Đọc “Danh Nhân Trong Lịch Sử” của Phạm Văn Tuấn

Trịnh Bình An

stevejobsMột câu chuyện có thật được kể lại như sau: Một em nhỏ người Mỹ cỡ chừng 6, 7 tuổi, sáng ra được mẹ dặn: “Tomorrow, we gonna go to pick apples”. Chiều gặp bố, em nhỏ hớn hở khoe: “Daddy, Mommy said tomorrow I would get a computer”. Mẹ em nói “trái táo”, em nhỏ cũng nghĩ “trái táo”, có điều trái táo của mẹ chỉ giá 80 xu, còn “trái táo” của em giá tới… 800 đô – Apple Laptop!

Danh nhân. Nguồn: Cỏ Thơm.
Danh nhân trong lịch sử. Nguồn: Cỏ Thơm.

Mẩu chuyện vui trên cho thấy một thực tế: nhân loại đã tiến những bước vạn dặm trên nhiều lãnh vực mà công nghệ thông tin chỉ là một. Cỗ máy computer đầu tiên có kích thước to như căn phòng lớn và chỉ những chuyên viên cừ khôi mới được quyền đụng tới, chưa đầy 70 năm sau, chỉ còn là một cái laptop nhỉn hơn cuốn vở một chút và đến đứa con nít cũng biết cách xử dụng. Lịch sử nhân loại sở dĩ phát triển được như thế là nhờ con người là loài động vật biết suy nghĩ. Và trong số hàng tỉ tỉ “homo sapiens” này lại nảy sinh những con người vượt trội hẳn lên về tài năng cũng như nghị lực, họ được người đời xem là những danh nhân . Bộ sách “Danh Nhân Trong Lịch Sử” Tập I & II của tác giả Phạm Văn Tuấn chọn lọc và trình bày về một số danh nhân mà cuộc đời và sự nghiệp đã có tác động mạnh mẽ đến lịch sử nhân loại.

“Danh Nhân Trong Lịch Sử” – Tập I chú trọng giới thiệu các lãnh tụ chính trị nổi tiếng từ Đông sang Tây: từ Julius Cesar, đến Từ Hy; từ Adolf Hitler đến Mao Trạch Đông; từ Charles de Gaulle đến George Washington. Những nhà lãnh đạo này – dù đem lại hòa bình hay chiến tranh, đều là những người xây dựng được cả một thể chế bền vững trong một thời gian dài và có tầm ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong phạm vi đất nước của họ mà lan rộng đến cả những nước khác. Dù có được xưng tụng “anh minh” hay bị chê bai “tàn bạo”, không ai có thể phủ nhận rằng những lãnh tụ này là những con người vượt bậc mà nếu không có họ lịch sử thế giới hẳn đã không diễn ra như đã diễn ra.

Cuộc đời và sự nghiệp của các lãnh tụ luôn gợi nhắc tới một câu hỏi: “Anh hùng tạo Thời thế hay Thời thế tạo Anh hùng?” Cụ thể hơn là thắc mắc về sự vận động của ba yếu tố: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Hãy lấy trường hợp Adolf Hitler làm ví dụ. Vào năm 1932, các nhà chính trị hàng đầu và dân chúng Đức thời bấy giờ đã không muốn giao chức vụ quan trọng cho Hitler vì họ hiểu rằng Hitler sẽ trở nên độc tài với tham vọng thao túng toàn nước Đức. Nhưng cuối cùng, vì tình hình rối ren trong nước, vì lời khuyên của bạn bè và con trai, Thống Chế Von Hindenburg đã chấp thuận cho Hitler đứng ra tổ chức chính phủ với lời hứa Hitler sẽ hành động hợp pháp. Năm 1934, Thống Chế Von Hindenburg qua đời, Hitler nắm trọn quyền cai trị nước Đức, đã tàn sát hơn 10 triệu người và gây ra cuộc Đệ Nhị Thế Chiến.

Trong trường hợp vừa kể trên, Hitler đã không đạt được nhân hòa lúc ban đầu còn thiên thời và địa lợi khá mờ nhạt, nhưng ông ta vẫn kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, đồng thời tìm cách thu phục lòng người. Và khi dịp may đến, Hitler đã chộp ngay lấy và phát huy sức mạnh của sự tụ hội cả ba yếu tố “đúng lúc, đúng nơi, đúng người” để tạo thành một sức công phá khủng khiếp. Điều này ít nhiều gì đều từng xảy ra ở các lãnh tụ khác, đó là khi thiếu một trong ba yếu tố thiên-địa-nhân, hoặc không có cả ba, như Stalin từng bị đi đày tận Siberia, Mao Trạch Đông phải tháo chạy trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Franklin Roosevelt từng bị bệnh bại liệt cả hai chân, v.v. Nếu theo dõi toàn bộ diễn trình hoạt động của các vĩ nhân, ta sẽ thấy cách vận dụng ba yếu tố thiên-địa-nhân của họ rất đặc biệt. Ở đó thất bại chính là cơ hội. Gặp xui (không có thiên thời) chưa phải là hết, nghèo khổ (không có địa lợi) chưa phải là hết, một khi vẫn còn một yếu tố chủ chốt là con người, là niềm tin vào chính bản thân. Yếu tố “nhân hòa” xét cho cùng là biết “hòa” với chính mình, không nghi ngại, không mâu thuẫn với chính mình; Niềm tin tuyệt đối vào bản thân tự nó đã là một sức mạnh và tạo ra một sức hấp dẫn tới người khác, để rồi từ đó dẫn tới sự hưởng ứng của đám đông.

Trong khi Tập I đem lại nhiều dữ kiện cho thắc mắc “Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa” thì Tập II cho thấy tính tất yếu của diễn trình “Thành-Trụ-Hoại-Không”.

“Danh Nhân Trong Lịch Sử”-Tập II giới thiệu các danh nhân chủ yếu thuộc ba lãnh vực: khoa học kỹ thuật, âm nhạc và hội họa mà tên của một số người giờ đây rất quen thuộc trong đời sống thường ngày như Diesel, Goodyear, Nobel, Pasteur, Chopin, Van Gogh, Picasso, v.v. Cuộc đời và sự nghiệp của các khoa học gia, họa sĩ và nhạc sĩ tài ba này có sự gắn bó chặt chẽ tới hoàn cảnh xã hội và trào lưu tư tưởng của thời đại và khu vực mà họ đã sống. Hãy thử tưởng tượng tương lai của chàng thanh niên phóng khoáng Albert Einstein sẽ ra sao nếu cứ mãi sống giữa Hàn Lâm Viện Berlin – đa số là người cao tuổi và thường tự coi mình là quan trọng. Nếu như Einstein không qua được Hoa Kỳ hẳn ông khó có kết quả xứng đáng.

Cùng với các phát minh khoa học kỹ thuật là sự đổi mới quan niệm về cái đẹp trong âm nhạc và hội họa. Các nhà nghiên cứu đã dùng danh từ “cổ điển” và “lãng mạn” để phân biệt các tác giả, tác phẩm và thời kỳ. Trong khi các quy tắc cổ điển chú trọng đến tính trật tự, sự cân bằng, thì trường phái lãng mạn lại ca ngợi tính tự do, sự say đắm. Các cải tiến kỹ thuật vào thế kỷ 19 đã tạo cho đàn dương cầm có một khung căng dây đàn đúc bằng gang với các dây đàn cứng cáp hơn, tạo ra các âm thanh linh hoạt từ nhẹ tới mạnh. Nhờ đó, Liszt đã trình tấu các bản nhạc thuộc trường phái lãng mạn khác với các bản sonate của Mozart trong thế kỷ trước. Về hội họa, trường phái Ấn Tượng với Monet, Renoir,… chủ trương tự do mô tả thiên nhiên một cách trung thực theo cảm nhận của nghệ sĩ. Tuy ban đầu bị chỉ trích, chế diễu, thậm chí loại bỏ, cuối cùng vẫn chinh phục được người thưởng ngoạn vì phản ánh đúng sự rung động tự nhiên của con người.

Sự chuyển đổi từ trào lưu “cổ điển” sang trào lưu “lãng mạn” biểu hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân khoa học, âm nhạc, hội họa cho thấy tính tất yếu của sự vận động “sinh ra, lớn lên, già đi, và chết” của những trào lưu tư tưởng. Những danh nhân tuy có trí tuệ, tài năng, cá tính hơn người nhưng còn phải biết đi cùng hướng với cuộc tiến hóa tư tưởng. Họ không thể “duy ý chí” đi ngược các quy luật tự nhiên vì xã hội con người cũng chỉ là một bộ phận của toàn thể thiên nhiên.

Bộ sách “Danh Nhân Trong Lịch Sử” Tập I&II nếu biết khai thác sẽ đem lại những dữ kiện hữu ích giúp trả lời những vấn đề khá phức tạp trong cuộc sống vì các danh nhân xét cho cùng vẫn chỉ là con người và cũng trải qua nghịch cảnh của con người. Nhà văn Albert Camus từng nhắn nhủ: “Đừng đi sau tôi, vì tôi không là người dẫn. Cũng đừng đi trước tôi, vì tôi không là người theo. Nhưng hãy đi cạnh tôi, vì tôi sẽ là người bạn”. Hãy để sách cạnh bên, hãy mở đọc, và bạn sẽ thấy mình thật may mắn vì đã có rất nhiều người bạn là những Danh Nhân trong Lịch Sử.

Tác giả Phạm Văn Tuấn sinh năm 1936, là cựu sinh viên vĩ cầm Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và Phân Khoa Âm Nhạc Đại Học Ohio, Hoa Kỳ, hiện cư ngụ tại Virginia, USA.

Tác phẩm đã xuất bản:
Danh Nhân Và Sự Nghiệp, Tập I, II, III. (NXB Tân An – HTĐ, 2003).
Khoa Học Và Thám Hiểm, (NXB Tân An – HTĐ, 2003).
Nhà Văn Và Tác Phẩm, Tập I & II (NXB Cỏ Thơm – VA, 2014).
– “Danh Nhân Trong Lịch Sử”: Tập 1: 503 trang, tập 2: 510 trang; mỗi tập $20, kể cả cước phí bưu điện (trong nước Mỹ).


Bài do tác© giả gởi. DCVOnline minh hoạ.
Liên lạc: Mr. Tuan V. Pham, 13870 Rembrandt Way, Chantilly, VA 20151,  [email protected]

1 Comment on “Đọc “Danh Nhân Trong Lịch Sử” của Phạm Văn Tuấn

  1. u00d4ng Albert Camus ru1ea5t … khu00f4n. u0110i tru01b0u1edbc cho ngu01b0u1eddi khu00e1c theo sau thu01b0u1eddng ru1ea5t cu00f4 u0111u01a1n, u0111i theo ngu01b0u1eddi khu00e1c thu01b0u1eddng ru1ea5t chu00e1n. Coi lu1ea1i, u0111i bu00ean cu1ea1nh lu00e0 dzui nhu1ea5t.