Về các tờ báo Hành Trình, Đất NướcTrình Bầy (I)

Nguyễn Văn Lục

baomiennam3Sau biến cố chính trị 1963 mà người ta tin rắng đã chấm dứt được một chế độ độc tài, mở đường cho một chế độ mới thông thoáng hơn với sự góp sức của mọi người đáp ứng được nguyện vọng của dân tộc.

Nhận định, đánh giá về các tờ Hành Trình, Đất NướcTrình Bầy cũng như nhóm trí thức cộng tác với các tờ báo trên (Phần I)

Bối cảnh chính trị sau 1963

Sau biến cố chính trị 1963 mà người ta tin rắng đã chấm dứt được một chế độ độc tài, mở đường cho một chế độ mới thông thoáng hơn với sự góp sức của mọi người đáp ứng được nguyện vọng của dân tộc.

Nhưng theo Nguyễn Văn Trung trong lời mở đầu của tập san Hành Trình, ông nhận thấy chỉ có cảnh tranh chấp, dành dật, thay đổi liên tiếp các chính quyền mà hậu quả là người dân mất tin tưởng, chán ghét thứ chính trị xôi thịt mà hậu quả là sự sụp đổ hoàn toàn sắp tới(1).

Nhưng nếu đặt mình vào cái hoàn cảnh chính trị thời đó tại các nước Âu Châu, nhất là Pháp, người ta sẽ thấy khuynh hướng chính trị tả phái như một phong trào đang lên. Thanh niên trí thức Pháp cũng đều nhuộm mầu tả phái qua các báo như Les temps modernes, L’humanité, Esprit, v.v. Các trí thứcViệt Nam như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần từng đã có cơ hội tiếp xúc, đọc tài liệu về các trào lưu tả phải đó. Họ đã chắc chắn bị ảnh hưởng cách này cách khác.

Tạp chí Hành Trình

Trước tình hình chính trị rối beng ở miền Nam sau 1963, với tư cách một người trí thức cầm bút, tự nhiên họ nghĩ họ có trách nhiệm và thấy cần phải làm một cái gì. Sau những bữa ăn hội họp thường là do Trịnh Viết Đức, chủ nhà in Nam Sơn đài thọ.

Họ nghĩ tới phải ra một tờ báo. Nguyễn Văn Trung được coi là người cầm bút có tiếng trong giai đoạn nảy, đại diện anh em đứng xin phép ra báo. Ông có xin phép ra một tạp chí nhằm góp phần nhằm đặt ra những vấn đề căn bản cho một miền Nam sắp tới. Giây xin phép đã lâu, nhưng thủ tục hành chánh rườm rà, kéo dài đến hơn một năm.

Về điểm này truy lục ra, người viết thấy rằng, Bộ Tâm Lý Chiến, ở số 79-81 đường Phan Đình Phùng trong một lá thư đề ngày 9-12-1965 có giải thích rằng

Nguồn: NVL
Nguồn: NVL

[…] Trước đây Bộ Thông Tin có cho phép ông Nguyễn Văn Trung xuất bản một đặc san lấy tên là ‘Hành Trình’ bằng công văn số 7149-BTT-BCI ngày 1-12-1964. Đặc san này không xuất bản nên giấy phép đương nhiên bị thu hồi, mất hiệu lực sau 1 tháng kể từ ngày ký công văn. Như vậy đặc san Hành Trình hiện lưu hành là bất hợp pháp. […] Ký tên: Vũ Văn Diên.

Thật ra, ông Nguyễn Văn Trung và nhóm trí thức, phần đông thuộc giới công giáo, đã quyết định cho ra tờ Hành trình, ấn bản in ronéo vào tháng 10-64, nghĩa là trước khi có giấy phép chính thức hai tháng. Có nghĩa là quyết định cứ làm dù không có giấy phép thì chấp nhận in lậu. Mà in dưới đạng in ronéo, in chui nên vượt rào, không cần phép tắc gì cả.. Về điều này, họ đã bắt chước theo gương nhà văn Thế Phong thời đó đã in rất nhiều tải liệu về văn học của ông dưới dạng quay roneo. Nó qua mặt Bộ Thông tin dễ dàng.

Việc in báo chui nó gây thích thú và phấn khởi nơi những người làm báo và gây tò mò muốn biết của giới thanh niên sinh viên. Tự nó, chui là cái gì đáng để đọc.

Chính vì thế mà tờ Hành Trình bị tịch thu. Cũng chính vì thế mà ông Hoàng Văn Nguyên, giám đốc Nha Thông tin báo chí đã mời ông Nguyễn Văn Trung đến Nha Thông tin báo chí, 10 giờ sáng ngày thứ hai 27-12-1965 về việc xuất bản và phát hành tờ Hành Trình(2).

Cùng với một số trí thức miền Nam –trăn trở trước tình hình đất nước– thấy không thể ngồi yên. Họ thấy cần làm một điều gì, thấy cần lên tiếng và nhất là thấy cần phải bầy tỏ một thái độ nhập cuộc, phải dấn thân không thể ngồi trong tháp ngà của suy tưởng lý thuyết suông như trước nữa.

Trong số trí thức ấy có hai người là các ông Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung chủ trương tờ Hành Trình vào tháng 10-1964 và sau này tờ Đất Nước.

Nguyễn Văn Trung (1930-) và Lý Chánh Trung (1928-), hai người chủ trương báo <Hành Trình. Nguồn: OntheNet & tatrungtravinh.blogspot
(T) Nguyễn Văn Trung (1930-) và (P) Lý Chánh Trung (1928-), hai người chủ trương báo <Hành Trình. Nguồn: OntheNet & tatrungtravinh.blogspot

Do vị thế trí thức của họ với giới sinh viên, họ thu hút được một số trí thức khuynh tả và giới trẻ đi theo họ. Báo bán chạy ngoài sự mong đợi của họ. Theo Trịnh Viết Đức, người chịu trách nhiệm in ấn cho người viết hay lúc đầu chỉ in có 100 số Hành trình. Báo bán chạy quá nên Trịnh Viết Đức phải in đến 1000 bản. Thiếu lại in tiêp. Báo Hành Trình đã được in lại từ các số 1, 2, 3, 4, 5, 6. Chưa kể có một số độc giả mua báo dài hạn. Mỗi số đề giá 50 đồng, một số tiền không nhỏ. Người chịu trách nhiệm phát hành là anh Thành -một tay chuyên môn lo chuyện này- và có sự hỗ trợ của nhà văn Thế Nguyên. (Thế Nguyên tác giả cuốn truyện ngắn Hồi Chuông tắt lửa, sau này ngả theo cộng sản).

Báo chở xe Lambretta ba bánh đi phát hành nên có khi bị tich thu trọn vẹn. Thảo Trường, nguyên là thiếu tá an ninh quân đội đành vượt luật lệ nhà binh dùng xe Jeep chở báo. Nhờ thế, không ai dám khám xét.

Cái không khí làm báo như thế nay họ ngồi nhắc lại, họ vẫn lấy làm hãnh diện. Mặc dầu thừa biết rằng nó đem lại cái lợi cho cộng sản.

Trong số các cộng tác viên của tờ Hành Trình, điểm mặt thì phải nói thẳng ra trong thời điểm ấy chưa có cộng sản thâm nhập vào. Mặc dầu cái vẻ bề ngoài của nhóm có vẻ như thân Cộng, Nhưng tự thâm tâm như Trịnh Viết Đức bày tỏ cho hay rằng: Thằng nào cũng sợ cộng sản hết. Sợ mà vẫn có vẻ như ngả theo.

Danh sách trí thức viết cho Hành Trình gồm một số linh mục như Đỗ Phùng Khoan, tức linh mục Nguyễn Huy Lịch, Võ Hồng Ngự, tức nhà thơ Diễm Châu, Trần Trọng Phủ, tức nhà văn Thế Nguyên.Trương Cẩm Xuyên, tức linh mục Trương Đình Hòe, Hương Khuê, tức linh mục Trương Bá Cần, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Trần Văn Toàn, các nhà văn như Thảo Trường, Thái Lãng, Nguyễn Vũ Văn, Lê Tất Hữu, Thế Uyên, Trịnh Viết Đức, chủ nhà in Nam Sơn, người tài trợ cho việc in ấn. Trong số những người kể trên, sau này có một số ngả theo cộng sản, điều mà mọi người không dự đoán trước được.

Ngoài ra còn có nhiều tác giả gửi thơ, truyện ngắn mà Hành Trình không có điều kiện đăng tải nên đã trích dẫn tóm tắt trong mục: Trao Đổi – Đối Thoại. Trong đó có tên nhiều người như Nguyễn Quốc Thái, Lê Uyên Nguyên, Vân Đỳnh, Bùi Khải Nguyên.

Trong lời nói đầu của tờ Hành Trình có ghi như sau:

– Không thể tìm ra một lối thoát thực sự nếu không dám đụng đến những nguyên nhân sâu xa là nguồn gốc tình trạng đang rơi vào suy sụp hoàn toàn. Tạp chí Hành Trình ra đời nhằm phê phán đến tận cùng những nguyên nhân sâu xa đó, để góp phần tìm ra một lối thoát thực sự và hiệu nghiệm.”(3)

Tờ báo mặc dầu chỉ kéo dài được hơn một năm, số chót tháng sáu, 1966 đã có một tiếng vang cả trong lẫn ngoài nước cũng như dư luận Hoa Kỳ và ngoài Bắc.

Báo hành Trình, số sau chùng. Nguôn: viet-studies.info
Báo hành Trình, số sau cùng, tháng Sáu 1966. Nguồn: Viet Studies

Bắt đầu từ số 5, tờ Hành Trình đặt ra những câu hỏi đi rất sát với thực tế miền Nam, nhắm phê phán các tổ chức tôn giáo, các cuộc tranh đấu, biểu tình, các giải pháp quân sự, vai trò các tôn giáo.. và yêu cấu người đọc tìm các câu trả lời trong tờ Hành Trình.

Cái ý tưởng sau đây là rất hay, mạnh tính tuyên truyền cao, có tác dụng gây ý thức. Sáng kiến này do nhà văn Thảo Trường nghĩ ra và được mọi người đồng ý, cho in ở bìa sau tờ báo kể từ số 5.

Chẳng hạn có những câu như những khẩu hiệu gây tác dụng mạnh nơi người đọc:

Sau khi đã tranh đấu – đã cách mạng – đã biểu tình – đã đảo chánh – đã lật đổ – đã hành quân – đã thuyết pháp – đã cầu nguyện – đã hội thảo –  đã thụt két – đã hành lạc – đã đập phá – đã đau khổ – đã hy sinh – … và đang mỏi mệt … Chúng tôi đề nghị:

Tìm đọc Tạp chí Hành Trình

Để nhìn lại hình ảnh thực sự của mình-Để nhìn lại hình ảnh thực sự của đồng bào mình – để tìm lại đường lối thực sự của mình – để tìm lại tương lai thực sự của mình- để tìm lại khát vọng thực sự và chính đang của mọi người.

Những vấn đề đặt ra rất rốt ráo có tính cách phê phán triệt để và toàn diện. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng các ngươi chủ trương Hành Trình đã không đủ khả năng để tìm ra được một đường lối, một lối thoát khả thi. Nó chỉ là những suy nghĩ cá biệt mang tính thăm dò, thử nghiệm mà sau này hiểu ra được đó chỉ là suy nghĩ không tưởng của một số trí thức thành thị có lý tưởng, có lòng hăng say muốn làm một cái gì..

Nhưng thực tế, nó gây ảnh hưởng trực tiếp nơi một số giới thanh niên, tạo thêm những ảo tưởng chính trị, những đám mây mù chính trị, tạo ra một số tin tưởng cho giới thanh niên dấn minh vào tranh đấu.

Tờ Hành Trình qua Nguyễn Văn Trung đã nhân được thư từ của một số thanh niên đã đi bưng, viết lại vì sao họ đã chọn lựa con đường tranh đấu đó.

Chẳng hạn có một lá thư của một học sinh đang học lớp Đệ nhất đi vào bưng gửi một thư từ biên giới ngày 8-1-1967 về cho giáo sư Nguyễn Văn Trung.

Nội dung lá thư có những đoạn:

‘Sau nhiều tháng băn khoăn, khắc khoải, qua những điều mắt thấy tai nghe, bằng kinh nghiệm sống bản thân và nhất là qua những thôi thúc, châm ngòi bởi những ‘Nhận Định’ (tác phẩm của NVT), khai phá dưới hình thức văn chương của giáo sư và một vài tác giả cách mạng khác, tôi đã đi đến một quyết định cuối cùng, dứt khoát: cầm súng, về với quần chúng đông đảo đang làm lịch sử, đào thoát một day dứt, một bế tắc nội tâm và cũng là để chứng tỏ câu nói của giáo sư với người Mỹ ‘Việt Nam không phải là Phi Luật Tân, còn người Việt Nam cuối cùng là còn chiến đấu’(4).

Chằng những thế, ngay trong hàng tướng lãnh miền Nam có Thiếu tướng Lê Nguyên Khang cũng có nét đồng thuận với Hành Trình, tướng Lê Nguyên Khang viết cho Nguyễn Văn Trung như sau:

Kính anh,

Tôi đã nhận được số báo anh gửi tôi, tuy chưa đọc kỹ, nhưng tôi thấy không thể không đồng ý được, vì vấn đề đã quá rõ rệt rồi.

Còn việc gọi vào Thủ Đức khóa 21 có nhiều sự lộn xộn lắm. Nếu anh rảnh, mời anh tới chơi, tôi sẽ nói rõ. […]

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh không phải chỉ súng đạn là giải quyết được cộng sản trên đất nước này. Mong gặp anh nói chuyện nhiều hơn.

Thân. 17-6-1965.

Nguồn: NVL
Nguồn: NVL

Trong các số Hành Trình, có cả những thanh niên Mỹ sang Việt Nam như trường hợp David G. Marr. Ông này sau là sử gia viết cuốn Viet Nam 1945, The Quest for Power. Ông vừa tốt nghiệp đại học sangViệt Nam đã cho dịch những bài báo của Nguyễn Văn Trung và cho đăng trên các báo Mỹ và các cơ quan truyền thông của công giáo Mỹ như các bài: “War, Peace, and Revolution” hoặc bài “Our problems: Ourselves”.

Trong số những bài viết phản biện có các bài từ Miền Bắc lên tiếng sớm nhất như bài: “Từ Chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, thực chất và huyền thoại đến Hành Trình”, của Phong Hiền, tháng 4 năm 1965 và bài của Tam Thanh, “Đọc Nhận Định 4 của Nguyễn Văn Trung”.

Người viết xin được bỏ ra ngoài những phê phán của các tác giả ngoài Hà Nội.

Phía VNCH có bài nhan đề: “Phê bình quan điểm Cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung”, Nguyễn Văn Bảy, Sài Gòn 10-1967. Bài này thật ra là của nhóm Nguyễn Trọng Văn theo cộng sản lấy tên Nguyễn Văn Bảy để qua mặt mọi người nên miễn đề cập tới.

Về quan điểm chủ trương hình thành Một chủ nghĩa xã hội không cộng sản được Nguyễn Văn Trung trình bày trong cuốn Nhận Định 4. Quan điểm này khó có thể đứng vững trước hai thế lực cộng sản-tư bản. Phải chăng con đường thứ ba này chỉ là tránh né tất cả những mũi dùi nhắm tới từ hai phía? Không thể có quan điểm trung lập đứng giữa mà trong tình thế cực đoan, chẳng đặng đửng, bắt buộc phải chọn lựa đứng về bên này hoặc bên kia.

Dứt khoát là như thế! Và bài nữa rất có giá trị là “Nghĩ về một số trí thức ảo tưởng” của Ánh Việt, đăng trên Chính Luận, 10-1971(5).

Bài nhận định phê phán của Ánh Việt này không phải là không có cơ sở. Ánh Việt có thể chỉ là một bút hiệu. Bài viết với lập luận cứng cát, hiểu biết thực tiễn, nắm vững bản chất chủ nghĩa cộng sản và những âm muu của họ. Họ gọi thái độ của nhóm chủ trương Hành Trình là thái độ Con đà điều chui đầu xuống cát. Thái độ không tưởng như đề cập đến vấn đề chiến tranh hay hòa bình, Anh Việt dẫn chứng phê bình Nguyễn Văn Trung trong bài: ‘Cộng sản, người anh em của tôi’ trong tạp chí Đất Nước số 3. Phê Bình Lý Chánh Trung trong bài: ‘Nói chuyện với người đã khuất’, Đất Nước số 14. Phê Bình Trương Bá Cần tán dương miền Bắc trong bài ‘25 năm xây dựng XHCN ở miền Bắc’ trong các số Đối Diện 14, 15, 16. Phê bình Nguyễn Ngọc Lan viết các bài phê phán, chế diễu giới cầm quyền Sài Gòn trên các báo Tin Sáng.

Ánh Việt cho rằng đám trí thức thành phần thứ ba đã chọn một chỗ đứng không đúng chỗ. Có thể nào đứng giữa được không trong cuộc tranh chấp sống còn giữa Quốc Gia và Cộng sản?

Tiếp theo đó, ông Nguyễn Văn Trung với tư cách đại diện cho nhóm trí thức thiên tả đã viết bài trả lời ông Ánh Việt với bài viết: “Nói với ông Ánh Việt, tác giả bài ‘Nghĩ về một số người thức ảo tưởng’”(6) cũng được đăng trên Chính Luận.

Thảo Trường (1936-2010). Nguồn ảnh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Thảo Trường Trần Duy Hinh (1936-2010). Nguồn ảnh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Ngoài ra, Trần Kim Tuyến, không còn có vai trò chính trị gì nữa sau 1963 cũng tán thành một số quan điểm của nhóm Hành Trình, nhưng ông cảnh cáo nhóm trí thức này là có thể làm lợi cho cộng sản. Đó là nỗi sợ duy nhất mà những người quốc gia chân chính mỗi khi làm điều gì cần phải cân nhắc xem có làm lợi cho cộng sản hay không. Điều gì có lợi cho cộng sản thì không làm. Chống hay khen cũng đều cần dựa trên nguyên tắc căn bản đó.

Đặc biệt cho đến sau 1975, còn có những loại trí thức nằm vùng nằm trong MTGPMN lôi câu chuyện 10 năm về trước viết bài nhằm tâng công với cộng sản, Nguyễn Trọng Văn viết bài tham luận nhằm phê phán Nguyễn Văn Trung nhan đề: “Chủ nghĩa xã hội không cộng tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ-Ngụy: Nội dung và ảnh hưởng”. Phần Lữ Phương viết bài: “Mấy ý kiến về các xu hướng gọi là cách mạng xã hội không cộng sản ở miền Nam trước 1975”(7). Cả hai bài này chỉ là những bài viết theo chỉ thị của cộng sản nhằm triệt hạ uy tín cá nhân Nguyễn văn Trung và Lý Chánh Trung sau 1975 nên cũng xin miễn bàn tới.

Tờ báo sau đó đóng cửa không một lời giải thích.

Theo Trịnh Viết Đức thì sau đó ông bị động viên đi Thủ Đức nên không có ai đảm đương việc in ấn và phát hành nên tờ báo phải tạm đình bản.

(Còn phần Kết)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi và chú thích. DCVOnline minh hoạ.

(1) Hành Trình số 1, thang 10-1964, Lời nói đấu , trang 3.
(2) Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ về Tạp Chí Hành trình, 1964-1965
(3) Hành Trình số 1, thang 10-1964.
(4) Nguyễn Văn Trung, sđd
(5) Nguyễn Văn Trung, sđd
(6) Nguyễn Văn Trung, nguyên Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa, bài đăng trên Chính Luận các số 1971, 72,73,74.
(7) Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ về tạp chí Hành Trình, Sài Gòn 1964-1965, nxb Nam Sơn, 2000.

1 Comment on “Về các tờ báo Hành Trình, Đất NướcTrình Bầy (I)