Hồi ký hay truyện ký (I)

Nguyễn Tà Cúc

nhacaTừ Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca đến Mourning headband for Hue của dịch giả Olga Dror: hồi ký hay truyện ký?

Từ trái, dịch giả Olgar Dror trong buổi nói chuyện về quyển Mourning Headband for Hue, ngày 25 tháng 2, 2015 tại Đại Học UC Berkeley.  Trên bàn thuyết trình là Giáo sư Peter Zinoman (Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc Đại học UC Berkeley) và nhà văn Nhã Ca
Từ trái, dịch giả Olgar Dror trong buổi nói chuyện về quyển Mourning Headband for Hue, ngày 25 tháng 2, 2015 tại Đại Học UC Berkeley.
Trên bàn thuyết trình là Giáo sư Peter Zinoman (Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc Đại học UC Berkeley) và nhà văn Nhã Ca

Từ Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca đến Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968 của dịch giả Olga Dror: Hồi ký [account] hay truyện ký [fictionalized account] liên quan đến Văn học Miền Nam và cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế?

“Tôi thề sẽ không bao giờ im lặng khi nào và chỗ nào con người phải cam chịu đau đớn và tủi nhục. Chúng ta phải chọn một bên. Thái độ trung lập giúp kẻ đàn áp chứ không bao giờ giúp nạn nhân. Thái độ yên lặng khuyến khích kẻ khủng bố chứ không khích lệ gì người bị khủng bố …”
– [Elie Wiesel, sống sót nạn Holocaust, trích trong bài diễn văn nhận giải Nobel về Hòa bình, 10 tháng Chạp, 1986]

I. Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca và cuộc giới thiệu bản dịch với cộng đồng ngoại quốc qua Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968 của dịch giả Olga Dror

Tháng chín 2014, Nhà xuất bản Đại học Indiana University Press, Bloomington, tiểu bang Indiana, cho phát hành cuốn Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968 do giáo sư kiêm dịch giả Olga Dror thuộc phân khoa Sử học, Đại học Texas A&M University, tiểu bang Texas, dịch sang Anh ngữ từ cuốn Giải khăn sô cho Huế, Nhã Ca.

Ngày 25. 2. 2015, Đại học UC Berkeley, tiểu bang California, tổ chức một buổi ra mắt sách với sự có mặt của cả tác giả lẫn dịch giả. Bài nói chuyện của Nhã Ca đã được in lại trên nhật báo Việt báo Kinh tế. Trước đó, toàn bộ 50 trang “Lời giới thiệu của dịch giả” [trang xv-lxv, sđd, Anh ngữ] cũng đã được Huỳnh Kim Quang dịch sang Việt ngữ.

Nguyên bản và bản dịch Giải khăn sô cho Huế [GKSCH] đã được vài học giả hay sử gia Hoa Kỳ chuyên về lịch sử và văn hóa vùng Đông Nam Á và Việt Nam khen ngợi một cách nhiệt tình. Giáo sư Shawn F. McHale (1) cho rằng, trong toàn thể số sách về trận chiến Việt Nam, rất ít cuốn được viết bằng kinh nghiệm của người dân, một thứ kinh nghiệm dã man, hung hãn và thảm khốc. GKSCH–một hồi ký bỏng sém và không khoan dung mà tác giả của nó cũng là một chứng nhân đã là một minh chứng thống khổ cho thực tế ấy (2).

Tương tự, giáo sư/dịch giả Peter Zinoman (3) trong ngày giới thiệu bản dịch này tại UC Berkeley [Đại học California tại thành phố Berkeley] cũng đồng ý với giáo sư McHale rằng đó là một cuốn hồi ký:

Cái nhìn của một người dân miền Nam bị kẹt giữa làn đạn của quân cộng sản chiếm thành phố này ba tuần lễ và sự phản công giành lại kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Hồi ký của Nhã Ca còn là chứng liệu về lực lượng võ trang Việt Cộng đã giết thường dân trong những khu vực họ chiếm đóng. [Bùi Văn Phú, “ Sách về Mậu Thân ra mắt độc giả Mỹ”,

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/03/150301_giai_khan_so_cho_hue_in_englis]

Trong khi đó, Nhã Ca, tác giả của nó, cũng tái khẳng định tính chất trung thực của hồi ký này qua lời phát biểu trong ngày ra mắt sách tại Đại học UC Berkeley như sau:

Là người sống sót từ trận chiến Tết Mậu Thân, tôi viết ‘Giải Khăn Sô cho Huế’. Đây không phải tiểu thuyết hư cấu. Cũng chẳng phải văn chương thơ phú. Chỉ là chuyện thật, chuyện chạy bom chạy đạn. Chuyện mình, chuyện người. Mắt thấy tai nghe. Có sao viết vậy…”

[Nhã Ca, “47 Năm Sau Vụ Tàn Sát Tết Mậu Thân Giải Khăn Sô Cho Huế Tới UC Berkeley: Bài nói chuyện tại UC Berkeley vào ngày 25. tháng 2. 2015”. Đăng trên Việt Báo Kinh tế ngày 28. 2. 2015, http://vietbao.com/p112a234271/47-nam-sau-vu-tan-sat- tet-mau-than-giai-khan-so-cho-hue-toi-uc-berkeley]

Tiếp đó, dịch giả Olga Dror cũng có chung một nhận định: bà lập lại nhiều lần quan điểm ấy của tác giả trong Bài Giới thiệu dẫn vào cuốn sách (4):

Tất cả con người và sự kiện trong tác phẩm này đều thực. Nhã Ca cũng là chứng nhân các sự kiện mà bà diễn tả hay nghe về chúng từ những người bà đã gặp trong thời gian trải nghiệm cực kỳ đau khổ. Nó là sự miêu tả hay là tập hợp của những miêu tả được viết ra trong sự tỉnh giác của những sự kiện bi thương[… ] Mục đích của Nhã Ca là mang sự kiện này phô bày ra, để nhắc nhở những hung bạo đã tàn hại thành phố Huế, dân Huế và gánh trách nhiệm. Miêu tả của bà về các sự kiện không bóng bẩy chút nào nên không có sự lừa dối sự thật và vì vậy đây là một trong những giá trị lớn nhất[…] Nó không phải là cuốn tiểu thuyết, không là tác phẩm hư cấu, mà là cuốn sách mô tả không bóng bẩy về các sự kiện như được chứng kiến qua cặp mắt của tác giả và những người chung quanh bà vào lúc đó. Nó cho chúng ta “những bức ảnh chụp tức thì” của cuộc sống bị hủy hoại và vỡ nát ở thời điểm Trận Tấn Công Tết. [Olga Dror-Huỳnh Kim Quang dịch, sđd]

Bởi thế, Olga Dror đã xác quyết về GKSCH một cách mạnh mẽ và rất không dè dặt rằng (5):

Tác phẩm mà bạn sắp đọc […] là một bản tường thuật về các sự kiện đã được chứng kiến qua đôi mắt của tác giả và những người dân khác bị kẹt trong cuộc tấn công vào thành phố Huế trong khoảng từ ngày 30 tháng giêng tới ngày 28 tháng 2, 1968 [trang ix]

Hy vọng rằng những sự kiện này và các yếu tố khác sẽ giúp bảo toàn GKSCH như một tài liệu trung thành với nền văn hóa và quãng lịch sử của thời chiến tranh Việt Nam ấy và để đặt nó vào (vị trí) của một văn kiện cần thiết cho việc tìm hiểu rõ ràng hơn về cuộc tấn công Tết (Mậu Thân) rồi cả cuộc chiến này nữa xuất xứ từ một tiếng nói đương thời [trang xii].

[Olga Dror, sđd-Nguyễn Tà Cúc dịch]

Nhưng chính vì thế, chính vì GKSCH nằm trong một khung cảnh chính trị và thời điểm chiến tranh, người viết đã chú ý đến một vấn đề thập phần quan trọng khác: vấn đề sự thật trong lịch sử, một vấn đề mà chính Dror cũng đã kêu gọi khi chọn cuốn sách này để phiên dịch. Những người như người viết– nghĩa là những người tạm cho là đã có đủ chứng cớ để đặt vấn đề nghiêm trọng về thể loại [ký hay truyện] của cuốn GKSCH — không nêu vấn đề nghiêm trọng này ra chỉ đơn giản vì Nhã Ca không chống Cộng đủ hay không chống Cộng theo ý mình, mà vì hậu quả đương nhiên là văn chương không phải là một chỗ để ngụy tạo lịch sử khiến sự hư cấu lại được đánh tráo hay tán dương nhiệt liệt như hoặc hơn sự thật. Qua mấy lần biên tập, ngoài mấy thay đổi liên quan trực tiếp đến tư cách nhân chứng của tác giả, tác phẩm này lại còn có vài người hầu như được nêu đích danh để bị mô tả hay ám chỉ là những kẻ khủng bố một cách man rợ hoặc sát nhân một cách bệnh hoạn trong một biến cố có một không hai trong chiến tranh Việt Nam: cuộc thảm sát tại Huế, Tết Mậu Thân.

II. Mourning Headband for Hue, hồi ký [“an account”], theo Olga Dror hay Giải khăn sô cho Huế, “tập truyện ký” [a fictionalized account], theo Nhã Ca?

Trước đây, từ những năm 1969 [GKSCH xuất bản lần thứ nhất], 1971 [tái bản tại Sài gòn], 1973 [trả lời ký giả Markham, The New York Times] hay mới đây, 2008 [tái bản tại Hoa Kỳ], Nhã Ca đã nhân danh Giải khăn sô cho Huế để không bao giờ ngần ngại mà phát biểu công khai với cả cộng đồng ngoại quốc lẫn cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, rằng thứ nhất bà chọn thái độ trung lập (“đứng giữa”) trong cuộc chiến Việt Nam vì hai bên Cộng sản (Miền Bắc) và Tự do (Miền Nam) đều “hung hiểm như nhau”. Thứ hai, hơn thế nữa, bà đã kết án dân quân Miền Nam “phải chịu trách nhiệm” về “tội ác tàn phá một thành phố lịch sử là Huế” (1969) hay ghê gớm hơn thế nữa, là phải đeo trên ngực cái án “phải lãnh phần trách nhiệm” về tội “tàn sát” (2008) ít nhất là ba ngàn người dân Huế cùng một số giáo sư đại học hay các nhà truyền giáo người ngoại quốc bằng nhiều cách dã man như đập bể óc, chôn sống v.v.:

[…] Đứng giữa – ‘Tôi không thể là thành viên của bất cứ bên nào’, bà Nhã Ca nói, ‘và hầu hết người Việt Nam cũng đang ở cùng một hoàn cảnh như tôi.’ […] Bà nói thêm: ‘Chúng tôi đang sống trên quê hương của chính mình, mặc dù vậy, ở phía này hay phía kia, đều hung hiểm như nhau/Neutral Stance- ‘I cannot be a partisan of either side,’ says Mrs. Nha Ca […] ‘and most Vietnamese are in the same situation,’ she says, ‘even though we are living in our own country. It is equally dagerous to be with this side or the other side.’…[Nhã Ca trả lời ký giả James M. Markham, “Saigon Writers Finds Everyone Guilty” /Một nhà văn Sài gòn thấy mọi phía đều có lỗi, ngày 19.11.1973 — Giải khăn sô cho Huế, Việt Báo tái bản, 2008, trang 618-619]

Và:

Nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã đổ xuống đầu Huế. Dù do đâu đi nữa, thì cái tội tàn phá và tàn sát ấy đã diễn ra trong thời đại chúng ta và chính thế hệ chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm …

[Nhã Ca, “Tựa nhỏ cho lần in đầu tiên: Viết để chịu tội”, tái bản tại Hoa Kỳ, 2008, trang 28]

Bỏ qua một thói quen rất tai hại của Nhã Ca là phát biểu thay cho người khác [“và hầu hết người Việt Nam cũng đang ở cùng một hoàn cảnh như tôi”], nhưng nếu cuốn GKSCH không phải là một cuốn hồi ký /an account mà chỉ là một cuốn truyện ký /a fictionalized account do chính tác giả của nó công nhận, rồi lại thêm một số vấn đề liên quan đến các sự kiện và nhân sự quan trọng trong đó mà cho đến nay vẫn còn gây thắc mắc, thì liệu GKSCH còn có đáng được xem là “tài liệu trung thành với nền văn hóa và quãng lịch sử của thời chiến tranh Việt Nam ấy và để đặt nó vào (vị trí) của một văn kiện cần thiết cho việc tìm hiểu tốt đẹp hơn về cuộc tấn công Tết (Mậu Thân) rồi cả cuộc chiến này nữa xuất xứ từ một tiếng nói đương thời.” [trang xii, sđd] như Olga Dror kết luận hay không? Và liệu những lời kết án thế hệ quân dân Miền Nam thượng dẫn của Nhã Ca còn có giá trị nào chăng?

Bởi thế, nếu là một cuốn hồi ký, nghĩa là “không phải là cuốn tiểu thuyết, không là tác phẩm hư cấu, mà là cuốn sách mô tả không bóng bẩy về các sự kiện như được chứng kiến qua cặp mắt của tác giả và những người chung quanh bà vào lúc đó/It is not a novel, not a work of fiction, but an unvarnished account of the events as seen through the eyes of the author and the eyes of those who surrounded her at that time.” [Olga Dror, trang lvii, sđd] thì tại sao GKSCH được biên tập ít nhất là hai lần –nghĩa là có thêm bớt, đôi khi một cách hết sức quan trọng– ngay cả sau khi Nhã Ca rời Việt Nam? Nhưng yếu tố quyết định và không thể tranh luận là, ngay từ Sài gòn, thể loại “truyện ký” đã do chính Nhã Ca sử dụng bằng cách phân loại GKSCH vào trang cuối của tác phẩm này khi xuất bản lần đầu tại Sài gòn vào năm 1969, khi nộp đơn rồi nhận giải ba về Bộ môn Văn của Việt Nam Cộng hòa năm 1970 rồi tái xác nhận với ký giả James M. Markham thuộc nhật báo The New York Times trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 19. 11. 1973 và tại Hoa Kỳ mới đây, với phóng viên Mặc Lâm vào năm 2008.

Như thế, đợt xuất bản nào mới chứa đựng sự thực, hoàn toàn sự thực, hay tất cả các lần biên tập này đều chỉ chứa một phần sự thật, một thứ sự thật chỉ được sử dụng để làm nền cho cuốn truyện ký GKSCH khi ngay cả “Tựa nhỏ: Viết để chịu tội” nghĩa là lời giới thiệu của tác giả –đương nhiên không phải là “tiểu thuyết”– rồi ra cũng bị thay đổi? Sự kiện đó có thể làm người ta ngạc nhiên nhưng nếu đặt GKSCH vào lại thời điểm nó xuất hiện và kỹ thuật dựng truyện của Nhã Ca thì có lẽ sẽ không còn gì bí ẩn. Nhà phê bình/nhà báo kỳ cựu/hoạt động chính trị Uyên Thao đã đưa ra một giải đáp tài tình về sự mâu thuẫn từ ngay chính Nhã Ca về truyện ký-bút ký-hồi ký GKSCH: đó là thói quen đưa chính bản thân cùng nhân vật có thật ngoài đời vào tiểu thuyết:

Việc thắt một giải khăn sô cho Huế dù được nhắc tới trước, nhắc tới như một động lực trọng yếu nhưng nó không đóng một vai trò nào đáng kể trong ý thức hình thành tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca. Cái ý thức quyết định chính là ý thức phải ghi lại một cơn biến động mà tác giả ở một vị thế chứng nhân […] Nhã Ca đã nhiệt thành với vai trò chứng nhân của mình tới độ mượn cả những nhân vật thực của xã hội để biến thành nhân vật tiểu thuyết. Trong Một mai khi hòa bình, hồi chánh viên Phạm Thành Tài đã xuất hiện với đầy đủ họ tên, chức nghiệp và với cả hành động tặng hoa cho cô Mai, một nhân vật của truyện[…] Nhã Ca tất nhiên không có thắc mắc trên trong ý thức của một người viết hiện thực. Dụng ý của Nhã Ca có lẽ không ngoài việc biến tác phẩm của mình thành hình ảnh sống động và sống thực…

[Uyên Thao, Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, trang 142-143, Cơ sở xuất bản Nhân Chủ ấn hành, 1973]

Nhận xét của Uyên Thao không khỏi làm người ta liên tưởng đến lý do của Olga Dror khi chọn GKSCH để phiên dịch: “Tính cách sống trong tác phẩm của Nhã Ca là nét độc đáo mà tôi thấy độc giả Mỹ nên tìm hiểu trong lúc này.” [http://damau.org/archives/33014]. Cũng theo Uyên Thao, chính vì hai lý do đó mà GKSCH là một tiểu thuyết:

Trong Đêm nghe tiếng đại bác, trong Một mai khi hòa bình, trong Tình ca trong lửa đỏ, người ta đã bắt gặp sự nhắc lại không ngừng cái tình tiết người tình chết trận của Bóng tối thời con gái[…] Đó là cái kết cho mọi cuộc tình. Đó cũng là cái kết cho mọi cuộc tình trong tác phẩm của Nhã Ca[…] Cực độ thảm kịch đó của Nhã Ca thêm một lần nữa trong Giải khăn sô cho Huế đã được ghi lại qua cái chết của một người lính Mỹ.

[Uyên Thao, sđd, trang 153]

Người viết sẽ phân tích kỹ lưỡng hơn về tính chất hồi ký hay truyện ký này vào một bài khác nhưng hầu như chắc chắn là Nhã Ca không bao giờ chịu công nhận bản GKSCH tái bản tại Hoa Kỳ đã có nhiều điều khác hẳn với hai lần xuất bản tại Việt Nam —thậm chí còn nói với phóng viên Mặc Lâm rằng bà không hề thay đổi chút nào– tuy dịch giả Olga Dror đã lương thiện mà báo cho độc giả biết. Như thế ngoài sự mâu thuẫn về tác phẩm qua mấy lần xuất bản, giữa tác giả và dịch giả cũng có một sự mâu thuẫn nữa về một phương diện sẽ quyết định rất lớn vào việc đánh giá thể loại và bởi thế, nội dung của nó. Đoạn dưới đây được trích trong bài phỏng vấn “ ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’, RFA phỏng vấn Nhã Ca” đã đăng trên Mạng Đài Á châu Tự do, 2.3.2008. [http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/TetOffensive1968/Interview_NhaCa_on_the_occasion_of_1968_Tet_offense_event_MLam-20080203.html]

Mặc Lâm: Xin chị cho biết thêm chi tiết. Trong lần tái bản này, có thay đổi gì đáng phải bàn tới trong tác phẩm, hoặc có điều gì tác giả muốn gửi gấm?[…]

Nhã Ca: […]Như đã thưa với anh, Giải Khăn Sô Cho Huế chỉ là bút ký hoặc truyện ký của một người chạy loạn Tết Mậu Thân tại Huế, kể lại những điều mắt thấy tại nghe[…] Chữ nghĩa đã viết là chuyện đã rồi, có sao để vậy[…]

Nghĩa là, người đọc (và nghe) có thể nhận ra ngay Nhã Ca đã trả lời là bà không hề biên tập lại GKSCH, nghĩa là hoàn toàn mâu thuẫn với sự nhận xét của Olga Dror rằng, có, có thay đổi trong bản tái bản 2008, đến nỗi trung bình ra, mỗi trang lại có nhiều hơn một chữ được thay đổi:

Tôi có thể đoan quyết với độc giả rằng […] nhiều hơn một chữ đã được thay đổi trong bản tái bản; thực tế là, tính trung bình ra, mỗi trang đã được thay đổi nhiều hơn một chữ/I can assure the readers that […]more than one word had been changed in the new edition; in fact, on average, more than one word has been changed on each page.

[Olga Dror, sđd, trang li- Nguyễn Tà Cúc dịch)

Về phần Olga Dror, ngoài dấu hỏi về sự không đề cập chi tiết đến những thay đổi mà bà cho là không quan trọng vào lần tái bản 2008 nhưng rõ ràng có thể gây tranh luận về quyết định ấy, còn phạm nhiều lỗi lầm– có khi có thể dung thứ được hoặc rất trầm trọng đến nỗi khó tưởng tượng được– về nhân sự, về Văn học Miền Nam và còn về một phần lịch sử Cộng đồng người Việt tỵ nạn. Theo sự phán đoán thường tình thì những lỗi lầm kiểu ấy nếu có thể dung thứ được thì đàng khác vẫn là một thái độ khinh xuất rất khó hiểu từ một tác giả đã nỗ lực đưa tiếng nói của Miền Nam ra trước thế giới. Trên hết thẩy, tình trạng này cho thấy, một lần nữa, sự nghiên cứu về Văn học Miền Nam hay/và Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại trong môi trường đại học Hoa Kỳ vẫn còn gặp trở ngại qua sự giới hạn về một kiến thức không phải dễ dàng mà tạo được. Sự khó khăn ấy bắt nguồn từ một thực tế giản dị: cho tới nay, nói chung, nhân chứng từ Văn học Miền Nam và Cộng đồng tỵ nạn người Việt vẫn bị gián cách với văn học và cộng đồng văn chương hay đại học bản xứ. Sự bi quan ấy không phải là một sự xúc phạm tới các giáo sư khả kính hay các giáo sư chúng tôi có nhắc đến danh tính ở đây và nhất là dịch giả Olga Dror. Bà đã nỗ lực tìm tới những người không cùng quan điểm với Nhã Ca, kể cả người viết bài này (6), nhắm trình bày sự đa dạng của vấn đề Quốc-Cộng trong trận chiến vừa qua. Nó chỉ là một nhận xét, có thể bị kết án ngay tại đây là sai lầm, nhưng rất khó tránh khỏi một khi người viết đi sâu vào nội dung của trường hợp GKSCH.

Càng đáng thất vọng hơn, Nhã Ca đã nhân danh những điều thiêng liêng nhất và đã sử dụng di sản văn hóa và lịch sử của không riêng Việt Nam mà còn cả Hoa Kỳ để kết án cả một tập thể hay mạt sát công khai, không phải một lần mà ít nhất hai lần, những người bất đồng ý kiến trong khi chính bà lại là người kêu gọi tha thứ, một sự tha thứ vô điều kiện. Trong buổi ra mắt sách tại UC Berkeley, Nhã Ca– so với tư cách của một tác gia Miền Nam từng đoạt giải Văn học Nghệ thuật, Việt Nam Cộng hòa và được Olga Dror giới thiệu một cách hết sức long trọng như là “một trong những tác gia nổi tiếng nhất của Miền Nam trong nửa thế kỷ sau này”– lập lại lời mạt sát một cách rất phi văn chương trước một cử tọa toàn những thế hệ trẻ hơn đang trên con đường đi tìm sự thực: “Vậy mà cho tới nay, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thấy nghĩ lại.” [Nhã Ca, sđd -Người viết in ngả]

Quan trọng hơn nữa, vào Tết Mậu thân 1968, nếu cuốn GKSCH được gọi là “ký,” có phải quả thật Miền Nam chỉ là một con chó (chết), bất lực như Nhã Ca đã thuật lại trong tác phẩm này như sau:

Mấy người Mỹ đen, Mỹ trắng đứng trên cầu tiếp tục bắn ngăn không cho con chó lội lên bờ. Con chó cứ xa dần bờ, kêu oẳng oẳng, hết sức thảm thương […] Ðoàn người tản cư chạy tới hỗn loạn, kêu khóc rền trời. Tiếng kêu khóc càng to thì tiếng cười của một số người Mỹ bên kia sông cũng càng lớn. Ngã xuống rồi đứng dậy, đứng dậy rồi chúi nhủi. Dân tộc tôi đấy sao? Con chó đang cố lóp ngóp lội vào bờ tìm sự sống đó sao? Ðáng thương cho dân tôi, nước tôi, thân phận người dân không bằng một trò đùa, không bằng một con chó.

[Nhã Ca, sđd, Bản Thương yêu 1969-Sài gòn, trang 463]

Khi nói thế, người viết không có ý ám chỉ Nhã Ca bịa đặt, nhưng việc con chó đó quả có chết đuối như đã được miêu tả một cách rất đau thương và tủi nhục trong GKSCH, sẽ được bàn vào bài khác. Chủ đích của người viết, một lần nữa, ngoài vấn đề GKSCH là “truyện (ký)” như chính tác giả công nhận để đối chiếu với “(hồi) ký” như dịch giả và các giáo sư thượng dẫn đề cập đến, còn muốn nêu lên thêm một sự thật hầu như vắng mặt trong GKSCH và trong lời tựa khiến dẫn đến lời kết tội quân dân Miền Nam của tác giả: trên thực tế và trong lịch sử, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân của Đảng Cộng sản vào Việt Nam Cộng hòa, là một sự thất bại trầm trọng về mặt quân sự. Một nửa dân tộc tại Miền Nam đã chiến đấu như một con mãnh hổ, chứ không bất lực như một con chó con trước họng súng ngoại nhân, để tự vệ và đánh bại một cuộc tấn công không mã thượng. Tuy bị tấn công bất ngờ vì Đảng Cộng sản không tôn trọng sự cam kết hưu chiến trong ba ngày tết 1968, quân lực Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng đồng minh đã chống trả hiệu quả khiến từ quân chính quy Bắc việt tới du kích địa phương đều thiệt hại nặng nề. Ngoài quân lực Việt Nam Cộng hòa, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng đã góp phần trách nhiệm đánh bật quân Cộng sản ra khỏi Huế, nhất là tại Thành nội, nơi xẩy ra cuộc giao tranh ác liệt nhất theo lối “cận chiến trong thành phố/urban warfare”.

Ký giả Nguyễn Tú [1924-2010] — phóng viên chiến trường nhật báo Chính Luận, bị tù sau 1975, vượt biển sang Hoa Kỳ vào năm 1988– theo Chiến đoàn A thuộc Sư đoàn Thủy quân Lục chiến vào ngày 14 tháng 2. 1968 để tường thuật về cuộc giao tranh góp sức chiếm lại Huế với nhiều chi tiết rất sống động. Ông tường thuật về cái chết của chuẩn úy Nhựt:

Gần chỗ cỏ xanh loáng máu đỏ lẫn với bùn, nơi Chuẩn úy Nhựt vừa gục ngã cho công cuộc giải phóng Thành nội, một chiếc mũ sắt nằm trơ, mở một mắt độc nhất thao láo nhìn bầu trời vẩn mây xám, mưa phùn và gió bão. Tôi không biết có phải là mũ của Chuẩn úy Nhựt không. Tôi cúi xuống nhặt. Trên nền vải bọc ngoài đã bạc màu đấu tranh có vẽ hình vài cây lá, mấy chữ ký trông rất phóng túng ngang tàng. Đặc biệt hai bên phía thái dương mũ sắt, 2 giỏng viết nguệch ngoạc từ lâu: “sống bên em, chết bên bạn”. Vô tình, giòng chữ viết chơi kia đối với tôi, lúc đó đã trở nên một khẩu hiệu nặng nghĩa hy sinh âm thầm, lặng lẽ nhất của Đại đội 4, của Tiểu đoàn 1, của cả chiến đoàn A TQLC/VN.

[Nguyễn Tú, “Huế”, Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, Khối Quân Sử-Phòng 5, Bộ Tham Mưu, Quân lực Việt Nam Công Hòa, trang 194-Chủ biên: Trung tá Phạm Văn Sơn]

Cuối tháng 4, 1975, nhiều sĩ quan và binh sĩ Thủy quân Lục chiến tự sát có khi tập thể. Số còn lại hoặc bị tử thương, bị thương hay bị bắt giam. Một số nhỏ thoát đi được nhưng đa số các hạ sĩ quan và sĩ quan đều bị bắt giam hay mất tích. Trong số mất tích có Trung tá Lữ đoàn trưởng (Robert Lửa) Nguyễn Xuân Phúc và Trung tá Lữ đoàn phó Đỗ Hữu Tùng, Lữ đoàn 369- hai sĩ quan chỉ huy đã từng nói rõ “sẽ không bỏ lính”. Như thế, có thể nào dân quân Miền Nam lại phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá cố đô Huế và tàn sát dân Huế như Nhã Ca kết luận trong cuốn GKSCH hay chăng?

III. Cuộc thảm sát và tàn phá tại Huế: Dân quân Miền Nam “phải lãnh trách nhiệm” và phải “chịu tội” (Nhã Ca)?

Trước đó, vào tháng 8. 2014, trong một bài phỏng vấn đăng trên Diễn đàn Da Màu, người phỏng vấn Đinh Từ Bích Thúy đã đề cập trực tiếp đến lời kết tội quân dân Miền Nam của Nhã Ca bằng câu hỏi:

Trong Giải Khăn Sô Cho Huế, ở lời ‘Tựa nhỏ Cho Lần In Đầu Tiên: Viết Để Chịu Tội,’ Cô đã viết, ‘Thế hệ chúng ta, cái thế hệ ưa dùng những danh từ đẹp đẽ phô trương nhất, không những chúng ta phải thắt một giải khăn sô cho Huế, cho quê hương bị tàn phá, mà còn phải chịu tội với Huế, với quê hương.’ Thưa cô, ‘chúng ta’ đây là những ai? Và tại sao ‘chúng ta’ mà không chỉ người Cộng sản, phải chịu tội với Huế?’

[Đinh Từ Bích Thúy, “Giải Khăn Sô cho Huế: Chờ Đợi Một Ngày giỗ Chung cho Việt Nam,” 20.08.2014 http://damau.org/archives/33014-Người viết in đậm]

Nhã Ca đã trả lời câu hỏi đó như sau:

Khi cùng nhau thắp đèn châm nhang – nếu có được ngày ấy – hẳn không phải là lúc để hạch tội tranh công hay đấu tố chụp mũ. Nếp nhà và văn hóa của một dân tộc biết tôn thờ sự linh thiêng, dạy bảo tôi viết vậy. Cũng không chỉ dân tộc Việt, văn hóa Việt mới dạy bảo điều này. Hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chỉ định “một ngày tủi nhục quốc gia” cho nước Mỹ. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung “tội lỗi dân tộc của chúng ta,” cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung, tha thứ. […] Chiến tranh Việt Nam, anh em một nhà bị lừa phỉnh đẩy tới chỗ giết nhau, cũng đã 60 năm, 70 năm. Vậy mà cho tới nay chưa tỉnh. Tại Huế cũng như tại quê nhà và đâu đó trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thể có được một ngày giỗ chung, bàn thờ chung…

[Nhã Ca, sđd- Người viết in đậm]

Phản ứng đầu tiên là một sự sửng sốt: Không ai dám nhân danh bất cứ điều gì dù cao quý đến đâu để đòi hỏi hay bắt buộc nạn nhân phải tha thứ cho kẻ sát nhân. Theo chúng tôi, như thế, Nhã Ca vẫn đã chưa giải đáp được tại sao bà đã kết tội cả một thế hệ của dân quân Miền Nam về cuộc đổ vỡ và thảm sát tại Huế trong “Tựa nhỏ: viết để chịu tội”:

Có nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã nổ và đã tàn phá Huế. Công trình ấy không biết từ đâu, nhưng dù do đâu đi nữa, thì cái tội ác tàn phá một thành phố lịch sử là Huế, chính thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta, phải chịu trách nhiệm…

[Nhã Ca, GKSCH, Thương Yêu xuất bản, 1969, trang 9-10-Người viết in đậm]

Như đã nói trên, khi Nhã Ca cho tái bản GKSCH vào năm 2008 tại Hoa Kỳ, lời kết tội “thế hệ chúng ta” đã phạm “tội ác” ấy còn được thay đổi nhiều hơn một chữ để tội ác “tàn phá một thành phố lịch sử ấy” còn thêm tội “tàn sát” (dân lành) để trách nhiệm đổ lên dân quân Miền Nam còn được xác quyết hoàn toàn hơn nữa:

Nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã đổ xuống đầu Huế. Dù do đâu đi nữa, thì cái tội tàn phá và tàn sát ấy đã diễn ra trong thời đại chúng ta và chính thế hệ chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm. [Nhã Ca, GKSCH, Việt báo tái bản, 2008, trang 28 – Người viết in đậm]

Dĩ nhiên Nhã Ca có quyền đính “cái tội ác tàn phá một thành phố lịch sử là Huế” và “tội tàn sát” lên ngực cả một thế hệ dân quân Miền Nam, và nhận xét rằng cuộc chiến sinh tử giữa Tự do và Độc tài chỉ đơn giản là một cuộc chiến tầm thường khi “anh em một nhà bị lừa phỉnh đẩy tới chỗ giết nhau”. Nhưng, thứ nhất, “thế hệ” dân quân bấy giờ– có nhiều người ngã gục cho sự chiếm lại Huế và bảo vệ quyền tự do phát biểu của Nhã Ca– có muốn lên tiếng tự vệ trước sự kết án ấy hay không, thiết nghĩ Nhã Ca phải tôn trọng sự phát biểu của họ. Đằng này bà tiếp tục bẻ chệch qua “ngày giỗ chung, bàn thờ chung”, là một vấn đề hoàn toàn không mảy may liên hệ gì đến cái “cái tội tàn phá và tàn sát” mà cả một thế hệ dân quân Miền Nam bị kết án cần phải được Nhã Ca giải đáp cho ra lẽ khi được hỏi đến. Thứ hai, ngoài thế hệ bây giờ bị Nhã Ca kết án, còn những thế hệ khác, nhất là thế hệ nhà văn như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã cầm súng chống lại người Cộng sản thì họ có bị “lừa phỉnh” như Nhã Ca quyết đoán chăng? Hãy đọc “Trưởng thành” của Thanh Tâm Tuyền, từ Tôi không còn cô độc:

Anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Khái-Hưng […]
anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Phan-văn-Hùm […]
anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu Tạ-thu-Thâu
mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều
các anh nhớ tôi còn sống
quờ quạng tay dan díu
cách mạng nổ trong sự nín thinh
anh biết vì sao cộng-sản thủ tiêu
vì sao cộng-sản thủ tiêu
vì sao cộng-sản thủ tiêu
Mỗi lần hoàng hôn tôi chỉ là người văn nghệ bé nhỏ
hoặc tôi câm mồm hoặc tôi thét la
mặc chúng dụ dỗ mặc chúng doạ nạt
chúng sợ cách mạng vô cùng
cộng-sản thủ tiêu Hưng Hùm Thâu
[…] mỗi lần hoàng hôn tôi đốt lửa người tôi tới trước
và các bạn tôi
nghĩa là điệp điệp trùng trùng
có ngã xuống còn kịp nói với nhau
chúng mình chết tự do quá chừng.

Hay “Cờ dân chủ” của Quách Thoại, từ Giữa lòng cuộc đời:

[…] Giờ cách mạng hôm nay vừa khởi điểm
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy
Ta sùng kính trời ơi là biết mấy
Suốt trăm năm nô lệ cúi đầu đi
Qua mười năm cộng sản nhét ngu si
Hồn tin tưởng biết tìm đâu chí hướng[…]
Đường rộng mở thênh thang trời dân chủ
Ôi tự do thật vô cùng quyến rũ.

(Còn phần Kết)


Nguồn: Lần đầu tiên xuất hiện trên Tạp Chí Da Màu www.damau.org

“Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa. Da Màu thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.”

Chú thích:

Để thêm công bằng cho Nhã Ca–ngoại trừ những trường hợp cần thiết– chúng tôi sẽ sử dụng bản dịch Việt ngữ của Huỳnh Kim Quang, đã đăng trên Việt báo Kinh tế, khi cần trích dẫn lời giới thiệu của Olga Dror.

* “And that is why I swore never to be silent whenever wherever human beings endure suffering and humiliation. We must take sides. Neutrality helps the oppressor, never the victim. Silence encourages the tormentor, never the tormented. Sometimes we must interfere. When human lives are endangered, when human dignity is in jeopardy, national borders and sensitivities become irrelevant. Wherever men and women are persecuted because of their race, religion, or political views, that place must – at that moment – become the center of the universe.” [Elie Wiesel, sống sót từ trại diệt chủng Auschwitz II-Birkenau với mã số A-7713, http://www.eliewieselfoundation.org/nobelprizespeech.aspx]

(1) Tác giả cuốn Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietam, thuộc Đại học George Washington University

(2)In this searing and unsparing memoir, Nha Ca bears witness to the mindless violence against civilians in war. Her civilian focus is important: in all of the writing on the Vietnam War, too little has been written on the civilian experience of conflict, a conflict that profoundly shaped the lives of millions of Vietnamese. It is important that we read about this violence, and through first-hand accounts: the further we move away from the Vietnam War, and the more we clinically dissect the war in terms of high politics and military strategy, the less we seem to remember that the war, on the ground, could be vicious, brutal, and devastating. A Mourning Headband for Hueis an anguished testimonial to that reality.” [http://www.amazon.com/Mourning-Headband-Hue-Account-Vietnam/dp/0253014174 hay trên bìa sau của Mourning Headband for Hue]

(3) Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu về Đông Nam Á, tác giả cuốn The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940 và dịch giả cuốn Số Đỏ (Vũ Trọng Phụng). Ông cũng là Chủ bút của tạp chíJournal of Vietnamese Studies.

(4)All people and events in this work are real. Nhã Ca either witnessed the events she described or heard about them from people she encountered during the ordeal. It is an account or a collection of accounts written in the wake of the tragic event [page xviii], Nhã Ca’s goal was to bring these events out for display, to remember the atrocities that were committed upon the city of Hue and its people, and to take responsibility for them. Her account of events is not perfectly polished—a quality that usually betrays (and requires) a much greater distance from a traumatic event– and in this lies one of its greatest values” [page xix]. “It is not a novel, not a work of fiction, but an unvarnished account of the events as seen through the eyes of the author and the eyes of those who surrounded her at that time. It gives us “snapshots” of the ruined and scarred lives at the time of the Tết Offensive. [page lvii]” [Olga Dror]

(5)The work you are about to read […] is an account of events as seen through her own eyes and the eyes of other civilians caught in the midst of the Tết Offensive in the city of Hue between January 30 and February 28, 1968 “[ix]. “These and some other elements hopefully help to preserve Mourning Headband for Hue as a faithful document of wartime Vietnamese culture and history and to establish it as a necessary text for a better understanding of the Tết Offensive and of the war in Vietnam from a voice of that time.” [page xii] [Olga Dror]

(6) Người viết cũng nhân đây cảm ơn dịch giả Olga Dror đã trình bày rất chính xác và cẩn trọng phần phát biểu của người viết– liên quan đến trách nhiệm hoàn toàn của người Cộng sản về cuộc thảm sát tại Huế nhắm đối chiếu với phản ứng tự vệ của quân dân Miền Nam bên cạnh sự hỗ trợ xương máu của quân đội Hoa Kỳ– mà bà đã trích dẫn trong phần giới thiệu cuốn Mourning Headband for Hue (trang lxv, Chú thích số 99). Người viết càng cảm ơn hơn nữa nỗ lực của Olga Dror khi, không những đã trưng ra nhiều quan điểm đối nghịch như của người viết, mà còn hướng dẫn độc giả tới những tài liệu hay ấn bản khác có thể giúp họ đi xa hơn trong vấn đề này. Phần người viết, bà đã nhắc tới cuốn luận án Cao học năm 2010 có tên Literary Friends and Foes: The Story of Vietnamese Exiled Writers in the United States, Pennsylvania State University, Harrisburg, PA.

1 Comment on “Hồi ký hay truyện ký (I)

  1. Nu1ebfu tou00e0 du00e2n miu1ec1n Nam u0111u1ec1u u0111au chung cu00e1i u0111au cu1ee7a Huu1ebf tu1ebft Mu1eadu Thu00e2n thu00ec chu01b0a chu1eafc VC thu1eafng u0111u01b0u1ee3c. u0110u00e0ng nu1ea7y ku1ebb u0103n cu01a1m quu1ed1c gia thu1edd ma CS quu00e1 nhiu1ec1u, ku1ebb u0111u00e2m sau lu01b0ng chiu1ebfn su0129 cu0169ng lu1eafm. Biu1ebft lu00e0m sao bu00e2y giu1edd. Quu1ed1c nu1ea1n mu00e0.