không hẳn vì nhu cầu có con.

Từ năm 1960 đến nay loài người đã đạt thật nhiều thành tựu. Nhưng theo tôi việc đưa viên thuốc tránh thai vào sử dụng phải được coi như là một trong những thành tựu vĩ đại nhất. Viên thuốc nhỏ này mạnh hơn hẳn tất cả các phong trào đòi hỏi bình đẳng giới cộng lại. Nó giải phóng cả một nửa sức lao động của loài người, giúp con người chế ngự được nạn nhân mãn, phụ nữ có phương tiện hữu hiệu trong tay để kế hoạch hóa gia đình, làm cuộc sống của một phần lớn trẻ em trên toàn cầu được bay bổng hơn vì nguồn lực được tập trung vào việc chăm lo cho một số lượng con ít hơn…

Có những vấn đề của xã hội loài người hôm nay là hệ quả gián tiếp hay trực tiếp của viên thuốc này. Một ví dụ nhỏ là sau thế chiến II các chàng lính trẻ sau cơn cơn binh lửa đói khát tình yêu về quê hương đã làm bùng lên một đợt tăng dân số. Những người ra đời vào giai đoạn trước khi viên thuốc ấy ra đời (Mỹ là 78 triệu và Canada là 9.8 triệu được gọi là baby boomers) hiện là nhóm chóp bu nắm gọn các nguồn lực chính trị, kinh tế ở khắp các nước phát triển và đang thành “thượng đế” với sát nghĩa nhất có thể của toàn bộ các sản phẩm cao cấp toàn cầu.

Tuy nhiên bàn sâu về đề tài này không phải là điều tôi muốn lúc này và ở đây. Bài viết nhỏ này là những suy nghĩ về chuyện cần bào chế thuốc tránh thai khác: thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng.

Thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng

Mũi Né, Phan Thiết, Việt Nam. Điều này khủng khiếp nhìn dòng nước từ làng Mũi Né xuống biển ... sau đó được rửa sạch đối với những khu nghỉ mát. Nguồn: John Everingham © The Beachfront Club
Mũi Né, Phan Thiết, Việt Nam. Dòng nước thải khủng khiếp từ làng Mũi Néđổ ra  biển … lan đến những khu nghỉ mát. Nguồn: John Everingham © The Beachfront Club

Người Việt một lần nữa nóng máu về chủ nghĩa bành trướng và cung cách cá lớn nuốt cá bé của Bắc triều. Việt Nam có phải là nơi đáng thương nhất thiên hạ? Chuyện này sao lại để bị nghiêm trọng hóa đến vậy? Do Thái đã nhỏ tý lại đang bồng bềnh trong vạc dầu sôi Ả Rập, tứ bề thọ địch, ngày đêm luôn trong cảnh bị chực ăn tươi nuốt sống. Ba Lan theo dòng lịch sử cũng thường bị xé xác vì thân phận liễu yếu đào tơ kẹp giữa đùi hai tay lớn thừa hung bạo và tham tàn là Nga và Đức. Việt Nam ta thường đau đầu chỉ có một phương mà thôi.

Đáng tàn đời khi ta luôn chui vào thế tự làm khó cho ta. Tự ta xếp ta vào thân phận trên đe dưới búa. Cần một lần nữa dứt khoát tỉnh táo cởi trói tư duy. Cả Do Thái cũng như Ba Lan đều thân Mỹ, đều gắn bó khăng khít với Mỹ. Ta thì sợ quá thân với Mỹ, sợ chơi quá kỹ với Mỹ sẽ làm phiền lòng Tàu. Mỹ tuy có hội chứng Việt Nam ám ảnh, nhưng Mỹ là một nước thực dụng, quyền lợi Mỹ trong hiện tại và tương lai đang bị Trung Quốc thách thức một cách sống còn. Người Mỹ không chỉ ngồi vu vơ suy tưởng chuyện quá khứ mà luôn căng mắt nhìn vào công việc trước mắt và chọn hành động theo tiêu chuẩn phải có của đòi hỏi thực tiễn. Chỉ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc có ba năm, chính Mỹ là nước từng giơ tay ra trước trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và hôm nay là nước chủ động nâng cấp quan hệ này lên những tầm cao mới.

Bạn thân nhất của Việt Nam hôm nay trong châu Á là Nhật Bản. Bạn có thể cùng dựa dẫm, tin cậy nhất của một Việt Nam hiện đại trong thế kỷ XXI phải là Mỹ.

Quan hệ quốc tế căn cứ trên cái gì? Lợi ích hay lý tưởng? Cái nào quyết định?

Quan hệ các nước đặt trên cơ bản lợi ích là bền chặt và lâu dài nhất (Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn) và trên lý tưởng là lỏng lẻo nhất (chiến tranh Xô-Trung, Việt-Trung). Khi cả lợi ích và lý tưởng cùng tương đối hòa đồng là điều lý tưởng nhất, nhưng hiếm thấy, khó tìm (Mỹ- Anh-Canada).

Việc kết bạn với tất cả các nước là đúng, nhưng cần sắp xếp thân sơ mạch lạc theo các thứ tự lợi ích của dân tộc, để cho sự việc theo đúng thang bậc đáng có của nó, cùng thể hiện rõ việc biết mình biết người và không bị cảm tính nhất thời hay đại ngôn lấn át. Nước nào có lợi ích khách quan chiến lược song hành với Việt Nam nhất phải là bạn tâm giao nhất. Không ai có thể mơ hồ vu vơ nữa, chủ nghĩa đại Hán không thể thuận chiều cùng một nước Việt Nam mạnh.

Có giai đoạn khi cần ngăn gót giầy quân đội Mỹ áp sát biên giới Trung Hoa, tạo thế anh hai trong phe XHCN Trung Quốc ủng hộ Bắc Việt chiến đấu, nhưng khi Bắc Việt hơi mạnh lên là sự ủng hộ của Trung Quốc đã ngãng ra.

Khác hẳn với Trung Quốc, các nước Mỹ, Nhật, Nga, Ấn, Úc và nhiều nước khác hôm nay đều có lợi ích lớn khi thấy một Việt Nam không yếu.

Bài toán đối ngoại của Việt nam hôm nay là làm sao đưa quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ đi vào guồng lợi ích. Khi hòa hiếu với Việt Nam có lợi nhiều hơn khiêu khích và gây chiến thì họ sẽ cầu hòa, có như vậy mới ổn định, bài bản và đường dài. Bài toán ấy có thể giải cùng lúc, có thể giải từng phần tức giải theo thứ tự ưu tiên.

Giải quyết cùng lúc, cùng xấp xỉ ngang tầm ưu tiên như hiện nay là bất khả thi. Để làm vừa lòng cả Mỹ cả Trung lúc này thì nền ngoại giao Việt Nam luôn ở thế đu dây. Mà ở tư thế bấp bênh ấy thì rất khó ổn định trong đường dài. Xem lại lịch sử khi Bắc Việt đu giây giữa Liên Xô và Trung Quốc đủ thấy việc này không ngon ăn chút nào và trước sau gì thì cũng dẫn tới đổ vỡ và mâu thuẫn với ít nhất một bên, tệ là cả với hai bên.

Quyết sách với Việt Nam hôm nay là phải làm ngược lại những gì đang làm hiện nay, phải dứt khoát tiến thêm lên nhiều bước lớn hơn nữa trong quan hệ với Mỹ, thậm chí không sợ dù bị lùi đi một hoặc nhiều bước trong quan hệ với Trung Quốc. Khi Việt Nam đã mạnh lên thì tái cân bằng lại quan hệ với cả hai nước. Tất cả là nhằm cân bằng trên quyền lợi dân tộc.

Điều tệ hại gì sẽ có thể đến khi vuốt mặt Trung Quốc?

www.nytimes.com  Căng thẳng đã tăng ở Biển Đông trong cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các quyền hàng hải như mỗi quốc gia cáo buộc khác của leo thang tình hình. Video by Reuters Xuất bản ngày 12 tháng 5, năm 2014 Ảnh: Kham / Reuters.
Căng thẳng do cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các quyền hàng hải như mỗi quốc gia cáo buộc khác của leo thang tình hình. Video by Reuters  ngày 12 tháng 5, năm 2014 Ảnh: Kham / Reuters.

www.nytimes.com

ở Biển Đông

Sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi Trung Quốc có làm thế giới lâm vào một cuộc đại chiến mới? Điều này khó xẩy ra vì ôm một cuộc chiến tổng lực vào người là tiêu ma luôn mộng làm cường quốc của Trung Hoa. Thế giới hôm nay không còn cơ hội cho Trung Quốc tập trung được một quyền lực lớn bao trùm. Còn lâu lắm Trung Quốc mới so được về kích cỡ và tố chất với cường quốc số một đang hiện hữu. Hơn nữa ba cường quốc khác là Nga, Ấn, Brazil lại cùng đang nổi. Thế giới sẽ là đa cực và quyền lợi đan xen nhau dầy đặc.

Tuy vậy Việt Nam cần chuẩn bị và đồng thời tránh thành ngòi nổ cho một cuộc chiến cấp khu vực. Không thể dại thêm một thế kỷ nữa khi lại tự rước chiến tranh về cửa ngõ nhà mình. Từ 1945 đến 1990 khi thế giới có chiến tranh lạnh, thì ta lại là chiến tranh nóng. Đừng đẩy vấn đề đi theo hướng cực đoan và chọn thân phận là con tốt thí. Việt Nam không thể và không nên làm công cụ của chính sách đế quốc thêm một lần nữa! Đau là khi ta đang là công cụ lại không nhận thức được thân phận công cụ. Cái bánh răng là một mắt xích trong cỗ máy, cái máy là công cụ của con người, con người này, hay đất nước này lại là công cụ của con người khác, đất nước khác… Về mặt kinh tế khi ta đang gia công hàng cho tư bản nước ngoài thì đương nhiên ta đang tự chọn cho mình thân phận làm công cụ sản xuất giá rẻ cho họ, về mặt chính trị vẫn còn nóng hổi bài học suốt cả nửa thế kỷ trước khi mỗi miền đất nước ra rả tự hào là “tiền đồn” hay “xung kích” cho phe nọ phái kia trên thế giới.

Trung quốc cũng phải gờm Việt Nam nhiều mặt. Là một nước nhập khẩu dầu, khát dầu để tồn tại và phát triển mà Việt Nam lại đang án ngữ con đường tiếp dầu của Trung Quốc. Việt Nam chặn đường thông ra biển của phần lớn mảng Tây Nam lục địa Trung Hoa. Nếu xung đột quân sự xảy ra thì đầu kéo của nền kinh tế Trung Quốc gồm toàn bộ các thành phố ven biển phía Đông Nam của Trung Quốc (Hong Kong, Macao, Quảng Đông…) đều trong tầm ngắm uy hiếp của Việt Nam.

Cha ông ta đã phải nhiều lần cho kẻ thù truyền kiếp dùng thuốc tránh thai. Con cháu hôm nay cũng phải tiếp bước con đường bào chế thực đơn ấy.

Thảm bại và xấu mặt nhất với Trung Quốc là cả thế giới sẽ sợ, khinh bỉ và tẩy chay khi tấm mặt nạ trỗi dậy hòa bình của họ tuột hẳn xuống đất.

Nhiều người nói rằng chơi với Trung Quốc thì mất nước. Điềunày luôn đúng nếu Việt Nam là một nước yếu. Nhưng đã là hàng xóm của nhau thì không thể không chơi và chơi đẹp với Trung Quốc. Nhưng chỉ khi Việt Nam mạnh, chủ nghĩa đại Hán mới về chiều và quan hệ Việt-Trung mới thành một quan hệ nhiều phần tốt đẹp hơn u ám.

ĐCS Việt Nam chia sẻ nhiều giá trị chính trị, lịch sử và văn hóa với ĐCS Trung Quốc. Nhiều thập kỷ nay Trung Quốc lại tiếp tục dành được nhiều quyền lợi kinh tế từ Việt Nam. Vậy mà chủ quyền của Việt Nam luôn bị Trung Quốc chà đạp, dù Việt Nam luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả năm 1979 bị Trung Quốc tẩn tơi bời, Việt Nam cũng vẫn không công nhận hai nướcTrung Hoa. Việt Nam không cần một đối tác chiến lược với tâm địa như vậy. Nếu Việt Nam là một nước bất ổn, biên giới Việt- Hoa loạn, vùng trời và vùng biển của Việt Nam hải tặc và không tặc hoành hoành, hoặc Việt Nam quay lưng hoàn toàn thì Trung Quốc cũng lãnh đủ.

Phải làm cho Trung Quốc từ bỏ dã tâm coi Việt Nam là phên dậu, coi biển Việt Nam là ao nhà thì trang sử mới của hai nước sẽ là hợp tác và tôn trọng.

Sự nghiêng hẳn về Mỹ của Việt Nam sẽ thành một thất bại ngoại giao chấn động Hoa lục, làm nền chính trị nước này thêm lúng túng, mâu thuẫn, bớt thói càn rỡ và nhiều khả năng là sẽ quay ra xoa vuốt và chèo kéo lại Việt Nam.

Về đối ngoại nếu cần phải thắt con gấu trúc Đại Hán vào hai lần túi. Nút thắt thứ nhất là Nga-Nhật-Việt Nam và Ấn Độ. Nút thắt thứ hai là Tây Âu, Mỹ, Úc Châu.

Châu Âu, châu Mỹ đánh giá Á châu là “huyền bí”. Đây thực sự không phải câu chuyện về hạt Higgs, chủ đề tìm kiếm của nhân loại suốt 45 năm qua. Khi con người khát khao đi tìm lời giải cho những phần còn lại của những cấu tạo bởi năng lượng đen huyền bí bởi cái vật chất mà chúng ta nhìn thấy chỉ chiếm có 4% vũ trụ. Thực ra về chính trị đây là một cách nói cho đẹp mà thôi. Họ thấy châu Á là nơi thiếu vắng sự trung thực và thẳng thắn, nơi nói một đằng làm một nẻo, lời nói luôn không đi đôi với việc làm. Chính trị Á châu với những đại diện kiểu như Trung Quốc và Việt Nam hôm nay là nơi hạt ngay thẳng còn chưa có đất để đâm chồi nẩy lộc.

Làm sao giải được bả Tàu? Làm sao thoát Trung? Làm sao để một Trung Quốc hiếu chiến nếm thất bại và một Trung Hoa hòa hiếu ra đời. Ai sẽ dậy được Trung Hoa hôm nay bài học? Ai sẽ một lần nữa chỉ cho thế giới thấy rằng một Trung Hoa bá đạo là một Trung Hoa yếu? Việt Nam cần và có thể làm điều đó và làm được bằng cách khá nhẹ nhàng.

Sống cạnh một dân tộc nhiều tham vọng và thách thức như Trung Quốc quả là điều không mấy dễ thở. Nhưng trong họa có phúc. Có vậy chúng ta mới là một dân tộc cứng cáp. Sao ta luôn lấy người làm bài học cho mình mà không trở thành bài học sáng cho người. Năm 1978 Đặng phát động cải cách ở Trung Quốc, năm 1984 Liên Xô tiến hành cải tổ thì mãi tới năm 1986 ta mới chịu chính thức đặt chân vào con đường đổi mới. Các nước lớn muốn thay đổi khó hơn nhiều so với các nước nhỏ. Sao ta không dẫn đầu phong trào thay đổi chính ta và thế giới ngay từ bây giờ. Khi Việt Nam giải quyết tốt, nhanh chóng vấn đề dân tộc, dân chủ thì chính Trung Quốc cũng nổ tung và rung chuyển. Ta có thế để chuyển hóa được êm đềm, không đổ vỡ, không có xáo trộn lớn vì ta nhỏ, dân tộc ta khá đồng nhất, các gốc xung đột của ta không nặng nề đến như của họ. Sự thay đổi nhanh chóng của ta sẽ làm họ lâm vào thế bị động. Không thể câu giờ mà bất động hay chậm chạp hơn được nữa.

Bài toán đoàn kết tăng nội lực cha ông ta đã có sẵn lời giải. Ở thế kỷ XIII chắc chả có mối thù nhà nào lớn hơn giữa cha Trần Hưng Đạo và cha Trần Quang Khải. Vậy mà hai ông còn tự tay tắm cho nhau, ngày đêm cùng lo toan việc nước. Có vậy triều Trần mới là một triều đại cường thịnh đã không cho phép kẻ xâm lược dù là mạnh nhất thời đó trú đóng lâu trên lãnh thổ mình.

Cùng với thay đổi hiến pháp, Việt Nam cần xây dựng cho mình một cơ chế uyển chuyển có khả năng tự sửa sai và tự điều chỉnh cho toàn xã hội. Xuất phát điểm của xã hội phải là các lợi ích cá nhân và điểm đến tỏa sáng cuối cùng của mỗi cá nhân là phúc lợi cho toàn xã hội. Phải có một lộ trình pháp chế xây dựng xã hội tổng hòa các lợi ích cá nhân dần hướng tới một xã hội hiền hòa và bền vững, đặt căn bản trên sự tin cậy và trách nhiệm. Là một nước mưu cầu phát triển, Việt Nam phải thực tâm coi trọng các giá trị thực tiễn thì mới mong đi khác đường Trung Quốc, bỏ lại đằng sau nước Tàu và nhanh chóng vượt nó.

Không thể khoác tiếp bộ đồng phục cùng màu sắc với nền chính trị Trung Hoa!

Bá vai Mỹ cùng đồng minh thì được lợi gì?

Video by Reuters on Publish DateMay 12, 2014. Photo by Kham/Reuters

Những người khác cho rằng chơi với Mỹ mất đảng. Dĩ nhiên chẳng cứ ĐCS Trung quốc hay ĐCS Việt Nam, bất cứ đảng chính trị cầm quyền dù ở nước nào nghênh ngang đi trái chiều quyền lợi dân tộc và lệch hướng phát triển của thời đại không chóng thì chầy cũng gặp tai nạn và sụp đổ. ĐCS nếu kinh qua bất kỳ cuộc chơi nào mà ngày càng mang lại nhiều thứ mà bất kỳ người dân nào cũng nằm lòng và mong đợi là: độc lập-tự do-hạnh phúc thì chẳng có cách gì mà bị tuột ra khỏi cuộc chơi.

Mỹ đóng quân cả ở Nam Hàn và Nhật cả hơn nửa thế kỷ nay nhưng không ai nói các chính phủ Nhật và Nam Hàn là bù nhìn của Mỹ. Bù nhìn không thể tiến bộ hơn cả Mỹ nhiều mặt.

Với Việt Nam, Mỹ có nỗi buồn thua trận, nhưng đó là hội chứng của quá khứ. Với Trung Quốc thì Mỹ đang bị thách thức vai trò lãnh đạo, các lợi ích chiến lược của Mỹ đều bị xâm hại. Nâng tầm cho Việt Nam cũng là lợi ích chiến lược của Mỹ. Khi Trung Quốc cần các nhà độc tài thì họ nhắm mắt chuyện thể chế chính trị viện cớ không can thiệp chuyện nội bộ thực chất là giữ lợi thế thao túng. Khi chưa xác định được chỗ đặt chân thì cây bài dân chủ Mỹ phải được đập lên mặt bàn. Nước bài nào và chiêu thức nào cũng chỉ là câu chuyện quyền lợi quốcgia của họ mà thôi.

Người Việt phải tự mà lo giải lấy bài toán dân chủ nhằm nâng cao nội lực của chính mình. Ngay cả cha mẹ bây giờ còn khó cậy quyền ép đặt đâu con ngồi đấy. Sinh mệnh chính trị của mọi người Việt, của dải đất hình chữ S này phải do toàn dân Việt cùng lo lấy.

Để cho người dân mất phương hướng về chính sách đối ngoại quốc gia là một chủ trương thiếu sáng suốt. Bao nhiêu phản lực của tình yêu nước sẽ không những giáng vào quân thù mà còn đập cả vào chính quyền. Cùng biên giới biển với Trung Quốc có chính phủ nước nào hành động quá thận trọng đến dường như sợ hãi và thiển cận kiểu chính phủ Việt hôm nay? Phải tăng cường hiểu biết và quyền lợi xác đáng cho người dân, tức là phải cần dân chủ hóa. Dân có mạnh thì nước mới cường. Không trao trả độc lập cho Việt Nam một cách đàng hoàng, quân viễn chinh Pháp đã gánh thất bại nhục nhã trên chiến trường Đông Dương. Không trao trả dân chủ cho nhân dân, các chính thể độc tài đã phải ra đi trong máu lửa. Đừng để người dân phải tự thực thi quyền dân chủ khi đã bị ép đến đường cùng.

Khi Mỹ thông báo là chuyển trọng tâm vào châu Á Thái Bình Dương thì tức là Mỹ đã xếp sự thách thức về an ninh, quốc phòng và quân sự của Nga là sau Trung Quốc. An ninh là để bảo vệ cho quyền lợi kinh tế. Châu Á Thái Bình Dương sẽ mang lại nhiều quyền lợi kinh tế trong thế kỷ này hơn châu Âu cho Mỹ. Vì vậy Thái Bình Dương là nơi phải dành được sự quan tâm hơn Đại Tây Dương.

Cũng giống Việt Nam Nhật cũng khổ sở nhiều bề vì Trung Quốc. Để khỏi lạnh lưng và hở sườn, Nga cũng đang gồng mình giữ các vệ tinh Trung Á của mình không lạc vào cực hấp dẫn Trung Hoa. Nỗi lo của nước Nga trong mấy thập kỷ tới là Trung Quốc chứ không phải NATO. Khi Mỹ chuyển hướng sang châu Á Thái Bình Dương là về thực chất sắp xếp tổng lực canh chừng Trung Quốc chứ không phải canh Nga. Liên minh Nga- Trung hay Mỹ- Trung đã chỉ là liên minh tình thế và nhất thời. Các nước lớn, vì nhu cầu luôn muốn lớn hơn và nuốt nhau, phá nhau nên về đường dài không thể là đồng minh vĩnh cửu của nhau. Trong một thế giới đa cực các nước nhỏ lại có cửa chọn lựa cho mình đồng minh và nhiều khi thủ đắc những lợi ích chiến lược nhất định.

Nhìn đến Mỹ là nhìn về một phương án quản lý và phát triển xã hội tiên tiến. Hướng tới Mỹ là hướng về nền khoa học và kỹ thuật hùng mạnh, về văn hóa, kể cả văn hóa chính trị có sức lan tỏa hơn nhiều lần Trung Quốc. Không ai muốn Việt Nam làm đầy tớ, Việt Nam phải biết chọn bạn có năng lực và đànghoàng mà chơi!

Có thể nào không cần thay đổi gì?

Khi choáng ngợp trước sức mạnh, trước thiên nhiên, đi tìm câu trả lời dễ dãi nhất là qui mọi trách nhiệm cho số phận, cho tạo hóa. Vì vậy tín ngưỡng và tôn giáo ra đời. Khi nào con người còn thấy yếu, thấy bé nhỏ trước vũ trụ và kiếp người thì tôn giáo luôn còn chỗ đứng như một quán tính tâm lý vàvăn hóa. Tuy nhiên để làm điểm xuất phát khởi đầu thì dù Chúa hay Phật cũng phải giữ thân cơ cực, phận nghèo khổ để tìm sự đồng cảm của quần chúng. Nền chính trị của một nước nhỏ có thể nào chấp nhận sự dễ dãi? Và ngay cả trong sự ủy thác dầu là dễ dãi ấy cũng phải có sự đồng thuận lớn lao của quảng đại.

Việt Nam không thể là một nước trung lập. Thậm chí cả ASEAN cũng không thể là một khối trung lập. Việt Nam cần làm cho cả Lào và Campuchia cùng hùng mạnh. Khi một nước kết đồng minh với nước khác là họ chia sẻ các giá trị chiến lược. Tuy vậy sức chịu đựng của mỗi con người hay dân tộc đều là có hạn. Làm đồng minh không có nghĩa là một bên thì tính ăn sẵn và được che dù, để bên còn lại luôn thiệt hại và đau đầu. Khi quá mệt mỏi với Nam Việt Nam thì Mỹ cũng phải giã từ đồng minh. Khi các công ty thua lỗ thì các cấp quản trị dù là cao cấp nhất cũng bị sa thải. Khi cần bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa thì tại hội nghị Thành Đô 1990 Việt Nam cũng đã xem nhẹ quyền lợi của chính phủ Campuchia non trẻ do mình mới giúp dựng nên.

Chơi với nước nào thì vấn đề cốt tử vẫn là Việt Nam phải đổi, phải khác so với hôm nay. Hỗ trợ quốc tế dù thật quan trọng nhưng không quyết định thành công lớn cho Việt Nam.

Phải biến Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn là thua trong trường kỳ và thắng trong thời điểm thành một nước Việt Nam mới thắng liên tục trong trường kỳ.

Hiện nay Việt Nam có dân số khoảng 91 triệu. Nga là 143 triệu, Nhật 123 triệu. Trong 30 năm nữa Việt Nam, Nga và Nhật có thể có một dân số tương đương nhau đều xấp xỉ 120 – 140 triệu. Làm sao để vai trò quốc tế và tiềm lực quốc nội của Việt Nam sẽ trở nên tương đương, có trọng lượng ngang bằng Nga và Nhật lúc đó. Đó là thuốc tránh thai hữu hiệu nhất cho chủ nghĩa bành trướng. Đó là sự kỳ diệu mang tên Việt Nam trong thế kỷ này.

Những nước như Anh Pháp Ý Đức… đã phải cùng ngồi với nhau trong liên minh NATO và EU vì ở thân phận một mình họ đều có cảm giác bất an là nước nhỏ.

Trong ASEAN thì Việt Nam phải đặt quan hệ rường cột với Indonesia, hòn đá tảng của khối. Cần mạnh mẽ lên tiếng về cải tổ Liên Hiệp Quốc, nơi Hội đồng bảo an chỉ có một đại diện cho một châu Á đang lên là không thể tương xứng. Cương vị này cả Nhật và Ấn đều xứng đáng.

Khi nhiều tiếng nói đề nghị lập G2 ( Mỹ-Trung), Mỹ đã chủ động lôi kéo thêm đồng minh và không để câu chuyện quản trị thế giới cho Trung quốc có quá nhiều phần thao túng nên đã lập ra G20.

Tại sao chúng ta cả thế kỷ nay cứ phải ngó nghiêng đi đây đi đó để học cải cách? Cả thế kỷ trước là chuyện tìm đường cứu nước còn chơi với ai là chuyện của thế kỷ này! Bài toán dân tộc phải lùi bước trước bài toán dân chủ hay bài toán dân chủ phải giải trước? Hay giải cái này chính là một bước để giải cái kia? Tại sao chúng ta cứ phải luôn tự dối trá với chính mình? Nếu CNXH là một khao khát về công bằng và dồi dào phúc lợi xã hội thì nước chúng ta hiện là một đất nước hiếm hương vị CNXH nhất và không mấy người dân Việt nào ngửi thấy.Tôi có người bạn khi về Việt Nam gặp một bác đại tá quân đội vừa đi thăm con ở Canada về hỏi bác là bác thấy Canada dở nhất là cái gì, bác bảo

“cái thằng Canada đáng trách nhất là nó xây dựng xong CNXH từ lâu rồi mà nó cứ im ỉm chả chịu nói gì cả.”

Lãnh đạo giỏi là phải lọc ra được con đường quản lý hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm phát triển tốt nhất trên bất kỳ cơ sở, điều kiện nào đang có. Phải công bằng rằng chính trường Việt Nam không chỉ toàn một gam màu tối mà cũng có cả những vùng sáng. Cùng một cơ cấu công chức mà Bộ Giáo dục và đào tạo nơi có lẽ có tập trung nhiều loại bằng cấp nhất nước mà chuyện giáo dục Việt Nam mãi không thấy ngóc đầu lên. Trong khi đó phải nói là Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm được ít nhiều việc đáng khích lệ trên trường giao tiếp quốc tế.

Cùng chịu sự quản lý của một Bộ Ngoại giao mà ở các nước công nghiệp phát triển tôi chưa nghe thấy có điều gì thật cộm, trong khi đó các đại sứ quán Việt Nam ở Đông Âu, đặc biệt là Nga (nơi đại sứ có phẩm hàm cao hơn nhiều đại sứ Việt tại các nơi khác) thì toàn nghe chuyện bỉ ổi, ăn bẩn, làm thối của sứ quán hết năm này qua năm khác.

Vấn đề là đất nào thì hoa trái ấy. Nơi nào sự trong lành là chủ đạo thì sự thối nát cũng khó chen chân được vào. Điểm mấu chốt nữa là nơi mỗi người dân có thực quyền thì sự tha hóa của quyền lực cũng khó có cơ hội nẩy nở. Làm sao đưa Việt Nam thành một mảnh đất như vậy?

Như văn hào vĩ đại Nga Leo Tolstoy đã nói đại ý cách cửa đang được mọi người cố sức đẩy ra nhưng thực ra cách mở lại là nhẹ nhàng kéo nó vào trong. Câu chuyện của Việt Nam hôm nay là thế.

Năm 1975 Andrei Sakharov được trao giải Nobel hòa bình, 15 năm sau Liên Bang Xô Viết độc tài sụp đổ. Năm 1991 Aung San Suu Kyi dược trao giải này và năm 2011 nước quân phiệt Miến Điện bước vào con đường dân chủ hóa. Năm 2010 Liu Xiaobo của Trung Quốc được trao giải và bài toán độc tài Trung Hoa sẽ được nhân dân Trung Hoa giải sau ít năm nữa. Giải Nobel hòa bình nhiều khi đã như những phát pháo hiệu báo trước sự thay đổi phải đến và sẽ đến. Nếu cứ bám theo con đường Trung Quốc thì khi Trung Quốc đổ, chẳng lẽ Việt Nam lại một lần nữa làm thân phận con côi bơ vơ như hồi thập kỷ 90 đợt TBT Nguyễn Văn Linh và cố TT Phạm Văn Đồng sang Bắc chầu?

Nói một cách ôn hòa và chua xót nhất là như Tổng thống Tiệp

“chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất để tới chủ nghĩa tư bản”.

Chủ nghĩa tư bản là một sự phát triển khách quan và tất yếu của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội là sự mầy mò, phỏng đoán của con người về một mô hình phát triển xã hội khi chưa có bà đỡ là lực lượng sản xuất tương thích ra đời. Về lý luận XHCN chưa thấy ai vượt tầm các nhà tư tưởng châu Âu vậy mà họ phải từ bỏ cuộc chơi lâu rồi. Giờ ta lại kiên quyết vừa làm vừa đoán vừa dấn tới. Thực tế kết quả một lần nữa lại cũng như một sư tổ của chủ thuyết cộng sản đã cảnh báo: sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt chỉ có thể là đại phá hoại mà thôi.

Tội phản quốc cần được treo vào cho bất kỳ chính sách nào làm cho nước Việt Nam yếu. Với một dân tộc nhỏ như Việt Nam, dẫu chỉ một kẻ muốn đổi sang họ “Tập” đã là quá nhiều!

Toronto 19/07/2012


Nguồn: Thuốc tránh thai cho chủ nghĩa bành trướng. Ngòi Bút Tự Do, Facebook. October 17, 2014