Giáo Hoàng Francis từ chối hội kiến với Đạt Lai Lạt Ma

Alan Cowelldec | Trà Mi lược dịch

pope_dalailama_afpLONDON – Hội nghị của những người từng nhận giải Nobel Hòa Bình khai mạc tại Rome hôm thứ Sáu, đã lu mờ vì cuộc tranh cãi với Vatican qua những bản tin cho rằng Giáo Hoàng Francis đã từ chối không hội kiến với Dalai Lama, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1989, vì sợ mất lòng Trung Quốc.

Dalai La ma và GH John Paul II. Nguồn AP Photo/Gianni Foggia
Dalai La ma và GH John Paul II đã gặp nhau 8 lần. Nguồn AP Photo/Gianni Foggia

Hành động của Giáo hoàng Francis, theo tin của các hãng thông tấn và các đệ tử của Đạt Lai Lạt Ma, cho thấy Trung Quốc đã thành công trong nỗ lực cô lập người lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, người được coi là một trong những đối thủ chính trị chính của Bắc Kinh.

Cuộc họp mặt những người đoạt giải Nobel Hòa bình ban đầu dự định sẽ diễn ra tại Cape Town vào tháng Mười, nhưng chính phủ Nam Phi của Tổng thống Jacob G. Zuma, đang có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, từ chối cấp chiếu khán cho Dalai Lama, nay đã 79 tuổi.

Quyết định của chính phủ Nam Phi đã đưa đến cuộc tẩy chay của người những người đoạt giải Nobel khác. Tổng Giám mục Desmond M. Tutu, người Nam Phi được giải Nobel Hòa bình năm 1984 vì đã đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, đáp lại hành động của ông Zuma bằng lời tuyên bố là ông “xấu hổ khi phải gọi đám người xu nịnh này chính phủ của tôi”.

Phát ngôn viên của Vatican, linh mục Federico Lombardi, được trích dẫn trong các bản tin hôm thứ Năm nói rằng “Giáo Hoàng Francis rõ ràng rất trọng Đạt Lai Lạt Ma, nhưng ông sẽ không gặp bất kỳ người đoạt giải Nobel Hòa Bình nào cả.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên cho biết, Giáo hoàng Francis sẽ gửi một thông điệp bằng video đến hội nghị.

Đạt Lai Lạt Ma được cơ quan thông tấn ANSA của Ý trích dẫn cho biết hôm thứ Năm rằng ông đã bị từ chối một cuộc hội kiến với Giáo Hoàng “vì nó có thể gây ra những điều bất tiện”.

GH Francis, giống như người tiền nhiệm, GH Benedict XVI, muốn có mối quan hệ tốt hơn với chính quyền Trung Quốc. Từ năm 1951 Trung Quốc đã cắt quan hệ ngoại giao với Vatican và muốn thành lập một chi nhánh Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã ngoài tầm kiểm soát của Vatican.

Đạt Lai Lạt Ma đã không có một cuộc hội kiến nào với giáo hoàng kể từ khi cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng Benedict vào năm 2006 [Hội kiến lần này được Vatican giữ kín, không có hình ảnh cuộc đàm đạo của hai người lãnh đạo tinh thần của TCG và dân Tây Tạng].

Hội nghị những người nhận giải Nobel hòa bình tại Rome đã được lên kế hoạch hai ngày sau khi giải Nobel Hòa bình năm 2014 được trao tại Oslo cho Malala Yousafzai, nữ sinh Pakistan bị Taliban bắn vào đầu vào năm 2012, và cho Kailash Satyarthi, một người Ấn Độ vận động cho quyền của trẻ em.

Trong bài phát biểu nhận giải Nobel, cả hai đã nhắc đến những người nhận giải trước đó như Nelson Mandela, người đã được trao giải thưởng năm 1993 cùng với FW de Klerk, Tổng thống người da trắng cuối cùng của Nam Phi, nhưng cả hai đều không nhắc đến Đạt Lai Lạt Ma.

Những người nhận giải Nobel Hòa Bình hủy bỏ cuộc họp ở Cape Town, dự định để kỷ niệm ông Mandela ngay trước ngày giỗ đầu tiên của ông.

Theo Agence France-Presse Jody Williams, người nhận giải Nobel Hòa Bình 1997 cho cuộc vận động đưa mìn (địa lôi) ra ngoài vòng pháp luật nói,

“Đây là điều rất đáng lo ngại cho tất cả chúng ta. Chúng tôi hy vọng có thể tán dương di sản của Nelson Mandela, nhưng đã không thành công vì lý do chính trị; thật là rất bi thảm.”

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Pope Declines to Meet With Dalai Lama. By ALAN COWELLDEC. The New York Times, 12 Dec., 2014