Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ quốc phòng

Dipanjan Roy Chaudhury | DCVOnline lược dịch

india-vnQuan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam có khuynh hướng đi lên kể từ thỏa thuận đối tác chiến lược được ký kết vào năm 2007. Các mối quan hệ quốc phòng ngày càng phát triển đã được tăng cường trước tình hình căng thẳng vì tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.

Hỏa tiến do Ấn và Nga chế tạo, Nguồn: Wikipedia.
Hỏa tiến do Ấn và Nga chế tạo, Nguồn: Wikipedia.

Việt Nam có thể là nước đầu tiên mua hỏa tiễn BrahMos do Ấn Độ và Nga cùng chế tạo. Cạnh đó, Việt Nam đang trở thành nguồn dầu khí cho Ấn Độ. Ngay sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tại Việt Nam, Thủ tướng CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng đã sang Ấn Độ để mở rộng quan hệ quốc phòng và đầu tư. Trong một cuộc phỏng vấn với Dipanjan Roy Chaudhury (Kinh tế Thời báo) TT Dũng, kín đáo nói đến Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh phải kiềm chế không sử dụng vũ lực, hù dọa ở khu vực Biển Đông và phải tuân theo luật pháp quốc tế. Ông Dũng cũng đã lên tiếng bảo đảm sẽ giữ gìn lợi ích về năng lượng của Ấn Độ trong khu vực đó.

Dipanjan Roy Chaudhury (DRC): Thưa Thủ tướng, Việt Nam có thể đảm bảo lợi ích của các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động ở Biển Đông hay không? Các quốc gia trong khu vực nên làm gì để tăng cường hợp tác, kiểm soát tình hình và duy trì một môi trường ổn định trong khu vực?

Nguyễn Tấn Dũng (NTD): Những bất ổn gần đây và những căng thẳng ở Biển Đông đã cho thấy rằng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn đường biển và đường hàng không, cùng tự do hàng hải chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, đặc biệt là những nước tham gia trực tiếp, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm phức tạp thêm tình hình bằng việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, và thực hiện đúng và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm ký kết Quy tắc ứng xử (COC).

Việt Nam tin rằng nếu các bên liên quan kiên trì với việc giải quyết vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế gồm UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC năm 2002, sớm kết thúc COC, tránh bất kỳ hành động nào có thể tiếp tục làm phức tạp tình hình và làm trầm trọng thêm tranh chấp, thì tất cả các tranh chấp và bất đồng sẽ ở trong vòng kiểm soát và căng thẳng sẽ không phát sinh.

Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế bình thường giữa các công ty dầu khí Việt Nam và đối tác nước ngoài, kể cả các công ty Ấn Độ, trong khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, và pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

DRC: Thưa Thủ tướng, chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Ấn Độ có phải là một tín hiệu về mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước? Những lĩnh vực hợp tác nào sẽ được mở rộng trong chuyến thăm sắp tới của ông sang Ấn Độ? Ông mong đợi những gì từ Chính phủ mới của Ấn Độ và trong chuyến viếng thăm này? Cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Ấn Độ là gì? Các công ty Việt Nam muốn đầu tư vào trong khu vực nào ở Ấn Độ?

NTD: Việt Nam và Ấn Độ đã có tình hữu nghị truyền thống và thân mật. Mối quan hệ này do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru thành lập và đã được giới lãnh đạo và nhân dân hai nước nuôi dưỡng, phát triển qua nhiều thế hệ. Hai nước đã luôn luôn chứng tỏ tinh thần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập và tự do trước đay cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển ở mỗi nước ngày nay.

Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ Việt Nam – Ấn Độ sẽ tiếp tục đưa đến phát triển quan trọng trong mọi lĩnh vực. Trước đó, Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Nam Á để đến thăm trong vòng 100 ngày kể từ khi có Chính phủ mới ở Ấn Độ. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng đặc biệt mà cả hai nước tiếp tục gắn liền với mối bang giao giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Là hai nền kinh tế phát triển năng động ở châu Á, lại có tình hữu nghị truyền thống, và quan hệ chính trị gần gũi, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế cùng có lợi. Hai bên đang hợp tác có hiệu quả trong một loạt các lĩnh vực như vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, giáo dục, văn hóa, v.v. Cả hai bên vẫn còn có nhiều kế hoạch và nhiều tiềm năng để khai thác để có nhiều hợp tác song phương hơn nữa trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối hàng không, dầu khí, nông nghiệp, trao đổi chuyên viên, du lịch, v.v. Hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp để tối đa hóa sức mạnh của mỗi quốc gia. Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho Ấn Độ để đa dạng hóa nguồn cung cấp đầu vào cho ngành dệt và hàng may mặc, hóa chất và các ngành công nghiệp khác của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Ấn Độ về nông nghiệp, ngư nghiệp và tận dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ của Ấn Độ. Đặc biệt, chúng tôi muốn nắm bắt cơ hội của chương trình cải cách lớn của Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ Modi khởi xướng gần đây, kể cả “100 thành phố thông minh” và “Làm ở Ấn Độ”.

DRC: Làm thế nào Ấn Độ và Việt Nam có thể mở rộng hợp tác quốc phòng và đối tác chiến lược và các lĩnh vực hợp tác mới là những gì?

NTD: Trên cơ sở hợp tác và đối tác chiến lược tốt, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp để đẩy hợp tác xa hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, và các vấn đề kinh tế, và đồng thời mở rộng hợp tác trong ngành hàng không, du lịch, khoa học-công nghệ, văn hóa và giáo dục, trong các lĩnh vực khác.

Các hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước đã có những tiến triển tốt, đặc biệt về thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, nâng cao khả năng, chống tội phạm. Hợp tác quốc phòng và an ninh được coi là một trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm này, tôi sẽ thảo luận và đồng ý với giới lãnh đạo Ấn Độ về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy và tối ưu hóa tiềm năng và sức mạnh của cả hai bên.

DRC: Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ ngày càng tăng. Trong những lĩnh vực nào, ông nghĩ, là Việt Nam và Ấn Độ có thể phát triển?

NTD: Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác trong thăm dò dầu khí và khai thác từ năm 1988. Hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã ngày càng được phát triển. Các công ty Ấn Độ như ESSAR và Tổng công ty Dầu và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ là đối tác tích cực và hiệu quả của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích của các công ty Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực này.

Các mối quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được tăng cường trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau qua các chuyến thăm trao đổi và các cuộc họp ở tất cả các cấp và tất cả các kênh. Đặc biệt, từ khi thành lập đối tác chiến lược từ năm 2007, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là trên những trụ cột của hợp tác song phương như chính trị, thương mại và đầu tư, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, văn hóa và giáo dục. Hai nước đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau, và đang cố gắng để đạt được các mục tiêu thương mại song phương ở mức 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: We will discuss concrete steps to boost defence ties with India: Vietnam PM Nguyen Tan Dung. Dipanjan Roy Chaudhury, ET Bureau, Oct 28, 2014