Lời người ra đi

Hoa Kinh

thuyennhanMượn lời bài ca của nhạc sĩ Trần Hòan (lúc chưa làm quan) để gửi đến một bạn gái trẻ mà có thể chẳng bao giờ quen

Bỉa bản nhạc "Lời người ra đi" của Trần Hoàn. Nguồn: OntheNet
Bỉa bản nhạc “Lời người ra đi” của Trần Hoàn. Nguồn: OntheNet

Tui và Bình vào Đại học cùng một khóa. Lúc ấy chưa có … đại trà Đại học như bây giờ. Khóa chúng tôi có độ gần 20 chục mạng thôi. Bình học giỏi lắm nhưng khổ nỗi ông bố lại là công chức từ thời mồ ma thực dân Pháp đâu ngòai Hải dương, nên tuy Bình thi được điểm cao là 25/30 nhưng không “được” đi Liên Xô. Mà gia đình thì giàu có chi đâu, bà mẹ phải bán thêm … nước đá bào… ở khu vực trước chợ Đũi hồi … “chiến tranh chống Mỹ” để trang trải thêm cho gia đình. Còn tui thì cũng trầy trật lắm vì hổng biết mần răng mà Ban tuyển sinh tỉnh tui lại xếp cái lý lịch của tui đứng hàng thứ 11 trên 14 hạng, trong khi bố mẹ tui cũng chỉ là viên chức quèn!

Cùng khóa cũng có mấy bạn thuộc thành phần cơ bản. Tui còn nhớ có một bạn kia nghe đâu con một cán bộ nào đó ở bệnh viện Từ Dũ, bạn ấy lớn hơn tụi tui đến ba bốn tuổi vì thi lần đầu bạn ấy không đủ điểm nên phải vào một lớp gọ là dự thính để chuẩn bị đại học. Năm sau bạn ấy lại cũng chẳng đủ điểm, nhưng khá hơn một chút nên được vô một lớp gọi là dự bị. Lớp này thì coi như chắc ăn rồi, chỉ phải tốn thêm một năm nữa thôi. Mà tất cả các lớp … Dự… ấy thì phải là thành phần cơ bản thì mới được học. Sau này tui mới biết cái đó gọi là chính sách ưu tiên công nông trong công cuộc đấu tranh giai cấp gì đấy.

Rồi cả hai đứa tui cũng mon men đến ngưỡng cửa học thức để có thể trở thành… trí thức xã hội chủ nghĩa! Tụi tui hân hoan lắm, “người ta” cũng đối xử tốt với những thành phần …. “không có công với cách mạng” đó chứ!

Trong ngày đầu tiên ở Đại học tụi tui được thầy Chiêu phụ trách sinh viên đón. Thầy còn rất trẻ, dáng người nho nhã, nói năng khúc chiết rõ ràng. Chúng tôi rất có cảm tình với thầy.

Cũng trong ngày đầu tiên tại trường chúng tôi được nếm cơm ký túc xá. Cơm có màu đen, đen thực sự chứ không phải đen bóng đen gió. Mà cũng lạ, sau đó chúng tôi nếm trải mấy năm trời cơm sạn, canh tòan quốc,… nhưng không thấy lại màu đen đó nữa. Mấy chục năm nhìn lại tui tự hỏi cái màu đen năm ấy là đen của màu sắc trong ánh sáng thiên nhiên hay là đen là do tâm lý của anh bạn trẻ lần đầu xa gia đình??

Mấy ngày sau nghe hai thầy cô nói chuyện với nhau trong Văn phòng khoa:

– Thầy: Thằng Chiêu đến Indonesia rồi.

– Cô (thở dài): Nó là con gia đình cách mạng đó chứ!

Phải một hồi sau tui và Bình mới hiểu ra là thầy đi… vượt biên… rồi!

Cái từ vượt biên lúc ấy gieo vô đầu óc non nớt của tụi tui một tiếng vang lớn lắm.

– Thầy nói tiếp: nó có nhắn về là nó phải đi vì nó thấy bế tắc

– Cô ….

Độ vài tháng sau lại nghe lỏm được hai cô giáo nói chuyện với nhau trong hành lang.

– Ủa còn ở đây à??

– Cũng không biết tính sao nữa!

– Tính gì! Bây giờ cái cột đèn nó biết đi nó cũng đi mà.

Cô giáo … chưa biết tính sao … đó tên là Tú, và phải cả chục năm sau tui mới gặp lại cô Tú trong hành lang Đại học Concordia thành phố Montresal, Québec!

————–

Rồi năm tháng trôi qua, chúng tôi ra trường. Tui đi theo tiếng gọi … con tim sang bên kia bờ đại dương. Bình đi làm cho một công ty nhà nước, rồi bỏ nhà nước ra làm cho tư nhân, vì lúc ấy đã có Pê Trét Trôi Xka rồi. Hắn vốn giỏi giang nên ăn nên làm ra khá lắm. Bố hắn thì đã định cư ở San Jose nhưng hắn nói với tui là  hắn ở lại Việt nam vì cuộc sống cũng OK, mình có mong muốn gì hơn đâu.

Rồi hắn cưới vợ. Trong cú phone báo tin vui hắn kể thêm chuyện thầy Long. Thầy Long vốn học ở Ba Lan dạy tụi tui hồi năm thứ hai.

– Bình: Ông Long đi luôn rồi mầy!

– Tui: Đi đâu? Ổng hình như đâu có bà con chi bên Mỹ!

– Bình: Mầy dốt quá ổng ở lại Ba Lan. Trước khi đi ổng có gặp tau, ổng nói là ổng được qua Ba Lan dự hội nghị gì đó rồi ổng sẽ ở lại luôn. Ổng nói là bên đó bây giờ có Công đòan đòan kết, khá rồi!

…..

– Tui: Còn mày thì sao? Đi hay ở?

– Bình ngần ngừ:… tao thấy cũng ok! Mấy hôm nay thằng công an khu vực nó hành lên hành xuống cái vụ hộ khẩu của vợ tau.

– Tui: chắc là….

– Bình: chắc thế, nhưng chắc tau lo được. Bây giờ hai vợ chồng lớn rồi qua bển làm gì được nữa.

Năm sau bé Nhiên ra đời, chuyện hộ khẩu của vợ Bình rồi cũng xong. Tui thì bận rộn cuộc mưu sinh nơi xứ người nên cũng bẳng đi một thời gian chẳng liên lạc được với Bình.

Rồi một hôm điện thọai tôi réo lên với số gọi từ San Jose. Tôi đóan chắc là ông cụ bố của Bình gọi điện tâm tình gì đây.

Trong ống nghe vang lên tiếng thằng bạn nối khố năm xưa.

– Tau nè

– Ủa sao bảo không đi?

– Bé Nhiên đi học cấp hai rồi mày.

– Đi học thì sao? Hồi đó tụi mình cũng đi học!

– Lúc đó tụi mình chưa biết hết nhiều chuyện!

– …….

– Người ta cứ bắt nó gọi một ông cụ hơn nó cả trăm tuổi bằng bác, rồi nó học cái gì gì là giai cấp công nông gì đấy rất là lu bu.

– Ơ kìa hồi đó chẳng phải mình cũng chơi hết bộ các môn chính trị gì gì đó à?

– Hồi đó mình biết gì đâu, bố mẹ lại lu bu đủ chuyện. Bây giờ mình có sự lựa chọn thì phải khác chứ. Tóm lại là… tau không thích!

DC tuyết trắng, Jan 6, 2015
DC tuyết trắng, Jan 6, 2015

DC tuyết trắng Jan 8, 2015


Nguồn: Lời người ra đi. Hoa Kinh Facebook, January 8, 2015 at 8:12am