40 năm sau

Andrew Lâm | Trà Mi lược dịch

compassionNếu bạn muốn người khác hạnh phúc, thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, thực tập từ bi.” – Dalai Lama

Kỷ niệm lần thứ 40 kết thúc Chiến tranh Việt Nam

Dưới đây là bài phát biểu của tôi năm ngoái tại một trường trung học, nơi học sinh gây quỹ để giúp đỡ nạn nhân bão lụt ở miền trung Việt Nam. Kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam sắp đến vào ngày 30 tháng tư năm 2015, tôi đăng lại bài này để tưởng nhớ. Nó cũng đánh dấu năm thứ 40 tôi ở Mỹ, sau khi chạy khỏi Việt Nam khi còn là một đứa trẻ, hai ngày trước khi chiến tranh chấm dứt.

***

Tôi trăn trở đi tìm những gì đúng nhất để hôm nay nói về Việt Nam và tất cả những kinh nghiệm của chúng ta. Mối quan hệ của tôi với Việt Nam vẫn còn phức tạp, và nó là một quan hệ với rất nhiều mâu thuẫn và không có bất kỳ giải pháp cuối cùng nào. Kinh nghiệm Việt Nam của tôi vẫn không ngừng thay đổi với thời gian.

Tôi rời Việt Nam lúc 11 tuổi, vào giờ cuối của cuộc chiến. Chúng tôi đã mất tất cả khi đến Mỹ, và bắt đầu lại từ điểm thấp nhất. Chúng tôi đã sống đời lưu vong nghèo khó, ở chung nhà với hai gia đình người tị nạn Việt Nam khác ở cuối con đường Mission Street, ranh giới giữa San Francisco và khu phố nghèo ở thành phố Daly. Chúng tôi đã phấn đấu để đi vào tầng lớp trung lưu. Có những lúc chúng tôi đã đau khổ vì những gì đã mất và những nỗi khát khao.

Việt Nam, như một số bạn đủ lớn để nhớ biết, chưa bao giờ là đề tài dễ định lượng được, và không phải là chuyện dễ kể lại. Các vấn đề của Việt Nam tiếp tục thay đổi, nhưng là một người viết và là một người đến từ Việt Nam, tôi tự hỏi, nếu trong rất nhiều văn bản có liên quan đến chữ “Việt Nam”, có phải tất cả chúng ta thực sự đang nói về cùng một quốc gia hay không.

Hãy đọc qua một số tựa của vài bản tin trong những năm gần đây:

  • CNN: “Afghanistan bị ám ảnh bởi hồn ma Việt Nam”
  • London Telegraph: “Barack Obama phải ngừng rùng mình – nếu không Afghanistan sẽ là Việt Nam của chính mình”
  • New York Times: “Tập Hướng dẫn chiến tranh Việt Nam cho Afghanistan”
  • Baltimore Sun: “Afghanistan là Việt Nam của Obama”
  • Global Post: “Cuộc chiến nào của Mỹ dài nhất, Afghanistan hay Việt Nam?”
  • Canada Free Press: “Việt Nam và lý do tại sao chúng ta đã mất Afghanistan”

Thông thường, khi đề cập đến hai chữ “Việt Nam” tại Mỹ, chúng ta không có ý nói đến quốc gia Việt Nam. Việt Nam không phải là Thái Lan hoặc Malaysia. Mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ rất đặc biệt: Nó đã trở thành một tủ chứa đầy ẩn dụ bi thảm – nó có nghĩa là mất sự vô tội của người Mỹ, là bi kịch, là di sản của sự thua trận, và thất bại. Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, người Mỹ đã bị quá khứ ràng buộc, bị những câu hỏi khó trả lời ám ảnh, phải đối diện với một kết cục bi thảm.

Bi thảm đến nỗi chú tôi, một phi công của quân đội miền Nam Việt Nam trong thời chiến, có lần nhận xét bằng một cách hài hước nhưng cay đắng rằng,

“Khi người Mỹ khi nói về Việt Nam, thực sự họ đang nói về nước Mỹ. Người Mỹ không dễ dàng chấp nhận thất bại và những kỷ niệm không hay. Họ cố chạy trốn chúng. Họ có thói quen đổ lỗi cho các nước nhỏ cho những tai ương của Mỹ: AIDS từ Haiti, cúm từ Hồng Kông hay Mexico, ma túy từ Columbia, bão từ biển vùng Caribbean.”

Rồi còn cha tôi nữa; ông chỉ nói về Việt Nam trong chiến tranh sau khi uống vài ly. Khi say, ký ức của ông quay trở lại thời ông còn là một quan lớn, một chiến binh, thời ông đã ra trận và chiến thắng, đó là thời gian khi ông vẫn còn đầy sức sống và hứa hẹn. Nhưng ông không thể nói về hậu quả, về việc thua trận, và sự kết thúc và sự sỉ nhục kế tiếp và những thiệt hại kinh hoàng: về việc các chiến hữu và anh của ông bị đưa vào tù ở những trại cải tạo, và về những người lính mà ông đã để lại khi bỏ chạy.

Ông chỉ có thể ngược về quá khứ tới điểm trước khi thua cuộc. Ông vẫn còn tức giận rất nhiều về những gì đã xẩy ra với Việt Nam, với đồng đội của mình, ông giống như rất nhiều người cùng thế hệ, đã không thể vượt qua cơn giận dữ, đã không thể làm hòa với quá khứ.

Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Và mỗi lần trở lại, tôi đã cố gắng để hiểu Việt Nam ở một góc nhìn nào đó.

Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần từ 1975. Và khi ra khỏi quan điểm của cha tôi, ra khỏi cái bóng của ông, tôi thấy rằng luôn có cách nhìn mới về đất nước đó.

Ví dụ, một vài năm trước đây, tôi trở lại Việt Nam để tham gia vào một bộ phim tài liệu PBS tên là “My Journey Home”, và tôi đã làm như nhiều khách du lịch: Tôi đã đi xem địa đạo Củ Chi, ở Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, một hệ thống đường ngầm phức tạp trong mà Việt Cộng đã giấu trong chiến tranh nhiều năm trước đây.

Địa đạo Củ Chi và du khách. Nguồn: OntheNet
Địa đạo Củ Chi và du khách. Nguồn: OntheNet

Có một số cựu chiến binh Mỹ trong tuổi cuối lục tuần ở đó – họ đã chiến đấu ở Việt Nam và đã mất bạn bè. Đây là lần đầu tiên họ đã trở lại. Họ rất xúc động. Vài người đã khóc sau khi ra khỏi đường hầm. Một cựu chiến binh đã khóc và nói rằng, trong chiến tranh, ông “đã mất nhiều thời gian đi tìm địa đạo này này và đã mất nhiều đồng đội trong cùng công tác đó.”

Tuy nhiên, cô hướng dẫn viên trẻ Việt Nam, sinh ra sau chiến tranh, không nhìn thấy quá khứ: Cô mơ ước cho một tương lai tầm vóc thế giới. Cô ấy nói với tôi rằng vì du lịch mà Việt Nam buộc phải đào xới đường hầm trú ẩn cũ. Sau đó, trong tiếng thì thầm, cô nói,

“Hồi xưa đường hầm nhỏ hơn rất nhiều. Nhưng bây giờ địa đạo Củ Chi mới lại rất rộng. Ông biết tại sao không? Để phục vụ cho những người Mỹ quá béo.”

Cô hướng dẫn viên thường xuyên bò trong đường hầm cùng với người nước ngoài, nhưng ra khỏi đường hầm với những ý tưởng khác. Cô chỉ thấy hình ảnh cầu Golden Gate và xe cáp treo và đường cao tốc hai tầng và Hollywood và Universal Studios. Mắt mơ màng, phản ảnh ước mơ chung của giới trẻ Việt Nam, cô nói, “Tôi có nhiều bạn ở đó. Họ rủ tôi sang. Tôi đang đẻ dành tiền cho chuyến đi tuyệt vời này.” Nếu có thể, cô nói với tôi, cô ấy sẽ đi du học ở Mỹ.

Cặp vợ chồng Việt kết hôn ở Hội An, Việt Nam. Nguồn: OntheNet
Cặp vợ chồng người Việt kết hôn ở Hội An, Việt Nam. Nguồn: OntheNet

Tôi ở đó, đứng ở cuối đường hầm, và suy nghĩ, rốt cuộc, không bao giờ có thể có kết luận cuối cùng về cuộc chiến tranh này.

Có phiên bản của người miền Bắc về cuộc chiến; họ nói là họ giải phóng miền Nam và họ đã cứu người miền Nam thoát khỏi đế quốc Mỹ. Và cũng có phiên bản về cuộc chiến mà chúng tôi, những người lưu vong kể lại, ngày đó là ngày chúng tôi mất nước. Có biết bao câu chuyện thuyền nhân Việt Nam chạy trốn áp bức. Hàng chục ngàn người khác đã bị bỏ tù trong các trại cải tạo. Và cũng có những câu chuyện của những người trai trẻ chạy trốn khỏi một cuộc chiến ở Campuchia, trong chiến tranh ở đó Việt Nam là đế quốc. Tất nhiên cũng có những câu chuyện về các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam để nhìn lại những gì đã mất và để làm hòa với quá khứ.

Và ở đây, một thiếu nữ trẻ, sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, cô cũng nhìn vào đường hầm, nhìn vào tổng hành dinh của Việt Cộng, và cô nhìn thấy những gì? Cô ấy thấy “Thần kỳ Vương quốc” (The Magic Kingdom). Chắc chắn địa đạo Củ Chi đã đưa người ta về với quá khứ, nhưng đối với cô hướng dẫn viên trẻ thì nó rất có thể dẫn đến tương lai. Việt Nam thực sự là một đất nước đầy những người trẻ tuổi, và con số đó đã tăng gấp đôi kể từ khi chiến tranh kết thúc, hiện nay đã lên trên 92 triệu người.

Như thế, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến với rất nhiều bộ mặt, và nó phức tạp vì nhiều quan điểm khác nhau. Trong nghĩa đó, khi chúng ta nói về Việt Nam, chúng ta không nên đơn giản hóa mà nên mở rộng về nhiều phía, để nó trở thành câu chuyện của mọi người, của con người chứ không phải chỉ là phép ẩn dụ có mục đích về thảm kịch.

Ở địa đạo Củ Chi mơ về cầu Golden Gate và . Nguồn ảnh: Dominique Palombieri
Ở địa đạo Củ Chi mơ về cầu Golden Gate và “Thần kỳ Vương quốc” . Nguồn ảnh: Dominique Palombieri

* * *

Vơi riêng tôi thì, trong những năm qua, tôi đã làm hòa với chiến tranh Việt Nam. Tôi đã mất một thời gian dài để đi đến nhận thức rằng đối với những người mà cuộc sống đã bị thay đổi quá đáng vì sức mạnh của lịch sử thì những câu chuyện của cá nhân trong lịch sử là những con suối và những dòng sông đổ ra biển. Câu hỏi đố của James Baldwin là một tu từ, cuối cùng, trong một bài luận văn nhức nhối, ông hỏi và đã lập tức trả lời,

“Ai trong chúng ta đã vượt qua quá khứ của mình? Mọi người đang bị kẹt trong lịch sử và lịch sử đang bị kẹt trong mọi người.”

Nhưng với tất cả trân trọng xứng đáng, người ta có thể phản biện nhận định nghiệt ngã của Baldwin bằng lời khuyên sắc sảo của N. Scott Momaday, “Tất cả đều có thể chịu đựng được, miễn là người có thể kể nó thành một câu chuyện.”

Phản ứng chín chắn hơn với bi kịch đời người không phải là hận thù, cũng không phải là oán giận nhưng là sức bật tâm linh mà người ta có thể, mãi mãi, phấn đấu để vượt qua những hạn chế về tiểu sử của đời mình. Thực sự, lịch sử đang bị mắc kẹt trong tôi, nhưng lịch sử cũng là vấn để của tôi để giải quyết, để phổ biến, để phân biệt và chiếm hữu, và cuối cùng để biến nó thành tự sự văn chương. Vì vậy, tôi viết. Và viết. Và viết.

Và đó là trong những câu chuyện về Việt Nam, trong việc xét đến nhu cầu hiện nay và những vấn đề hiện tại ở đó, và cố gắng đưa ra một số nhận thức, tôi đã tìm thấy đường về.

Và tôi không đơn độc.

Cản Sài Gòn Mới veeff đêm. Nguồn:  OntheNet
Cảnh Sài Gòn Mới về đêm. Nguồn: OntheNet

Một người bạn trẻ Mỹ gốc Việt của tôi từ Los Angeles,có chị đã bị hải tặc Thái Lan giết chết trên đường chạy khỏi Việt Nam, vừa trở lại Sài Gòn; cô bây giờ là một doanh nhân đang lên ở đó. Một người khác, con trai của một cựu đại tá đã ở tù 14 năm trong trại cải tạo, hường tuần trăng mật của anh ở Việt Nam, dù anh không thích chính quyền Hà Nội. Một người bạn khác, cha là thống đốc Huế đã bị biệt giam nhiều năm dưới chế độ cộng sản, tuy nhiên, ông đã trở lại, đã viết một cuốn sách và hiện đang là chủ một quán bar nổi tiếng ở Hà Nội.

Anh họ của tôi, gia đình đã bị cướp mất tất cả, chạy trốn sang Pháp, đã trở lại Việt Nam và kết hôn với một phụ nữ địa phương, sinh con, và mở cửa hàng bán các loại rượu vang Pháp. Anh ấy trở nên giàu có ở vùng đất mà cha anh đã đi tù trong trại cải tạo đầy người nhiễm khuẩn sốt rét. Trong một nghĩa nào đó, đó là cách tốt nhất anh đã trả thù.

Một người bạn khác đã đi một bước xa hơn: Bà bị buộc phải chạy trốn với gia đình như những thuyền nhân ở cuối thập niên 70, đã trở lại Việt Nam với một số tiền quyên được ở Silicon Valley để giúp lập ra một chương trình nhằm ngăn chặn các gia đình nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long khỏi phải bán con của họ cho những kẻ buôn người. Bà ấy thay đổi số phận của nhiều người khác, như bà, để được tốt hơn.

Là kẻ thua cuộc trong chiến tranh, những người này đã trở thành người chiến thắng trong hòa bình.

Họ đã làm lại chính mình và sống cuộc sống của họ, và quan trọng hơn, bằng cách không để cho cơn giận dữ và nhu cầu trả thù thống trị con tim, một số đã trở thành nhân tố tích cực trong việc thay đổi chính Việt Nam.

Vì vậy, cuối cùng chỉ có những cuộc sống đã sống mỗi ngày mới đáng nói; chỉ khi người ta cố gắng hết sức để gây ảnh hưởng và tạo một tương lai tốt hơn cho tất cả loài người mới là điều đáng kể. Chỉ khi người ta đáp ứng nhu cầu và xoa dịu được đau khổ của những người đang sống thì các bóng ma của quá khứ sẽ dịu dần. Và chỉ khi người ta nhìn về Việt Nam, không bằng con mắt bắt nguồn từ lịch sử dữ dội nhưng bằng quan điểm của lòng nhân đạo thì Việt Nam tự nó sẽ mở.

Trước đây không lâu tôi nghe Dalai Lama nói điều này trước một khán giả Mỹ:

dalai-lama-happy
“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, thực tập từ bi.” – Dalai Lama

“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, thực tập từ bi.”

Tôi biết điều đó nói dễ hơn làm. Cơn thịnh nộ và nỗi buồn đôi khi bùng dậy trong tôi, và tưởng chừng như không có gì trên thế giới này có thể dập tắt được chúng.

“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, thực tập từ bi.”

Tác giả Andrew Lam
Andrew Lam

Đó là nếu chúng ta muốn nhìn thấy Việt Nam, hoặc bất kỳ nước nào ngoài địa chính trị của nó, và mối quan hệ lịch sử với Mỹ, thì chúng ta cần mở rộng lòng mình. Nếu chúng ta muốn thấy sự tự do của con người, thì tốt nhất là chúng ta cố gắng duy trì phẩm giá con người. Và nếu chúng ta muốn tìm thấy bình an, thì chúng ta phải tìm một cách để tha thứ cho người khác, và cũng quan trọng không kém, nếu không hơn, là tha thứ cho chính chúng ta.

Bất chấp những nỗi buồn và gánh nặng của ký ức, đó là những gì tôi đang phấn đấu. Và trước sự đau khổ của con người, tôi hy vọng rằng đó là những gì tất cả chúng ta cố gắng đạt được.

Andrew Lâm là ký giả,  biên tập viên với New America Media và là tác giả của “Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora” và “Eats West: Writing in Two Hemispheres”. Cuốn sách mới nhất của ông, “Birds of Paradise Lost”, là một tập truyện ngắn, xuất bản vào năm 2013 và được giải thưởng văn học Miles Pen / Josephine vào năm 2014.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Speech: 40th Year Anniversary of the End of the Vietnam War. Andrew Lâm, Author and editor, New America Media. April 6, 2015.

2 Comments on “40 năm sau