Tam Kỳ, quên trong nỗi nhớ

Phan Hội Yên

vietnam_quangnamTôi chỉ ở Tam Kỳ hai năm để học xong lớp đệ nhị và đệ nhất, mỗi năm học một trường mà sao có thật nhiều lưu luyến, có thật nhiều bạn hiền lành, dễ thương. Hai năm, tôi dong ruổi theo bạn bè xuôi Kỳ Hà ngược Tuy Phước, ra Hà Lam vô Chu lai… Đi đâu cũng bị gọi là “thằng trọ trẹ” mà thấy rất thân tình.

Xe đò Phi Long. Nguồn: Corbis.

Trên chuyến xe đò Phi Long Tiến Lực, tôi giã từ Huế với rất nhiều tiếc nuối để đến Tam Kỳ theo bước chân lưu lạc của ba tôi về nhiệm sở mới. Bến xe mới, như tên gọi lúc đó, một mảnh ruộng vừa đổ đất đỏ loe hoe vài chiếc xe vắng khách bên những hàng quán tạm bợ, xiêu vẹo bụi mù. Dạo đó, khoảng năm 1964, Tam Kỳ của tôi không khác xa ý tưởng về một chốn lưu đày xa lạ.

Chưa rút được học bạ cũ, Ba tôi xin cho tôi vào học Tư Thục Đức Trí, trường thuộc quyền quản trị của Giáo Xứ Tam Kỳ. Hiệu trưởng là Cha Du, thầy Sáu tên Đán làm giám thị. Lớp đệ nhị là lớp lớn nhất lúc đó, và chỉ có một lớp cho cả hai ban A và B chung một sinh ngữ chính là anh văn. Lần đầu tiên học tại một lớp chung cho cả nam lẫn nữ sinh tôi cũng bị “khớp”. Nhất là bị bạn học gọi là thằng “trọ trẹ”. Lúc ở Huế, danh từ “trọ trẹ” chúng tôi thường dành cho “Học trò trong Quảng ra thi”, nay tôi ở Huế vào cũng bị liệt vào hàng ngũ “trọ trẹ”. Ừ thì sao cũng được rừng nào cọp nấy.

Các giáo sư điều từ trường Trần Cao Vân đến dạy. Có thể tôi không nhớ hết tên các thầy cô và các bạn lúc này, nhưng vừa viết vừa nhớ. Ký ức sẽ không bao giờ phai nhạt khi ta vẫn thỉnh thoảng hồi tưởng, nhớ nhung. Cha Du vừa là hiệu trưởng, vừa phụ trách môn công dân giáo dục. Các bài giảng của Cha, phần lớn giống các bài giảng nhà thờ, vì tôi vẫn thường nghe mỗi ngày chủ nhật. Có lần trong bài tập về nhà, Cha cho làm thuyết trình “Con người sẽ đi về đâu”. Đề bài không dính dáng gì tới công dân giáo dục. Nếu theo đúng bài bản của một tín hữu, tôi sẽ phải viết về cõi hằng sống,về ơn cứu rỗi… chắc sẽ được điểm cao. Không biết ai xui khiến, tôi làm thẳng hai trang về cát bụi, như Chúa phán, “cát bụi sẽ trở về cát bụi”. bài trả về lớp với một chữ duy nhất của Cha: “Hỗn”. Từ đó, mỗi lần gặp Cha, Cha dí ngón tay trỏ vào trán tôi: “lạy Chúa, con chẳng hiểu ý Cha” nên tôi né. Thầy Vàng dạy Việt văn và Pháp văn. Tôi lại quên tên thầy dạy toán. Thầy ốm và cao, đeo mắt kính trắng, đi xe đạp Peugeot.

Cầu Tam Kỳ (cũ). Ảnh: Nguyễn Thăng
Cầu Tam Kỳ (cũ). Ảnh: Nguyễn Xuân Thăng

Trường Đức Trí nằm trên đường Phan Chu Trinh, khoảng giữa từ ngã ba Trần Cao Vân đến cầu Tam Kỳ, bên kia đường có một quán cơm gà không tên, quán không tên nhưng lúc nào cũng tấp nập khách. Phải nói, cơm gà của quán ngon đáo để, hay tại tôi “đường xa mắt mờ” trong mưa phùn gió bấc khi phải đạp xe đi học từ khu cư xá công chức bên cạnh tòa hành chánh tỉnh đến trường. Tôi nhớ không lầm khoảng năm sáu cây số. Một đĩa giá năm đồng, riêng tôi và Thắng, bạn cùng lớp có giá đặc biệt hai đồng, cơm vàng ngậy, bốc khói, nước miếng tứa ra từng chân răng. Dĩ nhiên là chỉ cơm không thôi, không có thịt gà. Lâu lâu hên, gặp Việt Cộng đắp mô, xe đò không lưu thông được, quán ế khách, chị chủ quán thấy hai đứa tôi vào, chưa kịp máng áo mưa là đã cười: “Hôm nay xe đò bị tăng bo ngoài Hà Lam, chị ế khách, hai em có thêm mỗi đứa một cái đầu gà.”

Nói thêm về Thắng, bạn tôi một chút. Không biết bây giờ bạn đang ở đâu, và cũng không chắc bạn còn nhớ tên tôi, chúng tôi chơi với nhau rất hợp. Thắng cao, gầy, trắng trẻo, nhà ở bên kia đường rầy xe lửa khoảng hai cây số trên đường Trần Cao Vân nối dài, vài lần theo về nhà, vượt qua khỏi đường rầy là đã thấy ớn lạnh, ba tôi nói khu vực đó nhiều Việt Cộng. Thắng thì trấn an… “Không chi mô, mi với tau, mình còn đi học, ai làm chi mô mà sợ.”. Hình như nhà Thắng có một quán tạp hóa và vườn chè, nhiều ổi. Mẹ Thắng rất ân cần mỗi khi tôi đến chơi. Nói theo “Tự Lực Văn Đoàn” thì nếu Thắng có thêm một cô em gái, tôi có thể trở thành nhân vật nam ở Hà Nội, chiều thứ bảy lên mạn ngược thăm những đồi chè và thăm ai đó…

Tôi chưa được gặp ba của Thắng, Thắng nói ổng đi lính, tôi không tin, nhưng cần gì biết thêm, một đĩa cơm gà không thịt hai đồng vài ba lần một tuần đủ làm tình bạn của chúng tôi đơn sơ và thấm thía. Nếu Thắng có đọc mấy dòng lang thang này thì cứ nhớ thử thằng bạn trọ trẹ học lớp đệ nhị Đức Trí tên gì?

Lớp tôi có Cẩm Thạch, Nữ và Ngọc Dung, ba người bạn dễ chịu và dễ nhớ tên. Xin lỗi các bạn khác không còn nhớ tên, khi nhắc lại những nghịch ngợm, học trò vô thưởng vô phạt.

Nữ em của Luận, nhà ở ngay ngã ba Phan Chu Trinh-Huỳnh Thúc Kháng, theo ngôn ngữ bây giờ, Luận thuộc hàng “Đại Gia”, có chiếc Honda dame màu đen, ống bô chỉa thẳng lên cao, “Đại Gia” độc nhất của Tam Kỳ thời đó, đi học bằng Honda, nhưng không bao giờ chở em gái. Nữ, mái tóc dài rất đẹp, lớp chỉ có hai bàn, chừng mười nữ sinh ngồi phía trước. Tôi ngồi bàn ngay sau đó, tha hồ làm thơ, vì chỉ thấy sau lưng, nên thơ chỉ có tóc, tóc thề… tóc mây… tóc mai… tóc liêu trai… tóc ma quái. Tóc của Nữ “Mượt mà như dòng sông vào thế kỷ”… Tóc của Cẩm Thạch “ quanh co như đường vào thế kỷ”… Tóc của Dung là… “mây lang thang vào thế kỷ”… Mấy tờ giấy ném lên, bị ném trở lại với gạch chéo…”Dở”.

Ngọc Dung người Huế, có răng khểnh, ốm, đi học mặc áo dài hay áo đầm đều đẹp. Em của Dung là Oanh, học đệ tứ Đức Trí. Ba của Dung cùng làm việc với Ba tôi ở Tòa hành chánh Tỉnh Quảng Tín. Buổi sáng đi học, tôi hay ghé nhà Dung, chờ bác gái cho ăn cơm chiên với lạp xưỡng rồi cùng nhau đạp xe đến trường. Dung bão tôi phải gọi Dung bằng chị, tôi cũng ngoan ngoãn thưa chị, dù Oanh làm lơ, mặt vác lên trời.

Cẩm Thạch, ở Pharmacie Cẩm Thạch, một trong hai nhà thuốc tây lớn nhất Tam Kỳ hồi đó. Cô này con nhà giàu, đẹp, xe Jeep nhà binh đậu chờ trước cổng trường phải nói là “hàng hàng lớp lớp”, mặc kệ, cặp sách trước ngực, áo dài trắng thanh thản tan trường. Nhiều xe Jeep quá, xe nào cũng có súng nên chẳng xe nào dám theo. Đám bạn học chúng tôi chỉ là “Con nít”. Con nít, nhưng cũng tức chứ, dù chẳng làm được gì.

Có lần trong giờ ra chơi, tụm nhau đám đông chuyện vản, tôi chợt hỏi:

– Nè Thạch, cho tôi nhéo một cái được không?

– Chi vậy?

– Nhéo để thẹo à nghe!

– Chi vậy?

– “Dấu vết của anh, thèm khát của chồng” (1)

– Đồ quỷ.

Nhà thuốc tây bên kia là Ngọc Lan, bên cạnh nhà sách Nam Ngãi, qua một cây cầu nhỏ. Ở đây có một nhân vật tôi đã mang vào “văn học sử” với bài tạp ghi trên tờ Nghệ Thuật của Mai Thảo – Viên Linh, ký tên Vương Đằng Mai.

“… Bóng tôi đổ xuống dòng nước ngoằn ngoèo như một thân cây khô, thân cây đó muốn ngã xuống đời L vĩnh viễn”

và bài thơ tôi lén để vào hộc bàn…

“Anh đứng đầu cầu ngu như loài cỏ dại
Hứng hết mặt trời, đốt cháy cõi dân gian
Để biết đâu em sẽ qua như là gió
Vướng hạt tro buồn
Cay mắt tiểu thư.”

… Bi ai thống thiết như thế, nhưng không ngã xuống được bèn gượng dậy làm “nghệ sĩ”.

Bác Nam Ngãi, nhà in và nhà sách, mấy lần khuyến khích tôi in truyện ngắn, Bác nói Bác sẽ không tính tiền in. Tôi cũng ham lắm, cũng hứa với Bác… “Cháu cố gắng viết đủ trang sẽ nhờ Bác giúp”. Tôi viết cả năm năm ngay cả khi đã nhập ngũ vẫn chưa có trang nào, gặp Bác một lần ở Sài Gòn, Bác vẫn còn nhắc lại. Tôi không có cơ hội nhờ Bác in sách, nhưng Bác giúp bán thiệp chúc tết do tôi vẽ. Chỉ một mẫu thiệp xuân năm đó, tôi vẽ được khoảng năm trăm tấm, bán hết Bác cho tôi một ngàn năm trăm đồng. Tôi đem về khoe với Thu, em gái tôi, số tiền lần đầu tôi kiếm được. Cho đến bây giờ, tôi vẫn buồn vì đã không mua cho em món quà nào, để rồi vĩnh viễn tôi không còn cơ hội mua quà tặng em.

Thu học lớp đệ lục Trường Nữ. Trường này nằm trên con đường không tên, gập gềnh sỏi đá, nối bến xe mới với tòa hành chánh tỉnh. Em viết một truyện ngắn rất dễ thương “Hai Chi Em”- đăng trên Tuổi Hoa, ký tên là “Phạm Thị Mùa Thu”.

Nói chuyện vẽ thiệp xuân, nếu không có Quang, một mình tôi không làm hết. Quang đã từng học chung với tôi năm đệ nhất ở trường Tương Lai – An Lỗ – Huế. Sau bao nhiêu năm không liên lạc, lại tình cờ gặp nhau ở Tam Kỳ. Ba Quang theo quân ngũ, giống Ba tôi đời công chức, rày đây mai đó. Nhà Quang là xưởng vẽ của tôi, hai đứa nằm “chùm hum” trên sàn nhà tô vẽ. Nói là vẽ, nhưng thật ra chỉ là “đồ” lại và tô màu, hình nửa khuôn mặt thiếu nữ, nữ cành hoa lan tím và một nét kim tuyến vàng trên nửa mái tóc. Một cuộc “cách mạng” thiệp xuân ở Tam Kỳ trước “Mai lan cúc trúc- Dây pháo cành nêu”. Xin cám ơn Bác Nam Ngãi.

Chuyện văn nghệ văn gừng của tôi suýt chút nữa thì gây họa cho bạn bè, khi xin trường cho mượn phòng học ngày chủ nhật thành lập bút nhóm. Buổi họp khoảng chục tên, có Nguyễn văn Ngọc, Tân ở nhà sách Nhật Tân, một số bạn học ở hai trường Trần Cao Vân, Đức Trí. Tôi không nhớ có XL và Hồ Phú Trường hay không.
Với nhiều dự định thật to tát. Trước hết, xin Bác Nam Ngãi giúp in một đặc san ra mắt, sau đó là ấn bản hàng tháng với tên gọi chất chứa nhiều hoài bảo: “Đối Tượng – Tập san của những người mới tới”. Mới tới, có nghĩa là mới bước chân vào viết lách, chứ nào có đi đứng đâu đâu mà tới.

Vậy mà hai ngày sau, buổi tối, khi tôi đang ngồi làm bài thì Ba tôi đưa cho tôi một xấp giấy, nét chữ quen quen. Biên bản buổi họp bút nhóm Đối tượng – Do Nguyễn Văn Ngọc ký tên Tổng thư ký, tôi làm trưởng nhóm, Trương Phùng Nga làm thủ quỹ. Ba tôi nói của bên An Ninh quân Đội hỏi, lo học hành đi, đừng nghe lời bè bạn. Tôi xanh mặt, vậy là trong đám bạn bè ngồi với mình cũng có đứa chỉ điễm. Mà tụi tôi đâu có làm gì ngoài viết lách nhăng cuội. Tôi báo cho Ngọc và Phùng Nga biết để dẹp tiệm. Bạn bè dại dột nghe lời tôi thì có, chứ tôi nào có nghe ai bày vẽ.

Ngọc học Trần cao Vân, dưới tôi một lớp, nhà trên đường Huỳnh Thúc Kháng, đối diện nhà Phùng Nga, gần trại thiết giáp. Bài thơ đầu tiên đăng trên tạp chí Văn của Trần phong Giao viết về chiến tranh và những hệ lụy đớn đau, về những chiếc huy chương và đàn quạ xác người…Tôi không nhớ hết nguyên văn. Sau nầy, thơ của Nguyễn văn Ngọc xuất hiện nhiều trên Văn và Văn Học, tôi nằm mơ cũng không với tới.

Ở Tam Kỳ, đã dính dáng chút đỉnh tới thơ văn mà không nhắc tới nhân vật nầy là một thiếu sót đáng tiếc: Hiệp Mai Hạc, không biết đi đâu, lâu lâu về một lần, tuy phải ngồi xe lăn thường trực, nhưng vói dáng dấp rất nghệ sĩ và thân tình, Hiệp rất dễ gần gũi. Tôi hay gọi Anh Hiệp. Chúng tôi chưa đọc được bài nào của anh, nhưng không vì thế mà bớt đi lòng kính trọng. Anh nói chuyện về các tòa báo ở Sài Gòn và các cây đại thụ văn học gần gũi, hiểu biết. Bài vở chúng tôi gởi về, anh đều có đọc qua trước khi lên khuôn?

Năm tôi học đệ nhất Trần cao Vân, lại thấy TNS, thằng bạn văn nghệ ở Huế ngồi uống cà phê với Hiệp. Gặp tôi, S chỉ nói bị bắt quân dịch nên vào đây trốn, bây giờ đang kẹt. Tôi lén ba tôi, bán phức chiếc xe đạp, đâu được năm trăm, giao hết cho hắn. Tôi chẳng cần biết hắn làm gì, “tha hương ngộ cố tri”, gặp bạn lâm nạn, không giúp, không phải là “nghệ sĩ”. Trong thời gian ở Tam Kỳ, S viết “Cắn trong răng một mặt trời” đăng trên tờ Nghệ Thuật.

Lúc còn ở Huế,TNS và tôi cùng viết chung cho nhóm “Phượng Ngàn”, cũng chỉ là tờ báo viết tay, lúc đó, S đã có nhiều bài trên các tạp chí ở Sài Gòn, và với chúng tôi, làm việc và chơi với S là một vinh dự, S viết lục bát dưới tên Nguyễn thị Tú Hồng. Truyện và tùy bút với tên thật. hành tung bí ẩn, không biết chính xác ở đâu, học trường nào. Nhóm Phượng Ngàn có TNS, tôi, Tuế, Diệp, Quyền và nhiều bạn khác ở Tây lộc, Huệ An, không nhớ có TVS hay không? Ba Mẹ chúng tôi đều là công chức, quân nhân và mù mờ biết S hoạt động cho phía bên kia, chúng tôi vẫn gần gủi, thân thiết. “Nghệ thuật vị nghệ thuật” mà. Đọc văn của S, ai lại không biết sớm muộn gì cũng nhảy núi, có điều, lục bát của S thì hay tuyệt. Nay S đã mất, tôi không muốn nói thêm về “hậu vận” sau ngày kéo màn, nhất là sau sự kiện “tạp chí Sông Hương”.

Khoảng năm 1985, sau khi tôi trở về từ trại cải tạo, lại gặp Hiệp mở quán cà phê ở Tân Định, khách lui tới cũng toàn văn nghệ sĩ cũ mà tôi biết, kể cả TCS, ĐC, MĐT.

Đã nhắc tới Mai Hạc thì không quên chuyện của thầy Quân dạy pháp văn và chị X chị của Hiệp, học với thầy. Tôi cũng chỉ nghe đồn đoán, nay viết ra đây, nếu đúng, xin chúc mừng Thầy Cô. Nếu sai, học trò xin lỗi thầy Quân và chị X tôi quên tên. Tôi tiếc đã không biết rõ hơn để thêu dệt một chuyện tình có hậu, hay hơn “Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng là cái chắc.

Sau khi tôi “mất” xe đạp, Ba tôi giao cho tôi chiếc Mobylette vàng mà Ba thường xử dụng để tôi đi học. Cái xe nầy mới sinh chuyện với “đám con nít” trường Nữ Trung học. Đối với tôi, phương tiện đi lại dù xe đạp hay Mobylette cũng chỉ là phương tiện. Tôi không so ke hay xin ba tôi điều gì, tôi biết lương công chức của Ba, nuôi sáu cái tàu há mồm ăn học đã là một việc quá sức Ba. Chiếc Mobylette là tài sản quý nhất mà Ba giao cho tôi,… Nhưng thà đi xe đạp còn sướng hơn…

Chiếc Mobylette vàng. Nguồn: OntheNet
Chiếc Mobylette vàng. Nguồn: OntheNet

Như đã nói ở trên, nhà tôi ở cư xá công chức, ngay bên cạnh tòa hành chánh tỉnh. Tôi có ba con đường để đi học, xa nhất, đi thẳng từ tòa hành chánh ra Quốc lộ một. Xa nhì phải băng qua cồn cát, qua khu định cư, vào khu Nam, ra đường Huỳnh thúc Kháng. Và gần nhất, đi qua trường Nữ Trung Học tới đường Phan chu Trinh.

Dĩ nhiên, tôi phải chọn đường gần nhất mà không tính tới cái đám yêu ma qủy quái đang rình rập trên balcon trường Nữ Trung Học, không tính tới cái mobylette quái đản của tôi. Đường thì gập ghềnh đá cát, trống trơn không một bóng cây…lại ngược gió. “Con ngựa già của Chuá Trịnh” (tên một tác phẩm của Nguyễn mạnh Côn) chiếc mobylette của tôi bắt đầu trở chứng khi vào khu vực trường nữ. Cũng tội, con ngựa đã quá già, gió từ biển thổi vào như phong ba bảo tố, thế là chàng ta ù lì ra không chịu chạy, tôi phải mở thêm động cơ phụ, nghĩa là hùng dũng đứng trên bàn đạp… và cong đít, đạp. Hì hục hơn đạp xe đạp. Có biết đâu rằng, cả một balcon áo trắng đang chăm chú theo dõi hoạt cảnh miễn phí….cho đến khi xe đủ trớn đễ tôi thở phào nhẹ nhỏm thì òa lên một tiếng reo, tiếng reo như khi sinh hoạt Hướng Đạo…Tiếng reo được điều khiển nhịp nhàng, thánh thót, chanh chua, hung bạo, tinh quái…đắc chí. Tôi không còn chữ nào để diễn tả… “Mô …Bi…lét… Mô …Bi…lét… Mô …Bi…lét…” cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi tôi khuất dạng đầu ngã ba Phan chu Trinh, lưng ướt đẫm mồ hôi, mặt tái nhách vì quê độ.

Tôi tưởng chỉ một lần rồi thôi, ngày sau và ngày sau nữa cũng thế, tôi đành chịu thua. Thu, em tôi đi học về còn nhịp tay… “Mô …Bi…lét… Mô …Bi…lét… Mô …Bi…lét…” Chị N đứng một đầu, chị P đứng một đầu làm quản trò cho tiếng reo điên tiết đó. P và N, ừ lạ gì hai con bé học đệ tứ!… thôi tránh voi chả xấu mặt nào, đi qua khu Nam cho nó mát.

Tôi chỉ ở Tam Kỳ hai năm để học xong lớp đệ nhị và đệ nhất, mỗi năm học một trường mà sao có thật nhiều lưu luyến, có thật nhiều bạn hiền lành, dễ thương. Hai năm, tôi dong ruổi theo bạn bè xuôi Kỳ Hà ngược Tuy Phước, ra Hà Lam vô Chu lai… Đi đâu cũng bị gọi là “thằng trọ trẹ” mà thấy rất thân tình. Tôi còn nhiều bạn chưa kịp nhắc tên…như Mười và Kim Tiền, như Oánh, Dũng, Chiến Phú Lộc… và nhất là cô bé chung đường về mỗii chiều tan học…Nhàn phải không?… và còn nhiều thật nhiều. Làm sao mình được gặp nhau đây các bạn?

Denver, Nov 2009


Bài do tác giả gởi, đã đăng trên DCVOnline bộ cũ, Tháng 10, 2010. DCVOnline minh hoạ.
(1) Tên một tác phẩm của Lệ Hằng